Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thông cáo báo chí làm tại Melbourne ngày 13.10.2003

27/04/201310:45(Xem: 4095)
Thông cáo báo chí làm tại Melbourne ngày 13.10.2003

Đại lễ Khánh thành Tu viện Quảng Đức - Melbourne- Australia

Thông cáo báo chí làm tại Melbourne ngày 13.10.2003

Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế

Nguồn: Tu viện Quảng Đức

Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế
International Buddhist Information Bureau
Bureau International d'Information Bouddhiste
Cơ quan Thông tin và Phát ngôn của Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
B.P. 63 - 94472 Boissy Saint Léger cedex (France) - Tel.: (Paris) (331) 45 98 30 85
Fax : Paris (331) 45 98 32 61 - E-mail :
ubcv.ibib@buddhist.com

---o0o---

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI MELBOURNE NGÀY 13.10.2003

Đại hội Bất thường Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất suy tôn Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang lên ngôi vị Đức Đệ Tứ Tăng Thống trước 134 Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni và 5000 Phật tử, trong khi ấy tại Việt Nam, Tu viện Nguyên Thiều ở Bình Định và Thanh Minh Thiền viện ở Saigon bị công an phong tỏa, ba Thượng Tọa Thích Tuệ Sĩ, Thích Thanh Huyền, Thích Nguyên Lý bị 2 năm quản chế


Chiều ngày 12.10.2003 tại Tu viện Quảng Đức ở thành phố Melbourne, Úc châu, Đại hội Bất thường Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bế mạc bằng cuộc lễ suy tôn Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang lên ngôi vị Đức Đệ Tứ Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước một thính chúng uy nghi, nhiệt thành gồm 134 chư Tôn túc Tăng Ni và 5000 Phật tử. Giây phút xúc động khiến nhiều người rơi lệ, là khi hai hàng Đại đức cầm tích trượng và hoa dẫn đường rước kiệu chân dung pháp tượng Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang tiến vào chánh điện. Tại đây 134 chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, y hậu vàng rực chờ đón. Nam nữ Phật tử chen chúc trong nỗi hân hoan theo dõi cuộc lễ. Chiêng trống Bát nhã vang lừng. Hòa thượng Thích Hộ Giác quỳ gối trang trọng tuyên đọc Quyết nghị của Đại hội suy tôn Đức Đệ tứ Tăng thống. Ba vị Tăng Thống tiền nhiệm là Cố Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Cố Đại lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên và Cố Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu.

Đại hội Bất thường ở Melbourne nối tiếp khai triển và kết thúc các công tác đề ra tại Tiền đại hội được tổ chức trong nước ở Tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định, hôm 1.10.2003. Vì vậy tại cuộc lễ suy tôn, cuốn băng hình thu phiên họp Tiền Hội nghị tại Tu viện Nguyên Thiều được chiếu trên màn ảnh lớn. Mọi người chứng kiến sự hồi phục của Giáo hội trong nước, qua hình ảnh Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang ban Đạo từ khai mạc, Hòa thượng Thích Quảng Độ tuyên đọc danh sách chư Trưởng lão, Hòa thượng được cung thỉnh vào Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Viện Tăng Thống, Hòa thượng Thích Thiện Hạnh đọc Giáo chỉ tổ chức Đại hội Bất thường và Thượng tọa Thích Tuệ Sĩ đọc danh sách ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo.

25 vị Trưởng lão, Hòa thượng được cung thỉnh vào Hội đồng Gíao phẩm Trung ương là : Đại lão HT. Thích Huyền Quang, HT. Thích Quảng Độ, HT. Thích Nhật Liên, HT. Thích Huệ Viên, HT. Thích Bảo An, HT. Thích Trí Giác, HT. Thích Thiện Hạnh, HT. Thích Như Đạt, HT. Thích Diệu Tánh, HT. Thích Minh Chiếu, HT. Thích Minh Tuệ, HT. Thích Đức Chơn, HT. Thích Minh Tuấn và HT. Thích Tâm Linh (ở trong nước),Đại lão HT. Thích Tâm Châu, HT. Thích Hộ Giác, HT. Thích Mãn Giác, HT Thích Huyền Vi, HT. Thích Thuyền Ấn, HT. Thích Chánh Lạc, HT. Thích Thắng Hoan, HT. Thích Trí Chơn, HT. Thích Chơn Thành, HT. Thích Minh Tâm và HT. Thích Như Huệ (ở ngoài nước).

16 vị Hòa thượng, Thượng tọa được cung nghinh vào ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo là : Viện trưởng, HT. Thích Quảng Độ, Đệ nhất Phó viện trưởng (Văn phòng I),TT. Thích Tuệ Sĩ, Đệ nhị Phó viện trưởng (Văn phòng I),TT. Thích Viên Định Phó Viện trưởng, HT. Thích Hộ Gíac (Văn phòng II ở hải ngoại),Phó Viện trưởng, HT. Thích Chánh Lạc (Văn phòng II ở hải ngoại),Tổng Thư ký, TT. Thích Đức Thắng (Văn phòng I),Phó Tổng thư ký, TT. Thích Viên Lý (Văn phòng II ở hải ngoại),Tổng vụ trưởng Tổng vụ Cư sĩ, HT. Thích Đức Chơn, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Tăng sự, TT. Thích Quảng Hạnh, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên, TT. Thích Thanh Huyền, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Văn hóa, TT. Thích Phước An, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Giáo dục, TT. Thích Phước Viên, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng pháp, TT. Thích Thái Hòa, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Từ thiện - Xã hội, TT. Thích Không Tánh, Tổng vụ trưởng Tổng vụ Kiến thiết, TT. Thích Thành Đạt, Tổng Thủ quỹ, TT. Thích Nguyên Lý.

Đạo từ khai mạc Đại hội hôm 1.10 tại Tu viện Nguyên Thiều, Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang phác họa hoàn cảnh của Giáo hội trong nước : "Gần ba mươi năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã giữ vững con thuyền Chánh pháp trong tinh thần hy sinh vô úy được bồi dưỡng qua hai nghìn năm lịch sử, vượt qua bao lớp thăng trầm, phế hưng của lịch sử và thời đại, với vô vàn chướng duyên, ma sự. Năm 1999, Hội đồng Lưỡng Viện đã ủy nhiệm Văn phòng II tổ chức Đại hội VIII tại Hoa kỳ, trùng hưng cơ cấu Giáo hội sau thời gian dài sinh hoạt Giáo hội bị gián đoạn. Sau bốn năm khắc phục các chướng ngại, nay đã đến lúc cần bổ sung nhân sự để kiện toàn tổ chức, ngõ hầu tạo thuận duyên góp phần kiến tạo một xã hội thanh bình và an lạc".

Đạo từ của Viện Hóa Đạo, qua tiếng nói của Hòa thượng Thích Quảng Độ, vạch ra hướng khai lộ cho tiến trình chuyển hóa Giáo hội : "Thay mặt Hội đồng Lưỡng Viện, nhân danh Viện trưởng Viện Hóa Đạo, tôi trân trọng gửi đến Chư Tôn Trưởng lão cùng toàn thể Tăng, Tín đồ trong và ngoài nước thành quả của quá trình tiến hành Đại hội được đúc kết trong buổi lễ hôm nay. Thành quả đó là hiện thân của Chư vị Hòa thượng trong hàng Trưởng lão Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Viện Tăng Thống, cùng với sự hình thành Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo.

"Kể từ Đại hội VII, được triệu tập năm 1977 tại chùa Ấn Quang, đến nay đã 25 năm ; nhiều vị Tôn túc trong Hội đồng Giáo phẩm Trung ương đã viên tịch, một số khác biến dị căn cơ do bởi dao động xã hội, nên sinh hoạt của Giáo hội bị gián đoạn. Tuy vậy, sinh mệnh của Giáo hội vẫn y nhiên như kim cang bất hoại, theo lẽ duyên hội thì sinh, duyên tán thì diệt. Sinh diệt là lẽ tuần hoàn. Bất diệt là bản thân của Chánh Pháp. Trong ý nghĩa đó, kết thúc buổi lễ hôm nay, tôi kính gửi đến chư vị để cùng chia xẻ Niềm Tin bất hoại nơi tính trường tồn và thuần tịnh của Chánh Pháp bất khả phá hoại".Hòa thượng Thích Quảng Độ kêu gọi chư Tăng, Tín đồ trong nước "Đừng sợ hãi nữa !".Với Tăng, Tín đồ ở hải ngoại Hòa thượng kêu gọi hãy làm sứ giả truyền thông cho yêu sách tự do tôn giáo và nhân quyền. Hòa thượng tuyên bố :

"Từ tâm niệm sát na này trở đi, trên nền tảng sở y là Hội đồng Lưỡng Viện, tôi ước nguyện toàn thể Tăng, Tín đồ Phật giáo Việt Nam sẽ cùng hòa hiệp như nước với sữa, cùng tôn thờ một đấng Đạo sư Đại hùng lực, Đại từ bi ; cùng hành trì một Chánh Pháp chân thật không hư dối, không hề dao động trước mọi cuồng phong tham dục, si mê của thế gian. Cầu nguyện tất cả những người con Phật có đủ trí tuệ sáng suốt để thấy rõ hướng đi của mình ; có đủ năng lực bồi dưỡng tinh thần Vô Úy để bước theo dấu chân Đại bi, Đại trí, Đại nguyện.

"Những lời trên đây, tôi phát biểu trong phiên Tiền Hội nghị của Đại hội Bất thường tổ chức tại Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định, hôm 1 tháng 10 dương lịch 2003, tức mồng 6 tháng 9 âm lịch Quí Mùi, trước một thính chúng có trên 60 Tăng Ni đại biểu. Từ 25 năm qua, đây là lần đầu tiên đông đảo các đại biểu hòa tâm trong lời nguyện cầu Phật gia bị, lần đầu tiên nhóm họp tiến hành Đại hội Bất thường ở trong nước. Nay khâm thừa ý chỉ của Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống, giao phó cho Đại hội Bất thường ở hải ngoại khai triển và hoàn tất công tác Đại hội, tôi muốn nói thêm mấy lời cùng chư Liệt vị Tôn túc và đồng bào Phật tử đang sinh sống và hành đạo ở hải ngoại.

"Thưa quí Liệt vị, trước muôn nghìn trở lực, chướng duyên, đe dọa đến từ ngoại cảnh, cuộc hoằng dương Chánh pháp ngày nay kêu gọi chúng ta phải sống trong tinh thần không sợ hãi. Đừng sợ nữa, thì mới đưa con thuyền Chánh pháp vượt lướt qua mọi cuồng phong bão táp. Phải có tinh thần Vô Úy Thí để sử dụng tất cả các phương tiện bố thí làm cho chúng sinh hết lo sợ trước mọi hiểm nguy và biến cố. Giải phóng con người ra khỏi sự sợ hãi truyền kiếp, thì đạo Trí tuệ mới phát huy hết bản sắc của nền Phật giáo dân tộc. Vô Úy Thí là cứu cánh của Tài thí và Pháp thí, làm nên tính chất Đại hùng lực, Đại từ bi của Phật giáo trong sứ mệnh cứu khổ trừ nguy. Của cải, cơm áo, thuốc men đem bố thí cho kẻ bần hàn, đau yếu là nghĩa cử cấp cứu người đồng loại. Nhưng trước lòng tham sanh úy tử, tính ham lợi cầu danh, khiến con người mờ mắt, vị kỷ, chỉ thấy có mình mà không thấy chúng sinh đang rên siết, vì đói khổ hay bức bách, thì phải có tinh thần thượng đẳng Vô Úy mới có thể cứu dân tộc và nhân loại ra khỏi những tai nạn khủng khiếp của kiếp người, mới tạo lập môi trường trong sạch và tự do để nhân sinh thăng tiến, nhân quyền rộng mở, cùng nhau bước lên đường Giác ngộ.

"Xin quí Liệt vị hãy là sứ giả nói lên ước vọng và thái độ ấy của đạo Phật Việt Nam để thế giới càng thêm thông cảm và hậu thuẫn Giáo hội trong yêu sách chính đáng phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, hoàn trả một số cơ sở căn bản bị chiếm dụng từ 25 năm qua để Giáo hội làm trụ sở sinh hoạt, và làm sáng tỏ cái chết ở trong tù của Cố Hòa thượng Thích Thiện Minh, Cố vấn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cũng như trả tự do cho tất cả Tăng, Ni, Phật tử còn bị tù đày, quản thúc vì lý do hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo. Tự do tôn giáo bao hàm trong các quyền tự do cơ bản được quy định và bảo đảm trong "Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị" của LHQ, mà Nhà nước Việt Nam tham gia ký kết năm 1982. Các quyền này phải được tôn trọng, bảo đảm và thực thi cho toàn thể đồng bào nói chung và quần chúng Phật tử toàn quốc nói riêng. Chánh pháp làm sao tuyên dương khi không có quyền tự do ngôn luận? Kinh sách làm sao diễn luận khi không có tự do báo chí ? Tu học làm sao phát triển khi không có quyền tự do hội họp ?Những điều cơ bản ấy, Phật giáo Việt Nam chưa bao giờ bị cấm cản trong mười thế kỷ trước đây. Cho nên, Đạo Phật phải được tự do sinh hoạt giữa lòng dân tộc, để có thể đóng góp cải thiện cuộc sống vật chất và tinh thần cho toàn thể nhân dân trên các lĩnh vực đạo giáo, văn hóa, giáo dục, xã hội, kinh bang tế thế... Cuộc sống của người theo Đạo Phật chỉ có ý nghĩa và thực hữu, khi được sống Phật như thế, và đã nhờ thế, làm hưng thịnh đất nước qua bao nhiêu triều đại. Ngày nay, không có lý do nào có thể biện hộ để bác bỏ cuộc sống Phật của người Phật tử Việt Nam".

Qua Diễn văn bế mạc Đại hội Bất thường tổ chức tại Melbourne, Úc châu, Hòa thượng Thích Hộ Giác khai triển nhận thức thế sự theo quan điểm Đạo Phật, đồng lúc báo hiệu sự xuất hiện của những Bồ tát cứu nguy : "Điều tôi hân hoan hôm nay, và chưa từng hân hoan như thế, là gánh nặng không còn đè riêng trên vai Giáo hội ở hải ngoại. Nay, những bậc lương đống của Giáo hội trong nước đã kíp thời rủ bỏ bao nguy khốn, sợ hãi, đe dọa, cùng đứng lên gánh vác cơ đồ Giáo hội. Kể từ nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đứng trên hai chân vạm vỡ, một chân trên đất nước quê hương, một chân trên thế giới muôn màu.

"(...) Ba ngày vừa qua, thời gian thật ngắn ngủi trong tinh thần hòa kỉnh của chư Đại Tăng và quý Cư sĩ đại biểu. Những vấn đề cấp thiết nhất đã được đem ra trình bày, phân tích, đề xuất thành chương trình hoạt động để phát triển Giáo hội cho bốn chúng đệ tử trước tình hình mới cũng như trước xu thế toàn cầu hóa của thế giới.

"Chương trình ấy không gì khác hơn là chu toàn công cuộc tuyên dương Chánh Pháp mà Lịch đại Tổ sư không ngừng khai phóng suốt hai nghìn năm qua trên đất nước Việt Nam thân yêu, chư Bồ Tát hộ trì dẫn lối, chư Thánh tử đạo chuyển hóa pháp nạn thành cảnh độ từ bi, an lạc. Nói tới Chánh Pháp là nói tới việc giải thoát giác ngộ, nói tới công trình khai hóa nhân sinh, xã hội. Hẳn là chúng ta chưa thể hài lòng trước mức sống khốn cùng của đại đa số nông dân, lao động trong nước mà đa số là Phật tử, trước những tệ nạn xã hội làm suy thoái đời sống tâm linh. Đức Phật dạy rằng : Thân người khó được. Làm sao cho môi trường sống hiện tại được cân bằng giữa vật chất và tinh thần ? Trả lời câu hỏi ấy, là ý thức rằng chúng ta không thể thoái thác sứ mệnh hiện tiền, không thể chờ đợi hay phó mặc cho thế hệ mai sau. Do đó, vai trò hiện hữu của Giáo hội truyền thống và dân lập, là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, không thể thiếu vắng trên quê hương. Khả năng và lý tưởng của Giáo hội ấy đã xác tín bao lần qua những triều đại tự chủ, tự cường, làm cho nhân dân an lạc, hạnh phúc. Là Trưởng tử của Như Lai, là thành viên của Giáo hội, chúng ta phải ngày càng gia công hiện thực công cuộc hoằng truyền Chánh Pháp, biến công cuộc ấy thành thực tại lịch sử trong lòng dân tộc và giữa thế giới loài người.

"Kính thưa quý Liệt Vị,

"Tại Pháp hội Linh Thứu, trước thính chúng có chín mươi tám nghìn đại diện, đến từ mười cõi để nghe kinh Pháp Hoa, đức Thế tôn đã báo hiệu rằng từ cõi kham nhẫn này, nghìn muôn ức Bồ tát Đại sĩ sẽ từ lòng đất nứt nẻ vụt đứng lên (tùng địa dũng xuất) bảo vệ Chánh Pháp.

"Cũng thế, không có thành quả nào to tát hơn cho một Đại hội, khi có thể công bố sự tham gia đông đảo của chư Đại Tăng trong và ngoài nước vào Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Viện Tăng Thống và vào Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo. Nhất là khi chúng ta biết rằng sự kiện hy hữu này xẩy ra lần đầu sau 25 năm im vắng".

Ba ngày Đại hội cũng là ba ngày khánh thành Tu viện Quảng Đức, một ngôi chùa hùng vĩ, tráng lệ vừa hoàn thành sau ba năm xây cất dưới sự điều động tài ba của Thượng tọa Viện chủ Thích Tâm Phương và Đại đức phụ tá Thích Nguyên Tạng. Hai vị đã chọn tên Quảng Đức để tưởng nhớ Bồ tát Quảng Đức tự thiêu năm 1963 để bảo vệ Chánh pháp, thế mà hôm nay toàn dân vẫn chưa hưởng được các nhân quyền cơ bản, Phật giáo vẫn còn bị đàn áp khốc liệt hơn bao giờ.

Trong khi Đại hội Bất thường thảo bàn sôi nổi về hiện tình Phật giáo Việt Nam từ trong ra đến ngoài nước, thì suốt ba ngày Phật tử tấp nập tới lui như một ngày hội Tết. Tiếng đại hồng chung ngân nga đều đặn giữa tiếng tụng kinh liên hồi hộ trì cho chư Đại Tăng và Phật tử lâm nạn ở trong nước.

Ba văn kiện đúc kết Đại hội Bất thường : một là Quyết nghị Suy tôn Đức Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quangchiếu theo tâm nguyện của Chư Tôn Trưởng lão Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Viện Tăng Thống ; hai là Quyết nghị của Đại hội Bất thườngnói lên sự huy động quần chúng Phật tử trong việc kiện toàn tổ chức và phát huy Đạo Phật Việt Nam ; ba là Tuyên ngôn của Đại hội Bất thườngvề việc Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền tự do đi lại và quyền sinh hoạt tôn giáo của Nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ và bốn Thượng tọa thuộc ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo.

Dưới đây Phòng Thông tin Phật giáo xin đăng tải toàn văn 2 văn kiện sau cùng :

QUYẾT NGHỊ

của Đại hội Bất thường Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất họp tại Melbourne, Úc châu, từ ngày 10 đến 12.10.2003

Khâm thừa Giáo chỉ số 04-VTT/XLTV về việc bổ sung nhân sự và kiện toàn Giáo hội của Hòa thượng Xử lý Viện Tăng Thống, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, ký ngày 17.7.2003, ủy nhiệm Văn phòng II Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa Kỳ, tổ chức Đại hội Bất thường tại hải ngoại vì thiện duyên chưa đủ để tiến hành trong nước ;

Chư Tôn đức Tăng Ni và Cư sĩ đại biểu Giáo hội các Châu lục Á, Âu, Canada, Mỹ, Úc và Tân Tây Lan về tham dự Đại hội Bất thường tại Tu viện Nguyên Thiều, Melbourne, Úc châu, từ 10 đến 12.10.2003. Sau ba ngày báo cáo Phật sự tại các Châu, đánh giá và thảo luận tình hình Giáo hội trước giai kỳ mới và trước xu thế toàn cầu hóa trên các lĩnh vực của đời sống nhân loại, Đại hội đồng thanh

QUYẾT NGHỊ :

1. Tòan thể chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội tại các Châu và đồng bào Phật tử ở hải ngoại nhất tề đứng sau lưng Hội đồng Lưỡng Viện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở trong nước và toàn tâm hậu thuẫn Giáo hội trong mọi nỗ lực kiện toàn tổ chức để phát huy các công trình hoằng dương Chánh pháp, văn hóa, giáo dục và từ thiện xã hội ;

2. Tòan thể chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội tại các Châu và đồng bào Phật tử ở hải ngoại nhất tề đứng sau lưng Hội đồng Lưỡng Viện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở trong nước và toàn tâm vận động dư luận thế giới cho sự phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và yêu cầu Nhà cầm quyền Việt Nam thực thi tức khắc sự phục hồi này, hoàn trả những cơ sở của Giáo hội bị chiếm dụng sau năm 1975, và trả tự do cho tất cả Tăng Ni, Phật tử hiện còn bị giam cầm, quản chế vì lý do hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ;

3. Tòan thể chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội tại các Châu và đồng bào Phật tử ở hải ngoại nhất tề đứng sau lưng Hội đồng Lưỡng Viện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, để thực hiện giáo lý cứu khổ của đạo Phật truyền thừa từ 2000 năm qua trong việc xây dựng một xã hội khoan hòa, thực thi dân chủ và tôn trọng nhân quyền ;

4. Mở rộng cuộc hoàng dương Chánh pháp lên cương vị thế giới để giới thiệu Đạo Phật Việt Nam trong nỗ lực giải quyết những tranh chấp bạo động bằng con đường khoan dung và bi trí ; khuyến khích giới Cư sĩ Phật giáo phát huy tinh thần Từ bi, Trí tuệ vào các sinh hoạt xã hội trên mọi lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, từ thiện và kinh bang tế thế ; chú tâm đào luyện thế hệ trẻ ở hải ngoại hướng về quê hương trong sự hòa đồng với những tư trào tiến bộ trên thế giới.

Phật lịch 2547
Làm tại Tu viện Quảng Đức
Melbourne, Úc châu, ngày 12.10.2003

TUYÊN NGÔN

về việc Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền tự do đi lại và quyền sinh hoạt tôn giáo của Nhị vị Hòa thượng lãnh đạo GHPGVNTN Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ và 4 Thượng tọa thuộc Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo

Chư Tôn đức Tăng Ni và Cư sĩ đại biểu các Châu lục Á, Âu, Canada, Mỹ, Úc và Tân Tây Lan về tham dự Đại hội Bất thường ký tên dưới đây đồng thanh

NHẬN ĐỊNH :


1. Sự kiện xẩy ra tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, sáng ngày 8.10 vừa qua, khi 40 công an mặc thường phục ngăn cản chiếc xe chở chư vị Giáo phẩm Phật giáo lên đường đi Saigon, là một xúc phạm nhân phẩm và quyền tự do đi lại của hàng giáo phẩm Phật giáo được bảo đảm trong Hiến pháp Việt Nam và trong Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị của LHQ, mà Việt Nam tham gia ký kết năm 1982. Xe này chở Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, và chư Thượng tọa Thích Tuệ Sĩ, Thích Viên Định, Thích Thanh Huyền, Thích Nguyên Lý là giáo phẩm cao cấp thuộc Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo, cùng với ba Tăng sĩ thị giả và hai Phật tử tháp tùng ;

2. Sự kiện chiếc xe van chở 11 người phải chịu nằm dưới nắng như thiêu đốt từ 5 giờ sáng đến 3 giờ 30 chiều, đặc biệt đối với Hòa thượng Thích Huyền Quang, 86 tuổi, Hòa thượng Thích Quảng Độ, 75 tuổi, mà cơ quan công quyền không giải quyết, không cho biết lý do, là một hành động đàn áp nhân quyền và tôn giáo ;

3. Sự kiện công an mặc thường phục gia tăng áp lực và hăm dọa, khiến 200 Tăng Ni và trên 1000 đồng bào Phật tử bất mãn trước sự phân biệt đối xử có tính hành hung đối với hàng lãnh đạo Phật giáo, nên đã ôn hòa dựng lên quanh xe bức tường người bảo vệ, nói lên một hoàn cảnh trầm trọng phi luật pháp cần quan tâm, và phải nhờ áp lực quần chúng Phật tử, mà xe mới được ra đi vào lúc 3 giờ 30 chiều ;

4. Thế nhưng sau một đêm nghỉ mệt tại chùa Linh Sơn ở Vạn Giả, vào sáng ngày 9.10, công an đã phục kích tại đèo Rù Rì ở Lương sơn cách thành phố Nhatrang 25 cây số, chận không cho xe về Saigon, phân tán riêng từng người để tra hỏi và giam riêng không lý do. Sau 8 giờ đồng hồ "làm việc", công an cưỡng bức và áp giải Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang về lại Tu viện Nguyên Thiều ở Bình Định và đưa Hòa thượng Thích Quảng Độ trong tình trạng ngất xỉu về Saigon. Các Thượng tọa Thích Tuệ Sĩ, Thích Viên Định, Thích Thanh Huyền, Thích Nguyên Lý bị giam giữ từ ngày 9 đến tối ngày 11.10 để hỏi cung và đe dọa không được tiếp tục tham gia giữ các chức vụ tôn giáo trong Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo, chứng tỏ chính sách đàn áp quy mô Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đang được thực hiện, mặc dù Thủ tướng Phan Văn Khải đã hứa hẹn thay đổi chính sách này khi gặp gỡ Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang tại Hà Nội hôm 2.4.2003 ;

5. Trong mấy ngày vừa qua, những lời tuyên bố sai lạc và bóp méo các sự kiện trên của người phát ngôn Bộ Ngoại giao tại Hà Nội, càng chứng tỏ âm mưu che đậy chính sách đàn áp quy mô Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nhằm đánh lừa công luận thế giới.

NAY TUYÊN BỐ


1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là một giáo hội dân lập và truyền thống nối tiếp sự có mặt của Đạo Phật trên đất nước Việt Nam từ 2000 năm qua. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chào đón thân hữu sự sinh hoạt phong phú của tất cả các môn phái, tổ chức Phật giáo, trong việc nghiên cứu và tu học giáo lý của đức Phật. Nhưng không chấp nhận bất cứ âm mưu chính trị nào muốn biến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành công cụ chính trị hoặc đánh giá sai lạc về tính cách truyền thống và đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong lòng dân tộc và lịch sử ;

2. Yêu sách Nhà cầm quyền Hà Nội chấm dứt chính sách đàn áp quy mô Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất như đã thực hiện từ sau năm 1955 tại miền Bắc và 1975 tại miền Nam, để mở ra một thời đại mới biết tôn trọng các quyền con người cơ bản, trong đó có quyền tự do tôn giáo, mở đầu bằng việc phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng như quyền tự do sinh hoạt tôn giáo của nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ ;

3. Kêu gọi Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước cùng đồng bào các giới hãy lên tiếng hậu thuẫn cho yêu sách chính đáng đòi hỏi tôn trọng tự do tôn giáo và tín ngưỡng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và

4. Kêu gọi các Chính phủ và nhân dân yêu chuộng công lý và tự do trên thế giới cùng các tổ chức nhân quyền quốc tế hãy gây áp lực để bảo vệ các quyền con người và quyền dân sự của người công dân có tôn giáo tại Việt Nam và tố cáo những hành vi thô bạo, phi pháp, xẩy ra từ ngày 8 đến ngày 11.10.2003 và còn đang tiếp diễn đối với hàng giáo phẩm Phật giáo Việt Nam.

Phật lịch 2547
Làm tại Tu viện Quảng Đức
Melbourne, Úc châu, ngày 12.10.2003

Tuyên ngôn trên đây đã được sự đồng thanh hậu thuẫn của 134 chư Tôn đức Tăng Ni Đại biểu các Châu lục về tham dự Đại hội Bất thường và 5000 đồng bào Phật tử có mặt hôm bế mạc Đại hội. Nguyên trong phần kết thúc lễ Suy tôn Đức Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang, Đại hội công cử ông Võ Văn Ái khẩn báo tin tức quốc nội xẩy ra qua vụ chận xe ở Bình Định và bắt bớ tại Khánh Hòa, ông Ái trình bày các sự kiện ghi trong Tuyên Ngôn. Và hỏi xin sự hậu thuẫn trước hàng nghìn Phật tử tham dự rằng : Đại hội sẽ gửi đến Nhà cầm quyền Hà Nội lời yêu sách chấm dứt việc đàn áp Nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ và chư Thượng tọa thuộc Viện Hóa Đạo cũng như phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Rồi ông Ái hỏi : "Đồng bào Phật tử có đồng ý không ? Chúng tôi không xin một tràng pháo tay, một lời thét lớn, hay một nắm tay thề để biểu tỏ sự đồng ý của quý liệt vị. Chúng tôi chỉ xin một đóa sen lòng của quý vị bằng cách chắp đôi lòng bàn tay thành hoa sen và đưa cao lên".

Thế là từ chánh điện xuống đến sân chùa bát ngát : hằng nghìn đóa Sen lòng đã đưa cao hậu thuẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Trong khi ấy tại Việt Nam...


Kể từ cuộc chận bắt tại Khánh Hòa như đã kể trong Tuyên Ngôn nói trên, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa được thêm các tin sau đây :

Tu viện Nguyên Thiều ở Bình Định và Thanh Minh Thiền viện đã bị công an phong tỏa. Tại Nguyên Thiều, nơi có 300 Tăng sinh cư trú, công an sách nhiễu qua các buổi tra hỏi về những chuyện không đâu. Công an cũng tạo những tai nạn "giả" để hãm hại, khủng bố tinh thần, nhằm ngăn cấm họ rời tu viện, như trong ngày 12.10 cho xe jeep tông vào 2 Tăng sinh vừa ra khỏi tu viện đến phải chở đi bệnh viện. Tại Thanh Minh Thiền viện, ai đến vấn an Hòa thượng Thích Quảng Độ đều bị đuổi đi không cho vào chùa ;

Hôm bắt tại Lương Sơn, Khánh Hòa, Đại lão Hòa thượng phải làm việc với công an từ 1 giờ trưa đến 8 giờ tối, phải trả lời đủ thứ khẩu cung vô ích hoặc điền vào các câu hỏi vớ vẩn in sẵn. Hòa thượng cũng bị khám xét thân thể như Hòa thượng Thích Quảng Độ, nhưng công an không tìm thấy bất cứ tài liệu gì. Thế mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội dám trắng trợn vu cáo là "bắt được những tài liệu bí mật quốc gia".Chính Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang đã xác nhận với Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế như thế. Trường hợp Hòa thượng Thích Quảng Độ, sức khỏe yếu vì mới giải phẫu tháng trước, áp huyết cao, nên nhiều lần bị ngất xỉu, vì vậy, sau 4 giờ "làm việc" công an chở Hòa thượng về Thanh Minh Thiền viện ở Saigon. Còn Hòa thượng Thích Huyền Quang công an áp giải về Bình Định. Hai thị giả của Hòa thượng là Đại đức Thích Minh Hạnh và Thích Đồng Thọ bị còng tay, giải xe riêng về Tu viện Nguyên Thiều.

Trường hợp các Thượng tọa Thích Tuệ Sĩ, Thích Viên Định, Thích Thanh Huyền, Thích Nguyên Lý, thì bị mỗi người giam một nơi để làm việc và nghe "nhân dân địa phương" do công an triệu tập tố khổ, có cả trường hợp dùng giới Tăng sĩ theo Giáo hội Nhà nước đến "vạch mặt chỉ tên" và "tố khổ". Liên tục như thế từ ngày 9 cho đến đêm 11.10 mới được thả ra với cái "án" (không thông qua tòa án) 24 tháng quản chế hành chính cho ba Thượng tọa Tuệ Sĩ, Thanh Huyền và Nguyên Lý. Chiếu theo điều gì, và tội gì ?

Theo "Quyết định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về Quản chế hành chính"thì áp dụng Nghị định 31/CP ban hành quản chế hành chính (không thông qua tòa án, vì thông qua ý kiến công an địa phương), Nghị định 26 về hoạt động tôn giáo, và Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, nên Quyết định thẳng tay tố cáo các Thượng tọa "đã có những hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước"qui định tại điều 258 Chương 20 trong Bộ luật Hình sự.

Ba Thượng tọa đều bị 24 tháng quản chế tính từ ngày 11.10.2003.

Công lý đã tiêu dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Pháp quyền đã liệt dưới bàn tay công an trị. Người trở thành lang sói với người. Công an là những kẻ tấn công vào sự an vui của dân.




GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

VIỆN HÓA ĐẠO

Thanh Minh Thiền viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15,
Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh
________________________________________________

Phật lịch2547 Số 05/VHĐ/VT

ĐẠO TỪ
của Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo gửi Đại hội Bất thường Gíao hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tổ chức tại Hải ngoại

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MAÂU NI PHẬT

Kính bạch Chư Tôn Hòa thượng, Chư Thượng tọa Đại đức Tăng Ni,

Thưa Toàn thể Đồng bào Phật tử trong và ngoài nước,

Sau nhiều cuộc hội họp của Chư vị Tôn túc trong Hội đồng Lưỡng viện, thảo luận tình hình Phật sự, các vấn đề liên quan hiện tình Phật giáo trong và ngoài nước, cũng như xu hướng phát triển Phật giáo trên thế giới, trong bối cảnh xung đột tôn giáo mang tính toàn cầu, đức Đại lão Hòa thượng Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống đã ban hành Giáo chỉ tổ chức Đại hội Bất thường và bổ sung nhân sự, kiện toàn cơ cấu Giáo hội làm sở y cho các hành trì và hoằng hóa của bốn chúng đệ tử.

Hôm nay Chư vị Tôn túc cùng với Đại Tăng vân tập về đây đồng nhất tâm cầu nguyện cho Phật sự được thành tựu viên mãn,

Thay mặt Hội đồng Lưỡng Viện, nhân danh Viện trưởng Viện Hóa Đạo, tôi trân trọng kính gửi đến Chư Tôn Trưởng lão cùng toàn thể Tăng, Tín đồ trong và ngoài nước thành quả của quá trình tiến hành Đại hội được đúc kết trong buổi lễ hôm nay. Thành quả đó là hiện thân của Chư vị Hòa thượng trong hàng Trưởng lão Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Viện Tăng Thống, cùng với sự hình thành Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo.

Kể từ Đại hội VII, được triệu tập năm 1977 tại chùa Ấn Quang, đến nay đã 25 năm ; nhiều vị Tôn túc trong Hội đồng Giáo phẩm Trung ương đã viên tịch, một số khác biến dị căn cơ do bởi dao động xã hội, nên sinh hoạt của Giáo hội bị gián đoạn. Tuy vậy, sinh mệnh của Giáo hội vẫn y nhiên như kim cang bất hoại, theo lẽ duyên hội thì sinh, duyên tán thì diệt. Sinh diệt là lẽ tuần hoàn. Bất diệt là bản thân của Chánh Pháp. Trong ý nghĩa đó, kết thúc buổi lễ hôm nay, tôi kính gửi đến chư vị để cùng chia xẻ Niềm Tin bất hoại nơi tính trường tồn và thuần tịnh của Chánh Pháp bất khả phá hoại.

Từ tâm niệm sát na này trở đi, trên nền tảng sở y là Hội đồng Lưỡng Viện, tôi ước nguyện toàn thể Tăng, Tín đồ Phật giáo Việt Nam sẽ cùng hòa hiệp như nước với sữa, cùng tôn thờ một đấng Đạo sư Đại hùng lực, Đại từ bi ; cùng hành trì một Chánh Pháp chân thật không hư dối, không hề dao động trước mọi cuồng phong tham dục, si mê của thế gian. Cầu nguyện tất cả những người con Phật có đủ trí tuệ sáng suốt để thấy rõ hướng đi của mình ; có đủ năng lực bồi dưỡng tinh thần Vô Úy để bước theo dấu chân Đại bi, Đại trí, Đại nguyện.

Những lời trên đây, tôi phát biểu trong phiên Tiền Hội nghị của Đại hội Bất thường tổ chức tại Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định, hôm 1 tháng 10 dương lịch 2003, tức mồng 6 tháng 9 âm lịch Quí Mùi, trước một thính chúng có trên 60 Tăng Ni đại biểu. Từ 25 năm qua, đây là lần đầu tiên đông đảo các đại biểu hòa tâm trong lời nguyện cầu Phật gia bị, lần đầu tiên nhóm họp tiến hành Đại hội Bất thường ở trong nước. Nay khâm thừa ý chỉ của Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống, giao phó cho Đại hội Bất thường ở hải ngoại khai triển và hoàn tất công tác Đại hội, tôi muốn nói thêm mấy lời cùng chư Liệt vị Tôn túc và đồng bào Phật tử đang sinh sống và hành đạo ở hải ngoại.

Thưa quí Liệt vị, trước muôn nghìn trở lực, chướng duyên, đe dọa đến từ ngoại cảnh, cuộc hoằng dương Chánh pháp ngày nay kêu gọi chúng ta phải sống trong tinh thần không sợ hãi. Đừng sợ nữa, thì mới đưa con thuyền Chánh pháp vượt lướt qua mọi cuồng phong bão táp. Phải có tinh thần Vô Úy Thí để sử dụng tất cả các phương tiện bố thí làm cho chúng sinh hết lo sợ trước mọi hiểm nguy và biến cố. Giải phóng con người ra khỏi sự sợ hãi truyền kiếp, thì đạo Trí tuệ mới phát huy hết bản sắc của nền Phật giáo dân tộc. Vô Úy Thí là cứu cánh của Tài thí và Pháp thí, làm nên tính chất Đại hùng lực, Đại từ bi của Phật giáo trong sứ mệnh cứu khổ trừ nguy. Của cải, cơm áo, thuốc men đem bố thí cho kẻ bần hàn, đau yếu là nghĩa cử cấp cứu người đồng loại. Nhưng trước lòng tham sanh úy tử, tính ham lợi cầu danh, khiến con người mờ mắt, vị kỷ, chỉ thấy có mình mà không thấy chúng sinh đang rên siết, vì đói khổ hay bức bách, thì phải có tinh thần thượng đẳng Vô Úy mới có thể cứu dân tộc và nhân loại ra khỏi những tai nạn khủng khiếp của kiếp người, mới tạo lập môi trường trong sạch và tự do để nhân sinh thăng tiến, nhân quyền rộng mở, cùng nhau bước lên đường Giác ngộ.

Xin quí Liệt vị hãy là sứ giả nói lên ước vọng và thái độ ấy của đạo Phật Việt Nam để thế giới càng thêm thông cảm và hậu thuẫn Giáo hội trong yêu sách chính đáng phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, hoàn trả một số cơ sở căn bản bị chiếm dụng từ 25 năm qua để Giáo hội làm trụ sở sinh hoạt, và làm sáng tỏ cái chết ở trong tù của Cố Hòa thượng Thích Thiện Minh, Cố vấn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cũng như trả tự do cho tất cả Tăng, Ni, Phật tử còn bị tù đày, quản thúc vì lý do hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo. Tự do tôn giáo bao hàm trong các quyền tự do cơ bản được quy định và bảo đảm trong "Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị" của LHQ, mà Nhà nước Việt Nam tham gia ký kết năm 1982. Các quyền này phải được tôn trọng, bảo đảm và thực thi cho toàn thể đồng bào nói chung và quần chúng Phật tử toàn quốc nói riêng. Chánh pháp làm sao tuyên dương khi không có quyền tự do ngôn luận ? Kinh sách làm sao diễn luận khi không có tự do báo chí ? Tu học làm sao phát triển khi không có quyền tự do hội họp ? Những điều cơ bản ấy, Phật giáo Việt Nam chưa bao giờ bị cấm cản trong mười thế kỷ trước đây. Cho nên, Đạo Phật phải được tự do sinh hoạt giữa lòng dân tộc, để có thể đóng góp cải thiện cuộc sống vật chất và tinh thần cho toàn thể nhân dân trên các lĩnh vực đạo giáo, văn hóa, giáo dục, xã hội, kinh bang tế thế... Cuộc sống của người theo Đạo Phật chỉ có ý nghĩa và thực hữu, khi được sống Phật như thế, và đã nhờ thế, làm hưng thịnh đất nước qua bao nhiêu triều đại. Ngày nay, không có lý do nào có thể biện hộ để bác bỏ cuộc sống Phật của người Phật tử Việt Nam.

Thay mặt Đại lão Hòa thượng Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi xin chân thành tán dương Chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử trong nước đã vượt qua bao khổ nạn để duy trì mạng mạch Giáo hội cho đến ngày hôm nay, cũng như Chư Tăng thường trú tại Tu viện Nguyên Thiều ở Bình Định đã kiên tâm tạo mọi điều kiện bất khả cho tiền Đại hội trong nước được hoàn mãn. Đồng thời và đặc biệt, tôi xin chuyển lời của Đại lão Hòa thượng Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống, cũng như của riêng tôi, tán dương công đức đóng góp nhiệt thành và hữu hiệu suốt 25 năm qua của các Giáo hội các Châu, Chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử ở hải ngoại và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế. Nhờ sự đóng góp kiên trì và son sắt ấy, mà tiếng nói và pháp thân của hàng giáo phẩm Hội đồng Lưỡng Viện cũng như biết bao thành viên Phật tử của Giáo hội bớt bị cô thế hay hủy hoại trong vòng lao lý, tù đày.

Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo chứng minh gia bị cho tâm nguyện những người con Phật chúng ta được vinh thành.

Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.

Bình Định, Tu viện Nguyên Thiều
Pl. 2547 – ngày 7 tháng 10 năm 2003
Viện trưởng Viện Hóa Đạo
(ấn ký)

Sa môn THÍCH QUẢNG ĐỘ

Diễn Văn Bế Mạc
Đại Hội Bất Thường
của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Hải ngoại


Hòa thượng Thích Hộ Giác, Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo
kiêm Chủ tịch Hội đồng Điều hành GHPGVNTNHN-Hoa Kỳ,
Văn phòng II Viện Hóa Đạo


Kính bạch Chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa Đại đức Tăng Ni,

Kính thưa toàn thể quý Đại biểu

Trước hết, tôi xin vui mừng chào đón Chư Tôn đức và quý Đại biểu từ năm châu thế giới vân tập về đây tham dự Đại hội Bất thường của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Chúng ta hội họp nhau hôm nay đây có điều khác lạ so với những kỳ họp thường niên các lần trước. Những lần trước, chúng ta bàn chuyện Giáo hội trong khung cảnh hải ngoại với tâm nguyện sắt son hậu thuẫn Giáo hội nơi quê nhà đang lâm khốn. Nhưng hôm nay, khâm thừa Giáo chỉ của Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống, về việc tổ chức Đại hội Bất thường cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở trong nước. Đây là điều đáng cho Giáo hội ở hải ngoại hãnh diện. Hãnh diện vì sự truyền thừa Chánh Pháp của các Giáo hội trên khắp năm châu, trong cộng đồng người Việt tị nạn cũng như trong cộng đồng thế giới, đã chứng thực và được Chư Tôn lãnh đạo trong nước tin cậy, trông chờ và phó thác.

Lời ủy nhiệm của Đại lão Hòa thượng Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống trong Giáo chỉ gửi đến tôi viết rằng : "Do tình hình Giáo hội trong nước chưa đủ thuận duyên, nên kính mong Hòa thượng hoan hỉ nhân danh Văn phòng II Viện Hóa Đạo cấp tốc triệu tập Đại hội này trong thời gian nhanh nhất ở hải ngoại". Giáo chỉ cũng đề ra nhiệm vụ của Đại hội Bất thường, là : "Tình hình Giáo hội đang bước qua một giai kỳ mới, có vài vấn đề quan trọng cấp bách cần giải quyết, cũng như bổ sung nhân sự".

Thế là vấn đề quan trọng nhất hiện nay, trọng tâm đặt vào việc kiện toàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bổ sung nhân sự và vạch đường lối đi lên trên con đường thênh rộng của Chánh Pháp, mong đem lại lợi ích và giải thoát cho quần sinh lâm khốn.

Điều tôi hân hoan hôm nay, và chưa từng hân hoan như thế, là gánh nặng không còn đè riêng trên vai Giáo hội ở hải ngoại. Nay, những bậc lương đống của Giáo hội trong nước đã kíp thời rủ bỏ bao nguy khốn, sợ hãi, đe dọa, cùng đứng lên gánh vác cơ đồ Giáo hội. Kể từ nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đứng trên hai chân vạm vỡ, một chân trên đất nước quê hương, một chân trên thế giới muôn màu.

Sự kiện ấy vừa khai mở, vừa chứng thực chín ngày trước đây.

Kính bạch quý Ngài,

Thưa quý Vị,


Sau 25 năm khổ nạn, ngày 1 tháng 10 dương lịch 2003 vừa qua, cuộc Tiền Đại hội Bất thường đã được thành công diễn ra tại phương trượng Tu viện Nguyên Thiều ở Bình Định, với hơn 60 chư Tôn đức Đại biểu và dưới sự chứng minh của Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống, cùng Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Hóa Đạo. Và bây giờ đây, ở hải ngoại, chúng ta được giao phó khai triển công tác Đại hội và hoàn tất Đại hội Bất thường này.

Ba ngày vừa qua, thời gian thật ngắn ngủi trong tinh thần hòa kỉnh của chư Đại Tăng và quý Cư sĩ đại biểu. Những vấn đề cấp thiết nhất đã được đem ra trình bày, phân tích, đề xuất thành chương trình hoạt động để phát triển Giáo hội cho bốn chúng đệ tử trước tình hình mới cũng như trước xu thế toàn cầu hóa của thế giới.

Chương trình ấy không gì khác hơn là chu toàn công cuộc tuyên dương Chánh Pháp mà Lịch đại Tổ sư không ngừng khai phóng suốt hai nghìn năm qua trên đất nước Việt Nam thân yêu, chư Bồ Tát hộ trì dẫn lối, chư Thánh tử đạo chuyển hóa pháp nạn thành cảnh độ từ bi, an lạc. Nói tới Chánh Pháp là nói tới việc giải thoát giác ngộ, nói tới công trình khai hóa nhân sinh, xã hội. Hẳn là chúng ta chưa thể hài lòng trước mức sống khốn cùng của đại đa số nông dân, lao động trong nước mà đa số là Phật tử, trước những tệ nạn xã hội làm suy thoái đời sống tâm linh. Đức Phật dạy rằng : Thân người khó được. Làm sao cho môi trường sống hiện tại được cân bằng giữa vật chất và tinh thần ? Trả lời câu hỏi ấy, là ý thức rằng chúng ta không thể thoái thác sứ mệnh hiện tiền, không thể chờ đợi hay phó mặc cho thế hệ mai sau. Do đó, vai trò hiện hữu của Giáo hội truyền thống và dân lập, là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, không thể thiếu vắng trên quê hương. Khả năng và lý tưởng của Giáo hội ấy đã xác tín bao lần qua những triều đại tự chủ, tự cường, làm cho nhân dân an lạc, hạnh phúc. Là Trưởng tử của Như Lai, là thành viên của Giáo hội, chúng ta phải ngày càng gia công hiện thực công cuộc hoằng truyền Chánh Pháp, biến công cuộc ấy thành thực tại lịch sử trong lòng dân tộc và giữa thế giới loài người.

Kính thưa quý Liệt Vị,

Tại Pháp hội Linh Thứu, trước thính chúng có chín mươi tám nghìn đại diện, đến từ mười cõi để nghe kinh Pháp Hoa, đức Thế tôn đã báo hiệu rằng từ cõi kham nhẫn này, nghìn muôn ức Bồ tát Đại sĩ sẽ từ lòng đất nứt nẻ vụt đứng lên (tùng địa dũng xuất) bảo vệ Chánh Pháp.

Cũng thế, không có thành quả nào to tát hơn cho một Đại hội, khi có thể công bố sự tham gia đông đảo của chư Đại Tăng trong và ngoài nước vào Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Viện Tăng Thống và vào Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo. Nhất là khi chúng ta biết rằng sự kiện hy hữu này xẩy ra lần đầu sau 25 năm im vắng.

Vậy tôi xin Đại hội đọc bản Quyết định Suy tôn và công bố cho Phật tử trong và ngoài nước được am tường.

Trước khi dứt lời, thay mặt Giáo hội các Châu và Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, tôi xin ngỏ lời cảm tạ Chư Tăng thường trú tại Tu viện Quảng Đức ở Melbourne đã mở rộng cửa từ bi và phát tâm đón tiếp, cúng dường, tổ chức, tạo thiện duyên cho Đại hội thành công mỹ mãn như hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Hòa thượng THÍCH HỘ GIÁC
Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo
kiêm Chủ tịch Hội đồng Điều hành
GHPGVNTNHN-HK – Văn phòng II Viện Hóa Đạo

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/10/2024(Xem: 10959)
Thưa quý Phật tử, Chư Tổ Sư đã dạy “Cần tu tập để giải thoát như cứu lửa đang cháy trên đầu”, vì thời gian trong đời mình còn lại quá ngắn ngũi, đừng hẹn đến ngày mai những gì mình có thể làm được hôm nay. Quý Ngài cũng nhắc nhở chúng ta “Thiên niên thiết thọ khai hoa dị, nhất thất nhơn thân tái phục nan”, có nghĩa là “Ngàn năm cây sắt ra hoa dễ, một khi mất thân người khó được lại thân”. Đối với người đệ tử Phật chúng ta, nếu ngày nay mình không phát tâm tu tập, thì đừng mong đời mình thăng tiến trên bước đường tâm linh. Mình tự hỏi chính mình là niềm tin của mình vào Chánh Pháp có vững chắc chưa, nội lực tu tập của mình đã được tăng tiến hay chưa? Nếu chưa được tăng tiến và viên mãn thì chúng ta hãy cố gắng phát nguyện, tinh tấn tu tập để sống trọn vẹn.
29/09/2024(Xem: 4725)
Sau 2 khóa tu Thanh Lọc Thân Tâm vào năm 2018 và năm 2023 do TT Thích Tâm Thành hướng dẫn tại Đạo Tràng Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu, rất hiệu quả (sức khỏe tăng trưởng và giảm cân có thể nhìn thấy được rõ ràng), trên tinh thần đó, sắp tới, Khóa Tu Thanh Lọc Thân Tâm lần thứ 3 được tiếp tục tổ chức tại Tu Viện Quảng Đức từ ngày 01/10 đến ngày 05 tháng 10/2024, do TT Tâm Thành đích thân hướng dẫn.
24/09/2024(Xem: 856)
Tu Viện Quảng Đức sẽ tổ chức 3 Ngày Huân Tu Tịnh Độ cuối năm, khai mạc lúc 9 giờ sáng ngày thứ Sáu, 6/12/2024 và bế mạc lúc 5pm chiều Chủ Nhật 8/12/2024. Chương trình tu học mỗi ngày gồm có: Công phu, tụng kinh, niệm Phật, tọa thiền, lễ sám hối và nghe Pháp thoại. Mọi phương tiện ăn uống, ngủ nghỉ…đều miễn phí. Cần tu Giới Định Tuệ, tức diệt Tham Sân Si. Trân trọng kính mời quý Phật tử đồng hương hoan hỷ dành thời gian về tham dự khóa Huân Tu 3 ngày này; quý vị liên lạc ghi danh qua email quangduc@quangduc.com hoặc Phật tử Hồng Hạnh: 0406 741 639. TN. Ban Tổ Chức kính thông báo Viện Chủ, HT Thích Thông Mẫn Trụ Trì, TT Thích Nguyên Tạng
05/04/2023(Xem: 23485)
Trang nhà Quảng Đức vừa thành lập Youtube Channel với nickname: Quang Duc Productions để phổ biến tất cả những video bài giảng của Chư Tôn Đức Tăng Ni trong các Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu trong 20 năm qua và vài mươi năm tới. Do vậy, kính mời Chư Tôn Đức và quý Phật tử từ bi hoan hỷ vào link này (bên dưới) và bấm vào chữ “Subscribed” & cái chuông bên cạnh (đầu trang bên phải) để khi có clip mới thì sẽ được tự động sẽ nhận Thông báo,xin lưu ý, chỉ bấm 1 lần duy nhất thôi, nếu bấm 2 lần sẽ vô hiệu hóa, phải bấm lại lần 3), xin Chư Tôn Đức và quý Phật tử hoan hỷ giúp phổ biến thông báo này dùm để ủng hộ Trang Nhà Quảng Đức. Chân thành cảm ơn Chư Tôn Đức và quý Phật tử.
13/10/2024(Xem: 161)
Thiệp Xuân Ất Tỵ 2025 của Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu
27/09/2024(Xem: 421)
Điện Thư Phân Ưu Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật Tu Viện Quảng Đức vừa nhận được tin buồn: Thân Phụ của Đại Đức Thích Tâm Thiện (Huynh đệ môn hạ Chùa Thiên Phú, Vĩnh Ngọc, Nha Trang; hiện đang tu học tại Chùa Phật Đà, San Diego, Cali, Hoa Kỳ) là: Phật tử: ĐẶNG THANH BÌNH Pháp danh: VẠN CÔNG Sinh năm: 1961 (Tân Sửu) tại Tuy Phước, Bình Định, Việt Nam Mãn phần lúc: 01:30am sáng ngày 26/09/2024, Nhằm ngày 24/08/Giáp Thìn tại quê nhà Bình Định, Việt Nam Hưởng thọ: 63 tuổi Thay mặt Đạo Tràng Tu Viện Quảng Đức thành tâm chia buồn Đại Đức Tâm Thiện cùng toàn gia tang quyến. Nguyện cầu Phật quang tiếp triệu Hương Linh Phật tử Vạn Công Đặng Thanh Bình Vãng Sanh Cực Lạc Quốc Nay Thành kính Phân Ưu Hòa Thượng Thích Thông Mẫn Viện Chủ Tu Viện Quảng Đức Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức Đại Đức Thích Đăng Từ Tri Sự Tu Viện Quảng Đức HTr. Tuệ Hoàng Trần Đức Huy Liên Đoàn Trưởng Gia Đình Phật Tử Quảng Đức
25/09/2024(Xem: 683)
Bài viết này như lời tâm sự của một người Mẹ VN sống ở Melbourne. Có hai con trai, không có con gái . Một Phật Tử gia đình ba đời theo Đạo Phật nhưng có con dâu người Ý theo đạo Công giáo. Quan hệ giữa Mẹ chồng VN và con dâu người Úc. Người cao tuổi có nên vào Viện Dưỡng Lão hay không? Hiện nay đang là một vấn đề lo lắng đối với người Úc người Mỹ gốc VN… Mình đã ở Melbourne được 42 năm. Giống như nhiều người VN mới đến Úc cuộc sống ban đầu nhiều khó khăn. Để dành tiền trả tiền thuê nhà, còn mặc quần áo mua ở các shop từ thiện. Sau vài năm mua được căn nhà đầu tiên với giá $40 000. Sống cần kiệm để trả nợ ngân hàng và nuôi hai con trai còn nhỏ. Dần dần đời sống gia đình mình được khá hơn
21/09/2024(Xem: 1751)
Con trộm nghĩ nếu câu Niệm Phật được thực hiện đúng, nghĩa là luôn được gắn chặt vào một suy nghĩ bất cứ lúc nào thì suy nghĩ duy nhất này sẽ đẩy ra tất cả những suy nghĩ khác thì đương nhiên tác động kỳ diệu của việc niệm Phật rất giống với Thiền.( một yếu tố bắt buộc trong việc học Phật .) Hơn thế nữa con được nghe rằng “ Học lịch sử mà không làm sống lại được nhân vật và hoàn cảnh lịch sử thì nào có bổ ích gì" nhấn mạnh rằng việc học lịch sử không chỉ đơn thuần là ghi nhớ các sự kiện, ngày tháng, hay tên tuổi mà còn phải hiểu rõ bối cảnh, tâm tư và động lực của những nhân vật trong lịch sử. Nếu chỉ học theo cách máy móc mà không thể thấu hiểu và cảm nhận được những giá trị ẩn sau sự kiện, ta sẽ bỏ lỡ những bài học quan trọng nhất.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com