Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

C. Lưu Thông Phần.

27/04/201311:13(Xem: 2909)
C. Lưu Thông Phần.

PHÁT KHỞI BỒ TÁT THÙ THẮNG CHÍ NHẠO

KINH LƯỢC GIẢNG

(Nguyên văn: Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh Giảng Ký)

Chủ giảng: Hoà Thượng Thích Tịnh Không

Cư Sĩ Truyền Tịnh Chỉnh Lý

Chuyển Ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hoà

---o0o---

IV. LƯỢC GIẢI KINH VĂN

C. Lưu Thông Phần

* Kinh này tên là Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo, còn gọi là Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn

Chánh kinh:

Nhĩ thời, tôn giả A Nan bạch Phật ngôn:

- Hy hữu Thế Tôn! Nãi năng khai thị, diễn thuyết Như Lai chân thật công đức, phát khởi Bồ Tát thù thắng chí nhạo.

(Lúc bấy giờ, tôn giả A Nan bạch Phật rằng:

- Đức Thế Tôn hy hữu, bèn có thể khai thị, diễn thuyết công đức chân thật của Như Lai như thế, phát khởi chí hướng, lòng ưa thích thù thắng cho Bồ Tát)

Điều được kinh này khai thị từ đầu cho đến cuối là “công đức chân thật của Như Lai”. Ngài chẳng nói là công đức chân thật của chư Phật; nếu nói là công đức chân thật của Phật, chưa chắc chúng ta đã có đâu nghe! Nói “chư Phật”là nói trên mặt Sự; nói Như Lai là luận trên mặt Lý, từ mặt Tánh mà nói. Đấy là những công đức chân thật của tự tánh chúng ta, chẳng khác biệt gì. Quý vị nói: Tôi có cần phải tu hay chăng? Người ta thì khác, tôi có sẵn lòng tu hay không? Nơi chính mình, không tu cũng vậy, có tu cũng vậy, công đức nơi tự tánh mà! Vậy thì quý vị đã minh tâm kiến tánh hay chưa?

Kiến tánh thì công đức tự tánh sẽ hiện tiền viên mãn. Trong kinh đức Phật giảng, từng chữ, từng câu đều là tự tánh công đức, chứ chẳng phải là gì khác! Nếu Bồ Tát giác ngộ nhất định sẽ phát khởi “chí hướng, lòng ưa thích thù thắng”.“Chí”là thệ nguyện, “Nhạo”là yêu thích, hoan hỷ vậy! Quý vị nhất định vui vẻ làm, nhất định vui vẻ cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Cầu sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới là chí nhạo thù thắng của Bồ Tát.

Một lần nữa, vì sao chúng tôi muốn chọn giảng kinh này? Thật ra là vì thấy trong mấy năm, quý vị rất dụng công nơi Tịnh tông, rất nghiêm cẩn đọc tụng, niệm Phật, tu trì, nhưng chưa có thành tích. Giống như học sinh đọc sách, đọc rất nhọc nhằn, rất gắng sức, nhưng thi rớt mãi. Vấn đề rất nghiêm trọng vậy! Căn bệnh là do đâu? Chúng ta phải tìm cho ra, bởi thế mới dùng hai bộ kinh để đối trị căn bệnh ấy.

Chúng tôi chọn giảng kinh Kim Cang với mục đích khiến quý vị hiểu rõ chân tướng sự thật, chân tướng của nhân sanh vũ trụ, dạy quý vị thấy rỗng toang, buông xuống thì về mặt công phu có thể đột phá được những chướng ngại đối với việc niệm Phật. Bộ kinh này giảng về cách đoạn phiền não, tập khí, trong sanh hoạt thường nhật, trong lúc làm việc, xử thế, đãi người, tiếp vật, bất tri bất giác phạm rất nhiều bệnh, nếu với những bệnh ấy mà chẳng giác ngộ, sửa lỗi đổi mới, thì vẫn tạo thành chướng ngại y như cũ. Bởi vậy, kinh Kim Cang là phá chướng ngại trên mặt Lý, kinh này phá chướng ngại trong những sinh hoạt vụn vặt thường ngày. Hy vọng công phu niệm Phật của quý vị thuận buồm xuôi gió! Mục đích giảng kinh của chúng tôi là vậy. Bởi lẽ kinh văn chỉ quy Cực Lạc rất rõ rệt vậy, đừng cho là thừa thãi, chẳng phải là kinh thích hợp cho tông mình.

Tông mình chỉ có năm kinh một luận, sao lại dính thêm những thứ khác, tôi vừa mới nói rồi, những sách giáo khoa thuộc tông khác, nếu giúp ích cho chúng ta, chúng ta có thể tuyển tu cơ mà! Tuy chẳng phải là chủ tu (tu chính yếu) chúng ta nhất định phải nghiêm túc tuyển tu, cái gì chẳng tương ứng tông mình, chúng ta chẳng tu thứ ấy. Kinh này tương ứng với tông chúng ta.

Chánh kinh:

Thế Tôn! Đương hà danh thử kinh, ngã đẳng vân hà thọ trì?

(Bạch Thế Tôn! Nên đặt tên kinh này như thế nào, chúng con thọ trì như thế nào?)

Đây là điều chẳng thể thiếu trong phần Lưu Thông, nhất định phải hỏi – xin Phật dạy tên kinh. Kinh này tương lai kết tập, lưu truyền nên dùng danh xưng nào? Danh xưng ấy do đức Phật đặt.

Chánh kinh:

Phật cáo A Nan ngôn:

- Thử kinh danh vi Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo.

(Phật bảo A Nan rằng:

- Kinh này tên là Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo).

Tên kinh do đức Phật nói.

Chánh kinh:

Diệc danh: Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn.

(Cũng có tên là Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn)

Bởi vậy, nếu đề là Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn (những câu hỏi của Bồ Tát Di Lặc) cũng là cùng một bộ kinh. Bộ kinh này có hai tên.

Chánh kinh:

Dĩ thị danh tự, nhữ đương thọ trì.

(Dùng danh tự ấy, ông nên thọ trì)

Tên của kinh là tổng cương lãnh của toàn kinh. Bởi lẽ, từ tên kinh, quý vị có thể nhận hiểu kinh này giảng về nghĩa lý nào, tông chỉ là đâu, chúng ta phải nên thọ trì như thế nào.

Chánh kinh:

Phật thuyết thử kinh dĩ, Di Lặc Bồ Tát cập chư Thanh Văn, nhất thiết thế gian: thiên, nhân, a-tu-la, càn-thát-bà đẳng.

(Phật nói kinh này xong, Di Lặc Bồ Tát và các Thanh Văn, hết thảy thế gian: trời, người, a-tu-la, càn-thát-bà v.v…)

Thính chúng tham gia pháp hội trong lúc ấy.

Chánh kinh:

Văn Phật sở thuyết, giai đại hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

(Nghe lời Phật dạy đều hoan hỷ lớn, tin nhận vâng làm)

Câu cuối cùng rất khẩn yếu. Nghe xong chẳng phải tan hội là rồi, chẳng phải vậy! Ra về phải tin nhận phụng hành. A! Nghe xong thật sự tin tưởng. “Thọ”là minh bạch, giác ngộ, tiếp nhận hoàn toàn, y giáo phụng hành. Từ nay trở đi, khởi tâm động niệm, nói năng, hành động đều lấy kinh này làm tiêu chuẩn, quyết định chẳng trái nghịch lời Phật dạy dỗ, mới là đệ tử Tam Quy chân chánh của đức Phật vậy!

Lược Giảng kinh Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo hết

(Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa dịch xong ngày 15 tháng 07 năm 2004)

(1) Nơi dành riêng để bế quan gọi là quan phòng.

(2) Quải đơn: Đơn là một tấm gỗ dài, rộng vừa đủ cho một người nằm. Trong các tùng lâm, dùng đơn thay giường. Khi một vị tăng đến nhập chúng trong một tùng lâm để tham học, thì vị tri chúng kê thêm đơn cho người ấy trong tăng phòng, gọi là “quải đơn”, nay được dùng với nghĩa rộng là xin vào tu trong một ngôi tự viện nào. Khi vị tăng ấy đi tham học nơi khác thì gọi là “trừu đơn” (rút đơn).

---o0o---

Source: http://www.niemphat.net/

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com