HUYNH TRƯỞNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
VỀ ĐÊM 8/5/1963 TẠI ĐÀI PHÁT THANH HUẾ
Có mặt tại Đài Phát Thanh Huế từ phút đầu đến phút chót bên cạnh Thượng Tọa Trí Quang trong suốt đêm rằm tháng tư (8/5/63), ông Nguyễn Khắc Từ đã tường thuật lại các biến cố trong một bài đăng trong tạp chí Liên Hoa số 15/5/65 như sau:
“… Thế rồi đêm hôm sau, đêm rằm! Chao ôi, cái đêm muôn thuở của hùng tráng, của bi ai, của kỷ luật, của sức mạnh tinh thần, của một lực lượng.
Đài Phát Thanh Huế, một cơ quan bé nhỏ nằm trầm lặng trên bờ sông Hương dịu hiền nơi chân cầu Tràng Tiền đã chìm đắm trong máu lửa, đêm trăng sáng cả trời đất và sáng cả lòng người.
Theo thường lệ, buổi phát thanh tối đó là dành cho cuộc phóng sự lễ Phật Đản. Thế mà chính quyền địa phương kiểm duyệt. Tại đài phát thanh hôm ấy có mặt các Thượng Tọa, các Đại Đức thế mà chính quyền nhất quyết chối từ.
- 8 giờ 5′: Tiếng nói của Phật Giáo sắp bật lên trong lúc mọi người chờ đợi tại các máy radio.
- 8 giờ 10′: Vẫn im lặng.
- 8 giờ 20′: Vẫn lặng tiếng.
Nóng ruột, đồng bào kéo đến đài phát thanh nghe ngóng mỗi lúc một đông, tràn ngập cả sân đài, ngay cả ngoài đường và trên cầu. Bên trong, cuộc thảo luận giữa Thượng Tọa Trí Quang và các vị Thượng Tọa khác với các vị trong chính quyền, hoặc bằng điện thoại với ông Tỉnh Trưởng; hoặc với ông Quản Đốc Đài Phát Thanh đang hồi gay cấn.
Đồng bào càng lúc càng đông, tiếng la ó vang trời dậy đất. Một vài tấm gương(1)bắt đầu bể. Thượng Tọa Trí Quang phải dùng máy phóng thanh của đài để kêu gọi trật tự và kỷ luật. Tiếng Thượng Tọa sang sảng ”… Chúng ta cương quyết tranh đấu, nhưng tranh đấu trong tinh thần kỷ luật, trong lẽ phải. Chúng ta không tranh đấu trong vũ phu …”.
Tiếng vổ tay, tiếng hoan hô. Tình hình căng thẳng. Có tin ông Tỉnh Trưởng vào. Chưa đầy 3 phút, đám đông tự rẽ ra làm thành một hàng rào danh dự… Một thời gian kỷ lục và một tinh thần kỷ luật triệt để! Ông Tỉnh Trưởng trong quốc phục vào đài phát thanh giữa con đường nhỏ mà đồng bào dành riêng. Thượng Tọa giao máy vi âm lại cho tôi để vào thảo luận với ông Tỉnh Trưởng.
Vào khoảng 22 giờ, trong lúc hai bên đang đàm đạo thì xe chữa lửa đến, chạy bừa vào sân xịt nước vào đám đông, cán cả xe cộ và những gì làm chướng ngại. Trong tiếng la ó, trong cảnh vô trật tự, nổi lên vài tiếng kiêu hãnh: “Ướt mát. Không sợ, tiến lên!”.
Tiếng la càng lúc càng vang động! Uất ức dâng tràn! Có người ùa vào đài. Giữa lúc ấy, những chiếc xe thiết giáp đến, lính tráng hung hãn vào sân. Một chiếc xe mang tên Ngô Đình Khôi cán bừa lên cả người đồng bào. Vài tiếng thét ghê rợn… Ông Tỉnh Trưởng kêu gọi quân đội chấm dứt việc xịt nước bằng máy phóng thanh… Mặc kệ! Họ cứ tiến vào đám quần chúng… Giữa lúc ấy, 3 tiếng súng lục chát chúa khô khan vang lên, và lựu đạn cay tung ra tứ phía. Từng loạt súng liên thanh và một tiếng nổ kinh hồn rung chuyển cả đài phát thanh. Tiếng súng vẫn nổ. Mọi người hoang mang tản mác mạnh ai nấy chạy. Tiếng la khóc xen lẫn với những tiếng thét rùng rợn. Trong đài, chúng tôi vào ẩn trong phòng hòa âm gồm các Thượng Tọa, Đại Đức, ông Tỉnh Trưởng và một số chúng tôi.
Bên ngoài lặng dần. Bổng cánh cửa bật mở, những tiếng nạt nộ vọng vào… Năm sáu ông Hiến Binh mũ đỏ súng lăm lăm trong tay, mặt đầy sát khí tiến vào trông rất rùng rợn. Một lúc sau, Thiếu Tá Đặng Sỹ, mặt hơi tái, bước vào với mấy người lính hộ vệ theo sau.
Chúng tôi bị dí súng vào bụng bắt buộc ra ngoài. Một số chúng tôi không chịu đi, cứ quấn quít mấy Thượng Tọa. Mấy cánh cửa được mở ra vì khói lựu đạn cay làm mọi người ngột ngạt. Tôi liền nhìn ra ngoài: Chao ôi! Cảnh tượng đến lạnh mình. Sân đài đầy cả guốc dép ướt mèm, đây đó máu loang lổ và nơi tường vách thì thịt xương bết vào… Vài xác chết nằm ngổn ngang ghê rợn. Xe cộ bị đè bẹp chồng chất chẳng khác nào một bãi chiến trường. Thấp thoáng có bóng dáng người ngoại quốc và qua ánh đèn chớp của máy ảnh, tôi nhìn thấy H, W và bác sĩ M. Xe hồng thập tự đến và người ta đưa các xác chết lên xe. Tôi nhắm mắt lại, một luồng lạnh chạy trong xương sống.
Nhưng ô kìa! Tiếng ồn ào như vọng lại, tiếng la ó văng vẳng đâu đây mỗi lúc một gần. Thì ra súng đạn, lưỡi lê và xác chết để dọa dẫm kia không đủ sức làm nhụt chí, không làm cho ai sợ sệt nao núng.
Quần chúng từ bên kia sông ào qua, dẫn đầu là một đại kỳ Phật Giáo, từ dưới Vĩ Dạ lên, từ sau lưng Đại Học đến. Cờ cầm tay, họ la ó và hò hét. Có mấy chiếc xe thiết giáp chuyển động qua cầu, nhưng bất chấp, quần chúng lăn vào xe, đi thẳng vào mũi súng. Một phản ứng mãnh liệt. Quần chúng như thác lũ ùn ùn kéo đến, áo quần ướt đẫm.
Từ trên lầu các tiệm buôn đường Trần Hưng Đạo, đường Phan Bội Châu, người ta lấy cờ đôi(2)xuống cho đoàn người chạy về đài phát thanh. Nước sông Hương lặng lờ đấy, nhưng mỗi khi mưa gió nổi lên thì sóng cao nước mạnh. Dân xứ Huế dịu hiền đấy, nhưng mỗi khi phẫn uất thì sức mạnh tràn sông lấp hói(3)… Nhìn đám người mà uất khí tràn lên như thế thì cho dù súng đạn, cho dù bom rơi, nhất quyết họ không lùi. Sức mạnh tinh thần, sức mạnh quần chúng quả là vô địch. Chưa bao giờ tôi thấy tận mắt cảnh tượng hùng vĩ, sức mạnh biểu lộ qua những gương mặt cương quyết, kể cả những cánh tay nắm lại vung lên cao. Về phía mấy chị cũng không kém, áo dài nhét vào lưng, tay cầm guốc đi chân không, quyết tâm không kém nam nhi.
Đoàn quần chúng la ó, bao vây đài phát thanh, có tiếng xôn xao đòi hỏi: “Thầy đâu? Thầy Trí Quang đâu? Thầy Hội trưởng đâu?”. Có người định xông vào đài. Làn sóng người nhấp nhô ào ạt bên ngoài, cầu Trường Tiền chật ních cả người. Ánh đuốc chuyển động chập chùng từ xa xa phía Đông Ba, Đập Đá.
Trước sức mạnh ấy, chính quyền cảm thấy bất lực và bắt đầu thấy thế nào là sức mạnh quần chúng. Phải! Suốt thời trị vì của nhà Ngô có ai dám hé miệng đâu? Dân chúng có miệng không dám nói, có mắt không dám nhìn, có tai không dám nghe! Bè lũ nhà Ngô cứ tưởng dân chúng chỉ là một đàn chiên non, một đám lau sậy rạp mình theo chiều gió, nào ngờ đâu… ngờ đâu… cái sức mạnh quần chúng quật khởi vào đêm rằm năm ấy là cái tát tai đầu tiên mà dân chúng miền Trung tặng cho nhà Ngô.
Trước khí thế đang lên ấy, chính quyền không còn cách nào hơn là khẩn khoản mời Thượng Tọa Trí Quang giải tán quần chúng. Sau một lúc bàn bạc, Thượng Tọa nhận lời lên xe phóng thanh và đứng trước mũi xe thầy nói to: “Thầy đây rồi! Thầy đây rồi!”. Đám đông mừng rỡ “Thầy còn sống, bây ơi, Thầy còn sống!”; “Hoan hô Thầy!”.
Tiếng vỗ tay lại vang lên. Nước mắt tôi ràn rụa.
Chính quyền với súng đạn, với xe tăng thiết giáp, đã không hiệu quả bằng một nụ cười thông cảm, một ánh mắt thương mến của thầy. Thầy từ tốn khuyên nhủ và hứa đứng ra lãnh đạo cuộc tranh đấu. Thầy hứa sẽ tổ chức một cuộc mít-tinh(4)vĩ đại để đòi chính quyền giải quyết vụ tàn sát vừa rồi. Đồng bào từ từ giải tán trong trật tự”.
Liên Hoa Nguyệt San,số ra ngày 15.5.1965 – Sài Gòn.
(1) kính.(2) ném.(3) ao, hồ.(4) meeting.Nguồn: Thư Viện Gia Đình Phật Tử