Hàng năm bà con nhân dân và Phật tử chúng ta thường hay có tục lệ đốt vàng mã, sớ sao vào các dịp cúng giỗ tiên tổ hoặc đi lễ bái ở đình, đền, chùa, miếu, nhất là vào những ngày lễ lớn như Rằm tháng Giêng, thanh minh, vào hè, ra hạ, Rằm tháng Bảy và Tết Nguyên đán...
Xung quanh việc này có biết bao lý do và mỗi người giải thích một lẽ khác nhau: Có người nói rằng vì trần sao âm vậy, nên chúng tôi đốt để gửi cho người âm phủ được dùng, có người nói rằng những người đi trước đều làm như vậy, nên chúng tôi cũng làm theo để cho yên tâm. Hoặc có người vì thấy bà con hàng xóm mua sớ đốt thì mình cũng phải đốt kẻo bị họ chê trách là mình không thương các cụ. Lại còn có người bảo rằng tại vì con vụng khấn vái nên phải nhờ tờ vàng cánh sớ tâu giùm lên Phật Thánh các Ngài mới chứng cho...
Vậy thì lẽ thực hư của vấn đề này ra sao? Quan điểm của nhà Phật về vấn đề này như thế nào? Là người ngoại đạo, chúng tôi xin được trao đổi đôi điều cùng quý bà con và Phật tử gần xa như sau:
Thứ nhất là việc đốt mã: Việc này xuất phát từ Trung Quốc, các vua chúa phong kiến thời xưa, khi chết họ cho chôn theo mình vàng bạc của cải, kẻ hầu người hạ thậm chí cả vợ con nữa để mong được tiếp tục cuộc sống vương giả ở thế giới bên kia. Việc làm này của tầng lớp vua chúa, dần dần lan truyền rộng đến dân chúng và trở thành một tập tục. Song đa số dân chúng đền nghèo khó, lấy đâu ra vàng bạc của cải, kẻ hầu người hạ để chôn theo. Từ đó mới nảy sinh ra việc làm hình nhân giấy thế mạng, làm vàng mã thay cho của cải thật. Rồi từ việc phải chôn các thứ đồ theo cùng có nhiều phiền phức, lại hao tốn đất đai canh tác, mới dần dần chuyển sang hình thức đốt hoá cho người đã mất, với niềm tin rằng họ sẽ hưởng dụng được những thứ đó. Song thật sự họ có dùng được hay không? Như chúng ta đã biết, dù chôn theo vàng bạc của cải thật thì khi khai mộ cải táng, thấy rõ các đồ vật này đâu vẫn hoàn đấy có chăng thì chúng bị hư mòn bởi thời gian mà thôi, chứ đâu phải do người chết lấy tiêu dùng. Của cải thật mà còn như vậy, huống chi là đồ mã, lại còn đem đốt hoá thành tro tàn mây khói.
Một sự thật rất vô lý hiện nay là chúng ta đem đốt ôtô, xe máy, đốt ti vi, tủ lạnh để cho người đã mất dùng, song họ sẽ dùng thế nào đây? Chúng ta đốt ô tô, xe máy mà chẳng đốt xăng dầu, đốt ti vi, tủ lạnh mà chẳng đốt điện xuống thì thử hỏi làm sao mà họ có thể dùng được? nếu bảo trần sao âm vậy thì chúng ta phải làm cho đầy đủ các thứ đó mới được. Lại còn một thực tế nữa là ông bà tổ tiên chúng ta xưa kia đi chân đất, guốc mộc, ngồi xe ngựa, xe trâu, xe đạp có khi còn chưa biết đi huống chi là ôtô, xe máy Do đó nếu muốn thì chúng ta phải đốt thêm sách hướng dẫn sử dụng, bộ luật giao thông và cả bằng lái xe nữa chứ? Chúng tôi nói vậy, nếu mấy nhà làm hàng mã mà nghe được thì họ sẽ phất to! Có thể họ sẽ tiếp tục làm thêm ra đủ các thứ lệ bộ nói trên và yêu cầu bà con phải mua cho đủ mới được. Như vậy thì chúng ta bị mắc lừa bởi cái hư tưởng trần sao âm vậy đó.
Thứ hai là việc đốt tiền âm phủ, nó còn phi lý hơn cả việc đốt mã nói trên nữa. Sự thực trên thế gian chúng ta, tiền nước nào thì phải do chính phủ nước đó in ấn phát hành mới được coi là hợp pháp. Vậy thì việc trần gian chúng ta in tiền vàng mã, rồi phát hành xuống âm phủ là hợp pháp hay bất hợp pháp đây? Lỡ tiền chúng ta in ra chẳng đúng với tiền âm phủ (giả dụ là ở âm phủ có tiêu tiền) thì ông bà chúng ta sẽ bị vi phạm luật pháp âm phủ vì tội tiêu tiền giả phải không? Còn nếu như quả thật hàng năm, vua Diêm Vương có lên trần gian vào từng nhà chủ làm vàng mã đặt in tiền cho âm phủ thì chúng ta cũng khả dĩ tin được việc này. Song chúng tôi tin chắc, chẳng có ông chủ hàng mã nào được Diêm Vương đến nhà mình đặt in tiền cả. Trên thực tế các nhà sản xuất hàng mã đều tuỳ theo thị trường mà họ in ấn.
Những năm về trước, đồng tiền âm phủ có in hình vua Diêm Vương (mặc dù họ chẳng biết mặt vua Diêm Vương ra làm sao), gần đây, khi kinh tế mở cửa, thấy đồng đô la có giá trị thị họ lại đổ xô vào in tiền đô la âm phủ, và tức cười nhất là đồng tiền không in hình vua Diêm Vương mà lại là hình ông Tổng thống Mỹ. Chưa biết chừng sắp tới họ còn in tiền Bảng Anh, tiền EURO để bán cho bà con nữa đấy. Trong khi đó ở ngay các nước Châu âu, Châu Mỹ và nhiều nước khác nhân dân không có tục đốt vàng mã thì không biết thân nhân của họ tiêu bằng tiền gì hay họ phải chịu mình trần nhịn đói hoặc sang nước ta để làm thuê cho ông bà, ông vải chúng ta sao? Điều này chúng ta thấy có phi lý hay không? Dưới đây chúng tôi xin lược dẫn trong sử sách nói về việc này như sau:
Sách Pháp Uyển Châu Lâm có ghi: “Từ trước đời Hậu Hán, trong việc tang ma vẫn dùng tiền bạc thật để chôn theo người chết. Đến đời Đường, ông Vương Dư đã nghĩ ra cách dùng tiền bạc bằng giấy để thay thế cho...” Nghề làm vàng mã đã một thời phát triển rất mạnh, song không bao lâu, người Trung Hoa lại có ý chán bỏ vì chẳng thấy hiệu nghiệm gì cả. Vì vậy nghề nghiệp gia truyền của họ Vương Dư dần phải bị mai một. Bởi thế nên con cháu của Vương cố hết sức tìm mưu kế để chấn hưng lại nghề hàng mã của mình. Sách Trực Ngôn Cảnh Giác chép: “ông Vương Luân là con cháu của Vương Dư thời vua ấn Đế nhà Hán... đã lập mưu bằng cách bảo người bạn thân giả bệnh gần chết rồi cho ai nấy đều biết. Chừng bốn năm bữa, ông loan tin người bạn đó đau bệnh đã chết. Sau đó khâm niệm, bỏ vào quan tài (quan tài có lỗ trống để người bạn vẫn thở được). Đến ngày làm lễ di quan đi chôn, ông Vương Luân tổ chức lễ nhạc linh đình, phúng điếu rộn rịp, lại làm một hình nhân thế mạng cùng những đồ mã như tiền vàng, nhà cửa, áo quần... ông Vương Luân tự làm lễ để cầu cho người bạn thân đó được may ra sống lại. Cúng tế xong ông đốt hết vàng mã, giấy tiền hình nhân thế mạng. Khi đốt xong thì linh nghiệm thay! Quan tài tự nhiên rung động, ai nấy mục kích rõ ràng, vội cùng nhau mở nắp quan tài ra, người bạn thân của Vương Luân quả thật đã sống lại được. Anh ta liền đến trước mặt Vương Luân phủ phục xuống đất và thuật lại chuyện cho công chúng nghe rằng: “Chư Vị âm Thần đã nhận được vàng mã và hình nhân thế mạng liền thả hồn về dương thế, nên nay tôi được sống lại, cũng nhờ ông Vương Luân đốt vàng mã và hình nhân thế mạng. Mọi người ai cũng tin răm rắp là sự thật, nên đốt mã của Vương Luân từ đó được hưng thịnh trở lại. Sau này do sự tranh giành quyền lợi, nên chính người bạn thân của Vương Luân đã tiết lộ âm mưu xảo trá đó của Vương Luân. Nước Việt Nam chúng ta, dưới ách đô hộ của phong kiến phương Bắc cả ngàn năm, nên những hủ tục này cũng dần dần tiêm nhiễm và ăn sâu trong quần chúng nhân dân. Tệ hơn nữa, một số người hành nghề mê tín dị đoan (ông đồng, bà cốt) đã kết hợp với những người cung cấp vàng mã, lợi dùng lòng tin của mọi người giả nói lời của thần thánh, vong linh, đòi phải đốt vàng mã, càng khiến cho bà con chúng ta chìm sâu vào lệ tục này.
Qua những điều chúng tôi trình bày trên đây thì bà con đã thấy rõ nguồn gốc của việc đốt vàng mã và những điều dối trá, phi lý như vậy, liệu chúng ta có còn tin được nữa hay không? Thế còn theo quan điểm của đạo Phật thì sao?
Trong giáo lý đạo Phật tuyệt nhiên không có chuyện đốt vàng mã cho người đã chết. Kinh điển của Phật có dạy rằng, một người bình thường chúng ta sau khi chết rồi, trong khoảng 49 ngày, thần thức phải đi tái sinh vào một trong sáu cõi. Ba cõi trên là cõi Trời, Người, thần Atula còn ba cõi dưới là Địa Ngục, Ngã Quỷ và Súc Sinh. Hai cõi Trời và thần Atula thì không dùng đến tiền bạc, vì do phúc báo nhiều nên họ nghĩ đến thứ gì liền có thứ ấy hiện ra. Hai cõi Ngã Quỷ và Địa Ngục thì luôn bị hành hạ khổ sở chẳng thể ngơi để mà có thể lái xe ô tô ra ngân hàng lĩnh tiền dương gian gửi xuống được. Nếu như phải tái sinh vào loài Súc Sinh (làm con lợn chẳng hạn) thì chúng ta đốt quần áo, xe cộ, chúng ta có thấy chú lợn nào mặc áo mới cưỡi xe máy đi chơi được không? Còn nếu tái sinh làm Người thì chúng ta rõ biết chưa từng có ai nhận được thứ hàng mã mà người ta đốt cúng cho mình cả. Sự thật thì cảnh giới của mỗi loài một khác, tuỳ theo nghiệp thức biến hiện (chẳng hạn loài người thở bằng không khí, loài cá thở bằng nước, các vị trời thấy nước là Ngọc lưu ly, loài ngã quỷ thấy nước là than hồng)... Do đó chúng ta không thể lấy cảnh giới loài người mà áp đặt cho các cảnh giới khác cũng phải như vậy. Cho nên câu nói trần sao âm vậy chẳng thể đúng với lời Phật dậy. Theo trong các kinh Địa Tạng, Vu Lan, Đại Phương Tiện Phật Báo ân và kinh Bồ Tát Giới thì muốn giúp cho người đã mất được lợi ích. Những người còn sống nên làm những việc lợi ích như thiết trai cúng đường cho Tăng, cúng đường Tam Bảo, ấn tống kinh điển, bố thí cho kẻ nghèo khổ, không sát sinh mà nên mua vật về phóng sinh, tụng kinh niệm Phật, thỉnh chư Tăng thuyết Pháp Đại Thừa và các việc công đức rồi đem hồi hướng những công đức đó cho người đã mất thì chắc chắn họ sẽ được hưởng, được tiêu trừ tội chướng, được tái sinh vào cõi lành, hoặc có thể siêu sinh Tịnh độ. Còn việc đốt giấy tiền vàng mã thì không thể giúp ích gì cho thân nhân của chúng ta được.
Bây giờ đến việc viết sớ. Việc làm này xuất phát từ việc trước kia dân chúng thưa trình lên quan hoặc đế tấu với vua thường dùng sớ dùng biểu. Rồi từ đó, chúng ta liền đem cách thức này vào trong việc tế lễ cầu cúng với Phật Thánh và cho rằng như thế mới thực là trịnh trọng kính cẩn và Phật Thánh mới chứng cho. Song sự thật có phải vậy không?
Xét kỹ ra, khi chúng ta làm việc này, thì vô tình chúng ta lại xem thường Phật Thánh rồi. Vì sao vậy? Bởi vì đã gọi là Phật, là Thánh thì các Ngài đều có sáu phép thần thông, trong đó có phép tha tâm thông (ai suy nghĩ mong cầu gì, các Ngài đều biết rõ hết) và thiên nhãn thông (thấy suốt không chướng ngại). Vậy đâu có phải đợi chúng ta viết ra lá sớ, các Ngài mới biết chúng ta kêu cầu gì. Hoặc phải khấn cho hay, cho giỏi các Ngài mới cảm thông. Thế mà chúng ta lại đua nhau đi thuê người khấn, thuê viết sớ, có khi còn bị mấy bác viết sớ Nho ép giá cao hơn sớ Quốc Ngữ nữa chứ. Đã vậy, nhỡ mà mấy bác sớ Nho chưa rành mặt chữ, lại viết chữ Tác thành chữ Tộ thì thật là oan uổng cho chúng ta làm sao? Đức Phật dạy về nhân duyên nghiệp quả, gieo thiện nhân thì được thiện quả, tạo ác nghiệp thì phải thọ ác báo. Bởi vậy nên, khi chúng ta khởi thiện tâm đi lễ Phật, là chúng ta đã được Phật chứng tâm và có phúc rồi, đâu phải cần đến tờ vàng cánh sớ.
Theo con số ước tính, những năm gần đây mỗi năm chúng ta đã đốt đi một lượng vàng mã, sớ sao trị giá hàng chục tỷ đồng. Thật đáng buồn là trong khi chúng ta mất tiền mua giấy đốt đi, thì con em chúng ta đang thiếu sách vở học hành, không những thế, việc đốt vàng mã còn gây ô nhiễm môi trường, làm xấu đi cảnh quan chốn thờ tự tôn nghiêm và có một số nơi đã gây ra hoả hoạn làm cháy cả chợ, cháy cả đền chùa.
Qua những điều trình bày trên đây, chúng ta đã thấy rõ lẽ thực hư và sự lợi hại của việc đốt vàng mã sớ sao rồi. Vậy nên chúng tôi khuyên bà con nhân dân và Phật tử khi đi lễ bái đền chùa hoặc cúng giỗ tổ tiên thì cốt nhất là ở tâm thành kính và lòng tri ơn, chẳng nên hao tiền tốn của mua vàng mã sớ sao đốt đi một cách vô ích nữa. Thay vào đó, chúng ta làm những việc công ích hoặc từ thiện xã hội thì thật là phúc đức biết bao. Xin cầu chúc cho quý vị một năm mới gặp nhiều may mắn, an vui và hạnh phúc.Lê Văn Cơ
Tạp Chí VHTT&DL Vĩnh Phúc