Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ông Phật nhỏ

22/04/201102:34(Xem: 5043)
Ông Phật nhỏ
Phat_Thich_Ca_10

Kính thưa quí vị và các bạn,

Hướng dẫn Phật pháp cho các em Oanh Vũ và ngành Thiếu hôm nay khó khăn hơn ngày xưa rất nhiều, rồi hướng dẫn cho các em Oanh Vũ ở hải ngoại còn khó hơn cho các em ở trong nuớc vì trẻ em ở phương Tây được giáo dục hơi khác với Á Đông mình, tự do hơn, tự lập hơn, lý sự hơn, “ngang hàng với người lớn” hơn. Một em bé mới học lớp ba đã có thể nói với Mẹ rằng: từ hôm nay có nhiều điều Mẹ phải hỏi con chứ không phải là con phải hỏi Mẹ nữa [vì có nhiều danh từ về Thực vật học (Botanic) mà Mẹ không biết, không thể giúp em làm homework được!☺☺!!]… Thế mà các em Oanh Vũ của chúng ta còn chịu học Phật pháp, học Việt ngữ, v.v… nghe lời Anh Chị Truởng - phần đông trẻ tuổi hơn cha mẹ các em_ như thế là chúng ta đã may mắn lắm rồi!

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cho một Anh Chị Trưởng dạy Phật pháp mà gặp những vấn đề có vẻ thần thoại, huyền thoại, huyền bí... nghĩa là khoa học chưa chứng minh được... không biết giảng nói làm sao cho các em hết thắc mắc, cho các em đừng hỏi “tại sao”, “tại sao” và… “tại sao” một cách bất tận! ☺☺!! Thế nhưng, có một bộ phim nhan đề là “Little Buddha” kể chuyện một vị Lat-ma (Lama Norbu) từ Nepal đến Mỹ để tìm hóa thân của sư phụ của Ông là Lama Dorje đã chết và báo mộng cho ông biết các dấu vết để đi tìm và chúng đã dẫn Ông đến cậu bé Jesse người Mỹ ở Seattle, con trai của một kiến trúc sư tên là Dean Conrad, mẹ cậu là Lisa, một giáo sư Toán… Đạo diễn phim đã lồng vào trong này lịch sử đức Phật Thích-ca từ sơ sinh đến thành đạo. Câu chuyện vì vậy vừa có chuyện “tái sinh” vừa có lịch sử đức Phật với nhiều “phép lạ” như hiện tượng “đức Phật sơ sinh đi 7 bước trên những búp sen nở ra dưới chân ngài, hiện tượng Ma vương quấy phá, hiện tượng chiếc bình bát trôi ngược dòng, v.v… Chuyện kể còn những chi tiết tưởng là “chuyện nhỏ” nhưng đã làm thay đổi cuộc đời của một con người, v.v… những điều này nếu ai tin vào Thượng Đế (God) sẽ bảo rằng “do God an bài - đó là ý God” còn đối với người Phật tử thì thấy rõ đó là “trùng trùng duyên khởi” - cái này có vì cái kia có, không do ai “sinh ra” hay “sắp đặt” mà lại ăn khớp với nhau hết. Phim rất được mọi người thích xem, mặc dù mỗi người một ý, thu lượm được những bài học riêng cho mình, cũng không biết có phải là ý của đạo diễn muốn truyền đạt hay không… nhưng đặc biệt là các trẻ em xem phim rất hăng say, có lẽ vì nhân vật chính là một cậu bé chăng. Các em tỏ ra rất thích thú, cảm động, chú ý theo dõi, từ đó một số Huynh trưởng đã xem qua phim này nghĩ rằng người đạo diễn thật tài tình khi tạo ra những hình ảnh có sức thuyết phục ngay cả với những vấn đề siêu hình đối với trẻ em. Các huynh trưởng nghĩ rằng có thể nào học tập để tạo ra những trò chơi (games) Phật hóa cho các em Oanh Vũ hay không…

Xin mời quí vị và các bạn theo dõi cuộc hội thoại bỏ túi giữa các huynh trưởng quen thuộc A, B, C bàn về những cảnh đặc biệt của chuyện phim “Little Buddha” của đạo diễn Bernardo Bertolucci - song song với lịch sử đức Phật Thích-ca từ sơ sanh đến thành đạo - có thể giúp chúng ta cho các em xem, và tự các em hiểu theo cách của chúng, không cần giải thích dông dài.

A: Này các bạn, “Ông Phật nhỏ” là đức Phật sơ sinh hay phim “Little Buddha” vậy hả?

B: Cả hai và không chừng là cả ba nữa đó!

C: Bạn nói bí hiểm quá, sao lại cả ba?

A: Thôi, mình hiểu rồi! Có phải bạn nói đến ông Phật nhỏ là ám chỉ các em Oanh Vũ của mình hay nói đến ông Phật bên trong mình hay không?

B: Đúng vậy! phim Little Buddha đồng thời nêu lên rất nhiều vấn đề, các bạn không thấy sao? Nào là tái sinh, nào là cuộc đời đức Phật Thích-ca, nào là giáo lý Duyên khởi, nào là quá trình phấn đấu với bản thân, nào là trí tuệ vô ngã của đức Phật Thích-ca, v.v…

C: Các bạn thật là giỏi quá, phim coi đã lâu rồi còn nhớ rõ mồn một! Mình quên gần hết rồi! Vậy các bạn chịu khó nhắc lại truyện phim để mình nắm bắt lại đã nha!

A: Truyện phim bắt đầu bằng cảnh Lama Norbu theo lời chỉ điểm trong giấc mơ đến Seattle tìm hóa thân Thầy của mình, ông ta gặp được và làm quen với hai mẹ con của cậu bé Jesse.

B: Mấy hôm sau, khi cha của Jesse là kiến trúc sư Dean Conrad đi làm về thì thấy có hai nhà sư Tây Tạng đang ngồi trong phòng khách nói chuyện với vợ mình là Lisa. Lisa giới thiệu khách với chủ nhà xong thì tóm tắt câu chuyện của hai nhà sư.

C: Rồi, mình nhớ rồi, đó là chuyện các nhà sư do một loạt những giấc mơ thôi thúc và hướng dẫn, họ đã bôn ba theo những dấu vết để từ Nepal (Ấn Độ) đến đây (Seattle, USA) vì họ tin rằng cậu bé 10 tuổi, con trai của gia đình Conrad, chính là hóa thân của vị Thầy của họ. Nhưng mình không nhớ tại sao hai nhà sư có thể thuyết phục cho hai nhà khoa học trẻ kia tin câu chuyện của họ?

A: Lúc đầu hai vợ chồng trẻ kia đâu có tin, và đặc biệt phản kháng, xem là câu chuyện quá sức huyễn hoặc, nhất là khi hai nhà sư muốn đem cậu bé Jesse đi theo họ trở về Bhutan. Trước khi tạm biệt Jesse để về tu viện, Lama Norbu mời Jesse thỉnh thoảng ghé tu viện chơi và tặng cho em một cuốn sách viết về cuộc đời của Siddhartha. Cuốn sách này được Lisa đọc cho Jesse nghe mỗi khi cậu nằm trong bồn tắm hay trước khi đi ngủ.
B: Hình như cuốn sách này đã khơi dậy trong cả ba người của gia đình Conrad một vài sự tỉnh thức - những hạt giống về tôn giáo trong họ được đánh thức cùng với sự tỉnh thức của Thái tử Siddhartha sau khi dạo chơi bốn cửa thành và đang đêm trốn khỏi hoàng cung đi hoàn thành sứ mệnh giải thoát nhân loại chúng sanh ra khỏi đau khổ phiền não…

C: Phải rồi! cho đến một hôm, sau khi đưa Jesse đến chơi với Lama Norbu và từ tu viện trở về, Dean được tin người cousin của mình, người hùn hạp làm ăn chung thân tín của mình vừa tự vẫn! Đúng vậy không?

A: Đúng vậy, “cú sốc” mạnh quá, tất cả quay cuồng trong đầu óc Dean, anh ta thấy cuộc đời quả là ảo mộng, sống và chết, có và không, mộng và thực… chỉ là trong khoảnh khắc!! thế là anh ta không những cho phép Jesse đi Bhutan với Lama Norbu mà chính anh ta cũng đi theo họ và ở đó Dean và Jesse lại được gặp thêm hai hóa thân của Lama Dorje - là một “cậu bé bụi đời” và một cô bé con nhà khá giả - cả hai đều là người Ấn Độ, trạc tuổi Jesse. Cả hai có thân thế khác nhau nhưng phẩm hạnh đều là rất tốt.
B: Cuộc du lịch này giới thiệu cho chúng ta đất nước Ấn Độ với nhiều hình ảnh thời đức Phật còn tại thế như các lò gốm, cách làm những lọ, bình hoa… bằng đất sét, các cô thiếu nữ chèo thuyền trên sông vừa đàn vừa hát, cảnh chư Tăng đi khất thực… đó cũng là xứ sở của rất nhiều người nghèo nhưng cuộc sống tâm linh rất phong phú.
C: Phải rồi, và chúng ta cũng được thấy những trung tâm nuôi dạy những vị Lạt-ma tương lai, những cậu bé thân thể khỏe mạnh, nét mặt thông minh tươi mát, học, làm việc, chơi thể thao… theo thời khóa biểu nghiêm khắc…
A: Các bạn còn nhớ ngay khi ở Seattle, Jesse đến tu viện của Lama Norbu chơi, ông ta đã đưa ra những đồ dùng của Lama Dorje hồi còn sống để lẫn vào nhiều thứ linh tinh khác và Jesse đã nhận ra những đồ dùng quen thuộc trong tiền kiếp của mình (nhưng chỉ có Lama Norbu biết chứ cậu bé không hề hay biết).

B: Và các bạn còn nhớ cách Lama Norbu giải thích “tái sinh” cho Dean hiểu bằng cách đập vỡ bình trà và kết luận: cái bình bể nhưng nước trà vẫn lưu thông, có thể làm thấm ướt khăn lau, tấm thảm, v.v… cái bình là thể xác (body) - là phần vật chất - còn phần “tinh túy” thì không mất, v.v... hay không?

C: Cái đó mà giảng cho các em ngành Thiếu của mình là nó cãi liền đó nha! Nhưng cái câu hát mà các thiếu nữ chèo thuyền hát làm cho ông thầy tu khổ hạnh Siddhartha giật mình tỉnh ngộ đi theo con đường trung đạo, mình chắc là ai cũng tâm phục khẩu phục!

A: Đúng vậy “Hãy lên cho chúng tôi một cây đàn đừng quácao mà cũng đừng quá thấp; dây đàn căng quá sẽ đứt và nhạc sẽ bay, còn giây đàn quá chùng thì sẽ câm, vì nhạc không đến!” Ý nghĩa câu hát thật hay.

B: Mình tâm đắc nhất là đạo quân ma vương đến thị uy với đủ hình thức, mặc giáp sắt, bước rập ràng… những đạo quân của Tham dục (Kãmã), Bất mãn với đời sống Thánh thiện (Arati), Khát ái (Tanhã), Sợ hãi (Bhĩru), Hoài nghi (Vicikicchã), v.v… các em ngành Thiếu xem và hiểu được đó là “những người xấu” dụ cho những thói hư tật xấu, là Ma vương hay Tâm Ác trong bản thân mình và đức Phật là Phật tánh.

A: Mình thì tâm đắc nhất là đọan đức Phật “đối diện” với chính mình - mà ngài gọi tên là “người thợ cất nhà”: xuyên qua nhiều kiếp sống luân hồi, ta đi lang thnag, đi mãi, ta đi tìm hoài mà không gặp, ta đi tìm người thợ cất cái nhà này; lập đi lập lại đời sống quả thật là phiền muộn!

Này hỡi người thợ làm nhà, ta đã tìm được bạn!

Từ nay bạn không còn cất nhà cho ta nữa.

Tất cả sườn nhà đều gãy, cây đòn dông của bạn dựng lên cũng bị phá tan.

Ta đã chứng nghiệm quả vô sanh bất diệt, và ta đã tận diệt mọi Ái dục.

B: Đúng vậy, lời tuyên bố thật là tuyệt vời, đây là sự kiện hiển nhiên cho thấy Phật tử tin Phật thì tin sinh tử luân hồi, nhân quả, nhân duyên…

C: Mình nhớ cảnh đức Phật chiến đấu với ma vương, nói chuyện với người thợ xây nhà... đều có sự chứng kiến của cả hai cha con Jesse và hai em bé Ấn Độ nữa! Có phải vậy không?

A: Phải rồi, bởi vậy mới nói đạo diễn “lồng” lịch sử đức Phật Thích-ca vào truyện phim mới từ từ giải thích, hướng dẫn người xem vào các vấn đề tái sinh, nhân quả, duyên khởi, nghiệp, v.v... theo quan điểm Phật giáo chứ! Lịch sử đức Phật được kể song song với diễn tiến của truyện phim nên rất sinh động, như đang xảy ra chứ không phải là chuyện của hai ba ngàn năm trước. Đây đúng là phương pháp hoằng pháp thật hữu hiệu!

B: Chính thế! Người thợ làm nhà không ai xa lạ, mà chính là đang ẩn tàng trong mỗi chúng ta, đó chính là Ái dục. Cái sườn nhà là những tâm ô nhiễm: tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, không biết hổ thẹn, lười biếng, phóng dật, v.v… Cây đòn dông là căn nguyên xuất phát mọi dục vọng, đó là vô minh.

C: Thật vậy, nhờ xem phim, các em ngành Thiếu hiểu rõ thế nào là ngôn ngữ biểu tượng, chúng ta không cần định nghĩa lôi thôi. Các em hiểu được “phá vỡ cây đòn dông” bằng trí tuệ hay “dùng trí tuệ làm sập căn nhà ngũ uẩn” có ý nghĩa là gì - các em đã học ngũ uẩn, 12 nhân duyên rồi thì càng dễ nắm bắt!

A: Mình nghĩ đó là lợi điểm của phương pháp giáo dục thính thị, vừa được nhìn, nghe kể chuyện, nghe giảng giải, v.v... thì tác dụng gấp nhiều lần so với chỉ được nghe, mà không được nhìn thấy… hay ngược lại!

B: Mình suy nghĩ không biết chúng ta có thể bắt chước đạo diễn, lồng những bài Phật pháp vào những trò chơi điện tử (games) cho các em Oanh Vũ, thay vì để các em say mê những games bên ngoài, toàn cả đấm đá, la hét, gợi sự bạo động nơi trẻ em… đó có thể là phần nào đóng góp vào những vụ xách súng vào trường bắn bạn bè, thầy cô giáo…

C: Đã không đặt vấn đề thì thôi chứ đã đặt ra thì thế nào cũng có cách giải quyết, ACE chúng ta có “trí tuệ tập thể” mà!

A: Sáng kiến của các bạn rất hay nhưng ngoài vấn đề kỹ thuật còn có vấn đề nội dung trò chơi có chuyên chở đúng giáo lý hay không nữa đó nha! Vì vậy, chúng ta còn phải nhờ quý Thầy cố vấn nữa - trước khi đưa ra phổ biến rộng rãi.

B: Đúng! Đúng! nhưng trở lại truyện phim “Little Buddha” với đoạn kết thật cảm động.

C: Các bạn kể đi, mình quên rồi, hình như cuối cùng ông Lama Norbu viên tịch phải không?

A: Phải rồi, Lama Norbu ra đi nhẹ nhàng sau khi gặp gỡ cả ba đứa trẻ, đưa các em về tu viện làm quen với các trẻ em cùng tuổi và cùng căn cơ. Một hôm Lama Norbu ngồi thiền rồi “đi” luôn . Một buổi lễ cầu nguyện theo truyền thống Tây Tạng hết sức trang nghiêm, hoành tráng làm mọi người xúc động, nét mặt ai cũng bùi ngùi thương tiếc, cả ba đứa trẻ [lúc đó đã được công nhận là hóa thân của Lama Dorje, mặc lễ phục, đội “vương miện” (?)] cũng có phong cách chững chạc, trang trọng như chư Tăng - không cười đùa, mất trật tự... như các trẻ em cùng tuổi ở ngoài đời - Dean, cha của Jesse cũng tỏ ra đau buồn vì đã được Lama Norbu xem như bạn trong thời gian chung sống và mới hôm qua còn thăm hỏi nhau, Lama nói với Dean ông thấy hơi mệt …

B: Tro của Lama Norbu đuợc phân chia ra và ba em cũng được chia phần; cảnh cuối là ở tại trú xứ của ba em, mỗi em “xử lý” phần tro theo kiểu riêng: Jesse cùng với cha mẹ, đi thuyền ra giữa biển, rải tro xuống nước; em bé gái đem cất vào hốc cây trong vườn cây của em - vườn cây chưng bày giống như Bồ-đề đạo tràng, nơi đức Phật Thích-ca thành đạo - còn em bé trai “bụi đời” thì treo gói tro vào một bong bóng bay, cho bay lên bầu trời.

C: Mình nhớ lại rồi, lúc trở về Seattle thì mẹ của Jesse đang có thai phải không? Cái bụng lớn đã trông thấy rõ được rồi.

A: Đúng vậy, truyện phim kết thúc khi Lama Norbu viên tịch và một bào thai vừa hình thành trong bụng của Lisa... khiến cho khán giả dù muốn dù không phải trầm tư về sinh, tử, tái sinh, lại chết… nghĩa là vòng luân hồi vô tận.

B: Vậy cho nên mình mới nói buổi hội luận của chúng mình hôm nay không chỉ nói về một “Ông Phật nhỏ” mà cả Ông Phật trong mỗi con người và những vấn đề như nhân quả, nhân duyên, con đường trung đạo, v.v… mà ACE chúng mình đã được học trong Phật pháp nữa.

C: Thật vậy, mình thấy được lợi lạc nhiều; cảm ơn các bạn lắm.

A: Nhân mùa Phật Đản, mình thân chúc các bạn và tất cả ACE Áo Lam khi tham dự lễ Tắm Phật, nhớ thường xuyên tắm cho “Ông Phật nhỏ” ẩn tàng bên trong chúng ta nữa nha!

B: Mình cũng xin chúc mọi người một mùa Phật Đản an lạc và giải thoát. Xin tạm biệt và hẹn tái ngộ!

A và C: Tạm biệt! Tạm biệt!■

Nguồn: Tập San Pháp Luân 74

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com