Một trong những suy nghĩ lớn của tuổi trẻ khi khởi sự học Phật là vấn đề bộ phái. Những câu hỏi bật lên trong đầu của người học Phật: Nên đến tu học ở chùa nào? Nên tu học theo quý Thầy Nam Tông, Bắc Tông hay Phật Giáo Tây Tạng? Nên đọc kinh điển theo tông phái nào? Và các câu hỏi tương tự cũng làm quý phụ huynh suy nghĩ: nên đưa con mình tới chùa nào, tìm mua kinh sách nào cho con…
Nhiều thập niên trước, các suy nghĩ về bộ phái không gay gắt, đặc biệt là tại Việt
Nhưng đó là thời chưa có Internet. Bây giờ, lựa chọn hiện ra trước mắt, khi mở máy tính, khi mở điện thoại tinh khôn, tất cả các phân biệt hiện ra nơi đầu ngón tay. Các tông phái lớn nguyên khởi xuất phát từ các hệ thống kinh điển dị biệt. Đức Đạt Lai Lạt Ma trong tác phẩm biên khảo “Buddhism: One Teacher, Many Traditions” (1) phân biệt làm 3 truyền thống: truyền thống Pali (Pali tradition), Sanskrit (Sanskrit tradition), và Nalanda (Nalanda tradition) – trong khi hai truyền thống đầu được dịch ra nhiều ngôn ngữ hiện nay, duy truyền thống từ Đại Học Nalanda khi trở thành Phật Giáo Tây Tạng, còn gọi là Kim Cang Thừa, thời trước chỉ lưu truyền qua kinh sách viết bằng tiếng Tây Tạng.
Thực ra, ngay trong các truyền thống đặc thù, cũng có các ngã rẽ bộ phái. Thí dụ, trong Phật Giáo Tây Tạng, cũng có 4 tông phái chính (Nyingma, Kagyupa, Sakya, Gelug), và phương pháp tu học, thiền tập cũng dị biệt. Do vậy, khi tổ chức Viet Nalanda (http://www.vietnalanda.org/) -- gồm nhiều người trẻ gốc Việt, đa số trưởng thành ở hải ngoại -- được thiết lập để nghiên cứu và tu học theo Phật Giáo Tây Tạng, họ đã chọn lập trường bất bộ phái, và lấy truyền thống Nalanda làm tên gọi.
Khi ra hải ngoại, và khi Internet đã xuất hiện như một phương tiện truyền thông chính, các lựa chọn ngay tức khắc hiện ra. Khi trẻ em còn nhỏ, quan tâm này chỉ hiện ra với phụ huynh. Lý do chính yếu: trên các kênh truyền hình tiếng Anh, tràn ngập các đài truyền hình Ky Tô Giáo; và bạn học trong trường của trẻ em đa số theo đạo Ky Tô Giáo, trong đó các hệ phái Tin Lành là phần lớn. Do vậy, nếu mình không dạy con mình, người khác sẽ dạy; và ai biết được, người khác đó, từ Internet hay TV hay từ phố thị, sẽ dạy con mình những gì.
Thế giới đang bên mép bờ của những cuộc thánh chiến. Do vậy, điều khó là, làm sao có thể gìn giữ hòa bình, trong khi chấp nhận bất đồng của nhau. Để có thể sống chung trong một địa cầu đang gần nhau, đang thu hẹp vì kỹ thuật truyền thông ngày càng tối tân, các nhà sư lãnh đạo Phật Giáo đã đi tìm một giải thích trung tâm từ Phật pháp.
Đó cũng là lý do, nhà sư Tích Lan Bhante Henepola Gunaratana -- từng là giáo sư đại học Hoa Kỳ, hiện nay là một tác giả nhiều sách về Thiền Chánh Niệm viết bằng Anh ngữ -- nơi trang XV, trong Lời Giới Thiệu trong sách đã dẫn trên, ghi nhận: “Phật Giáo trong mọi hình thức đã thu hút sự chú ý của thế giới vì đã hiện diện hòa bình bên các tôn giáo khác. Theo thông điệp trung tâm này của Đức Phật, tất cả từng người chúng ta nên là một sứ giả của hòa bình. Đây là gắn kết chung của chúng ta.” (2)
Trong khi đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma viết: "Đây là tôn giáo đơn giản của tôi. Không cần tới chùa, không cần triết lý phức tạp. Tâm trí của chúng tôi, tấm lòng của chúng tôi đã là ngôi chùa của chúng tôi; triết lý là lòng từ bi yêu thương." (3)
Vậy thì, nhiều phụ huynh suy nghĩ: phải dạy con mình về Phật Giáo. Tới đây, câu hỏi là Phật Giáo nào?
Có một số cuộc tranh luận từ các tông phái tại Việt
Đức Đạt Lai Lạt Ma khi nói về Tịnh Độ Bắc Tông (có khác với Tịnh Độ của Phật Giáo Tây Tạng), đã ghi nhận thêm: “Tịnh Độ cũng có thể được xem như bản tánh thanh tịnh của tâm chúng ta.” (4) Như thế, đó là hướng về Duy Tâm Tịnh Độ, theo cách nói quen thuộc của Phật Giáo Việt
Đôi khi, cuộc tranh luận tới ngã rẽ gần với thời đại của chúng ta hơn. Thí dụ, việc thiết lập Ni Đoàn tại Thái Lan, nơi quý Thầy với hỗ trợ từ chính phủ hoàng gia đã ngăn cấm và không công nhận phụ nữ thọ cụ túc giới.
Có một vấn đề chung, rằng trong xã hội Hoa Kỳ, trong khi chúng ta dễ dàng tiếp cận các khuynh hướng Phật Giáo khác nhau -- từ quý thầy nhiều quốc tịch, nhiều tông phái, nhiều nghi lễ dị biệt -- điều cần nhất là tìm điểm chung, để dễ dàng hộ trì Tam Bảo.
Điểm chung nhất: Không có Thượng Đế. Nghĩa là, không hề có vị Thần Sáng Tạo nào. Đây là quan điểm được các nhà khoa học tán đồng. Chúng ta có thể thấy rằng các nhà khoa học lớn, như Albert Einstein, Stephen Hawking, Bill Gates… hoặc là tự nhận vô thần (atheist), hoặc là tự nhận là bất khả tri luận (agnostic), một cách dùng từ lịch sự và khéo léo để bác bỏ tín ngưỡng hữu thần.
Những điểm chung trong Phật Giáo có thể tìm thêm, trước tiên là quan điểm về Tam Bảo -- Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo.
Tuy nhiên, nếu đi sâu, chúng ta vẫn thấy dị biệt tông phái. Thí dụ, quan điểm về Đức Phật theo quý Thầy Nam Tông có khác với hình ảnh Đức Phật qua diễn tả của Bắc Tông và Kim Cang Thừa. Hay là quan điểm ứng hóa thân, và rồi quan điểm Bồ Tát Thừa chỉ thấy trong Bắc Tông và Kim Cang Thừa.
Nên thấy, hình ảnh Đức Phật khi còn là một vị Bồ Tát đã từng hiện thân vào hàng trăm chúng hội của nhiều giai cấp xã hội, nhiều thành phần dị biệt… để tùy cơ thuyết pháp và rồi biến dạng đi đã từng được kể trong Trường Bộ Kinh, Tạng Pali, qua lời Đức Phật kễ lại cho ngài Anan. (5) Như thế, có phải hình ảnh Bồ Tát Quan Thế Âm trong phẩm Phổ Môn, Kinh Pháp Hoa, là ghi theo Trường Bộ Kinh? Và đây là Ứng Hóa Thân Phật?
Điểm chung về Tam Pháp Ấn, nghĩa là tất cả các pháp thế gian đều mang 3 đặc tính: khổ, vô thường, vô ngã.
Điểm chung về Tam Học (Giới, Định, Huệ) cần có để đánh bại Tam Độc (Tham, Sân, Si).
Điểm chung về Bốn Sự Thật Cao Quý (còn gọi là Tứ Thánh Đế, hay Tứ Diệu Đế - tiếng Anh là The Four Noble Truths): Khổ Đế, Tập Đế, Đạo Đế, Diệt Đế.
Trong phần Đạo Đế, cụ thể con đường giải thoát là Bát Chánh Đạo: Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính tinh tiến, Chính niệm, Chính định.
Tuy nhiên, trên đường tu học Bát Chánh Đạo, có nhiều phương cách khác nhau đưa ra. Như trường hợp Phật Giáo Bắc Tông Việt Nam, về Thiền Tông gần đây đã chia ra hai dòng lớn có nhiều ảnh hưởng trên nhiều quốc gia:
-- Dòng Thiền Trúc Lâm, do Thầy Thích Thanh Từ hồi phục theo Phật Hoàng Trần Nhân Tông, hiện nay đã có tu viện ở nhiều tỉnh trong VN, và ở nhiều nước toàn cầu;
-- Dòng Thiền Làng Mai, do Thầy Nhất Hạnh sáng lập, hiện đã có nhiều tăng thân khắp thế giới.
Hãy tin rằng, không chí đối với chúng ta, hiện nay, những lựa chọn phân vân tương tự đã xảy ra ở nhiều nước, nhiều thế hệ.
Như trường hợp, Thiền Nam Tông, thường gọi là Vipassana, cũng có nhiều phương pháp tiếp cận, tuy rằng tất cả đều dựa vào Kinh Tạng Pali.
Theo Tự Điển Bách Khoa Mở, 'Phương Pháp Tân Miến Điện" thiết lập bởi Sư U Nārada, quảng bá bởi môn đệ là Sư Mahasi Sayadaw (1904-1982) dạy trước tiên là tập Chỉ, sau là tập Quán, và cách quán là gọi tên (labeling: nhận ra và gọi tên) bất kỳ những kinh nghiệm nào hiện ra nơi thân hay tâm. Một vị Thầy nổi tiếng từ truyền thống này là Bhikkhu Bodhi.
Trong khi đó, phương pháp Ledi thiết lập bởi Sư Ledi Sayadaw (1846 – 1923) và các môn đệ, nổi tiếng nhất là ngài S. N. Goenka (1924 - 2013), trước tiên là tập Chỉ bằng niệm hơi thở, và sau đó là Niệm Thọ qua cách chú tâm quét toàn thân (body sweep). Phương pháp này được ưa chuộng nhiều nhất toàn cầu, theo Sư Bhikkhu Analayo.
Phương pháp nổi tiếng khác của Nam Tông là từ Sư Mogok Sayadaw, tập trung niệm thọ và niệm tâm, nhận ra sự khởi tập và sự biến mất của tất cả các kinh nghiệm của thân tâm, từ đây sẽ kinh nghiệm về tánh vô thường của tất cả các pháp.
Trong khi đó, ngài Dipa Ma (1911 - 1989), phụ nữ Châu Á đầu tiên được mời sang Hoa Kỳ dạy Thiền, luôn luôn dạy khởi đầu bằng Thiền Tâm Từ.
Nhìn cho kỹ, cả Thiền Trúc Lâm và Thiền Làng Mai đều sử dụng một số, hoặc tổng hợp, các phương pháp Thiền Nam Tông nêu trên. Riêng trường hợp Thiền Trúc Lâm (do Thầy Thích Thanh Từ hồi phục), đôi khi có nhấn mạnh về Thiền Đốn Ngộ, một cơ duyên của tâm bật sáng và nhận ra lối vào đạo.
Yếu tố Đốn Ngộ cũng có nói trong Thiền Tây Tạng (Thiền Mahamudra và Thiền Dzogchen) và Thiền Tông Trung Hoa (và Đại Hàn, Nhật Bản). Yếu tố này đôi khi có nói trong Kinh Tạng Pali, nổi bật là trường hợp Ngài Bahiya.
Nếu chúng ta quy yếu tố “đốn ngộ” riêng về trường hợp “nhận ra bản tâm” -- sẽ thấy một nhà sư Nam Tông đã nói rất cụ thể. Sư Ajahn Chah trong cuốn “A Taste of Freedom” (Một Vị của Giải Thoát) đã viết: “Pháp thiền tập của chúng tôi đơn giản là thấy Tâm Bản Nhiên (Our practice is simply to see the Original Mind). Do vậy, chúng ta phảỉ luyện tâm để biết các trần căn, và không bị chúng lôi kéo đi. Để làm nó [tâm này] bình an. Chỉ như thế là mục tiêu của tất cả pháp thiền tập gian nan mà chúng ta phải trải qua.” (6)
Cần ghi nhận, Bắc Tông vẫn khác Nam Tông vì các sư Bắc Tông trong kinh nhật tụng đều phát nguyện Bồ Tát.
Vậy thì, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói gì về những dị biệt thiền tập? Ngài kể lại trong sách BOTMT nêu ở trên, nơi các trang 191-192 rằng trong một cuộc thảo luận công cộng với Hòa Thượng Thánh Nghiêm (Sheng Yen, đã viên tịch năm 2009), và nhận ra điểm chung của Thiền Tây Tạng và Thiền Trung Hoa là dù đốn hay tiệm, vẫn luôn luôn cần miệt mài nhiều thời gian tu tập, và một điểm chung nữa là phải ra Tánh Không của các pháp.
Nếu chúng ta dùng lời phân tích trên để đối chiếu, tất cả các Thiền phái Phật Giáo trên toàn cầu đều có điểm chung như thế: nhận ra Tánh Không (Emptiness) của các pháp, có nghĩa là pháp ấn Vô Thường (Impermanence), pháp ấn Vô Ngã (Non-self) -- và tất cả các nghĩa trên đều diễn giải bằng Định Luật Nhân Duyên (the Law of Cause and Effect.).
Bây giờ, một câu hỏi cụ thể, về cách thực hành Thiền, có một phương pháp nào chung nhất và dễ tiếp cận trong Thiền Phật Giáo hay không?
Nhà sư Thái Lan Ajahn Chah nói ngắn gọn rằng: Chớ dính mắc vào bất kỳ pháp nào hết….(7) Ý trên được sư giải thích thêm là chớ dính mắc cả tốt xấu, lành dữ, vui buồn.
Nếu bạn tìm trong tiếng Anh, sẽ thấy nhóm chữ “non-grasping and non-clinging” (không nắm giữ, không dính mắc vào) là cách dịch phổ biến.
Sư Tăng Xán, một nhà sư Trung Hoa thế kỷ thứ 6 cũng đã viết như thế trong Tín Tâm Minh:
Đạo lớn chẳng gì khó
cốt đừng chọn lựa thôi
quí hồ không thương ghét
thì tự nhiên sáng ngời...
Ngắn gọn, là không nắm giữ, không dính chấp gì.
Trong Tương Ưng Bộ Kinh (SN 12.52), Đức Phật cũng dạy như thế qua Kinh “Upadana Sutta: Clinging.” (8)
Sư Ajahn Chah trong sách vừa dẫn, ở trang 120, viết về một cách tương tự:
“Pháp này gọi là làm cho tâm rỗng rang. Tâm rỗng rang, nhưng vẫn đang hoạt động. Cái rỗng rang trống không này là điều người ta thường không hiểu, chỉ có những người đạt tới tâm này mới thấy trị giá thật của nó…” (Just this is called 'making the mind empty'. It's empty but there is still doing. This emptiness is something people don't usually understand, only those who reach it see the real value of it… Sđd, p. 120)
Pháp này, Lục Tổ Huệ Năng gọi là Vô Niệm. Kinh Tương Ưng Bộ SN 35:30 cũng nói như thế, khi Đức Phật dạy nhổ hết gốc rễ mọi tư lường. (9)
Như thế, khi chúng ta quy tất cả về Tam Pháp Ấn, về Tánh Không… chúng ta sẽ thấy tất cả các sư đều tìm cách tiếp cận trong cách quý thầy cho là thích hợp hay tiện lợi. Không có nghĩa rằng, khi tu pháp này là phải bài bác pháp khác; nghĩa là nên nhìn các pháp Thiền Nam Tông, Bắc Tông, Kim Cang Thừa ở những điểm chung trong giáo lý nhà Phật như đã nêu trên.
Do vậy, khi lựa chọn bộ phái nên tìm những gì tự nhiên nhất với mình, gần gũi nhất với mình. Nhưng ngay cả khi đã tu học trong một dòng thiền riêng, cũng nên đọc nhiều về các tông pháí khác, và cũng có thể học thêm từ các dòng thiền khác… Không có gì hoàn toàn vô ích cả. Điều quan trọng nhất không phảỉ là những gì ở ngoài, không phải ở sách này hay sách kia.
Cốt tủy nhất, chính là nhìn vào tâm mình. Lặng lẽ quan sát tâm mình, từng phút một, từng giây một, bất kể đang đi đứng nằm ngồi, và không để dính mắc bất cứ pháp nào khởi lên trong tâm; vì trong thật tướng, tất cả các pháp đều vô ngã. Đây là điểm chung nhất cho tất cả các pháp nêu trên.
GHI CHÚ:
(1) “Buddhism: One Teacher, Many Traditions” tác giả là Đức Đạt Lai Lạt Ma và Ni Trưởng Thubten Chodron. Có thể đọc nhiều trang sách này ở: http://tinyurl.com/nc392s9
(2) Nguyên văn: “Buddhism in all its forms draws the world’s attention for its peaceful existence with other religions. Following this central message of the Buddha, every one of us should be a messenger of peace. This is our common bond.” (Sđd, trang XV)
(3) Nguyên văn: “This is my simple religion. There is no need for temples; no need for complicated philosophy. Our own brain, our own heart is our temple; the philosophy is kindness." (Sách "Kindness and Compassion" trang 52)
(4) Nguyên văn: “The pure land can also be viewed as the pure nature of our own minds.” (Sách đã dẫn ở Ghi Chú 1, trang 8)
(5) Sách đã dẫn ở Ghi Chú 1, trang 33. Đọc tiếng Anh ở Dīgha Nikāya 16:3.22: https://suttacentral.net/en/dn16#22
(6) Xem bài “Ai Gìn Giữ Tâm Nguyên Sơ” ở link: http://thuvienhoasen.org/a21498/ai-gin-giu-tam-nguyen-so
(7) Chương “No Abiding” ở các trang 118-121 trong tuyển tập các bài pháp "The Teachings of Ajahn Chah" ở link:
(8) Kinh SN 12.52 ở link: http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/sn/sn12/sn12.052.than.html
(9) Kinh SN 35.30 ở link: http://suttacentral.net/en/sn35.30
NGUỒN: Bài này lần đầu đăng ở bộ sách nhiều tác giả “Giáo Dục Tuổi Trẻ Phật Giáo: Đường Hướng Giáo Dục của Gia Đình Phật Tử Việt Nam Tại Hoa Kỳ” – đang phát hành ở: http://tinyurl.com/q3szq7a
Thiền Tập cũng có nhiều điểm hay ,nếu con có thời gian tu tập
Vạn pháp của các Tông Phái của Phật, đều là Phật Pháp
Phật Hóa Hữu duyên nhân
Nam Mô A di Đà Phật