Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngôn ngữ thiền, Thiền ngữ, Thiền Thi

17/07/201421:18(Xem: 8414)
Ngôn ngữ thiền, Thiền ngữ, Thiền Thi

Phat Thanh Dao_10

 




Ngữ ngôn, một chặng đường

 

Trong sự đi hoang nào đó của tư tưởng, cảm xúc, ngôn ngữ, thì bản chất của ngôn ngữ, âm thanh đều là vô thường, giới hạn, và không thật, vì nó không có thực tính độc lập, phải nương với nhau mà thành, nhờ vào căn, trần, thức mở lối nên mới hiện hữu. Người ta tạm định nghĩa, “ngôn ngữ chỉ là một công cụ” dùng để biểu đạt ý nghĩ, trạng thái tâm sinh lý để người khác nhận biết, thấu hiểu, cảm thông. Có nhiều dạng ngôn ngữ, ta có thể tạm chia ra làm hai, ngôn ngữ xuất phát ở bên trong (nội tính) và ngôn ngữ thể hiện ở bên ngoài (ngoại tính). Cho dù phát xuất từ đâu, một khi xử dụng nếu ta không có trí tuệ, chân thật, ái ngữ, lợi hành, lợi người, thì không khéo sự biểu đạt ấy, đôi khi lại là mầm mống, nguyên nhân của những hiểu lầm, ngộ nhận, xích mích, đáng tiếc khác. 

Tự bản chất đích thực, vốn như thế của nó, thì không có gì để phải luận bàn, vì đây, điều cần thiết phải như vậy, chỉ là một nhu cầu, nhưng đã là nhu cầu, có khi cần và đôi khi lại không cần. Nhưng ở lãnh vực khác, cái lãnh vực mà tâm thức vọng động luôn khuấy nhiễu, sự ngộ nhận thường xuyên bén mảng xúi dục, đôi khi lại không còn cần thiết nữa, bởi lẽ, nói càng ít càng tốt, không nói lại càng tốt hơn, không lời nhiều khi giá trị còn hơn vạn lời.

Ngôn ngữ thiền, thiền ngữ, thi kệ như không là ngôn ngữ, như là ngôn ngữ, một thứ ngữ ngôn mà ta sẽ không bao giờ tìm thấy một định nghĩa, một qui cách, tìm phương kế để đóng khung nó trong tháp ngà của thế giới tỷ lượng. Nó vượt lên không lưu lại dấu, vang vang về nơi vô tận, nó không nằm trong kho tàng luận thuyết của tâm thức, còn hằng sâu in đậm dấu ấn nỗi trôi, nó không đầu mối, kẻ hở để ta níu vào trụ bám, nó vươn lên cao vượt ra ngoài mọi tầm ngắm, đích nhắm.

 

Nếu ngôn ngữ là một công cụ, và đã là một công cụ thì phải có tiêu chuẩn, độ hoàn thiện và những tối ưu của nó, khi xử dụng, ta phải có trách nhiệm, tiêu chuẩn đạo đức, nhân phẩm tốt, tâm hồn lành mạnh, ngôn hành cao quý thì mới mang lại lợi lạc đến cho mình và cho người, dẫn đến sự cảm thông chia sẻ, xích lại gần nhau. Còn nếu phát xuất từ những con người bất thiện, đầy dẫy vô minh, tham sân si, tâm thường xuyên ô nhiễm, khi xử dụng ngôn ngữ như một công cụ quyền năng, mệnh lệnh, chà đạp, dày xéo, gây thương tổn cho muôn loài. Như thế, ngôn ngữ không đơn thuần là ngôn ngữ, trở nên biến tướng, cưỡng ngôn, tướt đoạt, gây đổ vỡ, ngăn cách, chia lìa, khủng hoảng, thù hận, tăm tối, hủy diệt.

 

Thông thường, ta chạy theo ngôn ngữ, sống với ngôn ngữ, với thần tượng, quyền năng, niềm tin lệch lạc, vòng quay cảm xúc tùy hứng của kẻ khác ban tặng, nên ta thường xuyên lo sợ bất an, do vì không làm chủ được chính mình, và như thế ta sẽ đau khổ. Khi nào ta nhận chân ra được mê lộ của tâm thức, những rối bời của xúc cảm, sự rũ rê, lọc lừa, dối trá của tư tưởng, và khi ta biết quay về sống với nội tâm, với chánh niệm, kiểm soát những hưng khởi ở bên trong, không để cho tâm ô nhiễm, phiền toái bất an chi phối, lũng đoạn, một lòng hướng thiện, như thế phần nào ta bớt được đau khổ. Bởi lẽ, những gì xuất phát từ bên trong, thường đi qua quá trình kiểm chứng ở nội tại, nhờ tư duy thẩm thấu nên được chín chắn, sáng suốt, do vậy hậu quả ít phiền não hơn. Những gì khởi động, hướng từ bên ngoài, thường là do đột biến, chưa kịp đi qua quá trình thẩm định đúng mức, chạy theo bản năng, ngoại tại, cảm tính, tùy tiện, không biết tiết chế, nên hậu quả thường là khổ đau.

Nhưng nếu, xuất phát từ bên trong, ở trong đó chứa bao lụy phiền, vô minh còn phong tỏa, khổ đau tràn ngập, thân tâm, ngôn hành không cao đẹp, còn tăm tối, ở bên trong vốn đã bất an, đau khổ, vì thế khi phát tiết ra bên ngoài, không có sự thẩm định, kiềm chế, vung vãi lung tung, gây khủng hoảng, và hoang tưởng cho kẻ tiếp nhận. Ở đó còn là một dạng ức chế, tâm sinh lý căng thẳng, mất phương hướng, đàn áp chính mình và áp đặt với tha nhân, và đó, khởi đầu cho sự bất an khổ đau.

 

Nhưng, hầu như ta lại ưa thích sống chung, khóc cười, hả hê với ngôn ngữ, ca tụng, tán dương lẫn nhau, sử dụng nó như một thước đo, chổ dựa tinh thần, nơi trú ẩn an toàn, để rồi chạy theo những tung hô, đón mời, dù ta thừa biết chỉ là mộng huyễn, lọc lừa, không thật. Tại sao ta phải buồn vui với cảm xúc của kẻ khác, để cho những điều đó, những thứ đó, những thứ không do ta, không là của ta, không thuộc về ta, không phải việc của ta, không dây dưa đến ta, lại quấn vào mình níu kéo, lẫn quẩn vây quanh, bám vào tâm thức, cứ thế mà lặn hụp, chết chìm? Tại sao ta phải buồn vui đau khổ, do kẻ khác ban tặng miễn phí, vô tình hay cố ý ta trở thành một món hàng, thứ đồ chơi, do kẻ khác định đoạt, mặc cả, như trái banh để cho kẻ khác đá loanh quanh trong vòng sinh diệt vô tận? Tại sao ta không công bằng và thành thật với chính mình, không tự mình quán chiếu, không làm một cuộc đổi thay? Có thật ta muốn như thế, hay ta vốn như thế? Ta biết tất cả đều là vô thường, huyễn mộng, tương duyên tương hợp, thì sao ta không sống thật với chính mình, không bằng lòng với chính mình, mãi chạy theo cảnh theo người, theo vui buồn của xúc cảm, hay tại căn bệnh đổ thừa cho nghiệp, một thứ tập khí còn đọng lại, do huân tập từ trước, đang tác oai tác quái.

Không phải ở đó là sự tuôn trào không kiềm tỏa nào đó của tâm thức, và ta xử dụng như một công cụ chỉ nhằm thoả mãn bản năng, vô minh, tham sân si. Khi nào ta được sáng soi bởi tuệ giác, khám phá ra chân lý tuyệt vời, thân tâm đong đầy sự an lành tươi mát, thì ngôn hành mới trở nên thuần khiết, thăng hoa cho đời, chuyển giao sự an lạc cho nhân thế, mang lại hạnh phúc thật sự cho chính mình.

 

Trả ngôn ngữ về với ngôn ngữ

 

Trả ngữ ngôn về lại cho ngữ ngôn, về với sự tôn nghiêm, cần thiết của chính nó, về với chổ đứng của thật ngữ, chánh ngữ, về với sự thiết yếu, truyền tải thông điệp đong đầy yêu thương trí tuệ, lòng vị tha, sự thanh thoát cao tột của tâm linh. Trả ngôn ngữ về với bản chất đích thực mà nó đã có, đã từng trú ngụ, đã từng yên vị, trả về với thuở ban đầu, nguyên ngữ, cái tâm thanh tịnh, không có sự dẫn đưa của vô minh, không có sự lôi kéo của ý thức xen vào gây rối, lũng đoạn, những phiền não bế tắc, trả về với chổ đứng nguyên thủy, nơi không có vọng niệm chen vào lôi kéo, không có cảm xúc thường tình nhảy vào tước đoạt, một sự tỉnh lặng tuyệt vời mà không ngôn ngữ nào đủ thẩm quyền để diễn tả. Một sự bình yên cao tột, không đến từ ngôn từ mời gọi, một sự vắng lặng chơn chất, dung dị vượt lên cao, trên những đỉnh cao lồng lộng mà ý thức không bao giờ đuổi kịp.

Bậc đạo sư, những bậc thầy cao cả, những con người siêu việt, lại không muốn nói năng, không muốn thuyết, chỉ muốn lặng thinh, những điều muốn nói thì không thể nói được, khó nói, không biết phải mở lời làm sao, không thể nói được, bất khả thuyết, bất khả tư nghì, nhưng rốt cuộc lại phải mở lời, không thuyết cũng không được, không nói cũng chẳng xong. Thiền sư Chân Nguyên ở vào thế kỷ thứ 17, có bài thi kệ, nói và không nói thật tuyệt vời:

 “Nói ra là bị kẹt

Không nói cũng chẳng xong

Vì anh đưa một nét

Đầu núi ánh dương hồng”.

 

(Hữu thuyết giai thành bảng

Vô ngôn diệc bất dung

Vị quân thống nhất tuyến

Nhật xuất lĩnh đông hồng)

 

Ở vào vị thế đối đãi, ở vào cái thế nói và không, động và tịnh, động trong tịnh, tịnh trong động, phi ngôn phi ngữ, hể mở miệng nói, lập tức bị kẹt rồi “nói ra là bị kẹt” để rồi “không nói cũng không xong” vậy thì làm sao, phương gì, cách gì? Cuối cùng, cái nét chấm phá lững lơ, treo trên đầu ngọn sóng, ánh dương quang rạng ngời soi tỏ ở đó, núi đồi, thung lũng, đỉnh cao của tâm thức thoát ly cao tột. “Nói năng như chánh pháp, làm thinh như chánh pháp”, có phải đúng lời, đúng chử, đúng lúc, đúng thời, đúng chổ, đúng việc, đúng người, đúng đối tượng? Thiền tổ Bồ Đề Đạt Ma chín năm trầm hùng diện bích, tổ Vô Ngôn Thông không ít khi mở lời, bậc cổ đức tại sao khước từ sự nói năng, không thèm nói, chẳng muốn nói, không chịu mở miệng, lặng yên, câm nín, là tại làm sao, vì sao? Có phải, trong thế đứng chênh vênh nào đó của ngôn ngữ chữ nghĩa, hể mở miệng thì đã rơi vào đối đãi, bế tắc, dòng tâm thức, cảm xúc, tư tưởng, thường xuyên ô nhiễm? Nhưng muôn loài đều phải nói năng, phải bày tỏ, diễn đạt, dù ở dạng này hay dạng khác.

Ở đây, không phải là điều chúng ta phủ nhận ngôn ngữ, phi ngôn ngữ, văn tự, sự đào thải của tâm thức, thời gian, phí công, tốn sức, phí lời. Mà là sự vượt thoát ra ngoài, đạt ý quên lời, không thèm để ý, không để dính mắc, không vướng bận, không bị lôi kéo, không lưu lại, chẳng thèm để lại, vắng bặt toàn triệt, trần trụi, nguyên mẫu, một sự tỏa sáng rực rỡ, mà không ngôn ngữ nào có thể diễn tả, lăm le, bén mảng đến được. Nhưng rồi “không nói cũng không xong” sự miễn cưỡng, né tránh, điều bất đắc dĩ, là làm sao? Có phải, nhằm để cảnh tỉnh, răn dạy nhắc nhở, thương tưởng chúng ta nên mới mở miệng, tạm thời xử dụng, tính khế lý khế cơ, để ta nương theo đó tự mình tìm ra chân lý, tự mình đốt đuốc soi đường tìm lại chính mình, và đó cũng là sự có mặt của kinh điển, ngữ lục. Nhằm tô dấu, ghi lại tiến trình tâm linh giác ngộ, sự chuyển hóa toàn triệt thân tâm, những bảo bối vi diệu đó, giúp ta theo đó dập tắt mọi khổ đau, những ẩn dụ mật ngôn, những công án tuyệt vời, những lời thiền ngữ, liên tục đánh động vào tận cùng tâm thức, khiến ta choàng mình tỉnh thức, nhận ra được toàn thể vấn đề, đâu là giá trị đích thực tối hậu, một cách tự nhiên, nguyên vẹn. Lật tung ngôn từ, mò tìm chữ nghĩa, thì không thấy gì, không thể thấy, nó khuất lấp mất tiêu, bặt tăm mất lối, vì nó không đến từ ngôn từ, không dựng nên từ ngôn ngữ, không có mặt trong ngôn từ, nên không có ở đó, không thấy ở đó, tìm ở đó như mò kim đáy biển, không thấy gì cả, không có gì cả, chẳng có gì cả, một sự không nghĩ chẳng bàn, bất tận.

Ở đó, chỉ có sự thẩm thấu cao tột, vi diệu, bừng sáng của giác ngộ, vẹn nguyên của hình hài ban sơ, dĩ tâm truyền tâm, của lý tính chơn như tuyệt vời, vượt ra ngoài mọi phạm trù sai biệt, những định nghĩa phù phiếm, ức hiếp ngôn từ, luận bàn huyễn mộng, đâu đó mất hút tự bao giờ, sự năng động trôi nỗi của ý thức bị đánh bật ra, sự phong toả của vô minh, sự bày biện của ngôn ngữ, bị đẩy bung xuống hố thẳm, bặt hết, chìm hết, rụng hết. Một sự vắng lặng trống không toàn triệt, không có gì để phải nói năng, để phải suy nghĩ, không còn gì để phải luận bàn, một sự lặng thinh tuyệt vời lan tỏa, không bến bờ ngần mé.

Thiền sư Quảng Nghiêm (1121–1190) Đời thứ 11 dòng Vô ngôn Thông, có bài kệ trước khi thị tịch.

 Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ,

 Sanh vô sanh hậu thuyết vô sanh.

 Nam nhi tự hữu xung thiên chí,

 Hưu hướng Như Lai hành xư hành.

 

 “Lìa tịch mới bàn câu tịch diệt,

 Được vô sanh, sau nói vô sanh.

 Làm trai có chí xông trời thẳm,

 Chớ dẫm Như Lai vết đã qua”.

 Thiền sư Thích Thanh Từ dịch

 

Rời xa điều đó, mới có thể nói được điều đó, không dính mắc cái đó, mới đủ năng lực nói đến cái đó, vượt ra ngoài thứ đó mới trông thấy vẹn toàn được mọi thể tánh. Khi còn dính mắc, khi chưa thông suốt tinh tường, khi dạ còn tăm tối, tâm thức thường nhiễm ô, thì không thể nhận chân ra được điều gì cả. Một khi ta bừng ngộ, thức tỉnh, ta nhận ra do đâu và vì đâu, thấy rõ đâu là căn nguyên, đâu là vấn đề, đâu là đại sự, thì lập tức ta nhẹ nhàng, chính mình quyết định số phận, dù đó mê ngộ, niết bàn, tử sinh. Những điều đó, đều do ta làm chủ, toàn quyền định đoạt, không một ai, đấng tối cao, toàn năng, quyền năng nào, có thể thay đổi, xúi dục và làm khác đi được. Ta không cần phải bám theo, tôn thờ lạy lục, o bế một ai, không cần phải dẫm theo lối mòn đi lại của kẻ khác, dù đó là nhà tư tưởng vĩ đại, đa năng túc trí, ta chỉ việc dõi theo bằng định lực của giác ngộ đang rộng mở trong ta, mở ra khung trời lắng đọng của tâm ý, sự lên đường bùng vỡ của giác ngộ, bằng chất liệu cao cả của yêu thương và tỉnh thức, rõ biết một cách sáng suốt về chân lý tối hậu. Bởi lẽ, sự giác ngộ đến từ trong ta, ở trong ta và do ta định đoạt, chính ta mới đủ thẩm quyền làm cho mình giác ngộ, về với giác ngộ, để được giác ngộ, sống trong giác ngộ, làm theo giác ngộ. Như vậy giác ngộ là của ta, riêng ta, do ta, vậy ta có cần phải níu lấy ai, bám theo ai, chạy theo ai, để được giác ngộ?

Muốn được giác ngộ ta phải chuyển hoá, làm mới tâm thức và con người của mình, phải thay đổi thói hư tật xấu, đoạn trừ vô minh, phiền não tham sân si, để cho trí tuệ phát khởi, bằng lòng với những gì đang hiện hữu, sống an nhiên với những gì đang có, đang tới, sẽ tới, phải tới, và nó phải được thành tựu từ một tâm hành an lạc chói sáng, cao tột, thánh thiện, để hoàn thành đại nguyện cứu mình và độ người.

 

Thi ca, chặng đường của cảm xúc

 

Cảm xúc là một dạng bùng vỡ của tâm cảnh khi nắm bắt thực tại, nhưng cái thực tại nầy đôi khi được bày biện, và vẽ ra bởi cái cảm xúc, một dạng tâm lý thông tục, lúc nào cũng chất đầy trong ta, đợi chờ cơ hội là trỗi dậy. Nếu cảm xúc không dâng cao độ, không phá vỡ biên giới, không chọc thủng hiện hữu, không thể nhập vào thực tại, sống với hiện hữu, không tinh tế thâm sâu, không vựt dậy những chôn dấu trong tận cùng, không đưa tri cảm thoát ra ngoài vùng cấm, không bay bổng lên từng cao, thì thi ca sẽ nằm yên ở đó, sẽ không trở mình thức dậy, sẽ không trãi mật đơm hoa, sẽ không mang hương sắc đến cho đời. Nó chỉ dừng ở đó, ở những cảm xúc trá hình, ở những hương sắc tàn phai, ở những đổi thay bất chợt, chìm trong hưng động, chết ngộp trong thổn thức của bản năng.

 

Nói cho cùng, cảm xúc chỉ là một tiến trình, một sự kết hợp phát sinh khi đủ duyên, khi căn, trần, thức gặp nhau, những tính hiệu, những nắm bắt của cảm xúc và cảm thọ, phần trôi nỗi, biến động đi hoang nào đó của tâm thức. Cảm xúc thường bị ru ngũ, lầm lẫm, lạc lối, vì thế ta phải khắc phục cảm xúc, làm chủ xúc cảm, tư tưởng ,từ đó mở ra cánh cửa như thật, hướng đến chân, thiện, mỹ. Thông thường, nếu khởi đi từ cảm xúc thông tục, tức còn bị phong tỏa, điều khiển bởi bản năng, tâm lý bất định, thì hậu quả sẽ gây khủng hoảng, gieo rắc thêm đau khổ. Thi nhân thường ôm lấy khổ đau, sống với khổ đau, quyện với khổ đau, thương cảm, nhớ mong, đợi chờ, rên rĩ, nên dễ tạo sự đồng cảm với đối tượng, vì trong ta đang có sẵn mầm mống, đang chất chứa, đang chôn dấu điều đó, nên có cùng một nhịp điệu, giai tầng, nên khi trao gởi lời thơ tiếng nhạc, ta dễ dàng rung động, cảm thông, thấm dần vào trong tâm thức, khiến ta cứ thế mà hít thở lấy cái cảm xúc bi lụy ấy, vì thế bình an càng ngày càng vắng bóng, thổn thức khổ đau luôn trông chờ lấn tới. Còn nếu, chỉ thuần ca tụng, tán dương, tùy hỷ, chấp nhận, thì lại vô tình nâng cấp điều ấy lên gấp đôi, không thực chất, hệ lụy là khổ lại càng khổ, đau lại càng đau, hoang tưởng lại càng hoang tưởng. Khi xem và nghe những lời thơ bi lụy, chất chứa sầu đau, đêm nhớ ngày mong, ta càng bi lụy hơn, khi nghe những thứ mùi mẫn, ướt át, rên rĩ, ta lại rơi nước mắt khổ đau theo. Bởi lẽ, trong ta đang đầy dẫy cảm thọ về khổ đau, hỷ, nộ, ái, ố, cảnh quyện vào tâm, tâm sống cùng cảnh, và đây là dạng tâm thức có sẵn trong ta, chứa đầy trong ta, ta cần phải kiểm soát, loại trừ, dù đó tập khí vi tế, chuyển đổi để cho tâm luôn được trong sáng an lành. Nếu ta sống với cảm xúc của kẻ khác, sống với dòng tâm thức bất định của họ, thì nó sẽ vây quanh, quấn vào mình lúc nào chẳng hay, khó lòng thoát ra được, nếu không có sự quyết tâm vựt dậy, tìm phương thoát ra, bằng lòng hoán chuyển.

 

Tâm của ta chất đầy lo toan phiền lụy, ta mở ra đóng lại trong từng sát na, trong từng vi tế khởi diệt, ngày đêm không một phút giây nào ngừng nghĩ, nên tâm thức của ta khô kiệt, héo úa, rã rời. Ta bồi dưỡng, o bế tấm thân tứ đại bằng sự ăn uống, bằng những chất dinh dưỡng, béo bổ hằng ngày. Nhưng ta bỏ đói tâm, ta vét khô, ta làm cạn kiệt nó, ta tìm phương bày kế, ngày đêm quằn quại, ta dày vò tra tấn tâm, ta bồi bổ tâm bằng cách, tăng thêm sự thoả mãn cho bản ngã, sự hiếu chiến, năng động, hoang tưởng. Mục đích gia cố thêm cái bản năng, bản ngã đầy lòng tham và dục vọng, để cho vô minh phiền não tham sân si ngự trị, dẫn ta mãi trôi lăn trong luân hồi sinh diệt. Cũng chỉ vì ta đàn áp cái tâm ấy, ta khống chế ức hiếp cái tâm ấy, ta bắt tâm ấy chạy theo những ảo tưởng không thật, những tôn thờ phi lý, vô minh, tham sân si đang cuồn cuộn trãi đầy ở trong ta, những toan tính gọi mời, chiếm dụng, sở hữu, ta để nó đi hoang, chạy theo nghiệp quả bất thiện. Ta để cho tăm tối luôn ngự trị, thúc ép nó đủ điều, ta sống với quá khứ một thời hào nhoáng, mơ tới một tương lai không có gì bảo chứng, ta nắm bắt ảo vọng ở hiện tại, khiến cho cái tâm ấy dỡ sống dỡ chết, rã rời, mỏi mòn, đau khổ. Chưa bao giờ ta để nó ngơi nghĩ, không một phút giây lắng lòng, chưa có một chút an lành nào dù chỉ lóe qua để rồi vụt tắt, ta không cho nó và cho ta một cơ hội sống thật với lòng mình, hiên ngang với chính mình, giải thoát cho tâm mình.

 

Đã đến lúc ta nghe từng nhịp thở của thân tâm, nghe tâm nỉ non, nói cùng ta những nhịp điệu tin yêu, nghe cùng ta nhịp thở của tỉnh thức, vào suối nguồn tươi mát vi diệu của tâm, ta để tâm, chú tâm, nhập tâm, vào từng chuyển động, từng suy tư tác tạo, để tâm vào một chỗ, để tâm chuyên chú vào một nơi, thì không việc gì mà không thành, không việc gì mà không đạt được, vì tâm làm chủ, tâm tác tạo, tâm là đạo. Buông nhẹ thân tâm, lắng nghe những vi diệu phát tiết đi lại trong tâm, an trú ở phút giây tuyệt vời hiện tại, thấy được sự mầu nhiệm ngay từ đây, từ giây phút này, ở ngay đây, đến từ đây.

 

Bằng cách, kiểm soát mọi chiều hướng đi lại, tới lui của t âm, không phong tỏa bế lối, cứ để nó thong dong ta chỉ việc bám theo, dẫn lối, hướng đến chân lý tối hậu, hoà nhập thành một khối nhất như, trong sáng. Thay vì ta để cho tâm lang thang, bất định, không nơi nương tựa, chạy nhảy tận đâu đâu, ta ở đây mà nó thì ở phương nào. Ta chưa bao giờ để nó thật sự thong dong, ta chưa làm một cuộc cách mạng đúng nghĩa, dọn sạch rác rưỡi trong tâm, phủi sạch những ô nhiễm bụi bặm, đừng để bám vào. Ta thực tập, kéo nó lại gần, vừa tầm nhìn, theo dõi tâm ở khoảng cách gần, liên tục như thế, càng gần, rồi thật gần, càng gần hơn nữa, xích lại thật gần để hoà nhập thành một, không còn có cảnh, người, không đối tượng, không tất cả, không tâm, trống không và tròn đầy ta bỏ hết, buông hết, rũ sạch những phiền lụy lo toan, những gần xa níu kéo, để cho thân tâm được nhẹ nhàng thư thả, không vướng bận, có được như thế thì định tuệ mới phát sinh dẫn ta đi đến an lạc, giải thoát.

 

Một khi ta biết dõi theo, làm kẻ soi đường dẫn lối, trở về với tự tánh, về với chân tâm, về với thường hằng bất biến, về với uyên nguyên, về với bản lai diện mục, lúc đó ta mới thấy trọn vẹn được tất cả, soi tỏ được tất cả. Tâm là tất cả, tất cả là tâm, tâm tạo ra mọi thứ, mọi điều, tâm làm chủ, tạo tác, cất dấu, tàng chứa, cũng cái tâm nầy ta phiền não tử sinh, cũng cái tâm nầy ta an lạc giải thoát, cái tâm là của ta, ta toàn quyền định đoạt.

 

Thiền tính trong thi ca

 

Không là nhà thơ, không yêu thơ, không gắn bó cùng thơ, không dõi theo thơ, không sống cùng thơ, không ăn ngủ với thơ, có là thơ? Không là thiền sư, hành giả thiền, không sống với thiền, không huân tập thiền, không hít thở, ăn ngủ cùng thiền, có là thiền? Ngữ ngôn nào là ngữ ngôn của thiền, không phải thiền, sự o bế, gán ép, cưỡng đoạt, để cho giống thiền, có vẽ gần với thiền, dựa hơi thiền, có là thiền? Chặng đi hoang nào đó của tâm thức, phút bay bổng nào đó của cảm xúc, giây cao hứng nào đó của tâm ý, sát na đào bới nào đó của tâm cảm, sự đồng điệu nào đó của cảm giác, thoáng giật mình nào đó của tâm thức, chút bật dậy nào đó nơi hiện hữu để rồi hoá thành ngôn ngữ, chuyên chở cái cảm xúc thoáng qua bất chợt, để rồi cho đó là một khái niệm, một định nghĩa là thiền? Thiền tính hay tính thiền không nằm ở đó, không có ở đó, trong đó không bao giờ có. Rốt cuộc, vẫn chỉ là những đợi mong, o bế, hóa thân, ru ngũ trong mịt mờ của tâm ý, phút lắng lòng bất chợt, để rồi sau đó là những cơn sóng ưu phiền cuồn cuộn dâng cao choáng ngợp, sát na trở mình thức dậy, để rồi sau đó là những réo gọi, đơi mong, thổn thức ào ào ập đến. Đâu đó, vẫn chỉ là kẻ đứng từ bên ngoài để nhìn vào bên trong qua khe hở, nói chuyện ở bên trong, chuyện hơn thua, bàn tán to nhỏ, ngại ngùng, đắn đo, dọ dẫm. Một khi chưa thật sự bước vào, chưa hòa nhập thành một khối nhất như, thì vẫn còn một khoảng cách lớn, một hố thẳm ngút ngàn không dễ gì vượt qua, sự đi hoang vô tận của tâm thức. Một khi nhịp thở chưa hoà nhập, còn say giấc mộng trên lối đi về, thì vẫn chỉ là những điểm tô trống vắng, không đồng bộ, đến từ một tâm thức không chịu dừng, trăn trở tung mình rượt theo bóng thời gian, chìm trong hương sắc trôi về nơi bất định.

 

Ngôn ngữ của thiền và thi ca

 

Thi ca là phải vận dụng đến hình ảnh, đối tượng, cảm xúc mới biểu thị được đặc tính của nó, thi ca khởi đi từ bên ngoài, chạm vào bên trong để bật dậy cảm xúc, để rồi tuôn chảy ngược ra bên ngoài bằng quyền năng của ngôn ngữ. Nhưng với thiền ngữ, một thứ ngôn ngữ như không là ngôn ngữ, ẩn ngữ, mật ngữ, nhằm phô bày nội tâm giác ngộ, mà tâm vốn không hình, không tướng, không từ một đối tượng, không cho một đối tượng, như một dòng chảy miên man bất tận, chỉ có giai tầng, quan niệm, bày biện ra bên ngoài, những dong ruổi, đi lại, chạy nhảy. Chỉ có thiền sư, những hành giả siêu việt, mới đủ năng lực để nắm bắt, soi thấu được tâm cảnh, hiển bày trí tuệ giác ngộ.

 

Cuộc đối đáp của Thiền Lão Thiền Sư với vua Lý Thái Tông, trở thành những lời thiền ngữ mang tính thi ca đầu tiên của nền văn học thiền Việt Nam. Một hôm vua đến chùa viếng sư và hỏi:

Hòa Thượng trụ núi này bao lâu?

Sư đáp:

Đản tri kim nhật nguyệt

Thùy thức cựu xuân thu

Dịch:

“Chỉ biết ngày tháng qua

Ai hay xuân thu trước”

Vua hỏi:

Hằng ngày Hòa Thượng làm gì?

Sư trả lời:

Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh

Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chon

Dịch:

“Trúc biết hoa vàng đâu cảnh khác

Trăng trong mây bạc hiện toàn chơn”

Vua lại hỏi:

Có ý chỉ gì?

Sư đáp:

Lời nhiều sau vô ích.

Vua Lý Thái Tông, hoát nhiên lãnh hội.

Sự vận chuyển dịch xê của thời gian, tâm thức, hư không, pháp giới, bốn mùa, tự nó vốn như thế, biết và sống trọn vẹn với cái như thật, thật tướng các pháp, thì thời gian hưng phế, dâu bể, đến đi không còn là mối bận lòng, một khi vượt thoát thật sự, sự có mặt, khoảng cách, chỉ là những tác duyên thường tại, không đến đi, trụ bám.

 

Thiền Sư Viên Chiếu (999-1090) Có vị Tăng hỏi:

Phật với Thánh nghĩa ấy thế nào?

Sư đáp:

Trùng dương cúc nở dưới rào

Trên cành oanh hót thanh tao dịu dàng”.

(Ly hạ trùng dương cúc

Chi đầu thục khí oanh)

Tăng thưa:

Cảm tạ thầy chỉ dạy, học nhơn chẳng hội, xin lại nêu bày ra?

Sư đáp:

Ngày thì vầng nhật chiếu

Đêm đến ánh trăng soi

(Trú tắc kim ô chiếu

Dạ lai ngọc thố minh)

Tăng hỏi:

Đã được chân chỉ của Thầy, còn huyền cơ thì thế nào?

Sư đáp:

Bưng thau nước đầy không chú ý

Một lúc sẩy chân hối ích gì”.

(Bất thận thủy bàn kinh mãn xứ

Nhất tao ta điệt hối hà chi)

Tăng hỏi:

Tất cả chúng sanh từ đâu đến? Sau khi chết đi về đâu?

Sư đáp:

Rùa mù dùi vách đá

Trạch què trèo núi cao

(Manh qui xuyên thạch bích

Bả miết thướng cao sơn)

Tăng hỏi:

Tâm và pháp cả hai đều quên, tánh tức chơn, thế nào là chơn?

Sư đáp:

Hoa núi mưa sa thần nữ khóc

Tre sân gió thổi Bá Nha đờn

(Vũ trích nham hoa thần nữ lệ

Phong xao đình trúc Bá Nha cầm)

Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch, sách Thiền Sư Việt Nam, trang 66-68

 

Thấy sao nói vậy, có sao thấy vậy, một cái thấy tuyệt vời không biến động, không lôi kéo, không thủ đắc, cái thấy như thật, cái thấy không còn biên độ, ngăn cách, vì cái thấy đó đến từ sự giác ngộ, đến từ sự thức tỉnh, nên cái thấy ấy vẹn toàn, nguyên vẹn, trần trụi, chơn chất, từ tướng trạng của các pháp, đến thật thể của bản tâm, đều hòa điệu và đồng nhất. Ngôn ngữ tam muội của Thiền Sư Viên Chiếu, là một sự dạy bảo đầy cẩn trọng, ta lấy đó làm chất liệu, soi thấu bản tâm cho thật tinh tường sáng tỏ.

 

Ngôn ngữ thiền, không có trong quan niệm, khẳng định hay phủ định, rắp thêm mệnh đề, trên đầu còn chồng thêm một cái đầu khác, mà là sự diệu dụng, phổ cập, không giới hạn, hiển bày bản chất giác ngộ từ nội tâm siêu thoát, đẩy tâm thức của ta vượt tung ra ngoài, bay bổng lên tận mây ngàn không nơi trụ bám, chính trong phút giây cùng cực đó, bỗng nhiên ta nhìn rõ chân tướng của thực tại, nhìn rõ được bản thể vi diệu của các pháp. Không phải tự nhiên trong thiền đầy những thuật ngữ, nhiều khi ta cho là phi lý, nhưng những gì ta cho là phi lý, biết đâu lại có lý, và cũng biết đâu chính cái phi lý lại là có lý nhứt. “Để miệng đóng mốc”, “được cá quên nơm”, “lông rùa sừng thỏ”, “hoa không đỏ liễu không xanh” không phải vô cớ mà người xưa đặt ra, nhưng với dụng ý gì, và để làm gì? Có phải đó là thuật ngữ, kỷ thuật, những xão ngữ, chỉ ra điều vi diệu mà trong ngữ ngôn không thể chuyên chở, không thể diễn đạt, dễ bị nhầm lẫn, đưa đến sự ngộ nhận, chấp trước, lo bám chặt vào đó không chịu dứt ra. Rõ ràng thiền ngữ chỉ là phương tiện đưa đường dẫn lối, bắt cái tâm của ta phải bật dậy, thu cái tâm về một mối, chính mình tự đào bới, tự mình mở cửa, tự mình quán chiếu nội tâm, tự mình tìm đến cứu cánh. Ở đó, là sự rõ ràng, quyết liệt, dứt khoát, phải quật khai tự tánh nơi chính ta, trong ta, hạt giống giác ngộ đã có sẵn trong mỗi chúng ta, và giác ngộ giải thoát chỉ có nơi nội tâm, ngoài tâm ra không có giác ngộ, ngoài khổ đau không có giác ngộ, giác ngộ không có trong ngôn ngữ, ngôn ngữ không có trong giác ngộ, và giác ngộ là sự bật dậy nhập vào, cùng một nhịp thở, cùng lắng đọng. Thiền ngữ chỉ là chiếc bè qua sông, chiếc phao cứu ta đang lặn hụp, nương bè để qua sông, nương những biểu đạt đó, để tự mình tìm cách thể nhập vào giác ngộ, tạo nhịp cầu để giác ngộ khởi động, tự mình trãi nghiệm, mở ra những bí ẩn đang phong kín, uống được ngụm nước đầu nguồn. Một khi qua được bên kia rồi, đến được bờ kia rồi, tất cả thuyền bè phương tiện đều bỏ lại, vứt lại, ngay cả cái ý niệm đó cũng phải xóa nhòa, hất trọn, cưu mang theo để làm gì, vác theo để làm gì cho mệt xác, nhọc lòng, tốn công, vướng bận, dính mắc, bất tiện. Thiền là sự thong dong, nhẹ nhàng, an lạc bất tận, không cần tìm cầu đâu xa, ở đây, tại đây, chung quanh đây, trong con người và tâm thức nầy, trong hữu hạn vốn ẩn chứa cái vô hạn, trong vô thường có chân thường, trong tiểu ngã đã dung chứa cái đại ngã, cầu ở đâu tìm ở đâu? Đất trời không hề có nói năng mà vẫn dung chứa cả sơn hà đại địa, muôn loài, có ai sai bảo mà bốn mùa vẫn luân chuyển?

 

Có những lời chưa kịp cất lên đã chìm vào tịch lặng, có những ngôn từ chưa kịp phát ra đã rơi vào tan loãng, trở thành quá khứ, sự yên lặng không nói năng nhiều khi giá trị hơn vạn lời, vô ngôn mà hành lại vượt cả liên thành. Bí đường cùng lối, bặt ngôn vắng ý, hay ngôn ngữ tự nó là một hố thẳm? Đều tùy vào con người, tâm thức, mục tiêu, kết quả mà ta nhắm đến.

 

Với thiền, ngôn ngữ không là ngôn ngữ, mà cũng chẳng đích thực cái gì là ngôn ngữ, chẳng phải ngôn ngữ, và càng không thể dùng ngôn ngữ để chứng minh, biện minh, biểu lộ, suy diễn. Thiền vốn lắc đầu và khước từ tất cả, mọi thước đo, ngăn cách, phạm trù, quan niệm, nhị nguyên. Ngay cả cái công cụ tạm dùng để diễn đạt, cũng không còn là công cụ, chẳng phải công cụ, chẳng có gì gọi là công cụ, vì không có năng sở, đối tượng, nhận thức, sắc không, trong ngoài, không là gì cả, chẳng là gì cả, không dấu mà chẳng vết, không hề lưu lại, không để lại, bặt tăm. Vì lẽ chủ trương của thiền không dính mắc nơi ngôn ngữ, văn tự, không xử dụng ngữ ngôn như một thước đo định hướng, mà là sự vượt thoát thong dong phủ trùm, thường hằng tỏa chiếu, trực nhận thẳng vào từng bản chất của hiện thực, sự nhận biết của như thật, không gì có thể ngăn ngại, lặng thinh phổ cập. Thiền còn đi xa hơn nữa, xóa nhòa mọi chặng đường dấu vết, pháp chấp ngã chấp, san bằng tất cả, đạp tung tất cả, và tất cả đều phải đổ nhào ngã sập. Bởi lẽ, ngôn ngữ cho cùng, chỉ là sản phẩm của suy tưởng, sự biến động của tâm thức, nên nó giới hạn và bất lực, ở bình diện giác ngộ nó đành phải chào thua, không thể mon men lại gần.

 

Cho cùng, thì có ngôn ngữ nào “như thị thuyết”, với bốn mươi ba công án của Trần Thái Tông, ngôn ngữ nào cho một Tuệ Trung trác tuyệt, chữ nghĩa nào cho một Trúc Lâm Trần Nhân Tông, tiếng hú vượt thời gian của thiền sư Không Lộ, ngôn ngữ tam muội của thiền sư Viên Chiếu, đâu là vị thế đích thực ngữ ngôn của thiền sư Chân Nguyên? Cuối cùng tất cả chỉ là sự lặng thinh trở về với tự tánh, trở về với uyên nguyên giác ngộ, về với bản thể nhất như nguyên vẹn, một khi vượt ra ngoài nhơn ngã bỉ thử, ngã chấp, pháp chấp thì không còn gì cả, có gì cả, thấy gì cả, được gì cả.

 

Bài Ngôn Hoài của Thiền sư Không Lộ, tiếng gầm thét đó, tiếng hú kinh khiếp đó, làm lạnh cả nhân gian, lạnh cả lòng người, làm ngưng lại nhịp sống hối hả, những lo toan phiền lụy, làm ngưng đọng thời gian lẫn không gian, tâm thức trôi nổi, cứ thế mà cuồn cuộn quét sạch, vở tung, tiếng hú kinh khiếp đó vang vọng từ ngàn năm trước cho đến tận ngàn sau, vẫn mãi còn vang vọng.

“Kiểu đất long xà chọn được nơi,

Tình quê lai láng chẳng hề vơi.

Có khi xông thẳng lên đầu núi,

Một tiếng kêu vang, lạnh cả trời”.

Kiều Thu Hoạch dịch

 

 

Lồng lộng một cõi thiền thi

 

Cho cùng, thì ngôn ngữ thiền cũng là một công cụ, nhưng là công cụ để dẫn đến tỉnh thức, giác ngộ, đưa đến sự giải thoát an lạc, hạnh phúc đích thực. Do vì được hình thành từ nội tâm của những con người giác ngộ, được phủ vây bởi năng lượng tỉnh thức, được an trú trong lắng đọng tuyệt vời, nên được tôn nghiêm, vượt thoát, thánh thiện. Những kết quả mà hành giả có được lại không đến từ cái công cụ đó, mà đến từ chính ta, từ sự đào bới mãnh liệt nơi nội tâm, sự quật khởi liên tục, ra công gắng sức hoàn thành, khiến mọi cơ năng trong ta bừng bừng trổi dậy, làm một cuộc lên đường đúng nghĩa, đập vỡ càn khôn, trông thấy thực tại huy hoàng, bản thể chân như hiển lộ vẹn toàn.

 

Thiền là thiền, cảnh là cảnh, cảnh có là thiền, thiền có là cảnh, động là động, tịnh là tịnh, ngôn là ngôn, ngữ là ngữ, hai thái cực cùng song hành, không bắt gặp, không gặp nhau, không sánh bước, không trộn lẫn, không hoà nhập, không mở tung, nhưng là tất cả, nhất như hoà nhập làm một. Chỉ là như thế, chỉ có vậy, chừng đó cũng đủ rồi, tra vấn nhiều chỉ thêm mệt óc rối tâm, buông nhẹ thân tâm, trở về với thường hằng của tự tánh, một sự tuyệt vời lắng đọng, thuần khiết, ẩn dấu trên từng đi lại.

 

Một khi đã từ trên đỉnh cao của thức giác, của như thật, của trí tuệ chiếu rọi, thì tất cả mọi công năng, sự phô diễn, mở lời, đều lắng đọng, trùng điệp, như tiếng ngân vang không bao giờ dừng, như tiếng sấm nổ đinh tai nhức óc, xé tan màn đêm tăm tối. Ta phải đào bới, cất công khám phá, truy tìm nguyên nghĩa, phải trông thấy bản chất đích thực, phải thường nghiệm, thì mới thấy được, mới nhận biết, mới rõ ràng.

 

Mở được cánh cửa nội tâm thông suốt, kiến chiếu vào tự tánh, vào nơi thâm sâu, vào được bản thể vi diệu, là cả một quá trình siêu việt, một thứ nghệ thuật thâm sâu, vượt ra ngoài những gì cho là nghệ thuật, phạm trù, định hướng. Bởi lẽ, dưới ánh sánh của nội tâm giác ngộ, thực chứng thì tất cả mọi ngôn ngữ, chữ nghĩa bổng biến mất, không còn là ngón tay chỉ mặt trăng, chiếc bè để qua song. Ở một chừng mực nào đó, thì ngón tay cũng chỉ là ngón tay, chiếc bè vẫn là chiếc bè, đều là trò chơi của chữ nghĩa, giả định, nó xa tít tận cõi mù không. Cái riêng của đất trời trở thành cái chung của vạn hữu, bốn mùa lúc nào cũng nồng hương sắc, nhưng đất trời lại có quy luật riêng, cái quy luật riêng ấy lại thành cái chung của muôn vật. Chung và riêng vẫn là những hổ tương cần thiết mà một khi phân chia, ngăn cách không tự tồn tại, hụt hẫng, đớn đau.

 

Nói cho cùng, chổ tuyệt cùng nhứt, bài thơ cùng tuyệt nhứt, là ngôn ngữ đó, bài thơ đó, không bao giờ được cất nên lời, chẳng có mặt trong ngôn ngữ, hoàn toàn mất lối, bặt tăm, nhưng vẫn đong đầy trong cõi có không vô tận, thấm sâu qua từng chuyển động, len lõi qua từng khe hở, thong dong trong cõi mịt mùng, tròn đầy, thâm sâu, vắng lặng. Ngôn ngữ tuyệt vời nhứt, là ngôn ngữ đó không có trong ngôn từ, không nằm trong sinh diệt. Vô ngôn, hữu ngôn, thị ngôn, ngôn ngôn, ngữ ngữ, tất cả đều nhạt nhòa, tan biến tự bao giờ.

 

Như Hùng

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/10/2024(Xem: 551)
Sau đây là một thiền pháp tổng hợp và đơn giản hóa từ Kinh Pháp Cú và nhiều kinh khác, thích nghi cả cho Phật tử và không phải Phật tử. Nơi đây, người tập có thể quán sát và cảm thọ qua các pháp quán: quán như huyễn, quán vô thường, và quán vô ngã. Trong Kinh Pháp Cú, có ba bài kệ, trong ba trường hợp, cho thấy, sau khi mỗi lần Đức Phật nói kệ xong, có 500 vị sư đắc quả A La Hán. Nghĩa là, các vị sư trong kinh đã chứng ngộ, chứng quả và an trú tâm giải thoát ngay trong hiện tại. Trong đó, bài kệ 170 dạy quán các pháp như bọt nước, như cảnh huyễn ảo. Bài kệ 277 dạy quán tất cả hiện tượng hữu vi đều vô thường. Và bài kệ 279 dạy quán tất cả các pháp đều vô ngã. Đó là 3 pháp thiền tập trực tiếp nhất.
06/10/2024(Xem: 917)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Kính bạch chư tôn đức, Thưa quý Phật Tử và những người bạn mới, Xin mời mọi người đăng kí học lớp Tìm Hiểu Nguồn Gốc Thiền Phật Giáo. Thời gian bắt đầu: ngày 19 tháng 10 năm 2024. Dự kiến học trong 3-4 tháng Thời gian học: 10:00 tối thứ 7 giờ Việt Nam (7:00 sáng thứ 7 giờ Cali) bắt đầu học trong 2 tiếng, 2 tuần học một buổi. Địa điểm: học online (Zoom) Học phí: miễn phí (nhưng người học tự mua giáo trình sách giấy hay sách điện tử hay sách nói, chỉ một cuốn. Mua sách ở link cuối bài đăng này). Giáo trình chính: sách Nguồn Gốc Thiền Phật Giáo, tác giả Alexander Wynne tiến sĩ Phật học Đại học Oxford. Tác phẩm này chính là luận án tiến sĩ của ông.
26/09/2024(Xem: 535)
THIỀN THỰC NGHIỆM CĂN BẢN (New Class) Thích Thiện Trí -Giảng Viên Trường University of the West- Khóa học 8 tuần Khóa học: 6/10 đến ngày 15/12/2024 Chiều CHỦ NHẬT từ 2:30pm- 4:30pm Địa chỉ: Đạo Tràng Kiều Đàm Di 9057 La Crescenta Ave Fountain Valley, CA 92708 Liên lạc Email: [email protected] Tel: 714-363-8029 hoặc 626-866-1653 Lưu ý: a) Thiền Sinh đăng ký phải từ 18 tuổi trở lên b) Lớp học bằng tiếng Việt c) Lớp học chỉ nhận từ 10 đến 15 thiền sinh d) Thiền Sinh sẽ nhận tín chỉ (certificate) trực tiếp tại Trường University of the West
26/09/2024(Xem: 578)
Bài này sẽ viết về một chủ đề: cách tu nào đơn giản nhất cho những người có tâm hồn rất mực đơn sơ. Thí dụ, người chưa biết chữ, hoặc những người mới học buổi sáng và quên liền vào buổi chiều, hoặc những người đã từng học thiên kinh vạn quyển nhưng bây giờ bắt đầu lãng trí, thậm chí không còn nhớ tới nửa bài Tâm Kinh. Câu hỏi là, pháp giải thoát có thể truyền dạy như thế nào cho những người không hiểu, hoặc không nhớ tận tường những khái niệm như định, như huệ, như bát nhã, và vân vân.
23/08/2024(Xem: 1003)
Nói sơ tâm, là nói về tâm của người mới học, tâm đơn sơ, tâm như hài nhi trẻ nhỏ, tâm rất mực hồn nhiên, chưa có chút gì là chữ nghĩa dày đặc, không chút gì là kiến thức uyên bác. Ngắn gọn, tận cùng của người sống với “sơ tâm” là sống với “tâm không biết,” bởi vì, hễ “có biết” là có quá khứ, có mài giũa, có lộ trình nhân quả, không còn là tâm nguyên sơ, tâm bản nhiên. Cốt tủy Thiền Tông là sống với sơ tâm.
17/08/2024(Xem: 662)
Một đệ tử hỏi một thiền sư: - Bạch thày, tại sao càng muốn tìm chân tâm thì chân tâm lại càng cách xa, tìm không thể được? - Để thày chỉ cho con một ví dụ: Giả sử bên cạnh nhà con có một cô hàng xóm xinh đẹp, bây giờ con muốn biết da mặt cô ta màu gì thì con phải nhìn thẳng vào mặt cô ta, nhưng khổ nỗi khi con nhìn như vậy thì mặt cô ta đỏ lên, con càng nhìn kỹ bao nhiêu thì mặt cô ta lại càng đỏ lên bấy nhiêu, thế là con chẳng có thể biết được da mặt cô ta có màu gì.
12/08/2024(Xem: 904)
Ngày 10/08/2024 vừa qua, các lớp Thiền Thực Nghiệm theo hệ Giáo Dục Cộng Đồng trường University of the West tại Thành Phố Rosemead bang California đã diễn ra Lễ Bế Mạc với nhiều cảm xúc và tươi đẹp cho cả quý Thiền Sinh các lớp và nhiều khách mời. Những khách mời đặc biệt đã đến tham dự trong buổi lễ như: Dr. Minh Hoa Tạ (President of UWest), Rinpoche Tenzin Choephel (Instructor of UWest), Bhante Dhammapetti (Vice President of Mindfulness Meditation Center at Covina-Buddhist Vihara Los Angeles-California), Tiến Sỹ Laura Nguyễn (Tiến Sỹ Tôn Giáo Học tại UWest), Tiến Sỹ Margarett Meloni, Tiến Sỹ Bạch Phẻ (Tâm Thường Định), Thầy Thiện Trí (giảng viên giáo dục cộng đồng trường UWest) và nhiều những thành viên khách mời tham dự khác cũng như gia đình của các thiền sinh tốt nghiệp.
25/07/2024(Xem: 630)
Chúng ta thường nghe nói rằng Thiền Tổ Sư là dạy pháp vô niệm, vô tâm. Cách diễn tả như thế có vẻ như như để làm nổi bật hai ý chỉ khác nhau, rằng Thiền do Như Lai dạy chủ yếu là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp… trong khi Thiền do các vị Tổ Sư Trung Hoa và Việt Nam dạy chủ yếu là vô niệm, vô tâm. Sự thật, Đức Phật trong Tạng Pali đã dạy các pháp vô niệm, vô tâm… nhưng nhiều vị sư đời sau không chú ý, và đôi khi còn ngộ nhận rằng pháp vô niệm, vô tâm là sáng tác của các vị sư Trung Hoa.
28/06/2024(Xem: 2019)
Bố thí và cúng dường là một trong những hạnh đầu tiên để làm cho cõi này tốt đẹp hơn, và là những bước đi đầu tiên của Phật tử trên đường giải thoát. Suốt cuộc đời Đức Phật, ngài đã sống bằng phẩm vật cúng dường. Tương tự, sự phát triển của Phật giáo lan rộng khắp thế giới và được hộ trì cho tới giờ cũng là nhờ phẩm vật cúng dường của đàn na thí chủ. Do vậy, bài này được viết để mời nhau giữ hạnh bố thí và cúng dường.
22/06/2024(Xem: 1735)
Soi sáng thực tại thực ra là tên chúng tôi đặt cho những bài ghi chép tóm tắt các buổi đàm đạo hay tham vấn thiền với Hòa thượng Viên Minh trong giờ uống trà buổi sáng tại khách đường Chùa Bửu Long. Những buổi đàm đạo này đã có từ lâu nhưng chỉ giới hạn trong nội bộ chùa. Về sau một Phật tử đến tham dự buổi trà đàm thấy hay nên muốn được nghe thường xuyên đã sắm cho chùa thiết bị để có thể nghe từ xa qua Skype. Từ đó số người đến trực tiếp nghe thầy nói chuyện hoặc nghe từ xa ngày càng đông nên đã mở thêm qua YouTube theo nhu cầu của Phật tử muốn tham dự.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]