Chùa An Lạc
- Ngôi chùa cổ ở Bình Thuận
Nằm ở làng Lại An, xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, so với các ngôi chùa khác ở Bình Thuận, chùa An Lạc được xem là một trong số những ngôi chùa cổ còn giữ nguyên kiến trúc nghệ thuật ban đầu khởi dựng và xin giới thiệu đôi nét về lịch sử hình thành và giá trị kiến trúc nghệ thuật của ngôi chùa cổ tiêu biểu này.
Ngược dòng lịch sử hơn 300 năm về trước, vào thế kỷ XVIII trở đi một bộ phận cư dân các tỉnh Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ lần lượt di cư về phương Nam khai khẩn đất đai, an cư lập nghiệp và trong đó có Bình Thuận chúng ta. Nhóm tụ cư ban đầu được hình thành trên cơ sở dòng tộc, họ hàng đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau để tạo lập cuộc sống mới, chẳng bao lâu những vùng đất hoang vu đã trở thành đồng ruộng, xóm ấp và làng Lại An đã hình thành trong bối cảnh ấy.Khi cuộc sống ổn định, để tưởng nhớ đến những người đầu tiên có công khai phá đất đai, tạo dựng xóm làng, các làng đều lập đình, chùa để thờ. Theo gia phả một số tộc họ để lại, hai họ có công khai phá, tạo lập làng Lại An là Tiền - Trần và Hậu – Võ Lịch sử hình thành, phát triển của Phật giáo Bình Thuận cũng như nguồn gốc ra đời của các ngôi chùa luôn gắn với quá trình di dân của bộ phận cư dân từ Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ vào Nam khai khẩn đất đai tạo lập cuộc sống mới. Trong lớp cư dân di cư đó, ngoài những người ra đi tìm cuộc sống mới, bên cạnh đó còn có không ít nhà sư người Việt, người Hoa và đông đảo tín đồ Phật giáo. Tại Bình Thuận nhiều ngôi chùa ra đời trong hoàn cảnh này như: chùa Phật Quang (chùa Cát), chùa Liên Trì (chùa Tre) ở Phan Thiết; chùa Cổ Thạch (chùa Hang) ở Tuy Phong; chùa Linh Sơn Trường Thọ (chùa Núi) ở Hàm Thuận Nam… và chùa An Lạc cũng ra đời vào thời gian này.Như đã nêu trên, theo đoàn di dân Phật giáo đã xuất hiện ở làng Lại An khá sớm và theo tục truyền vào năm 1778 đã xây xong chùa An Lạc. Chùa được đặt tên là An Lạc, với ước mong nơi đây sẽ là nơi con cháu đời đời an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, qua các nguồn tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ tại chùa và một số nguồn tư liệu lịch sử thì xưa kia Đại sư Huệ Đức – Định Thiền từ Điện Bàn, Quảng Nam du hóa vào Bình Thuận, đến làng Lại An thấy cảnh trí yên lành, thanh tịnh, đất đai trù phú nên dừng chân du hóa để làm nơi tu niệm. Đại sư có pháp danh Như Hải, tự Định Thiền, tục danh là Lê Thành, sinh năm Đinh Dậu (1836), viên tịch năm Giáp Dần (1904). Đại sư là bậc chân tu nghiêm trì giới hạnh và được dân làng rất cảm mến.Pháp giới, đạo đức của Đại sư được Án sát sứ Phạm Kiêm Bố chánh sứ tỉnh Bình Thuận miêu tả: “Nơi chùa Phật An Lạc ở xã Lại An, phủ hạt Hàm Thuận có vị sư tên Lê Thành, hiệu Huệ Đức, tuổi cao phát nguyện quy y từ nhỏ, làm thông kinh kệ, giữ vẹn pháp giới, chứng quả đạo tràng lại siêu phàm thoát tục…”.Theo nguồn tư liệu lưu giữ tại chùa, năm Thành Thái thứ 11 (1899) xây chính điện có cổ lầu lợp ngói âm dương, tường xây vôi gạch rất nguy nga đồ sộ. Đến năm Thành Thái thứ 12 (1900) mới hoàn thành và tổ chức lễ khánh thành rất trọng thể. Hiện nay tại chính điện chùa An Lạc còn lưu giữ thanh xà cò khắc dòng chữ Hán có nội dung: Long Phi Thành Thái thập nhất niên tuế thứ kỷ hợi thu nhất nguyệt thập nhất nhật bổn thôn đồng cấu tạo linh tự nhất tòa. Tạm dịch: Bổn thôn xây dựng một tòa chùa linh vào ngày 11 tháng 7 năm Thành Thái thứ 11 (1899).Chùa An Lạc trải qua hơn 100 năm tồn tại đã gắn chặt với đời sống văn hóa tinh thần, tín ngưỡng tôn giáo của tín đồ phật tử địa phương qua nhiều thế hệ. Những năm chống Pháp, thực hiện lệnh “Tiêu thổ kháng chiến” nên đã có rất nhiều đình, chùa ở khu vực Hàm Thắng, Phú Long bị tháo dỡ. Nhưng chùa An Lạc vẫn còn tồn tại. Xét về mặt nào đó thì đây là một sự may mắn, nếu không chúng ta lại mất một di tích kiến trúc nghệ thuật có nhiều giá trị tiêu biểu.Quần thể kiến trúc nghệ thuật chùa An Lạc được bố trí theo dạng chữ khẩu, bao gồm chính điện ở phía trước, nhà thờ tổ ở phía sau, nhà đông – tây lang nằm ở hai bên và chính giữa là khoảng sân trống. Trong kết cấu kiến trúc chùa An Lạc, ông cha ta ngày trước sử dụng đồng thời hai dạng kiến trúc dân gian tiêu biểu bấy giờ là tứ trụ và 8 cột chính ở trung tâm và các cột phụ ở xung quanh để lắp ghép, nối ráp với nhau tạo nên không gian hài hòa, phù hợp với chức năng, tín ngưỡng thờ phụng của di tích. Gỗ là vật liệu chính yếu trong kết cấu kiến trúc, với chức năng liên kết chịu lực. Tất cả các bộ phận, chi tiết gỗ đều được chế tác từ các loại gỗ quý ở địa phương, được tạo dáng, trau chuốt và chạm trổ công phu, tinh tế qua bàn tay tài hoa, khéo léo của nghệ nhân xưa. Bên cạnh đó, các họa tiết trang trí trên nóc mái, các hình tượng đắp nổi trên vách cổ lầu; trên các vì kèo, trính cho đến cách bài trí thờ phụng bên trong đều thể hiện rõ sắc thái của một công trình kiến trúc tôn giáo ở thế kỷ XIX.Ngoài những nét độc đáo trong kiến trúc nghệ thuật, chùa An Lạc còn bảo lưu một số di vật cổ mang tính nghệ thuật và giá trị lịch sử cao. Đáng kể nhất là những di sản Hán Nôm có nhiều giá trị văn hóa – lịch sử và văn học dân gian gắn liền với quá trình di dân, hình thành làng xã của cha ông làng Lại An ngày trước. Nội dung ca ngợi công đức của các bậc tiền nhân dày công dựng chùa, hành đạo, hướng con người tu tâm, dưỡng tính và vươn đến chân – thiện – mỹ. Với những giá trị về lịch sử – văn hóa, và kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu đó, ngày 25/1/2006 Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định số 266/QĐ-UBND chính thức xếp hạng chùa An Lạc là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Đây là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc nói chung và nhân dân xã Hàm Thắng nói riêng.
---o0o---
---o0o---
Nguồn: www.vietnamtourism-info.com
Trình bày: Nhị Tường