Chùa Bích Ðộng
Xã Ninh Hải, H. Gia Viễn, T. Ninh Bình
Bích Động - Tam Cốc là khu di tích thắng cảnh nổi tiếng thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình, nằm trong rặng núi đá vôi Trường Yên, gần khu di tích Hoa Lư. Thăm Bích Động, ngồi trên con thuyền nhỏ chầm chậm di chuyển trên làn nước trong xanh in bóng mây núi, luồn lách dưới những mái đá phủ thạch nhũ óng ánh muôn màu, lướt qua những vách đá cao ngất còn ghi lại những vần thơ tức cảnh lưu đề của người xưa, chúng ta cảm thông sâu sắc với ý tưởng nghệ thuật của vua Trần Nhân Tông (1279 - 1293) trước vẻ đẹp tuyệt trần của thiên nhiên:
Tứ biên sơn nhiễu thủy bôi hoàn,
Sơn thủy như đồ cảnh tư nhiên.
(Bốn bề núi vây bọc, nước quanh co;
sông núi như tranh, phong cảnh đẹp tự nhiên).
Chùa Bích Động được xếp hàng thứ hai sau động chùa Hương Tích (Nam thiên đệ nhất động), được gọi là "Nam thiên đệ nhị động" (Động đẹp thứ nhì dưới trời Nam). Phía trước động là đồng lúa rộng mênh mông, có chi nhánh sông Hoàng Long chảy qua, uốn khúc quanh năm ngọn núi quây quần thành cụm như đóa hoa sen.
Trên núi cây cối xanh um, thấp thoáng ẩn hiện những vạt mái ngói rêu phong của ngôi chùa cổ. Chùa Bích Động được dựng với quy mô lớn từ đầu đời Lê. Trong chùa còn quả chuông lớn đúc từ thời vua Lê Thái Tổ (1428 - 1433), mộ tháp các vị hòa thượng có công xây dựng chùa. Thời Cảnh Hưng (Lê Hiển Tông 1740 - 1786) chùa được trùng tu mở rộng thêm, bao gồm Chùa Hạ, Chùa Trung, Chùa Thượng, trải ra trên ba tầng núi.
Vào Chùa Hạ phải qua một cầu đá ba nhịp. Chùa xây bằng đá tảng mài nhẵn trên khối nền kè đá cao tới gần 2m, trông khá bề thế. Cột thềm, lan can... chủ yếu đều được tạo dựng bằng chất liệu đá. Mái chồng lợp ngói mũi hài to bản; Hai bên là hai tòa giải vũ; phía trước là sân gạch rộng và phương đình.
Bên trái Chùa Hạ có lối lên Chùa Trung, đục đá thành bậc, mát rượi dưới tán lá cây lưu niên. Chùa Trung nằm kề cửa động, trên vách đá có khắc hai chữ Hán "Bích Động" cực lớn. Phía bên trái có tấm bia "Bích Sơn thiền tự bi" (Bia Chùa Bích Sơn) dựng thời Lê Dụ Tông (1705 - 1729); phía bên phải là tấm bia thời Cảnh Hưng, tạc ngay vào sườn núi.
Từ Chùa Trung, trèo 22 bậc đá nữa, qua Hang Tối có chuông cổ, tượng Phật bằng đồng, qua cổng đá cuốn, sẽ lên tới Chùa Thượng. Chùa dựng trên điểm cao chót vót gần đỉnh núi, đã đổ nát, chỉ còn lại mấy cột đá đứng chơ vơ giữa những cây đại cổ thụ. Đứng trên nền Chùa Thượng có thể ngắm nhìn toàn cảnh Bích Động, như bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp, trải rộng ra trước mắt.
Gần Bích Động là động nước Tam Cốc, đền Thái Vị và khu Hành cung - Vũ Lâm đời Trần. Từ Bích Động đến Tam Cốc tuy gần nhưng chỉ có đường thủy. Dòng sông nhỏ, nước xanh thẫm, in bóng vách núi, hoa rừng, đến núi Kiểu thì thắt hẹp lại, luồn quanh ba cái hang (Tam Cốc): Hang Cả, Hang Hai, Hang Ba. Trong hang nhiều nhũ đá, lóng lánh đủ mầu sắc, lại nhễ pha lẫn kim nhũ, ngân nhũ dưới ánh đèn đuốc. Không khí trong hang mát lạnh. Vua Trần Thái Tông (1255 - 1258) đã ví nơi đây với chốn non tiên:
Thủy thức Bồng Lai nguyên bất viễn
Thung dung tuế nguyệt độn phàm trần
(Đến đây mới biết cảnh tiên chốn Bồng Lai đâu có xa;
ngày tháng thong dong xa lánh cõi phàm trần).
Nhà vua đã dựng một am nhỏ trên vạt đất cao gần Hang Cả làm nơi tu hành. Nơi đây vẫn còn di tích một khu đất rộng khoảng hơn một sào, cao hơn mặt ruộng tới trên một mét, nước lên cũng không bị ngập, được gọi là Vườn Am. Hang Cả trong Tam Cốc tuy đẹp nhưng khuất nẻo. Vua Trần Thái Tông lúc đó tuy đã khoác áo cà sa nhưng vốn là ông vua có tài thao lược, đã từng lãnh đạo quân dân thời Trần đạp tan cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Nguyên Mông. Nhà vua đã cho dựng am Thái Vị ở đây, chiêu mộ dân lưu tán đến để khai hoang lập ấp, mở mang đường giao thông, tôn tạo những nơi xung yếu, chuẩn bị sẵn sàng với tình thế khẩn trương, một khi chiến tranh chống xâm lược lại nổ ra. Nhiều cuộc họp quan trọng của triều đình, dưới sự chủ trì của Trần Thái Tông (với cương vị là Thái thượng hoàng) đã được tổ chức ở chính nơi đây. Câu đối ở đền Thái Vị (dựng sau này trên đền Thái Vị) cho ta biết nơi đây đã từng chứng kiến cảnh văn võ bá quan, áo mũ uy nghi, tới lui tấp nập. Cũng như ở phủ Thiên Trường (nơi phát tích của nhà Trần), nơi đây cũng đã từng có nhiều phủ đệ của các vương hầu. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Nguyên Mông lần thứ hai 1285), khu Hành Cung - Vũ Lâm trở thành căn cứ địa vững chắc của quân dân đời Trần.
Trải ra trên một địa bàn khá rộng, khu di tích Hành Cung - Vũ Lâm bao gồm nhiều xã thuộc huyện Hoa Lễ (tỉnh Ninh Bình) ngày nay, với nhiều địa danh gợi nhớ lịch sử như: Cửa Quan, Hành Cung, Cống Rồng, Tuân Cáo, Vườn Kho, v.v... Di tích am Thái Vị hiện còn đến nay là một khu đất rộng khoảng sáu sào, xung quanh có lũy đất, ở giữa là ngôi đền thờ Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Hiển Từ Hoàng Thái hậu, có tượng đồng đặt trong hậu cung.
---o0o---
---o0o---
Nguồn: suutap.com
Trình bày: Nhị Tường