Một màn.
Hai cảnh: Trên đường làng và quán nước ven đường.
Diễn viên: Hoà Thượng Cua và Mẹ.
*
Cảnh 1: Trên đường làng.
Hoà thượng Cua (bước ra ngâm):
Cuộc đời như áng mây bay.
Thời gian mới đó, bốn mươi năm rồi
Ra đi từ dạo mười hai.
Mẹ ơi, tìm mẹ, biết giờ nơi nao?
Mẹ tôi tóc chắc trắng phau.
Lưng còng gối mỏi, bao năm muộn phiền
Đứa con bất hiếu năm nào.
Ăn năn hối cải muôn phần, mẹ ơi.
Hoà thượng Cua (vừa đi vừa lẩm nhẩm): Thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Mới đó mà đã 40 năm trời rồi, từ khi tôi bỏ nhà, bỏ người mẹ thân yêu ra đi vì một cơn nóng giận của bà để hai mẹ con đành xa cách nhau.
Ngẫm nghĩ, tôi thật quá cố chấp. Bao nhiêu năm rồi, tôi sống trong hối hận, cố công trở về chốn xưa tìm mẹ, thì mẹ tôi cũng không rõ trôi giạt phương nào. Giờ mẹ chắc già lắm. Không rõ sống chết ra sao. Tôi thật ân hận, ân hận. (nói xong đi vô)
*Cảnh 2: Quán nước ven đường.
Mẹ (Chống gậy bước ra, quét sơ bàn ghế, ho vài tiếng rồi nhìn bầu trời, ngâm):
Chiều hôm nay, sương mờ rơi ảm đạm.
Con tôi ra đi, sao chẳng thấy quay về?
( hát):
Con ơi hỡi, con ơi.
Con hãy mau trở về.
Nơi quê xưa có mẹ già.
Trông ngóng đêm ngày.
Nơi xa xôi con biết?
Từng ngày, mẹ....mong!
(Nói): Mới đó mà mùa Đông đã đến rồi. Qua liếp tre nan, gió luồng lành lạnh thấm sâu xương cốt rã rời. Nhưng cái đau của thể xác chẳng thấm vào đâu so với nỗi lo lắng về đứa con nơi phương trời xa. Không biết hiện giờ nó ra sao, ở đâu, trong cái giá lạnh của bên ngoài. Đến hôm nay, tôi đếm được 40 năm trời rồi mà bóng con tôi vẫn bặt vô âm tín, không có tin tức gì. Lòng người mẹ nào mà an tâm cho được. (ho vài tiếng rồi nói tiếp): Cũng bởi tại tôi mà ra nông nỗi này (ho tiếp).
Hoà thượng Cua (bước ra): Chào cụ. Xin cụ cho tôi một cốc nước ạ.
Mẹ: Vâng. Xin thầy đợi cho chốc lát ( nói xong bưng cốc nước ra)
Hoà thượng: Thưa cụ, quán nước này cụ mở đã lâu chưa ạ?
Mẹ: Bạch thầy, đã được vài năm nay ( vừa nói vừa ho).
Hòa thượng: Bẩm cụ. Chẳng hay gia cảnh cụ thế nào? Con cháu cụ đâu mà để cụ một mình với quán nước này?
Mẹ: Chẳng giấu gì thầy, con chỉ có một đứa con trai. Bố nó bỏ mẹ con con khi nó còn ẵm ngửa. Hai mẹ con con chắt chiu đùm bọc sống trong cảnh nghèo nàn trong túp lều tranh xiêu vẹo bên bờ ao rau muống.
Hoà thượng (hỏi tới): Bên bờ ao rau muống à?
Mẹ: Vâng.
Hòa thượng: Vậy giờ người con đó làm gì, ở đâu, sao không phụng dưỡng cụ, lại để cụ một mình quạnh quẽ thế kia.
Mẹ (tâm sự): Con trai con rất yêu con, cũng như con rất yêu nó. Chỉ có hai mẹ con thôi mà thầy. Không thương nhau thì thương ai. Con sống cũng chỉ vì nó, thế mà,...(ho vài tiếng) thế mà...chỉ một cơn nóng giận của con, nguyên do cũng từ vài con cua cho một bát canh mà hai mẹ con con phải chia lìa.
Hoà thượng (giật mình): Vài con cua à?
Mẹ: Vâng. Mẹ con con bao năm sớm hôm chỉ rau cháo đỡ lòng, khổ cực thiếu thốn trăm bề; một ngày dành dụm lắm mới mua được vài con cua đồng để nấu bát canh thì nó thả ra hết. Nó thương cua hơn thương con, thầy ạ.
Hòa thượng (bùi ngùi nói): Cụ ơi, không như thế đâu. Con cụ có lòng từ bi, con cua...còn thương được thì làm sao ghét mẹ được chứ?!
Mẹ (nức nở): Không đâu, nó ghét con, giận con khi con đánh nó. Nó bỏ con mà đi. Thầy ơi, con không ngờ chỉ một chữ « sân » mà mẹ con con phải chia lìa. Bao năm nay con sống trong ân hận, sám hối lỗi lầm của mình. Con cũng mong có một ngày nào đó nó trở về để con nói với nó một lời xin lỗi để mẹ con đoàn tụ, nhưng cho đến hôm nay đã 40 năm trời rồi, con mỏi mòn chờ đợi trong nhớ thương, mà bóng nó vẫn bặt vô âm tín. Thầy biết không, ngay hôm nó bỏ đi, con tìm nó khắp mọi nơi, bỏ cả quê cũ để lang thang hết chỗ này đến chỗ kia tìm nó. Nhưng hoài vọng thầy ơi. Bây giờ không biết nó sống chết ra sao. Nếu còn sống, chắc cũng...trạc tuổi như thầy đó.
Hòa thượng (quay lưng ra chỗ khác tự nói thầm): « Chẳng lẽ, đây là người mẹ mà bao lâu ta tìm kiếm sao? Ta không thể để mẹ ta cô đơn quạnh quẽ sống như thế này được, ta phải tìm cách đem mẹ về chùa phụng dưỡng. (lắc đầu) nhưng mà…, nhưng mà…không được, nếu ta nhận cụ để cụ biết được là mẹ của một vị cao tăng, là mẹ của vị trụ trì, cụ sẽ sinh tâm ngã mạn và như thế sẽ đọa xuống địa ngục. Thôi, ta tìm cách khác sao cho vẹn đôi đường. Nói xong, quay qua mẹ, nói) : Cụ ơi. Tôi nghĩ, con trai cụ vẫn thương cụ lắm. Cũng hối hận vì sự cố chấp và hờn dỗi của mình, có quay về quê cũ tìm cụ, mà cụ đã dọn nhà đi, lối xóm không còn biết cụ ở nơi nào.
Mẹ (ngạc nhiên): Thầy nói sao, con con cũng tìm con à?
Hoà thượng: Vâng.
Mẹ (tỏ ra mừng rỡ, dáo dác): Vậy giờ nó ở đâu, nó ở đâu, sao thầy biết?
Hoà thượng: Vì nó chính là....!
Mẹ: Chính là gì hở thầy....?
Hoà thượng (sau một lúc xúc động, trầm ngâm suy nghĩ) nói: Thôi cụ à, chuyện cũ đã qua rồi. Nay cụ đã già lại neo đơn quạnh quẽ như vậy. Con... à không...tôi ...tôi muốn rước cụ về chùa nương cửa Phật, sớm hôm kinh kệ tìm sự thanh thản lúc tuổi già . Cụ bằng lòng không?
Mẹ (mừng rỡ): Dạ, nếu được vậy thì quí hóa quá, thật diễm phúc cho con. Nhưng con già yếu thế này, làm được gì nữa đâu, chỉ hại cơm chùa, cơm đàn na tín thí.
Hoà thượng: Không đâu. Cụ đừng nghĩ vậy. Trong chùa cũng nhiều việc lắm cho mọi lứa tuổi. Như cụ đây, tuổi tác thế này, về chùa chỉ sớm hôm niệm Phật. Rảnh rỗi, cụ nhặt vài chiếc lá bồ đề rơi rớt sân chùa cũng quí lắm rồi. Kinh Pháp Cú có nói: “Một trăm năm ở ngoài đời, không bằng một ngày trong chùa tu tập”. Tôi chỉ mong cụ tu tập thôi.
Mẹ: Bạch thầy. Thầy đã dạy thì con xin vâng. Con hoan hỉ nhận lời. Nhưng khi nào thì con mới được phép về chùa ạ?
Hoà thượng: Cụ an tâm đợi nhé, tôi về chùa sắp xếp chút việc rồi sẽ đến đón cụ ngay. Bây giờ tôi xin cáo biệt. Nam Mô A Di Đà Phật.
Mẹ: Nam Mô A Di Đà Phật.
Trần Thị Nhật Hưng