TINH THẦN PHẬT GIÁO CHÂN CHÍNH
I-DẪN NHẬP
Đạo đức là chân lý sống, là tấm gương sáng để người lãnh đạo Phật giáo thể hiện tinh thần bao dung và hòa hợp trong các tông phái tu học của đạo Phật. Trách nhiệm Giáo hội trong thời hiện đại khoa học phát triển một cách nhanh chóng với những văn minh tiến bộ rõ nét. Ngày nay một tu sĩ thuần thành với vai trò lãnh đạo Giáo hội các cấp, ngoài việc tu học khép mình trong chốn thiền môn, mà còn là người mang nặng trọng trách của một nhà truyền đạo đức làm người đối với quý Phật tử gần xa và xã hội.
Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại văn minh vật chất dưới sự tiếp cận của khoa học hiện đại, do đó cần phải truyền bá Phật giáo thích hợp với căn cơ, trình độ của mọi người mà vẫn giữ được bản chất giác ngộ, giải thoát. Để xây dựng con người với nếp sống văn minh văn hóa lành mạnh, con người hoạt động với mục đích tìm cầu hạnh phúc từ vật chất cho đến tinh thần. Tuy nhiên có nhiều cách thức để xây dựng con đường đi đến bình an hạnh phúc thật sự không phải đơn giản chút nào.
Chính vì thế, người lãnh đạo Phật giáo phải là người có đạo đức, có tâm vì đạo pháp và dân tộc; để giải quyết và xử lý công việc một cách hài hòa, có tư duy tích cực để định hướng giúp mọi hoạt động trong tổ chức Giáo hội mang tính ổn định, kế thừa và phát triển lâu dài. Phật giáo được xem như là một tổ chức hoàn thiện về nhân cách phẩm chất đạo đức, chính vì thế Phật giáo phải có trách nhiệm xây dựng con người gương mẫu đạo đức với tinh thần đạo pháp và dân tộc đất nước Việt Nam. Muốn vậy, Phật giáo phải củng cố đội ngũ tu sĩ chân chính, nhất là đội ngũ lãnh đạo Giáo hội các cấp.
Nhân quả là nền tảng của sự sống, có tin nhân quả con người mới sống đạo đức, thế cho nên người lãnh đạo Phật giáo các cấp phải xác định lập trường tư tưởng là phụng sự Phật pháp vì lợi ích mọi người mà không vụ lợi riêng tư.
Mê tín là lòng tin mù quáng không thấy đúng lẽ thật, không thấy đúng chân lý vì mê muội. Như tin ông đồng bà cốt, tin xin xăm bói quẻ, tin ngày lành tháng dữ, tin số mạng sang hèn, tin bói tay xem tướng, tin cúng sao giải hạn, tin có một người ban phước giáng họa v.v... Những lối tin này không có logic, không đủ bằng chứng, không có lợi ích, nên gọi là mê tín, vì đi ngược lại với giáo lý nhân quả.
Giáo lý nhà Phật từ thấp tới cao, từ đạo làm người cho đến đạo hiền Thánh đều dựa trên nền tảng của nhân quả, vì vậy trong cuộc sống của chúng ta ai không thấu hiểu lý nhân quả thì sự tu hành của mình khó mà đạt được kết quả tốt đẹp.
Mê tín do tâm mong cầu quá đáng - Con người khi mong cầu một điều gì mà quá khả năng mình thì dễ sinh mê tín. Ví như có một người muốn vay một số vốn lớn làm ăn, không biết việc làm ăn này sẽ đạt được kết quả tốt hay xấu. Tự nhiên lòng họ thấy băn khoăn lo lắng không biết hỏi ai, tin ai. Nghe nói có một ông thầy nào đó biết được quá khứ vị lai đoán trúng được vận mệnh của mọi người, họ liền tìm đến để cầu cho được. Chỉ tốn tiền quẻ có năm bảy trăm hoặc vài ba triệu, biết việc làm cuả mình thành công hay thất bại thì ai mà không ham. Chính vì lòng tham và sự mong cầu quá đáng mà dẫn con người ta đến mê tín dị đoan.
Mê tín do tâm lo lắng sợ hãi – Con người ta hay lo lắng sợ hãi, suy nghĩ vu vơ là gốc sinh ra mọi điều mê tín. Có những người bị tai nạn dồn dập, vừa té xe bị thương lại bị người giựt nợ, con trai thi rớt, con gái bị bệnh.. mất bình tĩnh, nghe đồn ông thầy đó coi tay xem tướng rất giỏi và có thể trừ được tà ma yêu tinh quỷ mị. Hoặc có người sợ vận sui hạn xấu, nên đầu năm đến chùa cúng sao giải hạn, cầu cho tròn năm cuộc sống được hanh thông, gia đình được an vui may mắn. Hoặc có người vì thương cha mẹ đã quá cố, sợ cha mẹ chết rơi vào địa ngục chịu đói khổ nhọc nhằn, họ bèn nhờ thầy cúng dán lầu kho, xe cộ, giấy tiền vàng bạc, lễ cúng đốt xuống cho cha mẹ được an hưởng nơi âm ty... Mọi sợ hãi đều bắt đầu từ sự mê tín.
Mục đích của đạo Phật là tìm ra lẽ thật của thân tâm và hoàn cảnh. Chúng ta phải nói ra những gì chân thật để mọi người hiểu đúng Phật giáo mà không còn nghi ngờ điều gì. Phá bỏ những tập tục mê tín của các truyền thuyết khác xen vào làm mờ tối đạo Phật là việc cần thiết tối quan trọng nhằm giúp mọi người tin sâu nhân quả theo nguyên lý duyên sinh, làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau. Trước tiên người lãnh đạo Phật giáo phải có tâm, có tâm tức có đức, có đức thì sẽ gương mẫu và biết dung hòa mọi tông phái trong bình đẳng.
1-Đạo đức chân thật
Đạo đức là chất liệu sống của người lãnh đạo Phật giáo các cấp trước tiên là một tu sĩ Phật giáo chân chính, biết dung hòa mọi tông phái và ưu tiên mở cửa giúp tu sĩ ở các nơi về để cùng hòa hợp đàm đạo.Chủ nghĩa cá nhân là nguyên nhân hủy diệt chính mình và hủy diệt nhân loại. Chính vì vậy, con người luôn tìm đủ mọi cách để tôn vinh bản ngã của mình khi có quyền hành trong tay.
Đạo đức người lãnh đạo Phật giáo cũng được thiết lập trên phương diện mở rộng lòng Từ bi hỷ xả nói ít làm nhiều và dứt khoát không truyền bá mê tín dị đoan. Nhưng, thước đo quy chuẩn đạo đức của người lãnh đạo Phật giáo các cấp phải tuân thủ các điều lệ Hiến chương hay những văn bản mang tính quy định về pháp lý đã ban hành. Đạo đức chân thật của người lãnh đạo Phật giáo là dứt khoát không tuyên truyền mê tín dưới nhiều hình thức, thế cho nên người tu sĩ lãnh đạo Giáo hội trước tiên phải có đạo đức, có gương mẫu trong việc hoằng pháp lợi sinh mở các khóa tu giảng dạy đạo đức làm người.
2-Tin sâu nhân quả: Tiêu chí đầu tiên của người lãnh đạo Phật giáo là phải tin sâu nhân quả và biết áp dụng vào đời sống hằng ngày sẽ giúp ta có thêm ý chí và nghị lực phi thường để vượt qua nỗi khổ, niềm đau, dám làm dám chịu về mọi hành động của bản thân. Khi một người tu sĩ đã tin sâu nhân quả mà lãnh đạo Phật giáo sẽ biết dung hòa các Tông phái để mở mang phát triển cho ngôi nhà Phật pháp thêm lớn mạnh và vững vàng hơn. Từ con người cho đến muôn loài, muôn vật luôn chịu sự chi phối của nhân quả, không có gì ngẫu nhiên khi không mà có và không có sự sắp xếp của đấng tối cao nào để buộc con người noi theo giáo điều thiển cận mà không có sự trải nghiệm thực tế.
3-Hy sinh dấn thân vì lợi ích chung
Khi được bổ nhiệm và suy cử các chức sắc trong Giáo hội tu sĩ và tập thể Tăng Ni phải luôn tâm niệm rằng với trách nhiệm của mình và sự tồn vinh Phật giáo với tinh thần Đạo pháp và dân tộc đất nước Việt Nam. Sự nhiệt tình vì lợi ích chung Tăng Ni làm Phật sự với tinh thần trách nhiệm cao, không phải khi có chức sắc để trù dập ép chế người khác. Từ đó, mọi suy nghĩ, lời nói hành động đều hướng đến sự ổn định và phát triển của Giáo hội, giúp Tăng Ni yên ổn tu học mà không có bóng dáng của chủ nghĩa cá nhân.
Đức hy sinh và dấn thân của một lãnh đạo Phật giáo vào tất cả Phật sự tốt đời đẹp đạo, với mục đích bảo vệ Tăng Ni có đủ niềm tin tu học giới định tuệ để sống an ổn theo tinh thần hòa hợp, quyết tâm bảo vệ lẽ phải bài trừ mê tín dị đoan trong các chùa mang nặng tín ngưỡng dân gian. Thể hiện một lòng trung kiên với tổ chức Phật giáo có đạo đức, có tổ chức dân chủ hòa hợp để bảo vệ Hiến chương mà không sợ bị trù dập ép chế. Người lãnh đạo Phật giáo phải thật sự có tâm, có đức có gương mẫu là dám hy sinh không đề cao tông chỉ của mình theo kiểu bè phái để dấn thân đóng góp vào các Phật sự chung của Giáo hội.
4- Bình đẳng không phân biệt
Tâm bình đẳng của người lãnh đạo Giáo hội các cấp được thể hiện qua các cuộc hội họp mang tính cách xây dựng và giáo dục cao, góp ý chỉnh đốn dân chủ. Phật giáo đã được đức Phật thiết lập qua thể chế Lục hòa kính đã tồn tại suốt chiều dài lịch sử hơn 2600 năm qua. Tính loại bỏ và phân biệt vùng miền vô tình đã hủy hoại Phật pháp, gây sự phân hóa cực kỳ nguy hiểm lâu dài cho khối đại đoàn kết trong Giáo hội các cấp. Chúng ta xây dựng một Phật giáo hòa hợp đoàn kết các Tông phái thì rất khó khăn và lâu dài, nhưng phá hoại thì nhanh chóng và dễ dàng. Chính vì thế, người tu sĩ lãnh đạo Phật giáo trước tiên phải có đạo đức, có đạo đức tức có tâm, có tâm thì gương mẫu nhờ vậy có thể giúp Giáo hội ổn định mọi Phật sự một cách hài hòa.
5-Kiến thức uyên bác
Người lãnh đạo Giáo hội các cấp muốn làm tốt nhiệm vụ phải có đầy đủ kiến thức, năng lực trên tinh thần từ bi có trí tuệ thông suốt nội điển đến ngoại điển nhằm góp phần phụng sự tha nhân với tấm lòng vô ngã vị tha. Thông suốt tam tạng kinh luật luận là yếu tố quan trọng cần có của một tu sĩ lãnh đạo Giáo hội các cấp khi hành đạo và tham gia các hoạt động của Giáo hội. Đạo Phật chân chính luôn chủ trương hiểu rồi mới làm với tinh thần tốt đạo đẹp đời mang đậm chất đạo đức và gương mẫu, không hiểu và không thông suốt Phật pháp chân chính mà vẫn cố tình làm như truyền bá cúng kiếng mê tín là vô minh sẽ dẫn đến lầm đường lạc lối mà dần hồi phá hủy Phật giáo chân chính. Lãnh đạo Giáo hội hướng dẫn bốn chúng Tăng Ni Phật tử mà không có kiến thức Phật pháp thông suốt kinh luật luận, cuối cùng lấy cúng kiếng mê tín làm nền tảng làm sai lệch chánh pháp và gây nhân vô minh cho nhiều người. Thực trạng mê tín dị đoan, cúng sao giải hạn, cúng bán khoán, cúng học giỏi còn tồn tại khá phổ biến hầu như gần hết trong địa bàn Tỉnh Thanh Hóa, do người hướng dẫn thiếu sự am tường giáo lý Phật pháp chân chính hoặc mượn đạo tạo đời dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên những người đứng trong bộ máy Giáo hội đa số có bằng cấp cao Tiến sĩ, thạc sĩ, đại học Phật giáo, cao trung đẳng Phật giáo, ấy thế mà họ vẫn tuyên truyền cúng sao giải hạn công khai nhờ vậy các thầy này sau một thời gian mua xe hơi đi cúng kiếng để chạy kịp thời vụ.
Bốn chúng Tăng Ni Phật tử có quyền đòi hỏi người lãnh đạo Giáo hội đại diện tiếng nói của họ phải có lối ứng xử có văn hóa, đạo đức và từ bi.
6- Năng lực tối thiểu là tài năng và đạo đức
Giáo dục và đào tạo đội ngũ kế thừa trong tương lai phải có năng lực và đạo đức. Đạo đức là yếu tố xây dựng con người gương mẫu dấn thân vì lợi ích chung chứ không phe nhóm gia đình trị độc tài thao túng, lạm dụng quyền lực. Năng lực người tu sĩ Phật giáo thời hiện đại được thể hiện trên phương diện làm hưng thịnh Phật pháp chứ không phải kéo bè cánh để khống chế người khác. Một Giáo hội ổn định, có nhiều Tăng Ni tài năng và đạo đức sống đúng giới luật, Hiến chương và Pháp luật nhà nước. Năng lực này có được, không phải qua trường lớp đào tạo mà do bản thân họ nhờ văn tư tu, nhờ chuyên nhất giới định tuệ được tích lũy sau nhiều năm tháng thông qua kinh nghiệm thực tế và mưu cầu phụng sự chân chính vì đạo pháp và dân tộc.
Thế cho nên, bổ nhiệm nhân sự của Giáo hội các cấp phải được chú trọng đến tài năng và đạo đức, chứ không phai phe nhóm là đệ tử của mình. Chính vì thế, sẽ là tai họa khi chọn lầm nhân sự kém tài đức mà số đông chỉ là thầy cúng kiếng kém phẩm hạnh làm người đứng đầu trong tổ chức Giáo hội các cấp như hiện nay.
Người lãnh đạo Phật giáo phải là người có tầm nhìn chiến lược cho một tương lai của Giáo hội với những lợi ích chung mang tầm vĩ mô, có tính nhân văn cao có thực tập giới định tuệ. Từ đó, các tu sĩ chân chính sẽ hết lòng hy sinh và phục vụ Giáo hội trong mọi hoàn cảnh mà không lo sợ bị nạn trù dập lạm quyền.
Nhân sự lãnh đạo Phật giáo các cấp phải có đủ 3 tiêu chuẩn cơ bản: tuổi hạ ít nhất từ 10 trở lên, có đạo đức và thường tổ chức các khóa tu và không phải là thầy cúng, có uy tín thật sự và đức nhiếp chúng trong hòa hợp, ba là không tuyên truyền mê tín như cúng sao giải, coi tay xem ngày giờ tốt xấu.
Tuổi hạ rất quan trọng và cần thiết cho một vị tu sĩ lãnh đạo Phật giáo, người này phải theo thầy học đạo một thời gian dài tu học giới định tuệ đầy đủ thì mới có khả năng nhận lãnh trách nhiệm cao cả, có hội họp, có xây dựng đội ngũ Tăng Ni trong Huyện hoặc Tỉnh thường kỳ ít nhất từ một tháng đến 3 tháng một lần.
Đạo hạnh của người lãnh đạo Phật giáo được đánh giá trên tâm nguyện phụng sự đạo pháp, thực hành hạnh nguyện hoằng pháp lợi sanh bằng sự hy sinh cao cả của mình mà không phải là thầy cúng kiếng mê tín. Một tu sĩ chân chính không được phép tuyên truyền mê tín, cúng sao giải hạn, coi tay xem tướng coi ngày giờ tốt xấu. Đạo hạnh của cá nhân Tăng Ni góp phần làm nên uy tín để phật tử bắt chước tu học theo và làm nên thanh danh cho tập thể Phật giáo ổn định, kế thừa và phát triển trên nền tảng nhân quả đạo đức.
Mối quan hệ trong xã hội được thiết lập và nối kết bằng sự uy tín có ý thức trách nhiệm, mới đảm bảo được sự phối hợp chặt chẽ hướng đến một tương lai phát triển trong bền vững và lâu dài. Người lãnh đạo Phật giáo nếu không có khả năng và uy tín, thì thất bại trong làm việc là lẽ đương nhiên. Uy tín đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của con người trong cộng đồng xã hội từ xưa đến nay. Người lãnh đạo Phật giáo có oai lực nhiếp chúng sẽ không cần dùng quyền lực áp đặt mà mọi người vẫn tuân phục và hết lòng đồng hành. Phẩm chất đạo đức có được trong quá trình cống hiến, dấn thân vì lợi ích chung.
II- KẾT LUẬN
Phật giáo là một trong những tổ chức cộng đồng ra đời sớm nhất trong lịch sử nhân loại. Một cộng đồng được xây dựng trên nguyên tắc vì lợi ích cho tất cả mọi người với 6 nguyên tắc sống hoà hợp (Sáu pháp lục hoà kính), thích ứng với mọi thời đại từ xưa đến nay.
1-Thân hòa đồng trụ (thân hòa cùng ở chung): Nghĩa là cùng ở chung với nhau dưới một mái nhà, trong một phạm vi, một tổ chức, sống hoà thuận, thương yêu đùm bọc giúp đỡ và san sẻ cho nhau, để làm tròn trách nhiệm công việc được phân công.
2- Khẩu hoà vô tránh (lời nói hòa hợp không tranh cãi): sống không cãi nhau nhưng có quyền góp ý xây dựng với tinh thần hòa hợp cùng nhau học hỏi, không nói với nhau những lời gây chia rẽ bất hòa mà cần phải nói với nhau những lời vui vẻ, dịu dàng, hòa nhã, từ ái.
3-Ý hoà đồng duyệt (ý hòa cùng vui): tâm ý luôn hoan hỷ vui vẻ với nhau, biết thông cảm với những suy nghĩ của người khác, không sanh tâm đố kỵ, kiêu ngạo, chỉ trích và phê phán.
4- Giới hoà đồng tu (giới hòa cùng tu tập): Cùng nhau sống dưới một môi trường và đoàn thể, chúng ta phải biết tôn trọng và thực hành những giới pháp đã được chỉ dạy và tuân thủ quy định chung.
5-Kiến hoà đồng giải (thấy biết giải bày cho nhau hiểu): cùng chia sẻ hiểu biết cho nhau, cùng nhau góp ý xây dựng về quan điểm, cách nghĩ, cách làm, tất cả đều đặt trên cơ sở và nền tảng vì lợi ích chung cho mọi người.
6-Lợi hoà đồng quân (lợi hòa cùng chia): Cùng sốngchung với nhau dưới một môi trường, ta phải chia đều cho nhau về vật chất, của cải, đồ dùng theo thứ bậc lớn nhỏ, không được lạm dụng quyền hạn của mình để làm của riêng.
Xưa và nay sáu pháp lục hòa kính là nguyên tắc để thành lập một Giáo hội có tổ chức, có nề nếp, có đạo đức, có trí tuệ để chúng ta sống hòa hợp mà cùng nhau phục vụ với tinh thần vô ngã vị tha. Nếu chúng ta không tiếp nối được chí nguyện cao cả hoằng pháp lợi sanh của đức Phật thì cũng đừng làm những con sâu mọt phá hủy Phật pháp bằng cách tuyên truyền mê tín công khai. Đó cũng được xem là góp phần công đức trang nghiêm Giáo hội với tinh thần ổn định, kế thừa và phát triển mang đậm chất đạo đức và từ bi nhằm góp phần giữ vững truyền thống tốt đời đẹp đạo của đất nước ta trên 4000 năm văn hiến.
THÍCH ĐẠT MA PHỔ GIÁC