Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm thứ mười

26/04/201312:32(Xem: 3991)
Phẩm thứ mười

NIỆM PHẬTSÁM PHÁP

Thích Thiền Tâm

---o0o---

QUYỂN HẠ

PHẨM THỨ MƯỜI

NIỆM PHẬT PHẢI DỰ BỊ LÚC LÂM CHUNG

Thật ra chữ CHẾT nguyên là giả danh, vì chẳng qua, chết chỉ là sự kết liễu của một thời kỳ quả báo, do nghiệp cảm liên chuyển giữa mỗi đời, khi xả bỏ xác thân nầy lại thọ nhận xác thân khác mà thôi. Những kẻ không biết Chánh Pháp thì vẫn đành để cho nghiệp lực xoay vần, và còn những người đã nghe pháp môn Niệm Phật của Như Lai thì phải tín nguyện trì niệm, dự bị tư lương để khi lâm chung được vãng sanh an thuận. Như thế mới mong sớm thoát khỏi nỗi khổ sống chết luân hồi, chứng vào cảnh chân lạc của niết bàn thường trụ.

Lại chẳng nên vì riêng bản thân mình, mà đối với cha mẹ, anh em bằng hữu nên phát lòng hiếu thuận từ bi mà khuyên cho cùng niệm Phật và trợ niệm trong khi bịnh nặng cũng như lúc lâm chung.

DỰ BỊ VỀ NGOẠI DUYÊN

Người niệm Phật khi còn khỏe mạnh, phải tìm kết giao những bạn đồng học đồng tu, nhất là kẻ ở gần mình, cùng chung một pháp môn Niệm Phật , để có thể trợ niệm cho nhau lúc lâm chung.

Bởi chúng sanh phần nhiều nghiệp nặng, cho nên đường tu tuy đã gắng hết sức mình, nhưng lúc lâm chung có thể bị nghiệp chướng của quá khứ phát hiện, lại thân thể yếu kém, tâm thức hôn mê, khó mà giữ vững chánh niệm. Nếu không nhờ người khác hổ trợ tất dễ bị tùy theo nghiệp lực mà lưu chuyển sanh tử, như vậy công tu một đời há luống uổng hay sao?Ðây là điểm cần yếu thứ nhất.

Người niệm Phật khi thấy mình suy yếu thì nên đem hậu sự dặn dò trước, để khi lâm chung khỏi bận tâm và cũng nên sắp đặt các việc tài sản ruộng vườn cho con cháu, và dạy con cháu không được khóc lóc hoặc lộ nét bi sầu, nếu có thương thì nên bình tỉnh mà niệm Phật giúp vào. Ðây là điểm cần yếu thứ hai.

DỰ BỊ VỀ TINH THẦN

Trên đường hành trì pháp môn nầy, người niệm Phật phải có tinh thần giải thoát, nên quán sát từ tiền bạc ruộng vườn cho đến thân tình quyến thuộc đều là duyên giả hợp, sống tùy cảnh huyễn chết rũ sạch không.Nếu chẳng thấu đạt lẽ nầy thì vướng vào tâm niệm tham luyến, vừa ngăn trở sự giải thoát, vừa khiến hành giả đọa làm loài bàng sanh để giữ nhà giữ của. Có kẻ vì nuối tiếc tiền của và tình cảm, mà không yên tâm nhắm mắt chứ đừng hòng bàn đến việc vãng sanh. Cho nên, người niệm Phật hằng ngày phải tĩnh tâm quán xét chính bản thân, và cố dứt lòng tham, chặt lìa gốc ái dục mà quyết chí hướng về cõi Phật để khi lâm chung khỏi bị sức nghiệp ngăn trở và cuốn lôi.

Người niệm Phật gặp khi lâm chung thường phát khởi những điều nghi ngờ làm chướng ngại cho sự vãng sanh cho nên lúc bình thường phải luôn luôn củng cố đức tin bằng BA ÐIỂM CỐT TỦY sau đây :

Thứ nhất là nghiệp chướng dù nặng công tu dù ít, vẫn được vãng sanh.

Ðệ tử chúng con hằng ghi khắc sâu lời thệ nguyện của Phật A-Di-Ðà rằng : chúng sanh nào chí tâm muốn về Cực-Lạc thì niệm danh hiệu Ngài cho đến mười niệm, nếu không được vãng sanh, Ngài thề không thành Phật .

Mà Phật thì không bao giờ nói dối, vậy người niệm Phật phải tin nơi đức Từ-Tôn. Mười niệm là thời gian công phu rất ít mà còn được vãng sanh, huống chi mình niệm nhiều hơn số đó.

Lại nữa, dẫu có kẻ nghiệp nặng đến đâu như phá giới phạm trai hoặc tạo đủ các điều ác, nếu chí tâm sám hối và nương và Bản-Nguyện của A-Di-Ðà thì Ngài đều tiếp dẫn.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ dạy rằng : kẻ tạo tội nặng ngũ nghịch thập ác mà khi lâm chung chí tâm niệm mười niệm đều được vãng sanh.

Trong cuốn sách vãng sanh Truyện có ghi lại trường hợp Trương-Thiện-Hoà, Hùng-Tuấn, Duy-Cung, trọn đời giết trâu bò, phá giới, làm ác khi lâm chung có tướng xấu của địa ngục hiện ra, bèn sợ hãi niệm Phật , liền thấy Phật đến rước. Cho đến loài chim sáo, chim két, chim anh võ mà niệm Phật cũng được vãng sanh, huống chi mình chưa phải là tệ hại đến mức đó.

Thứ hai : là ước nguyện chưa hoàn thành và tham sân si chưa dứt trừ vẫn được vãng sanh.

Ước nguyện của hành giả đại khái có hai phần, đó là Ðạo và Ðời.

Về mặt đạo, có người nguyện cất chùa, bố thí, hoặc tụng kinh chú một số bao nhiêu, nhưng làm chưa tròn mà đã đến giờ chết. Phải nghĩ rằng : chỉ tín tâm niệm Phật là điều hệ trọng nhất, rồi khi được vãng sanh và chứng đạo quả, sẽ làm vô lượng công đức, còn nguyện ước của kiếp nầy chỉ là việc nhỏ, làm xong hay chưa, không mấy quan hệ, và chẳng có hại chi cả?

Về mặt Ðời, hoặc có người vì bổn phận gia đình chưa tròn, như cha mẹ gìa suy không ai chăm sóc, hoặc vợ con thơ dại thiếu chỗ tựa nương, hoặc thiếu nợ kẻ khác chưa trả kịp, tâm nguyện chưa vẹn nên lòng chẳng yên. Phải nghĩ rằng: lúc ta sắp chết thì dù có lo hay không cũng chẳng làm được, chi bằng chuyên tâm mà niệm Phật , khi được vãng sanh Tây-Phương, rồi đắc đạo – quả sẽ trở lại chốn Ta-Bà nầy, thì lúc ấy bao nhiêu ước nguyện đều có thể hoàn tất, bao nhiêu nợ nần đều được đáp trả tất cả kẻ thù người thân đều có thể được mình cứu độ.

Na-Tiên Tỳ-Kheo Kinh dạy rằng :

Ví như hạt cát nhẹ nhưng bỏ xuống nước liền chìm lĩm. Trái lại, tảng đá dù nặng và to nhưng nếu được chở trên chiếc thuyền thì có thể đem từ chỗ nầy sang chổ khác. Người niệm Phật cũng thế dù nghiệp của mình rất nhẹ, nếu không được Phật cứu độ thì chaà'e1c chắn vẫn bị luân hồi. Còn nếu tội chướng dẫu nặng nề đến bao nhiêu nhưng được Phật tiếp dẫn thì đương nhiên được sanh về cõi Cực-Lạc .

Theo lời dạy ấy trong kinh, đệ tử chúng con thấy môn Niệm Phật là Pháp đới nghiệp mà vãng sanhđó là vì nhờ Phật Lực. Tảng đá lớn ví cho sức nghiệp nặng to, còn chiếc thuyền ví cho Bản-Nguyện của Phật. Vậy người tu đừng nghĩ rằng mình còn tham sân si e không được vãng sanh, mà phải nghĩ rằng : với năng lực siêu việt nhân quả của Phật A-Di-Ðà thì trên thế gian nầy, không có điều gì mà Ngài không thực hiện được. Với lòng tin tuyệt đối vào lời Phật dạy, thì trên thế gian này không có điều gì mà chúng con không làm được.

Thứ ba : Niệm Phật thì được Phật hiện thân đón rước.

Người niệm Phật tùy theo công đức mình mà khi lâm chung sẽ được thấy Phật hoặc Bồ-tát hoặc Thánh-Chúng đến rước. Hoặc có khi không thấy chi cả , mà nhờ sức nguyện của mình và Phật lực âm thầm nhiếp thọ mà thần thức tự bay về Tây-Phương. Ðây là bởi công hạnh trì danh của mình có cao thấp, có sâu cạn. Chỉ cần yếu lúc đó thì phải chí tâm niệm Phật đừng suy nghĩ một điều gì khác cả. Nếu nghi ngờ sẽ tự sanh ra chướng ngại. Tóm lại khi lâm chung dù thấy tướng tốt hay không cũng đừng quản đến, chỉ dốc lòng niệm Phật cho đến giây phút cuối cùng.

KHAI THỊ LÚC LÂM CHUNG

Người niệm Phật khi bịnh chưa nặng vẫn nên uống thuốc, nhưng vẫn tinh tấn niệm Phật, chớ nghĩ tưởng rằng, uống thuốc rồi sẽ lành bệnh. Lúc bệnh nặng có thể không nên dùng thuốc.

Hoằng Nhất đại sư khi đau nặng có kẻ thưa để xin rước thầy hốt thuốc. Ngài liền từ tạ và nói kệ rằng:

Ðức Phật A-Di-Ðà

Là vô thượng Y Vương

Nếu bỏ đây không cầu

Âý là kẻ si cuồng !

Một câu hồng danh Phật

Là thuốc diệu Dà-Ðà

Nếu bỏ đây không uống

Thật lầm to lắm mà !

Rồi Ngài chỉ chuyên tâm niệm Phật quả nhiên cũng lần lần thuyên giảm.

Nên nhớ rằng khi bệnh đã nặng thì người niệm Phật phải buông bỏ tất cả mọi việc xung quanh ngay cả chính thân tâm mình, mà chỉ chuyên nhất niệm Phật, một lòng cầu mong vãng sanh Tây Phương. Làm được như thế, nếu thọ mạng đã hết thì quyết định vãng sanh. Như thọ mạng chưa dứt thì tuy cầu vãng sanh mà trở lại mau lành bệnh, do vì lòng mình chuyên thành nên đã trừ diệt nghiệp ác đời trước.

Trái lại, nếu chẳng buông bỏ mọi duyên và cứ để cho lòng rối loạn, như thọ số đã hết quyết không được vãng sanh vì mình chỉ chuyên cầu lành bệnh chứ không cầu về với Phật, nên làm sao mà vãng sanh cho được? Nếu thọ mạng chưa dứt thì chẳng những bệnh không thuyên giảm mà bệnh lại tăng thêm vì mình nhân cầu lành bệnh, vọng sanh lòng buồn lo, sợ hải.

Lúc bệnh nhân đã suy yếu lắm, nếu thần thức còn thành tỉnh, thì người nhà nên thỉnh bậc tri thức đến thuyết pháp khai ngộ cho –Nếu không có thì nên mời một vị bạn đồng tu đến an ủi và khai thị theo các chi tiết sau:

THỨ NHẤT:

Nói cảnh khổ ở ta bà, diễn tả cảnh vui ở Cực Lạc, lại nên đem việc lành kể rõ ra và khen ngợi,khiến cho người bệnh sanh lòng vui mừng không còn nghi ngại, tự biết mình sẽ nương nơi nghiệp lành ấy mà sanh về Tây Phương.

THỨ HAI:

Nếu bệnh nhân có điều gì nghi ngờ thì nên giải thích bằng BA ÐIỂM CỐT TỦY đã nêu trên.

THỨ BA:

Vị khai đạo phải can ngăn không cho thân nhân hỏi han về di chúc, không cho nói chuyện tạp vô ích khiến bệnh nhân động niệm tình ái, quyến luyến thế gian.

THỨ TƯ:

Không cho bà con thân hữu đến trước bệnh nhân mà hỏi han tỏ vẻ buồn thảm mến tiếc. Nếu vì cảm tình và đến thì khuyên họ vì bệnh nhân, chấp tay niệm Phật ra tiếng một hồi, đó mới thật là có lòng thương mến.

THỨ NĂM:

Nên khuyên bệnh nhân đem y phục vật dụng, và cả tiền bạc của mình mà tặng cho kẻ khác. Hoặc đem các thứ ấy mà cúng dường kinh tượng Phật, thì càng hay.

Ðiều này cũng giúp cho người bệnh tăng thêm phước lạc và tiêu trừ tội chướng, được dễ dàng hơn trong việc vãng sanh như trong kinh Ðịa Tạng đã chỉ dạy.

NAM MÔ A DI ÐÀ PHẬT

CÁCH THỨC TRỢ NIỆM

Người bệnh từ khi đau nặng cho đến khi sắp tắt hơi, thì thân nhân phải bình tỉnh không được khóc lóc và không được lộ nét bi ai, sầu thảm. Bởi vì lúc này chính là lúc bệnh nhân đang đi đến ngã rẽ phân chia quỉ người phàm thánh- Sự khẩn yếu nguy hiểm khác thường, như ngàn cân treo trước sợi tóc. Chỉ nhất tâm niệm Phật giúp vào là điều quan trọng nhất. Có người tuy có chí nguyện vãng sanh, mà bị quyến thuộc thương khóc, làm khơi động ý niệm tình ái, kết cuộc phải bị đọa lạc luân hồi, công tu một đời đành luống uổng.

Người sắp chết thường đau nhức cơ thể, nên chớ ép buộc tắm rửa hoặc thay đổi áo quần làm nhiễu loạn chánh niệm. Ðôi khi bệnh nhân có thể sanh về cõi lành, nhưng bị thân nhân xúc chạm thân thể và sửa đổi tay chân, làm thêm đau đớn nên sanh lòng tức giận. Do ý niệm này, liền đọa vào đường ác làm rồng rắn cọp beo hoặc các loài thú dữ khác.

Có người dù hằng ngày luôn luôn niệm Phật, nhưng nếu không nhờ sức trợ niệm thì cũng khó nhất tâm để vãng sanh. Cách thức trợ niệm phải theo các chi tiết sau:

MỘT là: thỉnh tượng Phật A-Di-Ðà tiếp dẫn, đặt ngay trước mặt bệnh nhân, để cho họ trông thấy. Cắm một bình hoa tươi, đốt một lò hương nhẹ để dẫn khởi chánh niệm, nên nhớ chỉ có khói nhẹ mà thôi, đừng để khói nhiều vì e ngột ngạt khó thở.

HAI là: người trợ niệm tùy theo nhiều hay ít, nên luân phiên mà niệm. Ít thì mỗi lượt có thể hai hoặc ba người, nhiều thì mỗi lượt có thể sáu bảy người. Nên nhớ bệnh nhân rất cần thanh khí, do đó chớ cho vào quá đông người, lại phải nhìn đồng hồ mà im lặng luân chuyển cho nhau, cốt sao cho câu niệm Phật tiếp tục không gián đoạn.

BA là: niệm bốn chữ hay sáu chữ phải tùy theo tập quán của bệnh nhân, và tiếng niệm phải đừng quá cao, đừng quá thấp, đừng quá nhanh, đừng quá chậm, mỗi chữ mỗi câu đều rành rẽ rõ ràng, khiến cho câu hồng danh lọt qua tai đi sâu vào tâm thức của người bệnh, như thế mới đắc lực. Khi bệnh nhân quá hôn trầm thì phải kê miệng sát vào tay họ mà niệm, mới có thể khiến cho họ minh tâm.

BỐN là:nên niệm suông là thỏa đáng hơn cả, hoặc nếu có dùng âm thanh thì nên dùng chuông mõ lớn, khiến cho người bệnh sanh tâm nghiêm kính tuy nhiên điều này phải hỏi trước bệnh nhân, nêú có điều chi không hợp thì nên tùy cơ nghi mà cải biến, chớ nên cố chấp.

CÁCH THỨC TRUY TIẾN

Người mới tắt thở, điều thiết yếu là không nên vội di động, không nên vội lau rửa, phải đợi qua tám giờ đồng hồmới nên tắm rửa và thay đổi y phục. Trước và sau khi chết, người thân cũng không được khóc lóc, chỉ nên gắng sức niệm Phật, mới thật sự có ích lợi cho vong nhân. Nếu muốn khóc lóc, phải đợi tám giờ sau. Vì bệnh nhân tuy tắt hơi nhưng thức A-đà- na còn chưa đi hẳn, nếu lúc ấy làm lay động hoặc kêu khóc, họ vẫn còn cảm giác đau đớn hoặc sanh ý niệm buồn giận, lưu luyến, mà phải sa đọa.

Ðiều này rất quan hệ và cần thiết nên phải để ý ghi nhớ cho kỹ.

Sau khi bệnh nhân tắt hơi, thì thân nhân vẫn phải tiếp tục niệmPhật cho đến tám giờ sau, để sự vãng sanh có phần bảo đảm. Nên đóng cửa phòng lại, canh chừng loài chó mèo hoặc những kẻ không am hiểu đến đổ xô vào xúc phạm. Ngoài rađiều cấm tuyệt không nên làm điều chi khác, vì trong khoảng thời gian này, người chết vẫn còn cảm giác.

Tám giờ sau, nếu tay chân người chết đã cứng thì nên dùng vải, thấm nước nóng bao quanh khớp xương, một lát thì có thể sửa tay chân co duỗi như thường.

Trong đám tang của người quá cố thì thân nhân nên làm đơn giản, đừng quá rườm rà mà tốn kém vô ích. Ðiều cần thiết là nên dùng đồ chay và chớ có sát sanh để chiêu đãi khách và cúng tế nếu không thì người quá cố sẽ bị oán đối, khó được giải thoát, dù được vãng sanh, thì phẩm sen cũng vì đó mà bị giảm thấp.

Khi làm Phật sự để truy tiến cho người quá cố thì thân nhân nên đem công đức ấy mà hồi hướng khắp chúng sanh trong pháp giới. Như thế, công đức ấy sẽ càng thêm rộng lớn, mà sự phước lợi cũng vì đó mà tăng thêm rất nhiều.

Bởi vì buổi lâm chung chính là lúc quan trọng nhất trong cuộc đời, nếu không chuẩn bị trước các món tư lương cho đầy đủ, thì đến chừng ấy ắt phải kinh hoàng bối rối, kêu cầu không kịp và nghiệp ác trong nhiều kiếp đồng loạt hiện ra, làm sao giải thoát?

Cho nên, tuy lúc lâm chung phải nhờ đến kẻ khác trợ niệm, nhưng chính mình lúc bình nhật phải cố gắng tu trì, chừng ấy mới được tự tại, nên chúng con xin dự bị ngay từ bây giờ.

Như vậy, đệ tử chúng con cảm nhận ơn lành cao cả của đức Từ Phụ A-Di-Ðà, được sự hộ trì của sáu phương chư Phật, được sự dạy dỗ chu đáo của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Niệm, được sự nhắc nhở và dìu dắt của các bậc Thiện Tri Thức- cho nên ngày nay mới biết rằng Niệm Phật phải dự bị lúc lâm chung,để cuối cùng được dễ dàng vãng sanh về tham dự hải hội Liên Trì, để khỏi phụ ơn cứu độ và giáo dục của chư Phật, cũng như khỏi mắc vào cái lỗi:phụ rẫy cả chính mình.

Ðệ tử chúng con vẫn thấy rằng biển khổ dễ chìm, mà hễ chìm là cứ trôi hoài trôi mãi, và đường tu thì khó bước mà mỗi bước là gặp biết bao chông gai thử thách.

Trong kinh TỨ THẬP NHỊ CHƯƠNGđức Phật dạy:

Nhân sanh có hai mươi việc khó:

-Nghèo khổ mà bố thí nổi, là khó

-Giàu sang mà học đạo được, là khó

-Xả thân quyết chết, là khó

-Xem được kinh Phật là khó

-Nhịn sắc lìa dục là khó

-Sanh gặp đức Phật ra đời là khó

-Thấy tốt mà không cầu là khó

-Bị nhục mà chẳng giận là khó

-Có thế lực mà không ỷ lại là khó

-Gặp việc đời mà cư xử vô tâm là khó

-Học rộng nghiên tầm nhiều là khó

-Trừ bỏ ngã mạng là khó

-Không khinh kẻ chưa học là khó

-Tâm hành bình đẳng là khó

-Chẳng nói việc thị phi là khó

-Ðược gặp Thiện Tri Thức là khó

-Thấy Tánh để học Ðạo là khó

-Tùy duyên mà hóa độ kẻ khác là khó

-Ðối cảnh mà không động tâm là khó

-Khéo biết dùng phương tiện là khó.

Quả thật như vậy, sanh gặp đời có Phật là khó, vì sao? Vì được thấy Phật nghe Pháp và y theo lời dạy mà phụng hành thì phải là người có nhiều căn lành, phước đức, nhân duyên. Nay Như Lai đã diệt, các bậc thiện tri thức hiện ra hoằng dương Phật pháp, nếu được thân cận nghe lời khuyên dạy thì cũng được giải thoát.

Nhưng kẻ căn lành sơ bạc thì gặp thiện tri thức cũng là khó khăn. Dù có duyên lành được thấy mặt nghe Pháp nhưngnếu không hiểu nghĩa lý hoặc chấp hình thức bên ngoài mà không chịu tin theo thì cũng đều vô ích.

Theo kinh HOA NGHIÊM, muốn tìm cầu thiện tri thức thì đừng nên câu nệ theo hình tướng bên ngoài, như thế chấp kẻ ấy trẻ tuổi, nghèo nàn, địa vị thấp, hoặc dòng dõi hạ tiện, tướng mạo xấu xa, các căn chẳng đủ, mà chỉ cầu người thông hiểu Phật Pháp để có thề làm lợi ích cho mình. Lại đối với bậc thiện tri thức thì chớ nên tìm cầu sự lỗi lầm, bởi vị đó có khi vì mật hạnh tu hành, vì phương tiện hóa độ, hoặc đạo lực cao nhưng tập khí còn chưa dứt. Nên mới có các hành động sai trái như vậy. Nếu cứ chấp nê hình thức hay tìm cầu lỗi lầm thì tất không được lợi ích trên đường Ðạo.

Cho nên, nhìn tìm bậc thiện tri thức là KHÓ đến như thế !

Tuy nhiên, cái khó và cái dễ chỉ là pháp đối đãi vì trong khó có dễ và trong dễ có khó. Nếu nhận hiểu và quyết tâm thì các việc khó đến mấy cũng vẫn có thể thành tựu.

Thân người khó được, Phật pháp khó nghe, nay nhờ sự gia bị của ơn Tam Bảo mà chúng con có được thân người. Nay nhờ duyên lành mà chúng con được đón nhận sự giáo hóa của đức Bổn Sư, nay nhờ Từ Bi Lực của Phật A-Di-Ðà mà chúng con đã đặt trọn vẹn lòng tin vào Bản Nguyện Cứu Ðộ của Ngài, nay nhờ sức sách tấn của chư vị thiện tri thức mà chúng con được đọc tụng cuốn sách này, tức là đã gặp được Pháp thành Phật mầu nhiệm, dễ dàng và rốt ráo.

Ngưỡng nguyện mười phương Tam Bảo, chư vị đại địa Bồ tát, cùng liệt vị Hộ Pháp Thiện Thần, đem năng lực bản nguyện, năng lực trí tuệ, năng lực thần thông, năng lực diệt sạch tội chướng mà ban thêm cho chúng con nhiều sức mạnh cùng trí sáng suốt để dù gặp phải hoàn cảnh khó khăn vẫn nhận rõ duyên đời khổ mộngquyết chí niệm Phật, trường trai giữ giới, khiến cho hoa sen báu bên Trời Tây được nở thêm những hàng thượng thiện.

Với tấm lòng Tri Ân, đệ tử chúng con xin đem cả tánh mạng mà quy y và đảnh lễ:

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Nam mô Cực Lạc Giáo chủ Ðại từ Ðại bi A-Di-Ðà Phật

Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát

Nam mô Thanh Tịnh Ðại Hải Chúng Bồ tát

Nam mô Lư Sơn Ðạo tràng, khai sáng Niệm Phật pháp môn, sơ tổ HUỆ VIỄN Ðại sư Bồ tát.

Nam mô Quang Minh Ðạo tràng Hoằng dương Niệm Phật Pháp môn Nhị tổ THIỆN ÐẠO Ðại sư Bồ tát.

Nam mô Hộ Pháp Chư Tôn Bồ tát Liệt vị Thiện Thần Bồ tát Ma ha tát

---o0o---

Vi tính: Diệu PhẩmDương thị Chính
Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com