- 01 Quy y Tam Bảo -TT. Thích Đức Thắng
- 02. Tinh thần thông điệp Phật đà 2548 -Tâm Phương
- 03. Lược sử đức Phật Thích-ca -Viên An
- 05. Dòng lệ A-tư-đà -Đồng Thành
- 06. Vài nét về Phật giáo đất phương Nam -Sơn Tùng
- 07. Năm cái thấy -Đức Minh
- 08.Những nét đẹp hiện đại trong kinh Sa môn quả -Trí Lộc
- 09. Nghịch lưu là lối sống thăng hoa -Hướng Thiên
- 10. Biết sống -Đằng Thiên
- 11. Phương pháp giáo hóa của đức Phật -Phong Giao
- 12. Nhận thức về chữ nghiệp trong đạo Phật -Hoàng Nguyên
- 13. Chuyện về Tôn giả Nan-đà -Quang Sơn
- 14. Mừng Đản sanh -Uyên Như
- 15. Tùy bút: Ngày đại lễ muôn điệu hoà ca -Quang Tuệ
- 16. Đi tìm hạnh phúc -Trúc Lam
- 17. Thơ: Ước nguyện - Đằng Thiên. Cảm niệm ngày Phật đản - Thông Nhã. Trăng quê chùa Tổ - Thạch Lữ. Cảm đề ngày Phật đản - Nhật Hạnh. Hạt muối - Vĩnh Thi
- 18. Quay về quê cũ -Thông Hải
- 19. Một vài phương pháp chuyển hóa tâm sân hận -Tâm Tịnh
- 20. Bằng cấp Đại học tâm linh -Thích Hạnh Hiền
- 21. Không nên biến đạo Phật thành một mốt thời trang
- 22. Một Phật tử đoạt giải “Học sinh giỏi nhất ở Hoa Kỳ”
- 23.Tích Lan phóng thích những tù nhân để ghi dấu ngày Đản sanh của đức Phật
- 24. Quy ngưỡng niết-bàn -Nhạc và lời: TV NAM MÔ
Tập san Pháp Luân 2
--o0o---
Một vài phương pháp
CHUYỂN HÓA TÂM SÂN HẬN
Tâm Tịnh
Hầu như bất cứ ai trong chúng ta cũng đều biết sự tai hại của cơn sân hận và đã từng nhiều lần nếm mùi vị nóng rát, khó chịu của nó. Nó có sức mạnh rất lớn có thể khiến ta làm một việc ác tày trời mà không hề sợ hãi chút nào. Một người bình thường rất hiền lành, ăn nói rất nhỏ nhẹ, rất sợ mích lòng người khác, không dám gây một chút tổn hại cho người khác nhưng khi cơn sân ập đến thì người ấy có thể mắng chửi người khác không tiếc lời, thậm chí có thể đánh lộn với người khác hoặc làm nhiều việc hại mình hại người, không thể nào nói cho hết được. Đến khi cơn giận đã lắng dịu hầu như ai cũng giựt mình hối tiếc nhưng đến lúc ấy thì đã muộn mất rồi. Cũng như chiếc bình đã vỡ thì không thể hàn gắn lại được, nước đã đổ xuống đất thì không thể múc lên trở lại. Cũng vậy, có nhiều việc mà ta đã trót dại gây ra dưới sự sai sử của cơn giận sẽ khiến cho ta phải tan nhà mất cửa, cha con chia lìa, vợ chồng ly tán, bạn bè chia cắt, muốn cứu vớt cũng không thể cứu vớt được. Vì cơn sân có tác hại ghê ghớm như vậy, nên có rất nhiều người muốn chế ngự nó, tìm cách làm cho nó đừng sanh khởi nhưng không phải ai cũng làm được. Muốn chế ngự, điều phục cơn giận, chúng ta cần phải có phương pháp. Đức Phật và các vị Tổ sư của chúng ta đã chỉ dạy rất nhiều cách để điều phục sân hận. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một vài phương pháp mà chúng tôi đã từng thực hành qua và thấy có hiệu nghiệm.
Cách thứ nhất, chúng ta điều phục cơn giận bằng chánh niệm tỉnh giác. Hằng ngày, chúng ta phải tập theo dõi những diễn biến, những quá trình sanh diệt xảy ra trong tâm, khi tâm vui thì chúng ta biết tâm đang vui, khi tâm đang buồn bực ray rứt thì chúng ta biết tâm đang buồn bực ray rứt, khi tâm chúng ta đang sân hận thì chúng ta biết tâm đang sân hận. Chúng ta chỉ việc theo dõi sự sanh diệt của các tâm ấy, đừng xua đuổi hay níu kéo chúng, cũng đừng chạy theo chúng hay làm theo sự sai sử của chúng. Chúng ta phải xem chúng như một đối tượng bên ngoài đang được mình quan sát. Muốn thấy rõ chúng thì hàng ngày chúng ta phải rèn luyện định tâm bằng cách thực tập quán niệm hơi thở hay thiền hành. Định tâm của chúng ta càng vững thì khả năng quán sát, theo dõi quá trình sanh diệt của tâm càng cao và khả năng phát hiện, chuyển hóa tâm sân hận càng lớn. Có định tâm, chúng ta mới có thể phát hiện ra tâm sân hận khi nó vừa móng khởi, không để nó phát huy tác dụng, không để nó dẫn dắt ta làm nhiều việc mà sau này ta phải hối hận.
Thứ hai, ta nên xem những người làm cho chúng ta bực tức chính là những vị Bồ-tát đang thực hành nghịch hạnh. Những người này quậy phá, chọc tức chúng ta là để chúng ta phát hiện ra tâm mình còn tràn ngập sân si để chúng ta lo diệt trừ, chuyển hóa chúng, chớ nếu không nhiều khi chúng ta cứ tưởng rằng chúng ta đã hết sạch sân si rồi. Bản thân chúng tôi trước đây cũng rất hay bực tức một người học chung lớp vì cậu ta rất nghịch ngợm và thường hay quậy phá chúng tôi. Tôi giận cậu ta đến độ nhiều khi sẵn sàng đánh lộn với cậu ta cho dù sau đó có bị đuổi học vì việc đánh lộn cũng mặc kệ. Thế nhưng một hôm tình cờ, tôi được nghe một vị cao tăng nói rằng cậu ấy là một vị Bồ-tát đang thực hành nghịch hạnh thì bắt đầu từ đó mỗi khi bị cậu ta quậy phá, chọc tức, chúng tôi không còn tức giận nữa mà có khi còn cảm thầy vui vui. Qua đó, chúng ta thấy khi bị bất cứ ai chọc phá, làm hại, chúng ta cứ xem như họ là những vị Bồ-tát đang thực hành hạnh nghịch để thử thách, rèn luyện cho chúng ta thì tâm sân hận khó có cơ hội phát sanh.
Thứ ba, ta phải nhớ rằng tất cả chúng sanh đều là những vị Phật sẽ thành. Do đó, nếu ta giận họ tức là giận những vị Phật trong tương lai. Khi cơn giận đang sôi sục, ta có thể chuyển hóa, dập tắt nó bằng cách thầm niệm “tất cả đều là Phật sẽ thành”,sau khi niệm thầm một hồi như vậy, cơn giận sẽ trở nên lắng dịu và tâm ta trở nên mát mẻ trở lại.
Thứ tư, ta có thể niệm Hồng danh một trong các vị Phật hoặc Bồ-tát mà ta cảm mến như Phật A Di Đà, Bồ-tát Quan Âm v.v… câu Hồng danh này sẽ như một loại hóa chất có công hiệu làm tan những cặn bã sân hận trong tâm ta. Khi cơn giận ập đến, ta cứ chuyên chú niệm Hồng danh Phật, Bồ-tát. Cần nhớ là chúng ta đừng có ý nghĩ dùng câu Hồng danh để trấn áp, đè bẹp cơn giận, bởi vì, nếu chúng ta làm cách ấy thì cho dù lúc ấy cơn giận có bị đè bẹp đi nữa nhưng sau đó nó sẽ bộc phát trở lại với sức mạnh lớn hơn lúc trước rất nhiều. Cách tốt nhất là chúng ta chỉ chuyên chú niệm Hồng danh, đừng để ý gì đến cơn sân hận, giả sử cơn sân hận có nổi lên lấn át cả câu Phật hiệu thì chúng ta vẫn cứ mặc kệ nó, đừng có sanh tâm xua đuổi nó, chúng ta chỉ nhẹ nhàng kéo tâm trở lại với câu Hồng danh, vừa niệm Hồng danh vừa mong Phật, Bồ-tát từ bi gia hộ cho hạt giống từ bi vốn có sẵn trong ta nảy nở, tăng trưởng để chuyển hóa tâm sân hận. Nếu chúng ta niệm Hồng danh theo cách ấy thì tâm chúng ta sẽ từ từ lắng dịu không còn sân hận nữa.
Thứ năm, chúng ta phải tập thương xót hết thảy chúng sanh, chúng ta phải biết rằng vì chúng sanh ấy bị vô minh, phiền não chi phối nên mới có hành động điên đảo, chọc giận, gây hại cho chúng ta như thế. Những chúng sanh ấy thật ra đáng được thương xót hơn là đáng giận. Vậy, tại sao, chúng ta không thương xót mà lại giận họ. Chúng ta hãy nghĩ đến những quả báo ghê gớm mà những chúng sanh ấy phải chịu đựng trong tương lai do hành động xấu ác mà họ vừa gây ra để mà thương xót họ. Chúng ta phải nên tự trách mình kém cõi, không đủ tài trí và đức độ để ngăn cản không cho họ làm ác và dạy cho họ làm lành. Chúng ta cũng có một phần trách nhiệm trong việc mà họ vừa gây ra vậy, vì sao ta chỉ biết tức giận họ mà không tự tức giận chính mình? Lúc ấy cơn giận của ta đối với họ sẽ tan biến.
Thứ sáu, ta nên nhớ rằng khi giận một người nào hay giận cái gì thì, không biết đối tượng bị giận có khổ hay không chớ còn bản thân người đang giận là người chịu khổ trước tiên. Hễ ta giận càng nhiều thì ta khổ càng nhiều. Ta giận càng lâu thì ta khổ càng lâu, giận một giờ thì khổ một giờ, giận một tháng thì khổ một tháng, giận một năm thì khổ một năm, giận cả đời thì khổ cả đời. Giận dữ còn làm sanh ra cho ta những thứ bệnh nan y như ung thư, đau gan, đau tim, tăng xông, ăn ngủ không yên. Vậy ai muốn được thân tâm luôn an lạc thì tốt hơn hết đừng bao giờ giận một điều gì cả.
Thứ bảy là ta phải quán sát hết thảy mọi pháp trên thế gian này đều là huyển hoá, không thật. Bản thân ta cũng chỉ là năm uẩn giả hợp mà có, chính cơn giận cũng là huyễn hoá không thật. Khi ta quan sát thấy được sự huyễn hoá không thật của vạn pháp thì cơn giận sẽ tự nhiên tan biến một cách mau chóng.
Trên đây là những cách chuyển hóa tâm sân hận mà chúng tôi đã từng thực hành và thấy có kết quả. Mong rằng các bạn cũng thử thực hành để chuyển hóa cơn giận của chính các bạn để tránh những tai hại ghê gớm do tâm sân hận gây ra và luôn luôn được an lạc hạnh phúc.
---o0o---
Source: http://www.phatviet.net/
Trình bày: Nhị Tường