Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chùa Dơi

20/06/201318:42(Xem: 3858)
Chùa Dơi

CHÙA MA-HA-TUP (CHÙA DƠI)


Chùa thường được gọi là chùa Mã Tộc, ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer tọa lạc ở số 73B đường Lê Hồng Phong, phường 3, thị xã Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Chùa được dựng vào khoảng thế kỷ XVI và đã được trùng tu nhiều lần. Ơở các cây trong vườn chùa từ lâu đã có những đàn dơi sinh sống rất đông nên chùa còn được gọi là chùa Dơi. Chùa tôn trí pho tượng đức Phật bằng đá, cao 1,50m và nhiều bộ kinh luận viết trên lá cây thốt nốt. Nhà sư trụ trì Kim Rênh đã tổ chức trùng tu ngôi chùa trong 2 năm 1994-1995. Ngày nay, chùa là điểm chiêm bái và tham quan du lịch nổi tiếng ở Sóc Trăng.


Chùa Dơi ở Sóc Trăng thuộc đồng bằng sông Cửu Long tên cổ là Mahatup, còn gọi là chùa Mã Tộc. Ngôi chùa nằm trong một khu vườn rộng khoảng 3 ha, um tùm các loại cây ăn quả như xoài, vú sữa, sầu riêng, măng cụt... Gọi là chùa Dơi vì ngôi chùa nổi tiếng với một đàn dơi hàng vạn con. Ban ngày dơi treo mình trên các cành cây ngủ yên lành. Có nhiều cây dơi treo dốc đầu ngủ, chi chít nhễ lá. Khoảng thời gian từ tháng năm đến tháng tám là mùa sinh sản, mỗi dơi mẹ ôm một dơi con mà ngủ. Đi lại trong vễờn chùa phải thật yên tĩnh, một tiếng ồn cũng có thể làm dơi mẹ giật mình, đánh rơi con.


Dơi trong chùa thuộc loại dơi quạ (Flying-fox). Con dơi mới đẻ sải cánh đã dài tới 50 cm, dơi trưởng thành sải cánh khoảng 1 m và nặng xấp xỉ 1,5 kg. Đã từ hàng trăm năm nay, đàn dơi chọn vườn chùa làm nơi cư trú và nghỉ ngơi ban ngày. Hoàng hôn xuống, chúng thức giấc bay lên, ríu rít gọi nhau, lượn qua lượn lại mấy vòng, rồi mới từ giã ngôi chùa đi kiếm ăn. Có một điều rất lạ là dơi không hề ăn một trái chín nào ở vườn chùa. Chúng tung cánh bay đi xa, kiếm ăn trên những miệt vườn khắp vùng sông Tiền, sông Hậu, để rồi sáng sớm lại trở về ngủ trong vườn chùa. Có những cành cây ăn trái của nhà dân ngả sang vườn chùa thì đàn dơi cũng tránh, không con nào chịu ngủ trên những cành cây đó.


Đây là một điều thực tế, không phải là huyền thoại. Trong tình hình môi trường đang bị hủy hoại, chim thú đang bị săn bắt tàn bạo như hiện nay, thì chùa Dơi vẫn còn là một môi tường tốt và thanh bình cho hàng vạn con dơi. Đất lành chim đậu, có thể nói các nhà sư ngày trước đã tìm được một nơi đất lành để dựng chùa, mời gọi được đàn dơi về đây.


Phía sau vườn chùa hiện nay có hai ngôi mộ chôn hai con heo, được xây bằng xi-măng và được vẽ hình khá trân trọng cùng ghi ngày chết, tuổi thọ của heo. Sư cả Kim Rênh, vị sư trụ trì đời thứ 19 của chùa Dơi cho biết, trước đây, một số hộ chăn nuôi ở Sóc Trăng có những con heo con mới sinh ra bàn chân có 5 móng, họ sợ, vì thông thường heo chỉ có 3 móng, không dám nuôi mà cũng không dám giết bèn đem gửi ở chùa. Có đến 7, 8 con heo 5 móng như vậy - cả đực lẫn cái. Đặc biệt, cứ một vài tháng một lần, cả bầy heo lớn trước nhỏ sau tự động kéo nhau "đi dạo" một vòng từ chùa ra chợ Sóc Trăng cả vài cây số rồi tự động trở về chùa! Năm ngoái hai con heo lớn tuổi nhất (7 tuổi) già chết, chùa đem chôn sau vườn. Sau đó có người khách từ thành phố Hồ Chí Minh xuống viếng chùa đã bỏ tiền ra mua vật liệu thuê người xây mộ và vẽ hình hai chú heo. Hiện chùa vẫn còn nuôi 4-5 con heo 5 móng, con già nhất còn sống cũng đã 5 tuổi, khá mập và nặng nề, chỉ nằm một chỗ...


Nhưng chùa Dơi không chỉ nổi tiếng bởi những thứ đó. ở đồng bằng sông Cửu Long có chừng 600 ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer, thì chùa Dơi nổi lên như một quần thể kiến trúc đẹp vào bậc nhất. Mái chùa gồm hai tầng lớp ngói mầu. Phía đầu hồi, bốn đầu mái được chạm trổ tinh xảo hình rắn Naga cong vút. Trên đỉnh chùa có một ngọn tháp nhọn. Hàng cột đỡ bao quanh chùa, mỗi cột có một tượng tiên nữ Kemnar đôi tay chắp trước ngực như đang cất lời đón chào khách thăm viếng. Trong chính điện (sanctury) có một pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối trên một tòa sen cao khoảng hai mét. Khắp trên tường chùa là những bức tranh miêu tả cuộc đời Đức Phật, từ lúc ra đời tới khi được khai minh rồi nhập Niết bàn. Bên cạnh đó còn có một pho tượng sinh động miêu tả Đức Phật cưỡi trên rắn thần Muchalinda.


Trong khu vườn rộng còn có nhiều bảo tháp (stupa) chứa di hài các nhà sư quá cố, có lò hỏa táng, nhà ở của các sư và nhà hội Sa La như kiểu nhà rông hay hội trường...


Ban ngày đi thăm vườn chùa rợp bóng mát, nhìn hàng vạn con dơi treo mình ngủ trên cây mới thấm thía cái giá trị của sự bình yên, của một môi trường trong lành đang ngày càng trở nên cần thiết cho chim thú và cho chính con người.



CHÙA DƠI


Xuân Minh


Ở một vùng đất có sự hiện diện khá rõ nét của cộng đồng dân tộc gốc Khmer - Sóc Trăng có đến 89 ngôi chùa mang đậm nét kiến trúc của người Khmer Nam Bộ. Cách thị xã Sóc Trăng chưa đầy 2 km có một ngôi chùa đã được nhiều khách thập phương trong nước và nước ngoài tìm đến là ngôi chùa mang tên Chùa Dơi được xây dựng vào năm 1569 (432 tuổi) với tên khai sinh theo ngôn ngữ Khmer là Sêrây Têchô Mahatúp (nên còn được gọi theo tiếng Việt là chùa Mã Tộc). Đây là ngôi chùa có thâm niên xếp vào hàng thứ 4 trên địa bàn thị xã Sóc Trăng, xếp sau chùa Wat Chruitưm - Chăs xây dựng năm 1464. Cao niên lâu đời nhất phải kể đến chùa Wat Prasath - Kong ở huyện Mỹ Xuyên - Sóc Trăng xây dựng năm 1224 - 777 tuổi.


Nhà sư Kim Rông pháp hiệu Rat-ta-na Xô-oa-nac trụ trì chùa đã lâu cho biết: khách thập phương tìm đến chùa, trước là lên điện Phật thắp hương, tham quan những bảo vật quý thờ trong trong chùa như tượng Phật và tượng tứ linh: long, li, quy, phượng... đều nặn từ đất sét, sau đó khách xin ra vườn chùa để được chiêm ngưỡng đàn dơi...


Chùa Mã Tộc đậm nét đặc thù cấu trúc Khmer và được biết đến nhiều hơn qua tên gọi quen thuộc Chùa Dơi do nét độc đáo của môi trường sinh thái, với sự hiện diện của hàng triệu con dơi lấy nơi này làm quê hương.


Sư cả Kim Rênh - pháp danh Rách Tắc NắSúvanh Nắ, Đại đức trụ trì đời thứ 19 chùa Sêrây Têchô Mahatúp cho biết "Đây là ngôi chùa thờ duy nhất một chư vị Phật Thích Ca của cộng đồng dân tộc Khmer Nam Bộ tại tỉnh Sóc Trăng. Diện tích ban đầu là 7ha nhưng nay chỉ còn tập trung khoanh vùng khu vực chùa quản lý 4 ha, còn lại dành cho dân canh tác. Được sự hỗ trợ và động viên của chính quyền sở tại chùa thường xuyên tổ chức lớp học chữ Khmer nhằm đa dạng hoá đồng thời gìn giữ bản sắc dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.


Trong khuôn viên chùa có hàng triệu con dơi. Theo gia phả để lại họ hàng dơi xuất hiện ở đây từ 200 năm về trước, dường như chúng đã chọn nơi này làm cửa sinh theo triết lý nhà Phật, là cửa sinh vì không hề bao giờ nhìn thấy một xác dơi chết (không có cửa tử). Nếp sinh hoạt cộng đồng động vật này là chúng treo mình trên những cành cây trong khuôn viên chùa suốt từ 6 giờ sáng đến 6 giờ 30 chiều dơi bay đi kiếm ăn cách chùa khoảng 50 - 60 km sau đó trở về chùa vào đúng 4 giờ sáng. Đặc biệt là một sinh vật ăn trái cây nhưng tập đoàn dơi không bao giờ động chạm đến cây trái của chùa, thậm chí khi trở về cũng chỉ đeo bám vào các cành cây trong phạm vi chùa, không hề hiện diện ở bất cứ cành cây nào mọc chìa ra bên ngoài. Thông thường dơi ở đây sinh sản vào khoảng tháng 5 - tháng 9, và dơi nhỏ bao giờ cũng ôm theo mẹ ngay cả khi vận động kiếm ăn. Dơi lớn nhất ở chùa có trọng lượng từ 1 - 1,5kg với sải cánh rộng đến 1,5m.


Trong thênh thang đất trời của khuôn viên Chùa Dơi với thiên nhiên xanh và với đàn dơi đông đến kỳ lạ treo mình ngơi nghỉ, du khách cảm thấy vô cùng thích thú.


Chùa Dơi


TTO - Khi nói đến Chùa Dơi - Sóc Trăng bạn thường nghĩ ngay đến một ngôi chùa đầy dơi, nhưng ngôi chùa của người Khơme có nhiều ấn tượng không chỉ bởi những chú dơi thích cư ngụ tại đây.


Ngay từ cổng vào cho đến kiến trúc mái chùa đã cho thấy nét tinh xảo đặc trưng. Những họa tiết vẽ trên cột, trần khu nhà có tượng Phật nằm tuy không có nhiều tiểu tiết, nhưng cũng đủ mô phỏng tín ngưỡng của người Khơme. Những bức họa lớn do các phật tử từ nhiều nơi thực hiện gấn kín hết các bức tường phía ngoài.


Qua khu nhà có tượng Phật ngồi, bạn còn bất ngờ hơn bởi những họa tiết cực kỳ tinh xảo. Những chiếc cột được khắc họa tỉ mỉ, những bức tường vẽ miêu tả những câu chuyện về đức Phật cùng với cuộc sống của người Khơ-me cổ sẽ khiến bạn phán phục.


Chúng tôi lần lượt chụp ảnh bên các ô cửa hiếm hoi được thiết kế chỉ để ánh sáng lọt vào vừa đủ. Ánh sáng cộng với những họa tiết ấn tượng trên cánh cửa tạo khung cảnh rất huyền bí cho mỗi bức ảnh mà bạn chụp.


Gác lại những chi tiết về chuyện người ta lấy phân dơi để bán làm phân bón cây cảnh hay làm thuốc với giá khá cao, chúng tôi ghé thăm xem nơi đây còn bao nhiêu chú heo 5 móng như người ta kể. Bạn sẽ thấy những nấm mộ chôn những chú heo đáng thương. Chỉ còn một con heo 5 móng duy nhất sống chung với những chú heo “bình thường” khác.


Ngoài không gian để thờ cúng, Chùa Dơi còn có khoảng không gian rất rộng cho nhiều loại cây cối khác nhau. Chính nét thanh tịnh và độc đáo của chùa mà mỗi ngày đều có rất nhiều du khách viếng thăm nơi đây.


(Nguồn: Thư Viện Hoa Sen)



Chùa Dơi

- Một kho tàng nghệ thuật độc đáo của người Khmer Nam bộ


chuadoiTỉnh Sóc Trăng có trên 200 ngôi chùa lớn nhỏ. Nếu du khách về Sóc Trăng muốn tham quan hết chùa chiền, tháp cũng phải mất cả tuần lễ. Tuy nhiên, du khách vẫn thường chọn những ngôi chùa lớn và kiến trúc đẹp nhất, để vừa chiêm ngưỡng nét nghệ thuật độc đáo về kiến tạo, vừa tìm hiểu phong tục tập quán của giới phật giáo người Việt, Khmer, vùng đồng bằng Nam bộ. Có lẽ ngôi chùa nổi tiếng được nhiều người biết đến ở Sóc Trăng là chùa Dơi. Chùa tọa lạc trên đường Lê Hồng Phong, phường 3 thị xã Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) cách trung tâm thị xã chừng 2 km. Đây là một ngôi chùa đẹp hài hòa trong khoảng không gian xanh bốn chuadoi10mùa. Cây cối ở đây cao to và là nơi cư ngụ của hàng trăm loài chim muông. Đặc biệt là trong khuôn viên của chùa khá rộng, nơi đây có hàng vạn con dơi quạ cư trú bao đời nay, chúng treo mình trên những cành cây cao vào ban ngày. Còn khi hoàng hôn buông xuống thì đàn dơi bay đi kiếm ăn khắp vùng, lúc trời sáng dơi lại trở về nơi đây. Chính vì vậy chùa có tên rất dễ nhớ và ấn tượng là Chùa Dơi. Điều thú vị nữa là dơi cư trú kín cả khuôn viên, nhưng không bao giờ ăn và phá hoại cây trái trong khu vực chùa nơi chúng nương náu. Chùa Dơi còn được gọi là chùa Mã Tộc hay chùa Mahatne. Chùa này được xây dựng vào thế kỷ 16 và được trùng tu nhiều lần. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống Khmer. Du khách đến tham quan chùa không thể bỏ qua những giây phút ngắm nhìn pho tượng Đức phật cổ bằng đá cao 1,5 mét và nhìn bộ Kinh Phật viết trên lá cây Thốt nốt. Rất nhiều nam thanh niên đến tuổi trưởng thành đều vào chùa tu hành học kinh phật một thời gian sau đó mới trở về với đời thường.


Chùa Dơi – một ngôi chùa được kiến trúc, màu sắc khá đẹp. Sự hấp dẫn du khách không chỉ là lối kiến trúc chùa cầu kỳ, nhiều tháp nhỏ trên mái chùa, màu sắc rực rỡ, nổi bật trong khuôn viên xanh, rộng mà còn được chiêm ngưỡng một loại dơi quạ to con hơn dơi thường, trông rất lạ mắt. Quả thật, đây là một ngôi chùa có sức hấp dẫn du khách khá lớn. Người dân địa phương và chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã khai thác thế mạnh vùng đất nhiều chùa-tháp, lễ hội để phát triển du lịch.


chuadoi01chuadoi02
chuadoi03chuadoi05
chuadoi06chuadoi07

chuadoi04chuadoi08chuadoi09

(Hình ảnh trích từ trang:

http://zencomp.com/greatwisdom/uni/z-photos/chua_nguyenthuy/chua_km-doi.htm)





Cháy Chùa Mahatup (Chùa Dơi) ở Sóc Trăng

Lao Động Điện tử Cập nhật: 12:10 PM, 15/08/2007


chuadoi-bichayVào khoảng 4 giờ sáng nay (15.8), một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại chùa MahaTup (tức Chùa Dơi), phường 3, TP.Sóc Trăng. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy đã có mặt kịp thời để cô lập đám cháy, ngăn không cho lan rộng và dập tắt đám cháy nhanh chóng.


Mặc dù vậy, vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi toàn bộ vật dụng phục vụ việc thờ phụng và sinh hoạt của ngôi chánh điện. Giàn mái tam cấp chánh điện gần như hư hỏng nặng và khó có thể sửa chữa (ảnh dưới).


Ước tính chỉ riêng thiệt hại về vật chất và khu chánh điện đã là hơn 500 triệu đồng. Tuy nhiên, đàn dơi ở chùa Mahatup vẫn còn trong khuôn viên tại chùa vì khu chánh điện ở xa nơi đàn dơi trú ngụ. Chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân cháy của cơ quan chức năng.


Theo Đại đức trụ trì chùa Dơi, Kim Rêne, nguyên nhân cháy là do một trong 60 cây đèn cầy bị đổ, cháy lan ra bắt vào các màn vải trang trí sau khu tượng phật và lan ra các vật dễ cháy khác. Đây mới là thời điểm đầu của 3 tháng nhập hạ theo phong tục của phật giáo Nam tông (bắt đầu từ Rằm tháng 6 đến Rằm tháng 9 âm lịch).


Trong 3 tháng nhập hạ, tại ngôi chánh điện, phật tử mang nhiều đèn cầy đến cúng, mỗi cây đèn cầy (nến) nặng từ 8 đến 15 kg, cao 1 mét, mỗi đêm tại chánh điện chỉ đốt 5 cây đèn cầy, trong khi vẫn xếp cả 55 cây đèn cầy khác trước khu vực thờ cúng phật nên khả năng gây cháy là rất lớn.


K.C



---o0o---

Các Ngôi Chùa ở Sóc Trăng

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/12/2022(Xem: 10849)
Nhân Đại lễ Tipitaka lần thứ 17 được tổ chức tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ; Ban Tổ chức đã mời nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường tham gia triển lãm hình ảnh ngôi chùa Việt Nam trong nước và nước ngoài nhằm giới thiệu nét mỹ thuật và kiến trúc phong phú của ngôi chùa Việt đến hàng vạn chư Tăng, chư Ni và Phật tử khắp thế giới về đất Phật dự lễ. Bộ hình ảnh 165 ngôi chùa Việt Nam được phân bổ như sau: 01. Miền Bắc: 31 ngôi chùa; miền Trung: 44 ngôi chùa; miền Nam: 55 ngôi chùa; và Hải ngoại (Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Ấn Độ, Nepal): 35 ngôi chùa. Trong đó, chùa cổ: 46 ngôi; chùa Nam Tông người Việt: 34 ngôi; chùa Nam Tông Khmer: 7 ngôi; chùa Thiền tông: 15 ngôi; chùa Khất sĩ: 08 ngôi; chùa Ni giới: 09 ngôi.
10/08/2018(Xem: 39576)
Giới thiệu Cơ Sở Tạc Tượng Phật Phúc Minh, Tượng Phật gỗ Phúc Minh có 75 năm kinh nghiệm, 3 đời tạo tượng Phật – Bồ tát gỗ như tượng Phật A Di Đà, tượng Quan Âm, Tượng Phật Thích Ca, Tượng Địa Tạng, Tượng Hộ Pháp, … Xưởng Phúc Minh là một trong số ít Xưởng tại Việt Nam chỉ tạo tác dòng tượng Phật gỗ và tượng Người tinh xảo, có hồn, có thẩm mỹ cao. Hiện Xưởng Phúc Minh đang xuất tượng Phật tới Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mỹ, Canada, Úc.
05/11/2016(Xem: 47058)
Bộ ảnh 108 ngôi chùa Việt Nam - nét đẹp kiến trúc uy nghiêm và hiện đại.
20/06/2013(Xem: 1840)
73B Lê Hồng Phong, P. 3, TX Sóc Trăng. T. Sóc Trăng
20/06/2013(Xem: 1691)
71 Lương Ðịnh Của, P. 6, TX Sóc Trăng. T. Sóc Trăng
26/10/2010(Xem: 30800)
Chùa Hòa Thạnh (Chùa Cây Mít) Xã Nhơn Hưng, Huyện Tịnh Biên Tỉnh An Giang Chùa Linh Sơn Xã Vọng Thê, Huyện Phú Tân Tỉnh An Giang Chùa Long Hưng Xã Long Sơn, Huyện Phú Tân Tỉnh An Giang Tịnh Xá Ngọc Giang 80 B Trần Hưng Đạo, Phường Mỹ Xuyên Thị Xã Long Xuyên, Tỉnh An Giang Chùa Phú Thạnh Tổ 24, Ấp Châu Long, Xã Vĩnh Mỹ Thị Xã Châu Đốc, Tỉnh An Giang
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567