NỘI DUNG SỐ NÀY:
¨ THƯ TÒA SOẠN, trang 2
¨ TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (Diệu Âm lược dịch), trang 3
¨ TẠI SAO TÔI LẠC QUAN VỀ TƯƠNG LAI THẾ GIỚI? (Dalai Lama – Nguyên Giác dịch) trang 8
¨ ĐỜI TU SĨ (thơ Thích Thắng Hoan), trang 9
¨ BÀI THƠ VẬN NƯỚC VÀ TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ… (Trí Siêu Lê Mạnh Thát), trang 10
¨ VẪN THUỘC LÒNG CÂU QUÊ HƯƠNG (thơ Mặc Phương Tử), trang 13
¨ QUYẾT NGHỊ CỦA ĐẠI HỘI KHOÁNG ĐẠI KỲ 2, NHIỆM KỲ 3 (GHPGVNTNHK), trang 14
¨ BÀI HỌC VỀ SỰ THANH TỊNH HÒA HỢP (HT. Thích Tín Nghĩa), trang 16
¨ LẠY PHẬT MỘT PHÁP MÔN TU… (thơ Thích Viên Thành), trang 20
¨ NGẮM TRĂNG LĂNG GIÀ (Thích Nguyên Tạng) trang 21
¨ TRƯỜNG HẠ RỰC SÁNG MÀU VÀNG Y (Thích Nguyên Siêu), trang 24
¨ VẾT CHIM BAY (thơ Thiên Hạnh), trang 27
¨ TÔN GIÁO CỦA DÂN CHỦ (Thích Châu Viên dịch), trang 28
¨ HẸN NHAU BẾN CŨ, LỜI RU CỦA MẸ (thơ Nguyễn Thanh Huy), trang 29
¨ LỚN LÊN TRONG MÊ LẦM (TN. Trí Hải dịch), trang 30
¨ LỬA SÂN – Phật Pháp Thứ 5 (Nhóm Áo Lam), trang 31
¨ TA VÀ CỦA TA – Câu chuyện dưới cờ (Nhóm Áo Lam), trang 32
¨ CÂU KINH NHƯ TIẾNG MẸ RU (Uyên Nguyên), trang 33
¨ SEN NỞ TRÊN ĐẤT MỚI (Đồng Thiện), trang 34
¨ TA GẶP LẠI TA, VẦNG MÂY LƠ LỬNG (thơ Hoa Cát Phan Văn), trang 35
¨ TRẦN NHÂN TÔNG VÀ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM, t.t. (Nguyễn Lang), trang 36
¨ ĐỜI TÀN NGÕ HẸP (thơ Vũ Hoàng Chương), trang 39
¨ BÃO GIÔNG ĐÃ TẬN MỘT PHƯƠNG NÀY… (Huệ Trân), trang 40
¨ THƯ MỜI & PHIẾU GHI DANH KHÓA TU HỌC PHẬT PHÁP BẮC MỸ LẦN 6 (2016) (Ban Tổ Chức), tr. 42 – 44
¨ MỘT LÀ TẤT CẢ - XIN ĐỪNG LẶNG CÂM (Đỗ Đức), trang 47
¨ BẾN NỌ BỜ KIA (thơ Hàn Long Ẩn), trang 49
¨ SOI GƯƠNG KHÔNG THẤY BÓNG MÌNH (Hạnh Chi), trang 50
¨ ĐẦU NGUỒN HẠNH PHÚC - truyện cổ Phật giáo (Trí Hiền), trang 53
¨ THƯƠNG ÁO NHẬT BÌNH… (thơ Chủng Hạnh), trang 54
¨ VIỆT NAM VÀ HÀNH TRÌNH BẢO VỆ MẸ TRÁI ĐẤT (Tâm Thường Định), trang 55
¨ STORY OF NANDIYA (Daw Mya Tin), trang 56
¨ NẤU CHAY: BÁNH TRÁNG CUỐN GIÁ XÀO ĐẬU HỦ (Hồng Hương), trang 57
¨ BẠN CỦA NGƯỜI XUẤT GIA TRẺ (Thanh Thị), trang 58
¨ CÔ LÁI ĐÒ (thơ Tâm Minh – Ngô Tằng Giao), trang 60
¨ MƯA NẮNG HAI MÙA (Thu Nguyệt), trang 61
¨ TRUYỆN NGẮN TRĂM CHỮ (Steven N.), trang 63
¨ ĐẠI HỘI KHOÁNG ĐẠI KỲ 2, NHIỆM KỲ 3 THÀNH TỰU VIÊN MÃN (Bình Sa), trang 64
¨ KHOÁ TU HỌC PHẬT PHÁP BẮC MỸ: LỢI LẠC TRONG NĂNG LỰC TU TẬP CỦA ĐẠI CHÚNG (Huỳnh Kim Quang), trang 66
¨ LẠY TẠ THÂM ÂN (thơ TN Giới Định), trang 68
¨ TỪ SỰ KIỆN FORMOSA HÀ TĨNH – TRUNG QUỐC HÓA VIỆT NAM (Mạnh Kim), trang 69
¨ KHOAI LANG (Bs. Nguyễn Ý Đức), trang 72
¨ CÓ MỘT MÙA HÈ (thơ NT Minh Thủy), trang 73
¨ PHƯƠNG TRỜI CAO RỘNG – chương 9 (Vĩnh Hảo), trang 74
¨ LÀ CƠN GIÓ… (thơ Hồ Bích Hợp), trang 76
Thư Tòa Soạn Số 56
(tháng 07.2016)
HÒA và HỢP
Bắt đầu vào hạ, trời nóng bức suốt mấy ngày liền. Bãi biển đông người, nhộn nhịp già trẻ lớn bé. Những chiếc lều to màu lục được dựng lên đây đó, và những chiếc dù nhỏ đủ màu sắc được cắm rải rác khắp nơi, trông như những cánh bướm đậu nơi bờ cát trắng. Gió phần phật lay những cánh dù vải và những hàng cau ven bờ. Vài con diều với đuôi dài uốn lượn trên bầu trời xanh lơ, dịu mắt. Ngoài kia, những chiếc ca-nô lướt nhanh, vạch ngang dọc những làn sóng trắng xóa. Bầy trẻ giỡn nước, đùa sóng, rộn tiếng cười khúc khích vui tai. Vài chiếc tàu sắt lớn thả neo ngoài khơi xa. Mặt biển vạch một đường thẳng tắp ở chân trời. Nơi ấy, dường như là sự tĩnh mịch, bất động, hoàn toàn trái ngược với sự náo nhiệt vui vẻ nơi đây. Và xa hơn, xa hơn, với vạn dặm đại dương trùng trùng sóng nước, là biển quê hương. Lòng chợt chùng xuống một nỗi buồn.
Sữa hòa với nước sẽ không thấy đâu là nước, đâu là sữa.
Muối hòa với nước, là nước biển, chỉ có một vị mặn.
Hóa chất độc hại hòa vào nước biển thì khó thấy đâu là hóa chất, đâu là nước biển; nhưng nếm hay xúc chạm thì có thể tử vong.
Vậy, hợp sẽ đưa đến hòa, trong khi hòa mà không hợp tất sẽ có dị ứng, phản ứng.
Hòa không có hợp thì hòa chỉ là hình thức, gượng gạo, trước sau gì cũng dẫn đến bất đồng, chống trái lẫn nhau.
Độc tố đem vào đất (lãnh thổ), nước (lãnh hải), có thể hủy diệt nhiều mầm sống. Tốt nhất là không đem vào; mà đã lỡ đem vào, biết là gây họa, thì phải tẩy độc đi.
Lãnh đạo đất nước không phải là chủ nhân của đất nước. Đất nước nầy là của dân. Người xưa thường nói “quan một thời, dân nghìn đời” là thế. Quan chỉ là kẻ thừa hành ý nguyện của dân trong một giai đoạn; dân mới làm chủ đất nước trong mọi thời. Làm chủ, dân có quyền biểu đạt nguyện vọng của họ để quan thi hành. Không thể gọi là một đất nước dân chủ khi dân không có quyền.
Lãnh đạo tổ chức (tôn giáo, giáo hội…) không phải là chủ nhân của tổ chức. Tổ chức nầy là của toàn thể thành viên (dù có một vài nhân tố dựng lập giai đoạn đầu). Lãnh đạo chỉ là người đại diện tổ chức trong một giai kỳ, không phải là miên viễn. Thành viên, toàn thể thành viên của một tập thể, mới là chủ nhân của tổ chức. Tiếng nói và ý nguyện của thành viên là tố chất duy trì và phát triển tổ chức, và chỉ có năng lực của toàn thể thành viên mới đưa đến vinh quang cho tổ chức ấy.
Các nhà lãnh đạo (chính quyền, tôn giáo, giáo hội…) khi được ngồi vào ghế lãnh đạo, thường mắc phải ảo tưởng và lòng tự thị rằng mình được làm chủ cái tập thể nầy, có thể toàn quyền quyết định mọi thứ, coi thường kẻ dưới, coi thường tập thể, khoa trương về những thành tựu chung như thể do chính mình làm nên. Ảo tưởng nầy dựng lên một bản ngã to tướng, cồng kềnh, kịch cỡm, lệch khỏi quỹ đạo của đám đông, tạo nên sự bất hòa, bất hợp đối với quần chúng.
Dân chủ của đất nước tự do cũng là dân chủ của các tổ chức tôn giáo, giáo hội tiến bộ. Đặc biệt là đối với tổ chức tăng đoàn Phật giáo nói chung, giáo hội – tông phái nói riêng, không thể không có dân chủ. Trong tập thể những người con Phật hướng về giải thoát giác ngộ, không có thứ bậc chủ/tớ, mà chỉ có tôn ty của đạo đức vô hành, của giới luật nghiêm minh. Giới luật là nền tảng của thanh tịnh; thanh tịnh là chất liệu cho hòa hợp. Không thanh tịnh thì khó lòng có hòa hợp trong tăng-đoàn, mà thiếu hòa hợp thì cũng không thể gọi là một tập thể thanh tịnh.
Khiếu kiện, kêu oan, đòi bình đẳng, đòi sự minh bạch về thông tin, đòi tự do… đều là quyền của dân, của thành viên các tổ chức, lãnh đạo phải quan tâm, xem xét, tìm cách đáp ứng; lãnh đạo phải gần gũi, tiếp cận quần chúng, không thể làm ngơ chứ đừng nói là tỵ hiềm, xoi mói, đố kỵ, trấn áp, bắt giam, giết hại!
Thế mà ở nơi nầy, nơi kia, đất nước đã phải như thế, và lãnh đạo đã là những người như thế.
Tại sao không hòa hợp mà chỉ thấy sự bất hòa, ô hợp? Làm thế nào để một đất nước, một tổ chức (chính trị, tôn giáo) có sự an vui, hòa hợp? — Hãy là sữa tan trong nước, là muối tan trong biển. Nghĩa là những người lãnh đạo hãy quên mình đi.
Quên mình đi để chăm lo cho nước cho dân thì dân nhớ mãi.
Đã không lo cho nước mà còn hại nước, nước sẽ đắm thuyền.
Vĩnh Hảo
California, 22.6.2016
Nguyệt San Chánh Pháp, bộ mới, số 56, tháng 07 năm 2016