Nhịp điệu và rung động
Kèm hoặc không kèm theo những rung động cơ thể (bàn tay, bàn chân, thân mình…), những nhạc cụ và âm thanh được sử dụng như những phương tiện biểu lộ. Nhờ vào đó, các bệnh nhân biểu lộ các cảm xúc và tình cảm của họ thay vì phát biểu qua lời nói. Một bệnh nhân bộc phát cơn tức giận của mình bằng cách gõ dữ dội vào một cái trống. Một bệnh nhân khác giải tỏa nỗi buồn phiền bằng cách gảy nhẹ nhàng những sợi dây đàn guitar cùng với những lời than thầm thì mà mỗi giai điệu không cần thiết phải có ý nghĩa. Không nên lầm lẫn âm nhạc liệu pháp với hoạt động âm nhạc vốn mục đích nhắm đến tính nghệ thuật hơn là trị bệnh.
Liệu pháp âm nhạc bổ sung những phương pháp trị bệnh cổ truyền, nhắm đến cải thiện sức khỏe của bệnh nhân trên các bình diện tâm lý, thể lý và cảm xúc, cùng lúc giúp bệnh nhân kiểm soát và chịu đựng những triệu chứng xúc cảm của họ.
Âm nhạc liệu pháp chủ động
Âm nhạc liệu pháp chủ động được áp dụng chủ yếu đối với các bệnh nhân có những khó khăn hoặc mất khả năng tự biểu lộ. Họ tìm được qua đây một phương thế biểu lộ các cảm xúc của họ và dần dà cải thiện tính giao du cùng lúc ít bị căng thẳng, lo âu.
Âm nhạc liệu pháp thụ động
Liệu pháp này khêu gợi một bản nhạc, kích thích phát sinh những xúc cảm nơi bệnh nhân để được khuyến khích biểu lộ. Ở căn bệnh alzheimer, ký ức âm nhạc được bảo tồn lâu hơn ký ức lời nói. Việc điều trị nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách làm sống lại các ký ức. Nhà tâm lý học người Pháp - Nathalie Laeng chuyên chữa trị bằng liệu pháp âm nhạc cho các người già, giải thích: “Chúng tôi đề nghị các bệnh nhân nghe những bản nhạc dân ca, những bài ca đánh dấu sự hiện hữu của họ. Sau khi nghe một bản nhạc cổ điển mà họ từng nghe những năm trước đây, bệnh nhân trở nên linh hoạt, muốn nghe đi nghe lại va ngay cả có thể gợi lại những ký ức cá nhân nổi bật liên hệ đến bản nhạc này”.
Bằng cách tìm lại những yếu tố chủ thể đang bị đánh mất, bệnh nhân khám phá được mối liên hệ với những ký ức của mình, trở nên phấn chấn và giao du tốt hơn với những người khác. Đối với trạng thái lo âu, trầm cảm, âm nhạc liệu pháp thụ động có hiệu quả tức khắc, giúp bệnh nhân giảm nhẹ và chịu đựng tốt hơn các triệu chứng.
Vân Nga(Theo SANTÉ MAGAZINE)