Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

ÂN SƯ

29/05/201320:21(Xem: 5618)
ÂN SƯ

94nitruongnhuhoa

ÂN SƯ

(Thành kính tưởng niệm Ni Trưởng thượng Như hạ Hoa)

Khi nói đến Ân Sư, Sư trưởng hay Giáo thọ Sư. Tất cả đều là tên gọi chỉ cho những bậc Thầy tinh thần, hình thành nên giới thân huệ mạng của người con Phật. Vị Ân Sư mà tôi muốn nói đó là vị Thầy Bổn Sư, người đã trực tiếp đứng ra tác lễ quy y và thế phát cho tôi. Ni Trưởng thượng Như hạ Hoa. Cầm bút viết về Thầy, khi bên ngoài lất phất những hạt mưa nhẹ, thoáng đâu đó cái lạnh dần đổ về. Trong tôi dâng lên bao nổi hoài niệm, cảm nhớ ơn Thầy và hình ảnh Thầy cứ dần hiển hiện trước mắt tôi.

Nhớ lại từ thuở xuất gia nương Thầy tu học, trong số đệ tử của Thầy, có thể nói tôi là người có tánh dị biệt và ngang bướng nhất. Có lẽ vì vậy mà Thầy tôi đã phải thương lo và quan tâm tôi nhiều hơn trong số huynh đệ. Nói như vậy không có nghĩa là tôi luôn được Thầy cưng chìu và cận kề bên Thầy đâu. Bởi thời đó tôi còn nhiều thô vụn lắm, đã vậy thì đừng mong có được cơ hội hầu Thầy. Tuy không được gần Thầy, nhưng tôi không bao giờ có cảm giác Thầy xa cách mình cả. Ánh mắt từ bi và nụ cười bao dung của Thầy đã nói lên được điều này. Vào mỗi khi Thầy đi Phật sự nhiều ngày mới về lại Bổn tự, thấy bóng Thầy ngoài cổng là tôi mừng vui đến reo hò lớn tiếng như trẻ nhỏ mừng mẹ về. Thầy tôi với ánh mắt đầy tình thương và niềm hoan hỷ, khẻ nhìn tôi nở nụ cười rồi nhè nhẹ nói:

- Con đừng lớn tiếng như vậy, đã là Sa di rồi, oai nghi tế hạnh của một cô Ni, con nhớ cần phải giữ gìn.

Tôi nhoẻn miệng cười tươi rồi lại lớn tiếng thưa vang:

-Dạ thưa Thầy con biết rồi!

Ngay đó, hai tay vội bưng miệng, vì biết mình đã phạm lại lỗi lầm. Thay vì quở rầy, Thầy chỉ lại cười và nhẹ nhàng bước đi. Tôi nối gót theo sau mà nghe lòng vui sướng lạ. Niềm vui sướng được đi bên Thầy dù chỉ vài mươi bước...!

Trong sự tu hành, tuy tôi có được nhiều may mắn hơn người, nhưng cạnh đó vẫn là trùng trùng nghiệp chướng luôn bủa vây, khiến cuộc sống tu hành của tôi luôn rất nhiều chìm nổi, lênh đênh, hoạn họa, oan khiên luôn tìm đến tôi không một chút nhân nhượng. Đã đôi lần tôi muốn bỏ cuộc vì mệt mõi, chán chường và tuyệt vọng. Bởi con đường tu sao mà gian nan quá! Nhưng không hiểu sao mỗi lần gặp nạn, mỗi khi có ý định buông xuôi tất cả thì Thầy luôn là người duy nhất bên cạnh giải nạn cho tôi, vực tôi đứng dậy mỗi khi tôi ngã dài trong lý tưởng tu hành. Và với tất cả tình thương, sự kiên nhẫn, Thầy luôn từng bước dắt dìu,an ủi, động viên, khuyến tấn :

- Huệ Nhật, con không được ngã, con hãy cố gắng vững tin mà đi tới…!

Câu nói tuy ngắn gọn nhưng nơi đó dung đầy tình thương của Thầy và tôi luôn nương vào đó mà lần bước đi tới, mãi đến bây giờ , hai mươi sáu năm rồi..!

Hai mươi sáu năm, ngần ấy thời gian, thế mà tôi vẫn chưa có được thành quả lớn lao gì trong tu học, để có thể kính dâng lên Thầy, như một món quà thay cho lòng hiếu đạo.

Người xưa nói : “Khi Thầy còn sống, đệ tử nên theo hạnh Thầy mà hành theo. Khi Thầy qua đời, nên xem nguyện Thầy mà noi theo”

Khi Thầy tôi còn hiện thế, lập hạnh, lập nguyên của Thầy nhiều lắm. Với đức tính nhẫn hòa, khiêm nhượng, nhân từ và độ lượng, Thầy luôn là hình ảnh tiêu biểu của một Đức Ni mô phạm khả kính được bao người ngưỡng quý, mến thương. Không biết phước duyên bao đời, tôi may mắn được nương Thầy thế độ. Nhưng có lẽ, trong đời tôi vẫn còn quá nhiều nghiệp chướng sâu dày, thế nên, dù cố gắng nhiều trong tu tập, nhưng tôi vẫn không thể noi theo được hạnh sáng của thầy. Có lẽ vì vậy mà trên bước đường tu hành tôi luôn gặp thất bại nhiều hơn là thành công, bị khiển trách nhiều hơn là khích lệ. Thật hổ thẹn thay khi nói lên lời này !

Nhiều lần tôi tự hỏi lòng mình :Mình phải thế nào đây đểđáp ân Thầy Tổ ?

Một vai trò trụ trì với mái cong Phật lớn, đệ tử đông vầy ?

Một giảng sư thuyết pháp (đó đây ) được nhiều người biết đến ?

Một vài học vị cao trong Phật học ? hay một thành đạt nào đó trong địc vị Giáo hội ?

Mọi điều như thế, có thể nói lên được lòng hiếu đạo của đệ tử đối với Ân Sư hay không ?

Nhớ thuở xưa kia, thiền sư Thần Tán sau nhiều năm du phương tham học với Tổ Bách Trượng. Sau khi ngộ được bản tâm, được tổ Bách Trượng Ấn chứng, liền đó Ngài trở về ngôi chùa củ, nơi chốn của Thầy bổn sư, tiếp tục lặng lẽ với công việc hầu Thầy, làm điệu.

Để đáp ơn Thầy thế độ, thiền sư Thần tán rất muốn giúp Thầy mình cũng được kiến tánh như Ngài. Thế nên, Ngài đã vận dụng mọi phương tiện hết lần này đến lần khác, với hy vọng một ngày rất gần Thầy mình sẽ liễu ngộ bản tâm.

Một hôm, nhân lúc vị Thầy đang chăm chú xem kinh. Ngài Thần Tán đứng bên hầu quạt, chợt thấy con ruồi đang lui hui nhủi đầu vào cửa sổ để tìm lối ra., Ngài Thần Tán liền lớn tiếng nói:

- Thế giới thênh thang rộng mở, sao không chịu ra, lại cứ dùi đầu vào cánh cửa biết đến khi nào mới ra được ?

Liền đó Ngài tiếp bài kệ :

Không môn bất khẳng xuất

Đầu song giả tự si

Bách niên toàn cố chỉ

Hà nhật xuất đầu thì

Tạm dịch:

Cửa trống chẳng chịu ra

Chui cửa sổ thật si

Trăm năm dùi giấy cũ

Ngày nào thoát ra được.

Vị Thầy nghe đệ tử mình nói thế, ngẩng đầu lên nhìn Ngài với đầy vẻ ngạc nhiên, rồi sau đó cuối đầu xem tiếp trang kinh mà không nói lời gì.

Lại một lần khác, nhân khi kỳ lưng cho Thầy, Ngài vỗ nhẹ trên lưng Thầy mà nói:

- Điện Phật tuy đẹp mà thánh không linh

Vị Thầy nghe thế liền nhìn Ngài, Thiền sư Thần Tán lại nói tiếp:

- Tuy Phật không thánh linh, nhưng vẫn có thể phóng quang..!

Sau khi tắm xong, vị Thầy liền hỏi Ngài Thần Tán :

Ngươi đi phương xa học đạo đã ngộ được gì ?

Ngài Thần Tán liền thưa:

- Con ở chỗ của Tổ Bách Trượng đã thấy được con đường tu hành, nay muốn báo đáp ơn Thầy.Liền đọc bài kệ của Tổ Bách Trượng :

Linh quang độc chiếu, quýnh thoát căn trần

Thể lộ chơn thường , bất cầu văn tự

Tâm tánh vô nhiễm, bổn tự viên thành

Đản ly vọng duyên, tức như Chư Phật.

Sau khi nghe xong bài kệ, vị Thầy liền tỏ ngộ khai tâm, bèn trãi tọa, theo pháp thỉnh Ngài Thần Tán đăng tòa thuyết Pháp.

Trong tâm mắt tôi, hình ảnh đó đẹp và cao vút làm sao! Việc làm đáp đền ân Thầy của thiền sư thần tán, nếu không là Bậc Đại khí, Đại lực, Đại hiếu thì sao có được hiếu Đạo, hiếu Tâm tuyệt vời như thế !

Ôn lại gương sáng người xưa, trong tôi dấy lên bao niềm ưu tư, vẫn câu tự vấn: “Phải thế nào đây để cân xứng ân Thầy ?”

Những Bậc đại tu xưa kia dùng sự đạt ngộ để báo đền thâm ân. Còn đối với tôi, một người tối căn, đa nghiệp, mạt hoc… Phải chăng tôi chỉ có thể bắt đầu bằng vào sự tu hành với tất cả thật tâm, thật nguyện, luôn phản hồi chính mình, từng bước đi tới trong sự dắt dìu đầy tình thương của Thầy, dù rằng Thầy nay đã đi rồi.

Một nổi hoài niệm, một nổi ngậm ngùi. Đốt nén tâm hương, con thành tâm khấn nguyện Giác Linh Thầy chứng tri !

Mây đi ai biết bao giờ lại

Xa cách chân trời dấu nhạn bay

Ánh lửa về đâu khi diêm tắt

Ai nghe tiếng vỗ một bàn tay …!

Perth. Tháng 4 năm 2007

Như Nhật

DSC00016

KHOẢNG CÁCH

Mỗi buổi sáng đi học, thay vì ngồi xe đến trường thì tôi lại chỉ thích đi bộ mà thôi. Những lúc như thế tôi có dịp tiếp xúc với bầu trời xanh, ngắm nhìn mây trắng bay và từng đàn chim lượn cánh hót vang, hít thở không khí trong lành của xứ Úc, ngưởi được mùi thơm của cỏ cây và vui cười cùng hoa lá. Tất cả tạo nên bức tranh thiên nhiên đầy sức sống.

Đi dọc theo những lối nhỏ, tôi lại có dịp ngắm nhìn những dãy nhà rất đẹp, rất xinh và trang nhã. Nhà cửa nơi xứ Úc được dựng xây một cách rất thanh nhã và thoáng mát, mà không nhiều cầu kỳ, lộng lẫy như những nơi khác, khiến người nhìn vào luôn có được cảm giác nhẹ nhàng và yên tỉnh. Mỗi nhà đều cách nhau bởi những khoảng đất rộng và được phân chắn bởi những bờ tường khá cao, không nhiều kiên cố nhưng đầy khoảng cách cho nhau.

Khác hẳn với quê hương mình, người ở đây nhà ai nấy ở, không ai qua lại với ai cả. Người ta có thể cả năm suốt tháng không biết mặt nhau, không nói với nhau một lời, dù hai nhà sát cạnh bên. Họ thật sự không có thời gian để nhìn nhau, phần lớn tất cả đều đổ dồn cho việc kiếm ra tiền, phần thời gian còn lại quá ít ỏi, không đủ để trang trãi cùng với người thân là vợ hay chồng, là con hay Mẹ… nói chi đến những người đâu đó cạnh nhà. Có qua đây rồi, tôi mới thấy được giá trị và sức mạnh của đồng tiền là như thế nào. Tất cả mọi người đều phải làm việc hết sức mình để đáp ứng cho nhu cầu sống quanh mình. Nhìn ra cuộc sống bên ngoài, ai ai cũng quá nhiều lo toan, chạy đuổi theo cơm áo, bạc tiền, danh thơm tiếng tốt và sự hưởng thụ nào đó. Còn những người như chúng tôi lẽ ra phải nhiều thảnh thơi lắm, bởi là con Phật mà. Ấy thế mà chúng tôi cũng phải bộn bề, lo tính bởi viêc dựng chùa, xây đạo tràng và cái gì đó gọi là Phật sự. Rồi thì cùng phải mọi điều cần phải có cho một ngày mai… Và thế là cũng như bao người, phải phương tiện hóa, với mọi diệu dụng quyền biến để có ra thu vào. Cuối cùng nhìn chung chẳng ai thoát ra khỏi lưới giăng của bạc tiền !

Như vậy cũng hay, bởi vì không còn ai còn nhiều sự ỷ lại bởi sự ban cho từ người, hay từ đấng thần linh, Phật trời. Và cũng nơi đây mọi người đều nhận ra được khả năng tự lực vốn có nơi chính mình.

Cuộc sống nơi đất Úc rất nhiều ổn định so với những quốc gia khác và thật sự là một nơi rất an bình, hiền hòa. Tôi có cảm giác hình như bao điều tốt lành đều đổ dồn cho xứ sở này. Một nơi có rất nhiều chủng tộc chung sống với nhau. Có quá nhiều sự bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, truyền thống… Ấy vậy mà tất cả đều có thể đến với nhau trong công việc một cách trôi chảy, từ đó dễ dàng có ra mọi điều cho chính mình và gia đình mình. Tuy nhiên, đời sống vật chất càng dư thừa bao nhiêu thì tình người càng thu hẹp lại bấy nhiêu. Người ta có thể cho ra bao lời nói vui đầy khách sáo, đẩy đưa ngoài miệng, nhưng lời nói thật và để đến với nhau trong chơn tình thì hiếm hoi quá, khó quá..! Trong vô tình hay dường như là một nguyên tắc chung của cuộc sống, ai nấy cũng đã và tự giam thêm mình trong những lồng son sơn thếp mà nơi đó chỉ có mặt dẫy đầy của sự ích kỷ, hơn thua, toan tính, của tranh chấp được còn… và để rồi không ai có thể đến cùng ai.

Mọi người thật sự đã quên mất một điều, chúng ta đang cùng đứng chung một mảnh đất và cùng thở bầu không khí chung của cả nhân loại.

Ước mong sao nhà với nhà chỉ ngăn cách bởi bờ tường, hay chỉ là hàng rào, bờ cỏ dại, mà không ngăn cách bởi tình người biết sống cho nhau

Để mỗi khi bình minh trở giấc, ánh mặt trời chiếu sáng, cả hai bên đều có thể chia cho nhau nụ cười và màu tươi của cuộc sống.

Như Nhật

(xem tiếp)

----o0o---


Vi tinh & trình bày: Thanh Phi - Như Trí

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
16/01/2025(Xem: 521)
Khi lên 11 tuổi, Hòa Thượng được Ngài Thích Nguyên Thần, hiệu Tịnh Thông (vốn là người cậu trong gia đình) dẫn đến Tu Viện Nguyên Thiều, Thôn Đại Lễ, Xã Phước Hiệp, Huyện Tuy Phước, Tỉnh Bình Định để xuất gia tu học. Ngày 15 tháng 4 năm 1970 : Cố Hòa Thượng Thích Đồng Thiện, Đệ Nhất Trụ Trì Tu Viện Nguyên Thiều, làm Lễ Xuất Gia chính thức, thế phát cho Hòa Thượng, đặt Pháp Danh là Thị Anh (Hồng Anh), là đệ tử của Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Vị Trưởng Ban Sáng Lập và là Giám Viện của Tu Viện Nguyên Thiều.
15/12/2024(Xem: 863)
Lễ Tưởng Nguyện Cố Hòa Thượng Thích Giải Quảng tại Tu Viện Từ Ân, Melbourne, Úc Châu (14/12/2024)
06/11/2024(Xem: 1102)
Vào lúc 08h30 sáng nay, ngày 05/11/2024 (nhằm mồng 5 tháng 10 Giáp Thìn), môn đồ pháp quyến đã trang nghiêm tổ chức đại lễ Tưởng niệm huý nhật lần thứ 3 (2019-2024) Cố Trưởng lão Hoà thượng Thích Như Ý, huý Trừng Huệ, hiệu Ấn Bảo, nguyên Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, khai sơn các chùa Linh Sơn Pháp Bảo (X.Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang), Linh Sơn Pháp Ấn (X. Suối Cát, Cam Lâm) và chùa Linh Sơn Phước Điền (X. Phước Đồng, TP. Nha Trang).
30/10/2024(Xem: 760)
Hòa thượng họ Trần, húy Văn Vinh, pháp danh Chơn Phú, tự Chánh Hữu, hiệu Thích Bích Lâm. Ngài sinh ngày 24 tháng 11 năm Giáp Tý (1924) tại phường Đệ Nhị- Nha Trang- Khánh Hòa, thân phụ là cụ Trần Đức Tựu, thân mẫu là cụ bà Trần Thị Đủ. Sớm có nhân duyên với Phật pháp, Ngài được Hòa thượng Thích Phước Huệ, chùa Sắc Tứ Hải Đức cho quy y ngày 19 tháng 2 năm Nhâm Thân (1932), pháp danh Chơn Phú. Đến ngày 15 tháng 10 năm Kỷ Mão (1939), Ngài được Hòa thượng cho thế độ, phú pháp tự là Chánh Hữu, hiệu Bích Lâm. Năm 1945, Ngài thọ Tam đàn Cụ Túc tại chùa Sắc Tứ Hải Đức do Hòa thượng Phước Huệ tái thí, truyền trao giới pháp. Năm 1946 Ngài được đề cử trụ trì Tổ đình Nghĩa Phương.
22/10/2024(Xem: 752)
Hòa Thượng thế danh Lê Đình Nam, sinh năm Mậu Thân (1908) trong một gia đình trung nông, có truyền thống Nho học. ở làng Đại An, xã Kỳ Long (nay là xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Thân phụ là cụ ông Lê Văn Thơ, Thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Mới. Những năm đầu của thập niên 40, Ngài mới có nhân duyên gặp Phật Pháp và cũng trong thời gian này Ngài cùng với người anh là Lê Trọng Hoàng, em là Lê Tấn Phước cùng với Phật tử Nguyễn Quế phát tâm sáng lập chùa Đại An tại quê nhà vào năm 1944.
21/10/2024(Xem: 640)
Trong đêm dài vô minh, với nổi khổ vô biên của chúng sanh, Chư Phật, Chư Tổ sư, liệt vị Tăng-già đã truyền thắp cho nhau ngọn đèn vô tận để soi sáng cung ma, biến uế độ thành tịnh độ. Trong sự tiếp nối chí nguyện thù thắng đó, Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Đệ lục Tăng thống GHPGVNTN đã đem bi tâm phổ hóa quần sanh, thắp đèn tuệ dẫn người ra khỏi rừng tà, vận đức dũng giữ nền đạo thống, dựng đứng dậy những gì đã sụp đổ, mang lý tưởng Bồ-tát đạo dưỡng nuôi chánh tín trong lòng tứ chúng.
20/10/2024(Xem: 960)
Để tưởng niệm, ngày giáp năm của một bậc Tôn Túc mà suốt đời đã phụng hiến cho Đạo Pháp, dân tộc và nhân loại; đã hiến dâng con đường giáo dục tri thức cho nhiều thế hệ hôm nay và mai sau; đã phát nguyện cho công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh được sớm thành tựu viên mãn: “Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng.” Dù Hòa Thượng đã chích lý Tây quy, nhưng hình hài và âm hưởng vẫn luôn tồn tại sâu xa trong tâm khảm của mỗi chúng ta, hàng tứ chúng đệ tử Phật. Do vậy, Ban Tổ Chức, nhất tâm đảnh lễ và kính thỉnh chư Tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni từ bi hoan hỷ quang lâm chứng minh, tham dự buổi lễ được tổ chức tại: Địa Điểm: Chùa Kim Quang tại số: 3119 Alta Arden Expy, Sacramento, CA 95825 Thời Gian: 10:00 sáng – 1:00 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 17/11/2024 (nhằm ngày 17 tháng 10 năm Giáp Thìn) Số điện thoại liên lạc: Phó Trưởng BTC HT. Thích Từ Lực số: (510) 331-6899 (tiếng Việt) và phụ tá Thư ký: HTr. Tâm Thường Định: (916) 607-4066 (tiếng Anh)
20/10/2024(Xem: 1026)
Thầy đi rồi cơ nghiệp vẫn còn đây Đại tạng kinh in dấu ấn sâu dày Khúc dương cầm, những áng văn trác tuyệt Tấm lòng son đầy nhiệt huyết quan hoài
10/10/2024(Xem: 1939)
Đây là lần thứ hai tôi đến Tu Viện Gaden Shartse Thubten Dhargye Ling (còn được gọi là Chùa TDL) tại Thành Phố Long Beach, Miền Nam California, Hoa Kỳ. Lần đầu tôi đến đây cách nay vài năm để làm phóng sự cho pháp sự kiến tạo Mạn Đà La do chư Tăng từ Tu Viện Gaden Shartse Monastery tại Ấn Độ sang thực hiện.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]