Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tịnh Độ Tông Nhật Bản.

22/04/201311:15(Xem: 5616)
Tịnh Độ Tông Nhật Bản.


tinhdotongnhatban_final

TỊNH ĐỘ TÔNG NHẬT BẢN

Dịch giả Thích Như Điển

---o0o---

Lờiđầu sách

Đã từ lâu người Phật Tử Việt Nam chúng ta làm quen với Tịnh Độ Tông Việt Nam và Tịnh Độ Tông Trung Hoa; nhưng Tịnh Độ Tông Nhật Bản dường như rất ít người lưu tâm đến. Có lẽ nhiều người nghĩ rằng, đã là Tịnh Độ thì Phật Giáo nước nào cũng giống nhau thôi. Điều đó không sai nhưng nói như thế không hoàn toàn đúng. Vì lẽ cây giác ngộ có thể chung cùng một gốc; nhưng cành lá giác ngộ có thể không giống nhau. Vì qua việc truyền thừa của Chư Tổ khi tiếp nhận cũng như tiêu hóa giáo lý phải kinh qua văn hóa, phong tục, tập quán cũng như ngôn ngữ của nước mình. Do vậy, hôm nay chúng tôi muốn giới thiệu đến quý vị một cuốn sách viết về cuộc đời và sự tu chứng cũng như những trước tác của Ngài Thân Loan (Shinran) người Nhật Bản sanh vào cuối thế kỷ thứ 12 và sách này do tác giả Kakehashi Jitsuen đặc biệt trình bày về quan điểm của Tịnh Độ Tông theo lối nhìn của người Nhật và biết đâu các Phật tử Việt Nam chúng ta sẽ có tài liệu để tham cứu một tông phái vốn chiếm 2 phần 3 trong các Tông phái Phật Giáo Nhật Bản ngày nay.

Người Nhật khi nghe đến Shinran Shonin (Thân Loan Thánh Nhân) họ liền hiểu ngay gần như là Giáo Tổ của Tịnh Độ Tông Nhật Bản, nhưng thật ra Tịnh Độ Tông Nhật Bản không phải bắt đầu từ thế kỷ thứ 12 mà trước đó đã có Shotoku Taishi (Thánh Đức Thái Tử) đã tu học pháp môn này từ thế kỷ thứ 6,7 (ông sinh năm 574, băng hà năm 622) rồi sau đó đến Ngài Nguyên Tín, Pháp Nhiên[1], tiếp theo sau mới đến Thân Loan. Thân Loan là đệ tử của Pháp Nhiên nhưng hầu như người ta ít lưu tâm đến Pháp Nhiên hơn là Thân Loan. Do vậy chúng ta thử duyệt qua những điểm chính về cuộc đời, sự tu học, tư tưởng, những trước tác v.v…, để từ đó chúng ta rõ hơn về con người của Thân Loan mà người Nhật đã tôn Ngài là bậc Thánh.

Thân Loan sinh năm 1173 và viên tịch năm 1262. Ngài có một cuộc đời dài đằng đẳng gần một thế kỷ như thế để làm người và được làm Thánh sau khi viên tịch. Năm lên 9 tuổi đã xuất gia tại núi Tỷ Duệ thuộc Tông Thiên Thai. Ngài ở đó tu học 20 năm trường và vẫn tu học theo môn phái này, đồng thời cũng hành trì theo pháp môn niệm Phật và chuyên tu về lời nguyện thứ 19 cũng như 20 của Đức Phật A Di Đà. Sau 20 năm như thế vẫn chưa rõ được sự sanh tử, nên năm 29 tuổi Ngài đã tìm đến Ngài Pháp Nhiên để tham cứu về Tịnh Độ. Sau hơn 4 năm tu học với Ngài Pháp Nhiên, Ngài đã tỏ ngộ được sanh tử và sự giải thoát như chuyên tâm tu học theo lời nguyện thứ 18 của Đức Phật A Di Đà. Đến năm 34 tuổi nhằm năm Nguyên Thừa Nguyên Niên, tức năm 1207 bị đày sang Etsugo vì lẽ có nhiều tông phái khác tại Nara lúc bấy giờ không thích pháp môn Tịnh Độ và cho Pháp Nhiên cũng như Thân Loan là đi sai lời dạy của Phật; nên những giáo phái có thế lực với triều đình lúc bấy giờ đã xin đày Ngài Thân Loan đi Việt Hậu (Etsugo). Đến năm Kiến Lịch nguyên niên nhằm năm 1211, Thầy trò Thân Loan mới được miễn tội. Lúc này ông ta đã 38 tuổi; nghĩa là thời gian bị lưu đày 5 năm. Trong 5 năm ấy ông vẫn thực hành pháp môn Niệm Phật. Đến năm 42 tuổi Thân Loan về Kanto để hướng dẫn cho nhiều người tu pháp môn Niệm Phật nầy. Ông ở tại đó, suốt trong vòng 20 năm. Nghĩa là cho đến năm ông 62 tuổi và kể từ lúc ấy ông về lại Kyoto để ở cũng như trước tác các tác phẩm khác và dạy đệ tử cho đến năm Thân Loan 90 tuổi thì viên tịch.

Như vậy cuộc đời của Ngài có thể chia ra làm những giai đoạn như sau: Giai đoạn một từ khi sinh ra cho đến khi xuất gia tu học tại núi Tỷ Duệ. Giai đoạn hai kể từ khi về với Pháp Nhiên làm đệ tử. Giai đoạn ba là giai đoạn lưu đày. Giai đoạn bốn tuy không nói rõ trong sách này nhưng cũng là một giai đoạn quan trọng. Đó là giai đoạn Thân Loan lập gia đình và sinh đến 6 người con, cả trai lẫn gái. Giai đoạn năm là giai đoạn truyền bá pháp môn Tịnh Độ tại Kanto và giai đoạn sáu từ khi về lại Kyoto lúc 62 tuổi đến năm 90 tuổi.

Trong từng giai đoạn của cuộc đời Ngài, giai đoạn nào cũng khá quan trọng, thiết nghĩ chúng tôi không bàn rộng ở đây mà xin để cho độc giả lần vào trong từng trang sách một sẽ biết rõ được điều ấy. Ở đây chúng tôi chỉ xin muốn tuần tự điểm qua một số nét chính như vừa gợi ý bên trên để độc giả có thể nắm bắt ý chính một cách dễ dàng mà thôi.

Về sự tu học của Thân Loan như chúng ta đã rõ, Người vẫn hằng tin vào câu niệm Phật; nhưng ban đầu ông dùng tự lực của mình để mong tỏ ngộ chân lý, nhưng cuối cùng không được, ông đã chuyển sang niệm Phật theo Bổn Nguyện Tha Lực của Đức Phật A Di Đà; nghĩa là khi niệm Phật tức là lúc chúng ta tin tưởng và giao phó trọn vẹn thân tâm ta cho Phật, để Phật sẽ dùng cái Đức mà đến cứu độ ta và tự lực phải hoàn toàn buông bỏ. Đây cũng là một điểm khác đối với Phật Tử Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc và Việt Nam chúng ta theo pháp tu Tín, Hạnh, Nguyện; nhưng theo Ngài Thân Loan không tuần tự như thế mà qua Giáo, Hạnh, Tín, Chứng. Đây cũng là một điểm khác nữa nổi bật trong sự thực hành pháp môn Niệm Phật theo Thân Loan và theo người Nhật trong hiện tại.

Ngày xưa và nay cũng thế những người có thế và lực thường hay dựa vào thế quyền để uy hiếp những kẻ yếu và Thân Loan khi thực hành pháp môn Niệm Phật có lẽ vì có nhiều người theo; nên những tông phái khác không thích chăng? Do vậy mà mới cậy vào thế của Triều Đình để bắt ông cùng đồ chúng phải bị lưu đày trong 5 năm như thế. Từ năm 39 đến 42 tuổi không thấy đề cập đến nhiều; nhưng có lẽ đây là thời gian ông lập gia đình và sống một cuộc đời Phi Tăng Phi Tục. Đây cũng là một cái nhìn hơi khác với Phật Giáo Việt Nam hay các nước Phật Giáo Đông Nam Á Châu khác.

Khi bị tù đày, chắc chắn khó có người đến để chăm nom săn sóc; nên lúc ở Việt Hậu có người con gái của Binh Bộ Đại Bổ lấy ông làm chồng và sau đó người này cũng xuất gia với pháp danh là Huệ Tín. Có thể nói rằng lúc ông đang ở trong tù tức từ năm 34 tuổi cho đến sau 5 năm ở tù năm ông 39 tuổi và kéo dài thời gian 3 năm nữa cho đến năm ông 42 tuổi, khi rời Việt Hậu để đi Kanto là thời gian có những mối tình đẹp với người con gái con quan như thế. Đây có thể là mối tình công khai chứ không phải là một mối tình vụng trộm nơi cửa Thiền và cũng bắt đầu từ đó trở đi hầu như 90 phần trăm Tu sĩ Tịnh Độ Tông của Nhật Bản lập gia đình. Nếu kể cho đúng năm tháng ngày giờ phải nói từ năm 1215 cho đến bây giờ (2006) đã gần 800 năm rồi. Ngoài ra tất cả những Tăng sĩ khác đã bị bắt buộc phải lập gia đình qua sắc lệnh của Minh Trị Thiên Hoàng (Meiji Tenno) vào năm 1868. Nghĩa là cách nay cũng đã 130 năm. Trong khi đó Việt Nam chúng ta nằm cách Nhật Bản không xa mấy về địa lý; nhưng hoàn toàn không rõ về vấn đề này. Ở đây chúng tôi không nói, việc lập gia đình đối với Tăng sĩ là tốt hay xấu, nên hay không nên; nhưng việc này tùy theo quan niệm, cũng như tập quán của từng dân tộc mà thôi. Có lẽ chúng ta sẽ rõ hơn việc này khi điểm qua về tư tưởng của Thân Loan như dưới đây:

Thân Loan vẫn tin là niệm Phật được vãng sanh; nhưng không tin vào tự lực. Chỉ tin vào tha lực và sự vãng sanh theo chủ trương của Ngài là trực tiếp vãng sanh thành Phật, không cần trải qua các giai đoạn khác để hành Bồ Tát Đạo qua Thập Địa và Cửu Phẩm Liên Hoa, do sự tu nhơn tích đức ở đời này như các Tông phái Nhiếp Luận, Tam Luận Tông và Chơn Ngôn Tông hằng chủ trương. Nghĩa là “Hiện Sanh Thành Phật” có nghĩa là chỉ một đời tu niệm Phật sẽ được thành Phật ngay sau khi lâm chung, do nhờ cái Đức nhiếp hóa và sự chở che của Đức Phật A Di Đà và đó là “Tha Lực Bổn Nguyện”. Có lẽ vì quan niệm như thế cho nên Tăng hay Tục; người có gia đình hay không có gia đình, tất cả đều giống nhau. Nếu một lòng chuyên niệm Nam mô A Di Đà Phật và thực hành theo nguyện thứ 18 đó là: “Ta thề sẽ không giữ ngôi chánh giác, nếu có một chúng sanh nào đó trong 10 phương quốc độ, niệm đến danh hiệu ta mà không được cứu độ thì quyết không thành Phật. Duy chỉ trừ những kẻ mang tội ngũ nghịch và không tin theo chánh pháp”.

ngaithanloan


Ngài Thân Loan

Ở đây theo lời nguyện này Phật sẽ cứu độ không bỏ một ai, chỉ trừ những người như đã nêu trên, nhưng nếu những người như thế mà có tâm hối cải thì cũng vẫn được độ như thường. Theo tinh thần của kinh Di Đà nội dung rõ ràng là như thế. Bước qua lãnh vực Kinh Báo Ân Phụ Mẫu thì Phật dạy Ngài Mục Kiền Liên phải nhờ vào năng lực của Chư Tăng sau 3 tháng An Cư Kiết Hạ mới cứu người mất được siêu thoát. Nhưng tiến xa hơn nữa là Kinh Đại Bát Niết Bàn, Phẩm Phạm Hạnh, Đức Phật đã khẳng định rằng: Nhứt Xiển Đề và những người phạm tội ngũ nghịch cũng có khả năng thành Phật; nếu họ biết ăn năn sám hối. Vì sao vậy? Vì tất cả các pháp đều có tính cách bất định; nên Nhứt Xiển Đề cũng bất định. Ngày hôm qua có thể là Nhứt Xiển Đề; nhưng ngày hôm nay và ngày mai nếu những người phạm tội ngũ nghịch và Nhứt Xiển Đề ấy sám hối, ăn năn tội lỗi xưa của mình thì chắc chắn cũng sẽ thành Phật. Đây chính là tư tưởng của Giáo Lý Tối Thượng Thừa. Có lẽ Thân Loan căn cứ theo đây mà cho rằng: Chỉ cần một đời niệm Phật theo Bổn Nguyện Tha Lực của Đức Phật A Di Đà chắc chắn sẽ thành Phật. Điều này cũng khác với quan niệm của Phật Tử Việt Nam và Trung Quốc là cõi Cực Lạc chính là cõi Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ, chứ không phải nơi ấy chỉ toàn là bậc Thánh.

Quan niệm về Vãng tướng và Hoàn Tướng cũng khác với quan niệm của người Phật Tử Việt Nam chúng ta. Vãng tướng có nghĩa là sau khi lâm chung sẽ được vãng sanh về Cực Lạc rồi thành Phật. Còn Hoàn Tướng có nghĩa là sau khi vãng sanh về thế giới Cực Lạc thành Phật; nhưng sau khi thành Phật thấy chúng sanh còn đau khổ nơi thế giới Ta Bà này nên phát nguyện về đây để độ sanh.

Thân Loan quan niệm rằng Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn là hiện thân qua Pháp Thân Phương Tiện của Đức Phật A Di Đà để thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề tại Ấn Độ và ông ta quan niệm rằng từ Thế Thân, Long Thọ (Ấn Độ), Đàm Loan, Đạo Xước, Thiện Đạo (Trung Quốc), Nguyên Tín, Pháp Nhiên (Nhật Bản) đều là những Hóa Thân Phương Tiện của Đức Phật A Di Đà. Ông còn đi xa hơn nữa là những loài bò bay, máy cựa vi tế côn trùng cũng là Hóa Thân của Đức A Di Đà thảy. Như thế tư tưởng này khó đọc thấy nơi những tác phẩm khác của Tịnh Độ Tông Việt Nam chúng ta.

Với những trước tác của ông rất quan trọng, mà quan trọng nhất có lẽ là “Giáo Hành Chứng Văn Loại”. Theo tác giả Kakehashi Jitsuen cho rằng ông ta viết tác phẩm này cho chính mình; nhưng trên thực tế người đời sau lấy đó làm Kim Chỉ Nam cho sự tu hành của mỗi người. Điều đặc biệt trong những trước tác ấy mà nội dung có điểm qua trong phần đầu của sách này, mãi cho đến năm Thân Loan 85, 87 tuổi vẫn còn cho rằng những tư tưởng ấy là của Thầy ông, Pháp Nhiên, chứ không phải của ông. Ông khiêm nhường và tự trọng nên cho mình là kẻ ngu ngốc; nhưng trên thật tế ông chả ngu ngốc chút nào. Ông cho rằng mình chưa nhập vào Chánh Định Tụ; nhưng trên thực tế Ông đã vào Chánh Định Tụ từ lâu rồi. Ông tự bảo rằng Ông là người vẫn còn tham dục, lợi danh, bị ái dục sai sử, nhưng ông đã vãng sanh từ lâu rồi.

Chính ông không tự đưa mình vào chỗ giác ngộ, nhưng người đời sau đã chứng minh rằng ông đã giác ngộ qua những sự tôn kính của đệ tử mình. Lẽ ra Thầy mình là Pháp Nhiên phải được nhắc nhở nhiều hơn như khi Thân Loan còn tại thế, nhưng hình ảnh của Pháp Nhiên mờ nhạt sau tư tưởng của Thân Loan quả là việc: “Con hơn cha, nhà có phước và học trò hơn Thầy vẫn là điều đáng ca ngợi cũng như đáng tán dương biết bao”. Hình ảnh này cũng ít thấy nơi Phật Giáo Việt Nam bao nhiêu.

Tịnh Độ Tông Trung Quốc gồm có 13 vị Tổ. Bắt đầu từ Ngài Huệ Viễn ở Lô Sơn đời nhà Tấn vào thế kỷ thứ 4 và cuối cùng là Ngài Ấn Quang Đại Sư ở thế kỷ thứ 20. Thật ra Thầy của Ngài Huệ Viễn là Ngài Đạo An nhưng vẫn không nổi tiếng bằng đệ tử và thật ra Tịnh Độ Tông Trung Quốc bắt đầu từ Ngài Bồ Đề Lưu Chi đến Ngài Lạc Dương vào thời nhà Ngụy và đã truyền Tâm Tịnh Độ cho Ngài Đàm Loan; nhưng cả những vị này đều ít được đề cập đến như những đệ tử của mình sau nầy.

Riêng Việt Nam chúng ta, Tịnh Độ Tông trong thế kỷ thứ 20 và 21 chiếm đa số, mặc dầu vào những thế kỷ thứ 10 đến thứ 18 Thiền Tông chiếm địa vị độc tôn, nhưng tiếc rằng Tịnh Độ Tông Việt Nam không có sự truyền thừa rõ ràng như Phật Giáo Trung Quốc và Phật Giáo Nhật Bản. Ở những nước này có sự khai tông lập giáo. Còn Việt Nam chúng ta ngoại trừ bên Thiền Tông có Vua Trần Thái Tông và vua Trần Nhân Tông vào thế kỷ thứ 13 có lập nên phái Trúc Lâm Yên Tử là đặc biệt Thiền của Việt Nam, còn hầu như 10 hay 13 Tông phái khác Việt Nam không có sự truyền thừa rõ ràng.

Mới đây Thượng Tọa Trí Siêu Lê Mạnh Thát là một Giáo Sư học giả của Phật Giáo Việt Nam đã soạn được bộ Lịch sử Phật Giáo Việt Nam tập 1, 2 và 3 rất có giá trị. Trong tập 1 Thượng Tọa đã căn cứ theo Lục Độ Tập Kinh trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh để bình chú và cho biết thêm theo tinh thần các văn bia còn sót lại tại các chùa ở miền Bắc Việt Nam đã cho thấy rằng Đạo Phật đã được truyền vào Việt Nam chúng ta từ thế kỷ thứ 1, thứ 2 trước Thiên chúa; nghĩa là từ thời Hùng Vương thứ 18 và hai người Phật Tử đầu tiên của Việt Nam chúng ta là Chữ Đồng Tử và công chúa Tiên Dung.

Trong quyển 1 tác giả có chứng minh việc có liên hệ đến Tịnh Độ Tông Việt Nam rất quan trọng. Đó là Ngài Đàm Hoằng tu theo pháp môn Tịnh Độ Thập Lục Quán của Kinh Quán Vô Lượng Thọ ở núi Tiên Du Bắc Việt và cuối đời tự thiêu, được vãng sanh. Như vậy kinh Quán Vô Lượng Thọ chắc chắn phải bằng chữ Hán và Ngài Đàm Hoằng này có liên hệ gì với Ngài Đàm Loan người Trung Quốc chăng? Dĩ nhiên trước Ngài Đàm Hoằng phải còn những vị Tổ Sư Việt Nam tu theo Tịnh Độ Tông nữa. Nếu không làm sao Ngài Đàm Hoằng có thể tu chứng và quán thành tựu một cách dễ dàng như thế và sau Ngài Đàm Hoằng là vị nào nữa của những thế kỷ thứ 5, thứ 6 sau Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi vốn là Thiền Tông từ Ấn Độ và Trung Quốc được truyền sang Việt Nam chúng ta? Hy vọng Thượng Tọa học giả Trí Siêu Lê Mạnh Thát sẽ còn dẫn chứng nhiều tài liệu khác độc đáo hơn, để chúng ta còn hệ thống hóa được những vị Tổ Sư về Tịnh Độ của Việt Nam.

Mãi cho đến thế kỷ thứ 19, 20 và đầu thế kỷ thứ 21 Việt Nam chúng ta mới quan tâm trở lại về Tịnh Độ; nhưng đoạn đầu, khoảng giữa và ngay cả về sau này do sự không có khai tông lập giáo rõ ràng như Trung Hoa và Nhật Bản; nên Phật Tử Việt Nam tu theo Tịnh Độ Tông vốn có những khó khăn nhất định về sự định nghĩa của việc truyền thừa.

Năm nay là năm thứ 4, Thầy trò chúng tôi lại có cơ duyên đến Úc để nhập thất, hành trì cũng như dịch sách đã được thật nhiều an lạc nơi nội tâm và hoan hỷ với ngoại cảnh. Năm đầu chúng tôi dịch tác phẩm Đại Đường Tây Vức Ký của Ngài Huyền Trang từ chữ Hán sang tiếng Việt. Bản dịch này đã được xuất bản tại Hoa Kỳ, Úc Châu và Âu châu cũng như Việt Nam trong hiện tại với số lượng không dưới 10.000 cuốn. Ngoài ra Đạo hữu Tâm Kiến Chánh ở Hoa Kỳ qua CD, Đạo hữu cũng đã lồng âm vào đĩa và đã được Phật Tử khắp nơi lắng nghe pháp âm của Đại Đường Tây Vức Ký.

Năm thứ 2 chúng tôi dịch Đại Thừa Bồ Tát Tập Học Luận của Ngài Santideva; những người nghiên cứu thì rất thích, nhưng ít có tính phổ thông hơn quyển trên.

Đến năm thứ 3 chúng tôi dịch quyển Thiền Lâm Tế Nhật Bản từ tiếng Nhật sang tiếng Việt, đã được nhiều người trong cũng như ngoài nước đón nhận một cách hết sức chân thành với mục đích nghiên cứu và học hỏi thêm Phật Giáo của xứ người. Đồng thời cũng năm ấy chúng tôi phóng tác quyển “Giai nhân và Hòa thượng”. Đây là một tiểu thuyết Phật Giáo có tính cách tình cảm tâm lý, xã hội, giáo dục cũng được các Phật Tử ở trong và ngoài nước đón nhận một cách rất nồng nhiệt và hy vọng sách này còn nhiều chuyển biến lớn hơn trong tương lai nữa.

Năm nay 2006 chúng tôi quyết định chuyển dịch tác phẩm thứ 48 này từ tiếng Nhật sang tiếng Việt, nhan đề là Tịnh Độ Tông Nhật Bản và nội dung như quý vị đã lược qua như trên. Hy vọng cũng sẽ có được nhiều người đón nhận như thế. Sách này dày 250 trang khổ A5. Giá bán ở Nhật là 2500 Yen chưa kể thuế. Tính ra chừng 20US Dollars. Tôi bắt đầu đọc sách này lần đầu vào ngày 18.7.2006 và đọc xong sách vào ngày 4 tháng 10 năm 2006 tại Hoa Kỳ. Tôi những tưởng Tịnh Độ Tông tương đối dễ dịch hơn Thiền Tông. Vì lẽ những danh từ Tịnh Độ và tư tưởng Tịnh Độ đã quá quen thuộc, nhưng điều ấy tôi đã lầm và có lẽ quý độc giả cũng như thế. Văn chương, tư tưởng của Tịnh Độ không nghèo qua 6 chữ Nam mô A Di Đà Phật, mà có cả một rừng công đức, ngay cả Ngài Phổ Hiền trong Pháp Hội Hoa Nghiêm phẩm thứ 81 còn cầu nguyện vãng sanh về Tây phương Tịnh Độ. Còn ta so ra với các Ngài chẳng là gì cả, không bằng hạt cát trong đại dương.

Năm nay 2006 Thầy trò chúng tôi đến Úc vào ngày 16 tháng 11 năm 2006 sau khi đã đi Ấn Độ tu học, lễ bái tại Bồ Đề Đạo Tràng cũng như Trung tâm Tu học Viên Giác. Sau đó đến Thái Lan tham dự lễ An Vị Phật Tây Phương Tam Thánh tại Cực Lạc Cảnh Giới Tự ở Chaingmai của Thầy Hạnh Nguyện và tiếp đó Thầy trò chúng tôi đi Miến Điện để đảnh lễ 8 sợi tóc của Đức Phật thờ tại chùa Schwedagon ở thủ đô Rangon. Từ đó bay qua Úc vào ngày 16 tháng 11 đến chùa Pháp Bảo ở Sydney và ngày 20 tháng 11 năm 2006 Thầy trò chúng tôi lên núi cũng như bắt đầu phiên dịch sách này đến ngày 15 tháng 12 năm 2006 thì xong. Như vậy sách này được dịch ròng rã trong 4 tuần lễ, mỗi tuần 5 ngày và mỗi ngày độ 6 tiếng đồng hồ. Tổng cộng 120 tiếng đồng hồ phiên dịch như thế.

Tác phẩm này có nhan đề “Thân Loan và những lời dạy của Ngài”; nhưng tôi đặt cho tiêu đề mới là “Tịnh Độ Tông Nhật Bản” cho có tính cách bao quát hơn. Vì gọi Thân Loan thì chỉ có người Nhật biết rõ, trong khi đó người Việt khó am tường. Lần đầu tiên sách này được xuất bản vào năm 1999 và năm 2005 đã tái bản đến 4 lần. Mỗi lần xuất bản số lượng không cho biết là bao nhiêu; nhưng tôi tin rằng ở Nhật người đọc sách và nghiên cứu về Tịnh Độ không ít. Sách này do nhà xuất bản Đại Pháp Luân Các ở Shibuya, Tokyo ấn hành và năm rồi (2005) khi in tác phẩm Thiền Lâm Tế Nhật Bản, tôi đã viết thư qua Nhật xin phép tác giả và nhà xuất bản để in và ấn tống tại ngoại quốc cho độc giả Việt Nam đọc. Tất cả đều được hoan hỷ và cho phép. Năm nay cũng vậy, sau khi xong tác phẩm này tôi sẽ biên thư bằng tiếng Nhật xin phép để được xuất bản tiếp tục. Nếu không có gì thay đổi về sức khỏe chúng tôi sẽ lần lượt đến Úc nhập thất và sẽ dịch các tác phẩm bằng tiếng Nhật của các tông phái khác như Pháp Hoa, Mật Tông, Thiền Tào Động v.v.., để các độc giả Việt Nam sau này khi nghiên cứu đến Phật Giáo Nhật Bản có tài liệu tra cứu.

Năm nay chỉ có một mình Hạnh Bổn đánh máy nên chúng tôi đã nhờ thêm Thầy Phổ Huân cũng như Cô Giác Anh tiếp tay với chú để tác phẩm này hoàn chỉnh trước khi về lại Đức để chuẩn bị in và ấn tống năm 2007. Ngoài ra chúng tôi cũng đã nhờ Thượng Tọa Thích Đồng Văn gò lại câu văn dịch một lần nữa để cho được Việt hóa hoàn toàn.

Điều vô cùng quan trọng là cần phải có sự giảo chánh lại cho suông sẻ câu văn và ý tưởng; nếu không chúng ta sẽ bị Nhật hóa lúc nào không hay biết. Việc này tôi cần đến sự giúp đỡ tận tình của Hòa Thượng Thích Bảo Lạc vốn là bào huynh của tôi, trước đây đã tốt nghiệp Đại Học Phật Giáo Komazawa ở Nhật, xem lại lần cuối và đối chiếu cả tiếng Nhật lẫn tiếng Việt để còn ít lỗi chừng nào càng hay chừng ấy. Nhất là không phụ lòng những người trông đợi một tác phẩm như thế này.

Năm nay cũng là năm Hòa Thượng Thích Bảo Lạc đã đến Úc được 25 năm (1981-2006) và sau khi kiến tạo ngôi chùa Pháp Bảo được trang nghiêm cũng như hướng dẫn hàng ngàn người đi vào nẽo đạo. Đồng thời Hòa Thượng cũng muốn tiếp tục nhập thất và dịch kinh viết sách tiếp theo của gần 40 tác phẩm đã trước tác; nên vào ngày 24 tháng 12 năm 2006 Hòa Thượng nhân lễ Kỵ Tổ Minh Hải khai sơn Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Hội An, Quảng Nam đã trở về ngôi Phương Trượng và làm lễ truyền thừa cho Đại Đức Thích Phổ Huân lên trụ trì chùa Pháp Bảo kế tục đời thứ 44 của phái Lâm Tế. Đây là một hình ảnh đẹp tuyệt vời của Phật Giáo Việt Nam ở Hải Ngoại ngày hôm nay. Vì lẽ “Thừa Ân Pháp Nhũ” để nối lại giòng pháp vốn dĩ linh thiêng từ Chư Tổ như thế chúng ta chỉ có bổn phận tiếp nối, giống như “Y Bát Chơn Truyền” của “Tổ Đức Lưu Phương” mà bao đời nay chúng ta vẫn còn gìn giữ.

Sinh ngữ được gọi là một ngôn ngữ sống và tử ngữ được gọi là ngôn ngữ đã chết. Tuy tiếng Nhật là một sinh ngữ, nhưng tôi xa Nhật từ năm 1977 cho đến nay 2006, kể cũng đã gần 30 năm; nhưng tôi vẫn còn tự tin để dịch ra tiếng Việt như thế là nhờ suốt trong những năm ở Nhật từ năm 1972 đến năm 1977 tôi ở chùa Nhật, tụng kinh bằng tiếng Nhật và thực hành ngôn ngữ ấy hằng ngày và dùng nó gần như tiếng mẹ đẻ; nên tôi có thể tự tin để dịch như thế như ngày hôm nay. Ơn ấy xin hồi hướng lên Tam Bảo chứng tri và cảm tạ thâm ân Thầy Trụ Trì Oikawa chùa Bổn Lập ở Hachioji, vốn là Giáo Sư tiếng Pali tại Đại Học Risso, người đã cưu mang cho tôi ở chùa và ăn học tại Nhật trong thời gian lưu học.

Chùa Pháp Bảo tại Sydney nơi có quý Cô Giác Thủy, Giác Trí, Giác Duyên, Giác Anh đang tu học dưới sự hướng dẫn của Hòa Thượng Thích Bảo Lạc cùng với gia đình Đạo hữu Chúc Liêm, Thiện Minh, Diệu Mai, Chúc Hương và còn nhiều đạo hữu khác nữa đã trợ duyên phần ẩm thực cũng như các phương tiện khác để Thầy trò chúng tôi hoàn thành một việc nhỏ trong bao nhiêu việc lớn khác của Tam Bảo. Quả là ơn này nói không bao giờ cùng tận. Cũng hy vọng rằng các vị Tịnh Hạnh Nhơn Chúc Nhận và Chúc Cang được xuất gia trong ngày truyền thừa cũng sẽ tinh tấn hơn trong cuộc đời tăng sĩ của mình.

Lời cuối xin niệm ơn tất cả và xin cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân sinh an lạc.

Viết lời tựa xong ngày 24 tháng 12 năm 2006 tại núi đồi Đa Bảo nhân lần nhập thất thứ 4 tại đây và hôm nay cũng là ngày Kỵ Tổ Chúc Thánh và lễ truyền thừa cho Đại đức Thích Phổ Huân trụ trì chùa Pháp Bảo Sydney đời thứ 44.

Dịch giả Thích Như Điển



[1]Thế danh của Ngài Pháp Nhiên là Phòng Nguyên Không


---o0o---

Vi tính: Hạnh Bổn

Trình bày: Vĩnh Thoại

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]