Đối diện mùa Xuân, các thiền sư cũng thường làm thơ. Thiền sư Thanh Viễn Phật Nhãn có tám câu:
Ngày xuân xuân trong núi
Việc xuân thảy đều xuân
Hồ xuân ánh xuân chiếu
Khí xuân kết mây xuân
Khách xuân lòng xuân động
Thơ xuân xuân càng tươi
Chỉ có người biết xuân
Muôn kiếp một mùa xuân.
Dàn trải nét hân hoan tươi mới khắp tận núi khe sông hồ, đâu đâu cũng thấy một màu xuân. Nếu để lòng buồn vui theo cảnh, đó gọi là khách của mùa Xuân, mãi mãi không tự dừng, nên bị gọi là xuân khách. Như giới trẻ chúng ta ăn mặc theo mùa gọi là thời trang, không biết trong cuộc chơi này mình là chủ thời trang hay bị thời trang làm chủ. Trước mắt là thấy mình luôn làm khách hàng vào mấy shop. Cần có một lời nhắc ở đây: Phải là người biết xuân. Người này nắm được nguyên lý tột cùng chi phối vũ trụ, người cùng vận hành với muôn vật, cùng tang thương biến đổi nhưng không bao giờ mất nét xuân xưa, nên gọi "Muôn kiếp một mùa Xuân".
Một năm trôi qua thật nhanh, mới thấy ngày mồng một Tết rộn rịp chúc tụng, người người nói những lời tốt đẹp, hy vọng một năm toàn là phát tài, hỷ sự. Ngày đầu năm mới, người ta thích tất cả đều mới. Nhà thơ Lâm Xuân Thi nói:
Nếu không phải ngày mồng một
Anh mặc chi áo mới may này.
...
Nếu không phải là ngày mồng một
Chưa chắc em nở nụ cười này.
Thiệt cũng có những nụ cười phải để dành cho ngày đầu năm, cũng như ngày đó đừng nói những chuyện xúi quẩy sợ "dông" cả năm, hay là đừng quét nhà sợ tiền tài bay hết. Bao nhiêu là chuyện cho ngày mồng một. Vậy mà, qua mồng hai mồng ba, cái mới tinh khôi đã phai nhạt, cái trang trọng bớt trang trọng, cái cũ dần dần chiếm chỗ. Thoắt cái đến rằm tháng Giêng đi chùa Bà Bình Dương; rồi xúm nhau đi Dinh Cô Long Hải, tháng Hai; núi Tà Cú Phan Thiết tháng Tư. Giới xe khách bận rộn vào vụ mùa. Sẽ thấy mùng năm tháng Năm, rồi rằm tháng Bảy, rằm tháng Tám trung thu trăng tròn. Khi rằm tháng Mười xuất hiện là người ta lo chạy tiền ăn Tết. Không thể đi, phải chạy mới kịp, dù biết chạy là thời gian cũng qua mau.
Hòa thượng Quản Giám nói kệ:
Năm trước gặp thanh xuân
Mặt hồng khoe đào lý
Năm nay gặp thanh xuân
Tóc bạc đầy cả mái
Người đời tuổi bảy mươi
Nhanh như dòng nước chảy
Chẳng ngộ tâm xưa nay
Sanh tử nào thoát khỏi.
(Thiền sư Trung Hoa,
HT.Thanh Từ dịch)
Những khứ niên (năm đã qua) kéo nhau đi mất, tuổi trẻ một thời trôi qua, mấy đứa trẻ hàng xóm ngày nào còn cỡi trâu, chăn bò đen nhẻm, thoắt một cái đã thành thanh niên thiếu nữ. Nhìn thấy nó lớn là biết mình đã già. Xuân năm nay rồi cũng thành khứ niên, tóc bạc không từng xanh lại - trừ khi nhuộm. Thiền sư nhìn một đời người chảy nhanh như nước cuốn ra biển, một đời như thế, trăm ngàn đời cũng thoáng nhanh. Có một người xưa nay y như vậy, không đổi khác, người đó rất gần với chúng ta.
Với năm mới, chúng ta nói là mình thêm một tuổi, Thiền sư Thiên Tùng nói là tuổi ta giảm một năm:
Sáng nay đều nói thêm một tuổi
Tôi bảo ngày này bớt một năm
Thêm bớt lại qua số khôn tính
Chỉ cần dứt sạch duyên thế gian
Cốt là biết được trong duyên chủ
Trăm ngàn ức kiếp thường
an nhiên.
Bốn mùa thay đổi là duyên của vạn vật. Tuổi trẻ sắc tươi, tuổi già khô héo là duyên của thân người, biết được người chủ trong muôn duyên biến đổi mới không bị biến đổi.
Thiền sư Pháp Diễn một hôm nói:
- Hôm qua sơn tăng vào thành thấy một đám múa rối, bèn đến gần xem. Thấy bọn họ có kẻ xinh đẹp phương phi, có kẻ xấu xí dị hình, cả đám tới lui đi đứng lăng xăng, điệu bộ ra phết. Xem kỹ té ra có người điều khiển sau tấm màn. Sơn tăng không nhịn được bước tới hỏi y: Ông tên họ gì? Y bảo: Hòa thượng già này, thấy rồi thì thôi hỏi tên họ làm gì?
Cái gọi là đời sống của chúng ta, gẫm ra là một tuồng múa rối lăng xăng, ngày lẫn đêm bị người giựt dây không thôi. Nhìn được người giựt dây này, không cần biết họ tên, bởi vì một khi gọi tên là từ đó tang thương đìu hiu.
Hỏi tên rằng biển xanh dâu
Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên rằng một hai ba
Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.
(Bùi Giáng)
Thiền sư và thi sĩ vốn ít lời, vì biết rằng khi lập danh là xa đạo. Nhưng chính vì chúng ta ngây ngô quá đỗi, hóa ra các vị lại là người nói nhiều hơn ai hết. Thử đọc ngữ lục của các thiền sư và các tập thơ của thi sĩ. Ngài Pháp Diễn có một đệ tử là Phật Quả Viên Ngộ, xuất thân Nho học, từ nhỏ mỗi ngày nhớ được cả ngàn lời. Làu thông kinh sử như vậy, khi đến học với ngài Pháp Diễn, nghe thầy nói chuyện với quan Đề hình về câu thơ Tiểu Diễm:
Từng kêu Tiểu Ngọc nguyên
không việc
Chỉ cốt anh chàng nghe được thôi.
Tiểu thư trong nhà luôn gọi người hầu Tiểu Ngọc, không việc gì khác ngoài việc ra ám hiệu cho anh chàng ngoài kia. Thời nay chắc không cần phiền phức thế, chỉ cần bấm di động là được. Ngài Pháp Diễn nói chuyện đó, có khi muốn nhắc thị giả Viên Ngộ, vốn là người hay thơ giỏi chữ. Quả nhiên sau chuyện này, Viên Ngộ chợt tỉnh, sư làm kệ trình thầy, một bài kệ như thơ, lời ý đẹp mơ màng.
Mùa Xuân lại về, người và vật thay áo mới. Thiền sư cũng theo nhân tâm khen ngợi mùa Xuân, nhưng chủ ý không phải khen suông, muốn nắm tay dắt chúng ta trở về chỗ mới mẻ nguyên sơ, chỗ Xuân bất tận ấy. Chỉ hiềm đời sống đa đoan, để bao nhiêu lần Tết đến Xuân về, chúng ta chỉ mãi là trẻ con mừng áo mới.