Chiều 28 Tết, thị trấn Nghĩa An đông hơn mọi ngày. Các shop hàng nườm nượp người ra vào, ai cũng muốn đổi mới mình khi xuân về. Đổi mới từ cái đầu tóc cho đến đôi dép dưới chân. Có lẽ vì vậy nên cửa hàng nào cũng đông chật người chờ đợi. Mặt trời sắp lặn sau núi, chỉ còn sót lại ánh sáng hanh vàng cuối ngày nhợt nhạt, bà Sâm vẫn còn ngồi trên manh chiếu được trải ở góc hè của một ngôi nhà hoang vắng chủ. Bà nghe người ta đồn rằng ngôi nhà này có ma, ai vào ở chỉ vài tháng sau sẽ chết bất đắc kỳ tử, vì vậy tuy nằm ở trên đường phố chính mà không ai dám mua, hay thuê ở cả. Lúc đầu, bà Sâm cũng có ý lo sợ, muốn đi tìm nơi khác, nhưng biết đi về đâu khi ngày hết Tết đến rồi? Bà nhớ, ngày còn nhỏ, người thầy ở ngôi chùa cổ Hưng Long có bảo số bà được sướng lúc trẻ nhưng về già sẽ chịu nhiều khổ ải truân chuyên. Thuở ấy, bà chỉ im lặng, làm sao ai mà biết được duyên mệnh của một con người? Bây giờ, đã trên tuổi 70 rồi, ngồi mà ngẫm lại, bà cảm thấy mọi việc hình như đã dần dần hiện rõ trong cuộc đời bất hạnh của bà rồi...
Bà Sâm là con gái duy nhất của một gia đình rất khá giả trong thị trấn, bà được cha mẹ, anh em cưng chiều hết mực. Khi lớn lên lập gia đình, bà cũng may mắn có được một người chồng hiền lành, thương yêu bà chân thành. Ông bà có với nhau ba đứa con: hai trai, một gái. Ông bà làm ăn ngày càng khấm khá, vận may luôn đến với bà, nên vợ chồng bà đã mua thêm được một ngôi nhà bề thế ở khu phố chính thị trấn. Ba người con của ông bà đều được cho ăn học đến nơi đến chốn.
Lần lượt các con của ông bà đều có đôi có cặp và ra ở riêng. Chim đã đủ lông cánh, dần bay xa tổ! Ngôi nhà rộng trở nên vắng vẻ, vắng hẳn tiếng nói cười rộn rã bấy lâu. Ông bà vẫn ngày ngày kề cận bên nhau. Tuổi già, nghĩa tình càng khắn khít. Ông bà chăm sóc lo lắng cho nhau thật đầm ấm, hạnh phúc. Tuy vậy, sức khỏe của ông ngày càng suy yếu dần. Thời trẻ, ông đã gắng sức để gầy dựng cho các con, lo cho tương lai của chúng mà không hề nghĩ đến nỗi khổ nhọc cho chính mình. Tuổi già, bệnh tật lại có dịp phát sinh. Và vào một đêm mùa đông mưa bão đầy trời, ông đã trút hơi thở cuối cùng, bỏ bà ở lại mà lặng lẽ ra đi cách đây đã mười năm. Mười năm dài đằng đẳng, bà một mình lủi thủi trong căn nhà rộng lớn vắng lạnh. Bà luôn cảm thấy lạnh lẽo và cô độc. Ông bà như hai chiếc bóng nương vào nhau, nay chỉ còn lại một mình bà hao gầy đơn độc. Bà nghĩ, người ta thường nói “trẻ cậy cha, già cậy con” nên bà không thể sống lẻ loi mà chờ ngày mãn tang chồng mới quyết định bán ngôi nhà đang ở, chia hết cho các con.
Bà Sâm về ở với cậu Trình, người con cả của bà. Vợ chồng Trình đều là giáo viên cấp I, dạy cùng một trường gần nhà. Họ có hai đứa con trai. Nhưng chuyện đời vẫn thường không ai lường trước được. Đợt tinh giảm biên chế, cậu Trình không tiếp tục được dạy nữa, ở nhà làm phụ hồ để chia sẻ gánh nặng với vợ. Sau đó không lâu, Trình theo người bạn học cũ vào thành phố Hồ Chí Minh làm bảo vệ cho một công ty, rồi nghe đâu Trình lại có vợ bé mà ở luôn trong thành phố, không về nữa. Cô Hảo, vợ Trình, giận chồng bạc bẽo, giận ghét luôn mẹ chồng. Thói thường, hễ “thương thì thương cả lối đi, mà ghét thì ghét cả tông ty họ hàng”! Hảo làm đơn xin li hôn, được tòa chấp nhận xử vắng mặt. Cô bán nhà, dẫn con về quê sinh sống. Bà Sâm lại một lần nữa chuyển về nơi ở mới: Bà sang nương náu bên gia đình cậu Trung, em kế của Trình. Vợ chồng cậu Trung làm ăn rất phát đạt, thành lập công ty riêng, giàu có. Nhưng vợ chồng Trung đều nuôi sẵn sự oán giận vì lúc bán nhà bà đã chia phần cho vợ chồng cậu ít hơn Trình. Bởi vậy, vợ chồng Trung đều tỏ ra rất lạnh nhạt, thờ ơ với sự có mặt của bà trong nhà. Lắm lúc, họ ra mặt đay nghiến, chì chiết bà. Bà chỉ được ở trong gian buồng nhỏ cạnh bếp và không được xuất hiện khi khách của vợ chồng Trung đến thăm chơi! Bà biết phận, buồn tủi, nên vẫn thường ở luôn trong phòng, ít khi ra ngoài. Bà sống cam phận và nhẫn nhục từng ngày. Đêm đêm vẫn thường nhớ ông mà khóc thầm! Tới giờ ăn, chị giúp việc mới mang cơm vào cho bà. Vợ chồng Trung bề bộn công việc, không vướng bận con cái, nên ít khi ăn cơm ở nhà. Sự vắng mặt vợ chồng Trung đã cho bà có được giây phút dễ chịu trong nỗi muộn phiền của riêng mình!
Cậu Trung bị viêm gan siêu vi B từ nhỏ, mà trong công việc giao tiếp đòi hỏi uống nhiều rượu, Trung chỉ luôn nghĩ tới lợi nhuận mà quên đi sức khỏe ngày càng suy giảm. Bệnh viêm gan dần chuyển sang ung thư gan mà anh cũng không hề hay biết. Bao năm qua, Trung đã phung phí sức khỏe để tìm kiếm tiền bạc, nhưng nay lại phung phí tiền bạc để tìm kiếm sức khỏe. Cuối cùng, tiền bạc đã không mua được sức khỏe! Sau một tháng đau đớn vật vã ở bệnh viện Saint Paul. Trung đã buông bỏ tất cả! Sau 49 ngày, Lan, vợ của Trung đã đem linh cốt của chồng gửi vào chùa nhờ nhang khói cúng giỗ và bán căn nhà đang ở để chuyển đến sống cùng người chồng mới tại thành phố. Lan đã thuê cho bà Sâm một căn nhà nhỏ ở miền quê để sống tạm, tránh tiếng đời đàm tiếu. Cũng từ dạo đó, Lan dần cắt đứt liên lạc với bà Sâm, không về thăm bà lần nào nữa. Tuổi già, thêm bệnh tật, bà không làm gì ra tiền để trả tiền thuê nhà. Bà trả nhà lại cho chủ, sống lang thang, trông nhờ vào sự bố thí thương xót của mọi người. Ban ngày thì lưu lạc đó đây để kiếm miếng ăn, buổi tối thì tìm đến ngủ tạm ở các hiên chùa, đình làng hay chui đụt vào các lều chợ bỏ trống tối đen hôi hám.
Những ngày thơ thẩn đi xin ăn đó đây, bà cũng đã dành dụm được một ít tiền, muốn về thăm quê nhà ăn Tết với cô Xuyến, con gái út của bà. Bà rất nhớ con, thương cháu. Nỗi nhớ thương cứ ngày một lớn lên theo tuổi già cô độc.
Nhà cô Xuyến là một nhà đúc ba tầng, thoáng mát, có của ăn của để và con rể bà là chủ thầu xây dựng có tiếng trong vùng. Nhưng buồn thay, cuộc đời điên đảo đâu dễ có tấm lòng yêu thương là sẽ được đáp lại! Đâu cứ muốn là được! Bà ngồi nhớ lại từng lời của con gái mà lòng vẫn còn bàng hoàng đau xót. Hình ảnh buổi chiều hôm qua ở sân nhà Xuyến cứ quay đi, quay lại trong đầu bà như một khúc phim quay chậm.
- Mẹ đến đây làm gì?
- Tết đến rồi, mẹ nhớ con nhớ cháu. Con cho mẹ ở tạm vài ngày được không?
- Nhà con chật lắm, mẹ đến thì ở vào đâu? Không lẽ mẹ nằm ở phòng khách sao?
- Mẹ ở đâu cũng được con à. Mẹ xin con mà…
- Ai bảo có nhà để ở mẹ không biết giữ mà bán đi, giờ mẹ tới làm phiền con như thế này làm sao con sống nổi? - Giọng Xuyến trở nên khô cứng. Phía chồng của con, rồi bạn bè... Con biết ăn nói sao đây? - Xuyến ngập ngừng giây lâu rồi quay phắt lại: Thôi được rồi, con sẽ mua cho mẹ vé xe, mẹ vào Sài Gòn ăn Tết với anh Trình nhé?
Xuyến nói xong vào nhà, bỏ bà một mình ở giữa sân. Có lẽ cô vào lấy tiền. Bà cảm thấy tủi phận, nghĩ nếu Trình còn nhớ thương bà thì đã đón bà vào ở với mình rồi. Bà lặng lẽ bước nhanh ra khỏi sân nhà Xuyến. Bà không muốn nghe thấy thêm một nỗi đau lòng nào nữa.
Tiếng gọi lớn từ phía sau khiến bà giật mình, quay lại:
- Bà nội! Bà ở đây sao? Cháu đã đi tìm bà suốt buổi chiều nay...
Bà mở to đôi mắt nhìn trừng trừng. Thằng Phát, cháu nội đích tôn của bà đây mà! Nó đang đi học ở Sài Gòn, chắc là được về quê ăn Tết.
- Cháu về từ ngày 23, cháu tìm bà, hỏi thăm mãi bây giờ mới gặp. - Phát ngồi xuống bên cạnh bà Sâm, đưa tay cầm lấy bàn tay nhăn nheo da bọc lấy xương của bà, đôi mắt rưng rưng.
Bà ôm Phát vào lòng và khóc. Nước mắt cứ đầm đìa chảy như chưa bao giờ được khóc như thế. Bà không ngờ trong cuộc đời quá cơ cực cô đơn của bà, lại có đứa cháu này còn nghĩ nhớ đến bà lặn lội mà tìm đến!
Phát đến với bà như một tia nắng ấm, như cơn gió trong lành tươi mát đã xoa dịu lấy đời bà đang ngụp lặn trong tối tăm buồn tủi.
- Cháu sẽ không để cho bà lang thang buồn khổ nữa đâu. - Giọng Phát to rõ. Bây giờ bà cháu ta đi ăn chút gì bà nhé! - Phát ngập ngừng. Cháu sẽ mướn tạm một căn phòng để bà cháu ta ăn Tết với nhau bà nhé!
Phát bỗng dưng nhớ lại như in, bao kỷ niệm thời tuổi thơ quanh bà, chúng như vừa mới xảy ra hôm qua. Bà đã yêu thương, chăm sóc-hy sinh cho con cháu từng miếng ăn, giấc ngủ ròng rã bao năm?
- Bà ơi! - Phát lại kêu lên. Sau Tết bà vào Sài Gòn ở với cháu bà nhé! - Mắt Phát đăm đăm nhìn bà. Cháu vừa học, vừa tìm việc làm thêm, cọng với khoản tiền của mẹ cho hằng tháng bà cháu ta sẽ sống tạm đủ bà ạ! - Phát cầm lấy bàn tay bà. - Có bà, có cháu sẽ vui hơn, sẽ học giỏi hơn. - Phát chợt cười. Bà phải lo cho cháu nội đích tôn nữa chứ!
Đôi mắt bà Sâm chợt sáng lên, đôi môi run run, thoáng nở nụ cười dường như đã tắt lịm từ bao năm. Bà cảm thấy trong lòng lâng lâng một niềm vui khó tả! Dù đang là đêm, nhưng bà vẫn cảm thấy không khí mùa Xuân đang tràn ngập trong lòng...
Mùa Xuân đang thật sự đến với đời bà từ đêm ấy! ■
Nguồn: Tập San Pháp Luân 78
Gửi ý kiến của bạn