Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bảy bước đi sen nở

13/04/201104:45(Xem: 4015)
Bảy bước đi sen nở
phat-dan-sanh-01
BẢY BƯỚC ĐI SEN NỞ
Huỳnh Ngọc Trảng

Tuy là Bậc Đạo sư sáng lập Phật giáo, song các kỳ tích của Phật Thích Ca Mâu Ni đã vượt khỏi khuôn khổ của một vị Phật lịch sử để trở thành những biểu tượng kỳ vĩ hàm chứa nhiều tầng ngữ nghĩa vừa phổ quát vừa riêng biệt. Ở bài viết này, chúng ta thử tìm hiểu một tình tiết của kỳ tích Phật đản sinh: Bảy bước đi sen nở.

Trong các ghi chép về sự kiện này, có lẽ nội dung đoạn văn trong kinh Dirghagama (Trường A Hàm) là đáng chú ý nhất: Thái tử Sakyamuni Gautama, khi vừa sinh ra đã đi bảy bước về mỗi phía trong bốn phương và chỉ tay phải lên trời, tay trái xuống đất, tuyên bố: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Dưới mỗi bước chân của thái tử, đất nẻ ra, mọc lên một đoá sen… Ở đây có hai biểu trưng cần xem xét trước tiên: hoa sen và con số 7.

Sen và các biểu trưng của sen

1. Sen (Nelumbo Nucifera) là một loại thực vật thuộc họ “túc căn thảo” (loại cây nảy mầm từ rễ củ), màu sắc đẹp đẽ, nở vào mùa Hạ, mọc từ bùn lầy mà tinh khiết, thơm tho. Do đó, sen được mọi người, mọi dân tộc ưa chuộng, kể cả người Việt:

Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh, bông trắng, lại chen nhuỵ vàng.

Nhuỵ vàng, bông trắng, lá xanh,

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Rõ ràng, sắc tướng toàn mỹ trội bật “trong đầm gì đẹp bằng sen” là hiệu quả trực quan khiến sen chiếm được mỹ cảm của thế nhân, nhưng chính tính vô nhiễm “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” đã làm sen trở thành loài hoa đệ nhất hạng. Sen mọc từ bùn nước nở thành đoá hoa xinh đẹp cực kỳ: những sức mạnh của sự sống có thể biến đổi bùn lầy của tồn tại vật chất ấy thành Cực lạc, Niết bàn. Hoa sen – Phật Thích Ca Mâu Ni ngự trên đó – là bản thể Đức Phật, không bị bùn lầy samsàra tác động.

Chính Phật là Bậc Tự Tại (Svayambhu) nên đài toạ hoa sen biểu thị sự thiêng liêng tôn kính này. Nhiếp Thừa Luận Thích, 15, có giảng rằng: Hoa sen có 4 đức: hương (thơm), tịnh (sạch), nhu nhuyễn (mềm mại) và khả ái (đáng yêu). Đó là bốn đức Chân như, biểu trưng của Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Lại nữa, Hoa Nghiêm thám huyền ký, quyển 1, chỉ rõ các ý nghĩa tượng trưng của hoa sen: 1/ Vi diệu nghĩa (chỉ Đức Phật rời khỏi tầm thường nên nói hoa là nghiêm); 2/ Khai phu nghĩa (chỉ hạnh mở giác bày thù thắng); 3/ Đoan chính nghĩa (chỉ tướng viên mãn); 4/ Phân hinh nghĩa (chỉ đức thơm tho, tự phát lộ thơm ngát); 5/ Thích duyệt nghĩa (chỉ cái đức thắng vượt tạo nên niềm hoan lạc không dứt); 6/ Xảo thành nghĩa (chỉ đức tướng đã tu thành rất khéo đẹp); 7/ Quang tịnh nghĩa (chỉ việc dứt lìa chướng nghiệp mà được thanh tịnh); 8/ Trang sức nghĩa (tuỳ theo bản tánh mà làm tăng vẻ đẹp); 9/ Dẫu quả nghĩa (chỉ việc sinh ra nhân để tạo quả của Phật); và 10/ Bất nhiễm nghĩa (chỉ việc ở trần thế mà không bị tiêm nhiễm như sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”).

2. Ngoài ý nghĩa biểu trưng bản thể Đức Phật, sen cũng biểu thị tầng ngữ nghĩa phổ quát hơn. Xuất hiện từ bùn nước của sen, chính sự hiển hách trong bối cảnh đó, sen biểu hiện sự sống xuất hiện đầu tiên trong khoảng mênh mang không rõ sắc màu của những vùng nước khởi nguyên; đó là biểu trưng sự sinh tạo, tái sinh, phục sinh… Như vậy, hoa sen, trước hết là bộ phận sinh tạo, bảo đảm cho các cuộc sinh thành và tái sinh truyền lưu mãi mãi (I, 800).

Ý nghĩa biểu trưng này thấy trong truyền thống Ấn Độ cổ đại, sen được coi là sinh ra từ bóng tối và bừng nở ngoài ánh sáng, biểu thị sự thăng hoa tinh thần. Ở đó, nước là trạng thái bất phân nguyên sơ, sen biểu thị sự hiển hiện phát ra từ đó, sen nở trên bề mặt như một quả trứng thế giới: Nụ hoa biểu trưng quả trứng, hoa nở chỉ cho trứng nở; nó thực hiện khả năng hàm tàng mầm mống ban đầu. Một minh dụ cụ thể là thần thoại khai sinh vũ trụ Hindu, được thể hiện trong khoa tranh tượng Ấn giáo: Vishnu ngự trên mặt đại dương nhân quả và từ rốn của Vishnu nhô lên một đoá sen nở chứa đựng thần Sáng tạo Brahma, khởi nguyên xu hướng khai mở (rajas). Ở đây, hoa sen (mọc từ rún Vishnu) biểu thị ngọc châu Mani – của đất và mặt khác cũng biểu trưng cho nước và sự sáng tạo (II,2). Thần thoại thiên địa khai tịch Hindu nói trên của phái Vishnu đưa ra một cảnh giới có mối tương đồng với thế giới trang nghiêm thanh tịnh “Liên hoa tạng” của Đại Tỳ Lô Giá Na trong kinh Hoa Nghiêm và thế giới “Liên hoa hải tạng” ở kinh Phạm Võng.

Hoa sen không những có vai trò quan trọng trong điện thờ Hindu mà cả trong Phật giáo. Nó biểu trưng cho sự tự thân sáng tạo. Điều này giải thích tại sao thần Brahma của đạo Hindu ngồi trên hoa sen và chư Phật, Bồ tát đều lấy hoa sen làm đài toạ. Các Phật A Đề (Adi Buddha) đều tự xuất khởi từ ngọn lửa phát lên từ hoa sen.

Việc hoa sen biểu thị như quả trứng thế giới (với nụ / búp là trứng; hoa khai là trứng nở, khai mở) đã nêu trên đây có thể thấy trong các biểu dụ của tông Tịnh Độ: 1) Thai cung: Nơi vãng sinh của các bậc hạ phẩm hạ sinh. Hành giả tu các công đức với tâm nghi hoặc, tuy vãng sinh về Tịnh độ Di Đà, nhưng lại ở trong búp sen chứ không được ra, trong 500 năm không được thấy Phật, nghe pháp, xa lìa tất cả thiện căn thù thắng. Giống như nằm trong thai mẹ tối tăm, nhưng hành giả vẫn cho là nằm trong cung điện nên gọi là Thai cung. Hội vô lượng thọ / kinh Đại Bảo Tích, 18: “Các chúng sinh ấy ở trong búp sen…” (III7546); 2) Liên thai: Người niệm Phật vãng sinh Tịnh độ đều từ hoa sen hoá sinh như trong thai mẹ nên gọi là liên thai. Liên tông bảo giám: “Khi vãng sinh Tịnh độ, vào liên thai kia, thọ hưởng các sự sung sướng” (III,3717). Nói rộng hơn, hoa sen biểu thị cho nguyên lý nữ tính, điều này Kim Cang thừa trình bày những biểu trưng của hoa sen cụ thể và chi tiết hơn (II,2).

Bảy bước đi sen nở

1. Cũng như bộ năm (ngũ) truyền thống Trung Quốc (bắt nguồn từ việc quy toàn bộ mọi thứ vào Ngũ hành: Ngũ kim, ngũ vị, ngũ tạng, ngũ cốc, ngũ luân…), bộ bảy (thất) là biểu trưng cho một tổng thể hoàn chỉnh. Bộ bảy / con số 7 xuất hiện phổ biến trong hầu hết các nền văn hoá, các tôn giáo: từ đạo Cơ Đốc (7 xuất hiện 40 lần trong Khải huyền, 77 lần trong Cựu ước và Phúc âm: 7 tuần lễ, 7 phép lạ, 7 xác nhận của Chúa Kitô… [I,71-72] đến đạo Hồi (7 tầng trời, 7 tầng đất, 7 biển, 7 ngàn địa ngục, 7 cửa, đi 7 vòng quanh K’aba là nghi lễ bắt buộc của tín đồ hành hương đến La Mecque… [I, 72]), đạo Vệ đà, thuật Yoga (Ấn Độ)… Đối với Phật giáo, bộ bảy cực kỳ phong phú: thất bảo (thất bảo chúc [7 loại cháo cúng Phật], thất bảo hoa, thất bảo tháp, thất bảo ngục…), thất bất khả tị (7 điều không tránh được), thất bất thiện luật nghi (7 ác giới), thất cảnh giới, thất cấu, thất cú đáp, thất chân như, thất chi, thất chi luận pháp, thất chúng, thất chủng biện, thất chuyển thức, thất tri (7 thiện pháp), thất uế hạnh, thất xứ thuyết, thất xứ trưng tâm v.v…

Bộ bảy biểu trưng cho một tổng thể hoàn chỉnh, không chỉ giới hạn ở việc định lượng một tập hợp tối đa mà còn có nghĩa là một chu kỳ toàn hảo, viên mãn, một sự hoàn thiện năng động… Trạng thái quá độ sau khi chết kéo dài 49 ngày (7x7) mà chúng ta thấy trong kinh Địa Tạng là một chu kỳ “trọn vẹn của thời gian” chuyển đổi từ cái này đến cái khác: một sự đổi mới. Ví dụ khác: Mỗi kỳ mặt trăng kéo dài 7 ngày và 4 kỳ trăng khép lại một chu kỳ (7x4=28). Ở đó, số 7 chỉ chiều hướng của một sự thay đổi sau một chu kỳ đã hoàn thành và của chu kỳ mới; các chu kỳ kế tiếp chuyển đổi / miên viễn. Theo Tom Chetwynd: “Giống như mười hai (3x4), bảy (3+4) là đơn vị thời gian cơ bản và thời gian là chiều kích của tinh thần và là thành phần chính yếu cần thiết cho sự thay đổi hay biến đổi. Vì vậy nó là biểu trưng cho năng lượng và sự vận động, đối lập với vật chất và vật liệu; hay nói rộng hơn, đây là kết hợp thể của hình vuông (4 góc) của thực tại tĩnh và nguyên lý động của tam giác (3 góc), hệt như lửa làm chuyển hoá các nguyên tố khác (giống như Ngọc châu trong đoá sen – Om Mani Padme hum – là vũ trụ chứa đựng pháp / dharma đoạn trừ ảo ảnh Màya để chuyển thành Niết bàn – HNT). Số bảy thường là bước/ chặng cuối cùng trước khi hoàn thành, từ không đến vô tận” (IV, 287-288). Những dữ liệu nêu trên ít nhiều đã cung cấp cho chúng ta những căn cứ để hiểu một khía cạnh của bảy bước đi sen nở.

2. Trong Kinh tạng, hoa sen với nhiều dạng thứ đặc dị xuất hiện khá nhiều, tích hợp thêm các tinh nghĩa phong phú. Kinh Đại bát nhã có nhắc đến “Thiên diệp liên hoa” (hoa sen nghìn cánh), luận Đại trí độ lại phân làm 3 loại hoa sen: Nhân hoa (hơn 10 cánh), Thiên hoa (100 cánh), Bồ tát hoa (1.000 cánh); lại nữa, trong kinh Đại thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán đề cập đến các thần Phật ngồi trên hoa sen trăm cánh giảng bách pháp minh môn, ngồi trên sen ngàn cánh giảng thiên pháp minh môn, ngồi trên sen vạn cánh giảng vạn pháp minh môn cho các hạng Bồ tát. Còn đài sen mà Phật Lô Xá Na ngồi (kinh Phạm Võng), chung quanh có ngàn cánh thị hiện hàng ngàn Đức Thích Ca, ngồi dưới cội bồ đề, cùng lúc thành đạo…

Trong các dạng thức của hoa sen, chúng ta cần lưu ý đến dạng hoa sen phổ biến nhất là sen tám cánh (bát diệp) mà Phật ngồi ở chính giữa (trung toà) trong đồ hình gọi là Cửu tự mạn đà la. Ở đây, tám cánh hoa biểu thị không gian tám hướng và sen, như vậy, còn là biểu tượng cho sự hài hoà vũ trụ. Ý nghĩa này thể hiện trong các đồ hình Mạn đà la cũng như các Yantra. Tám hướng biểu thị cho tổng thể không gian. Tám ở đây là 4 phương chính và 4 phương bàng; giản lược lại, bốn phương chính cũng đủ để biểu thị cho tổng thể không gian. Đó là điều mà đoạn trích dẫn trong kinh Trường A Hàm nêu ở đầu bài viết đã chỉ rõ: Thái tử Sakyamuni Gautama, khi vừa sinh ra, đã đi 7 bước về mỗi phía trong bốn phương.

3. Ở chiều kích khác, số bảy biểu thị 6 hướng không gian cộng với 1 trung tâm. Một thần thoại Hindu giáo gắn cho Mặt trời 7 tia sáng, ứng với sáu hướng không gian, tia sáng thứ 7 ở trung tâm. Tương tự cầu vồng không có 7 sắc mà chỉ có 6: màu thứ 7 là màu trắng, tổng hợp của 6 màu kia. Cũng vậy, vũ trụ luận Ấn Độ cổ đại mà Phật giáo đã thừa kế cũng cho rằng trong lớp biển mặn Hàm hải, mỗi châu (lục địa: divìpa) nằm giữa 7 lớp núi vàng (luân vi) là một đại thiết vi. Lại nữa, ngọn núi trung tâm của vũ trụ luận Phật giáo là Tu Di sơn (Someru) có “thất bảo giai đạo”, hai đường giai đạo có 7 lớp tường báu, 7 lớp lan can, 7 lớp mành lưới, 7 lớp hàng cây… (III, 6913-6914). Điều này chỉ ra con số bảy là biểu thị cho một tổng thể không gian toàn hảo, một tối đa không còn gì hơn được về lượng lẫn chất.

Trở lại sự kiện “bảy bước về bốn hướng và dưới mỗi bước nở một đoá sen”, chúng ta thấy 7 là tổng số 6+1. Đây là biểu tượng cho sáu hướng không gian và một trung tâm (duy ngã độc tôn); 6 hướng ở đây là 4 phương (Đông Tây Nam Bắc) và hai hướng của trục vũ trụ thẳng đứng (thiên thượng: tay phải chỉ trời và thiên hạ: tay trái chỉ đất). Đó là toàn bộ vũ trụ, hiểu theo nghĩa: “Bốn phương trên dưới là vũ, xưa qua nay lại là trụ” [Đào Duy Anh: Hán Việt từ điển giản yếu, Trường Thi xb, S.1957, tr.567]. Như vậy, nói rộng hơn 6+1 biểu thị cho một tổng thể không gian và tổng thể thời gian. Ở đó, biểu lộ cái bí mật của con số 7: sự trở về với trung tâm, với bản nguyên với kết cục của bộ sáu, hoàn thành ở bộ bảy. Đến đây, chúng ta thấy rõ sự tương hợp giữa sự kiện “đi 7 bước sen nở” về 4 hướng và tư thế/ cử chỉ của Phật đản sinh tạo thành một biểu tượng tổng hợp đa nghĩa mà chúng ta còn phải tiếp tục truy tìm.

Huỳnh Ngọc Trảng


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
06/06/2024(Xem: 1489)
Hạnh phúc thay Đức Phật giáng sinh Hạnh phúc thay giáo pháp cao minh Hạnh phúc thay tăng già hòa hợp Hạnh phúc thay tứ chúng đồng tu (Kinh Pháp cú phẩm Phật Đà 194) Trước khi Đức Phật ra đời, Ngài đã mang một hoài vọng lớn cho cuộc đời này rồi. Cho nên trong Trường Bộ Kinh có ghi: Ta ra đời vì lợi ích, an lạc cho số đông, vì lợi ích an lạc cho chư thiên và loài người. Đây là hoài vọng của chư Phật nói chung hay Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói riêng.
01/05/2024(Xem: 1063)
Nhạc phẩm: Bởi Vì Tim Con Có Phật - Thơ: Như Nhiên Thích Tánh Tuệ | phổ nhạc Nhất Luân
18/03/2024(Xem: 2967)
Thông Báo Lễ Ra Mắt DVD nhạc : Đêm Thành Đạo của Ca Sĩ Gia Huy, do Gia Huy Music Tâm ca & nhóm Tuệ Đăng tổ chức tại tại San Jose, Cali, Hoa Kỳ ngày 23/3/2024
12/10/2023(Xem: 3675)
"We Are the World" is a charity single originally recorded by the supergroup USA for Africa in 1985. It was written by Michael Jackson and Lionel Richie and produced by Quincy Jones and Michael Omartian for the album We Are the World. With sales in excess of 20 million copies, it is the eighth-best-selling physical single of all time. Conductor • Quincy Jones Soloists (in order of appearance) • Lionel Richie • Stevie Wonder • Paul Simon • Kenny Rogers • James Ingram • Tina Turner • Billy Joel • Michael Jackson • Diana Ross • Dionne Warwick • Willie Nelson • Al Jarreau • Bruce Springsteen • Kenny Loggins • Steve Perry • Daryl Hall • Huey Lewis • Cyndi Lauper • Kim Carnes • Bob Dylan • Ray Charles
22/06/2023(Xem: 5015)
Văn nghệ trong GĐPT là một bộ môn không thể thiếu, có tác động vô cùng lớn trong sinh họat và là một phương tiện truyền đạt giáo lý, giáo dục rất hữu hiệu. Người huynh trưởng GĐPT do đó ngoài vai trò giáo dục thường là những người nghệ sĩ có trái tim rung động, có trí óc sáng tạo và hiểu rõ những tác dụng của ngôn ngữ, âm thanh.
12/06/2023(Xem: 2112)
Lâng lâng dòng suối ngọt ngào Diệu vi hương ngát lối vào cửa không Sen tươi chẳng nhuốm bụi trần Lắng hồn tỉnh thức chuông ngân nhẹ nhàng
16/02/2023(Xem: 4816)
Chuyện kể về Đức Phật lúc thành Đạo qua tiếng hát của ca sỹ Quốc Việt, sáng tác Minh Thiện Phước, mixed by Howard Le. Video clip credited: Little Buddha - Keanu Reeves (1994 - BernadoVertoluci - Pathé, Miramax, Walt Disney Studios Motion Pictures)
29/06/2022(Xem: 8512)
Nhạc phẩm: Di Hành (do Ca Nhạc Sĩ Thùy Linh sáng tác & trình bày)
29/06/2022(Xem: 7716)
Nhạc Phẩm: Phật Tức Tâm, Tâm Tức Phật (do Ca Nhạc Sĩ Thùy Linh sáng tác và trình bày)
27/05/2021(Xem: 11060)
Lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, lễ kỷ niệm ngày đản sinh, thành đạo và Niết bàn của Đức Phật (Vesak), đã được tổ chức trọng thể tại Tòa Bạch Ốc ngày hôm nay. Để tôn vinh Đại lễ Vesak, một tuyên bố chính thức từ Tòa Bạch Ốc đã được Tổng thống Biden công bố: “Jill và tôi gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới các Phật tử ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới khi họ kỷ niệm Vesak, một ngày tôn vinh sự đản sanh, giác ngộ. , và Niết bàn của Đức Phật. Nghi lễ thắp sáng một ngọn đèn, biểu tượng của ngày lễ đã được tổ chức hơn 2.500 năm này, nhắc nhở chúng ta về những lời dạy từ bi, khiêm tốn và vị tha của Phật giáo vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Vào ngày này, chúng tôi cũng tưởng nhớ nhiều đóng góp của các Phật tử ở Mỹ, những người đã làm giàu cho cộng đồng và đất nước của chúng tôi khi tất cả chúng ta cùng nhau hướng tới những ngày tươi sáng hơn ở phía trước. ”
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com