Các khóa tu học tổ chức tại Úc châu
Khóa tu học Phật pháp kỳ II - tổ chức tại Otford, vùng Wollonggong, tiểu bang New South Wales từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 1 năm 2003
Khóa tu lần này được tổ chức cũng tại tiểu bang New South Wales. Ðịa điểm được chọn là một khu nhà nằm trên ngọn đồi nhìn ra biển Otford, vùng Wollongong, cách trung tâm thành phố Sydney chừng 50 cây số. Cảnh trí nơi đây ẩn sâu vào rừng núi, nên phải trải qua đoạn đường ngoằn ngoèo khá dài, với san sát hai bên đường những hàng cây lớn kết nhau, bắt nhánh nhau, quyện vào nhau thật đẹp mắt. Thật đúng như lời của ai đó "đến đây rồi, niềm vui khó tả trình". Ðẹp hơn nữa trước khi vào trại không xa, hiện ra một tuyệt phẩm thiên nhiên, trời mây non nước, cỏ cây hoa lá quyện lẫn vào nhau, tạo nên một bức tranh sơn thủy hài hòa.
Đường về khóa tu
Người đến khóa tu đi bằng xe bus được thưởng thức nhiều hơn. Cảnh núi hùng vĩ của rừng xanh bên trên và cảnh mênh mông một màu xanh của biển bên dưới. Con đườøng xe chạy đã được sắp đặt một cách tài tình do những nhà thiết cảnh trí tài hoa nào đó, để bây giờ ai nấy không sao không trầm trồ khen ngợi. Nơi đây lúc nào cũng có xe du khách tìm đến, thưởng thức ngắm nhìn bức tranh sống thật này. Nghe nói rằng đây là cảnh du lịch đẹp nhất và nổi tiếng nhất của thành phố Wollongong, có lẽ nhờ núi và biển đứng cạnh bên nhau, tạo nên sức hùng tráng và thơ mộng của đất trời chăng? Phong cảnh hữu tình này làm cho người viết nhớ đến Thi sĩ tài hoa Tô Ðông Pha qua bài thơ:
Lô sơn yên tỏa Triết giang triều,
Vị đáo sanh bình hận bất tiêu,
Ðắc đáo hoàn lai vô biệt sự,
Lô sơn yên tỏa Triết giang triều.
(Khói tỏa Lô sơn sóng Triết giang,
Nếu chưa đến đó luống mơ màng,
Ðến rồi về vẫn không gì khác
Khói tỏa Lô sơn sóng Triết giang).
Một cảnh trí núi rừng thiên nhiên tuyệt đẹp như thế, thì hẳn những ngôi nhà, những cư xá chung quanh phải được xây cất hài hòa theo, sao cho đồng "điệu".
Thật vậy, cảnh trí của ngôi cư xá cho khóa học thật như ý. Ðiều đáng nói là thật hợp lý cho cách phối trí, sinh hoạt tu học. Dãy nhà chính để sinh hoạt, có hai tầng. Mỗi tầng có thể chứa hơn hai trăm người.
Ban tổ chức sắp đặt tầng trên làm quá đường (phòng ăn), tầng dưới thiết bàn thờ làm nơi hành lễ. Sở dĩ trái ngược như vậy, lý do tầng trên nối liền với nhà bếp được thiết kế theo sự sắp đặt của chủ nhà. Do dó phương tiện đãi khách, chuyển đồ thật dễ dàng. Xin nói rõ thêm là chủ nhân có dụng ý tạo tầng dưới một khung cảnh thật đẹp, và khi mời khách thì bấy giờ "thượng lầu" mới là "quý" khách. Chính vậy tầng trên nối liền với nhà bếp sát với vách núi được tạo nên một con đường xe chạy vừa đủ dành riêng cho vận chuyển lương thực. Vì thế bên dưới được trang trí tối đa mà không lo lắng ảnh hưởng đến phân khu khác. Từ ngôi nhà chính này được nối ra hai bên, hai dãy nhà nghỉ của học viên, dọc theo hành lang, tất cả được xây dựng bằng gỗ, thật xinh đẹp sạch sẽ và đầy đủ các phương tiện sinh hoạt hằng ngày mà quý bác đùa rằng " đây là khách sạn 3 sao".
Như thế khi màn đêm buông xuống thì khu thờ phượng được trả lại sự yên tịnh, khi tất cả ai nấy lui về hai dãy nhà nghỉ. Ðiều này ngẫu nhiên hợp cảnh và hợp lý như một ngôi già lam đông chúng tu học như truyền thống. Và có lẽ những học viên dự qua khóa tu sẽ chẳng bao giờ quên, giờ phút nghe hiệu lệnh báo thức; rồi sau đó những tà áo tràng màu lam lẫn lộn áo vàng của quý Thầy Cô lần lượt chào nhau, cười nhau bước về Chánh điện.
Nếu ai đó ra công sức săn tin, 'săn tiếng' mà nghe câu chào hỏi A Di Ðà Phật chào Thầy! A Di Ðà Phật chào Sư Cô! A Di Ðà Phật chào Bác, chào anh, chào em, chào ai đó... thì có lẽ đếm được trên hàng ngàn tiếng, tuy chỉ có gần trăm rưỡi người và sống với nhau vỏn vẹn gần năm ngày. Bấy nhiêu đó cũng đủ ấm lòng người con Phật.
Khu sinh hoạt tọa lạc trong một diện tích khá rộng, và tòa nhà đặt ở vị trí cao nhất, nên buổi sáng sau giờ công phu ngắn một hàng người tỉnh thức lần bước thiền hành từ trên đồi cao bước xuống, như từ lâm sơn hạ thế để mong hoằng hóa độ chúng sanh!
Những nét mặt tươi vui, vui trong tỉnh thức; những nét mặt trầm tư, chiêm nghiệm về đạo lý và những nét mặt tự nhiên, tự nhiên trong hiện tại. Thật là dòng sáng đạo vàng uyển chuyển làm đẹp buổi bình minh.
Ðúng 10.30 giờ sáng lễ khai mạc khóa tu chính thức cử hành, giờ khai mạc linh thiêng thanh tịnh như thể mọi người cùng nhau cầu nguyện cho khóa học được thành công viên mãn, về chứng minh có HT Hội chủ Thích Như Huệ, TT Thích Bảo Lạc, TT Thích Quảng Ba, TT Thích Trường Sanh, TT Thích Phước Nhơn, TT Thích Minh Hiếu, TT Thích Nguyên Trực, TT Thích Tâm Minh, TT Thích Như Ðịnh, TT Thích Tịnh Ðạo, ÐÐ Thích Thiện Hiền, ÐÐ Thích Quảng Nghiêm, ÐÐ Thích Phổ Hương, ÐÐ Thích Nhuận An, ÐÐ Thích Nguyên Tạng, ÐÐ Thích Ðạo Nguyên, ÐÐ Thích Ðạo Thông, ÐÐ Thích Hạnh Hiếu, ÐÐ Thích Viên Trí, ÐÐ Thích Phổ Huân, Sư Cô Tâm Lạc, Sư Cô Bảo Trường, Sư Cô Tịnh Ánh, Sư Cô Nguyên Khai, Sa Di Ni Giác Thủy và gần 200 Phật tử tại gia đến từ các tiểu bang Victoria, South Australia, West Australia, Queensland.
Lời đạo từ của Hòa thượng Hội Chủ thượng Như hạ Huệ thật tha thiết, chân thành nhắc nhở mọi người hiện diện khóa tu nên tinh tấn dọn mình thanh tịnh để phát huy được chánh pháp mà đấng đạo sư đã khai phóng cho con người. Bằng câu chuyện "bài học ngàn vàng", Hòa thượng đã ân cần nhắc nhở mọi người con Phật luôn luôn suy niệm lấy đó làm hành trang vào đời "Phàm làm việc gì hãy nghĩ đến kết quả của nó".
Cũng như lời của ÐÐ Trưởng ban tổ chức Thích Nhuận An xác định rằng phải lấy trí huệ làm nền tảng, làm hành trang, nguyên tắc và đó mới là huệ mạng cho hành trình đi vào giải thoát; có như thế mới trọn ý nghĩa của Khóa học Phật pháp này.
Ngày thứ nhất: 03-01-2003: lễ khai mạc và ổn định khóa tu. Ban Tổ chức khóa tu lần này gồm: Ban cố vấn chỉ đạo: chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa trong Hội Ðồng Ðiều Hành. Ban tổ chức gồm: Ban soạn thảo chương trình, đề tài và nội quy: Thượng tọa Bảo Lạc, Thượng tọa Quảng Ba, Thượng tọa Phước Nhơn. Ban trang trí có 2 phần: 2a. Trang trí bên ngoài: Thầy Như Ðịnh và Phật tử chùa Thiên Ấn. 2b. Trang trí bên trong: Thầy Phổ Hương và Phật tử chùa Huyền Quang. Ban thư ký văn phòng: Thầy Nguyên Tạng, Thầy Ðạo Nguyên, đạo hữu Như Tuệ. Ban kỹ thuật (âm thanh & ánh sáng, quây camera, chụp hình): Thầy Phổ Huân, Thầy Ðạo Nguyên. Ban thư ký thủ quỹ: Sư cô Tâm Lạc, Sư cô Tịnh Ánh. Ban trai soạn, cung cấp thực phẩm: Thượng tọa Minh Hiếu và Phật tử TV. Minh Quang. Nấu nướng: Thầy Phổ Hương cùng với các Phật tử công quả của 5 chùa. Ban vận chuyển: Thầy Quảng Nghiêm và Phật tử Phước Hậu. Ban nghi lễ: Thầy Tâm Minh và Thầy Nguyên Trực.
Ban điều hành Khóa tu: Chứng minh và Giám học: Thượng tọa Bảo Lạc, Thượng tọa Quảng Ba, Thượng tọa Trường sanh. Giám thị: Thượng tọa Minh Hiếu, Thầy Thiện Hiền; Quản chúng & Kiểm soát: Thầy Tâm Minh và Sư cô Nguyên Khai. Thị giả chư tôn: Thầy Hạnh Hiếu; Tri chung và hiệu lệnh: Thầy Phổ Huân và Thầy Ðạo Thông.
Riêng Ban Giảng Huấn cho khóa tu kỳ này có sáng kiến về cách truyền trao giáo lý cho học viên bằng cách chia ra hai phần, phần đầu là Thuyết giảng, phần hai là Hội Thảo Phật Pháp, để người học có cơ hội để chia sẻ những điều chưa thấu đáo trong lúc học. Ðúng 3g chiều là lời khai thị của Hòa thượng Hội chủ thượng Như hạ Huệ cho tất cả Phật tử trong khóa tu học này.
Ban Giảng sư trong ngày này có: TT Như Ðịnh với đề tài "Tam Vô Lậu Học", TT Tâm Minh với "Tam Giới", TT Tịnh Ðạo với "Ngũ Ðình Tâm Quán", ÐÐ Quảng Nghiêm với "Ngũ Giới".
Ngày thứ hai: 04-01-2003: Ban Giảng sư trong ngày này có: ÐÐ Viên Trí với "Thập Nhị Nhân Duyên"; Sư Cô Tịnh Ánh với "Tứ Nhiếp Pháp"; ÐÐ Hạnh Hiếu với "Tứ Diệu Ðế"; ÐÐ Ðạo Nguyên với "Thập bát giới"; ÐÐ Thiện Hiền với "Tứ Vô Lượng Tâm"; ÐÐ Ðạo Thông với "Nghiệp và Nghiệp Báo"..
Cuộc Hội Thảo vào lúc 9 giờ sáng do TT Minh Hiếu, TT Tịnh Ðạo, TT Như Ðịnh, Sư Cô Tịnh Ánh, Sư Cô Nguyên Khai, thính giả đã đặt ra hàng trăm câu hỏi về giáo lý và nếp sống đạo để chư tôn đức giảng giải thêm, theo sau các giờ giáo lý.
Ngày thứ ba: 05-01-2003: Bắt đầu một ngày mới, chư tôn đức và khóa sinh bắt đầu với khóa lễ công khu sáng lúc 6 giờ, ÐÐ Thích Tâm Minh, vụ trưởng vụ Nghi Lễ, làm Duy Na, ÐÐ Thích Phổ Hương đánh mõ, diệt chúng, giọng Huế của Thầy Tâm Minh rất hay đã đưa đại chúng đi vào thế giới vô phân biệt của Kinh Lăng Nghiêm... TT Quảng Ba khai thị cho đại chúng về đề tài "sống với thiên nhiên" và nhắc nhở đại chúng áp dụng đề tài này vào lúc đi thiền hành.... TT Bảo Lạc đã hướng dẫn đại chúng đi thiền hành...
Giảng sư: TT Trường Sanh với "Ngũ uẩn"; Giáo sư Lâm Như Tạng với "Nhân loại bất đồng"; TT Bảo Lạc với đề tài "Thập Thiện"; ; TT Bổn Ðiền với "Ý Nghĩa Tam Bảo"; TT Minh Hiếu với "Niệm Phật, Lễ Phật và thờ Phật"; ÐÐ Nguyên Tạng với "Tam Pháp Ấn ".
Hội thảo: TT Bảo Lạc, TT Trường Sanh, TT Nhật Tân, TT Tâm Minh, ÐÐ Nguyên Tạng.
Ngày thứ tư: 06-01-2003: Giảng sư: TT Quảng Ba với đề tài "Phát Bổ Ðề Tâm"; ÐÐ Thông Tịnh với "Lục hòa"; ÐÐ Thiện Hữu với "Tu – Nhiệm vụ của Phật tử tại gia"; Sư cô Nguyên Khai với "Tụng Kinh, Trì chú"; TT Nhật Tân với "Ðạo Phật đi vào cuộc đời; ÐÐ Phổ Huân với "Bố Thí".
Hội thảo: TT Quảng Ba, ÐÐ Thiện Hiền, ÐÐ Thông Tịnh, ÐÐ Ðạo Thông, ÐÐ Hạnh Hiếu, ÐÐ Ðạo Nguyên, ÐÐ Phổ Huân, ÐÐ Thiện Hữu.
Ngày thứ năm: 07-01-2003: trước giờ bế mạc là Lễ tưởng niệm tiểu tường giáp năm Cố Hòa thượng Thích Ðức Nhuận, nguyên cố vấn Ban Chỉ Ðạo Viện Hóa Ðạo GHPGVNTN; chư Tôn Ðức Tăng Ni và đông đảo Phật tử trong khóa tu về tham dự. TT Thích Bảo Lạc tuyên đọc tiểu sử cố HT Ðức Nhuận, gợi lại quảng đường thăng trầm mà cố HT đã đi, ÐÐ Thiện Hiền và ÐÐ Nguyên Tạng, đại diện môn đồ pháp quyến dâng lời tưởng niệm, ôn lại những kỷ niệm và công đức của bậc ân sư trước Giác linh của Ngài. HT Hội Chủ ban lời cảm từ trong buổi lễ này thật cảm động rằng "HT Ðức Nhuận là một bậc cao tăng thạc đức, một nhà nhân bản học, một nhà Phật học lỗi lạc, chưa bao giờ khuất phục trước bất cứ một quyền uy thế lực nào, cuộc đời hành đạo và tu đạo của cố HT là tấm gương trong vắt sáng ngời cho hàng hậu học noi theo trong sứ mạng bảo vệ và duy trì ngôi nhà Chánh Pháp". Ðặc biệt trong lễ Tiểu tường này, các đệ tử của Ngài đã phát tặng quý Phật tử tập sách "Trao cho thời đại một nội dung Phật chất" (song ngữ Anh-Việt của HT Ðức Nhuận viết và ấn hành cách đây 30 năm) vừa được tái bản tại Úc để tán dương công đức hoằng pháp của cố Hòa thượng.
Cuối cùng là lễ bế mạc và cấp phát giấy chứng nhận tham dự Khóa tu. Lễ bế mạc với sự tham dự đông đảo của Tăng Ni và khoảng 200 Phật tử, đặc biệt có Luật sư Phật tử Lưu Tường Quang, Giám đốc hệ thống phát thanh SBS Radio và Ðạo Hữu Ngọc Hân, Trưởng ban Việt Ngữ SBS Radio, tiểu bang NSW, hai vị đã vượt qua hơn 50 cây số để kịp về tham dự lễ vào lúc 9 giờ sáng.
Cuộc vui nào rồi cũng tàn, buổi tiệc nào cũng hết, đó là quy luật của "hòa hợp ly tán vô thường" hay nói đúng hơn, chu kỳ của 'sinh, trụ, dị, diệt' mà mọi người đều thấu triệt qua bài "Tam Pháp Ấn". Nhưng người con Phật không vì vậy lại sinh tâm luyến lưu, thương tiếc, ngược lại phải ý thức sâu hơn về lẽ vô thường để cùng nhau phấn đấu tiến tu kỳ vọng đến ngày giải thoát.
Trong không khí vừa trang nghiêm vừa hài hòa vui vẻ giữa tình sư đệ, một vài tiểu bang trong khóa tu đã nói lên cảm tưởng nhận xét, tất cả đều chia xẻ niềm thông cảm trong tình huynh đệ thầy trò cùng tu, cùng học.
Cuối cùng là phần văn nghệ! Ðây là giờ phút sôi nổi vui tươi. Bất cứ ai hễ muốn góp vui đều được hoan hỷ. Vui nhất là bài "Vè Khóa tu" của hai đệ tử 'nghệ sĩ Ưu Bà Di' đến từ Nam Úc. Bài vè pha lẫn buồn, vui, thương, nhớ. Buồn rồi sẽ chia tay, vui khi học khi chơi, thương mãi là con của Phật và nhớù mãi Khóa tu này. Ðặc biệt giờ văn nghệ, có sự tham dự của quý Thầy Cô 'nghệ sĩ', như sư cô Tịnh Ánh bài "Huế của ta", TT Minh Hiếu ngâm thơ "Xa vắng", Thầy Phổ Huân với bài cải biên "Ðạo nhớ", Thầy Phổ Hương qua bài vọng cổ "Tìm về cõi Phật", TT Bảo Lạc diễn thơ "Ðất nở hoa", xuất sắc nhất là 'nghệ sĩ' Thượng Tọa Thích Trường Sanh, Ngài đã nhập thần trong bài "Khúc ca vô thường".
Lễ bế mạc chính thức châu viên đúng ngay 12 giờ kém 5 phút, y như thời khóa biểu tiên liệu. Tất cả ai nấy đều hân hoan phấn khởi, nhưng chắc chắn trong lòng ít nhiều nhuốm lên niềm vương vấn, chính người viết đến đây cũng đã vấn vương một ít!
Buổi dùng trưa đưa tiễn không thể trang trọng như cơm nóng rau tươi, đậu xào, canh ngọt, mà mỗi người trên tay là một ổ bánh mì "chả lụa" đậm đà chân lý! AÂu đó là phương tiện thiện xảo (skilfull means) vì phải dành thời gian sắp xếp trả lại vị trí như lúc ban đầu mới đến, vui lòng dọn đến, vừa lòng dọn đi!
Mặt trời đã hơi nghiêng bóng, nhìn quanh cư xá, người người...
Tay nắm tay lần cuối
Lời hò hẹn sang năm
Nói được gì cứ nói
Miễn gặp lại, cầu mong! please, please!
Nam Mô A Di Ðà Phật.
THẢNH THƠI NGÀY VỀ
(Những chữ in HOA trong đây đều là tên đề tài giảng dạy cho khoá tu-học)
Lòng nguyên trinh tâm thành dâng trọn vẹn
Ngày khai trường ai đón kẻ đi vào
Nhiều hoài niệm ngút cao niềm sống đạo
Lưu nơi đây tình thắm đẹp ngàn sau.
Thuở mới đến nắng ban mai vui hát
Cỏ bên đường réo gọi thỉnh Thầy về
Bao năm tháng, bao ấp yêu trìu mến
Vẫn từ hòa, thượng diệu và vang lên.
Cảnh thanh bình, tâm lặng lẽ dịu êm
Muôn tiếng gọi của TỪ BI HỶ XẢ
Là Khóa Học, nhưng vẫn là mùa hạ
Trần gian này TAM BẢO chính là ta.
Đây nhựa sống, để ngàn sau vươn tới
Đừng quên say trên dặm nẻo đường dài
ĐẠO VÀO ĐỜI đang trào dâng, thầm lặng
Tiếng BỒ ĐỀ bậc thành cảnh Như Lai.
Con thấy rõ Nghiệp CHÚNG SANH SAI KHÁC
THẬP THIỆN KINH nguồn chân lý cao xa
Như chuông chùa vọng mãi, mãi ngân nga
Luôn đánh thức những ai còn mê ngủ.
NĂM PHÁP QUÁN đủ đầy trong áo mũ
KHÚC LỤC HÒA vang dội khắp rừng già
Con lại về bên thế giới ngàn xa
Nhưng bát ngát tình thiêng liêng cao quí.
Dẫu hiểu được những pháp âm trực chỉ
Nhưng LỄ, THỜ, NIỆM PHẬT vẫn dung thông
TỤNG KINH, TRÌ CHÚ đừng rong dũi, dũi rong
Cảnh Cực Lạc tại đạo tràng này đấy.
Trong thế giới vàng thau luôn lẫn lộn
Thầy khuyên con ứng dụng BỐN PHÁP MẦU
Mạch sống tràn dâng, tất cả như nhau
Trong vũ trụ Phật ca vang từ ái.
LÝ NHÂN DUYÊN, Diệt Sanh thầy giảng dạy
Soi hình hài để tìm lại Bản lai
Phiền não, bồ đề chẳng một, không hai
NGŨ UẨN giai không, hợp tan thành huyễn.
Giữ NĂM GIỚI, trường chay con trì nguyện
Bát Quan Trai, thi thoảng vẫn hành theo
BỐN CHÂN LÝ dứt sạch kiếp kẻ nghèo
Ngộ BA PHÁP, tam đồ liền ra khỏi.
Kính lạy Thầy, bậc thoát ly TAM GIỚI
Xin chứng minh lòng thành khẩn nơi này
Phật giáo đời đời sáng mãi từ đây
Con thấy rõ đủ đầy GIỚI, ĐỊNH, TUỆ.
Đây sen tâm lòng thành dâng thiện thệ
Mừng ngày về, tung cánh lướt trời xanh
Đàn con đi trong tiếng nói Bại Thành
Nhưng vẫn giữ Định tâm và kiên cố.
Cờ Phật giáo như muôn hoa đua nở
Lòng bổng dâng tiếng nói của Chân tâm
Hoa BỐ THÍ vẫn mầu nhiệm, diệu-thâm
Trên môi sẳn nụ cười xưa Hàm tiếu.
Con khấn nguyện cho mọi người hạnh phúc
Đem hương trầm dâng cúng lại cuộc đời
Cố HỌC-TU trong tinh thần dịu lạc
Ngày ra về tâm bình lặng, thảnh thơi!!!!!