A DI ĐÀ KINH HỢP GIẢI.
Bửu Quang tự đệ tử Như Hòa hợp dịch
Trong các kinh điển Ðại Thừa được lưu truyền rộng rãi, xét về mức độ được giảng giải, trì tụng, có lẽ kinh Di Ðà chỉ kém Tâm Kinh Bát Nhã. Từ trước đến nay, trong các tùng lâm, kinh Di Ðà vẫn thường được tụng vào mỗi thời công phu tối và hầu như bất cứ vị Tăng Ni thuộc truyền thống Bắc Tông nào cũng đều thuộc lòng kinh Di Ðà. Bổn Sư của mạt nhân kể rằng: Trong thời gian làm điệu, ngoài bản Sa Di Tỳ Ni, Hòa Thượng viện chủ bắt các điệu phải học thuộc lòng Di Ðà đến nỗi có thể đọc từ chữ cuối ngược lên đầu kinh mà không vấp. Khi học chữ Hán, văn bản đầu tiên Hòa Thượng dùng để dạy các điệu cũng là kinh Di Ðà. Khi Hòa Thượng còn tại thế, dù tụng kinh gì đi nữa, mỗi ngày đại chúng trong chùa đều phải tụng Di Ðà ít nhất một lần.
Tuy được lưu truyền, trì tụng rộng rãi trong khắp các tùng lâm, đối với Phật tử nói chung, kinh Di Ðà vẫn là một kinh bị hiểu lầm nhiều nhất. Trong một lần trò chuyện với một Phật tử tu tại gia lâu năm, cũng tu hạnh Tịnh Ðộ, mạt nhân đã sững sờ khi nghe vị ấy nói: “Cháu tụng kinh gì hằng ngày? Kinh Di Ðà hả? Mỗi ngày tôi tụng một quyển Pháp Hoa hay kinh Niết Bàn kia, chứ những kinh nhỏ, sơ cơ như kinh Di Ðà, kinh Ðịa Tạng chỉ khi nào đi đám ma tôi mới thèm tụng đến mà thôi!” Tưởng chỉ mình vị ấy nghĩ như thế, nào ngờ phần lớn những đạo hữu thường gặp hằng tuần tại ngôi chùa gần nhà cũng đều cho rằng kinh Di Ðà chỉ dành để đọc cho người chết nghe! Thật là đáng buồn, bản kinh quý báu, tâm huyết của đức Thích Tôn, diệu dược cho đời Mạt Pháp đã bị hiểu lầm, rẻ rúng đến thế ấy!
Sau này, khi đi nghe giảng, chúng tôi cũng rất ngạc nhiên khi thấy không ít vị xuất gia cũng tỏ vẻ coi thường kinh Di Ðà. Theo họ, kinh Di Ðà chỉ dành cho hạng ông già, bà cả, ít chữ trì tụng. Ðối với những vị giảng sư thao thao thuyết giảng, tự hào làu thông kinh điển Tam Tạng ấy, kinh Di Ðà chỉ là một thứ ngụ ngôn, một thứ phương tiện quyền biến, hay nói khó nghe hơn là một thứ bánh vẽ để dẫn dụ những hạng sơ cơ nhập đạo. Thậm chí có vị còn chê kinh Di Ðà là kinh nặng tính van vái, cầu xin, quỵ lụy không thích hợp với Phật pháp hiện đại! Một thầy còn tuyên bố thẳng thừng: “Còn trẻ mà tu Tịnh Ðộ thì uổng quá! Tôi chỉ khi nào bịnh gần chết, không còn làm gì được nữa, mới đành chịu nằm niệm Phật! Người tu Tịnh Ðộ lúc nào cũng nghĩ đến cái chết, đôi vai trĩu nặng nỗi buồn. Thay vì cứ lẩm nhẩm niệm Phật, sao không quán tưởng cảnh giới mình đang sống đây chính là Cực Lạc”.
Hậu quả tất nhiên là có không ít Phật tử mỗi Chủ Nhật đến chùa tụng một phẩm Pháp Hoa hay Kim Cang, niệm Phật dăm câu lấy có; thế là đã an tâm mình đã “mua sẵn vé” về cõi Cực Lạc, là đã tu nhiều lắm rồi! Chẳng ai bận tâm tìm hiểu giáo nghĩa kinh Di Ðà chi cả. Người tự nhận mình là hạ căn chỉ mong khi chết được vãng sanh, nhưng mấy ai bận tâm đến Tín - Hạnh - Nguyện! Những người tự coi mình là bậc thượng căn thì nếu có ai khuyên nên niệm Phật sẽ cười mũi, bảo chỉ có tham thiền hay quán tưởng, trì chú mới là pháp xứng đáng để họ tu tập thôi. Tiếc thay, tuy nói thế, họ cũng chẳng dụng công tọa thiền, cũng chẳng dụng công quán tưởng, trì chú, chỉ luôn nhai nhải: “Duy Tâm Tịnh Ðộ, tự tánh Di Ðà! Cực Lạc là đây, lựa tìm đâu xa!”, rồi vẫn an nhiên mặc cho quang âm vùn vụt thoáng qua!
Pháp môn Tịnh Ðộ nói chung và kinh Di Ðà bị hiểu lầm như thế có phải vì kinh Di Ðà không được giảng giải cặn kẽ hay không? Hoàn toàn không, từ xưa đến nay, ngoài hai kinh Kim Cang và Tâm Kinh, có lẽ kinh Di Ðà đã được giảng và chú giải nhiều nhất. Tính cho đến hiện tại, đa số các vị giảng sư dù ít hay nhiều đều đã từng giảng qua bản kinh này. Ðiều đáng ngạc nhiên là ít có Phật tử nào chịu tìm đọc các bản chú giải kinh A Di Ðà, đành phải hiểu kinh qua cách diễn giảng của các vị giảng sư không mặn mòi với pháp môn Tịnh Ðộ. Do quá nhiệt tình đề xướng pháp môn của tông phái mình, các vị giảng sư ấy đã nhìn kinh Di Ðà qua lăng kính đầy thiên kiến, khiến thính chúng đã lầm càng lầm thêm. Ðiều đáng buồn là hai bản chú giải trác tuyệt là Di Ðà Yếu Giải và Di Ðà Sớ Sao đã được phiên dịch sang Việt ngữ từ lâu, nhưng có mấy người chịu đọc kỹ càng! Bao lẽ tinh yếu, sâu xa, huyền diệu của kinh Di Ðà đã được hai vị Tổ Sư Liên Trì và Ngẫu Ích phơi bày đến cùng cực. Theo mạt nhân thấy biết, mỗi khi giảng kinh, các vị giảng sư hoằng dương Tịnh Ðộ không ít thì nhiều đều phải dẫn trích ý kiến của nhị vị Tổ Sư.
Năm 1984, trong một lần thọ Bát Quan Trai Giới, trong giờ nghỉ trưa, mạt nhân nghe một cụ đạo hữu lớn tuổi than vãn là đã tốn nhiều công đọc bản Sớ Sao, nhưng vẫn chưa thể lãnh hội nổi. Theo cụ, ý nghĩa của Sớ Sao quá uyên áo, quá phức tạp; tiếc thay từ ngữ, câu văn được dùng trong bản dịch lại quá cổ, dịch quá sát theo cú pháp Hán văn, nên rất khó cảm nhận được ý chỉ lời dạy của Tổ. Khi đọc qua Yếu Giải, tuy lời văn trong sáng, giản yếu hơn, cụ vẫn cảm thấy khó lãnh hội những phần Tổ luận về Chân Như, Thật Tướng... Cụ cho rằng để lãnh hội được phần nào hai bản chú giải trên, người đọc phải hiểu biết khá nhiều về Phật pháp cũng như phải hiểu được một số thuật ngữ chuyên môn của Hoa Nghiêm, Thiên Thai lẫn Duy Thức. Do thế, những người mới học Phật sẽ dễ chán nản, khó thể kiên nhẫn theo dõi toàn bộ hai bộ chú giải trên.
Nghe lời than thở ấy, mạt nhân chợt suy nghĩ: sao mình không tổng hợp những lời giảng của các vị giảng sư cận đại Trung Hoa để tạo thành một cuốn chú giải kinh Di Ðà dễ hiểu hơn, ngõ hầu các hành nhân sơ cơ, chưa biết nhiều về Phật pháp có thể đọc hiểu được. Khi đã có khái niệm căn bản về những thuật ngữ thường dùng trong kinh, nắm được ý chính của kinh Di Ðà, họ sẽ lãnh hội được các bản Yếu Giải và Sớ Sao dễ dàng hơn.
Ý định này nung nấu đã lâu, nhưng tháng ngày thoi đưa, mạt nhân vẫn chưa tìm được tài liệu vừa ý. Khi ấy, trong tay mạt nhân chỉ có Di Ðà Kinh Bạch Thoại Giải của lão cư sĩ Hoàng Trí Hải. Tiếc thay, tác phẩm này chỉ là viết lại ý kinh theo thể văn Bạch Thoại, cũng như giải thích đôi ba thuật ngữ Phật giáo, để những người không quen đọc cổ văn Trung Hoa có thể hiểu được nội dung kinh Di Ðà theo mặt văn tự, chứ không nêu lên kiến giải gì đặc biệt. Ðã thế, lời văn lại quá rườm rà, chỉ thích hợp cho độc giả Trung Hoa, không bõ công dịch sang tiếng Việt. Sau này được đọc thêm cuốn Di Ðà Kinh Dị Giải của bà Hàn Anh, đổng sự trưởng Tịnh Tông Học Hội Ðài Loan, thì cuốn này cũng chỉ là bản rút gọn tác phẩm của cụ Hoàng Trí Hải, nên cũng không gợi lên một sự hứng thú nào. Khi sang Mỹ, do bận rộn với sinh kế và việc học, ý nguyện xưa tưởng chừng như quên lãng hẳn.
Ngẫu hợp sao, giữa năm 2002, đạo hữu Minh Lập đã gởi tặng một loạt những bản chú giải kinh Di Ðà của các vị giảng sư cận đại như:
1) Phật thuyết A Di Ðà Kinh Giảng Lục của pháp sư Ðạo Nguyên.
2) Phật thuyết A Di Ðà Kinh Bạch Thoại Giảng Giải của Nam Ðình Hòa Thượng.
3) Phật thuyết A Di Ðà Kinh Yếu Thích của Pháp Sư Bân Tông.
4) Phật thuyết A Di Ðà Kinh Yếu Giải Thân Văn Ký do pháp sư Bảo Tịnh giảng.
Kế đó, đạo hữu Không Châu gởi tặng một loạt sách Tịnh Ðộ. Trong ấy, có cuốn A Di Ðà Kinh Thông Tán Sớ của pháp sư Khuy Cơ đời Ðường. Ðã thế, đạo hữu Huệ Trang lại còn cho mượn cuốn Phật Thuyết A Di Ðà Kinh Giảng Nghĩa của pháp sư Văn Châu. Trong một lần đi niệm Phật tại chùa Tịnh Ðộ, mạt nhân thỉnh được thêm cuốn Trùng Ðính Nhị Khóa Hiệp Giải của pháp sư Hưng Từ soạn (trong cuốn này, phần Di Ðà Kinh Huyền Nghĩa cũng chứa đựng nhiều kiến giải lý thú) và cuốn Tịnh Ðộ Tư Lương của lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ (trong cuốn này, cụ Hoàng chỉ giảng sơ lược về kinh Di Ðà qua bài viết A Di Ðà Kinh Tông Yếu, Tín Nguyện Trì Danh).
Trước sự hiện hữu cùng lúc của bao nhiêu tác phẩm chú giải ấy, ý nguyện xưa chợt sống lại mạnh mẽ trong tâm trí. Tuy thế, mạt nhân vẫn băn khoăn không biết có nên tiến hành hợp dịch ý kiến chú giải của chư sư hay không, chỉ e mình sẽ làm một việc thừa thãi, vô ích. Sau khi thỉnh ý các vị đạo hữu Vạn Từ, Minh Tiến, Minh Lập, Huệ Trang và đều được hứa khả, khuyến khích, mạt nhân đánh bạo gạn lọc những ý chính trong những tác phẩm chú giải trên, chọn lấy những điểm đặc sắc, dịch thành một tác phẩm vụng dại, tạm đặt tên là A Di Ðà Kinh Hợp Giải.
Xét trong các bản chú giải trên, bản chú giải của Pháp Sư Bân Tông chi tiết nhất, nhiều ý tưởng độc đáo nhất, phân chia chương mục rõ ràng nhất, lại có cả phần hiển lý giống như Sớ Sao, nên mạt nhân chọn bản này làm gốc. Bản chú giải của pháp sư Khuy Cơ quá nặng về Duy Thức học nên không thích hợp lắm cho người sơ cơ. Vì thế, mạt nhân chỉ chọn lấy những điểm thật đặc sắc và dễ hiểu.
Bản của pháp sư Văn Châu tuy không có nhiều ý tưởng độc đáo, nhưng cách phân chia thành mười môn lớn để chú giải rất giống với cách thích kinh của tổ Liên Trì nên mạt nhân tuân thủ cách phán định và phân chia chương mục của Văn pháp sư.
Khi chọn dịch, những đoạn chư sư nhắc lại ý kiến của chư vị Liên Trì và Ngẫu Ích, mạt nhân đều lược qua không dịch; bởi lẽ, những ý đó đã được phô diễn trọn vẹn trong hai bản Yếu Giải và Sớ Sao. Ðể hiểu những tư tưởng đó, phải đọc trong ngữ cảnh của Sớ Sao và Yếu Giải mới thấy chúng sâu sắc, tinh yếu tuyệt diệu đến dường nào!
Dù cố gắng hết sức, nhưng với trí huệ nông cạn, trình độ Phật học thiển cận, chắc chắn trong quá trình chọn lọc, chuyển ngữ, không thể nào tránh khỏi những lỗi lầm lẽ ra không nên có. Chỉ mong dịch phẩm thô lậu này sẽ giúp cho những hành nhân sơ cơ có được đôi chút kiến thức sơ cấp để làm hành trang tham cứu ban đầu hòng lãnh hội được những điểm u huyền, tinh túy trong Yếu Giải và Sớ Sao.
Nếu như việc làm liều lĩnh này đem lại chút lợi lạc nào thì xin hồi hướng đến khắp pháp giới chúng sanh, những ai thấy nghe kinh Di Ðà đều khởi lòng tin kính sâu xa, đều chăm tu Tịnh nghiệp. Nguyện tất cả những hành nhân đồng hạnh Tịnh nghiệp sẽ cùng được hội ngộ nơi quê hương Cực Lạc.
Phật lịch 2547, tiết Lập Thu,
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa kính bạch
--- o0o ---
Vi tính: Đức Tuấn. Trình bày: Linh Thoại