Phần lớn độc giả biết nhiều đến các tiểu luận và các tập thơ phản chiến, nhưng ít người biết đến những bài thơ Thiền của Nhất Hạnh. Tôi xin trích một bài được nhà xuất bản Unicorn Press xuất bản trong tâp thơ Zen Poems của Nhất Hạnh vào năm 1976 (bản dịch Anh Ngữ) của Võ Đình. Bài này được in vào tuyển tập thơ nhạc họa vào mùa Phật Đản 1964
Phần lớn các chúa Nguyễn là những người sùng đạo Phật và tôn quý giá trị truyền thống. Nguyễn Hoàng vào Hoành Sơn Nhất Đái, đã hỗ trợ việc phát triển Phật Giáo và xây cất chùa chiền ở phía Nam sông Gianh mà nổi tiếng nhất là chùa Thiên Mụ. Điều này cũng không có gì lạ vì các nhà Nho ‘tiến vi sư, thối vi tăng’. Thời loạn lạc, phân tranh Đàng Trong Đàng Ngoài, các võ tướng đóng vai trò quan trọng hơn, các nhà nho không còn tỵ hiềm với các vị sư nữa. Các nhà nho vào chùa, ngồi xuống tương đắc uống một chung trà với sư trụ trì vì ngôi chùa tượng trưng cho giá trị tâm linh của đất nước hay nói nôm na, cái Thiện của làng. Đạo Phật lại trở thành đạo đức truyền thống mà các Chúa có thể nương tựa vào để dựng nước.
Đời Chúa và vua Nguyễn, nhiều danh tăng ra sức chấn hưng cách hành trì Phật Giáo, nâng cao phần trí tuệ thay vì để những hình thức cúng bái cầu đảo lấn áp. Hai thiền sư Nguyên Thiều và Liễu Quán không những có công phát triển phái Thiền Lâm Tế mà còn “Việt hoá” hình thức tu tập. Lâm Tế phản ảnh trung thực truyền thống Đốn Ngộ của Lục Tổ Huệ Năng ‘Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền’, hầu như huỷ bỏ tu tập hình thức mà chỉ trực tiếp “dĩ tâm ấn tâm”. Lâm Tế là tinh hoa của thái độ quyết liệt "Quách Nhiên Vô Thánh" của Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Tuy nhiên thái độ triệt để này cũng có nhiều bất cập. Thí dụ trong khi có nhiều Tổ Sư xuất hiện, thì đại chúng Phật Tử vẫn mê mê mờ mờ trong tín ngưỡng cúng bái mê tín.
Khi thực dân Pháp đến Việt Nam, một tay cầm súng và tay kia cầm đuốc ‘khai hóa’, triều đình và dân chúng phải đối đầu với hai mặt trận cùng một lúc: quân sự và văn hoá. Các nhà nho đã làm hết sức họ, từ ‘khẳng khái cần vương’ như vua Duy Tân, Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng đến "thung dung tựu nghĩa" như Hoàng Diệu và Phan Thanh Giản. Khi thấy "cái học nhà nho đã hỏng rồi", một mặt nhà nho phải duy tân như Phan Chu Trinh, mặt khác bạo động một cách vô vọng, không "thành công thì thành nhân" như Phan Bội Châu và Nguyễn Thái Học. Về mặt trận tư tưởng, các nhà nho, các nhà tân học cấp tiến hay cải lương, cho đến cả các trí thức đệ tứ quốc tế như Phan Văn Hùm, đều dồn nổ lực ủng hộ tư tưởng truyền thống còn sót lại để đối đầu với chủ trương cải đạo tập thể của thực dân Pháp và Hội Truyền giáo Hải ngoại. Có nhiều nguyên nhân khiến Phật Giáo phải đứng đầu gió trong nhiệm vụ đối đầu trên mặt trận tư tưởng mà hai lý do quan trọng nhất là sự sụp đổ của Nho giáo tạo ra hố thẵm văn hóa, và sự gắn bó của Phật giáo đối với mệnh nước nổi trôi kể từ khi lập quốc.
Trung Quốc vào đầu thế kỷ 20 bỗng trở thành đồng hội đồng thuyền. Nho giáo ở Trung Quốc là nạn nhân của Liên Minh Thất Quốc, trở thành một nạn nhân đáng thương như nhân vật A Q của Lỗ Tấn. Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi cũng hành động vô vọng như các nho gia Việt Nam. Chủ nghĩa Tam Dân nửa nạc nửa mỡ như thuyết Dân quyền của Phan Chu Trinh. Bấy giờ, trí thức Trung Quốc cũng như trí thức Việt Nam sực tỉnh: Phật giáo đời Đường mà các Nho gia bấy lâu nay kèn cựa tranh dành ảnh hưởng có thể là con đê ngăn chặn các tôn giáo lấp ló sau chánh sách ngoai giao bằng tàu chiến, và đó là chưa kể con cọp Mác Xít lập ló ở miền Đông. Thái Hư Đại Sư lên tiêng kêu gọi chấn hưng Phật Giáo: Cách mạng giáo lý! Cách mạng giáo chế! Cách mạng giáo sản! Lịch sử Trung Quốc cho thấy những ngưới phá hoại chương trình chấn hưng không ai khác hơn là các nhà sư hủ hoá, đám thấy cúng chuyên môn ma chay và cầu đảo, sợ mất quyền lợi. Lời kêu gọi của Thái Hư được giới Nho gia và Tăng già Việt Nam hưởng ứng mạnh mẽ. Chính các nhà nho cải cách phát động phong trào chấn hưng Phật giáo, như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi và cả Phan Chu Trinh. Nhóm đệ tứ trong Nam của Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu cũng đồng tình việc chấn hưng Phật giáo như giá trị tâm linh của dân tộc để chống lại sự tấn công ào ạt của văn hóa phương Tây. Mặc dù cụ Hồ có lúc lẫn trốn trong chùa khi bị mật thám Pháp lùng bắt, một số các nhà Mác Xit chính thống, như Hải Triều, vẫn còn xem Phật giáo là một triết lý trốn đời kiểu Hồn Bướm Mơ Tiên. Ở đâu cũng vậy, có những người bảo hoàng hơn vua, Mác Xít hơn Mác Xít.
Trong khi phái Nguyên Thiều phát triển mạnh ở Huế và miền trung, các đồ đệ của Liễu Quán vào tận các tỉnh miền Nam như Biên Hoà, Tây Ninh và Hà Tiên. Vào miền Nam, Phật giáo không còn giữ tánh ‘chánh thống’ của Phật giáo, ‘nhập thế’ hơn và phối hợp với tâm chất mộc mạc của người Nam, thành một tôn giáo quyện lẫn với các yếu tố xã hội và chánh trị. Cao Đài miền Đông và nhất là Phật Giáo Hòa Hảo ở miền Tây là những biến tướng của Phật Giáo Việt Nam. Sự giản dị tối đa trong nghi lễ, không hình tượng, phái Liễu Quán biến thành Bửu Sơn Kỳ Hường mờ mờ ảo ảo sau bóng Phật Thầy Tây An. Hồ Huệ Tâm Tài, ái nữ của nhà văn Hồ Hữu Tường, cho thấy dấu tích của dòng Liễu Quán trong Phật Giáo Hòa Hảo.
Tuy vẫn có những Thiền Sư chứng ngộ trong dòng Nguyên Thiều và Liễu Quán, tuy nhiên vì "giáo ngoại biệt truyền" nên quần chúng chỉ còn theo nghi thức tịnh độ, cầu đảo. Đối với triều đình và chánh phủ Bảo hộ, Phật giáo chỉ còn được dùng như đồ trang điểm cho ông hoàng bà chúa vào các dịp lễ lạc. Quần chúng bình dân sùng bái Phật giáo như hình thức tín ngưỡng, mê tín nhiều hơn chánh tín. Các nghi lễ đầy mê tín trong khói hương nghi ngút khiến Phật giáo không xứng đáng trong vai trò nền tảng tâm linh của đất nước và dân tộc. Hàng ngũ trí thức được đào tạo trong giáo dục mới tại các đại học Sài Gòn, Huế và Đà Lạt, dù nặng lòng với truyền thống của dân tộc, cũng không còn kỳ vọng vào Phật Giáo, dù mất ngàn năm đã từng "che chở hồn dân tộc".
Thập niên khai sáng
Sở dĩ có lời giới thiệu dài dòng cho văn học thập niên 60 để thấy sự quan trọng của sự bùng vỡ ý thức của thế hệ trí thức trẻ, nhất là trí thức Phật tử, đối với việc tái khám phá những giá trị tinh thần truyền thống mà trước đó họ không muốn nhận, hay nghi ngờ không đủ yếu tố tồn tại trong thời đại duy lý. Một phần vì "lương sư" thì ít, "bất lương sư" thì nhiều, thành phần Tăng già ẩn cư trong thâm sơn, tiếp tục thực hành phương pháp "tâm truyền tâm". Tại miền Nam, các thầy cúng Cổ Sơn Môn hay Lục Hoà Tăng chỉ quanh quẩn trong sinh hoạt ma chay cầu đảo, biến Phật giáo thành tôn giáo của người chết. Một phần khác, các thành phần thân cận thực dân cố gắng cổ động sứ mệnh giáo rắc văn minh, công kích sở đoản của tam giáo như Nho giáo (Tống Nho) từ chương, bế quan toả cảng gây tình trạng lạc hậu, xem Phật giáo là tôn giáo ma quỷ.
Thanh niên nghi ngờ giá trị truyền thống, một số chưa tiêu hóa triết lý Tây phương, lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, như những cô hồn vất vưỡng thiếu cơ sở tâm linh nương dựa.
Đầu thế kỷ chi có một trường đại học duy nhất ở Hà Nội. Sau năm 1956, có thêm đại học Huế và đại học Thiên chúa ở Đà Lạt.
Việc chánh phủ Ngô Đình Diệm bị quân nhân lật đổ là một động đất về chánh trị. Năm 1956, các nhóm võ trang như Bình Xuyên và các giáo phái như Cao Đài và Hòa Hảo bị đàn áp nặng nề. Hộ Pháp Phạm Công Tắc phải lưu vong trên Cao Miên, Ba Cụt bị xử tử. Chế độ tưởng như vững vàng không có gì lay chuyển được, nhất là có cả 16 ngàn cố vấn quân sự Mỹ đứng sau lưng làm bùa bảo vệ. Nho giáo chỉ còn thu hẹp trong hội Khổng Học, năm khi mười họa mới tổ chức một buổi diễn thuyết.
Việc đàn áp thô bạo các giáo phái ở miền Nam là lời cảnh cáo nghiêm khắc cho Phật giáo. Trừ ở miền Trung, cái nôi của Phật giáo, sinh hoạt "Phật sự" èo uột. Những bài nghiên cứu trong các tập san của hội Phật Học, Liên Hoa hay Từ Quang, ít độc giả. Chế độ đưa một chủ thuyết Nhân Vị thay thế vào. Trừ các tín đồ, it ai biết về lịch sử tín lý của giáo hội Thiên Chúa vào thời trung cổ, như toà án dị giáo Spanish Inquisition. Ít có người biết đến cuộc cách mạng Pháp 1789 đã mở đầu cho thế kỷ khai sáng ở Âu Châu và sự ‘nổi loạn’ của Tin Lành đối với giáo quyền La Mã. Không mấy ai biết đến tên Jean Calvin hay Martin Luther. Nếu vô tình hay cố ý phiêu lưu vào các lãnh vực này, chế độ không ngần ngại dùng những biện pháp mạnh để trừng trị, như trường hợp hai học giả Nguyến Hiến Lê và Thiên Giang đã dám nhắc tới thuyết tiến hóa của Darwin. Ai cũng phải hát câu thần chú ‘xin thượng đế ban phép lành cho người’ dù có tin hay không tin. Giấc mộng cải đạo tập thể mà thực dân Pháp lao tâm khổ trí thực hiện nhưng vẫn thất bại, lần này có viễn tượng thành công.
Thanh niên và trí thức có gia đình theo đạo Phật nhưng phải nói trớ ra là đạo "thờ ông bà" để tránh trở ngại trong sự nghiệp, thấm thía nỗi bơ vơ về mặt tâm linh. Ngó qua trời Tây, họ thấy toàn những triết lý hấp dẫn nhưng xa lạ: Plato, Aquinas, Descartes, hiện tượng luận, trí thức luận, hiện sinh; họ cám ơn các trí thức trẻ đi học ở Pháp về, phần lớn quy tụ ở Đại Học Huế. Tập san Đại Học Huế đã mở cho họ một cánh cửa nhìn ra thế giới tư tưởng bên ngoài.
Ngó về quê nhà, cửa ngõ đìu hiu, nghi ngút khói hương trong lễ nghi cúng bái mà họ biết là không thể chấp nhận được trong thời đại khoa học, dù họ biết là tự bản chất, Nho-Lão-Phật đã cung cấp nền tảng tâm linh cho dân tộc, là triết lý nhân bản của hai nền văn hóa cổ nhất của Đông phương. Đó là hố thẵm của tư tưởng mà thanh niên của thập niên 60 và 70 trãi qua. Mối ngờ vực vào câu thơ của Thiền Sư Mãn Giác ám ảnh họ:
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tiên.
Hành Trình Khai Sáng
Biến cố tháng 11 năm 1963 không phải chỉ là sự thay đổi chánh quyền. Đối với thanh niên có gia đình theo đạo "thờ Ông Bà", đó là cuộc cách mạng văn hóa, bắt đầu thời kỳ khai sáng. Phật giáo không còn là mớ tín ngưỡng lỗi thời và mê tín nữa, mà là một lực lượng quần chúng có khả năng làm sụp đổ một chế độ. Lần đầu tiên trong nhiều năm, các thanh niên tân học hãnh diện xác nhận mình theo đạo Phật. Cách mạng 63 biến Phật Giáo thành một tôn giáo bình đẳng với Thiên Chuá Giáo về mặt luật pháp. Người cùng tử trong kinh Pháp Hoa đã tìm thấy viên ngọc quý trong nhà và các sinh hoạt văn nghệ và tư tưởng học thuật trong thập niên này đã cho thấy tại sao dân tộc chọn Phật giáo làm nền tảng tâm linh trong mấy ngàn năm qua. Một trong số các nhà sư "đợt sóng mới" đã khởi đầu phong trào giúp đạo Phật hiện đại hóa và đi vào cuộc đời. Đạo Phật không còn là đạo của người chết, ma chay cầu đảo mê tín, mà là một triết lý từ bi và trí tuệ cho người sống: nhà sư đợt sóng mới đó là Thích Nhất Hạnh.
Trong khi cuộc tranh đấu 1963 bùng nổ, Nhất Hạnh đang nghiên cứu tại đại học Mỹ Columbia. Nhất Hạnh đóng góp những gì có thể làm được cho cuộc tranh đấu: tuyệt thực, phát tài liệu về việc Phật giáo bị đàn áp cho các đại biểu tại Liên Hiệp Quốc, và vận động cho Đại Hội đồng LHQ chấp nhận một phái đoàn sang điều tra tại chỗ. Khi chánh quyền bị quân đội cách mạng lật đổ, Nhất Hạnh được đại học Columbia đề nghị ông thành lập phân ban về Đông Nam Á Học. Tuy nhiên ông nhận được một điện tín khẩn từ linh hồn của cuộc tranh đấu: Trí Quang. Trí Quang viết vắn tắt: “Tôi đã già và bảo thủ, e rằng không cáng đáng nổi trách nhiệm mới. Xin trở về quê nhà giúp đỡ chúng tôi”.
Nhất Hạnh ngập ngừng vì trong thời gian qua, các nhà lãnh đạo đã từ chối những đề nghị "hiện đại hóa" của các tăng ni trẻ. Nhất Hạnh ra tập san Sen Hái Đầu Mùa, quy tụ các tăng ni trẻ đề nghị một số cải cách. Nhất Hạnh cũng lên Bảo Lộc lập ra Phương Bối Am làm quê hương tâm linh của những tăng ni cấp tiến (ngày xưa khi chưa có giấy, lá Bối được dùng để ghi lại kinh - Bối diệp viết chân kinh). Phương Bối Am đã nuôi dưỡng một vài nhân vật chủ chốt trong phong trào hiện đại hóa, ngoài Nhất Hạnh còn có thầy Thanh Từ, Lý Đại Nguyên (chủ bút tờ Sóng Thần sau này), thầy Thanh Tuệ (nhà xuất bản Lá Bối và sau đó An Tiêm), Từ Mẫn (hiện là cư sĩ Võ Thắng Tiết-nhà xuất bản Lá Bối) Thanh Văn (Giám Đốc trường Thanh Niên Xã Hội đầu tiên), các thầy Thanh Toàn, Đường Bổn. Một nhóm sinh viên là đệ tử đầu tiên của Thầy, trong đó có chị Cao Ngọc Phượng, hiên là sư cô Chân Không.
Tuy nhiên, cuối cùng Nhất Hạnh trở về vì hai lý do: (i) các nhà lãnh đạo có lẽ đã thấy nhu cầu chấn hưng Phật Giáo để đóng góp vào một hoàn cảnh chính trị và xã hội mới; và (ii), tuy chiến tranh vẫn còn hạn chế ở những vùng xa xôi, tuy nhiên sự thành lập của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và những lời tuyên bố mở rộng chiến tranh của Johnson và bộ trưởng Quốc Phòng MacNamara, cho thấy chiến tranh sắp sữa leo thang khốc liệt. Dưới mắt Nhất Hạnh, mọi vận động hòa bình phải qua trung gian của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất mới mong có hiệu quả.
Nhất Hạnh về nước qua ngã Paris (để làm lễ thọ giới cho sư cô Trí Hải) và đặt chân trên quê hương vào ngày 16 tháng 12 năm 1963. Vào tháng 5 năm 1966, Nhất Hạnh theo lệnh của nhà lãnh đạo giáo hội, lại khăn gói lên đường qua Mỹ vận động hòa bình. Nhà sư mảnh khảnh này chỉ lưu lại trong nước chừng 2 năm rưỡi. Thế nhưng trong thời gian ngắn ngủi này, những công trình giáo dục, xã hội và văn hóa do Nhất Hạnh khởi phát thành một phong trào sinh hoạt văn hóa Phật Giáo chưa có thời chấn hưng nào có thể so sánh.
Từ năm 1956 đến 1961, Nhất Hạnh đã đăng thơ và truyện trên nhiều tập san Phật giáo, nhưng phần lớn tập san chỉ lưu hành giới hạn, như tờ Phật Giáo Việt Nam và Từ Quang. Khi về nước lần này, Nhất Hạnh cùng với các tăng trẻ từ Phương Bối Am ra tờ tuần báo Hải Triều Âm và tập san Giữ Thơm Quê Mẹ. Tờ Hải Triều Âm phát hành mỗi tuần gần 50 ngàn số, con số kỷ lục. Link: http://thuvienhoasen.org/a21833/nguyet-san-hai-trieu-am-nam-1973-hoang-phap-nam-1973
Tài hoa của Nhất Hạnh quyến rũ nhiều văn nghệ sĩ Phật tử cũng như không Phật Tử, kể cả Phạm Duy. Độc giả chắc còn nhớ trong trường ca Mẹ Việt Nam, Phạm Duy có hát “chúng con xin nguyền giữ thơm quê mẹ”. Các bài tâm ca như kẻ thù ta đâu có phải là người, viết theo lá thư của Nhất Hạnh gởi mục sư Martin Luther King “In search the enemy of men”.
Về mặt tư tưởng, với ba tác phẩm Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời, Đạo Phật Ngày Nay và Đạo Phật Hiện Đại Hóa, Nhất Hạnh đã cho thanh niên và trí thức Phật Tử thấy khía cạnh khác của Phật Giáo. Đó là khía cạnh trí tuệ, ngoài khía cạnh tôn giáo dành cho đại chúng. Đạo Phật không phải chỉ có hình thức cầu đảo cúng bái, không còn là tôn giáo tiêu cực, không phải là tôn giáo tránh đời. Trong một sớm một chiều, thanh niên trí thức nghệ sĩ đua nhau học Thiền, làm thơ Thiền, thực tập Thiền. Nẻo Vào Thiền Học và Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức là hai tác phẩm gối đầu giường của thanh niên sinh viên trong quá trình trở về nguồn, trở vế nền tảng tâm linh của dân tộc. Thanh niên sinh viên công khai hãnh diện tự nhận mình là Phật tử, không còn úp mở nói là "đạo ông bà" như trước.
Ngoài việc phát khởi văn nghệ Phật giáo, Nhất Hạnh còn khởi công thành lập Trường Cao Đẵng Phật Học, tiền thân của Đại Học Vạn Hạnh. Trước đó, trường Đại Học Văn Khoa chỉ có chứng chỉ Lịch sử Triết học Đông phương, trong khi triết lý Tây phương lại chiếm một phần lơn chương trình Văn Khoa. Ngay cả các môn Triết học Đông phương thì cũng do các giảng sư Linh Mục đảm nhiệm (Kim Định, Bữu Dưỡng, Thiện Cẩm). Tôi không có ý nói là các linh mục này không đủ khả năng giảng dạy (cả ba Linh mục trên đều là học giả có khả năng) tuy nhiên, tôi chỉ muốn nói là chánh quyền đã cổ võ cho lý thuyết Nhân Vị trên cơ sở thần học Thiên Chúa giáo mà ở Tây Phương chỉ là một lý thuyết "hạng nhì" không mấy người biết tới (ai có biết tên sách của Mounier!).
Đến khi bộ Thiền Luận ba quyển của Đại sư Suzuki được Trúc Thiên và Tuệ Sĩ dịch ra tiếng Việt, thế hệ thanh niên có gia đình theo đạo Phật biết tên những thiền sư như Bồ Đề Đạt Ma, Huệ Năng, Triệu Châu, Lâm Tế… Trần Nhân Tôn, Tuệ Trung ... và bắt đầu hiểu tại sao trong hai ngàn năm qua, Phật Giáo đã là nền tảng tâm linh vững chắc của dân tộc. Đó là chưa kể đến các triết gia tại Đại Học Vạn Hạnh, quy tụ quanh tập san Tư Tưởng, như Tuệ Sĩ, Ngô Trọng Anh, Chân Pháp, LM Lê Tôn Nghiêm và nhất là Phạm Công Thiện, đã cho trí thức thấy rõ Hố Thẵm Triết Lý Tây Phương và Hoàng Hôn của Những Thần Tượng. Công mở đầu thời khai sáng này trước tiên phải là công của Nhất Hạnh.
Phần lớn độc giả biết nhiều đến các tiểu luận và các tập thơ phản chiến, nhưng ít người biết đến những bài thơ Thiền của Nhất Hạnh. Tôi xin trích một bài được nhà xuất bản Unicorn Press xuất bản trong tâp thơ Zen Poems của Nhất Hạnh vào năm 1976 (bản dịch Anh Ngữ) của Võ Đình. Bài này được in vào tuyển tập thơ nhạc họa vào mùa Phật Đản 1964.
Tiếng gọi
Sáng hôm nay
tới đây
chén trà nóng
bãi cỏ xanh
bỗng dưng hiện bóng hình em ngày trước
bàn tay gió
dáng vẫy gọi
một chồi non xanh mướt
nụ hoa nào
hạt sỏi nào
ngọn lá nào
cũng thuyết Pháp Hoa Kinh
Beckoning
This morning’s dawn
And I am here
A cup of steaming tea
A green lawn
Your sudden image
from long ago
Your hands or the wind
beckoning
the shining of the tree’s new bud
flower leaf and pebble
all recite
the Sutra of Lotus
Một trong tập truyện kể lại quá trình xây dựng Phương Bối Am, tựa là Nẽo Về Của Ý, đã quyến rũ nhiều trí thức và nghệ sĩ và đã có một người xuất gia sau khi đọc tác phẩm này. Bản dịch Fragrant Palm Leaves do nhà xuất bản Parallax xuất bản vào năm 1998 cho thấy quá trình chứng ngộ của Nhất Hạnh trước khi nhà sư này dấn thân vào cơn gió bụi lịch sử. Đọc xong tôi nhớ đến câu thơ của Thái Hư: Phồn hoa ngã bất hoài vinh nhục.
Nhất Hạnh và Trịnh Công Sơn: Thơ Nhạc Phản Chiến
Tình yêu là thiên thu. Triết lý là vĩnh cửu và lịch sử chỉ là một sát na trong dòng sông vô thường. Nhưng nếu không có Ca Khúc Da Vàng, Trịnh Công Sơn (TCS) cũng chỉ là một trong những nhạc sĩ tài hoa khác trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Ca Khúc Da Vàng giúp anh chiếm một địa vị duy nhất trong trái tim của từng người Việt Nam, những người biết thương xót trước đau thương và phẫn nộ với bất công.
Từ năm 1964 trở đi, khi chiến tranh bắt đầu leo thang, phản ứng của thế hệ thanh niên thập niên 60 tại miền Nam rất rõ ràng. Trong dịp kỷ niệm 10 năm chia cắt đất nước, Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn tổ chức một đêm không ngủ lớn chưa từng thấy. Sau các buổi thuyết trình và hội thảo, sinh viên lên tiếng yêu cầu chánh phủ hai miền Nam Bắc tìm một biện pháp thương thuyết để giải quyết chiến tranh và chấp nhận việc chia cắt đất nuớc tạm thời. Nói như TCS, họ kêu gọi hai bên "chối từ chém giết anh em".
Vào ngày 20 tháng 8 năm 1964, Tổng Hội Sinh Viên Huế công khai chống hiến chương Vũng Tàu của Tướng Khánh và cương quyết bảo vệ quyền dân tộc tự quyết, tuyên bố là dù chọn con đường chiến tranh hay hòa bình, nhân dân hai miền sẽ phải đóng vai trò quyết định.
Chính chúng ta phải có mọi quyền
Quyết chối từ chém giết anh em
Chính chúng ta phải nói Hoà Bình
Đứng lên đòi thống nhất anh em
Người đầu tiên phát động văn nghê phản chiến ở miền Nam là Nhất Hạnh. Khi tháp tùng phái đoàn sinh viên Vạn Hạnh đi cứu trợ các vùng thượng nguồn sông Thu Bồn vào năm Giáp Thìn, Nhất Hạnh chứng kiến tận mắt tình cảnh khốn khổ của người nông dân sống trong gọng kềm quốc-cộng. Khi được hỏi là họ ủng hộ "phe nào", người nông dân trả lời:
Tôi không theo quốc gia
Tôi không theo giải phóng
Tôi chỉ theo người cho tôi sự sống
Bài thơ Ruột Đau Chín Khúc của Nhất Hạnh đăng trên tờ Thiện Mỹ ngày 9 tháng 2 năm 1965, đã mở màn cho những phong trào văn nghệ hoà bình.
Hình ảnh và ngôn ngữ của văn nghệ phản chiến lúc đó, như trong 10 bài Tâm Ca của Phạm Duy, còn nhẹ nhàng như những "Giọt mưa trên lá, nước mắt mẹ già, lả chả đầm đìa trên xác con lạnh giá". Bài “kẻ thù ta đâu có phải là người; giết người đi thì ta ở với ai" cảm hứng từ bức thư ngỏ của Nhất Hạnh gởi Mục Sư Martin Luther King, có tánh cách triết lý. Hòa bình chỉ là những ước mơ "Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già" hay "đến bao giờ tôi nói được những điều tôi ước mơ".
Cũng thế, hình ảnh trong các bài hát phản chiến đầu tiên của TCS như bài Đại Bác Ru Đêm vẫn còn hiền lành, pha một chút lãng mạn.
Đại bác đêm đêm dội vào thành phố
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe
Nhưng đến khi hỏa châu không còn cháy sáng trên núi mà càng ngày càng đến gần vòng đai tỉnh lỵ, khi tên của các trận đánh lớn càng lúc càng dồn dập: Chu Prong, Pleime, Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giả, chiến khu D. Rồi Tết Mậu Thân, Mùa Hè Đỏ Lửa ở Quảng Trị, Xuân Lộc, hình ảnh trong Ca Khúc Da Vàng càng thêm hãi hùng. Nạn nhân chiến tranh không còn là những người lính bất hạnh bắt buộc phải cầm vũ khí “nếu không giết đối phương thì cũng bị đối phương giết” mà có xác người còn thơ ngây, có xác người già yếu, nằm chết vội vàng dọc theo biên giới, dưới mái hiên chùa, trong giáo đường thành phố.
Nhưng có một biến cố làm TCS xúc động nhất là khi Nhất Chi Mai tự thiêu hiến thân làm đuốc cho Hòa Bình trong ngày Phật Đản năm 1967. Hai câu thơ Sống mà không được nói. Chết mới được ra lời đã làm TCS cảm hứng bài Hãy Sống Dùm Tôi. Nhất Chi Mai nhắc đến vụ tự thiêu của một giáo sĩ Quaker người Mỹ, Bill Morrison, vào ngày 2 tháng 11 năm 1965 trước cổng Ngũ Giác Đài. Morrison tẩm xăng đầy người, một tay bật diêm quẹt, tay bên kia dơ cao đứa con hai tuổi. Đến nay vẫn chưa ai biết là Morrison cố ý quăng đứa con ra ngoài biển lửa hay đó chỉ là một phản xạ khi lửa bắt đầu thiêu đốt thân ông. Ngôn ngữ bài Hãy Sống Dùm Tôi vừa đau đớn, vừa quyết liệt và phẫn nộ.
Hãy sống dùm tôi, hãy nói dùm tôi, hãy thở dùm tôi
Thịt da này dành cho thù hận, cho ngông cuồng, cho tham vọng của một lũ điên. Link:http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/hay-song-gium-toi-khanh-ly.0CAOtw2iGJ.html
Cho tham vọng của một lũ điên là lời kết án còn nặng hơn lời kết án trong Gia Tài Của Mẹ, gọi những người chủ chiến của cả hai miền là "một bọn lai căng, một lũ bội tình". Tuy nhiên, giống như triết lý bất bạo động của Gandhi, TCS không hề kết án hay nặng lời với ai. Chống đối hành động bạo tàn mà không kết án người hành động bạo tàn. Cho phép tôi dùng từ ngữ tiếng Anh cho rõ nghĩa hơn, chống đối "the DEED"chớ không oán hận "the DOER". Tôi nghĩ không phải là anh không có những giây phút tuyệt vọng "Ta ơi đừng tuyệt vọng", khi chứng kiến chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, nhưng luôn hy vọng những chủng tử từ bi nơi con người. Anh luôn mong muốn "lũ con cùng cha, quên hận thù", mong tất cả có một đời sống"không thù hận".
Cũng như Nhất Hạnh, anh bị cả hai bên đối xử tồi tệ. TCS kể là khi Khánh Ly đệm bài Gia Tài Của Mẹ vào các tình khúc khác để hát tại một phòng trà ở Đà Lạt, Sơn kể: "các toa biết không, sau bài hát có một người đi lên sân khấu, chỉ mặt moa và nói: Anh ở ngoài Bắc mới nhảy dù vào Nam phải không? Sau đó moa mới biết ông ta là Nguyễn Phú Đức, quan sát viên của VNCH tại LHQ". Chị Trần Tuyết Hoa, một người bạn trong phong trào sinh viên Phật Tử tranh đấu, kể lại trong hồi ký "40 năm âm nhạc TCS" cho biết là sau khi Ca Khúc Da Vàng được trình diễn tại trung tâm Quảng Đức, một sinh viên thân MTGP đánh tiếng là các anh trong mật khu "không hài lòng" với hai chữ "nội chiến" trong Gia Tài Của Mẹ. Các anh trong mật khu không hài lòng thì mặc các anh, bài Gia Tài Của Mẹ đã trở thành Đồng Dao lan tràn hang cùng ngõ hẽm trên khắp thành phố miền Nam.
Vào khoảng đầu năm 1967, anh Trần Viết Ngạc đến rủ tôi đi gặp TCS. Ngạc có liên hệ với nhóm Việt Nam Việt Nam của Lê Văn Hảo ở đại học Huế, và nhóm dân tộc tự quyết với thi sĩ Thái Ngọc San. Anh vừa là đồng nghiệp vừa có chút liên hệ gia đình. Tôi không tin vào vận may của mình, tự nhiên có cơ hôi được gặp nhạc sĩ mà những bản tình ca như Nhìn Những Mùa Thu Đi, Diễm Xưa, Mưa Hồng, Như Cánh Vạc Bay đã từng làm say mê cả thế hệ thanh niên mới lớn như chúng tôi. Chúng tôi hẹn đi ăn trưa ở một quán ăn bình dân trước trường Đại Học Văn Khoa cũ ở đường Nguyễn Trung Trực.
Trong quán ăn bình dân, khách ăn thì cứ ăn, dưới sàn chuột chạy thì cứ chạy. Các sinh viên công chức nghèo đều biết quán này. Sau đó chúng tôi về nhà anh Trần Đại Lộc, người phụ trách chương trình Sinh Hoạt Nhạc Trẻ của Phong Trào CPS để ngủ trưa. Chúng tôi nằm trên bộ ván ngựa nghe băng Ca Khúc Da Vàng mà TCS thâu trong băng nhựa lớn. Khi nghe đến câu "Khi đất nước tôi không còn chiến tranh, mẹ già lên núi tìm xương con mình" tôi còn nhớ cảm giác lạnh lẽo như đang ở trong nhà mồ. Lúc đó tôi ở trong một phòng nhỏ ở Trung Tâm Quảng Đức. TCS nhờ tôi xin thầy Thiện Minh tổ chức đêm nhạc tại trụ sở Tổng Vụ Thanh Niên. Chuyện đó không có gì khó khăn vì tôi bắt đầu thân thiết với anh Hoàng Văn Giàu, một đệ tử thân tín của Thầy. Sau đó mọi chuyện xảy ra trở thành lịch sử. Ca Khúc Da Vàng được hát khắp ngang cùng ngõ hẻm, đã trở thành Đồng Dao, trở thành nhịp đập của cả thế hệ trẻ ở miền Nam. Tôi là một trong số ít người may mắn được nghe Ca Khúc Da Vàng đầu tiên và có được ấn bản đầu tiên in tay và chữ ký của TCS.
Ước vọng của TCS là tất cả có được "một đời sống không mang thù hận". Như trong kinh Bát Đại Nhân Giác, rất khó mà không ghét kẻ thù của mình. Nhưng nhớ đến lá thư của Nhất Hạnh gởi cho Martin Luther King: kẻ thù ta đâu có phải là người!
Để kết thúc, tôi xin dẫn hai câu thơ của Tô Thùy Yên
Này chén rượu hồng xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc bể dâu này
Quán Như - 30.08.2007
(Nguồn: Chuyenluan.net )