Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

12. Chuyển Nghiệp

07/04/201720:22(Xem: 3862)
12. Chuyển Nghiệp

THIỀN QUÁN
VỀ SỐNG VÀ CHẾT
Cẩm Nang Hướng Dẫn Thực Hành
The Zen of 
Living and Dying
A Practical and Spiritual Guide

Nguyên tác Anh ngữ:
Đại Sư Philip Kapleau

Việt dịch: 
HT.Thích Như Điển
TT. Thích Nguyên Tạng

Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc
Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu
Ấn Hành 2017



12. CHUYỂN NGHIỆP
Việt dịch:  HT.Thích Như Điển



Ác Nghiệp Có Thể Ngăn Ngừa Được Không?

Mặc dù kết quả là sự thành tựu từ nguyên nhân, chúng ta vẫn có quyền lực để ảnh hưởng đến kết quả đó. Bởi vì trải qua những mắc xích của nguyên nhân chính là tư tưởng tự do của chúng ta. Ví dụ như một kết quả xấu có thể thay đổi để trở thành tốt dựa vào thái độ của chúng ta.

Chúng ta lấy thí dụ của một người bị án tù, kết quả là do hành động trước đó. Tuy nhiên tư tưởng và cách xử sự như thế nào trong tình huống này là hoàn toàn lệ thuộc vào bản thân của người đó. Anh ta có thể thay đổi tâm tánh và trở nên người thừa hành pháp luật, hoặc giống như một kẻ phạm pháp cũ, tự nhắc nhở mình rằng phải cẩn thận hơn nữa để đừng bị bắt trong lần tới. Anh ta cũng có thể biến nhà tù thành trung tâm luyện tập tinh thần bằng cách thực tập thiền định và đọc những cuốn sách hay. Tùy thuộc vào tư cách của anh ta trong thời gian bị giam giữ, sẽ dẫn đến sự thay đổi khác nhau.

Đời sống của Robert Stroud trong “Người chim của Alcatraz” để cho ta thấy về nguyên tắc này. Sau khi sống 54 năm trong tù, ông ta chết ở tuổi 73. Mặc dù ông ta mới học đến lớp 3, nhưng ông ta đã có thể tự học về các đề tài khác nhau như: Thiên văn học, họa học, ngoại ngữ, toán học cũng như luật học. Ngoài ra ông ta cũng có chương trình cải cách nhà tù, học về loài chim và ông ta đã trở thành người chuyên môn nổi tiếng thế giới biết về căn bịnh của những con chim. Dần dần ông ta đã trải qua sự thay đổi cá tính của mình để trở thành một con người dễ thương và có lòng từ bi.

Trong quý vị chắc cũng có người biết về lịch sử của nhà Du Già Milarepa người Tây Tạng. Thời còn trai trẻ Milarepa đã dính líu về những ảo thuật đen, trực tiếp dẫn đến những cái chết của nhiều người. Cuối cùng thì ông ta quyết định cho việc thay đổi cuộc đời của mình và bắt đầu tập luyện dưới sự hướng dẫn của một vị Thầy. Trong thời gian ông ta luyện tập, ông ta đã phải trải qua nhiều sự khắc khổ. Ông ta ăn uống khốn khổ và sống không có áo quần che thân trong hang động trên núi cao. Thầy ông ta đã cho ông ta nhiều cơ hội để xây một căn nhà bằng nhiều tảng đá nặng nề và mỗi một lần nhà được xây xong là ông Thầy xô đổ xuống, bắt phải phá sập và xây trở lại ngôi nhà ở một địa điểm khác. Trong sự khổ nhọc đó Milarepa từng bước từng bước đã có thể trả nghiệp sát hại làm chết nhiều người, và cuối cùng ông ta đã trở thành một nhà thông thái vĩ đại và là một vị Thầy.

Hiện Báo Và Hậu Báo

(Nhân quả cùng lúc và nhân quả cách xa)

Hiện báo và hậu báo của nhân và quả là hai lãnh vực về nghiệp lực. Hãy lấy một thí dụ, tôi tự làm đứt tay trầm trọng và la lớn lên một cách đau đớn. Vết thương, máu chảy cũng như cái đau kia diễn ra cùng một lúc. Sau đó vết thương có thể bị nhiễm trùng và cánh tay của tôi có thể bị sưng lên và cần đến sự quan tâm của bác sĩ. Đây chính là nhân và quả cách xa.

Ngoài ra có một định luận nói về cái nguyên nhân nhỏ và hậu quả lớn. Trong trường hợp này thì thời gian chính là một yếu tố quan trọng: Khoảng cách thời gian giữa nguyên nhân và kết quả càng dài thì kết quả càng to lớn hơn. Ví dụ như việc để dành tiền với số lời cao mà anh dành dụm được và càng để lâu nơi nhà băng thì anh sẽ càng nhận được nhiều tiền lời. Ngược lại nếu anh bị nợ và không trả được số tiền ấy trong một thời gian dài thì nó sẽ gia tăng với lý do tiền lời càng lên. Thiền sư Yasutani đã nói rằng: “Hãy nghĩ về những hành vi tốt của bạn như là sự để dành và những hành vi xấu xa của bạn như là một món nợ”.

Nghiệp Quả Biến Đổi Và Nghiệp Quả Cố Định

Trong thời gian của một kiếp người, mỗi chúng sanh đều có một cái “nghiệp cố định” và “nghiệp biến đổi”. Ngoài những nghiệp biến đổi có một nghiệp cố định được sinh ra bao gồm cả chủng loại, sắc tộc, chủng tánh và một số điều kiện bẩm sinh khác, chẳng hạng thiếu tay chân v.v…  Định nghiệp của chúng ta là kết quả từ những việc làm về trước kết tụ lại trong thời gian sinh ra và nó sẽ tồn tại mãi cho đến khi chết, không thay đổi. Ví dụ khi sinh ra da màu trắng hoặc đen hay người Á châu; hoặc đàn ông hay đàn bà, là cái nghiệp không hề biến đổi. Trong đời sống hằng ngày những điều kiện này sẽ đưa đến sự tái sanh kế tiếp; một lần nữa với sự liên hệ về hành vi của cá nhân đó trong quá khứ.

Nghiệp quả biến đổi là nghiệp quả mà người ta có thể cải biến qua ảnh hưởng của sự cố gắng bởi chính mình. Để ví dụ cho việc này, có thể dùng đề tài về sức khỏe. Một người có thể khi sinh ra đã bị bệnh, nhưng khi để ý chăm sóc sức khỏe thì người đó có thể trở nên mạnh khỏe hơn. Hay một người nào đó khổ sở về một vết thương nặng, làm cho anh ta bị tàn tật. Thế nhưng anh ta cố gắng rất nhiều và vượt lên khỏi cái nghiệp phủ định ấy. Sau đây là câu chuyện làm bằng chứng cho sự việc này:

Một người trẻ bơi cứu hộ tên là Dong Heir đã nhảy vào một hồ tắm để cứu một người đang kêu cứu. Anh ta nhảy vào với một áp lực mạnh, nên đầu của anh đụng vào sàn của hồ tắm, làm gãy cổ và trở thành bại liệt. Người trẻ này rất tự hào về sức mạnh và khả năng trong lãnh vực thể thao của anh ta. Bấy giờ thì anh nằm bất động và về sau trở thành tàn tật vĩnh viễn. Gia đình của anh ta giúp chăm sóc và chính anh cũng đã nỗ lực cố gắng để chóng bình phục. Qua một thời gian cái cổ bị gãy được hồi phục và với sự trợ giúp tích cực của việc vật lý trị liệu, anh ấy đã có thể xử dụng phần trên của thân thể. Tác động bởi thành quả ấy anh ta bắt đầu tập tạ. Tiếp đó anh ta có thể chơi ném tạ và ném lao từ trên xe lăn. Anh đã thắng được huy chương vàng với thành tích đạt kỷ lục về bộ môn ấy dành cho những người khuyết tật trong giải thi đấu; anh ta học đại học và bắt đầu với ngành luật, rồi sống tự lập trong ngôi nhà riêng và tự lái xe đi. Theo phương cách này thì anh ta đã tự thay đổi nghiệp quả của chính mình. Từ một người liệt giường, hoàn toàn bị lệ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác (nghĩa là người bị bại liệt tứ chi), anh ta đã trở thành một huấn luyện viên năng động và chuyên nghiệp, tạo cho mình một cuộc sống tự chủ, không cần đến sự giúp đỡ của người khác. (9)

Định nghiệp và nghiệp biến đổi cũng có thể được nhìn qua một phương diện liên quan đến tuổi thọ. Định nghiệp bởi vì tuổi thọ bị giới hạn bởi một sự kế thừa di truyền, biến đổi vì nó cũng bị chi phối bởi hoàn cảnh chung quanh và thói quen của người đó. Một người dễ thương và trung thực có những hành vi tốt, trong sạch sẽ gặt hái được nhiều lợi lạc cho trạng thái tâm linh mà chính thái độ của anh ta đã tạo thành. Anh ta tự tại và tự tin với những hành vi của mình. Anh ta càng nhân đức chừng nào thì càng thể hiện cái gốc từ bi của mình, và những hành động kia sẽ trở thành bản năng của anh ấy. Mặt khác, một người đoản khí, tàn nhẫn và chẳng trung thực thì sẽ làm cho chính cuộc đời mình và những người khác khó khăn hơn, tạo ra những phẫn nộ và sự bất an. Những việc làm hư bại của anh ta sẽ trở thành thói quen và anh ta sẽ thực hành những điều ấy với tốc độ gia tăng nhiều hơn nữa. Hơn nữa, sự tập trung tư tưởng càng lớn, càng nhiều trong lúc hành động, thì hậu quả của hành động ấy càng kéo dài hơn tiếp tục sau đó. Và cứ như vậy, hành động sẽ ảnh hưởng trạng thái của tâm và ngược lại trạng thái của tâm sẽ quyết định cho mọi hành vi trong cuộc sống.

Tất cả mọi hành vi, dù là việc nguy hại hay tốt đẹp đều bị ảnh hưởng, cố tình hay vô tình hoặc ngẫu nhiên, sớm hoặc muộn đều ảnh hưởng đến những người tạo tác. Mọi sự suy nghĩ, những phát ngôn và những hành vi đều là những hạt giống, chỉ cần chờ những điều kiện thích hợp thì nó sẽ trổ quả như một sự kiện hoặc hoàn cảnh nào đó. Cái kết quả ấy có thể thành thục tức thời hoặc trễ hơn, ở một thời gian sau trong cuộc sống này; hoặc là trong cuộc sống của những kiếp sau. Ngoài ra ở giữa chuỗi nguyên nhân và kết quả đó, còn có thêm những cái nhân khác thêm vào và có thể ảnh hưởng cũng như thay đổi về kết quả của cái nhân khởi nguyên kia. Chúng ta chẳng hề biết trước được rằng: Một nghiệp riêng biệt tương ưng khi nào sẽ trổ quả. Đây là một quá trình liên tục, tùy theo sự phản ứng như thế nào đối với hoàn cảnh sẽ quyết định về chất lượng của cuộc sống hiện tại, cũng như cho cả đời sống tương lai của chúng ta.

Đạo đức, trí thức và khí chất của mỗi chúng ta khác biệt nhau, lý do vì những hành vi của hiện tại và quá khứ. Như vậy thì “nghiệp” có thể được nhận thấy như năng lực tạo nên sự khác biệt giữa cá thể đơn độc - sự khác nhau trong tài năng, vị trí và sự quyết tâm, cũng như là trong hình thể, màu sắc, hình tướng và thậm chí cả quan điểm của cuộc sống. Bất kể là thời gian, không gian hoặc những người có liên quan, thăng trầm của đời sống con người đều bị ảnh hưởng và chi phối bởi quy luật này.

Vượt Qua Nghiệp Báo

Nghiệp báo quyết định và giới hạn. Một điều đơn giản khi ta đang có được thân và tâm này đã là hạn định của nghiệp. Chúng ta chỉ cần đề cập đến những khả năng về thân thể của một loài thú nào đó thì sẽ thấy rõ sự giới hạn của chúng ta về phương diện này như thế nào. Chẳng có một người nào đạt được độ nhanh hay sự kiên nhẫn như con ngựa hoặc con beo. Như khả năng leo trèo của một con khỉ thì chẳng có người nào có thể làm được. Khả năng ngửi mùi của một con chó được cho rằng gấp cả 100 lần so với con người. Mỗi sinh vật là kết quả do nghiệp lực đưa đến những gì nó đang là.

Những gì mà chúng ta tìm cầu, cố ý hoặc vô ý, là cách thoát ra khỏi sự giới hạn và những lệ thuộc của mắt xích nhân quả đang áp đặt trên mình. Làm sao chúng ta có thể đạt được sự giải thoát này? Thoáng nhìn một công án đơn thuần sau đây sẽ cho chúng ta biết:

Một người học trò hỏi một vị Thầy rằng: “Khi cơn lạnh và nóng đến, chúng ta có thể trốn thoát chúng bằng cách nào?”

Vị Thầy: “Tại sao con không đi đến chỗ nào không lạnh cũng chẳng nóng?”

Học trò: “Nơi nào là nơi chẳng lạnh, cũng chẳng nóng?”

Vị Thầy: “Vào mùa Đông, con hãy để cái lạnh ấy giết con. Vào mùa Hè thì con hãy để cái nóng ấy giết con!”

Vị Thầy xử dụng việc nóng và lạnh ở đây chính là một ẩn dụ cho sanh, lão, bệnh và tử - những mốc chốt của nghiệp lực ở trong đời sống của tất cả chúng ta. Những mốc chốt này ở khắp mọi nơi. Để nhấn mạnh điểm này, vị Thầy hỏi rằng: “Tại sao con không đến đó, nơi chẳng có lạnh lẫn chẳng có nóng?” Vị Thầy chỉ cho người đệ tử một con đường. Thế nhưng người học trò vẫn không hiểu và bổ sung thêm chỗ sai trái tiếp theo ấy. “Nơi đó là nơi nào?” anh ta đã hỏi và vị Thầy lại trả lời rằng: “Mùa Đông thì hãy để cái lạnh giết con và mùa Hè thì hãy để cái nóng giết con”.

Nói một cách khác, nếu lạnh hãy đừng mong rằng con đang phơi nắng ở trên bãi biển mùa Hè, hãy đối diện với cái lạnh ấy. Nếu trời nóng bức, đừng có phí thời gian để mơ có một cơn gió mát, hãy chấp nhận hoàn toàn cái nóng ấy thì con sẽ vượt qua khỏi nó.

Đau đớn, bệnh tật, già cả và chết chóc đều có thể vượt qua được nếu chúng ta không chạy trốn chúng, mà ngược lại phải đối diện với chúng bằng tâm thức dũng mãnh, như vị Thầy đã dạy. Chúng ta thường dao động khi gặp một điều gì bối rối trong đời sống, ngần ngại để đối diện với nó. Điều này cũng giống như sự trầm mình trong một cơn tắm lạnh vào mùa Đông. Nếu bạn nghĩ rằng: “Chắc sẽ lạnh lắm!” thì trong tâm thức sẽ chuẩn bị ứng phó với cái lạnh ấy. Bạn sẽ bắt đầu run rẩy ngay cả trước khi cái lạnh chạm vào bạn. Nhưng cũng đừng nghĩ về cơn lạnh ấy hoặc bất cứ vật gì khác. Hãy chạy thẳng vào đứng dưới vòi nước và tự làm cho mình ướt. Ai đang đứng phía ngoài và có thể nói rằng “tôi đang lạnh”? Không có một tình huống nào dù đó là cơn lạnh buốt hay cơn nóng cháy; một tình trạng khó khăn gia đình hoặc là một sự liên hệ riêng tư phức tạp, vị Thầy muốn dạy cho chúng ta rằng: Chúng ta ở trong tình huống nào cũng không để bị phiền não và để tình trạng ấy kéo dài, mà hãy trực tiếp đối diện với những tình huống ấy.

Nếu chúng ta chỉ đối diện bề mặt của mọi tình huống thì chúng nó sẽ không hoàn hảo, chẳng hài lòng, không được toàn diện. Hãy đối diện trực tiếp với vấn đề và mọi việc sẽ trở thành hoàn hảo, đầy đủ và nguyên vẹn.

Thiền Sư đã giải thích như sau:

Mỗi sát na, mỗi sự hiện hữu, chính nó là cái nhân của nó, ngoài ra chẳng có sự tồn tại của một cái tôi hoặc một thế giới nào nữa. Trong trường hợp này một người có được một sự tự do thật sự sẽ là một người sống với sự an lạc trong bất cứ một hoàn cảnh nào xảy ra và cái kết quả mang đến. Dù cho tình huống thuận lợi hay không thuận lợi, anh ta sẽ sống hoàn toàn với tình huống tuyệt đối ấy cùng sự hiện hữu của chính mình - điều này có nghĩa là, anh ta tự tạo cho mình cái nhân. Anh ta sẽ không bao giờ phân biệt phải trái về mọi mặt của những tình huống. Những yếu tố bên ngoài sẽ không làm cho anh ta dao động. Nếu anh ta sống được như vậy thì anh ta chính là ông Thầy của nguyên nhân và kết quả và mọi điều đều được thuận duyên như nó là. Sự bình an của nội tâm được thiết lập nơi đây.(10)

Con đuờng đi ra, chính cũng là con đường đi vào.

Cộng Nghiệp

Hạnh phúc và khổ đau cũng có thể là kết quả của cộng nghiệp, mà mỗi thành viên của nhóm gặt hái từ sự gieo trồng của nhóm từ trước đó. Dù rằng mỗi chúng ta đều có sự hiện hữu riêng biệt nhưng đồng thời chúng ta cũng có sự liên hệ sâu xa với nhau. “Kết quả này đưa đến kết quả kia”. Mọi việc đều liên hệ chặt chẽ với nhau và tất cả mọi vật đều trực thuộc vào nhau. “Theo Phật Giáo thì chẳng có bất cứ một vật gì được sáng tạo đơn lẻ hay cá thể cả. Khẳng định rằng: Mọi vật ở trong vũ trụ này đều lệ thuộc lẫn nhau và tạo ra sự giao hưởng với sự toàn diện của vũ trụ hòa hợp. Nếu thiếu đi một đơn vị, thì vũ trụ sẽ không trọn vẹn; nếu thiếu đi những cái kia thì đơn vị này cũng không thể tồn tại”. (11)

Chúng ta sẽ nhìn thấy nguyên tắc hoạt động trên phương diện xã hội. Muốn được làm cha mẹ thì phải cần có con cái. Trẻ con cần cha mẹ để được sanh cũng như dưỡng dục. Người dân cần sự bảo vệ của cảnh sát; cảnh sát cần đến phương tiện tài chánh của chúng ta cung cấp. Tương tự như vậy, điều này cũng có giá trị cho những nhân viên chữa lửa. Một thành phố lệ thuộc vào tiểu bang cho một số dịch vụ. Tiểu bang lệ thuộc vào sự hợp tác với các tiểu bang khác và của chính phủ liên bang để bảo vệ cho dân chúng trong nhiều phương diện khác nhau. Chính quyền liên bang không thể hoạt động được, nếu không có sự làm việc và sự hỗ trợ của dân chúng. Họ bị lệ thuộc bởi quốc gia của họ để có sự đồng nhất về sự nhận diện nhân hóa cũng như hạnh phúc. Những quốc gia khác cũng vậy, lệ thuộc vào nhau trên nhiều lãnh vực. Với một ý nghĩa sâu xa thì tất cả chúng ta đều cùng chung một chuyến tàu – còn hơn thế nữa – chúng ta đồng thời cũng là cánh tay nối dài với những người khác. Nếu nói về nghiệp lực tất cả chúng ta đều được kết nối bởi một mạch sống bao gồm những trách nhiệm đối với nhau.

Không phải lúc nào cũng dễ dàng để phân biệt giữa cộng nghiệp và biệt nghiệp. Giả dụ như tôi lười chăm lo cho sức khỏe của mình và bị bệnh. Đây chính là nghiệp riêng và cũng chẳng có ai có thể thay thế cho bệnh tình của tôi cả. Thuốc đắng phải tự tôi uống lấy. Tuy nhiên cộng nghiệp sẽ bắt đầu tác động; nếu trường hợp bị bệnh nặng, có thể cần đến việc giải phẫu. Do đó gia đình và bạn bè của tôi sẽ liên quan đến vấn đề tài chánh cũng như tâm lý. Là một hành khách trên chuyến bay hay trên xe hơi bị tai nạn- Đây chính là cộng nghiệp. Nhưng nếu trường hợp có một hành khách bị chết, còn những người khác chỉ bị thương và có những người còn lại vẫn bình thường, chẳng hề hấn gì - Đây chính là những biệt nghiệp. (12)

Cộng nghiệp không phải chỉ ảnh hưởng đến với cá nhân, mà còn cho nhiều người khác nữa. Có nghĩa rằng: Cộng nghiệp cũng có thể trở thành biệt nghiệp và trong ý nghĩa này chúng ta thường không thể nói rằng: Nghiệp là khẳng định về biệt nghiệp hay cộng nghiệp. Chúng nó ảnh hưởng và liên kết với nhau. Hãy nghĩ về Hitler: Biệt nghiệp riêng của ông ta, để trở thành một kẻ sát nhân hàng loạt. Thế nhưng điều ấy cũng là cộng nghiệp của quốc gia Đức quyết định chọn sự lãnh đạo của ông ta. Một ví dụ khác về sự chìm tàu Titanic. Đây là nghiệp riêng của người thuyền trưởng đã tự chọn cho mình việc vô ý về những cảnh báo có núi băng mà vẫn tiếp tục lộ trình. Nhưng đó cũng là cộng nghiệp của mọi người trên cùng chiếc thuyền, có sự hiện diện của thuyền trưởng đã cùng đi trên chiếc thuyền đó.

Chúng ta không thể dự báo được về cộng nghiệp như một vài trường hợp mà chúng ta có thể nói về biệt nghiệp. Tuy nhiên chúng ta có thể nhìn về những khuynh hướng. Nếu một cá nhân một quốc gia hay một đoàn thể bám víu vào sự thực hành một chủ trương hoặc những thói quen có tính cách hủy hoại, thì họ sẽ bị ràng buộc rơi vào những tình huống khổ đau. Chúng ta nối kết với nhau thành một khối. Cộng đồng cộng nghiệp của những nhóm mà chúng ta liên hệ với nhau là một phần của chúng ta, cũng là một phần của họ. Chúng ta cũng có thể chọn cho mình để trải rộng ra sự hòa bình hoặc là sự phẫn nộ.

Cộng nghiệp luôn luôn hoạt động, nhưng nó hoạt động trên một phạm trù rộng hơn của biệt nghiệp. Ở đây có hai cách thức hoạt động. Một là chúng ta thường chẳng rõ biết về cộng nghiệp, nó giống như là một bức tranh lớn, mà sự tác động của nó không được thấy rõ ràng cho đến khi được nhìn từ phía xa. Hai là khi cộng nghiệp hoạt động như một sự kiện chung, thì chúng sẽ ở một mức độ khổng lồ và có lực hủy hoại lớn, bởi vì nó liên quan đến rất nhiều người.

Chúng ta cũng có thể phân biệt giữa sự kiện cộng nghiệp và biệt nghiệp. Trường hợp đầu là một loại liên hệ với sự kiện, như việc chìm tàu Titanic, chiến tranh Việt Nam, hoặc giả tai nạn xe hơi. Trong trường hợp thứ hai là hoạt động của nền tảng căn bản giữa nhân và quả, ảnh hưởng tới một nhóm tập thể như hoàn cảnh, địa phương, chủng tộc, tín điều hay một nhóm chủng tộc.

Nghiệp Cha Mẹ Và Con

Trên bình diện thâm sâu, cộng nghiệp liên quan đến cha mẹ và con cái, thâm sâu hơn giữa anh chị em với nhau. Sự chấp nhận của cộng nghiệp lẫn nhau giữa cha mẹ và con cái có một tác động sâu xa. Chẳng có đứa trẻ nào nếu tin tưởng về giá trị của nghiệp nhân quả và chấp nhận điều ấy có một ngày đột nhiên chỉ mặt người cha mẹ giận dữ nói rằng: “Hãy đừng đổ thừa cho tôi! Tôi đã chẳng yêu cầu để được sanh ra”. Đúng ra, anh ta phải biết rằng: Tất cả chúng ta đều yêu cầu để được sanh ra đời và đã được sanh bởi cha mẹ, người mà chúng ta đi tìm kiếm, bởi vì cái duyên cố nghiệp lực trước khi thụ thai. Anh ta hoặc cô ta phải rõ biết rằng nguyên nhân đầu tiên để cho sự hiện hữu tiếp tục là sự bám vào một ý niệm là có một sự hiện hữu riêng biệt cá nhân và sự ham muốn để được tái sanh. Sự hợp nhất của cha và mẹ là nguyên nhân thứ hai, hoặc là cái nhân phụ của sự tái sanh. (13) Cũng như vậy, không một cha mẹ nào tin và chấp nhận định luật của nhân quả có thể than thở cho rằng: “Chúng tôi thực chẳng hiểu tại sao bất cứ đứa nào trong đàn con của chúng tôi có thể làm được điều như vậy”. Họ đều rõ rằng con trai và con gái của họ đều có những nghiệp riêng, và năng lực của những tập quán hay những khuynh hướng lâu đời của chúng là hoàn toàn độc lập với sự kế thừa những phẩm chất của tinh thần và thể chất.

Mặc dù tuổi dậy thì là thời gian mà con trai và con gái luôn tìm cách thoát ra khỏi ảnh hưởng của cha mẹ, đồng thời cha mẹ cũng cố gắng kiểm soát chúng một cách tinh tế. Nhưng một đứa trẻ nếu hiểu được sự liên hệ sâu sắc về nghiệp giữa cha mẹ và con cái, thì sẽ chẳng bao giờ tự tách mình ra khỏi cha mẹ, có thể ngoại trừ trong những trường hợp mà nó bị cha mẹ lạm dụng thể xác và tinh thần. Sự nhận thức này có thể giảm bớt cho cha mẹ và con cái nhiều điều rắc rối khi chúng bước vào tuổi dậy thì. Cha mẹ sẽ thừa nhận rằng họ không thể đổ lỗi cho con cái của họ qua sự khổ nhọc trong thời gian chăm sóc, trong khi đứa trẻ thì nhận thức rằng: Cái thói quen áp chế của cha mẹ sản sinh ra từ chuỗi nghiệp nhân của những đời trước. Cả hai bên đều biết rằng sự tôn trọng hỗ tương với nhau và tình thương trong sự liên hệ giữa cha con, cũng như mọi liên hệ khác, phát sanh từ sự khổ đau cũng như hạnh phúc.

Mặc dù chúng ta vẫn thường hay nói đến nghiệp “tốt” và nghiệp “xấu”, nhưng danh từ nghiệp thường được dùng để diễn tả việc xấu nhiều hơn. Thí dụ như những hành động ích kỷ, thường được gọi là “nguyên nhân của nghiệp”. Chữ “nghiệp” trong những năm gần đây được xử dụng rộng rãi ở Tây phương; một vài cách xử dụng mới cũng được phát sanh. Trong những danh từ được xử dụng đó có danh từ “nghiệp nặng”, thường mang ý nghĩa là một món nợ lớn phải trả, xuất phát từ ý nghĩ và những hành động tạo ra khổ đau trong đời này cũng như đời sống trước đó. Chữ “nghiệp” cũng là sự ngụ ý một xu hướng bất thiện trong tâm thức mọc lên từ những hành động ích kỷ tích tụ lâu dài. Chúng ta cũng có thể nói về “nghiệp đối với một cá nhân”, diễn đạt một sự hấp dẫn hoặc oán hận do kết quả của sự liên hệ mạnh mẽ từ đời trước. Chúng ta cũng có thể nghe cách xử dụng hay nói rằng “nếu thuận theo nghiệp, tôi sẽ gặp anh trong tháng tới”, có nghĩa là nếu cái nghiệp của tôi cho phép: Tôi sẽ sống ít nhất cho đến tháng tới và đến lần gặp mặt tới, thì lúc ấy chúng ta sẽ gặp nhau.

Điều tất nhiên trong một vài nhóm người ngày nay, “nghiệp” sẽ trở thành là danh từ tiêu biểu, để giải thích cho một những sự kiện không bình thường đã xảy ra. Ngay cả ở Nhật có tiếng là một nước Phật Giáo, chữ ấy cũng được xử dụng một cách bừa bãi. Để chứng minh cho điều này có một câu chuyện: “Đứa học trò trung học đưa tấm giấy thành tích biểu cho cha nó. Người cha nhìn những kết quả thi một cách cẩn thận và ông ta rất ngạc nhiên thấy toàn những điểm xấu. Ông ta lớn tiếng hỏi: “Tại sao điểm của con xấu như vậy?” Đứa trẻ trả lời với cánh tay vung lên: “Chắc nghiệp của con là vậy đó Ba!”. Thế là ông bố tát vào mặt đứa bé. Đứa trẻ phản đối: “Tại sao Ba đánh con?”, “Bởi vì đó là nghiệp của Ba!”, người cha liền trả lời như vậy.”

“Nghiệp quả” được dùng để biểu hiện cho sự liên hệ hoặc kết thúc của những sự kiện. Thí dụ như một công việc hay sự liên hệ một mối tình mà người ta không còn thích thú nữa. Nhưng thường xuyên khi ai đó thông báo rằng, cái nghiệp của họ với một người nào đó đã chấm dứt, đó là một cách né tránh tồi tệ đối với những việc mà họ không ưa thích. Đúng ra “nghiệp“ không thể xử dụng như là sự biện minh cho lý do tại sao làm hay chẳng làm một điều gì. Nó chỉ có thể được dùng để giải thích lý do của một sự việc gì đó đã xảy ra.

Giảm Nhẹ Nghiệp Báo

Sự chuyển động của nghiệp rất là phức tạp và thường thì không theo một căn bản nào. Lấy một ví dụ như một đứa bé bị tai nạn xe hơi và chết ngay tại chỗ. Trong nỗi đau và sự tuyệt vọng, cha mẹ phản đối. “Tại sao việc này xảy ra với con của tôi? Nó là đứa bé độ lượng, dễ thương, không có gì là tệ hại cả. Tại sao đứa con gái đó lại phải chết trẻ như vậy và quá tàn nhẫn trong khi những đứa bé khác với cuộc sống ích kỷ và bạo lực hơn mà được chết trên giường với tuổi thọ. Đâu là sự công bình?” Nếu trước đây họ tin tưởng vào điềm lành nơi Chúa và bây giờ thì họ cảm thấy đắng cay lẫn giận dữ. Họ tự hỏi rằng: “Tại sao một vị Chúa đầy tình thương và công bằng lại cho phép điều này xảy ra?”

Ngay cả những người chấp nhận về nghiệp quả, cũng thường đặt ra những câu hỏi tương tự khi gặp những thảm họa như vậy. Nhưng nếu tư duy sâu sắc hơn họ sẽ nhận thấy rằng: Câu hỏi ở nơi đây không phải là “Tại sao?” mà là “Như thế nào?”, “Làm sao tôi có thể gánh chịu cái nghiệp đã đến trong thời điểm này và không phát sinh thêm nữa trong tương lai?” Con đường hay nhất là nên chấp nhận tình trạng ấy và xử dụng nó như là một cơ hội để trả lại cái nghiệp đã tạo. Đây không có nghĩa là thụ động chấp nhận bất cứ những điều không may mắn nào đến với mình, khi bạn có thể thay đổi tình huống ấy. Khi chấp nhận những việc đã xảy ra thì sẽ làm bớt đi nỗi đau và giảm bớt những gánh nặng về nghiệp. Hơn thế nữa, không có một sự tồn tại nào của sự sân hận hoặc là thất vọng cay đắng. Trong những gia đình có con nhỏ qua đời, cha mẹ nếu biết nghĩ đến sự cảm nhận về hạnh phúc và tình thương mà đứa con đã đem đến cho gia đình, họ sẽ tìm được một sự an ủi cho sự mất mát to lớn đó. Ở đây cũng vậy, thái độ của chúng ta làm ảnh hưởng đến những nghiệp của chính mình.

Nếu có một người thật sự hiểu được rằng: Những sự kiện đau khổ trong cuộc sống của anh ta là cái quả mà chính mình đã gieo nhân, anh ta sẽ hiểu và nói rằng: “Tôi chẳng biết tại sao việc này lại xảy ra như vậy, nhưng khi đã xảy ra rồi, thì chính tôi đã giúp tạo ra như vậy”. Điều này không tương tự khi nói rằng: “Kinh nghiệm này và những kinh nghiệm khác xảy đến với tôi, bởi vì tôi cần phải phát triển thêm những đặc tính này đặc tính khác” - Ví dụ gia tăng lòng từ bi.

Trong bối cảnh nhận thức rõ ràng về nghiệp lực, sự đau khổ sẽ được công nhận như là một kết quả mà chính chúng ta đã tạo ra nó. Cuối cùng chúng ta tạo lập sự tin tưởng và thừa nhận rằng tất cả những gì đã xảy ra cho chúng ta căn bản là kết quả của những hành động của chính mình. Chúng ta có thể tự cho rằng những gì mình đón nhận là không đúng. Thế nhưng thật ra thì chẳng có gì là sai cả, mà chúng ta chỉ sống đơn giản tương đương với cái nghiệp của chúng ta từ trước đó và bây giờ. Để thừa nhận một cách sâu xa việc này là bài học được dạy bởi chính cuộc đời, chứ không phải là tìm cách vượt qua nó. Khi chấp nhận được điều này và sự mặc nhiên thừa nhận trong những kết quả về hành động của chúng ta, thì chúng ta bắt đầu giảm thiểu được gánh nặng của nghiệp và cái kết quả khổ não sản sinh từ nguyên nhân ấy.

Có lần một người mẹ có con ở trong tù vì tội buôn bán thuốc phiện đã kể với tôi rằng: “Tôi đã làm gì để nhận lãnh việc này? Tại sao lại là tôi?” Một người bạn bác sĩ hiện diện trong một buổi thảo luận về nghiệp mà tôi đã nói liên quan về sự kiện trên nói rằng: “Khi bất cứ điều gì đau đớn  xảy ra với tôi, tôi tự hỏi rằng, tôi đã làm gì để bị như vậy? Câu trả lời sẽ là: Rất nhiều!”. Đây phải là câu trả lời của tất cả chúng ta, nếu chúng ta thật lòng với chính mình, vì thật ra trong chúng ta chẳng có ai là không có lỗi khi đặt đến câu hỏi này. Nhưng cảm giác của tội lỗi ấy có thể quay ngược lại trở thành một điều tích cực qua sự tư duy. “Nguyên nhân gì, sự kiện nào đã mang chúng ta đến cái kết quả khổ đau ấy? Bằng cách nào những hành động cá nhân của tôi lại dẫn đến kết quả đó?” Những cách tự vấn như vậy có thể dẫn tới bộc lộ và sau đó, trị liệu được. Cuộc đời không tồn tại trong một khoảng không. Chúng ta càng hiểu nhiều về sự kết nối trong cuộc sống thì chúng ta càng hiểu hơn về nguyên nhân của hành động và những kết quả về thái độ của chính mình. Cuối cùng thì mọi người cũng như chúng ta sẽ là những người gặt hái được những sự lợi lạc.

Khi Người Khác Sai Lầm, Mình cũng Sai Lầm

Tôi nghĩ rằng rất khó tìm ra một nguyên tắc đạo đức căn bản cao hơn sự phát biểu của Đệ Lục Tổ Thiền Tông khi Ngài bảo rằng: “Khi người khác sai, thì tôi cũng sai và khi tôi bắt đầu đi vào chỗ lầm lỗi, có nghĩa là một mình tôi phải chịu cái lỗi ấy”. Cảm nhận sâu sắc về trách nhiệm cá nhân như vậy chỉ có thể xuất phát từ một người đã tin và hiểu sâu sắc luật nhân quả. Một người như vậy, sẽ hiểu rõ mạng lưới quan hệ giữa mọi vật trong cuộc sống bao la và phức tạp đến mức nào. Vì vậy, theo giác quan vũ trụ, chúng ta không thể nói rằng chúng ta không chịu trách nhiệm về những gì xảy ra ở bất cứ một nơi nào, chưa kể những ảnh hưởng trong đời sống bản thân cũng như của những người khác do sự suy nghĩ, lời nói và những hành động của chúng ta.

Có lần có một người yêu cầu tôi giúp anh ta giải quyết cho cơn giận đối với người bạn gái cũ. Tôi hỏi anh ta: “Đã làm gì đưa đến kết quả như vậy?” anh ta trả lời: “Tôi đã hướng những sự suy nghĩ yêu thương về cô ta”, tôi đề nghị với anh ta rằng: “Anh nên bắt đầu đọc những lời sám hối và hướng những cảm nhận hối hận đó về cô ta”, Anh ta đã ngạc nhiên phản đối lại: “Tại sao tôi phải xin lỗi cô ta?” Anh ta khẳng định: “Cô ta chính là người làm cho tôi bị tổn thương!”. Thế nhưng, tôi bảo với anh rằng: “Sự thật là khi anh cảm nhận được sự đau đớn có nghĩa rằng anh đã làm cái gì đó để nhận được nó, và cũng chẳng có hoài nghi nào về việc anh cũng đã làm tổn thương cô ấy. Cả hai người đều có trách nhiệm bằng nhau trong tình cảnh này.”

Chúng ta giải thích như thế nào khi nhiều người không sẵn sàng suy nghĩ về những việc làm tổn thương của họ trong quá khứ, điều mà họ đã mang đến cái nhân đau đớn và khổ đau cho những người khác và những sự thất bại của họ để thấy rõ được những sự rối rắm của họ làm ảnh hưởng đến cuộc đời của họ và cho cả những người khác nữa. Điều gì đã làm cho chúng ta chống đối mãnh liệt về một sự điều tra kỹ lưỡng không sợ hãi về đạo đức của chính mình. Theo cái nhìn của văn sĩ J. Glenn Gray, ông ta tin rằng: Thái độ này là quá trình phát triển của ngành tâm lý hiện đại và sự chi phối của những triết học tự nhiên. “Người mà có khuynh hướng cho rằng cảm giác tội lỗi là một sự chướng ngại trên con đường phát triển tràn đầy của một cá thể và để đưa đến sự xác định về thành tích trong cuộc sống”. (14)

Điều tệ hại hơn, con người có xu hướng xử dụng những khái niệm như vậy để bào chữa cho những hành động thiếu văn hóa trong xã hội. Chúng ta đổ lỗi cho cha mẹ việc thiếu trách nhiệm dạy dỗ, hoặc quá nghiêm khắc hoặc quá dễ dãi, và những người vi phạm lại không phải chịu trách nhiệm gì. Hoặc là chúng ta cũng cho rằng lỗi ấy nằm ở phía xã hội chứ chẳng phải ở những tội phạm. Những cá nhân ấy được tháo gỡ khỏi trách nhiệm về những việc làm sai quấy của mình trong quá khứ và không có nhiệm vụ để cải thiện tánh tình của họ. Người ta không nhìn thấy được sự thật là trong mỗi bước đi trên con đường đời họ đều có sự chọn lựa hoặc đi theo con đường ngay thẳng và đạo đức hay là tự rời bỏ nó.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31/07/2012(Xem: 3005)
To live life fully and die serenely--surely we all share these goals, so inextricably entwined. Yet a spiritual dimension is too often lacking in the attitudes, circumstances, and rites of death in modern society. Kapleau explores the subject of death and dying on a deeply personal level, interweaving the writings of Western religions with insights from his own Zen practice, and offers practical advice for the dying and their families.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]