Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tưởng niệm lần thứ 15 ngày Viên tịch của Thiền sư Thích Duy Lực​

22/01/201507:17(Xem: 8277)
Tưởng niệm lần thứ 15 ngày Viên tịch của Thiền sư Thích Duy Lực​


HT. Thich Duy Luc-3



Phật giáo Việt Nam vào cuối thế kỷ 20, Thiền sư Duy Lực đã thắp sáng lại ngọn đèn thiền, tô đậm nét Tông chỉ Tổ Đạt Ma, khôi phục Tổ sư thiền Việt Nam, trải qua hơn 20 năm chuyên hoằng dương Tổ Sư Thiền (dạy tham thiền thoại đầu) ở Việt Nam và các nước trên thế giới.

Ngài xuất gia tại Từ Ân Thiền Tự, Chợ Lớn, Sài Gòn, thọ giới Tam Đàn Cụ Túc tại Chùa Cực Lạc Malaysia vào Tháng 05 năm 1974.  Từ đó Ngài chuyên tham câu thoại đầu “Khi chưa có trời đất ta là cái gì?” trải qua nhiều năm, một hôm do đọc quyển Trung Quán Luận đến câu:

 “Do có nghĩa Không nên thành tựu tất cả pháp” đốn ngộ ý chỉ “Từ Không Hiển Dụng”.

Lại tỏ ngộ câu: “Không sinh nơi đại giác, như biển nổi hòn bọt, vô số nước hữu lậu, đều từ Không sinh khởi “trong Kinh Lăng Nghiêm, với ý “Lấy Vô Trụ làm gốc” của Ngài Lục Tổ; “Từ gốc Vô Trụ lập tất cả pháp” của Ngài Duy Ma Cật vốn cùng một ý chỉ, Vô Trụ tức Tính Không, thể Chơn Như vốn Không mà tự hiển bày sự dụng; thể và dụng của Chư Phật với chúng sinh vốn chẳng hai chẳng khác, cùng khắp không gian thời gian, nơi thánh chẳng thêm, nơi phàm chẳng bớt, dù là phàm phu mà sức dụng của Phật Tánh chẳng kém hơn Phật, cũng chẳng từng gián đoạn, chỉ vì chúng sinh ứng dụng hàng ngày mà chẳng tự biết.

Ngài trước tác và dịch thuật gần 30 tác phẩm kinh, luật, luận lưu lại cho hậu thế.

Những lời Khai thị của Ngài ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới, môn đồ pháp quyến đã ghi chép thành “Duy Lực Ngữ Lục” ba quyển, Thượng, Trung, Hạ và đã xuất bản phát hành khắp muôn phương.

Dịp tưởng niệm ngày cố Thiền sư Thích Duy Lực Viên tịch lần thứ 15, môn đồ pháp quyến chúng tôi, thành kính ghi lại những lời khai thị của Ngài về Tự Tri, Tri Tịch và Tri Vọng để gởi đến quý đọc giả chúng ta cùng tham khảo :

Thiền sư Thích Duy Lực khai thị về Tự Tri, Tri Tịch và Tri Vọng

Hỏi: Tri Vọng có phải là chánh niệm không?

 

Đáp: Tri tức là Vọng. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn”, cái tri ấy là căn bản vô minh; “Tri giác nãi chúng sanh”, chẳng những tri là vọng, bốn bài kệ của ngài Vĩnh Gia Thiền sư:

 

 “Nhược dĩ tri tri tịch, thử phi vô duyên tri”, tịch là tịnh, tịnh thì chẳng có vọng rồi, nhưng vẫn còn là vọng, chẳng phải là vô duyên tri của Tự tánh. Sự tri của Tự tánh chẳng nhờ nhân duyên, không có đối đãi, nay có cái tri để tri tịch, tri là năng tri, tịch là sở tri, có năng sở tức là vọng, ấy là đã cao hơn vấn đề tri vọng. Vì tri vọng chưa phải tịch, tịch là hết vọng nhưng vẫn còn năng sở, như người dùng tay cầm cây như ý, chẳng phải là tay không có cây như ý. Tay cầm cây như ý rồi thì lấy cái khác không được, chướng ngại sự dụng của Tự tánh, nên phải quét. Tri tịch còn phải quét, nói gì tri vọng!

 

Bài kệ thứ hai: “Nhược dĩ tự tri tri, diệc phi vô duyên tri”, tức tự biết mình có cái tâm tri ở trong. Động tịnh là ngoại cảnh, nay không tri ngoài mà tự biết mình có cái tri, tức cái năng tri ở bài kệ thứ nhất trở thành sở tri ở bài kệ thứ hai, mặc dù chẳng đối với ngoại cảnh động hay tịnh, nhưng cái “Tự biết có cái tri” đó cũng là sở tri, nên vẫn chẳng phải vô duyên tri không có đối đãi của Tự tánh. Ví như tay chẳng cầm cây như ý (ngoại vật) mà tự nắm thành quyền, chứ chẳng phải tay không có nắm lại, như thế vẫn chướng ngại sự dụng hoạt bát vạn năng của Tự tánh, không thể sử dụng được.

 

Nên ông nói “Tri vọng là Chánh niệm” ấy là sai.

 

Trên đây nói đến ba thứ: Tự Tri, Tri Tịch và Tri Vọng. Tự Tri là căn bản của vô minh, trong Kinh Lăng Nghiêm “Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn, tri kiến vô kiến, tư tức Niết Bàn”. Bây giờ tôi dẫn dụ lời Phật để giải thích thêm:

 

Tri Kiến Lập Tri; hai chữ Tri Kiến, Phật gọi là Thế lưu bố tưởng; lưu là lưu hành, bố là phổ biến. Trong kinh Niết Bàn, ngài Ca Diếp hỏi Phật: “Tại sao bậc Thánh có điên đảo tưởng mà chẳng có phiền não?”

 

Phật bảo: “Sao nói bậc Thánh có điên đảo tưởng?”

 

Ca Diếp nói: “Bậc Thánh thấy con trâu vẫn gọi là trâu, thấy con ngựa cũng gọi là ngựa, ấy chẳng phải là điên đảo tưởng ư!”

 

Phật bảo Tưởng có hai thứ: “Một là Thế lưu bố tưởng, tức thế gian đã lưu hành phổ biến, hai là Trước tưởng. Phàm phu ở nơi Thế lưu bố tưởng sanh ra Trước tưởng, nên mới gọi là điên đảo tưởng, bậc Thánh chỉ có Thế lưu bố tưởng, không có Trước tưởng nên chẳng sanh điên đảo tưởng”.

 

Hai chữ “Tri kiến” là Thế lưu bố tưởng, nhưng hễ lập Tri tức là Trước tưởng. Lập Tri cũng là Tự Tri, là căn bản vô minh, từ căn bản ấy mới sanh ra Tri Tịch, mặc dù cái tri ấy chưa phải là vọng, là yên tịnh, tức cái vọng vi tế. Cho nên, cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng trong nửa đại kiếp không có vọng tưởng, tức tịch tịnh được nửa đại kiếp - Một đại kiếp gồm bốn trung kiếp, một trung kiếp có hai mươi tiểu kiếp, một tiểu kiếp có mười sáu triệu năm. Nửa đại kiếp tức có bốn mươi tiểu kiếp - Hãy tính thử thời gian đó là bao nhiêu triệu năm? Biết cái tịch tịnh ấy trong một thời gian dài như thế vẫn chưa được ra khỏi luân hồi,  huống là Tri Vọng! Tự Tri vẫn còn không được, nói gì Tri Vọng! Nên biết Tri Vọng là không đúng.

 

- Trong Pháp Bảo Đàn Kinh nói về vấn đề “Chánh niệm” rằng “Vô niệm niệm tức chánh”, vô niệm mới là chánh niệm. Lại, ngài Lục Tổ sợ người hiểu lầm hai chữ Vô Niệm thành niệm đoạn diệt, nên giải thích thêm: “Hễ niệm đoạn diệt tức là chết, phải đầu thai đổi lấy thân khác”, nên vô niệm chẳng phải là niệm đoạn diệt. Ngài lại giải thích: “Lục thức ra cửa lục căn, ở ngoài lục trần, chẳng nhiễm chẳng trước ấy mới là vô niệm” chứ chẳng phải đoạn diệt, đoạn diệt tức là chết.

 

Chẳng sanh ra Trước tưởng mới là vô niệm, hễ sanh ra Trước tưởng tức có niệm; chẳng sanh ra Trước tưởng chứ chẳng phải không có Thế lưu bố tưởng. Trong Kinh Pháp Bảo Đàn không cho giữ “Niệm chánh”, tà chánh đều phải quét, bởi chánh với tà là tương đối. Ở Thiền tông là không cho giữ bất cứ cải gì, luôn cả chánh niệm cũng phải quét.

 

Hỏi: Tri Huyễn Tức Ly như thế nào?

 

Đáp: Câu sau của “Tri huyễn tức ly” là “Bất tác phương tiện”, tức không cho làm phương tiện. Nay lấy câu “Tri huyễn tức ly” làm phương tiện để buông bỏ vọng là sai, là không được. Tiếp theo đó là câu “Ly huyễn tức giác, diệc vô tiệm thứ”. Nay muốn lấy cái tri để trừ bỏ vọng, thì ấy có phải là phương tiện không? Hễ là phương tiện thì chẳng được vậy, là vi phạm lời của Phật, của Kinh rồi! Nên Kinh Viên Giác ở đoạn sau có hai mươi lăm thứ thiền quán, chỉ là tu thiền quán, chẳng biết về vọng tưởng mới có thể lìa được, nếu muốn lìa vọng tưởng là không được. Chẳng những cái tri là vọng, vô tri cũng là vọng. Trong Pháp Bảo đàn Kinh, ngài Lục Tổ mắng Thần Hội rằng: “Dẫu cho sau này ra hoằng pháp cũng chỉ là bọn tri giải”, nên vấn đề tri giải ở bên Thiền tông rất kỵ, phải quét sạch.

 

- Trong quyển hai của Kinh Lăng Nghiêm, Phật cũng giải thích rất rõ về hai chữ “Kiến kiến”. Vấn đề này nhiều người cũng giảng sai: Có người cho chữ Kiến trước là năng, Kiến sau là sở, nhưng sự thật thì “Kiến kiến” là kiến tánh, là cái kiến không có bệnh, nay nếu dùng cái tri kiến có bệnh để thảo luận vấn đề này thì hết kiếp này qua kiếp khác cũng không giải được.

 

- Tri kiến của chúng sanh là cái bệnh từ vô thỉ đến nay, do con mắt bệnh mới thấy hoa đốm trên không, cho nên nói “Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến, kiến do ly kiến, kiến bất năng cập”. Hai chữ Kiến kiến là tự tánh tự hiện, là kiến tánh, chứ chẳng phải có người dùng cái năng kiến để kiến cái sở kiến.

 

- Kinh Kim Cang nói: “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo, bất đắc kiến Như Lai”. Chữ Tà ấy chẳng phải nói tà đạo tà ma, mà là không đúng với chánh pháp, nên gọi là tà. Do có chánh nên có tà, chánh còn phải quét, nói chi đến tà! Như ở lập trường của Tổ Sư Thiền thì pháp nào chẳng đúng theo Tông chỉ của Tổ Sư Thiền thì gọi là tà. Cũng như nói đến hai chữ “ngoại đạo” vốn chẳng phải có ý khinh khi, vì đối với bổn đạo mà nói, nếu không thuộc phạm vi của bổn đạo gọi là ngoại đạo, cũng như chẳng phải bổn quốc thì gọi là ngoại quốc. Chư Phật rất sợ chúng sanh chấp vào văn tự lời nói, hễ chấp lời thì nghịch ý.

 

Hỏi: Thiền sư nói đến ba thứ Tri Vọng, Tri Tịch và Tự Tri; Tri Vọng và Tri Tịch dễ dẹp, còn Tự Tri thì đối trị như thế nào?

 

Đáp: Kinh Lăng Nghiêm nói “Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn”, cái “Lập tri” ấy tức là tự tri. Thế gian nói “Tri”, nói “kiến” ấy là Thế lưu bố tưởng, Phật cũng nói là tri là kiến, nhưng không có chấp cái tri ấy là thật, nên chẳng có lập tri, nên nói “Tri kiến vô kiến, tư tức Niết bàn”. Nay do tập khí từ lâu đời, chúng ta việc gì cũng muốn tri, muốn kiến, Phật muốn thuyết pháp độ chúng sanh cũng phải tùy thuận chúng sanh,cũng phải nói tri, nói kiến, nhưng không chấp đó là thật; hễ chấp thật tức tự lập cái tri, là căn bản của vô minh, nếu không kiến lập tức Niết bàn. Trong Kinh Lăng nghiêm nói “Tại sao và khi nào phát sinh cái vô minh?” Ấy là bởi cái giác có minh, chính cái “minh” đó là tri. Từ sở minh lập ra năng minh, do tri đó mới sanh ra tri tịch và tri vọng; từ minh đó sanh ra năng minh sở minh, năng chiếu sở chiếu, hễ năng sở lập thì tánh chiếu bị đánh mất.

 

Tự tánh chẳng phải tri, chẳng phải vô tri, chẳng thể dùng lời của thế gian diễn tả, nhưng vì lời của thế gian nói tri nói kiến là Thế lưu bố tưởng, nên Phật phải nói tri nói kiến. Thật ra Tự tánh chẳng thể kiến lập cái tri, hễ có kiến lập tức là chúng sanh, tức là bệnh. Nói chữ “Vọng” cũng chỉ là Thế lưu bố tưởng, nếu chấp thật có vọng thì sanh ra Trước tưởng, nếu vọng chẳng phải thật thì buông bỏ cái gì? Có tâm muốn buông bỏ đã là chấp cái vọng là thật rồi!

 

Nên trong Thiền tông, Tổ sư kiến tánh cỏ bài kệ rằng:

 

“Nhược nhơn kiến huyễn bổn lai chơn,

Thị tắc danh vi kiến Phật nhơn”.

 

Ý nói nếu người nào thấy huyễn vốn là chơn thì người ấy tức đã thấy Phật vậy.

 

Hỏi: Trong Kinh Viên Giác có câu “Tri huyễn tức ly, bất tác phương tiện, ly huyễn tức giác, diệc vô tiệm thứ”, vậy có trùng hợp với ý Tổ sư Thiền không?

 

Đáp: Phàm là kinh giáo đều thuộc Giáo môn, giải thích theo thứ lớp, còn Thiền tông thì không giải thích theo thứ lớp, nên gọi là “ly ngôn thuyết”. Tri Huyễn Tức Ly, Bất Tác Phương Tiện, đã biết là huyễn đâu còn chấp thật! Hễ không chấp thật thì khỏi cần phương tiện gì, lìa huyễn tức giác, sự giác đó cũng chẳng có thứ tự. Phương tiện chẳng cho là phương tiện, cũng chẳng có thứ tự, ấy là tánh automatic, nhưng chẳng phải hợp với ý Tổ Sư Thiền; Tổ Sư thiền chẳng hợp với tất cả giáo thừa, nên gọi giáo ngoại biệt truyền. Về việc này Lai Quả Thiền sư và ngài Bác Sơn nói: “Thiền chẳng thể dùng lời nói giải thích, Giáo môn thì được”.

 

Giác Vọng: Cái Giác đã là vọng rồi, lấy cái giác để Tri Vọng thì càng thêm một lớp vọng. Ngài Vĩnh Gia đại sư có 4 câu kệ để phá cái Tri (Giác).

 

Kinh Lăng Nghiêm nói: “Kiến văn giác tri đều là bệnh của chúng sanh từ vô thỉ” ấy là kiến bệnh, như con mắt bệnh thấy hoa đốm trên không, nếu con mắt chẳng bệnh thì chẳng thấy hoa đốm trên không vậy.

 

Bốn bài kệ của ngài Vĩnh Gia là:

 

Bài thứ nhất:

 

Nhược dĩ tri tri tịch, thử phi vô duyên tri,

Như thủ chấp như ý, phi vô như ý thủ.

 

- Nếu lấy sự Tri để Tri cái Tịch lặng, sự Tri là năng, Tịch lặng là sở, có năng tri, sở tri thì chẳng phải Vô duyên tri, Vô duyên là không có năng sở. Nay có cái Tri để Tri tịch, cái tịch này còn chưa phải là vọng, và cái tri ấy chẳng phải Vô duyên tri, như dùng tay nắm cây như ý. Tôi thường nói về cái dụng của tự tánh automatic, hoạt bát vạn năng, nay dùng tay nắm cây như ý rồi thì chẳng phải tay không có cây như ý. Tay nếu không chấp cây như ý thì hoạt bát vạn năng, lấy cái bình, cái tách … lấy gì cũng được.

 

Hễ chấp cây như ý trong tay là đánh mất tánh hoạt bát vạn năng của tay, lấy cái gì cũng chẳng được, do có năng sở vậy. Tự tánh hoạt bát, chẳng có năng sở đối đãi, nên chư Phật chư Tổ dạy mình quét, khôi phục tánh hoạt bát vạn năng, đây là lớp thứ nhất.

 

Bài thứ hai:

 

Nhược dĩ tự tri tri, diệc phi vô duyên tri,

Như thủ tự tác quyền, phi vô tác quyền thủ.

 

- Cái năng tri của bài thứ nhất, trở thành cái sở tri của bài thứ hai, tức tự biết mình có sức năng tri, mặc dù chưa có sở tri, nhưng chính cái tri đó đã trở thành sở tri rồi: Tự mình là năng, cái tri là sở, cũng chẳng phải Vô duyên tri, chẳng phải là cái tri không đối đãi của tự tánh. “Tự biết mình có cái năng tri” ấy như tự nắm thành quyền (nắm tay), chẳng phải là cái tay hoạt bát vạn năng (không nắm lại), nên vẫn phải quét mới khôi phục được tánh hoạt bát vạn năng.

 

- Lớp thứ nhất (bài 1) là Tri tịch, lớp thứ hai là Tri vọng, Tri tịch còn không được, huống là Tri vọng! Đây là những bài kệ phá tri của ngài Vĩnh Gia, như Kinh Lăng Nghiêm nói “Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn”, nên Thiền tông nói một chữ Tri là cửa tai họa (Tri chi nhất tự, chúng họa chi môn).

 

Tri huyễn và Tri vọng đều giống nhau. Kinh Viên Giác nói Tri Huyễn Tức Ly, Bất Tác Phương Tiện, Ly Huyễn Tức Giác, Diệc Vô Tiệm Thứ.

 

Tri huyễn tức lìa, bất tác phương tiện là không có tác ý chứ không cần buông bỏ nó. Vậy thì lìa như thế nào? Các giáo phái như Tông Thiên thai, Hiền thủ đều tự có phái thiền của họ, cứ tu theo thiền quán của mình là tự động lìa. Do thiền quán của Giáo môn còn có năng sở, nên khác với cái lìa tự động của Tổ Sư Thiền. “Lìa huyễn tức giác, cũng chẳng thứ lớp” giống như Tổ Sư Thiền nhưng lại chẳng phải, vì Tổ Sư Thiền chẳng có năng sở, và bốn câu kệ trong Kinh Viên Giác chỉ là lý thuyết, sau đó mới dạy hai mươi lăm thứ quán. Lấy Tông Thiên thai để dẫn dụ thì có Không, Giả, Trung (Samatha, Tam ma Bát đề và Thiền na), trở đi trở lại thành hai mươi lăm thứ thiền quán, có năng quán và sở quán. Cũng khác hơn cách tu Tri vọng, vì Tri vọng có sự buông bỏ, còn ở đây thì “bất tác phương tiện”, tự nhiên được lìa. Nên nói Tri huyễn với Tri vọng giống mà hơi khác, giữa thiền Giáo môn và thiền giáo ngoại biệt truyền cũng có khác.

 

Hỏi: Cái “Biết vọng” của ngài Khuê Phong như thế nào?

 

Đáp: Ngài Khuê Phong là Tổ thứ năm của Tông Hiền Thủ, chẳng phải Tổ sư của Tổ Sư Thiền. Kinh Viên Giác nói “Nhất thiết chúng sanh giai chứng Viên giác”, Ngài cho là dịch sai, chữ Giai phải đổi thành chữ Cụ, ấy là lý lẽ bên Giáo môn, Thiền tông thì biết chữ Giai là đúng. Ý của Tổ Khuê Phong là “Tất cả chúng sanh chưa chứng viên giác, chỉ là cụ túc viên giác mà thôi”, ấy là do còn chấp thật có chúng sanh, thật có viên giác. Bởi vì bản tánh của mình đâu phải là chúng sanh? Bản tánh của mình đâu phải là Phật? Nay dùng trí huệ hiểu biết để suy diễn cũng có thể suy ra được: Nếu bản tánh của mình là Phật thì sao nay lại thành chúng sanh? Hễ thành chúng sanh được thì tu thành Phật cũng vô ích, sau này cũng có thể trở thành chúng sanh. Hễ bản tánh là chúng sanh thì dù cho tu hành thế nào cũng chẳng thể thành Phật được, vì bản tánh đã là chúng sanh rồi! Do Khuê Phong còn có chấp, nên chỉ có thể làm Tổ bên Giáo môn chứ chẳng thể làm Tổ bên Thiền môn.

 

Hỏi: Có người nói “hết vọng tưởng tức kiến tánh”, nhưng Thiền Sư lại nói: “hết vọng tưởng chưa phải kiến tánh”, mong Thiền Sư giảng lại chỗ này?

 

Đáp: Nếu không phá ngã chấp, hết vọng tưởng được sanh Cõi Vô Tưởng, cao nhất là Cõi Phi tưởng Phi phi Tưởng. Đức Phật từng thọ ký cho ông Uất Đầu Lam Phất “Sau khi hưởng xong phước báo cõi Trời, sẽ bị đoạ súc sinh làm con chồn bay”. Tu đến hết vọng tưởng, đừng nói là một đời chỉ có mấy mươi năm, cho dù là nữa đại kiếp không có vọng tưởng, vẫn còn bị đoạ súc sinh! Cho nên, hễ không có nghi tình cũng không có vọng tưởng là lọt vào vô ký không, là Thiền bệnh. Tổ Sư Thiền gọi đó là “ngâm nước chết”, hễ chấp vào đó thì vĩnh viễn chẳng được kiến tánh.

 

Hỏi: Vọng từ đâu sanh khởi?

 

Đáp: Câu hỏi này có trong Kinh Lăng Nghiêm, Phú Lâu Na hỏi Phật:”Vọng từ đâu sanh? Tại sao có vọng?” Phật bảo: “Đã gọi là vọng thì chẳng có nguyên do, nếu có nguyên do thì chẳng gọi là vọng”; vấn đề này dùng lời nói chẳng bao giờ thấu hiểu được, bởi hễ có lời nói thì không lọt vào nhị biên cũng lọt vào trung đạo hoặc tứ cú, phải đợi cho đến kiến tánh thì mọi việc tất hiểu.

 

Hỏi: Cái biết mà mình không khởi niệm, không tác ý phân biệt để biết, đó có phải là Tri tịch không?

 

Đáp: Kinh Lăng Nghiêm nói rõ “Tri giác nãi chúng sanh”, đã lập tri rồi, mặc dù cái tri ấy không rõ ràng, nhưng cũng là tri. Nếu không khởi ý để biết thì làm sao biết đó không rõ ràng? Biết là “không rõ ràng” đã là biết rồi! “Tri tri” là căn bản vô minh, từ nguồn gốc ấy sinh ra sở tri. Dù yên lặng chẳng có vọng tưởng gì, nhưng năng sở đã rõ ràng, thì chẳng phải cái tri của Tự tánh. Đợi đến biết cái “mờ mờ không rõ ràng ấy” thì trở thành bụi bậm, là sở tri rồi.

Tại sao nói “Cái Tri của Tự tánh? Đáng lẽ không có cái tên gọi là Tri, ấy chỉ là Thế lưu bố tưởng, thế gian đã gọi là tri thì phải gọi cái tri đó thế gian mới hiểu, nếu không thì gọi bằng cái gì? làm sao diễn đạt? Nên mới có phân biệt Thế lưu bố tưởng và Trước tưởng. Do đó, nói chữ “Tri” đã là có sự chấp thật; chấp cái năng tri là thật, là căn bản vô minh vậy.

 

Hỏi: Cái “Tri” ấy đã là bất đắc dĩ mà nói, nói cái trạng thái đó là “Biết” cũng không được ư?

 

Đáp: Trong Thiền Thất Khai Thị Lục đề cập khi tham thiền đến trạng thái đó là ”Vô tâm không cho hữu tâm biết”. Ví như có người hỏi ông tên gì, nếu còn trả lời được tức còn biết, chưa phải là vô tâm. Ví như nói “Tri” và “vô Tri”, Vô Tri tức chẳng còn biết gì nếu còn biết là Vô Tri ấy là Tri. Nếu thật Vô Tri, ai biết Vô Tri? “Cảm thấy” cũng là biết.

 

Hỏi: Cái biết của lục căn trước khi dấy niệm phân biệt là Chơn hay Vọng?

 

Đáp: Cái biết của lục căn nếu lọt vào cái “biết” là vọng. Biết là cú thứ nhất, không biết là cú thứ nhì, cho nên Kinh Lăng Nghiêm nói: “Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn”. Kiến văn giác tri hễ lập thì có chấp thật, tức căn bản của vô minh, biết là “trước khi dấy niệm phân biệt” ấy đã là vọng rồi.

 

Chữ “Biết” này, như trong Kinh Niết Bàn, Phật gọi là Thế lưu bố tưởng, thế gian đã lưu hành, gọi biết là biết; còn phàm phu chấp cái biết đó là thật, lọt vào Trước tưởng, gọi là điên đảo tưởng. Cho nên, tri kiến lập tri, tức vô minh bổn, nếu tri kiến không kiến lập, không chấp là thật tức Niết bàn. Hễ có biết là lọt vào điên đảo tưởng, mặc dù cái biết đó chưa khởi lên ý phân biệt.

 

Hỏi: Khi tham thiền, vọng tưởng nổi nhiều phải làm sao?

 

Đáp: Không cần để ý đến vọng tưởng, vọng tưởng nổi lên bao nhiêu mặc kệ, đừng biết tới, chỉ chú ý câu thoại đầu, hỏi thầm trong bụng, có hỏi thì có đáp, hỏi không hiểu, đáp không ra, cứ hỏi tới mãi, khi thoại đầu quen thuộc rồi vọng tưởng tự nhiên nổi không lên. Vì nghi tình là cây chổi automatic, khỏi cần tác ý muốn quét, nó tự động quét sạch.

 

Hỏi: Làm sao phá bỏ Năng Tri và Sở Tri?

 

Đáp: Không cần phá bỏ. Tôi dạy mọi người không được buông bỏ vọng tưởng, không được đè nén vọng tưởng. Không được phá trừ, cũng không cần tác ý phá trừ, chỉ đề khởi câu thoại đầu tham tới mãi nghi tình là cây chổi tự động quét sạch.

 

Về vấn đề Năng Tri và Sở Tri: Lục căn là dùng để tri, phải không ? Nhưng trong Tâm Kinh nói “Vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý”, chữ Vô là cây chổi để phá lục căn, vì cái tri do lục căn tiếp xúc lục trần, sanh ra lục thức, ấy là Vọng Tri. Trong quyển 2 của Kinh Lăng Nghiêm, Phật thí dụ rằng do con mắt bệnh nên thấy hoa đốm trên không, thật ra trên không chẳng có hoa đốm! Cũng như thấy có núi sông đất đai, có quốc độ chúng sanh, có Phật, Bồ tát v.v… tất cả đều do con mắt bệnh từ vô thỉ, do có biết mới thấy như thế.

 

Cũng trong Kinh Lăng Nghiêm nói “Tri giác nãi chúng sanh”. Có tri giác tức thành chúng sanh. Chư Phật chẳng phải không có tri giác như gỗ đá, nhưng tri giác của Phật chẳng năng sở đối đãi, không có năng tri sở tri, năng giác sở giác, vì năng sở đối đãi là do tâm tạo, là vọng.

 

Trong Kinh Lăng Nghiêm còn nói “Dẫu cho diệt hết tất cả kiến,văn, giác, tri, trong giữ u nhàn, vẫn là bóng phân biệt của pháp trần”, huống là lấy cái tri của lục căn tiếp xúc lục trần! Có cái tri rõ ràng, cũng là cái vọng rõ ràng.

 

Hỏi: Có phải trong Thiền tông tự mình tìm kiếm tri kiến Phật?

 

Đáp: Tổ Sư Thiền là giáo ngoại biệt truyền, khác hơn pháp quán của Giáo môn. Còn nói “Thiền tông phải tự tìm kiếm tri kiến Phật”, sự tìm kiếm ấy đã là bệnh rồi! Tổ Sư Thiền là không cho tìm hiểu, chẳng những không cho tìm hiểu cái khác, kể cả tìm hiểu Tổ Sư Thiền, câu thoại đầu cũng không được, hiểu thiền hiểu đạo cũng không được. Tôi đã nói tham Thiền là Chánh nghi, có tâm đi tìm hiểu là Hồ nghi, còn nói “tự đi tìm tri kiến Phật”, ấy là đại vọng ngữ, vì Tổ Sư Thiền là vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở sợ không cho cầu, cũng không cho có ý muốn chứng đắc, hoặc sợ rằng mình không chứng đắc, sợ ngộ rồi chẳng ai ấn chứng v.v… cũng không được.

 

Hỏi: Biết như thế nào là chơn chánh? Và thế nào là vọng tưởng?

 

Đáp: Do lục căn bao gồm kiến, văn, giác, tri, nay nhiều người học giáo lý hay chấp vào sự Tri và bất Tri. Đức Phật giải thích trong quyển hai của Kinh Lăng Nghiêm: “Kiến, văn, giác, tri là bệnh đã thành từ vô thỉ”, xong có một đoạn lại nói: “Kiến, văn, giác, tri vốn là Như Lai Tạng”. Vậy làm thế nào phân biệt kiến, văn, giá,c tri nào là bệnh, kiến, văn, giác, tri nào là tự tánh?

 

Bản tri của tự tánh vốn không sanh diệt, còn vọng tri là có sanh diệt, chẳng những tri là vọng, bất tri cũng là vọng. Tại sao? Vì có sanh diệt, lúc biết là sanh, lúc không biết là diệt, ấy là nhị, là tương đối, là bệnh đã thành tử vô thỉ. Bản tri không sanh diệt, nên không nói là biết hay không biết.

 

Một trong mười Phật hiệu là Chánh Biến Tri, sao gọi Chánh Biến Tri? Chánh là đúng với thật tế, Biến là phổ biến khắp nơi, khắp không gian thời gian: Khắp không gian thì chẳng có chỗ biết chỗ không biết, khắp thời gian thì chẳng có sự bắt đầu và cuối cùng, tức không sanh diệt đối đãi, ấy mới là cái tri của tự tánh, khác hơn cái tri của vọng.

 

Việc này phải tự ngộ mới được, chẳng thề dùng lời nói tỏ bày, nên gọi sự giác ngộ này là “Vô Thượng Giác” do chẳng có gì cao hơn, là “Diệu Giác” vì bất khả tư nghì.

 

Hỏi: Tại sao nổi lên lòng từ bi là vọng?

 

Đáp: Đức Phật là có lòng đại từ đại bi, Phật tử người nào cũng muốn noi theo lòng từ bi của Phật. Thế thì tại sao nói “nổi lên lòng tử bị là vọng?” Vì bây giờ chúng ta chuyên chú về tham thoại đầu, muốn giữ nghi tình, nuôi nghi tình cho mạnh để đạt đến ngộ, ngộ tức thành Phật, tham thiền chỉ e mình không ngộ, đừng sợ ngộ rồi không có lòng đại từ, đại bi để độ chúng sanh. Nay trong lúc tham, hễ nổi lên một niệm từ bi tức có kẽ hở, có tác ý, có năng sở, chẳng phải vô duyên từ, đồng thể bi, không đối đãi của Phật.

Chư Phật là không có ta làm từ bi, chúng sanh nhận sự từ bi, nên Kinh Kim Cang nói: “Độ hết tất cả chúng sanh mà chẳng có một chúng sanh để độ” tức chẳng có năng độ và sở độ. Chẳng phải là không độ, chỉ là không qua sự tác ý, không có ta năng độ, là chúng sanh tự tánh tự độ, ai ăn nấy no.

 

Hỏi: Thiền Sư dạy “lấy cái không biết để chấm dứt tất cả biết”, tức dùng cái không biết đối trị cái biết, nhưng cái “không biết” lấy gì đối trị?

 

Đáp: Lấy cái biết của bản thể để trị bệnh “không biết” của bộ não. Nhưng cái biết của bộ não thì chẳng thể biết được “cái biết của bản thể”.

 

Nay dùng cái không biết của bộ não chấm dứt tất cả biết của bộ não, bao gồm tìm hiểu biết, ghi nhớ biết và tùy duyên biết. Tánh con người ham tìm hiểu, tìm hiểu rồi ghi nhớ lại; tìm hiểu biết chấm dứt rồi, phải chấm dứt luôn cả tùy duyên biết.

 

Thế nào là tùy duyên biết? Tức không cần tìm hiểu cũng biết: ví như ngồi, chẳng cần tìm hiểu cũng biết ngồi, đi chẳng cần tìm hiểu cũng biết đi, biết ăn cơm v.v… gặp duyên gì đều biết.

 

Ngài Lai Quả nói: “Khi công phu đến mức, ngồi không biết là ngồi, đi không biết là đi”, lúc đó tất cả đều không biết, chính chỗ đó là vô thỉ vô minh. Cuối cùng còn tâm không biết, là gần kiến tánh. Khi cái biết của tự tánh thình lình nổi lên, cái không biết của bộ não tan rã, gọi là kiến tánh thành Phật, tức chấm dứt cái biết của người mù, tự mình mắt sáng, chẳng cần hỏi ai nữa, chẳng còn bị người lừa gạt.

 

Nay chưa kiến tánh là người mù, thường bị người mắt sáng như Phật, Tổ lừa gạt. Tổ với Phật vốn không có ý lừa gạt mình, tại mình chẳng thể thấu qua lời nói của Phật, Tổ, nên bị lừa gạt.

 

Hỏi: Thể nào là “Tri chẳng có hai người, pháp chẳng có hai thứ?”

 

Đáp: Tri là biết, cái biết của bản thể là Chánh biến tri, khắp không gian thời gian, ở ngoài không gian chẳng có không gian, ở ngoài thời gian chẳng có thời gian. Chỉ có một cái tri, nay thêm vào cái tri chẳng cùng khắp của bộ não, thành hai cái tri, vậy thành có hai người sao? Thực tế chỉ là một cái tri, còn cái tri của bộ não là tướng bệnh, khi mạnh thì không. Nay tham thiền là chấm dứt tướng bệnh, cho tướng mạnh hiện ra.

 

Hỏi: Vậy cái tri của bộ não có phải là cái bóng của Chánh biến tri?

 

Đáp: Nói là bóng cũng không đúng. Kinh Lăng Nghiêm nói “Bản tri là đệ nhất nguyệt”, do con mắt bệnh mới thấy mặt trăng thứ hai, chứ chẳng phải bóng của mặt trăng thứ nhất.

 

Đệ tử Thích Vân Phong kính biên tập

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]