Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lời nhắn nhủ của Từ Mẫu A Di Đà

07/05/201504:54(Xem: 7620)
Lời nhắn nhủ của Từ Mẫu A Di Đà


Phat Di Da

LỜI NHẮN NHỦ CỦA TỪ MẪU A DI ĐÀ PHẬT


Các con ơi! Ta vô cùng hoan hỷ đón nhận tất cả các con về thế giới Cực Lạc trang nghiêm thù thắng mà ta đã thiết lập để cho các con trở về tịnh dưỡng. Ta thật yên tâm khi các con về mái nhà chung tình này để được nghe pháp, tu tập mà không bị quấy nhiễu bởi lục trần nhiễm ô của thế giới Ta Bà.

Tuy nhiên, các con ạ! Các con thấy đó. Đa số các con đều được hóa sanh ở những phẩm vị thấp, Trung phẩm và Hạ phẩm.


Các con biết vì sao không? Vì các con không dũng mãnh phát Tâm Bồ Đề thanh tịnh để niệm Phật và tu Bồ Tát đạo mà đa số chỉ niệm Phật cầu vãnh sanh Tịnh Độ. Phẩm vị các con đạt được cho thấy rằng các con không chịu phát Bồ đề Tâm thanh tịnh mà chỉ phát qua cửa miệng.

Các con ạ! Chỉ cần các con phát Tâm Bồ Đề thanh tịnh và giữ vững cái tâm ban đầu này thì các con ít ra cũng sẽ thành tựu Hạ phẩm Thượng sanh rồi [1].[i]

Ngoài ra, ở những phẩm vị Trung phẩm và Hạ phẩm, các con chưa đủ sức gánh vác đại nghiệp của Chư Phật mà phải trải qua thời gian rất lâu, rất lâu xa mới có thể thành tựu quả Vô Sanh Pháp Nhẫn ở Hoa Sen Thượng Phẩm Thượng sanh. Tức là, ở Hạ Phẩm Thượng Sanh, các con phải trải qua ba tiểu kiếp (50 triệu năm) để nhập vào Sơ Địa hay Hoan Hỷ Địa (bậc thứ nhất trong thập địa), để thành tựu Vô Sanh Pháp Nhẫn (Bát địa) thì phải mất một thời gian rất lâu nữa. Ngay cả Trung Phẩm Thượng Sanh để lên bậc Thượng Phẩm Thượng Sanh, chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn phải mất một tiểu kiếp (16,700,000 năm) [3]. Ở vị bất thối chuyển này, các con mới đủ năng lực hiện thân khắp mười phương hành Bồ Tát đạo, ra vào sinh tử mà không trói buộc, trở lại chốn ác trược mà chẳng nhiễm ô, cứu độ chúng sanh không có hạn lượng [4, tr. 27].

Trong khi đó, thời mạt Pháp, Tam Bảo trụ thế 10.000 năm và thêm 100 năm sau đó nữa chỉ còn lại kinh A DI ĐÀ. Càng về mạt pháp, chúng sanh càng hạ liệt, tai ương, nạn đói, đủ thứ bệnh khổ mà chúng sanh nơi khốn khó đó chịu nhiều thương đau rất cần cưu mang, cứu vớt. Làm sao các con yên tâm ở phẩm vị như Trung Phẩm Thượng Sanh và phải trải qua khoảng thời gian 16 triệu 700 năm để thành tựu quả vị Bát Địa (A Duy Việt Trí Bồ Tát) trong khi để chúng sanh mãi chịu đau khổ? Chẳng khác gì một người sắp chết đói mà bảo họ cố gắng nhịn đói một năm để mình qua Mỹ, Pháp, Úc… kiếm tiền gửi về cứu đói? Chừng bảy ngày thôi, không có gì ăn là họ đã bỏ mạng rồi còn đâu mà giúp?

Các con ạ! Nhiều Bồ Tát ở phẩm vị này không muốn ở lại Thế giới Cực Lạc để tu tập mà đều phát nguyện trở lại Ta Bà loạn trược ác thế cùng với chúng sanh chịu khổ tìm phương tiện giáo hóa hữu tình. Hơn nữa, tu Bồ tát đạo ở thế giới ngũ trược ác thế dễ thành tựu quả Vô Sanh Pháp Nhẫn hơn ở thế giới của ta [2, tr.90].

Nhìn Thế giới Cực Lạc trang nghiêm thù thắng, không một chút bất thiện nào thì các con phải thấy thương thế giới Ta Bà vô cùng vì chúng sanh nơi cõi trược này rất đau thương: người thiếu ăn, kẻ thiếu mặc, trẻ em không nhà, không được giáo dục, quan chức lạm dụng quyền hành tham ô, bắt nạt dân lành, chủ hãng bất công vì quyền lợi cá nhân mà bóc lột người lao động, làm ăn bất chính, trộm cướp, tà dâm, chiến tranh, tai nạn giao thông, ôn dịch, ăn nuốt lẫn nhau vv... Tất cả do vô minh sai sử vì không hiểu đạo, vì thiếu ánh sáng Tam Bảo.

Các con trở về tu Bồ Tát đạo ở Ta Bà khổ đau là rất hợp với lòng ta và của Chư Phật. Các con ạ, thế giới của ta thù thắng, ai cũng an vui, không chịu khổ, đâu cần các con ở lại đây. Ngay cả Thế giới Ta Bà tương lai khi Đức Di Lặc Hạ sinh (80 tỷ năm sau khi Tam Bảo biến mất trên trần gian)[ii] [5] cũng không cần các con nhiều lắm đâu vì cõi Diêm Phù Đề lúc đó bằng phẳng, trang nghiêm thanh tịnh chẳng kém gì cõi trời Đao Lợi. Chúng sinh thời đó đầy phước báo, tướng hảo, tuổi thọ 84000 năm, hiền lành và hạnh phúc. 

Phải nói rằng những ai có lời tự tâm đạo như vậy là ứng hợp với bản nguyện Bi Trí viên mãn của các Như Lai. Ta đã thành tựu vô lượng đại nguyện nhưng 48 nguyện mà ta để lại là cốt tủy nhất của Biển đại nguyện của chư Phật. Trong 48 lời nguyện này có nguyện 35 và 36 ta hoan hỷ để các con hoàn lại Ta Bà cho dẫu các căn còn kém thiếu chỉ vì thương xót chúng sinh. Tuy nhiên, các con phải nhớ lời ta căn dặn đây khi quay lại Thế giới Ta Bà: Giáo hóa hữu tình phát lòng tín tâm, tu hạnh Bồ Đề, Hạnh Nguyện Phổ Hiền, tuy trở lại không rơi vào ác đạo, muốn nghe pháp, thuyết pháp thể hiện thần túc, tùy ý tu tập hết thảy đều được viên mãn.”  (Tham khảo nguyện 35 & 36 bên dưới.)

Các con ạ! 48 Đại nguyện của ta là căn bản của Đại Thừa Phật Giáo. Trong tất cả các môn tu, thì trưởng dưỡng lòng tin là căn bản nhất. Hễ những ai đặt trọn niềm tin vào lời nguyện của Ta mà tu những công hạnh khác hoặc/và Niệm Phật, bất kể căn lành nào hồi hướng sanh về cõi nước Ta thì sẽ toại nguyện như nguyện 18 (Tham khảo bên dưới).

Tuy nhiên, một khi đã có lòng tin trong sạch rồi, thì các con phải Phát Tâm Bồ Đề. Trong 48 nguyện, ta nhắc đi nhắc lại việc phát Bồ Đề Tâm, Tu hạnh Bồ Đề như nguyện 19, nguyện 21, nguyện 22, nguyện 25, nguyện 35 &36 và nguyện, 46, 47 & 48 vv... Khi thọ trì, đọc tụng và tác ý tư duy kỹ 48 lời nguyện của ta thì có thể thấu hiểu chủ ý của bổn nguyện. Tất cả các nguyện đều hiển rõ ràng không mật gì cả mà chỉ vì các con không chịu nghiêm túc đọc hiểu đấy thôi nào ta có dấu giếm gì đâu?

Nguyện 19 &20: Lúc tôi thành Phật , mười phương chúng sanh, nghe danh hiệu tôi, phát TÂM BỒ ĐỀ, tu các công đức, cung kính thực hành Lục Ba-la-mật, kiên cố bất thoái, có những căn lành nào nguyện hồi hướng sanh về cõi nước tôi, ngày đêm sáu thời luôn nhớ nghĩ đến tên tôi, khi lâm chung, tôi và Bồ Tát hiện tiền nghinh tiếp, trong một khoảnh khắc sanh về nước tôi, được vị Bất thối chuyển (A DUY VIỆT TRÍ BỒ TÁT). Nếu không như vậy, không thành chánh giác.”

Nguyện 21: Lúc tôi thành Phật, mười phương chúng sanh, nghe danh hiệu tôi, hằng nhớ nước tôi, Phát TÂM BỒ ĐỀ kiên cố bất thối, trồng các cội đức chí tâm hồi hướng, muốn sanh Cực Lạc, thảy đều toại nguyện….

Nguyện 22: Lúc tôi làm Phật, cõi nước của tôi không có người nữ. Nếu người nữ nào, nghe danh hiệu tôi, được tin thanh tịnh, Phát TÂM BỒ ĐỀ, nhàm chán thân nữ, nguyện sanh nước tôi. Sau khi mạng chung hóa thành thân nam, tới cõi nước tôi. Mười phương thế giới, các loài chúng sinh, sanh vào nước tôi, hoa sen hóa sanh, trong ao Bảy Báu. Nếu không được vậy, không thành Chánh Giác.

Nguyện 25: Lúc tôi thành Phật, chúng sanh mười phương, nghe danh hiệu tôi, hoan hỷ tin vui, lễ bái cung kính, đem tâm thanh tịnh, tu HẠNH BỒ TÁT, Chư Thiên nhân dân, thảy đều chí kính.

Nguyện 35 &36: Lúc tôi thành Phật, tất cả chúng sinh sanh về nước tôi, ắt đến rốt ráo, nhất sanh bổ xứ, trừ bản nguyện kia, vì chúng sinh nên mặc giáp hoằng thệ, giáo hóa tất cả, các chúng hữu tình, đều phát tín tâm, tu HẠNH BỒ ĐỀ, hạnh nguyện Phổ Hiền. Mặc dầu sanh ở thế giới phương khác, vĩnh ly đường ác, hoặc vui nói pháp, hoặc vui nghe pháp, hoặc hiện thần túc, tùy ý tu tập, đều được viên mãn.” [6, trtr.22-25]

Trong khi đó các nguyện 46-48 cho thấy Bồ tát phương khác niệm Phật, tu Bồ tát đạo thì sẽ trụ nơi thể tướng bình đẳng và sẽ thành tựu những đức bổn cho đến quả Vô Sanh Pháp Nhẫn:

Nguyện 46, 47 & 48: Lúc tôi làm Phật, thế giới phương khác, các chúng Bồ tát nghe danh hiệu tôi, chứng pháp ly sanh, được môn tổng trì, hoan hỷ thanh tịnh, được bình đẳng trụ, tu HẠNH BỒ TÁT, đầy đủ cội đức, ứng thời không được, nhất nhị tam nhẫn. Đối với Phật pháp, nếu không hiện chứng quả bất thối chuyển, tôi thề không thành Phật.

Trong khi đó nguyện 43 ghi: “Hương báu ở cõi cực lạc xông đi khắp mười phương mà chỉ người tu hạnh Bồ Đề mới ngửi đặng.”

Lại nữa, Phật Thích Ca Mâu Ni đã ân cần khuyên người Niệm Phật chân thật phải tu mười Tâm thù thắng trong Kinh Niệm Phật Ba-la-mật. Mười tâm này chung quy là Tâm Bồ Đề (Thâm trọng tâm, Phổ Hiền Tâm, Hồi Hướng Phát nguyện tâm…).Thâm trọng tâm là gì? Người Niệm Phật phải dấy tâm chí sâu xa mà cảm mộ ân đức của Tam Bảo, tưởng nhớ công lao của cha mẹ, thiện tri thức và của hết thảy chúng sanh.v.v... Nhờ vậy mà từ bi dần dần nẩy nở, ngọn lửa trí tuệ từ từ bừng cháy, môn tu niệm Phật mới dễ dàng thành tựu.

Hồi hướng phát nguyện tâm: “Nầy Diệu Nguyệt, Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm nghĩa là dấy động cái tâm chí như thế nầy: Không riêng gì bản thân mà cầu xuất ly Ta Bà loạn trược, khổ não. Trái lại, phải nguyện vì hết thảy chúng sanh khắp ba cõi sáu đường mà cầu vãng sanh Cực Lạc, chóng thành tựu Phật đạo để tế độ quần mê. Tại sao vậy? Vì muốn có cái quả đức siêu việt tối thượng thì phải phát khởi cái tâm chí quảng đại, dũng mãnh. 

Người Niệm Phật nếu đem cái tâm thái hời hợt, hẹp hòi, yếu hèn, chỉ riêng vì giải thoát bản thân, thì chẳng bao lâu sẽ chiêu cảm cái quả báo nhỏ bé, nông cạn, tầm thường, không xứng hợp với bản hoài chư Phật, chẳng tương ứng cùng bản nguyện vĩ đại Bi Trí Viên Mãn của Phật A Di Đà. Cho nên khó được tiếp dẫn về nơi cõi nước Tây phương. Lại nữa, người niệm Phật còn phải đem tất cả công đức thực hành sáu ba la mật, bốn nhiếp pháp, bốn vô lượng tâm hoặc ba mươi bảy phẩm trợ đạo... mà hồi hướng khắp anh em, cha mẹ, bằng hữu, chư thiên, chư tiên, bốn loại chúng sanh kẻ oán người thân đều được an trụ trong hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật. [7, trtr. 30-47].

Bàn về lòng tin, Đức Thích Ca Mâu Ni Phật xác quyết trong Tương Ưng Bộ V kinh tạng Nikàya rằng cư sĩ chứng quả dự lưu (Tu Đà Hoàn) khi thành tựu bốn pháp sau: Tin Bất động vào Phật, Tin Bất động vào Pháp, Tin Bất động vào Tăng, và hoan hỷ thí xả [8, tr. 82].

Để nhận diện lòng tin chân thật của một người Phật tử, Đức Thích Tôn lưu ý chúng ta trong Tăng Chi Bộ I như sau: Người có lòng tin là người muốn gặp người có giới đức, muốn nghe diệu pháp và hoan hỷ thí xả [9, tr.12].

Tương tự như vậy, những ai đặt trọn niềm tin vào Bản nguyện của A Di Đà Phật th́ì thường hay niệm Phật, phát bồ đề tâm, phát nguyện vãng sanh, đọc tụng kinh điển và hoan hỷ thí xả. Như vậy họ chắc chắn vãng sanh và hiện thời sống an lạc, vô úy và tự tại. Niềm tin trong sạch vào lời nguyện là chứng quả vãng sanh cũng giống như cư sĩ thời Phật Thích Ca Mâu Ni chứng quả dự lưu, nhập vào dòng thánh không còn bị đọa lạc và từ 1 kiếp cho đến 7 kiếp tái sinh làm người sẽ đạt thánh quả giải thoát A La Hán. Đức Thích Ca Mâu Ni đã cẩn trọng để lại chỉ dấu này trong nhiều kinh điển nhằm xác quyết tịnh tín vào Tam Bảo và vào Bản Nguyện của Ta sẽ đặt nền móng vững chắc vào sự nghiệp giải thoát như sau:

Lúc tôi thành Phật, chúng sinh mười phương, nghe danh hiệu tôi, chí tâm tin vui, có được căn lành, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh nước tôi , cho đến mười niệm, nếu không được sanh, tôi thề không giữ ngôi Chánh Giác, duy trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp.” [10, tr. 21]

“Hết thảy hữu tình khắp cả mười phương thế giới, nghe tin danh hiệu công đức Vô Lượng Thọ Phật, lập tức nhập địa vị chánh định, sinh về cõi Phật An Lạc thanh tịnh.” [11, tr.2 A4]

“Chúng sanh ở phương khai, nghe danh hiệu Di Đà Như Lai, cho đến chỉ phát một niệm tin ưa, vui vẻ hâm mộ, chỗ có căn lành đó đem hồi hướng nguyện vãng sanh Cực Lạc, tùy nguyện liền được vãng sanh, được vị bất thối chuyển cho đến thành Phật.” [12, tr.23]

“Có những chúng sanh nghe danh hiệu Đức Phật A Di Đà, lòng tin vui mừng nhẫn đến phát một niệm chí tâm hồi hướng nguyện cầu sanh Cực Lạc, thì liền được vãng sanh ở bực bất thối chuyển…” [13, tr.83]

Này Xá Lợi Phất, ai đã phát nguyện, hoăc đang phát nguyện, hoặc sẽ phát nguyện sinh về Cực Lạc, thì ngay lúc nguyện đã được bất thối,và đã có mặt tại Cực Lạc rồi." (Trường Ca A Di Đà Kinh, phút 13.19 -13:27) [14].

Thế mà ngày nay, có nhiều hữu tình ngày đêm Niệm Phật mà còn sợ mất phần vãng sanh vì chẳng đặt trọn niềm tin vào Bản Nguyện của A Di Đà Phật. Khi tín tâm niệm danh hiệu ngài cầu vãng sanh thì tất sẽ được toại nguyện. Xin đừng nghi ngờ, xin đừng sợ hãi. Niềm tin vững chãi sẽ khiến cho hành giả có tâm vô úy, tâm từ bi, tâm hỷ xả và tâm giữ giới, tâm bố thí rộng rãi vì thương xót chúng sanh.  Nói một cách khác, người có lòng tin chân thật, thường hay có tâm liễu tri ân Phật, ân Tam Bảo, ân Cha mẹ, ân quốc gia và ân chúng sanh. Và đó là Tâm Bồ Đề không hai.

Bài cảm tác này xin kết thúc bằng lời đạo giáo trong Liên Tông Bảo Giám:

“Nhất niệm khởi mà muôn vật đều biết

Lòng tin sanh là chư Phật hiện

Vừa xưng danh hiệu Phật được vào thẳng thai sen

Một lần khởi Tâm Bồ Đề là được lên tận cõi Phật.” [15]

 

Nguyện đem công đức này

Hồi hướng chúng sanh khắp pháp giới

Đồng sanh cõi Cực Lạc

Tâm Tịnh cảm tác và cẩn tập



[i] Ý diễn đạt y theo Kinh Phật

ii Khi Kiếp này đã qua

 Hơn sáu mươi Đại kiếp

 Hiệu Phật chẳng được nghe

 Làm sao có ưa thích (Đại Bảo Tích Kinh)

1 tiểu kiếp khoảng 16.700.000 năm, 1 trung kiếp = 20 tiểu kiếp, 1 Đại kiếp = 4 trung kiếp = 1.350.000 .000 năm

Nguồn Tham Khảo

[1] & [3] Quán Vô Lượng Thọ Kinh – Hòa Thượng Thích Trí Tịnh [Online] Available http://niemphat.net/Kinh/kinhquanvoluongtho.htm

[2], [6] & [10] Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh. Hán văn: Ngài Hạ Liên Cư hội tập. Việt văn: Tâm Tịnh (PL2546 - TL2002). Phẩm 37: Như Nghèo Đặng Của Báu. Viện Nghiên Cứu Phật Học Phước Huệ.

[4] & [7] Kinh Niệm Phật Ba La Mật Hán dịch Cưu Ma La Thập – Việt dịch Hòa Thượng Thích Thiền Tâm (PL 2542 – TL 1998). Viện Phật Học A Dục ấn tống.

[5] Đại Bảo Tích Kinh – Phẩm I Thuyết Tam Luật Nghi Kinh. Hòa Thượng Thích Trí Tịnh (PL 2543 – TL 1999). Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh.

[8] Lời Phật dạy trong kinh tạng Nikàya. Tập I. Thích Quảng Tánh (2014). V. Cư sĩ, 4. Cư sĩ chứng quả dự lưu. Nhà xuất bản Hồng Đức

[9] Lời Phật dạy trong kinh tạng Nikàya. Tập I. Thích Quảng Tánh (2014). I. Lòng tin, 2. Biểu hiện của lòng tin. Nhà xuất bản Hồng Đức

[11] Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Phật Danh Hiệu Lợi Ích Đại sự Nhân duyên Kinh. Hán dịch Thiên Trúc Tam Tạng Khang Tăng Khải (Tào Ngụy). Việt dịch Bửu Quang đệ tử Như Hòa.

[12] Kinh Đại Bảo Tích- theo Hương Đạo số 19 -2008.

[13] Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Như Lai. Hán dịch. Tam tạng pháp sư Khương Tăng Khải. Việt dịch Hòa Thượng Thích Trí Tịnh.

[14] Trường Ca A Di Đà Kinh – Thích Nhật Từ - Nhạc Võ Tá Hân. [Online] Available  https://www.youtube.com/watch?v=cxMtmeHCREY

[15] Liên Tông Bảo Giám. Ưu Đàm Đại sư. Việt dịch Thích Minh Thành (2008). [Online] Available http://trangnghiemtinhdo.net/?p=2121

 

Ý kiến bạn đọc
29/10/201523:05
Khách
Tâm Tịnh xin cáo lỗi bạn đọc vì hai lỗi dùng từ trong bài viết này cần phải đính chính lại như sau:
Hạ Phẩm Thượng Sanh (sai) ---> Thượng Phẩm Hạ Sanh (đúng)
Trung Phẩm Thượng Sanh (sai) ---> Thượng Phẩm Trung Sanh (đúng)
Xin quý bạn đọc hoan hỷ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]