Nam Thiên Nhất Trụ
Chùa Một Cột miền Nam
Nếu Hà Nội có chùa Một Cột được xây dựng vào đời nhà Lý (đầu thế kỷ XI) thì Sài Gòn có “Nam Thiên nhất trụ”(Trời Nam một trụ) gọi nôm na là chùa Một Cột. Chùa do hòa thượng Thích Trí Dũng dựng vào năm 1958. Đến đây, vừa tham quan chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chùa, vừa thả hồn theo tiếng chuông mõ ngân vang, cảm giác về sự uy nghiêm của hình tượng kiến trúc như chia sẻ, hòa mình vào trời nước và màu xanh ẩn hiện của cây lá…, bạn sẽ có được những phút “rũ sạch nỗi u phiền để đạt đến sự thanh cao của tâm hồn”.
Tương truyền vào đời vua Lý Thánh Tông (năm 1049), khi ấy nhà vua tuổi đã cao nhưng chưa có con trai để nối dõi, nên thường đến các chùa cầu tự. Một đêm, vua nằm chiêm bao thấy Đức phật Quan Âm hiện trên đài hoa sen ở một hồ nước hình vuông phía tây thành Thăng Long, tay bế đứa bé trai đưa cho nhà vua. Tỉnh dậy, vua bèn đem chuyện kể cho bầy tôi. Nghe xong, sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá ở giữa như đã thấy trong mộng và cho các nhà sư đi chung quanh tụng kinh cầu để được sống lâu. Quả nhiên, ít lâu sau, hoàng hậu sinh được người con trai như mong muốn của nhà vua. Và ngôi chùa đó chính là chùa Một Cột ở quận Ba Đình, Hà Nội ngày nay.
Theo tinh thần văn bia hòa thượng, dựng Nam Thiên Nhất Trụ phải tuân thủ khuôn mẫu Thăng Long nhất trụ ở Hà Nội, năm 1958, hòa thượng Thích Trí Dũng và các đệ tử của mình đã lập nên chùa Một Cột ở miền Nam, gọi là Nam Thiên Nhất Trụ (tọa lạc tại đường Đặng Văn Bi, P. Bình Thọ, Q. Thủ Đức, TP. HCM). Xây dựng chùa này với mục đích vừa là di tích lịch sử vừa là danh lam thắng cảnh cốt để các tín ngưỡng phương Nam chiêm ngưỡng lễ Phật, nhớ về cội nguồn tổ tiên, hun đúc hy vọng quốc thái dân an, quê hương hưng thịnh.
Chùa Một Cột ở miền Nam được xây dựng theo kiến trúc của các chùa chiền cổ ở miền Bắc, từ rui kèo, trính, xuyên, mái ngói... đến những đường nét hoa văn bài trí cũng như cách bố trí thờ phượng. Trụ chùa Một Cột đúc vĩnh cửu bằng xi măng cốt thép; mái lợp ngói uốn cong như chùa Một Cột Hà Nội, nhưng thấp và nhỏ hơn. Nhìn từ cổng tam quan, Nam Thiên Nhất Trụ được xây dựng nằm giữa lòng hồ Long Nhãn (hồ Mắt Rồng) rập rờn hoa sen với diện tích mặt hồ khoảng hơn 600m2. Ngôi chùa được đặt trên một cột cao khoảng 12m. Trên mặt hồ, ngôi chùa vươn lên với ý niệm cao cả, vừa tạo nét gần gũi tinh khiết, vừa tạo nên không gian thanh tịnh.
Phía sau Nam Thiên Nhất Trụ là chánh điện, nhà Tú Ân, giảng đường và nhà lưu niệm. Ngoài ra, chùa còn có tượng Đức Địa Tạng đúc bằng 61kg kim loại quý, tượng Phật Di Đà đồ sộ, tượng Phật Thích Ca ngồi thiền dưới cội bồ đề... để du khách chiêm bái.
Trước đây, tiền nhân chúng ta chỉ tưởng tượng bông sen nở trong đầm mà hình thành một công trình kiến trúc văn hóa hoàn mỹ, thể hiện khá linh hoạt giấc mơ đầy thi vị của một vị hoàng đế. Chùa Một Cột đã thành một biểu tượng khá rõ nét về nghệ thuật kiến trúc, về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Từ Một Cột đến Nam Thiên Nhất Trụ - một phiên bản dựng lên trong những ngày đất nước còn chia cắt như một nỗi hoài hương và khát vọng non sông thống nhất.
Đến đây, vừa tham quan chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chùa, vừa thả hồn theo tiếng chuông mõ ngân vang, du khách sẽ cảm thấy tâm hồn mình như lạc vào cõi thần thiên Phật pháp. Và với vẻ đẹp hấp dẫn ấy, hàng năm, Nam Thiên Nhất Trụ đã đón hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng và khám phá nét độc đáo trong đời sống văn hóa tinh thần của người Sài Gòn - Gia Định.
---o0o---
Các Ngôi Chùa ở TP Hồ Chí Minh
---o0o---
Trình bày: Nhị Tường