PHÁT HIỆN ĐƯỜNG XÍCH TÙNG CỔ TRÊN YÊN TỬ
Trần Ngọc Linh
Những ngày cuối đông, Yên Tử ít đón khách hành hương hơn hẳn. Lác đác hai ba đoàn khách du lịch nước ngoài đến rồi lại đi, mùa đông ở vùng này lạnh hơn hẳn, sương bốc dày đọng lại thành những dải mây ken dày đặc trên đỉnh núi. Vườn cải trên núi của các nhà sư tu hành đã ngả sang màu xanh thẫm. Hôm qua, 29/1, mấy bụi mai dưới chân núi đã bung cánh nở trắng cả cành cây; hình như chỉ chờ cơn mưa xuân đầu tiên là những mầm măng trúc sẽ đội đất nhô lên. Thêm một mùa nữa, Yên tử đã chuẩn bị đón những bước chân của du khách hành hương về chốn tổ.
Bát vân tầm cổ đạo
Rẽ cỏ dại tìm lối xưa. Ảnh: Lê Anh Dũng.
Tháng 7 năm 1294, Thượng hoàng Trần Nhân Tông quyết định xuất gia ở núi Vũ Lâm thuộc vùng Ninh Bình. Tháng 8 năm 1299, Thượng hoàng Trần Nhân Tông vào núi Yên Tử tu khổ hạnh, trước đó một tháng vào tháng 7, ngài đã cho dựng am Ngự Dược ở trên Yên Tử.
Hơn 700 năm sau đó đã có nhiều người biết hơn về một con đường men theo suối Giải Oan lên tới chùa Hoa Yên.
Từ chân núi Yên Tử lên chùa Hoa Yên hiện có hai con đường: đường bộ mà mọi người vẫn đi bấy lâu nay, qua chùa Giải Oan, lên dốc Hà Nội qua đường Tùng – đường Trúc lên lăng Quy Đức rồi hướng thẳng lên chùa Hoa Yên; còn đường cáp treo mới làm cách đây cũng đã tám năm rồi.
Nhưng có một con đường mà các thiền sư lên đây từ thuở Yên Tử còn hoang vu vẫn thường hay đi, dân trong vùng cũng theo đó mà đi hái thuốc … Đoạn đường này dài khoảng hơn 2 cây số bắt đầu từ sau lưng chùa Giải Oan, men theo suối nếu vòng qua thác Bạc là có thể đến chùa Hoa Yên.
Đoạn đường này dân trong vùng gọi là đường Xích chắc là do dọc lối có trồng xích tùng. Hiện vẫn còn hơn 10 cây xích tùng cổ có tuổi ngang với đường Tùng từ Hoa Yên lên An Kỳ Sinh. Rất ít người biết đoạn cuối con đường nằm ở vị trị giữa Am Hoa (hay còn gọi là am Thung) và am Dược (Am Ngự Dược ?).
Năm 2006 khi xây dựng chùa Đồng mới đặt trên đỉnh Yên Tử, ngôi chùa đồng mới nặng gần 72 tấn được đúc bằng Đồng ở chân núi Yên Tử sau đó được vận chuyển lên và đặt trên đỉnh Bạch Vân Sơn cao 1068m so với mặt nước biển. Đúc chùa Đồng đã là một kỳ công vì vận chuyển cả một ngôi chùa bằng đồng lên đỉnh cao nhất của dãy Yên Tử hiển nhiên là nan giải.
Trong cái khó ló cơ duyên: người dân địa phương đã gợi ý cho chúng tôi hướng khám phá về một con đường cổ. Theo sách sử chép lại dưới thời của nhị tổ Pháp Loa, Thiền phái Trúc Lâm phát triển cực thịnh, riêng ở vùng núi Yên Tử thời điểm cao nhất có hơn một vạn tăng chúng đến đây để tu tập. Với số lượng như vậy ắt hẳn sẽ để lại nhiều dấu tích tại nơi đây, nên sự bí ẩn về một con đường cổ sau chùa Giải oan hơn bao giờ hết trở nên thu hút chúng tôi quyết tâm dấn bước trên con đường khám phá thánh địa Yên Tử
Theo tính toán có đi cả con đường chỉ vẻn vẹn một buổi chiều, con đường hơn 2km chắc chắn chỉ đi hết cùng lắm là 3 giờ đồng hồ, nhưng trong đoàn khám phá ai cũng đem theo một tâm trạng háo hức về những thứ có thể thấy dọc đường đi. Vì theo phỏng đoán thì rất có thể đây chính là con đường đầu tiên vua Trần Nhân Tông lên Yên Tử tu khổ hạnh và ngài đã đắc đạo thành Phật ở nơi đây.
Dấu vết còn sót lại của đường cổ Xích tùng
Con đường cổ xích tùng lên thẳng am Dược ngày nay không còn người đi nữa, thi thoảng đến mùa xuân người dân hái thuốc để bán cho khách hành hương mới đi trên con đường này vì xung quanh am Dược (am Ngự Dược ?) có thể tìm thấy nhiều loại thuốc Nam: đằng sau am là cả một vạt diếp cá rừng, trước mặt là một rừng sâm nam. Theo sư bác Khai Hiếu người đã ở Yên Tử gần 15 năm nay thì sâm Nam là một dược liệu rất quý, trong năm thì mùa xuân đi đào sâm Nam là hợp lý nhất vì đất lúc đó gặp mưa nên bở, chỉ cần kéo mạnh là lấy được cả chùm những con sâm to hơn ngón tay cái, thơm ngang với cả sâm Triều Tiên; bên cạnh sâm nam còn vô số các loại cây khác, nào là thứ cỏ gây tê, cây chữa đau lưng, những thuốc như trầu tiên, gừng gió ở đây không thiếu gì.
Ngay bên cạnh am Dược là một nền am cũng đã đổ nát dân trong vùng gọi là am Hoa, còn có tên cổ là am Thung tức là: am giã thuốc. Mối liên hệ giữa am Ngự Dược và am Thung thật là chặt chẽ nếu như xét riêng theo tên gọi: Một am để trồng thuốc – một am để “giã thuốc” hiểu thoát nghĩa chính là việc bào chế thuốc.
Khảo cổ còn tìm thấy dưới nền am Thung (am Hoa) có nhiều bầu gốm men hoa nâu, gốm sành nhỏ bằng nắm tay khi xưa chắc hẳn mọi người dùng những chiếc bầu nhỏ đó để đựng thuốc. Việc tồn tại hai am Dược, am Thung trên Yên Tử cho đến tận ngày hôm nay chứng tỏ ở vị trí đó đã từng là nơi trồng và bào chế thuốc cho vùng Yên Tử xưa kia.
Theo sách Đại Việt Sử Ký toàn thư chép lại: Tháng 8 năm Kỷ Hợi, Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường vào núi xuất gia tu khổ hạnh. Trước đó có một đoạn chép, tháng 7 năm đó (năm Kỷ Hợi - 1299) dựng am Ngự Dược ở núi Yên Tử.
Cửa sau Am Dược Ngự. Ảnh: Lê Anh Dũng.
Từ mấy dòng trong sách ĐVSK trên ta có thể thấy việc dựng Am Ngự Dược trên Yên Tử chính là việc chuẩn bị cho Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia vào Yên Tử để tu khổ hạnh. Ở nền am Dược đoàn khảo sát nhận thấy còn khá nguyên vẹn, am Dược được xây bằng đá, đường đi ngay ngắn, nhìn qua thì có thể nhận xét có qua một số lần trùng tu vì trên nền móng kiên cố bằng đá có hai lớp nhà. Một lớp nhà được dựng bằng cột và một lớp nhà dựng bao ở ngoài xây bằng tường đá, rất kiên cố. Hiện giờ lớp tường đá vẫn còn hai mảng tường bên trái và phải, mặt sau thì chỉ còn một nửa, mặt trước thì bị phá hủy hoàn toàn. Còn lớp nhà đựng bằng cột thì được phỏng đoán qua hệt thống các hàng bệ đá hoa sen để kê chân cột vẫn còn nguyên, trên đường đi lên am Dược cũng có nhiều những bệ đá như vậy, hoặc vứt lăn lóc, hoặc dùng để lát đường.
Đường đi từ cuối con đường Xích tùng lên thẳng am Dược theo những bậc đá được làm rất ngay ngắn, nhưng đường hẹp đến gần lên am Dược thì mới mở rộng ra. Theo con đường này, từ sau chùa Giải Oan lên đến am Dược, có 3 chặng có những đoạn đừng được dựng lên gần giống như vậy, tuy sơ sài hơn nhưng chắc chắn những bậc đá đó không thể do bàn tay của thiên nhiên tạo nên mà phải từ công tỉa tót của con người. Rất có thể con đường cổ Xích tùng này chính là con đường đầu tiên khi xưa đức Thượng hoàng Trần Nhân Tông lên Yên Tử tu hành sau đó đắc đạo thành Phật.
Mặt khác, trong cả ba sách nói về việc vua Trần Nhân Tông xuất gia tu khổ hạnh trong Yên Tử không nhắc đến việc vua ở đâu khi lên Yên Tử mà chỉ nhắc đến việc vua mất tại am Ngọa Vân thuộc khu vực Yên Tử. Tuy vậy việc xây dựng am Ngự Dược vào tháng 7 năm Kỷ Hợi, đến tháng 8 vua xuất gia tu khổ hạnh tại Yên Tử chính là một chìa khóa cho biết: dựng am Ngự Dược chính là công việc chuẩn bị về mặt cơ sở vật chất cho Thượng hoàng vào trong núi tu hành và đây là nơi đầu tiên ngài an cư để tu tập trong vùng Yên Tử.
Trần Ngọc Linh
Phát lộ dấu vết am Ngọa Vân- Yên Tử, Trần Ngọc Linh