Thuở nhỏ, bẩm chất thông minh, đĩnh ngộ. Thời tráng niên, lập nghiệp ở Lào, Hòa Thượng nhân đọc báo Từ Bi Âm mà ngộ đạo, thấy rõ cuộc đời vô thường, nuôi chí xuất gia. Đến năm 29 tuổi (1927), Hòa Thượng mới có đủ nhân duyên đầu sư thọ giáo với Hòa Thượng PHƯỚC HUỆ, Trú trì chùa Hải Đức, Huế và đắc giới Sa di năm 1934. Năm 1936, ngài thọ Cụ túc giới với pháp hiệu BÍCH NGUYÊN, rồi theo học ở các lớp Phật học tại các Phật học viện Hải Đức, Bảo Quốc và Ấn Quang.
Năm 1941, Hòa Thượng vào hóa duyên tại Tổ đình Linh Quang ở thành phố Đà Lạt. Năm 1945, ngài về khởi công xây dựng chùa Linh Phong ở Trại Hầm-Đà Lạt, với đồ án do chính Hòa Thượng phác họa, tự tay xây cổng Tam quan mà chứng tích nay vẫn còn uy nghiêm, sừng sững trên triền dốc với thời gian, công trình này được Kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ hết sức khâm phục và đánh giá là công trình thế kỷ.
Năm 1950, Hội Phật học Trung phần đã tổ chức an cư tập trung tại chùa Linh Phong-Đà Lạt do ngài sáng lập. Khóa hạ gồm chư Tôn Hòa Thượng: Thích Quảng Nhuận, Thích Bích Nguyên, Thích Từ Mãn, Thích Thiện Minh, Thích Minh Cảnh, Thích Hoa Sơn. Sau mùa an cư, với sự đề nghị của chư Tôn đức, Hòa Thượng Thích Bích Nguyên đã hỷ cúng chùa Linh Phong để làm cơ sở cho Ni bộ tại tỉnh Lâm Viên, và ngôi Tam bảo này chính thức trở thành trụ sở của Ni bộ Bắc tông Lâm Viên vào năm 1952.
Năm 1953, Hòa Thượng được Giáo hội cung thỉnh về làm Trú trì chùa Linh Sơn-Đà Lạt và làm Hội trưởng Hội Phật giáo Lâm Viên. Trong khoảng thời gian này, ngài đã trực tiếp giáo dưỡng nhiều thế hệ Tăng sinh từ Phật học viện Hải Đức gởi lên chùa Linh Sơn tu học. Số Tăng sinh này sau này đã trở thành những vị tôn túc lãnh đạo Phật giáo, đơn cử như Hòa Thượng Thích Nguyên Đức ở Phú Yên v.v…
Năm 1963, ngài cùng với chư Tôn đức tỉnh Tuyên Đức như Cố Hòa Thượng Thích Đạo Quang v.v… tham gia tranh đấu bảo vệ Phật giáo trong Pháp nạn 1963.
Năm 1964, khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất được thành lập, vì tuổi cao sức yếu và vì tâm nguyện muốn được tịnh tu ngài giao lại vị trí Trú trì chùa Linh Sơn lại cho Hòa Thượng Thích Từ Mãn và sau đó ngài được Giáo hội cung cử và bổ nhiệm làm Trú trì chùa Viên Giác, lãnh đạo Chi hội Phật giáo Cầu Đất.
Năm 1982, ngài được Giáo hội suy cử làm Chứng minh và Cố vấn Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng. Suốt thời gian hóa đạo, Hòa Thượng đã truyền giới cho nhiều Phật tử tại gia cũng như xuất gia. Các đệ tử xuất gia của Hòa Thượng như các vị : Thật Trí, Thật Tánh, Thật Tâm (Không Trú), Thật Quán (Không Trung) .v.v…
Hòa Thượng luôn giữ nếp sống phạm hạnh, nghiêm trì giới luật, nhật trung nhất thực, ngày hai buổi công phu hôm sớm, hai thời thiền định. Đến lúc tuổi già sức yếu ngài cũng không bao giờ trễ nãi. Bài thơ “Gởi bạn” là một trong số nhiều cảm tác của Hòa Thượng có thể được xem là nét tiêu biểu về quan niệm tu hành, công phu tu tập miên mật và thể hiện rõ cá tính của Hòa Thượng.
GỞI BẠN
Gian khổ dù chi chẳng nại hà
Xả thân cầu đạo quyết ly gia
Ngồi trên nước đục bùn không nhuốm
Đứng dưới trăng nghiêng bóng chẳng tà
Học vấn noi theo gương Đức Phật
Tu hành quyết hướng cảnh Di Đà
Lấy gì tỏ nỗi tình chân thật
Xin tặng vần thơ chút gọi là.
Vào đầu hạ Đinh Mão, Hòa Thượng lâm bệnh nhẹ. Đến ngày 11 tháng tư năm Đinh Mão, nhằm ngày 08/05/1987, Hòa Thượng đã an nhiên thị tịch, trụ thế 88 tuổi, hạ lạp 51.Trước khi thị tịch, ngài đã để lại bài kệ Di chúc cho Môn đồ như sau:
Bích Nguyên viên tịch chớ băn khoăn
Đệ tử chôn sâu nhớ khỏa bằng
Mạng sống bập bềnh nhö bọt nước
Huyễn thân chốc lát tợ sương băng
Đừng buồn, đừng khóc, đừng thương tiếc
Không cúng, không thờ, không phục tang
Chỉ có tinh chuyên thường niệm Phật
Mới mong giải thoát đắc siêu thăng.
Nam mô Từ Lâm Tế chánh tông, tứ thập tam thế khai sơn Linh Phong tự, Trú trì Linh Sơn tự, Viên Giác tự, húy thượng CHƠN hạ THANH, tự CHÁNH MẬU, hiệu BÍCH NGUYÊN Đại lão Hòa Thượng Giác linh.
Môn đồ pháp quyến đồng kính lập