Giới thiệu bài mới
Tu Viện Quảng Đức
Nguồn: www.quangduc.com
TU VIỆN QUẢNG ĐỨC TRÊN XỨ ÚC
Đạo Phật đã du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ thứ 2 nhất trước Tây Lịch, ngay khi được truyền vào, đạo Phật đã nhanh chóng thích nghi với lối sống của người dân Việt, đi sâu vào quần chúng mang theo những tư tưởng cao đẹp, lấy con người làm đối tượng để giải quyết những việc của con người, lấy nhân tính đặt trên nền tảng xây dựng một xã hội công bằng và hợp lý, đồng thời thừa nhận giá trị cũng như khả năng của con người.
Do đó trong quá trình hình thành phát triển của đạo lý Giác Ngộ, giáo lý Từ Bi và Bình Đẳng của Đức Phật tại Việt Nam .
Đạo Phật đã không gặp một trở ngại nào trong việc hòa nhập vào mọi giai tầng của xã hội Việt Nam. Đạo Phật đã thấm nhuần vào nền văn minh Việt Nam tự nhiên và dễ dàng như nước thấm vào đất. Đạo Phật đã lan tỏa từ thành thị đến các miền thôn quê trên lãnh thổ đất nước Việt, Đạo Phật đã có một chỗ đứng nhất định từ Cung Đình cho đến làng xã Việt Nam. Đạo lý Giác Ngộ Từ Bi của Đức Phật nói chung và Phật Giáo Việt Nam nói riêng đã ăn sâu vào nếp sống, lối suy nghĩ của người dân Việt Nam, và trở thành vô giá cho người dân nước Việt. Thật vậy, trong suốt chiều dài lịch sử hơn 20 thế kỷ qua, Đạo Phật đã chứng minh sự hiện hữu của mình qua con đường của Đạo Lý Giác Ngộ và Từ Bi, qua Giáo lý Nhân Quả của Đạo Phật, hầu hết trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, Đạo Phật đã hòa nhập và phát triển tồn tại, nhưng không để lại hay gây một thiệt hại nào cho sự tồn vong của nhân sinh xã hội. Nói đến đất nước Việt và Văn Hóa Việt là người ta liền nghĩ đến ngôi Chùa Việt Nam.
Mái chùa che chở hồn dân tộc.
Nếp sống muôn đời của Tổ tông.
Ngôi Chùa Việt Nam không thể thiếu trong đời sống của mỗi người con dân nước Việt.
Chùa là văn hóa quê hương
Là nơi thể hiện tình thương giống nòi.
Trên tinh thần đó, cho dù ở đâu, lưu lạc trên xứ người sau biến cố lịch sử của đất nước vào Mùa Xuân 1975. Người dân nước Việt, người Phật tử Việt Nam luôn luôn bảo tồn và cố gắng gìn giữ phát huy nền văn hóa Việt, mà trong đó ngôi Chùa Việt Nam không thể thiếu trong cộng đồng Việt Nam. Đó là lý do chính mà ngôi Già Lam Quảng Đức được ra đời và có mặt trên đất nước này.
Để thực hiện hoài bảo và chí nguyện của Tăng Ni và đồng hương Phật tử xa gần .
Ngôi Quảng Đức Tự nhỏ bé được thành lập vào tháng 6. 1990 tại vùng Broadmeadows để đáp ứng được phần nào khát khao tu học thờ tự của những người con Phật tại xứ lạ quê người.
Khai sơn thành lập và lấy danh hiệu Quảng Đức cho một Tu Viện trong tương lai, là một Chí Nguyện Hoài Bảo lớn lao của một đời Tăng Sĩ phát tâm Xuất Gia phụng sự Đạo Pháp và Dân Tộc.
Thành lập Tu Viện Quảng Đức là để có nơi tu học thờ tự, và hun đúc bồi đắp tinh thần đời sống tâm linh của những người con Phật xa quê, đồng thời tưởng niệm ân đức của một vị Thánh Tăng Việt Nam đem thân mình đốt sáng thành ngọn đuốc soi đường, nguyện cầu cho Phật Pháp được bình đẳng trường tồn. Bồ Tát Thích Quảng Đức, người đã hy sinh bằng chính mạng sống của mình để bảo tồn chánh pháp, cứu nguy dân tộc.
Quảng Độ Hàm Linh, Ly Khổ Hải, Giữ Trái Tim Son Ngời Phật Pháp.
Đức thương Muôn Loại, Đạo Từ Bi, Đốt Thân Phù Thế Cứu Nhân Sinh.
Trên nhờ hồng ân Chư Phật, Chư Bồ Tát chư hiền Thánh Tăng gia hộ, thuận duyên đã đến vào ngày 20.6.1996. Những người con Phật tại đạo tràng Quảng Đức sau bao năm thăng trầm, khó nhọc, chật hẹp, phương tiện không đầy đủ của một ngôi chùa nhỏ nay đã được hanh thông và chính thức thuyên chuyển về trên cơ sở mới tại đây.
Địa chỉ 85-108 Lô đất mới rộng gần 8000 mét vuông, là ngôi trường học cũ đã đóng cửa nhiều năm hoang phế. Giờ đây đã chính thức biến thành Ngôi Trường dạy đạo cho những người con Phật có tín tâm tin Phật. - Tu Viện Quảng Đức chính thức dời về đây ngày 20.6.1990. - Xây dựng hàng rào, cổng Tam Quan 1998. - Ngày 10.12.2000, Lễ Đặt Viên Đá đầu tiên xây dựng Ngôi Đại Hùng Bảo Điện và Hội Trường. - Ngày 10.11.12 . 2003 Đại Lễ Khánh Thành ngôi Chánh Điện và Lễ Suy Tôn HT Huyền Quang Đệ Tứ Tăng Thống.
- Ngày 2007 đặt đá xây dựng Tăng Xá và Bảo Tháp Tứ Ân. - 2009 Cung Nghinh Phật Ngọc, khánh Thành Tăng Xá. - 2012 Lễ Đặt Đá Xây dựng Phương Trượng và Pháp Xá. - Tháng 10.2013 Lễ Hoằng Nguyện Khánh Thành Phương Trượng và Pháp Xá. - 2015 -2017 Dự kiến xây dựng những công trình còn lại, Cư Xá Quảng Đức, Nhà bếp, khu vệ sinh công cộng, Đoàn Quán Gia Đình Phật Tử Quảng Đức, Vườn Thiền Non Bộ Tĩnh Tâm.
Kính thưa quí đồng hương Phật tử, quí ân nhân thân hữu xa gần thân mến. Ngôi Già Lam Quảng Đức được thành tựu trang nghiêm trong khiêm tốn trong hiện tại mà những gì quí vị đã, đang và sẽ nhìn thấy… nó được kết tụ, cả mồ hôi và nước mắt, cả chí nguyện và hoài bảo của tất cả những người con Phật xa gần… cũng như được sự Giáo dưỡng của Chư Tôn Thiền Đức Tăng Già khích lệ. Đồng thời chúng tôi cũng xin ghi tạc, tán thán, ca ngợi, sự nhiệt tâm đóng góp công đức không mệt mỏi của những người con Phật xa gần nói chung, nói riêng tại đạo tràng Tu Viện Quảng Đức đã đồng cam cộng khổ. Quí vị cũng chỉ vì mong ước cho Phật Pháp được trường tồn, vì ngôi nhà Phật Giáo Việt Nam trên xứ người, vì bảo tồn truyền thống văn hóa Việt, vì tương lai cho hàng con cháu của chúng ta trên đất nước xứ sở này, biết tìm về nguồn cội, tìm về hình ảnh ngôi chùa Việt Nam trên xứ người. Và một lần nữa sự có mặt của Tu Viện Quảng Đức không ngoài mục đích là giữ gìn Chánh Pháp của Đức Như Lai đã dày công để lại hơn 2500 năm qua. Giáo pháp, chánh pháp của Ngài đã đem lại lợi lạc cho nhân quần xã hội khắp năm Châu, trong quá khứ và hiện tại chánh pháp của Ngài đã được nhiều người, nhiều giới tiếp nhận, theo giáo pháp vi diệu tối thượng này để tu trì hầu cứu mình và giúp đời vơi bớt phần nào phiền trược khổ đau của cuộc sống. Chúng ta vẫn biết rằng tất cả chúng ta đã và đang học phật, chúng ta cũng không thể chữa lành cho một thế giới đầy dãy những bất công, hận thù và đố kỵ.
Nhưng chúng ta học Phật để hiểu biết, tự chọn lựa cho chính mình một cuộc đời, biết sống lành mạnh vui tươi và một hướng đi đầy thánh thiện. Chúng ta về đây lễ phật cầu nguyện, tu trì học Phật để biết chia sẻ quan tâm đến nỗi khổ đau của nhiều người. Học Phật để chúng ta thấy rằng chỉ có tình yêu thương là sức mạnh duy nhất để có thể biến một kẻ thù thành một người bạn tốt. Học Phật để mỗi chúng ta nuôi dưỡng và thể hiện phẩm hạnh đạo đức, thái độ tích cực, nhân cách của một người Phật tử biết sống yêu thương những người thấp kém, biết đùm bọc bao dung và tha thứ. Học Phật để nhắc nhở chúng ta trở về với bản tánh thanh tịnh, làm hiển lộ chân thiện mỹ, hiến tặng cho đời một ý nghĩa đích thực của tình yêu thương nhân loại. Học Phật để chúng ta biết trút bỏ những trĩu nặng ưu phiền và trao tặng cho đời một nụ cười đầy an lạc. Học Phật để chúng ta biết suy tư, biết sống vì người, và yêu thương kẻ khác, chúng ta phải biết những gì làm cho mình thì nó sẽ mất đi và không có ý nghĩa cao đẹp của cuộc sống, mà chúng ta phải biết học Phật để đem tâm phụng sự cho nhiều người và xây dựng cho những cái chung của cuộc sống, thì mới mong được trường tồn và lưu dấu đến ngàn sau. Học Phật để chúng ta có được bình yên an lạc và hạnh phúc, sự thành tựu đạo nghiệp của mỗi người, sự yên vui, thanh thản và phúc lạc hay sự đau khổ đều bắt nguồn từ các hạnh nghiệp Thiện hay Ác, xấu hay tốt do chính thân và tâm mình gây tạo ra, chứ không phải do một uy quyền thưởng phạt nào khác.
Thân Tâm này tạo tác, các điều xấu, ác, thì cũng phải đem thân tâm này đãi lọc sám hối, kiên trì tinh tấn tu tập thiện nghiệp chân chánh.
Học Phật để chúng ta biết bắt tay với những bàn tay luôn nắm chặt những hờn giận, ganh tỵ, cố chấp, tỵ hiềm nhỏ nhen hận thù trong đời sống, hầu giúp hoá giải những hờn giận, ganh tỵ, cố chấp, tỵ hiềm đó.
Cuối cùng học Phật để chúng ta giác ngộ rằng đời sống của mỗi chúng ta đang trôi qua từng giây phút, từng ngày của định luật vô thường, cùng với những điều được rất bất ngờ và sẽ mất đi cũng rất bất ngờ, ngay cả mạng sống của mỗi chúng ta.
Nghĩ như vậy, và hiểu biết như vậy chúng ta đừng khép chặt trái tim biết thương cuộc sống này, chúng ta mở nó ra đón nhận những điều kỳ diệu của cuộc sống, như Tôn Giả Ca Diếp mỉm nụ cười hàm tiếu đón nhận Chánh Pháp Nhãn Tạng Tinh Hoa của Như Lai truyền thừa cho chúng ta đến ngày hôm nay.