Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Phần thứ sáu: Cuốn 71-95

23/04/201319:48(Xem: 5436)
6. Phần thứ sáu: Cuốn 71-95

NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO – HÀ NỘI

PL.2545-Dl.2001

DUY LỰC NGỮ LỤC

QUYỂN THƯỢNG

(TỪ NĂM 1983-1989)

HT. THÍCH DUY LỰC

----o0o---

Phần 6. CUỐN 71-95

Hỏi: Thế nào là mắt huệ, sáng, lý tánh thông, chí kiên cố?

Đáp: Mắt huệ sáng phân biệt được tà chánh, lý tánh thông tất cả là bất nhị, chí kiên cố thì quyết tử tu hành cho đến kiến tánh. Nếu đủ ba điều kiện này thì thế nào cũng sẽ được giác ngộ giải thoát, kiến tánh thành Phật. Nay chúng ta mắt huệ chưa sáng, không phân biệt được cái nào tà, cái nào chánh, nên có người theo ngoại đạo tà mà cũng cho là chánh. Bây giờ tôi phân biệt giùm cho: Hễ chấp thật là tà, phá chấp thật là chánh. Nói phá chập thật ở đây chẳng phải là không chấp vào có lại chấp vào không, chấp chơn chấp giả cũng vậy.

Hỏi: Thế nào là kinh liễu nghĩa và kinh bất liễu nghĩa?

Đáp: Kinh bất liễu nghĩa còn chấp thật, nằm trong tương đối, kinh liễu nghĩa là phá chấp thật, ra ngoài tương đối, tức vô sở trụ, lấy vô trụ làm gốc.

Hỏi: Tiểu nghi tiểu ngộ còn phải tham tiếp không?

Đáp: Ông cho thế nào là tiểu nghi, thế nào là đại nghi? Lời của chư Phật chư Tổ chỉ là phương tiện để phá chấp, chứ chẳng phải có nghĩa thật. Tôi thường nói là “dùng tâm không biết để chấm dứt tất cả biết”, nay biết tiểu nghi cũng là biết, biết đại nghi cũng là biết, phải chấm dứt luôn, cuối cùng chỉ còn là cái tâm không biết, nhìn bề ngoài như người khờ ngốc, nhưng lúc đó gần kiến tánh, vậy đâu cần phân biệt tiểu nghi đại nghi làm gì?

Hỏi: Những điểm nào sai ở Đại Thừa Khởi Tín Luận?

Đáp: Đại Thừa Khởi Tín Luận, người đời cho là tác phẩm của Bồ tát Mã Minh, Tổ thứ 12 của Thiền tông, nhưng sự thật tác giả là ngoại đạo. Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận có phần đúng có phần không, ví dụ: nói “Chơn như duyên khởi”, Chơn như là bản thể của Tự tánh, là bất nhị, không có duyên khởi, chẳng thể huân tập được, nếu có khởi thì phải có diệt, có sanh diệt tức có luân hồi. Cho nên, nói “Chơn như duyên khởi” là không đúng, vô minh là vô minh, chơn như là chơn như. Còn những chỗ giống như lời của Phật thì đúng. Nhưng bây giờ hễ chấp vào lời của Phật tại thành không đúng rồi! Vốn là đúng, do tâm chấp của mình thành sai, lọt vào tà tông kiến giải.

Cũng như kinh liễu nghĩa là đúng, nhưng hễ chấp thật vào Kinh liễu nghĩa đó, cho là chân lý nhất định, thành không đúng rồi.

Hỏi: Nay con tham Thiền, đối với bất cứ việc gì con đều mặc kệ, đúng sai?

Đáp: Trong Kinh Viên Giác có chỉ ra bốn thứ bệnh: Tác, chỉ, nhậm, diệt. Bệnh mặc kệ tức bệnh nhậm, hễ chấp vào mặc kệ cũng là bệnh. Dù là lời của Phật, nếu chấp vào tức thành bệnh, ví như kinh liễu nghĩa là phá chấp thật, nhưng nếu chấp thật vào kinh đó tức thành bất liễu nghĩa, nên Đức Phật vừa nói liền phá, vì sợ chúng sanh chấp vào lời nói.

Hỏi: Xin Sư phụ khai thị giúp cho dứt tập khí, đúng không?

Đáp: Dù là Phật Thích Ca cũng chẳng thể giúp cho người ta dứt tập khí, Phật chỉ dạy cách tu để tự tu, tự chứng, tự dứt, chứ không thể giúp cho dứt được. Vì chưa tin tự tâm, ngã chấp còn kiên cố. Nay phương tiện duy nhất chỉ là đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, giữ cái không biết, nếu tất cả biết đều chấm dứt thì làm sao còn biết tới tập khí?

Hỏi: Người kiến tánh còn có sở sợ không?

Đáp: Nay chưa kiến tánh, phải lo cho đi đến kiến tánh, hễ kiến tánh rồi tự biết. Người Sơ địa không biết đến Nhị địa, đến Nhị địa thì biết được Sơ địa, nhưng không biết về Tam địa ... nay mình cách Sơ địa còn xa lắm, đã muốn chấm dứt tất cả biết, còn hỏi vậy để làm gì?

Hỏi: Thế nào là “tánh thật vô minh tức Phật tánh” trong Chứng Đạo Ca?

Đáp: Tự tánh bất nhị, Phật tánh nếu khác với vô minh tức nhị, vô minh cũng chẳng thật có vô minh, Phật tánh cũng chẳng thật có Phật tánh. Đã nói kinh liễu nghĩa là phá chấp thật, nếu chấp có Phật tánh thật cũng là bệnh chấp, chấp vô minh là thật cũng vậy. Vô minh chẳng thật, Phật tánh cũng chẳng thật, ấy là nghĩa vô sanh, cũng là nghĩa vô thỉ.

Hỏi: Kinh Thủ Lăng Nghiêm thuộc tiệm giáo, sao nói là đốn ?

Đáp: Kinh giáo của Phật thuyết đốn tiệm đều có, quyển nào cũng vậy, thường thì ở phần trước là đốn, phần sau là tiệm, phần trước độ người thượng căn, phần sau độ trung hạ căn, Kinh Viên Giác cũng thế.

Hỏi : Tham thiền phải chấm dứt sự biết, vậy cái biết nào vô ích thì chấm dứt, còn cái biết để củng cố niềm tin, có cần phải chấm dứt không?

Đáp: Biết tốt, biết không tốt đều là tướng bệnh, biết mình chứng quả vẫn còn là ngã tướng vi tế, biết có Phật, biết từ bi ... chẳng phải cái biết của tướng mạnh, đều chấm dứt.

Kinh nói: “Một giọt mưa ở ngoài hằng sa thế giới cũng biết được, tâm chúng sanh ở tất cả thế giới nổi lên một niệm cũng biết được”. Cái biết của bản thể khắp không gian thời gian, chẳng có chỗ thiếu xót, nên gọi là Như Lai. Nay không cần chấm dứt, chỉ giữ cái tâm không biết thì quên tất cả biết, thân tâm, thế giới đều quên rồi, cái biết và không biết dựa vào đâu?

Biết cũng do tâm, không biết cũng do tâm, tâm đã quên thì sự biết và không biết chẳng có chỗ dựa, lúc đó bản thể tự tánh tự hiện, đã đến nơi muốn không kiến tánh cũng chẳng được, hễ gặp nhân duyên nào cũng có thể kiến tánh.

Hỏi: Lời của Sư phụ là nói với người đã ngộ, đã quên năng sở thì được, còn người chưa ngộ thế nào?

Đáp: Nay nói với người chưa ngộ, là thực hành theo đường lối tham Thiền, chứ không phải nói đến sự ngộ, sự ngộ chỉ tự biết, chỉ có Phật nói với Phật thôi. Cái quên của trí Bát nhã không cần tác ý, khác với cái quên lãng của thế gian, hễ tác ý là tướng bệnh, chẳng thể biết được cái biết của tự tánh, phải kiến tánh rồi tự biết.

Hỏi: Sư phụ nói kiến tánh rồi có thể sống với tự tánh? Tại sao Giáo môn lại nói đốn ngộ rồi phải tiệm tu?

Đáp: Đốn giáo khác với tiệm giáo, Giáo môn có đốn tiệm, Thiền môn cũng có đốn tiệm, mặc dù nói đốn ngộ, cũng do tiệm tu mới thành. Tôi thường lấy ví dụ như từ Chợ lớn đến Sài gòn một trăm bước, nếu kiếp trước đi được một bước thì kiếp này phải đi chín mươi chín bước; nếu kiếp trước đã đi năm mươi bước thì kiếp này đi thêm năm mươi bước nữa; kiếp trước đã đi chín mươi chín bước rồi, kiếp này một bước đến nơi.

Pháp chẳng có đốn tiệm, do người thành có đốn tiệm, do người có căn cơ lớn hoặc nhỏ: tâm chấp nhẹ là đốn, tâm chấp nặng là tiệm. Vì thấy người chỉ đi một bước đến nơi cho là đốn, kỳ thật kiếp trước đã tiệm tu. Cho nên, Tổ Sư Thiền không kể người lão tham hay sơ học, sơ học mà kiếp trước đã đi chín mươi chín bước, kiếp này một bước đến nơi; lão tham có thể kiếp trước chưa đi bước nào, nên kiếp này dù tu lâu mà không bằng sơ học là vậy.

Hỏi: Tất cả lời nói của Phật đều là văn tự, vậy thế nào là bất lập văn tự?

Đáp: Nói “bất lập văn tự” là không cho chấp thật văn tự, chứ chẳng phải phế bỏ văn tự, nếu phế bỏ văn tự, ấy là sai lầm. Không có văn tự thì làm sao hoằng dương giáo pháp? Nhưng không được chấp thật vào đó.

Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Diệu lý của chư Phật chẳng dính dáng với văn tự”, nói “bất lập văn tự”, hai chữ BẤT LẬP đã là văn tự rồi! lời nói cũng là tướng văn tự. Lời nói, văn tự, tư tưởng, ba danh tử dù khác, kỳ thật chỉ là một: Văn tự là lời nói không tiếng, lời nói là văn tự vô hình, còn tư tưởng là lời nói không tiếng và văn tự vô hình. Do có tư tưởng mới nói ra thành lời, viết ra thành văn tự. Nhưng ba thứ này khác hẳn với Chơn như Phật tánh, chẳng dính dáng với Phật tánh, chẳng thể tiếp xúc với Phật tánh, chỉ là gián tiếp dạy cho mọi người đường lối thực hành để đi đến Phật tánh thôi. Còn tham thoại đầu là trực tiếp, nên gọi Tối Thượng Thừa, bất lập văn tự.

Hỏi: Quan điểm lập trường của người tham thiền như thế nào?

Đáp: Chẳng có quan điểm lập trường gì cả. Đã dùng cái tâm không biết để chấm dứt tất cả biết, biết quan điểm lập trường cũng là biết. Còn nếu muốn nói quan điểm lập trường: Một là tin tự tâm sẵn đủ năng lực bằng như chư Phật, hai là dùng cái không biết chấm dứt tất cả biết.

Hỏi: Sư phụ dạy phải nhìn thẳng vào hầm sâu đen tối, đến một ngày kia được kiến lánh. Nhưng tại sao phải tham như thế? để làm gì?

Đáp: Để làm chủ cho mình, để đạt đến tự do tự tại, chẳng còn lệ thuộc vào ai, kể cả Phật.

Hỏi: Tu hành là để đi đến chỗ thanh tịnh, cần gì phải tham thoại đầu?

Đáp: Thanh tịnh đó là vô thỉ vô minh, là nguồn gốc của sanh tử luân hồi. Mặc dù thanh thanh tịnh tịnh, nhưng bị kích thích rồi là nổi lên nhất niệm vô minh, nên phải phá tan luôn sự thanh tịnh đó.

Hỏi: Làm sao vượt qua được tình thức?

Đáp: Muốn vượt qua tình thức, phải phá tan vô thỉ vô minh: Thấy, nghe, hiểu, biết là tác dụng của bộ não, chẳng phải cái biết của Phật tánh. Nay mượn câu thoại đầu khởi lên nghi tình, chỗ mịt mù đen tối đó chính là vô thỉ vô minh, cứ nhìn thẳng vào chỗ đó, lâu ngày phá tan được vô thỉ vô minh, lúc đó gọi là kiến tánh thành Phật, tất cả việc đều giải quyết xong.

Hỏi: Tại sao Đức Phật thuyết pháp công khai mà Tổ lại Giáo ngoại biệt truyền?

Đáp: Nói Giáo ngoại biệt truyền là để phân biệt không phải là Giáo môn, khác với Giáo môn. Tại sao? Vì Đức Phật thuyết pháp Giáo môn là bất đắc dĩ, do người ta không tin nổi pháp trực tiếp, nên phải thuyết pháp gián tiếp. Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Vì hạ căn nên phải nói xa, vì thượng căn nên nói là gần”. Do đó, Giáo môn nói thành Phật phải trải qua ba A Tăng Kỳ kiếp, còn Thiền môn kiến tánh chỉ một sát na.

Hỏi: Tại sao Đức Phật đưa lên cành hoa, ngài Ma Ha Ca Diếp được ngộ?

Đáp: Pháp gián tiếp phải học, phải tìm hiểu, rồi theo sự hiểu tiến tu dần theo thứ lớp, chứng theo thứ lớp như Thập Tín, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, v.v... Còn pháp trực tiếp không cần ngôn ngữ văn tự, không qua bộ óc suy nghĩ , cho nên khi Phật Thích Ca đưa lên cành hoa, ngài Ca Diếp ngộ được, ấy là chỉ thị pháp trực tiếp.

Pháp sư Nguyệt Khê nói trong “Cội nguồn Truyền Thừa” rằng Đức Phật không những chỉ có sự niêm hoa thị chúng, ngoài ra còn có những trường hợp chỉ thị pháp trực tiếp như sau:

* Ban đầu Phật lấy ra hạt châu Ma Ni tùy sắc, hạt châu này nơi thế gian được xem là một bảo vật: Hạt châu không màu sắc, nhưng người nào cũng nhìn thấy có màu sắc khác nhau, ví như mặc áo đen thấy hạt châu màu đen, mặc áo đỏ thấy hạt châu màu đỏ ... nên gọi hạt châu tùy sắc.

Phật hỏi Ngũ phương Thiên vương: Hạt châu màu gì?

Ngũ phương Thiên vương đều tùy theo sở thấy của mình nói màu sắc khác nhau. Sau đó Phật đem giấu hạt châu rồi đưa bàn tay ra hỏi:

- Hạt châu màu gì?

Ngũ phương Thiên vương đáp: Trong tay Phật đâu có hạt châu mà hỏi là màu gì?

Phật bảo: “Các ngươi sao điên đảo quá! Ta đem hạt châu thế gian thể nói đủ thứ màu, nay ta chỉ thị hạt châu chân thật thì lại không biết!”

Năm vị liền ngộ.

* Lại, có một ngoại đạo hỏi Phật:

- Không hỏi có lời, không hỏi chẳng lời?

Đức Phật im lặng giây lâu, ngoại đạo nói:

- Thế Tôn thật đại từ, khai phá đám mây ám muội cho con, khiến con ngộ nhập. Đảnh lễ lui ra.

Thị giả A Nan hỏi: Ngoại đạo được gì mà lại cám ơn Ngài?

Phật bảo: “Cũng như con tuấn mã nơi thế gian, thấy bóng roi liền phóng đi, không cần đánh” Ấy cũng là một phương pháp trực tiếp chỉ thị. Tất cả cách trực chỉ của các vị Tổ đời sau ở Trung Quốc đều như thế, chẳng qua sự suy nghĩ và lời nói văn tự. Bây giờ hành giả tham thiền cũng vậy, không cho tác ý suy nghĩ tìm hiểu, chỉ khởi lên nghi tình, giữ cái không biết tham tới mãi.

Hỏi: Phật tánh là một, nhưng tại sao sự kiến tánh của chư Tổ lại khác nhau?

Đáp: Sự ngộ giống nhau, nhưng do tập khí, tâm chấp có sâu cạn, nên trong sự ngộ có khác nhau; tâm chấp nhiều thì ngộ can, vì chưa ngộ triệt để nên có khác, nhưng khi ngộ đến cuối cùng thì không khác. Kinh Kim Cang nói: “Vì có pháp vô vi nên có sự sai biệt của thánh hiền”, nếu đến chỗ vô vi thì chẳng sai biệt vậy.

Hỏi: Thế nào gọi là Chánh Biến Tri? Thế nào là không có chỗ búng?

Đáp: Cái biết của Tự tánh gọi Chánh Biến Tri, khắp không gian thời gian, chẳng thể gọi là biết, chẳng thể gọi là không biết. Nói “khắp không gian thời gian” quý vị có thể khó hiểu, nay lấy thân này làm thí dụ: Bây giờ búng tay tay biết, búng đầu đầu biết, nếu cái biết khắp cơ thể thì chỗ búng không có, nếu có chỗ búng tức không cùng khắp cơ thể.

Có chỗ búng cũng không cùng khắp cơ thể, chẳng chỗ búng cũng không cùng khắp cơ thể, tại sao? Vì sự biết của cùng khắp cơ thể ấy chẳng thể nói là có chỗ hay chẳng có chỗ, nên chẳng có chỗ biết, cũng chẳng có chỗ không biết, do đã cùng khắp vậy. Chỗ búng dụ cho chỗ biết, không có chỗ biết chẳng phải là không biết.

Hỏi: Làm sao phân biệt Diệu tâm biến hiện và Chơn tâm duyên khởi?

Đáp: Diệu tâm chẳng biến hiện, Chơn như cũng chẳng duyên khởi. Diệu tâm, Chơn như đều là biệt danh của Tự tánh, Phật tánh bình đẳng bất nhị, chẳng sanh chẳng diệt; chẳng sanh thì không có biến hiện, không có duyên khởi. Nay nói biến hiện duyên khởi là từ vô thỉ vô minh, cũng gọi là đầu sào trăm thước.

Biến hiện trong Duy thức có hai thứ: Độc đầu ý thức biến hiện nhắm mắt chiêm bao, và đồng thời ý thức biến hiện mở mắt chiêm bao. Kiến văn giác tri đều do tác dụng của bộ não, trong kinh gọi là nhất niệm vô minh. Nhất niệm vô minh sanh khởi từ vô thỉ vô minh, cũng gọi là căn bản vô minh.

Căn bản vô minh không dính dáng với Diệu tâm, không dính dáng với Chơn như Phật tánh. Chơn như Phật tánh xưa nay vốn như thế, chẳng thay đổi sanh diệt. Còn biến hiện có sanh diệt luân hồi, từ vô minh bất tri bất giác hiện ra nhất niệm vô minh, tức kiến văn giác tri, có tri có giác, do kiến văn giác tri biến hiện nhắm mắt chiêm bao và mô mắt chiêm bao, tất cả những biến hiện này đều do tác dụng của bộ não.

Nay thấy có buồn vui phiền não, đều là bị lục căn lừa gạt, nên Tâm kinh dùng chữ VÔ để chấm dứt sự chấp thật.

Phàm tất cả tương đối có không, Phật gọi là biên kiến, đều ở trong luân hồi, người chưa ra khỏi luân hồi mà phân biệt tánh Viên giác, thì tánh đó cũng là luân hồi, cho nên nói “Diệu tâm biến hiện” và “Chơn như duyên khởi” đều là không có.

Hỏi: Chư Phật chư Tổ ra đời độ chúng sanh có dùng vô thỉ vô minh không?

Đáp: Như Kinh Kim Cang nói: “Độ hết tất cả chúng sanh, thật chẳng có một chúng sanh được độ”, nếu có chúng sanh để độ là còn chúng sanh tướng. Vì chúng sanh có sự chấp đó, nên Phật nói “độ chúng sanh” để phá chấp. Nếu chúng sanh chẳng chấp thật thì Phật cũng không; chúng sanh là mê, Phật là ngộ, có mê mới có ngộ, đã hết mê thì ngộ cũng không, nên nói ngộ rồi đồng như chưa ngộ. Nếu còn tướng ngộ tức còn mê, trong kinh gọi là thọ mạng tướng, còn nằm trong tương đối.

Hỏi: Kinh nói: “Chư Phật và chúng sanh đã đồng một bản thể” thì tại sao lại do vô minh vọng động biến thành chúng sanh?

Đáp: Bản thể không thể trở thành chúng sanh được, vì không có sanh diệt. Ví như tôi thí dụ “chỗ búng” ở trên, do tâm chấp của mình nên có vô minh, vô minh vốn không, Tâm Kinh nói “Vô vô minh, diệc vô vô minh tận”. Nay dù nói thế nào, cũng là việc trong chiêm bao, phải tự thức tỉnh rồi mới biết những gì trong chiêm bao vốn chẳng thật có.

Hỏi: Chơn như Phật tánh cùng khắp mọi nơi, vậy vô thỉ vô minh có cùng khắp không? Nếu có, tại sao biết từ vô minh khởi?

Đáp: Vô thỉ vô minh cũng theo Phật tánh cùng khắp. Như tôi vừa thí dụ ở trên: Cái biết của cơ thể cùng khắp, chẳng có chỗ biết và không biết, hễ muốn tìm ra chỗ biết tức không cùng khắp rồi. Đối với vấn đề này, phải tự thức tỉnh mới được, chưa thức tỉnh thì tất cả đều là ở trong chiêm bao, ra ngoài chiêm bao chẳng được.

Hỏi: Cũng vì chấp thật, nên có Chơn như phật tánh và vô thỉ vô minh, nếu không chấp thì chính ngay vô thỉ vô minh là Chơn như phật tánh, phải không?

Đáp: Người đã kiến tánh rồi, tất cả vũ trụ vạn vật, mặc áo ăn cơm đều thành Phật tánh, đều bất nhị, nhưng hiện nay chưa giác ngộ thì có muôn ngàn sai biệt, có vấn có đáp, nói có nói không.

Chưa ra khỏi sanh tử luân hồi thì phải có thiện có ác, có sanh tử luân hồi. Do đó, làm thiện được phước báo, làm ác chịu khổ báo, chịu nhân quả trong chiêm bao, nói “không chấp” tức chấp vậy.

Tất cả biết của hiện nay đều là sự biết của người mù, Phật cần chúng ta trị hết bệnh mù, thành người mắt sáng, thấy rõ việc chân thật. Nhưng các người học phật chẳng chịu trị hết bệnh mù, cứ muốn ở trong kinh điển tìm chơn lý, cho đó là mặt trăng, nên Phật nói là rất đáng thương xót.

Hỏi: Sư phụ đã nói biết cũng là bệnh, không biết cũng là bệnh, mà sao gặp Sư phụ cứ muốn hỏi hoài?

Đáp: Vì không tin tự tâm, nên có câu hỏi; và dù tin nhưng tin chưa đầy đủ, nên cứ muốn hỏi. Được tôi trả lời để tăng thêm lòng tin, khi lòng tin đầy đủ thì tự nhiên không cần hỏi nữa.

Hỏi: Đã làm đủ điều lầm lỗi, có chướng ngại cho việc nhận lại tự tánh sẵn có của mình không?

Đáp: Tự tánh đâu có những thứ đó? ấy là do tâm chấp mới có. Trong Pháp Môn An Tâmcủa Tổ Đạt Ma nói: “Nếu thấy được bản tánh, ví như người đã thức tỉnh, tất cả tội lỗi trong chiêm bao đi đâu tìm?” Sở dĩ có tất cả tội tôi đều do bị lục căn lừa gạt thôi.

Hỏi: Sư phụ cho biết sự truyền thừa của ngài về pháp Tổ Sư Thiền từ ai?

Đáp: Sự truyền thừa của Tổ Sư Thiền chia làm hai phái: Một phái là Thế Độ (xuống tóc), một phái là Pháp phái, thường gọi là Thế pháp và Pháp phái.

Về Thế pháp của tôi là Tông Lâm Tế, về Pháp phái thuộc Tào Động. Sự truyền thừa của cá nhân tôi có ghi trong pháp quyển: Từ đời Phật Thích Ca đến Ma Ha Ca Diếp ... đến đời tôi là đời thứ 89, không có sự gián đoạn. Nay ở đây giải đáp thắc mắc, không thể kể ra, sau này khi cần, tôi sẽ lưu lại pháp quyển, để quý vị được biết.

Hỏi: Tại sao Sư phụ Pháp phái được truyền từ Tào Động, mà Thế pháp lại là dòng Lâm Tế?

Đáp: Trước đời nhà Tống khi đệ tử kiến tánh, được thầy ấn khả, thì thầy ấn khả thuộc về Pháp phái. Đến sau này, người có tham thiền dù chưa kiến tánh vẫn được nối pháp, rồi dần dần người không có tham thiền cũng được nối pháp, tu Tịnh độ cũng nối pháp Thiền tông, cũng nói là Thiền sư. Có tu cũng còn khá, sau này kể cả người không tu pháp môn nào cũng nối pháp, trong pháp quyển cũng gọi là Thiền sư, thật là phỉ báng Phật Tổ!

Riêng về sự truyền thừa của cá nhân tôi, nếu gặp được một người để giao lại, tôi sẽ bàn giao. Nay nhiều người muốn nối pháp của tôi, nhưng tôi chưa đưa nguyên lưu cho ai (Nguyên lưu tức cội nguồn truyền thừa), cũng có người mượn danh nghĩa tôi, nói là đệ tử tôi đi xin đóng góp, lừa gạt người.

Hỏi: Khi vắng Sư phụ, chúng con công phu gặp trở ngại, biết hỏi ai?

Đáp: Bây giờ tôi cũng chưa biết là vị nào, nhưng chín chữ “VÔ SỞ ĐẮC, VÔ SỞ CẦU, VÔ SỞ SỢ” trong cuốn Đường lối thực hành tham Tổ Sư Thiềnlà để phá ngã chấp, nếu tự hỏi không vi phạm chín chữ này sẽ chẳng có gì trở ngại, thực hành được chín chữ này là không thể nhập ma được. Có chướng ngại là do ngã chấp, có sở cầu sở đắc sở sợ, hễ tin tự tâm 100%, tự nhiên sẽ thực hành được chín chữ này.

Nếu thật đã kiến tánh, có người mắt sáng thì nhờ người ấy ấn chứng, nếu không gặp người mắt sáng, có thể lấy Truyền Đăng Lụchoặc Kinh Hoa Nghiêmấn chứng cũng được.

Tham thiền cần tự mình đi, có đi ắt sẽ đến, khi đến nơi rồi người ta nói mình chưa đến cũng đâu được! Hễ chưa đến mà nói đã đến rồi tà đại vọng ngữ, phải đoạ địa ngục.

Hỏi: Theo sự hiểu biết của con, mười hai bộ kinh của chư Phật và lời của chư Tổ đều chưa qua khỏi vô thỉ vô minh?

Đáp: Nói chư Tổ kẹt nơi vô thỉ vô minh là không đúng, ngoại đạo và Tiểu thừa mới bị kẹt nơi vô thỉ vô minh, cho vô thỉ vô minh là cứu cánh. Phá được vô thỉ vô minh mới gọi là kiến tánh, hễ chưa phá thì chưa được gọi là kiến tánh.

Hỏi: Sư phụ nói các pháp môn khác chỉ có chứng quả chứ chưa kiến tánh, vậy giữa kiến tánh và chứng quả khác nhau như thế nào?

Đáp: Tiểu thừa có bốn quả:

- Sơ quả Tu Đà Hoàn: dịch là Nhập lưu, nhưng chẳng phải có chỗ nhập. Kinh Kim Cang nói: “Chẳng nhập sắc thanh hương vị xúc pháp, gọi là nhập lưu”. Tức đã lìa được lục trần là chứng sơ quả phải sanh cõi người bảy lần nữa, theo kinh nói là “đã dứt hết kiến hoặc của Tam giới”.

- Nhị quả Tư Đà Hàm: dịch là Nhất vãng lai, tức sanh cõi Trời một lần, sanh cõi người một lần. Tư hoặc của tam giới gồm chín phẩm, chứng được Tư Đà Hàm thì dứt được sáu phẩm, còn ba phẩm sau chưa dứt, nên phải sanh cõi người (Dục giới) một lần nữa.

- Tam quả A Na Hàm: gọi là Bất lai, tức đã dứt hết tư hoặc của dục giới, không cần thọ sanh nơi dục giới nữa, chỉ ở cõi Trời chứng quả A La Hán.

- Đến tứ quả A La Hán là xuất sanh tử luân hồi, nhưng chưa phải kiến tánh, còn chưa phá được vô thỉ vô minh.

* Giáo môn có năm thứ phiền não: Dục ái trụ địa phiền não là Dục giới, Sắc ái trụ địa phiền não là Sắc giới, Hữu ái trụ địa phiền não là Vô sắc giới, A La Hán dù dứt bốn thứ phiền não trên, nhưng còn Vô minh trụ địa phiền não. Vô minh là chẳng nổi ý niệm gì, thanh thanh tịnh tịnh, không vọng tưởng, không gì hết, nên người ta tưởng lầm là Niết bàn, kỳ thật chỗ đó là cội nguồn nổi lên nhất niệm vô minh. Nên nói chứng quả chưa phải kiến tánh.

* Đại thừa chứng quả lại khác: Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, cho đến Đẳng Giác, Diệu Giác là Phật, thường là 52 cấp, Kinh Lăng Nghiêm thì có 57 cấp. Người chứng quả Thập địa vẫn chưa kiến tánh triệt để.

Hỏi: Sư phụ nói Phật giáo không kiến lập chân lý, vậy Tam tạng giáo điển của Phật chẳng phải chơn lý sao?

Đáp: Không phải. Tam tạng giáo điển đều quét sạch chân lý. Chân lý là chấp thật, Tam tạng giáo điển là quét sạch tất cả chấp thật, kể cả chấp Phật. Bất cứ chấp vào cái gì đều là chấp.

Hỏi: Thế thì người tu đạo Phật không có chân lý sao?

Đáp: Nếu nói “không” là chấp thật vào không, bệnh càng nặng hơn. Có và không là đối đãi, nếu chấp không là thật, thì có cũng là thật. Vì CÓ tiêu diệt rồi mới thành KHÔNG, vốn là chẳng có cái CÓ để tiêu diệt, làm sao có cái KHÔNG để chấp! Thành lập CÓ rồi mới thành lập KHÔNG, CÓ đã không thành lập thì KHÔNG làm sao thành!

Hỏi: Như vậy thế nào là chơn lý của Đạo Phật?

Đáp: Đã chẳng kiến lập chân lý, làm sao có “chân lý của đạo Phật?” Pháp, phi pháp, phi phi pháp. Kinh Kim Cang nói: “Nếu người nào nói Như Lai có thuyết pháp là phỉ báng Phật”, chẳng có pháp để Như Lai thuyết, làm sao có chân lý của nhà Phật?

Hỏi: Chúng con có thể tự độ được không?

Đáp: Lục Tổ nói “Tự tánh tự độ”, nhưng phải nhờ chư Phật chư Tổ chỉ dẫn đường lối thực hành để tự độ. Cũng như Tổ Sư Thiền là do Phật Thích Ca đích thân chỉ dạy thực hành để tự độ, chứ chẳng phải là Phật Thích Ca độ hay ai độ.

Hỏi: Trong Cội Nguồn Truyền Thừa, ngài Nguyệt Khê nói đến Tự tánh Bát nhã: “Thật tướng Bát nhã là pháp thân, phương tiện Bát nhã là kiến văn giác tri, dùng phương tiện Bát nhã để phá vô thỉ vô minh, sẽ chứng được Thật tướng Bát nhã”. Vậy dùng kiến văn giác tri chuyển thức thành trí rồi trở thành Bát nhã, phải không?

Đáp: Nói Tự tánh Bát nhã, Thật tướng Bát nhã, Phương tiện Bát nhã ... đều là phương tiện, phàm dùng lời nói đều là phương tiện, phương tiện thì không đúng với thật tế, phải tự ngộ rồi, sự ngộ ấy mới đúng với thật tế. Hễ chấp vào cảnh giới ngộ vẫn còn chưa đúng với thật tế, huống là chưa ngộ!

Cái biết của kiến văn giác tri là tác dụng của bộ não, cái không biết cũng vậy, nay mình còn là chúng sanh, hiện hành đều là tác dụng của bộ não, Bát nhã vô tri mà vô sở bất tri, đã kiến tánh rồi, biết cũng là Bát nhã, không biết cũng là Bát nhã, chưa kiến tánh thì tri cũng là bệnh, bất tri cũng là bệnh.

Bây giờ nói “Dùng cái không biết của bộ não, chấm dứt tất cả biết của bộ não”, cũng là chiếu theo ý giải của ngài Nguyệt Khê: Ví dụ kiến văn giác tri là do bộ não đặt ra cái tên, các tướng; người đã kiến tánh không kẹt vào danh tướng, người chưa kiến tánh đuổi theo danh tướng, có kiến văn giác tri, không kiến văn giác tri v.v… Kỳ thật, có kiến văn giác tri với không chẳng khác, cho nên, bất cứ phương tiện gì hễ nói ra đều không đúng với thật tế.

Hỏi: Bất nhị là gì?

Đáp: Bất nhị chẳng phải là một, có một tức có hai, là nhị. Nói “Bất nhị” cũng là phương tiện để chúng ta đừng chấp thật, vì chấp thật tức có giả, có chơn tức có vọng, là nhị. Nghĩa bất nhị không đối đãi, không tương đối, chẳng dính dáng với Có và Không, cũng nghĩa vô trụ, vô thỉ vô sanh, nhưng nếu chấp thật “vô sanh” cũng là nhị. Muốn chứng thật nghĩa bất nhị, phải tự ngộ mới được.

Hỏi: Nếu tất cả mọi người đều tham thoại đầu, không dùng lời nói văn tự, người đời sau làm sao biết đến Phật pháp?

Đáp: Đức Phật thuyết pháp 49 năm, tất cả lời dạy đều được ghi trong kinh điển, cuối cùng truyền pháp Tổ Sư Thiền. Giáo môn nói trong kinh điển gồm 84 ngàn pháp môn, thuộc pháp gián tiếp, còn Tổ Sư Thiền là pháp trực tiếp. Nếu người tin pháp thiền trực tiếp không nổi thì phải tin pháp gián tiếp. Vì người thường tin vào pháp gián tiếp, nên Phật thuyết về pháp gián tiếp nhiều hơn, còn Pháp thiền trực tiếp, Đức Phật chỉ truyền trong sát na.

Nay tôi hoảng pháp Tổ Sư Thiền, chẳng có ý muốn tất cả đều tu theo Tổ Sư Thiền, chẳng học Giáo môn. Nhưng vì Giáo môn đời nay khác với Giáo môn đời xưa: Giáo môn đời xưa gọi là tri văn khởi quán, học đến đâu quán đến đó, tức vừa học vừa tu, sự học với sự tu đi song song. Giáo môn đời nay chỉ có học, không có tu. Chớ nói là pháp xuất thế gian, pháp thế gian như khoa học, học lý luận cũng phải qua sự thực nghiệm để chứng tỏ phần lý luận đúng hay sai, còn học Giáo môn chỉ có phần lý luận, không thực hành thì đâu thể biết đúng sai ? Chỉ cho học nhiều là cao, là hơn người, tăng thêm ngã chấp, thêm cống cao ngã mạn, nghịch với chánh pháp!

Như câu hỏi của cô là hỏi theo ngã chấp, chẳng biết thiền là gì, chẳng biết Tổ Sư Thiền như thế nào, nên sợ tất cả mọi người đều tu pháp Tổ Sư Thiền thì không còn người biết đến Phật pháp!

Nếu thật sự mọi người đều tu pháp Tổ Sư Thiền, Phật pháp sẽ càng thịnh vượng hơn; vì người chứng quả nhiều. Một người chứng quả độ vô biên chúng sanh, khiến giáo pháp càng phát triển. Nếu chẳng ai tu Tổ Sư Thiền, mà chỉ học Phật pháp không chứng quả thì Phật pháp tại thế gian phải tiêu diệt! Chẳng những bị tiêu diệt, sẽ trở thành ngoại đạo, vì không phá ngã chấp.

Hỏi: Tụng Kinh Pháp Hoa và tu Tổ Sư Thiền, phước đức như thế nào?

Đáp: Tụng kinh là để cầu phước, phải không? Tu Tổ Sư Thiền cũng là để cầu phước? Phước nếu có thể do cầu mà được thì không có nhân quả, không nhân quả thì không Phật pháp, không Phật pháp thì không có chùa! Muốn được phước quả phải gieo thiện nhân, chứ chẳng phải chỉ tụng kinh là có phước, thế thì người nào biết chữ đều tụng được! Nay không chịu gieo nhân muốn đắc quả, có thể được chăng?

Bất cứ học theo pháp môn nào cũng phải tin nhân quả, không những trong Phật pháp có nhân quả, các tôn giáo khác, người đời nơi thế gian, dù có tín ngưởng hay không, đều nằm trong nhân quả. Hễ phước báo có thể cầu được là ở ngoài nhân quả, chứ đừng nói tụng Kinh Pháp Hoa hay tu Tổ Sư Thiền.

Hỏi: Thế thì Phật tử đến chùa tụng kinh gieo nhân gì?

Đáp: Tụng kinh để hiểu được ý Phật trong kinh, dù không theo kinh tu hành, cũng được gieo nhân, muôn ngàn kiếp sau cũng được quả. Còn nếu tụng kinh mà không hiểu ý, tụng như không tụng.

Hỏi: Nếu người tụng kinh hiểu được lời kinh, thực hành theo kinh thì được lợi ích, phải không?

Đáp: Kinh Pháp Hoa nói: “Chư pháp tùng bổn lai, thường tự tịch diệt tướng”. Các pháp từ xưa nay, vốn là tướng tịch diệt, đó cũng là nghĩa vô sanh. Vô sanh thì đâu có sự cầu và không cầu, lợi ích hay chẳng lợi ích? Ví như trong Kinh Duy Ma Cật, La Hầu La nói về lợi ích của sự xuất gia mà bị ngài Duy Ma Cật quở! Pháp đã vô sanh, đâu có lời nói để chấp thật? Tất cả kinh Phật đều chỉ là phương tiện để phá chấp, Kinh Pháp Hoa cũng vậy. Phá được sự chấp là được lợi ích, nếu chấp vào đó cho là thật, lại thêm bệnh chấp chứ chẳng lợi ích gì.

Hỏi: Xin Sư phụ ban pháp âm cho vấn đề Thiền thất, khi Sư phụ đi vắng?

Đáp: Hai điều cần nhất khi thực hành tham Tổ SưThiền mà tôi thường nói, một là tin tự tâm, hai là dùng sự không biết của bộ não chấm dứt tất cả biết của bộ não. Còn nói về thiền bệnh thì cuốn Cội Nguồn Truyền Thừacủa ngài Nguyệt Khê đã nói rõ. Phần Thỉnh Ích Hỏi Đạocủa ngài Nguyệt Khê, có thể đọc ra thu băng và phát lại cho hành giả nghe, để nhắc lại những thiền bệnh thường gặp phải để sửa sai.

Hỏi: Quy củ tối thiểu khi đến dự Thiền thất?

Đáp: Ở Chùa Pháp Thành tôi có cho cuốn Quy củ Thiền Thất. Nói chung, công phu của mình đừng có chướng ngại đến người khác, còn nếu phát hiện chỗ nào có thiếu xót thì thêm vào.

Hỏi: thuốc “tham thoại đầu” là để chữa “bệnh sanh tử”, chúng con tham thoại đầu cũng cầu mong được chữa khỏi bệnh sanh tử, vậy làm cách nào tôn trọng 3 chữ “Vô sở cầu?”

Đáp: Pháp vốn vô sanh, làm sao sanh ra việc cầu và không cầu? Nay tại có chấp tâm sanh khởi “có cầư”, nên dùng “vô sở cầu để đối trị, nếu sự cầu chẳng khởi thì đâu cần dùng đến thuốc “vô sở cầu” nữa!

Bây giờ chưa chứng quả, nên thấy có muôn ngàn sai biệt; hễ chứng quả rồi thấy không sai biệt, trong cầu thấy vô sở cầu. Nên người chứng quả gọi là “ngộ pháp vô sanh”, nay vì còn nằm trong tương đối, nên chẳng chấp cầu thì chấp vô sở cầu chẳng chấp đắc thì chấp vô sở đắc.

Hỏi : Người tham thiền ham chỗ “Ồ” lên một tiếng đập tan vô thỉ vô minh, nên lọt vào có sở cầu?

Đáp: Đó là do cái biết của bộ não, do công phu chưa đắc lực, nên có sự ham đó. Nếu công phu giữ được “không biết” của nghi tình, thì đâu còn sự ham biết đó? Chư Tổ nói: “Trước tiên quên thế giới vạn vật, sau quên cái thân, cuối cùng quên luôn cả tâm”. Tâm đã quên, còn gì không quên? Đâu còn ham và không ham? Còn gì để nói nữa? Nên cần thiết về công phu.

Hỏi: Khi vắng Sư phụ, chúng con gặp chướng ngại thì sao?

Đáp: Tôi thường nói “phải tin tự tâm 100%”, do chẳng tin tụ tâm mới có sự ham cầu và chứng đắc, mới sanh ra đủ thứ thiền bệnh. Chín chữ “Vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ” là trị bệnh chấp ngã, hễ tin tự tâm thì đâu còn cầu còn đắc còn sợ? Vì tất cả là của mình.

Tự tâm khắp không gian thời gian, ngoài không gian chẳng có không gian, ngoài thời gian chẳng có thời gian, còn gì để đắc? Có đắc là từ bên ngoài; đều là ở trong, đều là của mình thì cần gì để cầu để đắc? Nếu thực hiện đúng theo hai điều nhắc nhở trên, tự nhiên sẽ đến chỗ vô minh tan rã.

Nay nói vô minh tan rã, thật ra trong Phật pháp vốn chẳng có cái vô thỉ vô minh để cho mình phá, tại chấp mới thành có, nên phải phá.

Hỏi: Tại sao trong Thiền Thất Khai Thị Lụcnói “khi nghi tình thành khối phải nổi vọng tưởng”?

Đáp: Đó là sau khi ngộ rồi bảo nhiệm, bảo nhiệm cũng gọi là tu, sụ tu đó mới là chân tu, ngài Qui Sơn nói “chăn trâu”, là sau khi ngộ rồi bảo nhiệm mới thật là chăn trâu, chứ chẳng phải như Giáo môn cho “chăn trâu” là tu, ấy là sai.

Sau khi ngộ rồi, tập khí vẫn còn, tự nhiên phải nổi vọng tưởng, cũng tự nhiên dứt vọng tưởng, cứ nổi bao nhiêu dứt bấy nhiêu. Nhưng chúng ta không thể chấp vào lời của Tổ, ấy chỉ là phương tiện thí dụ, người nói thì không sai, hễ chấp thật là sai.

Hỏi: Làm thế nào làm thiện không lọt vào nơi thiện?

Đáp: Tạo thiện ắt được thiện quả, nhưng cái nhân đã không trụ thì quả cũng không trụ. Mặc dù không trụ quả, nhân đã gieo, quả sẽ đến, ví như Phật Thích Ca, dù tâm chẳng trụ nhân, chẳng cầu danh vọng, khi quả đến người nào cũng cung kính lễ bái.

Hỏi: Nay cũng có nhiều người nói “làm mà không chấp”, “làm mà chẳng trụ”. Đó có phải ngụy biện không?

Đáp: Nói “không trụ” đã là trụ rồi, vì có trụ mới nói không trụ; nói “không chấp” đã là chấp, nếu thật không chấp thì chẳng cần nói, kể cả cái “không chấp” cũng chẳng có, gọi là giải thoát tri kiến.

Hỏi: Thế nào là “Thường ứng chư căn dụng, mà chẳng khởi dụng tưởng, phân biệt tất cả pháp, chẳng khởi phân biệt tưởng” trong Kinh Pháp Bảo Đàn?

Đáp: Cái dụng là dụng của bản thể, phân biệt cũng là phân biệt của bản thể, chẳng phải vô tri, chỉ là cùng khắp mà không nơi chốn thôi.

Thường ứng chư căn dụng: Lục căn ứng dụng hằng ngày, luôn luôn như thế, chẳng phải lúc thấy mới gọi là thấy, lúc có nghe mới gọi là nghe. Nhắm mắt cũng thấy, không nghe cũng nghe, vì bản thể cùng khắp, chẳng phải sự thấy nghe của người bệnh. Như Quán Thế Âm Bồ tát, dùng con mắt để nghe âm thanh của thế gian, gọi là lục căn hổ dụng. Kỳ thật, cái biết của bản thể không cần lục căn, nhưng nhờ lục căn diễn đạt thôi. Nhưng chúng sanh phải nhờ lục căn, nên nói “Thường ứng chư căn dụng”", mặc dù dụng, cũng như không dụng, vì chẳng khởi ý là dụng, như trên đã nói, cái biết luôn luôn như thế, chẳng có năng dụng sở dụng; chẳng phải khi tiếp xúc mới là dụng, chẳng tiếp xúc thì không. Nếu khởi ý năng sở tức gọi là dụng tưởng.

Phân biệt tất cả pháp, chẳng khởi phân biệt tưởng: tức chẳng cho là biết. Nếu nổi lên cái biết, ấy là cái biết bệnh, chẳng phải sự biết không gián đoạn của bản thể. Hễ có gián đoạn tức không cùng khắp, tức có sanh diệt, lúc biết là sanh, không biết là diệt, nhớ thì sanh, quên thì diệt.

Hỏi: Sư phụ dạy “lấy cái không biết để chấm dứt tất cả biết”, tức dùng cái không biết đối trị cái biết, nhưng cái “không biết” lấy gì đối trị?

Đáp: Lấy cái biết của bản thể để trị bệnh “không biết” của bộ não. Nhưng cái biết của bộ não thì chẳng thể biết được “cái biết của bản thể”.

Nay dùng cái không biết của bộ não chấm dứt tất cả biết của bộ não, bao gồm tìm hiểu biết, ghi nhớ biết và tùy duyên biết. Tanh con người ham tìm hiểu, tìm hiểu rồi ghi nhớ lại; tìm hiểu biết chấm dứt rồi, phải chấm dứt luôn cả tùy duyên biết. Thế nào là tùy duyên biết? Tức không cần tìm hiểu cũng biết: ví như ngồi, chẳng cần tìm hiểu cũng biết ngồi, đi chẳng cần tìm hiểu cũng biết đi, biết ăn cơm v.v... gặp duyên gì đều biết.

Ngài Lai Quả nói: “Khi công phu đến mức, ngồi không biết là ngồi, đi không biết là đi”, lúc đó tất cả đều không biết, chính chỗ đó là vô thỉ vô minh. Cuối cùng còn tâm không biết, là gần kiến tánh. Khi cái biết của tự tánh thình lình nổi lên, cái không biết của bộ não tan rã, gọi là kiến tánh thành Phật, tức chấm dứt cái biết của người mù, tự mình mắt sáng, chẳng cần hỏi ai nữa, chẳng còn bị người lừa gạt.

Nay chưa kiến tánh là người mù, thường bị người mắt sáng như Phật, Tổ lừa gạt. Tổ với Phật vốn không có ý lừa gạt mình, tại mình chẳng thể thấu qua lời nói của Phật, Tổ, nên bị lừa gạt.

Hỏi: Tại sao ngài Nguyệt Khê nói “Vạn pháp duy tâm tạo” là không đúng?

Đáp: Theo thật tế, Tự tánh vốn đã sẵn đủ, những suy nghĩ, lời nói, văn tự v.v...đều là không đúng, tất cả chỉ diễn tả về bề trái, còn bề mặt là nói không được không cỏ chỗ để nói. Ví như cái biết cùng khắp cơ thể, chẳng có chỗ búng, tức chẳng có chỗ biết và không biết, vậy thì lấy gì để nói? Muốn nói, phải có chỗ biết, có chỗ không biết mới nói được, mà cái biết nói được ấy là biết bệnh, là bề trái. Nên kinh Lăng Nghiêm nói “Đệ nhất nguyệt là nói không được”, suy nghĩ, văn tự, lời nói đều không đến được. Do đó, hễ nghiên cứu về bề trái (lời nói của Phật, của Tổ) là sai, vì bề trái đã là không rồi.

Hỏi: Sau khi vắng mặt Sư phụ, có thể cho nghe lại những đoạn băng vấn đáp từ những năm trước đây trong buổi chiều mỗi cuối kỳ Thiền thất?

Đáp: Nếu nghe là nghe những kỳ gần đây, vấn đáp sắc hơn. Vì những năm đầu, do lòng tin của hành giả chưa vững chắc, nên tôi phải giảng dài dòng hơn, còn bây giờ tôi nói ngay: Chỉ có hai điều: TIN TỰ TÂM VÀ DÙNG CÁI KHÔNG BIẾT CỦA NGHI TÌNH CHẤM DỨT TẤT CẢ BIẾT.

Mặc dù nghe tôi giảng như thế, nhiều người cũng nói là hiểu lôi tôi nói, nhưng vì tập khí ham tìm hiểu, nhất là tìm hiểu câu thoại, trong đầu luôn muốn tìm câu trả lời, lọt vào ý thức, ấy là sai. Tôi đã hỏi nhiều người, đã dặn trước là hỏi phải trả lời liền, không cho suy nghĩ, không cho tìm hiểu, không cho chậm trễ, nhưng khi tôi hỏi, vẫn chậm trễ muốn tìm câu trả lời, cho nên, những người như thế là tham không được, là sai, người nào cũng bị. Hành giả tham thiền phải lưu ý điều này.

Hỏi: Ngài Nguyệt Khê nói “Phật tánh chẳng dính dáng đến vô minh”, vậy tại sao Chứng Đạo Ca lại nói “Thật tánh vô minh tức Phật tánh?”

Đáp: Phương tiện vốn chẳng thật, nay muốn truy cứu phương tiện cho là đúng lý, ấy là sai, vì tất cả phương tiện đều vô lý, ví như nói “từ vô thỉ đến nay", có thỉ mới đến nay, vô thỉ làm sao đến nay? Nói ra là sai rồi! Ví như nói “Kiến tánh”, nếu giải theo mặt chữ, cho là có cái tánh để thấy, là sai rồi!

Phàm là lời nói đều chỉ là phương tiện, chẳng phải chơn lý, nên Phật pháp khác hơn tất cả tôn giáo là không kiến lập chân lý. Lời của ngài Nguyệt Khê cũng như lời của Phật, chỉ là phương tiện để phá chấp, đâu thể chấp thật? Nói “thật lánh vô minh tức Phật tánh”, chẳng những vô minh, thật tánh của tất cả pháp đều là Phật tánh, vì Phật tánh bất nhị.

Hỏi: Tham thoại đầu có phải cứu xét tự tánh không?

Đáp: Ấy là nghịch với tông chỉ tham Tổ Sư Thiền. Tham thoại đầu không cho cứu xét, chỉ là phát khởi nghi tình, từ nghi đến ngộ.

Hỏi: Hành giả tham thiền gặp người vấn nạn phải làm sao?

Đáp: Người khác muốn nói gì, muốn cho là cái gì cũng được, mình chỉ ôm chặt câu thoại đầu tham tới mãi, dùng câu thoại đầu sở tham để trả lời. Ví như sư đệ của ngài Lai Quả, thừa lệnh thầy mời ngài trở về chùa, ngài chỉ trả lời “Niệm Phật là ai?”, khiến sư đệ cũng hết cách, đành phải quay về một mình.

Hỏi: Có người hỏi con: “Tham thiền tại sao không tụng kinh?”, con nên trả lời thế nào?

Đáp: Kinh Pháp Bảo Đànnói: Tham thiền là ngày đêm tụng kinh chẳng ngừng, từ kiếp này qua kiếp khác cũng chẳng ngừng, sao nói là không tụng? Chẳng những tụng kinh, tất cả pháp thế gian đều thực hành đầy đủ. Đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, bất kể Bồ tát lục độ vạn hạnh, giới định huệ, ba mươi bảy phẩm trợ đạo ... cho đến công thương kỹ nghệ nơi thế gian đều đầy đủ chẳng thiếu xót. Có thiếu xót tức Phật tánh không cùng khắp.

Cho nên, chư Tổ đối với pháp thế gian và pháp xuất thế gian chẳng hai chẳng khác, vì tất cả đều gồm trong nghi tình rồi.

Hỏi: Kinh Phạm Võng nói phải phát thệ nguyện, nếu không thì phạm giới. Chúng con nay tham Tổ Sư Thiền, đối với những thệ nguyện đã phát trước kia, phải làm sao?

Đáp: Đó không phải là chân lý nhất định, chư Phật tùy theo căn cơ trình độ của chúng sanh mà sử dụng phương tiện, tất cả chỉ là phá chấp, chẳng thể chấp vào một bên, hễ chấp một bên là lọt vào biên kiến. Kinh Bát Nhã nói đến ba cửa giải thoát: Không, Vô Tướng, Vô Nguyện, khi chưa thành Phật, chư Phật đều có phát nguyện, nhưng nếu chấp nguyện không bỏ thì chẳng thể giải thoát.

Cho nên, hễ chấp “không phát nguyện” thì dùng “phát nguyện” để phá chấp, chấp “lễ Phật” tức dùng “không lễ Phật” để phá, chấp “không lễ Phật” thì thành kính lễ Phật để phá cái chấp đó ... đâu phải là nhất định! Nếu là nhất định tức có sở trụ, chẳng phải bản thể tự tánh.

Hỏi: Thấy nghi tình mãnh liệt, muốn ra sức dụng công trong bảy ngày, việc ấy ra sao?

Đáp: Kinh Pháp Cú nói: Nếu khởi lên tâm tinh tấn, tức chẳng phải tinh tấn”. Tham thoại đầu là muốn chấm dứt tất cả biết, biết tinh tấn đã thành chẳng tinh tấn, là có tâm muốn cầu, còn giữ ngã chấp.

Biết tinh tấn, biết lui sụt, biết thanh tịnh, biết vọng tưởng, biết mình có cái năng biết v.v... cũng còn không được, đang dụng công phu mà biết này biết kia, là nghịch với công phu của mình. Nay muốn hiện ra tướng mạnh, thì tất cả tướng bệnh, năng sở đối đãi đều phải chấm dứt, nên mới dùng tâm không biết để chấm dứt tất cả biết. Chỉ cần giữ được nghi tình, sẽ đến chỗ “biết và chẳng biết đều chấm dứt”.

Hỏi: Lời giải đáp thắc mắc của Sư phụ đã khiến chúng con tăng trưởng lòng tin tự tâm. Vậy sau khi Sư phụ đi vắng, xin phép cho chúng con ghi nhận lại tất cả lời vấn đáp của Sư phụ từ trước đến nay, thành một cuốn pháp ngữ để tham khảo được không?

Đáp: Được, nhưng không phải là pháp ngữ, là ngữ lục (Duy Lực Ngữ Lục). Sau này các Phật tử nếu có thắc mắc, có thể gom lại các câu hỏi, gửi thư cho tôi, tôi sẽ trả lời.

Hỏi: Chúng con rất sợ vọng tưởng, mà không sợ không được! Vừa ngồi xuống tham thiền, nghi tình chưa khởi là vọng tưởng đã ập tới, làm phiền muộn suốt đời chúng con, vậy phải làm sao?

Đáp: Bài kệ trong Kinh Hoa Nghiêm nói “nhất thiết duy tâm tạo”. Tâm tạo vốn chẳng thật, vọng tưởng cũng do tâm tạo, tại sao lại phải sợ những việc chẳng phải thật? Lại, tham thiền là dùng cái tâm không biết để chấm dứt tất cả biết, tại sao lại muốn biết vọng tưởng? Nếu thật sự giữ được tâm không biết, vọng tưởng không biết là vọng tưởng, đâu có gì đáng sợ? Ấy là do đánh mất nghi tình, nên có sở sợ. Bây giờ phải khiến câu thoại đầu miền mật không kẽ hở, giữa câu thứ nhất và câu thừ nhì, câu thứ ba ... vừa hỏi dứt là hỏi tiếp, không cho có kẽ hở, hễ có kẽ hở là có tâm suy nghĩ.

Hỏi: Cứ tham thoại đầu suốt ngày đêm, có bận rộn không?

Đáp: Việc bận rộn của thế gian là có tâm biết, mới thành bận rộn, còn pháp xuất thế gian này dùng tâm không biết, đã không biết thì làm sao biết bận rộn? Hễ có biết là nghịch với ý chỉ Tổ Sư Thiền.Việc thế gian do có tâm biết, làm mãi phải mỏi mệt; còn không biết là không thấy bận rộn, không thấy mệt mỏi, cho nên nói thuốc thoại đầu là rất hay.

Hỏi: Tại sao câu trả lời của các vị Thiền sư thường chẳng có ý nghĩa?

Đáp: Các vị Thiền sư thường hỏi Nam trả lời Bắc, là muốn chấm dứt sự tìm hiểu của người hỏi, muốn bặt tri kiến của người hỏi, nên trả lời không nghĩa lý. Do người hỏi thưởng mắc phải lý chướng, nên có đúng lý hay không đúng lý, ấy là nhị, Phật tánh bất nhị, chẳng đối đãi, nên chẳng có hợp lý hay không hợp lý.

Ví như Bát Nhã Tâm Kinh nói “Vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, ... vô trí diệc vô đắc”, là dùng chữ VÔ để chấm dứt tri kiến của người thế gian, tức phá lục căn, cho đến những tri kiến xuất thế gian như A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ tát ... Tất cả tri kiến đều dứt sạch mới được gọi là tri kiến Phật.

Như ngài Tăng Triệu nói “Bát Nhã vô tri”, luôn cả vô tri cũng tan rã, tri với vô tri đều hết, tức tác dụng của bộ não chấm dứt, bệnh mù hết rồi, cái biết của Chơn như phật tánh mới hiện ra, khắp không gian thời gian.

Hỏi: Tại sao Pháp sư Nguyệt Khê nói tác giả của Đại Thừa Khởi Tín Luậnchẳng phải là ngài Mã Minh?

Đáp: Ngài Mã Minh là Tổ thứ 12 phái Thiền tông Ấn Độ là vị Tổ đã kiến tánh triệt để, được người đời lập ra để làm tiêu biểu, cái biết của bản thể tự nhiên đúng như thật tế. Thật tế bất nhị, đâu có sai biệt? Trong Đại Thừa Khởi Tín Luậnnói “Chơn như duyên khởi”, Chơn như tức Phật tánh, duyên khởilà vô minh, vì có sanh diệt, là nhị. Nếu người đã kiến tánh mà nói như thế tức chưa kiến tánh, nên Pháp sư Nguyệt Khê nói đây là tác phẩm của ngoại đạo, còn ngã chấp, mới có cái thuyết “Chơn như duyên khởi”, rồi gắn tên của Tổ Mã Minh.

Hỏi: Vậy tại sao trong Triệu Luận, ngài Tăng Triệu lại dẫn chứng Đại Thừa Khởi Tín Luận?

Đáp: Trong Đại Thừa Khởi Tín Luậncó cái không đúng, ví như nói “Chơn như duyên khởi”, nhưng cũng có phần lấy lời Phật thì đúng.

Hỏi: Có phải thực hiện được vô ngã là ngộ đạo?

Đáp: Không phải. Ngã với vô ngã là nhị, nếu còn biết vô ngã tức thừa nhận có ngã, do diệt cái ngã rồi nói vô ngã. Cho nên, vô ngã chưa phải thành Phật. Như A La Hán, đã diệt được nhơn ngã chấp, nhưng chưa phải thành Phật, chỉ là ở giữa đường.

Hỏi: Xin Sư phụ khai thị một phương tiện thẳng tắp,để có niềm tin tuyệt đối tiếp tục tu tập khi Sư phụ đi vắng?

Đáp: Nói có đi có đến là không tin tự tâm. Tại sao? Vì tự tâm cùng khắp không gian thì làm sao có đi có đến? Cho nên, đi và không đi là nhị, còn tự tâm cùng khắp là bất nhị. Về thời gian thì chẳng có sanh diệt, hễ có tâm sanh khởi rồi quên là diệt, là không cùng khắp, vậy câu hỏi của ông là do chấp tâm để hỏi, là sai, nếu tôi trả lời theo cũng vậy.

Chỉ sợ chính mình không tin tự tâm, chớ có sợ tôi đi hay không đi. Cũng như Lục Tổ lúc gần tịch, nói với môn đồ rằng: “Nếu không quyết tử tu hành, dù suốt ngày ở trước mặt cũng là vô ích. Nếu là chân tu, dù xa tôi ngàn dặm, cũng như ở trước mặt vậy”.

Được tu đến kiến tánh hay không, là do tự mình quyết định, chẳng phải do người khác. Cho nên, tín ngưỡng của Phật giáo khác hơn tất cả tôn giáo, là phải tin tự tâm chứ chẳng phải ỷ lại người khác. Còn tôi đi hay ở, việc đó không quan trọng.

Hỏi: Trước tu Tỉnh Độ, nay chuyển qua tham Tổ Sư Thiền được không?

Đáp: Mục đích tu Tịnh Độ hay tham Tổ Sư Thiền đều là để giác ngộ thành Phật, giải quyết tất cả khổ. Chỉ là Pháp Tịnh Độ thuộc pháp thiền gián tiếp, Tổ Sư Thiền là pháp thiền trục tiếp. Đức Phật dạy tám mươi bốn ngàn pháp môn, chỉ có Tổ Sư Thiền là pháp trực tiếp, ngoài ra đều là pháp gián tiếp. Lại, tu pháp môn nào phải đúng theo tông chỉ pháp môn đó mới được thành tựu, nếu tu không đúng, chẳng những không được thành tựu, có thể trở thành ngoại đạo.

Pháp môn Tịnh Độ là do pháp sư Huệ Viễn đời nhà Tấn Trung Quốc dựa theo Kinh Di Đà và Kinh Vô Lượng Thọ sáng lập, chứ chẳng phải do Phật Thích Ca sáng lập hay từ Ấn Độ truyền qua. Trong đó có bảy vị Tổ là tu theo Tổ Sư Thiền kiến tánh rồi, tùy theo nhân duyên giúp cho Tịnh Độ hoằng pháp. Đến Tổ thứ 13 là Pháp sư Ấn Quang, sau đó mấy mươi năm nay chưa có Tổ thứ 14.

Còn Tổ Sư Thiền là do Phật Thích Ca truyền cho ngài Ma Ha Ca Diếp, rồi do Tổ sư từng đời truyền xuống, đến đời tôi, mỗi đời đều có sụ truyền thừa rõ ràng.

Đối với Lịch sử Thiền tông ở Việt Nam tôi chưa được rõ, nghe nói Tổ Sư Thiền ở Việt Nam là truyền từ Thiền sư Vô Ngôn Thông hay ngài Liễu Quán. Từ nhà Lê đến nay đã thất truyền gần hai trăm năm, có Tổ sư từ Trung Quốc qua Việt Nam dạy về pháp môn Tổ Sư Thiền, sau đó cũng thất truyền.

Còn Tổ sư Tịnh Độ của Việt nam thì không nghe nói, cũng không biết do vị Tổ nào sáng lập, đa số do tự mình xem sách, nhiều người tự lấy ý mình tu, cho tụng kinh niệm Phật là tu Tịnh Độ. Còn hỏi về tông chỉ của Tịnh Độ thì nói là: Tụng kinh, niệm Phật, ăn chay, phát nguyện ...

Sự thật, tông chỉ của Tịnh Độ là Tín, nguyện, hành.

Hỏi: Vậy có tông chỉ của Tịnh Độ không?

Đáp: Theo Phật pháp, nguồn gốc của bản thể là Phật tánh, Đức Phật gọi là Chơn như Phật tánh. Bản thể của Phật tánh không dính líu với có không. Có Không là nguồn gốc của 62 kiến chấp, phàm có đối đãi là nhị biên, là biên kiến, thuộc một trong năm thứ ác kiến. Hễ chấp thật Có và Không đều lọt vào biên kiến, nên Phật dạy phải lìa tứ cú, tuyệt bách phi, nếu chấp thật sự có và không, đã nghịch với bản thể tự tánh, dẫu cho siêng năng tu tập, cũng chẳng thể thành tựu.

Hỏi: Thiền tông và Tịnh độ một thể, phải không?

Đáp: Nói thì đúng, nhưng sự hiểu không đúng. Cách thực hành giữa Tổ Sư Thiền và Tịnh Độ có khác, nhưng mục đích không khác, chỉ là pháp thiền trực tiếp hay gián tiếp mà thôi. Tức Tổ Sư Thiền có thể kiến tánh lúc còn sống, không cần đợi sau chết mới vãng sanh.

Tịnh Độ dù được vãng sanh, vẫn chưa được kiến tánh. Tại sao? Vì tất cả pháp đều không ngoài nhân quả. Nhân vô vi mới được quả vô vi, nhân hữu vi chỉ được quả hữu vi. Do cách tu của Tịnh độ chỉ gieo được nhân hữu vi, bản thể Tự tánh không đối đãi, chẳng thuộc có không, nên khi thực hành theo đường lối, phải gieo nhân vô vi mới được quả vô vi.

Tịnh độ cuối cùng cũng thành Phật, nhưng còn xa, vì là pháp gián tiếp. Người được sanh cõi Tịnh độ mới bắt đầu tu, nếu sanh nơi biên địa, là chưa được vào cõi Tịnh độ, sanh nơi hạ phẩm phải ở trong hoa sen mười hai đại kiếp mới được ra; Một đại kiếp gồm bốn trung kiếp, một trung kiếp gồm hai mươi tiểu kiếp, một tiểu kiếp là mười sáu triệu năm. Quý vị thử nghĩ xem là bao lâu? Còn tu pháp Tổ Sư Thiền, có thể ngay trong kiếp này được kiến tánh, như Long nữ trong Kinh Pháp Hoa tám tuổi thành Phật. Cho nên, pháp trực tiếp với pháp gián tiếp có khác, nhưng khi thành Phật là không khác.

Như trên đã nói, phải gieo nhân vô vi mới được quả vô vi, người tu Tịnh độ sau khi sanh cõi Tịnh độ lòng tin vững chắc rồi, bỏ được chấp tâm, mới chuyển từ niệm Phật qua tham thiền, từ nghi đến ngộ. Nghi tình là nhân vô vi, mới được sự ngộ là quả. Tại sao nói nghi tình là nhân vô vi? vì nghi tình là tâm không biết, chẳng dính mắc gì cả. Hễ có dính mắc là hữu vi.

Hỏi: Trong Kinh Duy Ma Cật, lúc ngài Duy Ma Cật bệnh, tại sao hàng đệ tử của Phật không ai dám đi thăm bệnh?

Đáp: Ấy là muốn tỏ bày: Bệnh của chúng sanh hay chấp thật, chấp có Phật, chấp không Phật ... bất cứ chấp vào cái gì đều là bệnh, nói “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh"", hễ chấp “thật có Phật tánh” cũng là bệnh, chấp “không Phật tánh cũng là bệnh, có chấp tức thành bệnh. Do đó Phật Thích Ca vừa thuyết liền phá, chỉ vì sợ chúng sanh chấp thật vào đó, khiến chẳng được giải thoát.

Trong Kinh Duy Ma Cật, mọi người khó hiểu nhất là về đoạn “Tu Bồ Để không xứng đáng đi thăm bệnh”:

Tu Bồ Đề đến nhà Duy Ma Cật khất thực, ngài lấy bát đựng đầy cơm, nói với Tu Bồ Đề:

- Này Tu Bồ Đề, đối với sự ăn bình đẳng thì các pháp cũng bình đẳng, các pháp bình đẳng sự ăn cũng bình đẳng. Khất thực như thế mới được lấy ăn.

Lại nói: “Nếu Tu Bồ Đề chẳng thấy Phật, chẳng nghe pháp, ngoại đạo là thầy của ông, vì họ xuất gia bị đọa, ông cũng đọa theo, mới được lấy ăn.

Chỗ này, nhiều người chú giải kinh muốn đem những đoạn văn phi lý trên giải thành có lý, đều đã hiểu sai lầm. Kỳ thật, đoạn này là do Tu Bồ Đề và Duy Ma Cật hợp tác để diễn tả lại nghĩa “Văn tự tánh không”.

Tu Bồ Đề chẳng phải không biết, nhưng muốn thị hiện việc sợ hãi bỏ chạy, để ngài Duy Ma Cật diễn tả về “Văn tự tánh không”, nên ngài nói:

- Này Tu Bồ Đề, cứ lấy bát đi đừng sợ. Ý ông thế nào? Nếu đem việc này hỏi người huyễn hóa của Như Lai làm ra, người ấy có sợ chăng?

- Không ạ.

Tất cả các pháp , tướng như huyễn hóa, tất cả ngôn thuyết đều chẳng lìa tướng huyễn hóa ... Nhiều người giảng kinh Duy Ma Cật đến chỗ này đều miễn cưỡng dùng lời giải hợp lý để giải

thích sự bất hợp lý, ấy là sai, là chấp thật vào văn tự lời nói. Nay phần nhiều học Phật đều chấp thật vào lời nói kinh điển, nên ở đoạn này, Duy Ma Cật chuyên phá vào những chấp thật như thế, nói “tánh văn tự tự lìa văn tự, tất cả các tướng đều như thế”.

* Về đoạn “Pháp môn Bất nhị”: ngài Duy Ma Cật im lặng, Bồ tát Văn Thù tán thán là “Chẳng có lời nói văn tự mới là chơn nhập pháp môn bất nhị”, nhưng hễ chấp vào sư im lặng của ngài là chơn nhập pháp môn bất nhị cũng là sai. Tại sao? Trong tứ cú: cú thứ nhất là ngôn ngữ, cú thứ nhì là im lặng, cú thứ ba: cũng ngôn ngữ cũng im lặng; cú thứ tư: chẳng ngôn ngữ chẳng im lặng. Hễ chấp vào im lặng tức lọt vào cú thứ nhì, cho nên, chúng ta tu Phật pháp, xem kinh phải hiểu ý Phật, chớ hiểu theo lời nói là sai. Ý Phật chẳng ở nơi lời nói, lời nói chỉ là công cụ phá chấp mà thôi.

Hỏi: Con trùng đứt làm hai thì tánh nó ra sao?

Đáp: Bản thể Tự tánh khắp không gian thời gian, đâu thể ở khúc này hay khúc kia? Nếu có ở khúc này hay khúc kia là không cùng khắp, chẳng phải bản thể tự tánh.

Hỏi: Tham thiền vô ngôn thuyết, lấy gì để dạy người?

Đáp: “Vô ngôn thuyết” là bản thể, cách thực hành chẳng phải là bản thể, là để đi đến bản thể. Ở trên đã nói, im lặng vẫn còn không được, như Kinh Kim Cang nói: “Do vô vi mà có sự sai biệt của các bậc Thánh hiền”. Vô vi làm sao có sai biệt? Thế nào là sai biệt? Tại chưa đến chỗ vô vi, đang trên đường đi, nên có đủ thứ sai biệt. Sai biệt thế nào? Giáo môn từ Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, cho đến Đẳng giác. Đến Diệu giác là chỗ vô vi rồi, đâu còn sai biệt? Chỗ đó là chỗ vô ngôn thuyết.

Ví như từ Chợ Lớn đến Sài gòn, nếu cứ một mực tiến thẳng là mau đến nơi, hễ ngó qua ngó lại những quang cảnh hai bên đường, nào là rạp hát, nào là điểm vui chơi ... vậy làm sao vô ngôn? Nên phải một mực thẳng tiến, chẳng bị cảnh giới quyến rũ. Có đi thẳng cũng phải đi đúng hướng, nếu không thì lệch ra ngoại ô chứ chẳng thể đến Sài Gòn.

Do đó, cách đi phải dùng ngôn thuyết, nói Thiền tông “Bất lập văn tự”, bất lập văn tự chẳng phải phế bỏ văn tự, nên có mười hai bộ kinh của Phật, hứ Đức Phật có phế bỏ văn tự đâu! Chỉ là đừng bị văn tự chướng ngại, đừng dính mắc vào văn tự thôi.

Cách thực hành phương pháp tham Thiền rất dễ, rất giản dị, nhưng lòng tin tự tâm rất khó, đáng lẽ Thiền môn chẳng cần dùng kinh giáo, nhưng vì tôi muốn tăng trưởng lòng tin tự tâm cho hành giả tham Thiền, nên có dịch thêm Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Kim Cang, Kinh Viên Giác, Kinh Duy Ma Cật, Yếu chỉ Hoa Nghiêm, Yếu chỉ Pháp Hoa ...

Hỏi: Trước khi tắt thở, chúng con phải làm gì?

Đáp: Tôi thường nói, chẳng có phương tiện gì khác, chỉ có “thuốc thoại đầu” là duy nhất, vì thuốc này đưa mình đến kiến tánh, kiến tánh rồi còn gì không giải quyết?

Nói đến vấn đề này, chẳng những già trẻ, lớn bé đều có thể chết thình linh, đã biết sanh tử vốn là không có, do vọng tâm chấp thật mới thành, đâu cần sợ sanh tử nữa? Chỉ giải quyết việc sanh tử thôi. Muốn giải quyết việc sanh tử, chỉ nhờ câu thoại đầu, nói đi nói lại muôn ngàn lần, cũng chỉ là câu thoại đầu.

Hỏi: Khi liệm có cần mang y theo không?

Đáp: Nếu nói về Tự tánh thì sanh tử vốn chẳng có, làm sao có y? Người thọ giới rồi là có y, nhưng đối với giới Thanh văn, từ ngũ giới, mười giới, sa di giới, cho đến Tỳ Kheo 250 giới, Tỳ Kheo Ni 348 giới, chỉ là tận hình thọ, tức thọ suốt một đời, hình hoại là hết, tự nhiên xả giới, vậy đem theo y làm gì?

Hỏi: Đến một ngày nào, niệm chẳng còn sanh diệt, đó là cảnh giới như thế nào?

Đáp: Đó là cảnh giới vô thỉ vô minh.

Hỏi: Thế nào là sự thấy của người trí và kẻ ngu?

Đáp: Diệt sanh diệt rồi, cho là không sanh diệt, đó là cảnh giới vô thỉ vô minh, ngoại đạo chấp đó là cứu cánh. Người thế gian diệt chỗ sanh diệt rồi, cho cái “không sanh diệt” là xuất thế gian, chẳng biết hai cái đều là thế gian, chưa phải xuất thế gian. Thật ra, trong Phật tánh vốn chẳng có cái “sanh diệt” để cho mình diệt, nếu có sanh diệt để diệt là còn nằm trong tương đối.

Nay đã biết sự sanh diệt là pháp thế gian, vốn là không, tại sao còn muốn phân biệt, muốn biết để làm gì? Vì biết là tai họa, là tướng bệnh, khiến tướng mạnh chẳng thể hiện ra.

Hỏi: Vậy thế nào là pháp xuất thế gian?

Đáp: Điều đó phải tự ngộ mới biết, nay hễ có nói đúng đều là pháp thế gian, đều là tương đối. Chẳng những là lời của tôi, dù là lời của Phật cũng vậy.

Hỏi: Pháp môn Tổ Sư Thiền là Tối Thượng Thừa, nhưng nếu hành giả tham thiền có ý cho pháp của mình tu là cao hơn thì không đúng, phải không?

Đáp: Tác dụng của bộ não là tướng bệnh, tham thiền dùng cái không biết chấm dứt tất cả tướng bệnh, để tướng mạnh được hiện ra.

Hỏi: Ý nghĩa xuất gia như thế nào?

Đáp: Nếu muốn chân tu giải thoát, thì Lục Tổ nói: “Xuất gia hay tại gia đều chẳng khác”. Xuất gia hay tại gia là tùy theo hoàn cảnh cá nhân, mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, nhân duyên khác nhau, xuất gia hay không tà tùy duyên, chứ không phải có sự nhất định, chẳng cần để tâm nhiều khiến chướng ngại.

Còn nói đến công đức lợi ích, thì theo Kinh Duy Ma Cật, xuất gia chẳng nói về công đức về lợi ích. Trong Truyền Đăng Lục, từ ông Vua, Thừa tướng, Quận trưởng, Tỉnh trưởng, đến tay bưng vai gánh, bán rau ngoài phố ... người gì cũng có thể kiến tánh, kiến tánh rồi cũng chẳng bỏ nghề: Vua vẫn làm Vua, Thừa tướng vẫn là Thừa tướng, đâu cần xuất gia mới tu được?

Hỏi: Trong các kinh Đại thừa liễu nghĩa, đều có một vị đại diện đương cơ để hỏi Phật. Riêng trong kinh Duy Ma Cật, ngài Duy Ma Cật là một cư sĩ tại gia, lại dám phê bình các vị đại Thánh Tăng về khuyết điểm này, khuyết điểm kia v.v... Vậy ngài là ai? Chắc chắn là chẳng phải tâm phàm phu chúng con có thể biết được?

Đáp: Duy Ma Cật là một vị cổ Phật, thị hiện Bồ Tát trụ pháp bất khả tư nghì, hơn các bậc Bồ tát thượng thủ của Phật Thích Ca, đầy đủ tất cả phương tiện trí huệ để dẫn dắt chúng sanh vào đạo Bồ tát chơn thật. Nếu là cư sĩ phàm phu, đâu có trí huệ năng lực và phương tiện như thế! Hễ cư sĩ phàm phu bắt chước là tạo tội nặng, thuộc tội phỉ báng, làm sao so sanh được!

Phàm tất cả kinh điển thuộc về Giáo môn, là pháp thiền gián tiếp, phải qua văn tự, lời nói, từ cạn vào sâu. Ví như phẩm Pháp môn bất nhị, Duy Ma Cật dùng lời nói quét lời nói, sau cùng dùng im lặng quét lời nói, và quét cả sự im lặng.

Còn Tổ Sư Thiền chẳng có cấp bậc, chẳng qua suy nghĩ lời nói, đi thẳng đến cứu cánh.

Hỏi: Trong Kinh Duy Ma Cật có nói đến pháp cúng dường, vậy chúng con phải cúng dường như thế nào mới đúng pháp?

Đáp: Đó thuộc về Giáo môn. Tổ Sư Thiền là giáo ngoại biệt truyền, không cần bắt chước Giáo môn, chỉ là giữ được nghi tình tức cúng dường tất cả. Vì Tự tánh khắp không gian thời gian, đâu phải ở ngoài? Có ở ngoài là nhị.

Hỏi: Công phu thành khối không còn biệt niệm, sao lại còn các thứ bệnh?

Đáp: Cái “Nghi tình” trong Tham Thiền Cảnh Ngữthuộc về chơn nghi, chơn nghi hiện tiền tức đến thoại đầu chứ chẳng phải nghi tình mà hiện nay chúng ta đang tập tham. Chơn nghi phát khởi thình lình, lúc đó chỉ còn tâm không biết, mới là “nghi tình” được phát khởi. Chơn nghi phát khởi là tất cả đều không biết, hễ còn biết tức tâm trộm cắp, chưa phải chơn nghi, đi đến chơn nghi là lạc đường tự tại.

Hỏi: Tham đến chơn nghi rồi, có khi nào bị thoái chuyển không?

Đáp: Nếu thật đến chơn nghi, đến thoại đầu thì không bị thoái chuyển nữa, sẽ thẳng đến kiến tánh, muốn không kiến tánh cũng chẳng được. Nếu chưa đến mà nói đã đến là bị thoái chuyển.

Hỏi: Có chí quyết định nhưng chưa đến thoại đầu, có bị thoái chuyển không?

Đáp: Chưa đến chơn nghi, gặp nhân duyên có thể bị thoái chuyển, nhưng chỉ một thời gian nào thôi, không bị thoái chuyển luôn, vì chánh nhân đã gieo thì chánh quả sẽ đến.

Hỏi: Người tham Thiền hay bị lạc vào các lối tẻ, gặp những trường hợp đó, làm sao biết được?

Đáp: Tôi thường nói “Chữ biết là cửa của tất cả tai họa”, chỉ cần giữ cái “không biết” mới không lọt vào lối tẻ, nên Tổ Sư Thiền cần có nghi tình, đã không biết thì làm sao biết lọt vào lối tẻ hay không?

Hỏi: Người tham thiền có rơi vào sự chướng và lý chướng không?

Đáp: Nếu có biết là rơi vào hai thứ trên, nếu không biết thì làm sao có cái hợp lý hay chẳng hợp lý, mà nói lọt vào lý chướng? Vì không biết thì chẳng đối đãi, tự nhiên chẳng lọt vào cái nào hết, hễ có biết là muôn ngàn sai biệt, muôn ngàn đường lối, chẳng lọt vào cái này cũng lọt vào cái kia.

Hỏi: Trong Triệu Luậnnói “Bát nhã quán không” và “Phương tiện quán hữu” như thế nào?

Đáp: Triệu Luậnthuộc Giáo môn, nói “phương tiện và trí huệ phải đi đôi mới là đại huệ”. Đó là đối với người hoằng pháp, có trí huệ phải có phương tiện.

Kỳ thật, nói Phương tiện và trí huệ phải đi đôi là ở trong Kinh Duy Ma Cật, rồi ngài Tăng Triệu dẫn chứng trong Triệu Luậnmà thôi. Chính ngài Tăng Triệu do đọc kinh và dịch kinh Duy Ma Cật phát trí huệ, mới biết hồi xưa học về thuyết của Lão Trang chưa cứu cánh. Ngài có những thiên tài diễn tả những gì người khác chẳng diễn tả được. Mặc dù diễn tả được, nhưng đều là pháp gián tiếp, phải qua bộ não suy nghĩ, đối với Giáo môn thì được, đối với Thiền môn còn cách xa lắm.

Nói “Bát Nhã quán không” và “Phương tiện quán hữu” là phần diễn tả, Tự tánh luôn luôn như thế, chẳng có quán không và vào hữu. Người tu Thiền quán của Giáo môn, như Tông Thiên Thai là quán không, tức Không Quán, cũng gọi là Sa Ma Tha, quán Hữu là Giả Quán, tức Tam Ma Bát Đề, quán trung đạo là Thiền Na ... thuộc pháp thiền gián tiếp.

Còn Thiền môn rất giản dị, chẳng quán không, cũng chẳng quán hữu, chẳng quán Trung đạo, chẳng năng quán sở quán, chỉ cần khởi lên nghi tình không hiểu không biết, là bao gồm tất cả kinh điển, giáo môn, pháp thế gian công thương kỹ nghệ, pháp xuất thế gian, thừa Thanh Văn, Duyên giác, Phật v.v... Có với không đều không biết, chẳng năng sở đối đãi, thẳng vào chỗ cứu cánh, nên chẳng lập phương tiện, cũng chẳng nói đến trí huệ.

Hỏi: Tại sao Thiên nữ trong Kinh Duy Ma Cật lại có thần thông biến hóa?

Đáp: Thiên nữ là bậc Bồ tát dùng để phá chấp của Thừa Thanh Văn Duyên Giác, để được bước đến Đại thừa. tất cả đều là phương tiên để phá chấp, chẳng phải có lý lẽ cao siêu. Nên chư Tổ nói “Ý của chư Tổ chẳng tại văn tự lời nói”, do người học đạo chấp vào lời nói, mới thành tà tông kiến giải.

Hỏi: Ý chánh Kinh Duy Ma Cậtnhư thế nào?

Đáp: Ý chánh là phá chấp thật, bất cứ Kinh luận nào cũng vậy.

Hỏi: Tại sao Thiên nữ lại biến Xá Lợi Phất thành người nữ? Là để phá chấp gì?

Đáp: Để phá chấp của Xá Lợi Phất. Vì Xá lợi Phất chấp có nam có nữ, hỏi Thiên nữ:

- Tại sao không chuyển biến thân nữ đi?

Thiên nữ đáp: Tôi chẳng phải người nữ mà hiện thân nữ, cũng như Xá lợi Phất chẳng phải người nữ mà hiện thân nữ.

Kỳ thật đâu có phân biệt! Do chấp tâm mới phân biệt nam nữ. Dục giới phân biệt nam nữ, Sắc giới văn còn phàm phu, nhưng đã không có nam nữ; đến Vô Sắc giới vẫn còn phàm phu, chẳng còn sắc thân, làm sao có thân nam nữ? Tại có người chấp “phải chuyển thân nam mới được thành Phật”, vốn là chẳng phải nữ, lấy gì để chuyển?

Ví như Thiên nữ rải hoa cúng dường, hàng Bồ tát đều không dính mắc, chỉ có hàng Nhị thửa, không muốn bị hoa dính thân lại bị dính mắc, đó là do có tâm chấp thật nên bị dính mắc, tâm chấp đã hết thì không bị dính mắc vậy.

Hỏi: Thế nào là “dùng cái không biết chấm dứt tất cả biết?”

Đáp: Chỉ là nhờ câu thoại đầu khởi lên nghi tình, nghi tình là không biết, giữ được cái không biết, tự nhiên tất cả biết đều chấm dứt, chứ không phải cố ý muốn khởi niệm chấm dứt. Giữ được nghi tình tức là chấm dứt, sự chấm dứt đó tự động, hễ khởi ý muốn không biết, muốn chấm dứt cũng không được.

Nói “chấm dứt” chỉ là để giải thích tác dụng của nghi tình, không giải thích thì nghi tình cũng tự động chấm dứt tất cả biết. Ví như khi sáng thì tối mất, khi tối thì sáng mất.

Hỏi: Thế nào là khảo công phu sau mỗi kỳ Thiền thất?

Đáp: Khảo là khảo sát, theo quy củ của Thiền đường, sau một kỳ Thiền thất là khảo sát công phu, xem có thật sự dụng công hay không? Như ngài Lai Quả nói: “Trong Kỳ Thiền thất, bao nhiêu người phải bận rộn, Long thiên hộ pháp, người hộ thất v.v... nếu hành giả không có công phu thì phụ lòng bao nhiêu người hộ trì cho đả thất”. Nên người chủ thất phải khảo sát mọi người trong Thiền thất có dụng công hay không, hỏi là biết liền.

Hỏi: Tới cảnh giới yên tịnh là thế nào?

Đáp: Cảnh giới tốt cũng chẳng thật, cảnh giới xấu cũng chẳng thật, có cũng chẳng thật, không cũng chẳng thật, nếu chấp cái “không” cho là thật, bệnh càng nặng hơn. Phàm đối đãi là biên kiến, cảnh giới gì cũng chẳng sao, chỉ là đừng chấp thật. Trường hợp tham đến cảnh giới yên tịnh, thân thể lắc lư cũng không chướng ngại, chỉ cần giữ nghi tình không biết, chỉ chú trọng đến nghi tình, tất cả biết sẽ bớt dần, bớt đến không còn biết gì cả, còn lại tâm không biết. Cuối cùng tâm không biết bùng nổ, tức các bệnh kiến văn giác tri hết, tác dụng của bộ não chấm dứt, cái biết của tự tánh hiện ra, gọi là Chánh biến tri, cũng gọi kiến tánh thành Phật.

Hỏi: Trong Cội Nguồn Truyền Thừacó đoạn “Tánh Thiền không trụ, lìa trụ nơi Thiền định; tánh Thiền vô sanh, lìa sanh có Thiền tưởng”. Thế nào là lìa sanh có thiền tưởng?

Đáp: Người tham thiền nếu giữ được nghi tình, làm sao có sanh khởi thiền tưởng? Có thiền tưởng tức biết mình tham thiền, phải luôn cả tham thiền cũng chẳng biết, mới thật sự không biết. Hễ còn biết tức bệnh còn, chưa phải cái biết bản thể Tự tánh khắp không gian thời gian.

Hỏi: Làm sao tháo gỡ tam độc tham sân si?

Đáp: Kinh Duy Ma Cật nói “tánh tham sân si là giải thoát”. Nếu chấp thật có ba thứ tham sân si thì tham sân si là tam độc, nếu chẳng chấp thật, tham sân si vốn chẳng thật có, tức thành giải thoát, đó là nói theo Giáo môn. Còn Thiền môn càng giản dị: Chỉ cần không biết, đã là trị, đã là lìa rồi, cũng chẳng cần biết tới có chấp thật hay không chấp thật, nếu biết là tai họa.

Hỏi: Con theo Sư phụ đã lâu, đến nay vẫn chưa được cái gì, ấy cũng do chấp tâm của con, nên Sư phụ cho một bài kệ: “Thấy gió động là tự tâm thổi cây, biết mây sanh là Tự tánh nổi trần. Nếu biết rõ việc hôm nay, thì che khuất mặt bản lai”. Nhưng sao cho đến nay con vẫn thấy cây còn động?

Đáp: Do kiến giải quá nhiều, lại tự cho kiến giải của mình cao hơn người khác, chính những cái đó làm chướng ngại công phu. Kinh Pháp Bảo Đànnói: “Trực tâm là đạo tràng”, tâm phải ngay thẳng, tâm không ngay thẳng thì dù tu cách nào cũng chẳng thành chánh pháp, chỉ thành tà ma ngoại đạo.

Bệnh này cũng vì chưa tin tự tâm, muốn có sở đắc có sở cầu, có sở sợ, hễ tin tự tâm đầy đủ, tự nhiên tin nhân quả; có nhân mới có quả, chứ chẳng phải có thể dùng trí thức của mình, dùng thủ đoạn có thể mong cầu được. Khỏi cần mong cầu, nếu nhân đã gieo thì chẳng cầu quả cũng đến.

Nếu không gieo nhân, mà muốn dùng thủ đoạn, trí thức để đắc, dù đắc được cũng là gieo cái ác nhân, sau này được ác quả, chẳng phải hưởng được quả do mình đoạt.

Hỏi: Dụng công thế nào mới được thâm nhập công phu?

Đáp: Chẳng có phương tiện gì khác, chỉ cần đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, chính cái nghi tình không hiểu không biết, hễ giữ được nghi tình là tất cả giải quyết. Tham Tổ Sư Thiền rất chú trọng nghi tình, ngoài ra chẳng phương tiện nào khác.

Hỏi: Có phải Đức Phật là người đầu tiên được giác ngộ?

Đáp: Kinh Viên Giác nói vấn đề trước sau là việc trong chiêm bao, còn ở trong luân hồi. Nếu đã ra khỏi luân hồi thì chẳng còn việc trước sau, chẳng còn đối đãi. Nay chưa ra khỏi luân hồi, trong chiêm bao nói mê ngộ, trước sau, sanh tử ... cũng là việc trong chiêm bao, cứ đem việc chiêm bao nghiên cứu mãi, cho là hợp lý hay không hợp lý, là việc đáng buồn cười, vì vốn chẳng có thật! Nên chư Phật chỉ muốn chúng ta thức tỉnh, để không còn bị lý chướng.

Hỏi: Chúng con có thể tự giác ngộ, hoặc lý bắt buộc phải có thầy?

Đáp: Chẳng có lý bắt buộc. Trong Kinh Viên Giác nói:

Thừa Thanh Văn, nghĩa là do nghe âm thanh của Phật mà giác ngộ, còn Bích Chi Phật nghĩa là độc giác, phải tự mình giác ngộ. Chính ngài Lục Tổ nói: “Tự tánh mình sẵn có thiện tri thức”, cũng có người chẳng nhờ thầy thuốc mà hết bệnh, nhưng nay do chấp tâm quá nặng, phải có thầy thuốc mới được,

Hỏi: Tại sao có những sách giác ngộ, tác giả nói “Nếu có sơ sót, xin hãy chỉ giáo cho?” Đã là sách giác ngộ, tại sao còn sơ sót?

Đáp: Chớ nói là sách của phàm phu, dù là kinh Phật, vẫn còn có sơ sót. Lại, khi in phải qua khâu sắp chữ, khâu in, làm sao tránh khỏi sai sót? Chính từ câu nói của Phật, cũng còn mâu thuẫn: Ví như nói “Từ vô thỉ đến nay”, đã vô thỉ làm sao đến nay? Ví như Phật nói “Chỉ có nhất Phật thừa, chẳng có hai và ba ...” , chính Phật dạy thừa Thanh Văn, Duyên giác, Đại thừa ... vậy đâu có đúng? thế là lời Phật tự mâu thuẫn sao? Vì bản thể Tự tánh chẳng thể nói, chẳng thể suy lường, hễ dùng lời nói của thế gian tự nhiên phải có sai sót vậy.

Hỏi: Con đồng ý là ngôn ngữ có giới hạn, nhưng sự giác ngộ làm sao có sơ sót?

Đáp: Nay tôi kể một công án làm bằng chứng cụ thể:

Ngài Cao Phong, Nguyên Diệu Thiền sư đã phá được Trùng quan, thầy của ngài hỏi:

- Ban ngày ồn ào, làm chủ được không?

- Được.

- Ban đêm chiêm bao, làm chủ được không?

- Được.

- Lúc ngủ mê chẳng chiêm bao, chẳng suy nghĩ, chủ ở đâu?

Ngài trả lời không được. Thầy bảo: Từ nay về sau, chớ học thiền học đạo, cứ đói ăn mệt ngủ, khi thức giấc rồi phải tự hỏi “Nãy giờ ngủ mê chẳng chiêm bao, chủ ở đâu?”.

Như thế tham thêm 5 năm, một hôm đang ngủ, người đồng tham ngủ bên cạnh đánh rơi chiếc gối phát ra tiếng, khiến ngộ triệt để, mới đến Mạt hậu Lao quan.

Trước kia do bị sự ngộ của Trùng quan chướng ngại, chẳng thể đến Lao quan, nay sự ngộ ấy tan rã, mới đến được Lao quan. Người đã triệt ngộ, do giữ sự ngộ còn không được, nay ông chưa ngộ, cứ muốn ôm cái ngộ đó, làm sao được? Kinh vốn chẳng đúng sai, do ông chấp thật, cho là kinh phải đúng, nên mới thành sai, ấy là tâm của ông sai.

Trong kinh Pháp Bảo Đàn, có người hỏi Lục Tổ:

- Pháp của Huỳnh Mai người nào được?

Đáp: Người ngộ thì được.

Tổ có được không ?

Đáp: Tôi chưa ngộ.

Nếu chấp thật, thì Lục Tổ nói đúng hay sai? Cho nên, đuổi theo lời nói là con chó đuổi theo cục xương. Hễ tôi trả lời theo câu hỏi của ông cũng là sai.

* Tòng lâm Trung Quốc là người nào đến ở cũng được, người ở lại Tòng lâm gọi là thường trú, mọi người như là người chủ trong chùa, bất cứ ở lại một ngày, mười ngày hay mười năm, tất cả quyền lợi và nghĩa vụ đều bằng nhau, đến khi nào đi khỏi mới thôi.

Trụ trì của chùa thường là người đã kiến tánh, do quan chức địa phương thỉnh về làm chức vị Trụ trì. Có một vị Trụ trì đặt ra ba điều kiện, người nào hội đủ ba điều kiện mới được ở lại. Do ba điều kiện đó quá khắc khe, khó thực hành, nên chẳng ai được thông qua.

Một hôm, có một vị Tăng đến, đi gặp thẳng ngài Trụ trì, Trụ trì hỏi:

- Đã thông qua ba điều kiện chưa?

Đáp: Điều kiện gì chẳng cần biết, nay con chỉ muốn ở lại!

Ngài Trụ trì mừng rỡ, liền sắp xếp chỗ ở cho vị ấy. Tại sao? Vì bấy lâu nay cả ngàn người đến mà mọi người do chấp theo lời nói, nên chưa ai được vào.

Hỏi: Giới Thanh Văn như Ngũ giới, mười giới, Sa di giới, Tỳ Kheo v.v... đều chỉ là tận hình thọ, vậy Bồ Tát giới thì sao?

Đáp: Bồ tát giới thì khác, từ kiếp này qua kiếp khác, từ thân này đến thân Phật, mãi mãi không mất, cho đến chứng quả vẫn còn. Tại sao? Vì Bồ tát giới là giới tâm địa, hễ tâm không mất thì giới không mất. Vì là giới tâm địa, nên mống tâm là phạm.

Hỏi: Trong Trung Phong Pháp Ngữcó bài ca Liền Thôi (Tức Hưu Ca), chữ Thôi này là thôi cái gì? Có phải thôi cái vô thỉ vô minh?

Đáp: Tất cả lời của chư Phật chư Tổ đều là phương tiện tạm thời, bản thể Tự tánh gọi là bất nhị, lấy gì để thôi? Vô minh vốn chẳng có, làm sao có gì để thôi? Tất cả đều do vô minh mới có sanh khởi; từ vô minh sanh nhất niệm vô minh, tức tác dụng bộ não, rồi chia thành muôn ngàn sai biệt. Người kiến tánh phá tan vô thỉ vô minh, tất cả đều không còn, tức bản tri hiện, gọi là kiến tánh thành Phật.

Nay do chúng sanh chấp thật có, nên nói là “thôi”, nếu không còn chấp, lấy gì để thôi? Đó chỉ là phương tiện, nay khi thực hành, khởi lên nghi tình không hiểu không biết, đã là thôi rồi! Bát nhã không qua sự tác ý, không qua sự tác ý là chẳng làm, chẳng làm mà làm, do sự dụng của Bát nhã tự làm, có qua sự tác ý là vọng, là tác dụng của bộ não.

Hỏi: Con nghe nói Tịnh độ niệm Phật một câu tiêu tám muôn ức kiếp tội, nay tham thiền thì sao? Được mau tiêu tội không?

Đáp: Chớ nói niệm một câu Phật hiệu tiêu được tám muôn ức kiếp tội, hễ niệm Phật một câu tiêu được một ngày tội cũng đủ rồi! Cứ suốt ngày tạo tội, chỉ cần niệm một câu Phật liền tiêu, vậy thì đâu có sợ tạo tội! Một kiếp biết bao lâu không? Hễ một câu niệm Phật tiêu được tám muôn ức kiếp tội, thì hiện nay tội đã không còn.

Niệm Phật hiệu rất dễ, đời người chỉ có một trăm năm, vậy cứ tạo tội mãi mà chẳng sao! Nếu được như thế, đâu cần làm thiện, cực khổ tu hành làm gì ? Nên biết câu nói trên là sai, vì không có nhân quả, tức tạo ác nhân cũng được thiện quả? Việc không có nhân quả là phá hoại Phật pháp, không nên theo.

Hỏi: Đại Thừa Khởi Tín Luận từ đời ngài Mã Minh đến nay, đã trải qua gần hai ngàn năm không đính chính, sao đến nay ngài Nguyệt Khê mới đính chính? trong khi các Phật học viện đều dùng luận này làm tài liệu giảng dạy?

Đáp: Phật pháp gọi là tùy duyên, chư Tổ từ xưa nay đều là tùy duyên, kể cả việc hoằng pháp. Phật Thích Ca nói: “Không có duyên là không độ được”, duyên chưa đến, nói ra người ta chẳng tin cũng vô ích, duyên đã chín mùi, nên nói ra là người tin.

Pháp sư Nguyệt Khê chẳng những đề cập đến tác phẩm Đại Thừa Khởi Tín Luận, còn nói đến Chứng Đạo Ca: Ngài nói tác giả bài Chứng Đạo Cachẳng phải là của Vĩnh Gia Đại sư, mà là của Thần Hội, có dẫn chứng cụ thể trong cuốn Cội Nguồn Truyền Thừa.

(Sư phụ đã dẫn dụ về Chơn như duyên khởi, lược qua).

Hỏi: Tất cả cảnh giới đều chẳng thật, tại sao kinh nói “Bát nhã vô biên nên ngũ uẩn vô biên?”

Đáp: Nếu có thật phải có biên, làm sao vô biên? Vì chẳng thật nên nói là vô biên.

Hỏi: Vì sao Kinh Kim Cang có hai phần giống nhau: Đức Phật đã thuyết ở phần trước, phần sau lại thuyết thêm một lần nữa? Ví dụ Phật thuyết: “Chẳng phải có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp?”

Đáp: Phật thuyết về bề mặt thì người ta chấp về bề trái, rồi Phật lại phải phá bề trái. Ví như Phật nói “phá chấp thật”, mọi người không chấp cái thật, lại chấp cái giả cho là thật; Phật nói “tất cả đều chẳng thật”, chúng ta lại đuổi theo câu nói đó, cho là thật có cái “tất cả đều chẳng thật” ấy, nên phải thuyết hai lần: Lần trước phá chấp thật, lần sau phá cái chấp “Chẳng thật” đó.

Hỏi: Có phải khi tham đến nghi tình thành khối mới thật sự chấm dứt cái biết?

Đáp: Đúng. Nghi tình thành khối là chơn nghi, mới thật sự chấm dứt được, còn bây giờ có lúc biết có lúc không biết, chưa phải thật chấm dứt. Nhưng phải tiến dần, giữ được nghi tình lâu thì sự biết giảm bớt, và cái không biết thêm dần.

Hỏi: Ngài Tăng triệu nói “huyền đạo ở nơi tuyệt xứ, nên không biết mà biết”. Không có xứ sở làm sao biết?

Đáp: Tuyệt xứ là nghĩa vô sở trụ, không có chỗ mới khắp không gian, đâu có thiếu sót!

Hỏi: Thế nào là “tham là chánh tri, nghi là chánh hạnh” của Lai Quả Thiền sư?

Đáp: Chánh tri là không biết. Giữ được nghi tình là chánh tri, tức chánh hạnh. Vì không có chỗ biết, khắp không gian thời gian, nên gọi là chánh tri.

* Một vị tăng trình công phu:

Gần đây, công phu của con có những hiện tượng như là: làm việc thì làm, đi đứng nằm ngồi tựa như vô ký nhưng không phải vô ký. Có khoảng độ nửa giờ, con không biết mình là cái gì, rồi thấy tối hết cả bầu trời, rồi bù đầu bù óc, lỗ tai nghe một tiếng bừng, nhường như bể tung cả đầu hoặc điếc cả lỗ tai. Trải qua ba bốn ngày như thế ... rồi con tự nói “Mặt mũi của ta không phải như thế này!” vậy nên như thế nào và không nên như thế nào?

Đáp: Ở trên đã nói, chánh tri chánh hạnh là nghi tình, những gì sư mới kể đó là biết hay không biết? Nếu không biết làm sao kể ra? Đó là cái biết chứ chẳng phải cái không biết của nghi tình. Sách Nho nói: “Một ngày là ba năm, ba năm như một ngày”, ấy còn có biết về thời gian, Sư nói “không biết”, thì làn sao biết rõ khoảng khắc đó là nửa tiếng? Đó là do không giữ được nghi tình, nếu thật sự không biết, thì luôn cả cái không biết cũng không biết ...

Nay tôi kể một công án cho sư tăng trưởng lòng tin tự tâm:

* Ngài Đại Huệ là vị Tổ sư danh tiếng, dù đã kiến tánh, nhưng chưa ra hoằng pháp chính thức. Lúc ngài còn làm Thủ tọa ở một Tòng lâm, vì ngài đã kiến tánh, nên được mọi người ghi lại tất cả lời nói thành ngữ lục. Trong đó có một vị tăng, đang đọc Ngữ lục của ngài được giải ngộ, mừng rỡ tưởng đã chứng ngộ, bèn tìm đến ngài để xin ấn chứng.

Nói :

- Con xem Ngữ lục của ngài được ngộ, nay đến trình sự ngộ của con.

Đại Huệ nói: “Không phải, không phải, hãy đi đi!”

Tăng nói: Con chưa trình ra, sao nói không phải?

Đại Huệ nói: “Không phải, không phải”.

Tăng muốn nói hai ba lần mà ngài cứ đuổi đi. Vì hễ ngộ là lạnh nóng tự biết, sao lại phải trình? Sự ngộ đâu phải đuổi theo lời nói để trình? Hễ có trình tức chưa ngộ.

Ví như sự ngộ của ngài Lâm Tế, (Sư phụ đã kể về công án Lâm Tế được ngộ, lược qua). Sau khi ngộ, Lâm Tế đánh lại Huỳnh Bá, vậy mà Huỳnh Bá cười ha hả. Ấy là trình sự ngộ, đâu có kể?

Về sự ngộ của Thiền sư Nam Tuyền: Thầy của ngài hỏi:

- Hôm nay nấu cơm đủ ăn không?

- Ngậm cái miệng chó lại!

Ấy là trình sự ngộ. Người đã ngộ đâu có vấn đáp gì, hễ còn kể ra là chưa đến ngộ, là lý chướng, là tác dụng của bộ não. Nay muốn đạt đến pháp yên ổn, phải chấm dứt tướng bệnh, cứ ôm tướng bệnh cho là đúng thì làm sao đạt đạo?

Hỏi: Xin Sư phụ khai thị về ý chỉ những công án trên?

Đáp: Người đã ngộ là chứng pháp vô sanh, pháp đã vô sanh, lấy gì để nói? Làm sao có cái gọi là hợp lý?

Ví như công án của Mã Tổ và Hoài Nhượng, hỏi:

“Xe bò không đi, đánh xe phải hay đánh bò phải?”. Theo lẽ thường của thế gian là phải đánh bò, nhưng nếu hiểu như thế không bao giờ ngộ. Hễ kể ra có lý tức chưa ngộ,còn chấp vào lời nói văn tự, kẹt nơi lý chướng. Những công án kể trên là sự chướng và lý chướng đã không còn.

Hỏi: Xin Sư phụ chỉ cho cách buông bỏ?

Đáp: Bản thể tự tánh bất nhị, do A La Hán chưa kiến tánh triệt để, chỉ ở nửa đường, nên ngài Ca Diếp mới bảo phải buông bỏ. Chẳng những quả A La Hán, chứng quả Phật vẫn còn phải buông bỏ, nếu cho “ta đã chứng quả Phật” tức còn ngã chấp, trong kinh gọi là chúng sanh tướng. Nếu còn trụ nơi Niết bàn là Thọ giả tướng, còn giữ cảnh ngộ tức chưa cứu cánh.

Hành giả tham thiền đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, giữ được nghi tình là buông bỏ.

Hỏi: Thế nào là “con chó nhảy qua tường” và “con chuột qua sừng trâu” trong Thiền Thất Khai Thị Lục?

Đáp: Thí dụ chỉ là phương tiện tạm thời, Tự tánh bất nhị, chẳng thí dụ nào có thể đến. Lời nói, văn tự, suy nghĩ còn chẳng thể đến, nói gì đến thí dụ?

Chớ nói là thí dụ, dẫu cho tên gọi, như ngài Tăng Triệu nói “Tên chẳng đúng thật, thật chẳng đúng tên”, chấp thật thí dụ là kẹt nơi danh tướng, người tu hành phải lìa danh tướng, chớ bị kẹt vào danh tướng.

Lời nói của chư Phật chư Tổ chỉ để tăng cường lòng tin của mình để quyết tử tu, chứ không phải để chấp vào thí dụ.

Hỏi: Làm sao biết là khai tiểu ngộ?

Đáp: Tiểu ngộ tức giải ngộ, cũng là cái biết của người mù, chướng ngại cho đại ngộ. Đại ngộ là chứng ngộ, tri giải đã tuyệt, chẳng còn kiến giải nào mới được chứng ngộ. Nói “mạng căn” tức là sự ngộ, “mạng căn chưa dứt” là còn giữ cái ngộ, chỉ là tiểu tử tiểu hoạt, dù đã ra khỏi sanh tử luân hồi, nhưng sự dụng chưa được đại cơ đại dụng, nên gọi thọ mạng tướng. Mạng căn dứt là đến Lao quan, khi nào sự ngộ ấy tan rã mới đến Lao quan.

Nay hành giả tham Thiền cần lo đi đến ngộ, đang tham thiền hiểu thiền hiểu đạo còn không cho, làm sao muốn biết đến sau khi ngộ? Chưa ngộ mà cứ muốn ôm cái ngộ trước, ấy là sự chướng ngại, không khi nào ngộ được.

Hỏi: Chúng con đi dự đám tang, có thể mang theo chuông báo hiệu không?

Đáp: Hành giả tham Thiền không có nghi thức gì cả, nghi lễ lâm chung phải làm sao ư? Phật pháp chỉ cần giải thoát khổ sanh tử, hồi thời Phật đâu có những thứ này? Ấy do người đời sau bày đặt ra, là thuận theo thế tục, người ta làm theo nghi lễ phiền phức, nay mình cũng hành theo, vậy đâu có khác! Chính Phật Thích Ca ngăn ngừa những nghi lễ này, nhưng sau này con cháu còn làm quá hơn Bà La Môn. Nay thấy Tông Tịnh độ có nghi lễ của Tịnh độ, lại muốn đặt ra nghi lễ của Thiền tông để thay thế, có khác gì thay sợi dây xích sắt bằng sợi dây xích vàng! Chi bằng cởi bỏ, có phải tự do không?

Ngài Lục Tổ nói: “Thiền định giải thoát là nhị, chẳng phải Phật pháp”, nay chúng ta tu pháp môn nào cũng vì muốn đạt đến giải thoát, nhưng tại sao Lục tổ nói giải thoát không phải Phật pháp? Do chấp thật có sự trói buộc, nên phải giải thoát, vốn chẳng có trói buộc, đâu cần giải thoát! Như tôi thường thí dụ về căn nhà xoay, căn nhà vốn không có xoay, làm sao nói là ngưng xoay? Thiền tông tự ngộ vốn chẳng trói buộc, nên không có giải thoát.

Hỏi: Việc đốt liều trên thân như thế nào?

Đáp: Ngày nay thọ giới Bồ Tát phải đốt liều trên đầu, nhưng việc này không có trong giới luật. Những Luật sư chính thức bên Luật tông, cũng như trong cuốn Giới Luật Học Cương Yếunói “đó là những thói quen xấu do người đời sau bày đặt ra”. Trong Kinh Phật cũng có nói về vấn đề đốt liều, nhưng phải hiểu ý Phật, hãy xem kỹ lại Kinh Lăng Nghiêmvề phần lược giải của tôi sẽ hiểu sâu sắc hơn.

Hỏi: Thế nào “không trụ tướng bố thí?”

Đáp: Người bố thí thường cho ta là năng thí, có người nhận sự bố thí, trong đó có tài vật bố thí, ấy là trụ tướng bố thí. Hành giả tham thiền chỉ giữ nghi tình tham tới mãi, bố thí mà chẳng biết mình bố thí, chẳng có năng sở, tức không trụ tướng bố thí.

Nhưng, bố thí tài vật thân mạng, không bằng bố thí tri kiến: Nhiều người bảo họ bỏ thân mạng thì được, bỏ tri kiến thì không, dù bỏ thân mạng, bằng mọi cách cũng phải bảo vệ tri kiến, giữ lại tri kiến của mình, bằng mọi lý do chống cự lại người phá tri kiến của mình, vậy làm sao đến được tri kiến Phật.

Trung Quán Luậnnói: “Diệt kiến yên ổn pháp”, phải dứt sạch tất cả tri kiến, mới có thể đến tri kiến Phật, được pháp yên ổn. Pháp yên ổn tức pháp Niết bàn, hễ còn năng sở đối đãi thì không bao giờ đến được.

Kinh Duy Ma Cậtnói: “Pháp chẳng thể kiến văn giác tri, nếu hành theo kiến văn giác tri, ấy là kiến văn giác tri, chẳng phải cầu pháp”.

Hỏi: Bố thí tất cả tri kiến có phải còn trụ nơi Hữu Dư Niết Bàn?

Đáp: Đã bố thí tất cả tri kiến, làm sao có tri kiến Niết bàn? Nếu chấp có Niết bàn thật để trụ, cũng là tri kiến vậy.

Hỏi: Trong Triệu Luậnnói: “Đại tượng vô hình, không thấy mà thấy”, là thấy thế nào?

Đáp: Cái thấy của bản thể khắp không gian thời gian, luôn luôn như thế, cái thấy của bộ não chẳng thể thấy. Có hình và vô hình là đối đãi, sự thấy của bản thể vốn chẳng đính dáng với có hình và vô hình, vì đã cùng khắp.

Hỏi: Thể nào là “Tri chẳng có hai người, pháp chẳng có hai thứ?”

Đáp: Tri là biết, cái biết của bản thể là Chánh biến tri, khắp không gian thời gian, ở ngoài không gian chẳng có không gian, ở ngoài thời gian chẳng có thời gian. Chỉ có một cái tri, nay thêm vào cái tri chẳng cùng khắp của bộ não, thành hai cái tri, vậy thành có hai người sao? Thực tế chỉ là một cái tri, còn cái tri của bộ não là tướng bệnh, khi mạnh thì không. Nay tham thiền là chấm dứt tướng bệnh, cho tướng mạnh hiện ra.

Hỏi: Vậy cái tri của bộ não có phải là cái bóng của Chánh biến tri?

Đáp: Nói là bóng cũng không đúng. Kinh Lăng Nghiêmnói “Bản tri là đệ nhất nguyệt”, do con mắt bệnh mới thấy mặt trăng thứ hai, chứ chẳng phải bóng của mặt trăng thứ nhất.

Hỏi: Sư phụ nói “pháp chẳng hai thứ”, nhưng tại sao Đức Phật dạy vô lượng pháp môn?

Đáp: Vô lượng pháp môn là phương tiện, vì bệnh chấp của chúng sanh vô lượng, nếu bệnh chấp của chúng sanh không có thì một pháp cũng chẳng có. Cho nên nói: “Không có pháp gọi là Phật pháp”. Kinh Kim Cangnói “Pháp còn phải bỏ, huống là phi pháp!” , “Ai nói Như Lai có thuyết pháp là phỉ báng Phật”, “Vốn chẳng có một pháp do Như Lai thuyết” ...

Hỏi: Ngài Bảo Phương dạy “Sau khi ngộ lấy vô tâm làm chánh dụng”, ngài Lai Quả nói “Sau khi ngộ khởi vọng tưởng cho nhiều”, hai điều trên có chống đối nhau không?

Đáp: Lời của chư Tổ đều là tùy bệnh cho thuốc, chúng sanh chấp cái nào phá cái đó. Nếu nói vô tâm là dụng, thì Tổ sư lại nói: “Vô tâm còn cách núi muôn trùng”. Bất cứ chấp hữu chấp vô đều là bệnh, nếu chấp VÔ là thật, tức chấp vào đoạn diệt, thành ngoại đạo, còn nói về “sau ngộ phải nổi vọng tưởng” là bảo nhiệm, tất cả chỉ là lời diễn tả, không thật.

Hỏi: Ngài Nguyệt Khê đã ngộ, sao còn đi bác sĩ chữa bệnh?

Đáp: Ở thế gian phải tùy duyên của thế gian, có bệnh thì đi tìm thầy thuốc, người kiến tánh cũng vậy. Ấy là thị hiện thân bệnh, đến lúc lâm chung cũng thị hiện sanh tử, chẳng có đặc biệt hay khác hơn người thường. Nên nói pháp xuất thế gian chẳng hoại pháp thế gian, nếu có hoại pháp thế gian thì chẳng phải chánh pháp. Do đó, pháp thế gian, pháp xuất thế gian bất nhị, chẳng phải có hai, do người chấp thật mới thành hai.

Hỏi: Nghiên cứu Thiền Đạo Tu Tậpcủa Trương Trừng Cơ và Thiền Luậncủa Suzuki có lợi ích gì?

Đáp: Chẳng có lợi ích, vĩnh viễn không thể đạt đến kiến tánh. Tác dụng của Tổ Sư Thiền là muốn trị hết tướng bệnh của bộ não, nên phàm lọt vào suy nghĩ, lời nói văn tự, đều là tướng bệnh. Có lý cũng là tướng bệnh, hễ lập ra chân lý là phải đúng lý hay không đúng lý, Tự tánh bất nhị, làm sao có đúng hay không đúng, hợp hay chẳng hợp?

Suzuki dạy người giải công án chứ không phải tham công án, cứ giải thấu công án này rồi dạy công án khác để tìm hiểu đáp án, chỉ là kiến giải, là kéo dài tướng bệnh, chẳng thể trị hết bệnh mù.

Kinh Lăng Nghiêmnói “Tất cả tri kiến đều là căn bản của vô minh, thuộc pháp sanh diệt, chẳng kiến lập tất cả tri kiến mới là tri kiến Phật”. “Tri kiến vô kiến, tư tức Niết bàn”, Niết bàn không sanh diệt, làm sao dùng bộ não có thể giải được!

Còn Trương Trừng Cơ cao hơn Suzuki một chút, cũng là bệnh chấp thật, (Sư phụ dùng chữ VÔ của Bát nhã Tâm kinh để dẫn chứng, lược qua). Phải diệt hết tất cả lý chướng và sự chướng, mới có thể kiến tánh thành Phật.

Hỏi: Ra sức tham Thiền có ảnh hưởng gì không?

Đáp: Ông đạp xích lô là phải ra sức đạp, nhưng tham thiền khởi lên nghi tình chỉ là dùng cái không biết chấm dứt tất cả biết, đã không biết thì làm sao biết ra sức? Chỉ là cảm thấy không biết, cái không biết đó chạm với tánh sẵn biết rồi tự thành nghi tình, khỏi cần ra sức.

Lúc đầu hoằng dương Thiền tông, do mọi người đối với pháp Tổ Sư Thiền còn mới lạ, vì muốn tăng trưởng lòng tin của mọi người, nên tôi dùng phương tiện khuyên hành giả ráng, dù nhức đầu, tức ngực, khó thở cũng không sao.

Cũng như Phật Thích Ca dạy người tu Tiểu thừa, đến khi chứng quả A La Hán, Bích chi Phật rồi, bảo người Nhị thừa bỏ pháp đó, để tiến tu Đại thừa. Lời của tôi cũng vậy, là khiến cho mọi người có lòng tin, đến nay lòng tin pháp môn đã vững, tôi nói là phải tin tự tâm: Nếu lòng tin tự tâm đầy đủ thì khỏi cần ra sức. Vì “ra sức” chỉ là phương tiện tạm thời cho lúc ban đầu, nếu ra sức mãi sẽ có hại.

Hỏi: Sau khi Sư phụ ra đi, đối với những người phát tâm tham thiền thì sao?

Đáp: Sự thật chẳng phải có pháp nhất định gọi là Phật pháp. Kinh Kim Cangnói “Pháp, phi pháp, phi phi pháp”, chẳng có pháp nhất định mà Như Lai thuyết. Chánh pháp chỉ là trị bệnh chấp thật của chúng sanh mà thôi.

Theo cơ bản cuốn Đường Lối Thực Hành Tham Tổ Sư Thiềnnày, nếu tin tự tâm đầy đủ thì biết tự tâm mình bằng như chư Phật, tức Chánh biến tri khắp không gian thời gian, tự nhiên thực hành được chín chữ “Vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ”, tự nhiên đúng với tông chỉ Tổ Sư Thiền. Dù kiếp này chưa kiến tánh, kiếp sau cũng sẽ kiến tánh. Vì có nhân ắt có quả, đến trước hay sau cũng sẽ đến. Có tôi ở đây hay vắng tôi cũng chằng khác, chỉ là theo Đường lối thực hành tham Tổ Sư Thiềnđể thực hành, và có thể đọc thêm một số Kinh sách để tăng trưởng lòng tin tự tâm, chứ không phải dạy thêm giáo lý …

Hiện nay mỗi tháng hai kỳ giải đáp thắc mắc cũng chỉ vì hành giả chưa đủ lòng tin, mới đưa ra câu hỏi, và tôi giải đáp để lăng cường lòng tin cho quý vị mà thôi, chứ không phải là tôi cho biết thêm giáo lý cao siêu.

Kinh Kim Cang nói: “Pháp còn phải bỏ, huống là phi pháp”, lại, “như chiếc bè qua sông, đến bờ thì phải bỏ bè”, đâu có pháp thật? Nếu chấp có pháp thật là nghịch với ý Phật vậy.

----o0o---

Vi tính: Minh Trí - Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/10/2024(Xem: 485)
Đây là lần thứ hai tôi đến Tu Viện Gaden Shartse Thubten Dhargye Ling (còn được gọi là Chùa TDL) tại Thành Phố Long Beach, Miền Nam California, Hoa Kỳ. Lần đầu tôi đến đây cách nay vài năm để làm phóng sự cho pháp sự kiến tạo Mạn Đà La do chư Tăng từ Tu Viện Gaden Shartse Monastery tại Ấn Độ sang thực hiện.
28/09/2024(Xem: 1141)
Vào lúc 09h00 ngày 27/9/2024 (nhằm 25/8/Giáp Thìn), môn đồ pháp quyến Tổ đình chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa đã trang nghiêm thiết lễ Huý nhật thường niên Tưởng niệm Cố Hoà thượng Thích Trí Viên và Hiệp kỵ chư Tôn Sư khai sơn tạo tự. Quang lâm tham dự lễ có sự hiện diện của HT. Thích Quảng Thiện, Hoà thượng Thích Nguyên Quang đồng thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo Hội, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hoà; cùng chư tôn Hoà thượng chứng minh, chư tôn giáo phẩm Thường trực Ban Trị sự, chư Tôn đức Tăng, Ni và đông đảo quý Phật tử thành phố Nha Trang về tụng kinh, thắp hương tri ân tưởng niệm.
18/09/2024(Xem: 613)
Trong vũ trụ bao la vô bờ bến, từ vô thỉ đến vô chung; với những cơn sóng bạt ngàn giữa lòng đại dương, hay những khe suối ẩn mình chảy róc rách giữa chốn rừng sâu, hay những cơn đại phong thịnh nộ thổi đi những bảo vật ra tận chốn mù khơi! Một chúng sanh có nhiều yếu tố nhân duyên hội tụ để rồi tan hợp, hợp tan. Từ dòng nghiệp thức ấy, đã xuất hiện những bông hoa xinh đẹp, để tô điểm cho cuộc đời này thêm nhiều hương sắc! Kính bạch quý Ngài, thưa Quý vị: Hôm nay, giờ này tại Khánh Anh Tự, Chúng tôi có nhân duyên từ Nam bán cầu, một đất nước xa xôi, đến xứ trời Âu để tham dự ngày Giỗ tổ về nguồn, Đại giới đàn Minh Tâm và tán thán công hạnh của cố Trưởng lão Minh Châu, người đã cống hiến cuộc đời cho Đạo pháp.
17/09/2024(Xem: 469)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới.
17/09/2024(Xem: 992)
Vào lúc 09h00 sáng ngày 17-9-2024 (nhằm ngày Rằm tháng 8 năm Giáp Thìn), chư tôn đức Tăng, Ni cùng đông đảo Phật tử đã vân tập tại chánh điện chùa Long Sơn để dự lễ Huý Nhật lần thứ 11 (2013-2024) đức Trưởng lão Hoà thượng Thích Chí Tín, trú trì chùa Long Sơn và hiệp kỵ chư tôn Hoà thượng giáo phẩm, lãnh đạo GHPGVN tỉnh Khánh Hoà qua các thời kỳ. Tham dự buổi lễ Hiệp kỵ có sự hiện diện của HT. Thích Quảng Thiện, Hoà thượng Thích Nguyên Quang – thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo Hội, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hoà; HT. Thích Minh Thông, UV.HĐTS GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN Tỉnh Khánh Hoà, cùng chư tôn giáo phẩm chứng minh, chư tôn giáo phẩm Thường trực Ban Trị sự, chư Tôn đức Tăng, Ni và quý Phật tử thành phố Nha Trang về tham dự tưởng niệm.
13/08/2024(Xem: 1004)
"Vu Lan – nhớ Tứ Trọng Ân" - âm thanh ấm cúng ấy đã trở về, báo hiệu mùa tri ân và báo ân của năm 2024 đang trở về cho tất cả người con Phật khắp năm châu. Trong kinh, Đức Phật dạy có bốn ân lớn nhất đời người là: Ân Cha Mẹ Ân Sư Trưởng Ân Đất Nước Xã Hội Ân Chúng Sanh
12/08/2024(Xem: 974)
Thứ 4, Ngày 07 Tháng 8 Năm 2024 (04/07 Năm Giáp Thìn) 18 Giờ 00: Lễ Nhập Kim Quan Tại Nhà Tang Lễ Hanatomo, Higashi-matsuyama 19 Giờ 00: Lễ Bạch Phật Khai Kinh Lễ Thỉnh Giác Linh An Vị 20 Giờ 00: Lễ Viếng 21 Giờ 00: Luân Phiên Tụng Niệm
26/07/2024(Xem: 1372)
Từ trong quyền quý cao sang Bước chân Trưởng nữ nhẹ nhàng thoát ly Viên Âm lật giở diệu kỳ Duyên sinh huyễn ảo đó đây vô thường Lăng Nghiêm bừng sáng đêm trường Xuất trần nuôi chí chọn đường tầm sư
24/07/2024(Xem: 1459)
Lời thương gởi, một vầng mây thầm lặng. Nhắn chút tình, Thầy giả biệt đi xa, Trời Sài Thành, mưa buồn tuông vô định, Khóc tiễn Thầy, vọng tiếng niệm Di Đà. Lời thương gởi, vùng quê xưa Quảng Trị. Tuổi thanh Xuân, bập bẹ mới lên Năm. Theo chân bước, vào Cố Đô nuôi dưỡng. Chốn Không môn, nung khí tiết Ân thâm.
24/07/2024(Xem: 663)
Kính bạch giác linh Sư Phụ, giữa đêm trăng thanh tịnh, ngồi yên bên thiền thất, nghe dư âm tiếng vọng về hai chữ: Sư Phụ kính thương của chúng con, tâm con như nghẹn lại vì hình dáng ngày xưa của Sư Phụ, đã đi về chốn huyền tịnh lạc bang, chúng con giờ đây không tìm được hình hài dung nghi đức hạnh, nụ cười và những pháp âm vang vọng khuất dần, xa mãi giữa chốn hồng Trần vắng lặng tịch không, trong khoảnh khắc giờ này mãi là những Hoài niệm ký ức xưa. Sau 14 ngày Sư Phụ về Bên Phật Tổ, thời gian ơi ... xin hãy ngừng trôi cho chúng con được phước duyên phụng sự Sư Phụ ân Sư. Tiếng gọi ấy dường như vô vọng, trong cuộc đời này và mãi về sau, nhưng niềm tin mãi bên Phật, và niềm tin mãi bên Sư Phụ là có thật trong con.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com