ÂN ĐỨC GIÁO DỤC CỦA ÔN GIÀ LAM
Tâm Huy - Huỳnh Kim Quang
Sau năm 75 các Phật Học Viện đều đóng cửa. Các tăng sinh tại các Phật Học Viện đều trở về chùa cũ của Thầy Tổ để sinh sống và tu học. Thật tế, tu thì có mà học thì hầu như không. Có chăng là Thầy dạy đệ tử trong chùa. Những chùa có ruộng đất thì thầy trò tự túc canh tác để sinh sống. Sinh hoạt giáo dục và đào tạo tăng ni trẻ đã không còn.
Vào những năm 75, 76, 77, 78, của thế kỷ trước, tôi phải đi tìm mượn từng cuốn kinh, cuốn sách để đọc. Mỗi khi tìm được một cuốn sách, nhất là sách Phật học, sách tư tưởng và triết lý đông tây, thì đọc ngấu nghiến. Chữ nghĩa sao mà khan hiếm và quý giá quá! Có lần tôi đánh bạo lên đảnh lễ Thượng Tọa Bát Nhã (lúc đó chưa tấn phong Ngài lên Hòa Thượng) để xin mượn sách mà đọc. Thượng Tọa lấy cho mượn bộ báo Viên Âm của Hội An Nam Phật Học Huế. Báo đóng thành tập, mỗi tập khoảng 10 cuốn. Giấy báo in từ thời thập niên 1930, 1940, cho nên đã ngã màu vàng ố, nhưng chữ thì vẫn còn rõ. Ngày cầm bộ báo Viên Âm đầu tiên trên tay, tổi cảm nhận được nỗi sung sướng không gì tả nổi và vội đem về phòng mà đọc. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ đến mùi giấy để lâu ngày trong tủ lúc mở ra vừa có mùi mốc, vừa có mùi thơm của giấy đặc biệt. Có dạo, mấy người bạn không biết tìm đâu ra bộ Thiền Luận của Suzuki mà Trúc Thiên và Tuệ Sỹ đã dịch cho tôi mượn. Lúc cho mượn mấy người bạn còn ra hạn kỳ phải trả lại để cho người khác đọc. Cầm bộ Thiền Luận lòng mừng còn hơn ai cho tiền cho bạc. Về phòng đọc say sưa quên ngày quên đêm. Hòa Thượng Từ Quang và Thượng Tọa Bát Nhã vì thương anh em tăng sĩ trẻ chúng tôi nên đã đích thân đem kinh luật ra mà dạy cho mấy thầy trong chùa. Ân đức ấy sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm thức những người học trò như chúng tôi dù đời này hay bao đời khác.
Người tu giữa nhân gian giống như người đi trong đêm tối, có chân đi mà không có đèn soi sáng thì dễ lạc đường, thậm chí rớt hầm rớt hố lúc nào không hay. Đèn sáng là tri kiến Phật Pháp. Chân đi là thực nghiệm Chánh Pháp của Phật. Cho nên các bậc cổ đức thường nói: tu mà không học là tu mù, học mà không tu là đãy sách. Cầm đèn trên tay mà không đi thì chẳng bao giờ ra khỏi ba cõi. Đi mà không có đèn soi sáng thì lẩn quẩn trong sanh tử luân hồi. Việc học Phật và dạy Phật học, vì vậy, là nhu cầu không thể thiếu dù ở trong hoàn cảnh nào, thời đại nào, quốc độ nào.
Thảm họa lớn nhất cho đạo Phật chính là bê tha trong công tác giáo dục tăng, ni. Nhưng giáo dục mà không làm tròn chức năng, không thực hiện nghiêm túc thì lại là thảm họa khác.
Phật Giáo Việt Nam thời cận đại, may thay, còn có những nhà giáo dục đúng nghĩa mà trong số đó Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Thủ (từ đây trở xuống trong bài, xin được phép gọi là Ôn Già Lam) là một. Công nghiệp giáo dục tăng, ni của Ngài thật hiếm có vị nào sánh được. Ngài không những là bậc Thầy giảng dạy tại các Phật Học Viện cho nhiều thế hệ tăng, ni mà còn là người sáng lập và phát triển lớn mạnh hệ thống giáo dục Phật Học Viện, trung tiểu học Bồ Đề và Viện Đại Học Vạn Hạnh tại miền Nam. Riêng Phật Học Viện thì không thể không kể đến PHV Báo Quốc ở Huế, PHV Hải Đức ở Nha Trang, Tu Viện Quảng Hương Già Lam.
Giữa năm 1980, tôi nhận được thư của Thầy Thiện Tu từ Sài Gòn gửi ra. Trong thư Thầy Thiện Tu báo cho biết Ôn Già Lam đã mở lớp học, vừa học Phật Pháp vừa giúp hai Thầy Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát làm bộ Bách Khoa Từ Điển Phật Giáo Việt Nam. Thầy khuyên tôi nên sắp xếp để vào xin học. Thầy đề nghị tôi đảnh lễ Thượng Tọa Bát Nhã nhờ Ngài thưa với Sư Ông Từ Quang viết cho thư giới thiệu với Ôn Già Lam, rồi mang vào Sài Gòn. Tôi làm theo đề nghị của Thầy Thiện Tu và đã được Thượng Tọa Bát Nhã cũng như Sư Ông Từ Quang thương mà hoan hỷ giúp ngay. Tôi về khăn gói lên đường.
Tôi đáp chuyến tàu chợ từ Phú Yên vào Sài Gòn mất gần một ngày một đêm. Trên tàu, đông chật người và đồ đạt, đến nỗi không còn chỗ đứng cho hai chân. Tôi phải thay nhau đứng một chân. Khi nào mỏi quá thì chen ra đứng ở khoảng nối liền hai toa xe lửa. Chỗ đó chỉ có người qua lại nên có thể đứng được 2 chân thong thả. Nói là thong thả nhưng rất nguy hiểm vì nếu không vịn chắc thì sẽ rớt xuống đường rầy ngay tức khắc. Đến ga Bình Triệu lúc 3 giờ sáng, tôi phải vào ngồi trong một quán nước để chờ trời sáng rồi mới vào thành phố. Trời sáng, tôi thuê xe vào thành phố, tìm đến Chùa Quan Âm của Thầy Thông Bửu tại Phú Nhuận để xin tá túc tạm thời. Chùa đông quá không có chỗ nằm, tôi phải ở phòng khách, ban ngày thì xớ rớ đâu đó, ban đêm thì giăng mùng giữa mấy chân ghế mà ngủ. Lúc Thầy Thiện Tu đến Chùa Quan Âm, thấy tội nghiệp, nên Thầy đã sang Chùa Từ Hiếu xin Thầy Nguyên Lý cho tôi ở tạm mà đi học. Thầy Nguyên Lý hoan hỷ. Tôi dọn qua ở Từ Hiếu tại Quận Tám, bên kia cầu Chữ Y.
Tôi nhờ Thầy Thiện Tu dẫn lên Chùa Già Lam để đảnh lễ Ôn Già Lam xin nhập học. Ngày đến Già Lam, tôi nhớ Ôn nằm trên võng sau phòng khách. Thầy Thiện Tu bạch với Ôn, còn tôi thì y hậu lạy đảnh lễ. Ôn đọc thư Hòa Thượng Từ Quang rồi nói: Học thì được, nhưng ở đây không có chỗ, nên phải tự túc. Nghe Ôn hứa khả cho học lòng tôi mừng hết lớn. Cơ may này trong đời người được mấy lần, nhất là thời buổi khó khăn như bấy giờ!
Mỗi ngày tôi đạp chiếc xe đạp mini từ Chùa Từ Hiếu ở Quận Tám xuống Chùa Già Lam ở Gò Vấp hay Vạn Hạnh ở Phú Nhuận để học. Đoạn đường đó tôi phải mất từ 45 đến 50 phút đạp xe. Mệt nhất là những lúc trời mưa bất chợt, nước văng lên làm ước cả vạc áo sau. Mấy ngày trời nắng chang chang, đạp xe đến nơi thì mồ hôi mồ kê đổ như tắm. Nhưng, tuổi trẻ hăng say không hề biết mệt hay khổ sở gì. Đến sau khi thi và đậu, rồi được nhận vào học chính thức thì tôi mới vào Già Lam ở nội trú. Lúc đó dường như là mùa hè năm 1981.
Thời gian đầu, quý thầy học tăng vẫn còn sang Vạn Hạnh để học 2 môn của Ôn Minh Châu và Thầy Chơn Thiện. Ở Già Lam thì học với Ôn Già Lam, Thầy Minh Tuệ, Thầy Tuệ Sỹ, Thầy Lê Mạnh Thát, Thầy Nguyên Giác, Thầy Nguyên Hồng. Sau này, Ôn Minh Châu đã sang Già Lam dạy luôn, nên quý Thầy học tăng không phải sang Vạn Hạnh nữa.
Ở gần với Ôn Già Lam mới cảm nhận được ân đức rất lớn của Ôn. Mỗi ngày vào buổi sáng, khoảng 4 giờ rưỡi, Ôn đều lên Chánh Điện lạy Phật với quý Thầy, nhưng trước đó Ôn đã thức dậy rất sớm để hành trì trên tịnh thất riêng. Không một ngày nào Ôn không hành lễ, trừ lúc Ôn đi xa hay khi Ôn bệnh. Nghi 108 lạy đó do chính Ôn soạn. Nghi đó có thể nói là dung chứa toàn bộ những áng văn thâm thúy của nền văn học Phật Giáo bằng chữ Hán và tất nhiên bao hàm tinh ba cốt lõi của tư tưởng Phật Học. Mỗi vị xướng một câu rồi đồng lạy xuống. Đó là lối tu rất thâm diệu và đầy tính khoa học. Thâm diệu vì, khi một vị xướng lên, tất cả đều lắng nghe, nhập tâm, thể nghiệm đạo lý uyên áo trong kinh văn, rồi lạy xuống, cái bản ngã dù còn thì cũng như ngọn núi đổ xuống thành bình địa khi thâm nhập vào nhất tâm. Khoa học vì đó là phương pháp thể dục rất hiệu nghiệm. Đứng lên, lạy xuống sát đất, liên tục 108 lần vào sáng sớm, với cõi lòng thênh thang tự tại, thì bệnh tật nào không giảm, phiền não nào không tiêu, nghiệp chứng nào không sạch! Có người nghe nói tu như vậy thì cho là đơn giản quá. Nhưng kỳ thật không pháp môn nào của Phật mà đơn giản cả. Sâu hay cạn là do ở chỗ dụng tâm. Cánh hoa của Thiên nữ đâu có nặng gì mà sao có vị không bị dính, còn có vị phủi hoài không thấy rớt!
Tôi nhớ trong khóa an cư năm đó, Ôn Từ Đàm giảng Kinh Pháp Hoa. Lúc Ôn Từ Đàm vào lớp ngồi nơi bàn của giảng sư. Ôn Già Lam chống gậy ngồi ở tận hàng ghế phía sau. Quý Thầy thỉnh Ôn Già Lam lên ngồi chung bàn với Ôn Từ Đàm, nhưng Ôn Già Lam đã từ chối. Ôn Từ Đàm mới nói đại ý rằng ngồi trên chưa chắc được an lạc bằng ngồi ở dưới. Hai vị đại trí đã thấu hiểu lẫn nhau. Quả thật vậy, Ôn Già Lam vì tương lai Phật Pháp, vì sự nghiệp giáo dục tăng, ni mà hy sinh đứng ra làm nhiều Phật sự trong thời buổi khó khăn. Ôn thật đã đem thân mình ra để che chở cho đàn hậu tấn có nơi ăn chốn ở, có trường lớp để học, có chỗ để tu tập.
Nói đến công nghiệp giáo dục và đào tạo tăng ni của Phật Giáo Việt Nam trong các thập niên hậu bán thế kỷ 20, thì Ôn Già Lam là người đã đóng góp công đức xứng đáng mà nhiều thế hệ tăng, ni đều cảm nhận. Điểm đặc biệt đáng nói là Ôn Già Lam, mặc dù thuộc thế hệ trưởng thượng, nhưng lại có thái độ cởi mở, khoan dung, và thực tiễn đối với chư tăng ni trẻ trong con đường học vấn. Chẳng hạn, cùng thế hệ như Ôn rất hiếm có vị tôn túc nào cởi mở trong việc cho tăng, ni trẻ đeo đuổi con đường thế học. Chính Ôn Già Lam đã lập Tu Viện Quảng Hương Già Lam để cho tăng, ni có nơi thường trú mà theo học các trường thế học tại Sài Gòn trong những năm đầu thập niên 1960.
Thể hiện cụ thể nhất cho tầm nhìn xa và tâm lượng cởi mở khoáng đạt của Ôn Già Lam là việc Ôn đã đề xuất đường hướng và quy chế đào tạo tăng, ni vào năm 1971, lúc Ôn đang là Giám Viện PHV Nha Trang, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp của GHPGVNTN. Có thể nói rằng đây là Quy Chế rất hiếm thấy được soạn ra cho công tác đào tạo tăng, ni tại Việt Nam từ trước tới nay. Đề án được Ôn Già Lam đặt tên là “Thử Vạch Một Quy Chế Cho Tăng Sĩ Và Một Chương Trình Đào Tạo Tăng Sinh Thích Ứng Với Nhu Cầu Của Giáo Hội Trong Hiện Tại Và Tương Lai Gần.” (Nguồn tài liệu từ trang mạng www.phatviet.com , trong Tâm Như – Trí Thủ Toàn Tập, Quyển III, Luận)
Trong Đề án nêu trên Ôn Già Lam đã nói đến vai trò của chư vị lãnh đạo Phật Giáo như sau:
“Trong phạm vi Phật giáo, nhiệm vụ bất di bất dịch của cấp lãnh đạo là thừa kế Tổ đạo, truyền trì giới luật, hướng dẫn tăng đồ và tín đồ về mặt tinh thần, trụ trì các tự viện thuộc hệ thống của Giáo hội. Công tác lãnh đạo còn bao gồm cả việc gây giống ương mầm un đúc tăng tài, để thừa kế Tổ đạo trong ngày mai.” (Nguồn như trên)
Để thực hiện sứ mệnh hoằng dương Chánh Pháp, cứu khổ quần sinh, Ôn Già Lam đã nêu ra hai phương thức mà cũng là mục đích cho một vị sứ giả Như Lai. Ôn Già Lam viết trong Đề án nêu trên:
“Cấp thừa hành có nhiệm vụ bám sát cơ sở quần chúng, nhằm phát triển đạo pháp trên hai phương diện: 1. Củng cố tổ chức, dẫn đời vào đạo, 2. Tích cực nhập thế, đem đạo vào đời.” (Nguồn như trên)
Qua đó, chúng ta thấy Ôn Già Lam đã có tầm nhìn quán triệt trước thời đại và nhu cầu phát triển Phật Giáo để làm sao vừa giữ được giềng mối Đạo trang nghiêm, vừa phát huy được diệu lực thù thắng của giáo pháp Phật Đà giữa xã hội. Vì vậy, Ôn Già Lam đã chủ trương, một mặt giữ Đạo, mặt khác đem đạo vào đời. Giữ Đạo để làm nghi biểu đạo đức thực chứng hầu củng cố đạo lực Tăng già và xây dựng tín tâm của thất chúng đệ tử Phật mà đem họ vào Đạo. Tích cực phổ biến tinh thần giải thoát giác ngộ của đạo Phật qua các công tác Phật sự thực tiễn văn hóa, giáo dục, từ thiện xã hội để cứu giúp dân sinh và góp phần vào việc xây dựng xã hội. Hai mục tiêu trên đáp ứng được đúng đắn hai nhu cầu khẩn thiết của Phật Giáo Việt Nam, đó là dẫn đời vào đạo và đem đạo vào đời. Nhưng cũng vừa giải quyết nan đề của Phật Giáo trước thời đại, đó là làm sao để duy trì mạng mạch chính thống của Phật Giáo mà cũng để đưa đạo Phật vào xã hội một cách thành tựu. Cả hai mục tiêu có thể cùng thực hiện đồng thời mà không gây chướng duyên cho nhau.
Để cụ thể hóa phương thức thực hiện hai mục tiêu đó, Ôn Già Lam đã đề xuất giải pháp khả thi qua hai công tác chính yếu: Kiện nội và Hóa ngoại. Kiện nội để đáp ứng mục tiêu “dẫn đời vào đạo” và Hóa ngoại để “đem đạo vào đời”. Ôn Già Lam đã phân định minh bạch vai trò và chức năng của mỗi mục tiêu như sau:
“Ngành Kiện nội, lo xây dựng bên trong tự viện. Đóng vai trò thân cận của cấp lãnh đạo. Đảm trách mọi công tác củng cố sinh hoạt tinh thần và vật chất của cơ sở.
Ngành Hóa ngoại phụ trách tổ chức tín đồ thuộc mọi tầng lớp xã hội, diễn giảng, hành chánh, giao thiệp. Chính ngành này thực thi đường lối đối ngoại của Giáo hội, tương ứng với các cấp hành chánh ở ngoài đời.
Ngành Văn hóa Giáo dục chuyên trách việc giảng huấn trong đạo và ngoài đời, từ mẫu giáo đến đại học. Một công tác khác không kém phần quan trọng của ngành này là phiên dịch và trước tác.
Ngành công tác xã hội trực tiếp tham gia mọi sinh hoạt xã hội mà không trái với tinh thần giới luật, qua các hoạt động nghề nghiệp hợp với thế đế, để nhiếp hóa chúng sanh bằng tinh thần tứ nhiếp pháp và lo sinh tài cho Giáo hội.”
Điều đáng chú ý và gây thích thú nhất là việc Ôn Già Lam đã minh danh cho các phẩm trật tăng ni phục vụ trong những lãnh vực kiện nội và hóa ngoại bằng các phẩm vị rất thích đáng, Ôn đã đề xuất rằng:
“Chẳng hạn tăng sĩ thuộc cấp lãnh đạo thì gọi là Trụ trì tăng. Trong ngành Kiện nội gọi là Công đức tăng. Trong ngành Hóa ngoại gọi là Thiệp thế tăng. Trong ngành Văn hóa giáo dục gọi là Giảng huấn tăng. Trong ngành công tác xã hội gọi là Nhiếp hóa tăng.
Để được sung vào một trong năm ngành nói trên, tăng sĩ phải trải qua một thời gian tu học tại các Phật học viện theo đúng chương trình sẽ quy định ở một đoạn sau.”
Việc quan tâm đến phẩm chất và nội hàm của tăng sĩ khi ra phục vụ đạo Pháp trong các tổ chức Phật giáo cũng như ngoài xã hội là điều vô cùng quan trọng trong thời đại ngày nay. Nếu không như vậy, người hành đạo sẽ không thể mang được tinh ba của Phật Pháp để truyền đạt cho tha nhân và cũng chẳng có nội lực gì đủ để nhiếp hóa xã hội. Qua đó Ôn Già Lam đã đề nghị các tiêu chuẩn về trình độ kiến văn Phật Pháp và thế học mà một vị tăng sĩ phải có khi ra phục vụ Giáo Hội và xã hội. Ôn cũng đã đề xuất chương trình học Phật Pháp đầy đủ cho cấp Trung Đẳng và Cao Đẳng Phật Học, trình độ của những vị lãnh đạo Phật Giáo ở bậc trung cấp và cao cấp trong tương lai. (Xin xem nội dung chương trình từ nguồn trích như ở trên)
Một điều vừa lý thú vừa thiết thực hơn nữa là việc Ôn Già Lam đề xuất thành phần tăng sĩ tham gia các công tác xã hội chỉ nên thọ Sa Di Bồ Tát Giới và không có giáo phẩm. Đề xuất này nói lên tầm nhìn xa rộng và thực tiễn của Ôn. Bản thân người tăng sĩ đi vào xã hội để nhiếp hóa quần chúng nếu thọ trì Cụ Túc Giới của Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni sẽ có nhiều điều bất tiện, nhưng điều bất tiện thường xảy ra nhất là những ràng buộc của Giới Cụ Túc đối với công tác xã hội mang nặng sắc thái thế tục. Như vậy nếu tăng sĩ chỉ thọ Sa Di Bố Tát Giới thì sẽ giúp cho bản thân vị tăng sĩ dễ uyển chuyển hơn với mọi hoàn cảnh, đồng thời tránh tạo ảnh hưởng không trang nghiêm đối với những vị Tăng Bảo thọ trì Cụ Túc Giới. Chính đây là điểm cụ thể để đưa Phật Giáo vào xã hội mà có thể đồng lúc giữ được bản thể thanh tịnh của hàng Tăng Bảo trang nghiêm.
Một nhà giáo dục hoàn bị là người thể hiện việc giáo dục một cách đầy đủ trên cả ba phương diện: ý giáo, khẩu giáo và thân giáo. Phải có đại nguyện rộng lớn và bền vững đối với sứ mệnh giáo dục mới có thể biến công tác giáo dục thành tâm ý để luôn luôn xem việc giáo dục là mục tiêu hàng đầu, để sẵn sàng hy sinh tất cả cho giáo dục, cho các thế hệ con em, để nỗ lực không ngừng kiến lập thuận duyên làm giáo dục dù sống trong bối cảnh xã hội dẫy đầy nghịch duyên. Từ đại nguyện giáo dục ấy lưu lộ qua hai hình thái thể hiện việc giáo dục bằng thân và khẩu giáo. Đặc biệt đối với những vị tăng sĩ Phật Giáo, thân giáo đóng vai trò rất quan trọng vì đó là nghi biểu không phải chỉ trong lãnh vực giáo dục mà còn trong lãnh vực thực chứng giáo pháp của Phật Đà. Đúng như lời Phật dạy: Như Lai tức là nói và làm như nhau. Giáo thuyết và hành trì như nhau. Ôn Già Lam là vị tôn túc, là nhà giáo dục có đầy đủ nghi biểu đó. Giới đức tinh nghiêm, đạo hạnh thanh tịnh, kiến văn lãm bác, thệ nguyện sâu rộng, dấn thân trọn vẹn vào con đường giáo dục tăng, ni trải qua bao thập niên, bao hoàn cảnh xã hội, bao nghịch duyên từ trong ra ngoài, Ôn Già Lam là nhà giáo dục lớn của Phật Giáo Việt Nam thời cận đại.
Ân đức giáo dục của Ôn Già Lam sẽ còn mãi trong đáy sâu tâm thức của những người đã từng có phước duyên thọ nhận. Công hạnh giáo dục tăng, ni của Ôn Già Lam sẽ còn mãi trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam.
Con xin cúi đầu nhất tâm đảnh lễ Giác Linh Cố Đại Lão Hòa Thượng thượng Trí hạ Thủ.
Hậu học,
Tâm Huy - Huỳnh Kim Quang