Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. Người hấp hối và sự chết

08/02/201707:49(Xem: 4653)
4. Người hấp hối và sự chết


THIỀN QUÁN
VỀ SỐNG VÀ CHẾT
Cẩm Nang Hướng Dẫn Thực Hành
The Zen of
Living and Dying
A Practical and Spiritual Guide

Nguyên tác Anh ngữ:
Đại Sư Philip Kapleau

Việt dịch:
HT.Thích Như Điển
TT. Thích Nguyên Tạng


Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc
Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu
Ấn Hành 2017



Phần hai: CHẾT
Việt dịch: 
TT. Thích Nguyên Tạng
 
Tiểu mục
4. Người hấp hối và sự chết 
- Tiến trình chết
- Chết hằng ngày
- Chúng ta chết như đã sống
- Sống sót và tiếng nói của nội tâm
- Có nên cố gắng chống lại sự chết hay không?
- Cái chết tốt đẹp
- Hai lối chết


 

Người ta phải học đủ thứ, kể cả học cách chết
*Gertryde Stein

 

Học cách chết thì sẽ sống
Vì sẽ không có ai học cách sống
mà không học cách chết.

 *Sách về nghệ thuật chết

Vì chết đã trở thành thời thượng
Không có đời sống của ai được an toàn nữa.

*Tục ngữ Do Thái

 

 

 
philipPhilip Kapleau

Người hấp hối và cái chết



Tiến trình chết


Trong một góc tối của tâm trí của mỗi người chúng ta, phát ra một tiếng nói "Mình sẽ chết. Một ngày nào đó mình sẽ chết" ( I am going to die. One day I am going to die).

Chúng ta thường không muốn đi tới góc tối đó. Chúng ta hiếm khi chịu nghe tiếng nói đó. Có những khi nó nói rất rõ và mạnh mẽ rằng chúng ta phải nghe nó. Khi có bệnh, khi vừa thoát một cơn nguy hiểm, khi có một người quen bị chết, chúng ta nghe thấy nó nói với mình. Chúng ta thường nghe thấy nó hơn khi lớn tuổi, khi cơ thể suy yếu, khi có thêm kinh nghiệm về sự chết. Có khi tiếng nói đó kêu lớn, lay động chúng ta không thương sót. Khi chúng ta có người thân qua đời, tiếng nói đó nói với chúng ta rằng cuộc đời biến đổi và không có sự trở lại.

 

Tiếng nói đó nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta có sống, có chết. Chúng ta có phản ứng gì với tiếng nói này, hay chúng ta cố cản trở nó, những điều này sẽ quyết định lối sống của chúng ta.

 

Nếu muốn mình sẽ chết với một mức độ an lạc nào đó, chúng ta sẽ phải hiểu một chút là ai chết hay cái gì chết. Đa số người ta tin rằng mình là thể xác và tâm trí, một cái ta, tự ngã, linh hồn, có tên là Tom hay là Mary. Nhưng thể xác chỉ là một tên gọi của một tập hợp những thành phần luôn biến đổi, và "tâm trí" là một tên gọi của một loạt những ý nghĩ, tình cảm. Không suy nghĩ gì nhiều, chúng ta tin rằng cái tập hợp tâm lý thể xác được gọi là Tom hay Mary là con người thật. Nhưng điều này chỉ đúng theo nghĩa quy ước, hay lý thường tình. Thật ra thì:

"Không có người làm hành động, chỉ có hành động
Không có người kinh nghiệm, chỉ có kinh nghiệm đời sống
Chỉ có những thành phần là tiếp tục vận hành".

Mọi thứ thuộc tâm trí hay vật chất đều ở trong trạng thái biến đổi, không có gì lâu bền hay bất động. Nếu suy nghĩ kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng không có người chết, chỉ có tiến trình chết. Giống như chuyển động là một tiến trình, đi bộ là một tiến trình, chết cũng là một tiến trình. Bằng cách không đồng hóa chơn ngã (true-self) với hành động của mình, chúng ta có thể nắm được sự thật là tất cả đời sống chỉ là một tiến trình.

Nhiều người biết câu nói của Woody Allen: "Tôi không phiền lòng với sự chết. Tôi chỉ không muốn có ở đó khi nó xảy ra mà thôi" (I don't mind dying. I just don't want to be there when it happen). Những lời này không chỉ khôi hài mà ở bên trong còn chứa đựng một sự thật sâu xa. Nếu "không muốn ở đó" khi chết, chúng ta hãy học cách hòa nhập với sự chết, để chúng ta "biến mất" hay "mất", vượt lên trên thể xác và tâm trí. Hãy bỏ ý tưởng phân biệt sự chết với cái chết, phân biệt tự ngã  với người khác, và phân biệt những cặp đối nghịch tương tự. Như vậy thì còn lại ai để nói hay nghĩ: "Mình đang chết". Và như vậy không có sự bám giữ vào đời sống, không có sự kêu ca chống lại sự chết.

Sự hòa nhập với cái chết là một trạng thái thiền, và có thể có hàng ngày. Ví dụ chúng ta ở trong một phòng triển lãm hội họa, nơi có một số bức tranh giá trị. Chúng ta nhìn quanh và bỗng bị thu hút bởi một bức tranh. Chúng ta ngắm trọn bức tranh và bị nó lôi cuốn. Tâm trí của chúng ta bắt đầu phân tích bức tranh: "Màu sắc phong phú, đường nét hấp dẫn, bố cục vững chắc", đó là hoạt động của trí phân tích của chúng ta. Nhưng chúng ta chưa hòa nhập với bức tranh. Chúng ta ngắm bức tranh sâu thêm, và quên mình ở trong đó. Bức tranh nuốt chúng ta. Thời gian và không gian biến mất. Trước đó chúng ta là chủ đề phân cách với bức tranh đối tượng, bây giờ chúng ta là chủ thể phân cách với bức tranh đối tượng, bây giờ chúng ta không còn là mình nữa, mà tâm trí và thể xác đã hòa nhập với bức tranh, đã đi vào tâm của bức tranh, và đây là một trạng thái không thể mô tả được. Nước mắt trào ra mà chúng ta không biết. Chúng ta và bức tranh là một.

 

Trạng thái hoàn toàn hòa nhập này, hay trạng thái "nhập định" (Samadhi) trong ngôn ngữ Phật Giáo, là một trạng thái hiện hữu mà ở trong đó người ta không còn ý thức mình là chủ thể phân cách với những đối tượng như người khác, vật khác hay những hoạt động. Đây là trạng thái chú tâm sâu xa mà vô công, không có sự ra sức, một trạng thái ý thức được nâng cao và mở rộng. Trạng thái định có giới hạn, hay định tích cực, là sự hợp nhất một phần với một đối tượng hay một hành động nào đó.

Có những mức độ nhập định khác nhau. Khi chúng ta hòa nhập vào hành động ngắm một cảnh hoàng hôn đẹp tuyệt thì đó là định tích cực. Chúng ta bắt đầu với một đối tượng và rồi vượt lên trên nó. Định tuyệt đối thì không có đối tượng. Vì không có ý thức chủ thể đối tượng để bắt đầu nên trạng thái không có trong liên hệ với một vật nào cả. Lực chú tâm được gây dựng qua những pháp Thiền không đối tượng hay không đề mục, làm cho hành giả có đạt được trạng thái định tuyệt đối (đại định). Nhưng khi nhập vào trạng thái này, hành giả không có sự tự ý thức là mình đang ở trong trạng thái định. Những trạng thái định tuyệt đối thì kéo dài hơn và sâu hơn những trạng thái định tích cực. Trong định tích cực, hành giả thường chứng nghiệm cảm giác hỷ lạc, còn trong định tuyệt đối thì không có ý nghĩ hay cảm giác nào xuất hiện. Sự "không có ý nghĩ" này không phải là trạng thái vô cảm hay xuất thần theo nghĩa không tốt. Ý nghĩ của con người là ý thức trong chuyển động, còn đại định thì là ý thức trong trạng thái tĩnh lặng. Nhìn từ quan điểm tâm trí tuệ thì đại định và giác ngộ có thể được xem là một. Nhưng khi nhìn từ những giai đoạn tu tập phát triển đưa đến tỉnh thức thì đại định và giác ngộ là hai điều khác nhau.

 

Tất cả những cảm giác và cả tri thức nữa đều có thể là phương tiện đạt trạng thái định tích cực. Nghe nhạc, ngắm tranh, chơi thể thao, suy ngẫm về một đề mục, và cả tính dục, tất cả những hoạt động này đều có thể là phương tiện đạt trạng thái định tích cực tạm thời. "Tạm thời" ở đây là một điều quan trọng, vì hành giả có thể nhập định và xuất định tương đối dễ dàng. Chúng ta càng tập chú tâm trong đời sống thì càng dễ đạt đến định tích cực.

 

Chết hàng ngày

 

Sự thật là chúng ta thực sự chứng nghiệm sự chết trong đời sống hàng ngày của mình. Có khi nào bạn bị chối từ bởi một người mà mình rất yêu? Lúc đó phải chăng bạn cảm thấy như một phần của mình đã chết? Và bạn cảm thấy thế nào khi một người rất thân với mình đã qua đời? Phải chăng một phần của bạn chết với người đó? Phải chăng có rất nhiều những chết nhỏ mỗi ngày? Những cái chết hàng ngày này là cái giá mà chúng ta phải trả cho việc gây dựng những mối liên hệ giữa mình và người khác.

 

Những mối liên hệ giữa mỗi người thường bị gián đoạn trong một đời sống, thí dụ như cha mẹ qua đời, cái chết của một người bạn, ly dị, người nhà hay bạn thân chết. Vì chúng ta tự ràng buộc mình vào những sắc tướng nên sự buông bỏ không phải là dễ. Càng bám giữ vào những người hay vật khác, chúng ta càng chứng nghiệm sự đau khổ khi mất họ. Chúng ta sợ và tìm cách tránh những sự biến đổi. Sự biến đổi sanh ra sự lo sợ lớn nhất của mọi người. Người ta nhận thấy rằng gần như tất cả sự trầm cảm chính yếu phát sanh từ những sự biến dịch mới xảy ra, thí dụ như bệnh tật, di chuyển chỗ ở, ly dị, thay đổi việc làm, biến đổi trong sức khỏe, biến đổi về kinh tế. Nhưng trên tất cả vẫn là cái chết. Cái chết là sự biến đổi duy nhất mà chúng ta không thể kiểm soát. Bất cứ lúc nào trong cuộc đời từ khi mới sinh ra cho tới một trăm tuổi, chúng ta cũng có liên quan tới sự mất mát về con người. Nhưng những cái "chết" này cũng đưa tới một đời sống mới, vì nếu chúng ta hòa nhập với sự đau buồn chứ không đứng ở bên ngoài nói, sự đau khổ sẽ bỗng nhiên biến mất, và xuất hiện một ý thức cao, một niềm vui có tính cách giải thoát. Từ những cái chết như vậy xuất hiện sự biết chắc rằng những điều như được và mất, tốt và xấu, không thể xâm nhập vào con người bên trong của chúng ta. Vậy, những cái chết hàng ngày này là những sự tái sinh. Không ai cần phải thắc mắc chết nghĩa là gì, vì mọi người vào lúc này hay lúc khác đã biết về sự chết của mình. Vì đã quen nghĩ tới sự chết với những ý tưởng bi thảm nên chúng ta thường tránh nói tới nó, sợ nó, và coi như nó không xảy ra với mình.

 

Để tái sinh hàng giờ và hàng ngày trong cuộc đời này, chúng ta cần phải chết, tức là cống hiến bản thân cho sự đòi hỏi của mỗi khoảnh khắc, để mình hoàn toàn "biến mất". Những ý nghĩ về quá khứ, hiện tại hay tương lai, về sự sống và sự chết, về thế giới này và cõi sau, đều được vượt qua trong sự phong phú của giây phút hiện tại. Thời gian và vô thời gian hòa vào nhau: Đây là khoảnh khắc vĩnh cửu (Time and timelessness coalesce: This is the moment of eternity). Như vậy mỗi hành động của chúng ta là một việc cho sự sống hoặc lấy nó đi. Nếu làm mỗi hành động với sự hòa nhập trọn vẹn, chúng ta sẽ ban sự sống cho đời sống của mình, còn nếu làm không thành tâm thì sẽ giết chết đời sống.

 

Jacques Lusseyran, một Thủ Lãnh Kháng Chiến Pháp bị mù và sống sót sau khi ở trong trại tập trung của Đức Quốc Xã, nói về cách đạt được mối liên hệ siêu việt như vậy cho sự sống và cái chết:

 

"Những ký ức quá mong manh, quá gần sự sợ hãi, Chúng làm hao mòn sức lực. Chúng tôi phải sống trong hiện tại, mỗi khoảnh khắc phải được hòa nhập cho tất cả những gì ở trong đó để thỏa mãn niềm khao khát đời sống... Đừng tích trữ. Hãy ăn đồ ăn ngay, một cách ham muốn, từng miếng một, cứ như mỗi miếng bánh vụn là tất cả thực phẩm trên thế giới. Khi một tia nắng xuất hiện, hãy mở cửa, hòa nhập với nó tới tận đáy lòng. Đừng bao giờ nghĩ một giờ trước mình đã lạnh và một giờ sau mình sẽ lại lạnh. Cứ thưởng thức nắng ấm.

 

Hãy bám vào giây phút đang đi qua. Ngừng những hoạt động của ký ức và mong cầu. Điều đáng ngạc nhiên là không có sự khổ não nào được đưa ra đối kháng với thái độ này rất lâu. Hãy lấy khỏi sự đau khổ những thứ của nó như ký ức và lo sợ. Đau khổ có thể vẫn còn nhưng nó đã giảm một nửa. Hãy hòa vào mỗi khoảnh khắc cứ như nó là khoảnh khắc độc nhất thực sự hiện hữu. Làm việc và làm việc hết sức".

 

Chúng ta chết vì chúng ta đang sống (we die because we are alive). Sống có nghĩa là sinh và tử. Sáng tạo và hủy diệt, đó là đời sống. Bằng chứng của việc chúng ta đã sống là sự kiện chúng ta đã chết. Chết vào công việc hiện tại (tức là hoàn toàn chìm vào trong đó) dù đang làm việc ở một xưởng máy, chơi thể thao, khiêu vũ, đánh cờ, leo núi hay ca hát, thì một cách mâu thuẫn, điều này đưa tới một cảm giác ý thức cao độ, một trạng thái tột đỉnh mà ở trong đó có cảm giác mạnh mẽ thêm và ý thức thoải mái cộng với một niềm vui sướng.

 

Tất nhiên ở đây chúng ta không nói tới những người đang chịu một căn bệnh đau đớn, kéo dài, với sự sợ hãi và gánh nặng tài chánh lớn mà nó sẽ đặt lên gia đình của họ. Nhưng vấn đề chính yếu vẫn là một cho tất cả mọi người, đó là làm sao để sống trọn vẹn với đời sống khi còn sống và chết một cách thanh thản với cái chết vào lúc chết, không có sự lo sợ hay những cảm xúc khác. Tính chất của cái chết cũng như của sự sống của chúng ta được quy định bởi sự kiện tự ngã có được kiềm chế hay không, nó sản sinh an lạc hay sản sinh đau khổ.

 

Để có một cái chết an lạc, chúng ta phải bắt đầu ngay bây giờ. Bước thứ nhất là bắt đầu thực hành tâm linh. Đừng lầm lẫm lý thuyết với thực hành. Việc tu tập khác với văn chương, tâm lý học, triết học và những thứ tương tự. Việc đọc sách có thể cung cấp một cái địa bàn và một tấm bản đồ, nhưng không thể thay thế cho kinh nghiệm bản thân. Sách tốt là cuốn sách đưa chúng ta tới tọa cụ của hành giả. (The good book is the one that gets you onto the meditation mat or chair).

 

Những ký ức đau đớn, những cảm nghĩ rắc rối và những "việc chưa xong" khác đã trú trong vô thức của chúng ta, sẽ nổi lên hữu thức khi tâm trí trở nên an tĩnh và đã đạt được những mức sâu hơn. Khi tiếp tục hành thiền đều đặn biết tới và có cảnh giác trong những việc làm hàng ngày của mình, những điều phiền phức trong đời sống của chúng ta sẽ tuột đi và rốt cuộc biến mất. Chúng ta cũng sẽ chứng nghiệm sự trong sáng trong đời sống của mình nói chung, và kết quả là vào lúc chết chúng ta sẽ an lạc hơn. Về điều này, một bà ở tuổi trung tuần đã viết cho tôi: "Nếu trong giờ phút cuối cùng tôi có thể nhìn lại cuộc đời của mình và biết rằng mình đã tu tập một cách khó khăn mà chưa đạt giác ngộ trọn vẹn, tôi sẽ vẫn có sự an lạc tâm trí nhiều hơn là khi không cố gắng gì cả".

 

Chúng ta chết như đã sống

 

Vì cách chết phản chiếu cách chúng ta đã sống, một cái chết tốt đẹp là dấu hiệu của một đời sống tốt đẹp. Nhà danh họa người Ý, Leonardo Da Vinci (1452-1519) viết: "Cũng giống một ngày sống tốt mang lại giấc ngủ ngon, một đời sống tốt mang lại cái chết an lạc" (Just as a well spent day brings happy sleep, so a life well used brings happy death). Nhưng nếu sống một đời sống đầy những cảm xúc xấu, hay ích kỷ và ngu xuẩn, cái chết của chúng ta sẽ phiền não và đau đớn. Thay vì tìm cách kéo dài đời sống bằng kỹ thuật y khoa, chúng ta nên phục vụ bản thân và xã hội bằng cách cống hiến cho việc phát triển phẩm tính tâm linh và đạo đức của đời sống nào mình có.

 

Sự đau khổ về tâm trí khi đối diện sự chết đối với một người đã sống một đời sống phiền não và cô lập đã được Tolstoy mô tả một cách sinh động trong cuốn tiểu thuyết cảm động của ông "Cái Chết của Ivan Ilyich" (The Death of Ivan Ilyich). Trong truyện này, Tolstoy diễn tả sự đau khổ về tinh thần không thể chịu nổi của Ilyich trong khi hấp hối, và trong lúc đó Ilyich hiểu rằng chính cái chết thì không đáng sợ, mà cái gây đau đớn lớn nhất chính là lối sống của mình, một đời sống đầy tội lỗi, không phải theo ý nghĩa đạo đức thường được chấp nhận, mà theo tiếng nói nội tâm, cái mà chúng ta có thể gọi là lương tâm. Nói một cách đơn giản, ông ta cảm thấy cuộc đời của mình vô dụng và sai lầm. Và khi gần chết, sự giúp đỡ thực sự độc nhất tới với ông ta trong những khoảnh khắc hiếm hoi đó, khi ông ta nghe theo sự nhắc nhở của tiếng nói nội tâm mình, chứ không nghe theo những ý kiến và những tập quán vốn thường được người đời chấp nhận.

 

Một cách đầy ý nghĩa, nhiều người đã sống sót qua cuộc đàn áp tàn nhẫn và sự mất tự do cùng cực trong những trại lao động khổ sai và những trại tập trung, khẳng định rằng không phải sự tù đày và những khổ cực kia là đáng sợ, mà đó là sự nhớ lại đời sống của mình trước khi bị bắt. Trong cuốn sách nổi tiếng của mình "Quần Đảo Gulag" (The Gulag Archipelago), Solzhenitsyn đã hơn một lần xác nhận rằng sự đau khổ tâm trí lớn nhất khi ông và các bạn tù hồi tưởng những phương diện không lành mạnh của đời sống mình trước khi bị bắt vào trại tập trung, "về những việc làm tội lỗi đối với linh hồn của mình, cũng có nghĩa là tội lỗi đối với người khác nữa" (about sinning with respect to one's own sould, which meant sinning with respect to other people as well).

 

Sống sót và tiếng nói nội tâm

 

Có thể cho thêm vào những trường hợp này một nhóm người khác đã không chết một cách thụ động, mà đã sống sót qua những hoàn cảnh đe dọa mạng sống, vì họ nghe và làm theo tiếng nói nội tâm bí ẩn. Trong số họ là Jacques Lusseyran đã được nói đến ở trên. Khi mới mười chín tuổi ông bị Gestapo, một cảnh sát mật vụ Đức Quốc Xã, bắt đi cùng với năm người khác trong phong trào kháng chiến và bị kết án tử hình" vì những hoạt động âm mưu lật đổ chống lại chính quyền Đức chiếm đóng". Trong 180 ngày bị giam, ông bị thẩm vấn không ngừng. Sau đó, thay vì thi hành án tử hình, một cách không thể giải thích được, Gestapo đưa ông và các bạn tới trại tử thần Buchenwald khét tiếng ở miền Trung nước Đức. Trong cuốn " Và Rồi Có Ánh Sáng" (And There Was Light), Lusseyran viết rằng trong hai ngàn người Pháp bị đưa tới Buchenwald bằng những toa xe lửa chở gia súc vào cuối tháng Giêng năm 1944, chỉ có ba mươi người sống sót, trong đó có ông.


Hình ảnh trại tù Buchenwald:

http://www.holocaustresearchproject.org/othercamps/galleries/buchgal/Buchenwald%20prisoners%20at%20forced%20labor%20doing%20road%20construction.html

 

Điều gì đã làm cho Lusseyran bị mù và không phương tự vệ, sống sót? Điều chính yếu là ông đã không khuất phục sự lo sợ và tuyệt vọng, một sự bất khuất được hỗ trợ bởi niềm tin vào Thượng Đế mà đói lạnh, lao động cưỡng bách hay bệnh tật không thể làm suy giảm:

"Phải chăng tôi đã nói rằng sự chết đã có ở đó? Bệnh tật và đau đớn thì có, nhưng sự chết thì không. Ngược lại, ở đó có sự sống và đó là điều không thể tưởng tượng đã chiếm ngự tôi. Trước đó tôi đã chưa bao giờ sống một cách trọn vẹn như vậy. Có những cái tên mà tôi đã lẩm nhẩm từ đáy sâu của sự ngạc nhiên của mình. Tôi không nói ra thành lời, nhưng đó là những cái tên có âm điệu: Đấng Phú Ban, Thiên Thần Bảo Hộ, Jesus Christ, Thượng Đế. Có một cái còn lại mà tôi có thể làm và không từ chối sự giúp đỡ của Thượng Đế, đó là hơi thở mà Ngài thổi lên tôi. Có một trận chiến mà tôi có thể đánh, mạnh mẽ và tuyệt vời cùng một lúc, đó là không để cho thân xác của mình bị lo sợ chiếm ngự. Vì sự lo sợ thì giết chết, còn niềm vui thì duy trì sự sống. Tôi cũng có thể cố gắng cho người khác thấy cách bám giữ vào sự sống. Tôi có thể chuyển cho họ làn sóng ánh sáng và niềm vui vốn đã phát sinh đầy trong tôi. Từ lúc đó, họ không ăn cắp bánh mì hay súp của tôi nữa. Hàng trăm người tin tưởng, và họ quyết định nói chuyện. Họ nói với tôi bằng tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Ba Lan. Tôi cố hết sức để hiểu tất cả họ. Đó là cách tôi sống, cách tôi tồn tại".

 

Phản ứng của Lusseyran đối với sự tù đày trùng hợp với phản ứng của Solzhenitsyn và các nhà văn Nga nhạy cảm khác, những người đã bị giam trong những trại lao động ở Liên Xô và đã viết những cuốn sách về những gì họ đã trải qua. Một số những cuốn này đã được Mihajlo Mihajlov phân tích và bình luận trong bài báo của ông "Kinh Nghiệm Huyền Bí Trong Trại Lao Động":

 

"Tất cả các tác giả đều nói rằng bắt bớ, tù đày, và trại tập trung, nói ngắn gọn là sự mất tự do, đã tạo ra những kinh nghiệm có ý nghĩa và sâu xa nhất trong cuộc đời họ. Dù trải qua sự đau khổ cùng cực về tinh thần và thể xác trong tù đày, họ cũng kinh nghiệm một niềm hạnh phúc thỏa mãn mà những người bên ngoài bức tường của nhà tù không mơ tới. Những người đã trải qua những nghịch cảnh lớn nhất, đe dọa cả linh hồn lẫn thể xác, đều khẳng định rằng người nào hy sinh linh hồn để cứu thể xác thì sẽ mất cả hai; trong khi đó người nào sẵn sàng hy sinh thể xác để cứu linh hồn thì một thứ quy luật kỳ lạ và bí ẩn sẽ bảo tồn cả linh hồn lẫn thể xác của họ. Kinh nghiệm đời sống đã cho chúng ta thấy rằng, ở bên trong linh hồn con người là một lực dị thường, mạnh hơn tất cả những lực bên ngoài của sự nô lệ hóa và sự chết".

 

Có nên cố gắng chống lại sự chết hay không?

 

Một câu hỏi thường xuất hiện với mọi người đang "vật lộn" với một căn bệnh thời kỳ cuối là: "Mình nên chiến đấu chống lại sự chết hay nên đầu hàng nó?" (Should I fight against death or surrender to it?). Theo những gì tôi được biết thì rốt cuộc vấn đề sẽ được chính các bệnh nhân giải đáp theo một cách tự nhiên. Đúng là vào lúc đầu, người bệnh hoang mang và thường quá lo sợ. Tâm trí của họ đầy những ý nghĩ và cảm xúc đối nghịch nhau. Một mặt là những cảm giác chối bỏ, có lỗi, sợ hãi, u uất, cô đơn, lãnh đạm và thất vọng; mặt khác, đó là sự mong ước vô vọng kéo dài sự sống của mình. Và luôn có sự đau đớn về thể xác cũng như tâm trí. Một số bệnh nhân thời kỳ cuối mà tôi quen biết cảm thấy mình bỏ rơi gia đình của mình, nếu mình không cố gắng chống lại căn bệnh. Những người khác với sự đau đớn kéo dài thường lưỡng lự giữa tranh đấu và chạy trốn, đặc biệt khi sự đau đớn được coi là có liên hệ với những triệu chứng suy thoái, như ăn không ngon, xuống cân, và gia tăng sự tùy thuộc thể xác. Thông điệp của thể xác là rõ ràng: "Nếu không có một phép lạ, sẽ không còn sống bao lâu". Bệnh nhân biết rằng mình sẽ đang đối đầu với sự chết. Nhưng nếu tin rằng cái mà chúng ta gọi lầm là chết, không phải là hố đen của sự tiêu diệt mà chỉ là giai đoạn chuyển tiếp, thì rất có thể người đó sẽ không bám giữ vào sự sống hay đầu hàng sự chết do tuyệt vọng.

 

Cái chết tốt đẹp

 

Lối phản ứng với một căn bệnh gây chết người, hay lối chết tùy thuộc vào tánh nết của mỗi người và những giá trị của họ, nhưng phần lớn tùy thuộc vào niềm tin và ý thức tâm linh của họ. Những phẩm tính này có thể gầy dựng qua tu tập như Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ bảy đã nói: "Để chết một cách an lạc với sự tự tin mình ở trong hào quang trắng của đạo tâm, cần phải sửa soạn bản thân ngay bây giờ. Hãy ghi nhớ những giáo lý sâu xa của kinh sách" (In order to die well, with the joy and confidence of being within the white rays of spiritual awareness, it is essential to begin readying yourself now. Familiarize yourself with the profundities of the scriptures).

 

Ít có người nào trong nền văn hóa Tây Phương, dù là giáo sĩ hay khoa học gia, tin rằng người ta có thể đạt được cái chết tốt đẹp. Nhiều người viết về cách sống đúng, nhưng ít ai viết về cách chết đúng. Đa số chỉ nói về sự mất mát, sự bi thảm, sự đau đớn.

 

Chết một cách đầy nghệ thuật là chết không suy nghĩ gì cả, không ước muốn gì cả, không muốn hiểu gì cả, không bám víu vào cái gì cả - chỉ tan biến đi giống như đám mây trên bầu trời. Để có cái chết đầy nghệ thuật như vậy, chúng ta phải đạt khá nhiều tri thức tâm linh. Chết không nghĩ gì cả có nghĩa là qua các pháp thực hành tu tập, chúng ta đã kiểm soát được những ý nghĩ tán loạn và làm chủ được những cảm xúc của mình. Chết không ước muốn gì cả là đã hiểu rằng, về căn bản mình là một toàn thể trọn vẹn và do đó không thiếu   thứ gì cả. Chết không muốn hiểu gì cả, có nghĩa là chúng ta nhận thấy rằng tất cả mọi vật, kể cả những ý nghĩ, cảm giác và nhận thức của chúng ta đều vô thường, phát sinh tùy thuộc nhân duyên và biến mất cũng tùy theo nhân duyên. Chết không bám víu vào cái gì cả, có nghĩa là đã hiểu rằng không có gì là thực sự của mình, dù là thể xác, tâm trí, hay chính sự sống, và vì vậy sự chết là một sự buông bỏ cái mà chúng ta đã không bao giờ thực sự sở hữu. Khi sắp chết, triết gia huyền học Plotinus (205-270 trước Tây lịch) nói một cách bí ẩn về "cái đó":

 

"Tôi cố gắng lần cuối cùng để đưa trở về
Cái đó vốn thiêng liêng trong tôi
Với cái đó vốn thiêng liêng trong vũ trụ
".

 

Hai lối chết

 

Tôi xin kể về hai người mà tôi quen biết đã chết theo hai lối hoàn toàn khác nhau. Bạn có thể tự rút ra kết luận và đánh giá hai lối chết.

 

Peter (không phải tên thật) là một người gần bốn mươi tuổi với một người vợ đẹp và hai đứa con nhỏ. Anh ta có một đời sống hoạt động, đã đi nhiều nơi, chơi nhiều môn thể thao, và có bạn bè thuộc mọi ngành nghề. Rồi bất ngờ anh ngả bệnh, ung thư xương, đặc biệt tệ hại. Anh được chữa trị bằng phương pháp hóa trị. Lúc đầu anh đáp ứng tốt, nhưng rồi anh lại suy sụp vì vi trùng ung thư ăn sâu vào xương của anh. Anh chỉ nằm ở trên giường, xuống cân nhanh chóng và ăn uống không còn thấy ngon miệng nữa. Vào lúc này người ta dùng một loại thuốc thí nghiệm mới cho anh. Bác sĩ của Peter nói nếu nó hiệu nghiệm và bệnh thuyên giảm, anh có thể cộng thêm sáu tháng hay hơn nữa vào cuộc đời của mình. Lúc đầu loại thuốc mới này có vẻ tốt, vì Peter có thể tập ra khỏi giường đi tới phòng vệ sinh. Nhưng không bao lâu sau đó, sự đau đớn lại xuất hiện và nghiêm trọng tới mức anh phải dùng những loại thuốc giảm đau mỗi lúc mỗi mạnh hơn.

 

Peter quyết định đánh lại căn bệnh của mình với cả hai nắm đấm. Anh không chấp nhận lời phán quyết căn bệnh sẽ làm cho anh chết sớm. Anh đã có nhiều thứ để sống: Hai đứa con nhỏ mà anh yêu thương và chúng cũng cần anh nhiều như anh cần chúng. Nhưng loại thuốc mới không làm giảm sự đau đớn mà cũng không làm cho anh khỏe hơn, và một số chuyên gia về ung thư đã được tham khảo ý kiến. Họ đề nghị một thuốc thí nghiệm khác. Khi loại thuốc này không mang lại sự giảm bệnh lâu dài, Peter rơi vào sự trầm cảm sâu. Anh thường than thở: "Tôi có làm gì độc ác đâu để phải chịu sự đau khổ kinh khủng như vậy" (Have I led such an evil life that I deserve this terible pain and suffering?). Nhưng Peter vẫn tranh đấu. Anh được dùng thêm thuốc, và với mỗi phương thuốc mới, hy vọng của anh lại vươn cao. Nhưng vợ và các bạn của anh thương cảm vì sự đau khổ đó đã an ủi và khuyên nhủ anh "Hãy buông xuống! Không sao đâu! Tại sao phải kéo dài sự đau khổ của mình?". Hình như họ hiểu điều mà Peter không hiểu, đó là "phải biết chết với ít bối rối cho người khác nhất và ít đau khổ cho mình nhất, và những phương thuốc đó chỉ là kéo dài thêm vài tháng đau khổ".

 

Nhưng Peter không chịu thua. Anh nói: "Nếu có thể có thêm sáu tháng bằng những thứ thuốc này tôi sẽ có thêm sáu tháng nữa với các con của tôi". Vì vậy anh chiến đấu với căn bệnh dù nó đã thực sự giết anh. Tình trạng của anh mỗi lúc mỗi tệ hai hơn. Một giáo sĩ được thỉnh đến làm nghi thức cuối cùng cho anh. Thật kỳ diệu, anh lại gắng sức đưa mình ra khỏi nắm tay của sự thần chết trước sự ngạc nhiên của mọi người.

 

Trong lúc này, theo lời kể của vợ anh khi tôi tới thăm Peter, tôi đã nói với anh về điều gì có thể xảy ra với anh trong trạng thái Trung Ấm Thân sau khi chết, và nói cho anh biết về mấy câu thần chú đơn giản, để dùng về sau. Vì Peter vẫn tỉnh táo, tôi niệm chậm chậm mấy câu thần chú cho anh và anh niệm theo tôi. Nhưng tôi cảm thấy anh không thành tâm với việc này, không phải vì anh không tin sự sống là liên tục - anh đã đọc nhiều sách về điều này, mà vì anh không muốn chết.  Một tuần sau anh chết trong vòng tay của vợ mình, với nhiều thuốc an thần và một nửa ý thức. Anh đã phải chịu đựng căn bệnh này trong tám tháng.

 

Peter đã được đạt được điều gì khi anh chiến đấu dữ dội với căn bệnh của mình. Có thể anh đã kéo dài cuộc đời của mình được thêm vài tháng. Nếu vậy anh đã phải trả giá cao cho điều này. Anh đã thiếu sức khỏe và chịu nhiều đau đớn tới mức không thể tiếp xúc với các con của mình khi chúng đến thăm. Thêm nữa, sự đau đớn và sự chiến đấu chống lại căn bệnh làm cho vợ và cha mẹ của anh mệt mỏi và chán nản. Cái giá cao như vậy có xứng đáng hay không? Các bác sĩ có nên làm cho Peter hy vọng là mình sẽ sống thêm vài tháng với mỗi loại thuốc mới hay không? Bác sĩ Robert J. Temple nói: "Nhiều phương pháp trị liệu mới có hiệu ứng phụ nghiêm trọng, có một số thuốc còn làm cho bệnh nhân chết mau hơn" (Many new therapies have severe side effects, some even shorten life). Khi không có phương thuốc nào cho thấy là "thần dược" mà Peter đã hy vọng, anh suy sụp và đau khổ hơn nữa. Có lẽ điều tệ hại nhất là vì hy vọng kéo dài sự sống và không phải chết, anh đã không sửa soạn nhiều về mặt tâm lý. Khi tới lúc thoát khỏi "thung lũng nước mắt" của mình và gia đình, anh đã không thể làm như vậy với với một tâm thức lành mạnh.

 

Bây giờ tôi xin kể về một lối chết khác.

 

Grace (không phải tên thật) là một người đàn bà ở tuổi trung tuần với các con đã lớn. Bà được chẩn bệnh và được biết là mình có một khối u cần phải được giải phẩu. Trong bệnh viện, bà nhận thấy các bệnh nhân rất sợ chết. Bà nghĩ "Mình phải làm sao để giúp những người sợ chết này, mình đã đối diện với cái chết trong một tai nạn xe hơi và từ đó mình không sợ chết nữa. Mình biết rằng giúp người khác là tự giúp mình".

 

Khối u của bà đã được cắt bỏ, nhưng nó lại mọc trở lại. Tám tháng sau bà đã phải giải phẩu một lần nữa. Sau đó ít lâu, tôi được biết về bà qua một cuốn băng video trong đó bà được phỏng vấn tại nhà của mình bởi vị giám đốc của Trung Tâm Đời Sống Về Thái Độ Điều Trị (The Life Center for Attitudinal Healing) ở Santa Fe, New Mexico, và bà là một thành viên của Trung Tâm. Được hỏi là có đau đớn gì không, bà nói rằng khi có sự đau đớn, và chỉ thỉnh thoảng dùng thuốc giảm đau; bà nhận thấy rằng thực hành Hatha yoga (pháp môn về thiền những tư thế và quán hơi thở) làm cho tâm trí an tĩnh và làm cho bà không cần dùng nhiều thuốc giảm đau.

 

Được biết là căn bệnh ung thư đặc biệt của mình chống lại xạ trị và hóa trị, bà chọn những phương pháp trị liệu khác, một trong số đó là ăn kiêng, một phương pháp khác là châm cứu mà bà nói rằng "giúp chống lại hay làm giảm đau đớn và nâng cao mức năng lượng". Dù được châm cứu, bà vẫn cảm nhận rất thật sự đau đớn và bà nói trong bài vè sau đây:

 

"Một người nói rằng
Dù sự đau đớn là không có thật
Như khi tôi ngồi lên cái kim và nó đâm vào da thịt,
Tôi không thích cái mình cảm thấy
".

 

Để đối phó với căn bệnh ung thư và sự đau đớn, Grace cũng dùng thiền quán. Những pháp quán tưởng được mô tả chi tiết trong loạt băng ghi hình của Trung Tâm Tư Vấn và Nghiên Cứu Ung Thư (Cancer Counseling and Research Center) của bác sĩ O. Carl Simonton ở Texas. Khi làm pháp thiền quán này, bệnh nhân quán tưởng hệ miễn nhiễm rồi tưởng tượng những tế bào bạch cầu đi tìm khắp cơ thể và tấn công những tế bào ung thư. Bà cũng dùng một phương pháp được đề nghị trong loạt băng ghi hình, đó là quán tưởng những con chó trắng ăn những tế bào ung thư. Có khi bà làm phương pháp thứ nhất, có khi bà làm phương pháp thứ hai. Bà cảm thấy rằng với những pháp này, khối u có phần giảm bớt. Và bằng cách dùng sự tưởng tượng, thí dụ như tưởng tượng một cảm giác nóng cháy là "ngứa ngứa" của một cơn mưa rào trong một ngày nóng, là có thể làm cho mình quên cơn đau.

 

Nhưng vào lúc này mẹ của bà qua đời, và Grace bắt đầu suy sụp, bà giải thích rằng đó không phải chỉ vì cái chết của mẹ bà mà còn là vì bà biết rằng mình đang có một căn bệnh chết người, "khi được biết mình có một căn bệnh nguy hiểm, người ta thường chấn động và nổi giận. Có những người nổi giận nhiều hơn người khác và hỏi: Tại sao điều này lại xảy ra với tôi? "

 

Bà nói rằng bà không bao giờ cảm thấy tức giận như vậy. Nhưng bà cũng nói rằng có một điều bí ẩn là tại sao có người bị bệnh nguy hiểm, có người không bị; hay tại sao trong một tai nạn có người bị chết, có người bị thương và có người không bị gì cả. Bà nói với người phỏng vấn: "Chúng ta không biết tại sao có những điều xảy ra, vì vậy tôi đã tự hỏi: Tại sao lại là mình?". Tuy nhiên, đó là một sự thử thách để người ta tập đối phó với nghịch cảnh. Do đã làm trong ngành y khoa nhiều năm, tôi chú ý tới căn bệnh của mình cứ như nó là một trường hợp được mô tả ở trong sách".

 

Bà Grace cảm thấy rằng một sự tiếp xúc nồng nhiệt với mọi phương diện của đời sống giúp làm giảm nhẹ căn bệnh, vì nó làm cho người ta bớt nghĩ tới bản thân. Bà cũng nói về giá trị của âm nhạc. Trong phòng của bà ở bệnh viện, bà thường ca hát với người ở cùng phòng. Grace cũng cảm thấy rõ là với óc khôi hài và thái độ sinh động, người ta có thể làm nhiều điều để giúp làm giảm sự đau đớn của căn bệnh. Bà nói về giá trị của tiếng cười và trích dẫn cuốn " Phân tích một Căn Bệnh" (The Anatony of an Illness) của Norman Cousins, trong đo Cousins mô tả kinh nghiệm chữa một căn bệnh nặng của mình bằng cách dùng tiếng cười cùng với những phương pháp khác.

 

Theo Cousins thì tiếng cười thực sự làm thay đổi tính chất hóa học của cơ thể. Bà kể khi các con tới thăm bà ở bệnh viện: "Chúng tôi cười ầm ỉ về mọi chuyện. Người ta tiếp tục là chính mình dù có cái gì đang xảy ra trong thể xác. Căn bệnh có thể xuất hiện ở bên trong mình, nhưng đó không phải là mình. Người ta không thể đi đây đó những vẫn có thể có nhiều thú vui".

 

Bà nói tiếp: "Mạnh khỏe không có nghĩa là thực sự an toàn, vì có thể bất ngờ bị bệnh. Những người bị bệnh nặng chúng tôi không khác người mạnh khỏe ở chỗ an toàn của chúng tôi là ở trong đời sống tâm linh. Chúng ta cần phải xem việc đối phó với những nghịch cảnh là cách để mình học và tiến hóa, và tìm cách xoay chuyển chúng để vượt qua chúng hay lớn mạnh từ chúng".

 

Khi được hỏi bà và những người khác trong nhóm hỗ trợ của bà ở Trung Tâm Đời Sống có bao giờ nói về sự chết hay không, bà trả lời: "Có, chúng tôi nói rất nhiều về sự chết, và có những người rất sợ chết. Tất nhiên, khi bị bệnh ung thư thì luôn luôn có điều suy nghĩ về sự chết và người ta phải đối diện nó. Và vì vậy tôi tự hỏi: "Sửa soạn cho sự chết có ích lợi gì? Và tôi đi tới kết luận là việc đó cũng ích lợi như sửa soạn cho đời sống" (What is good preparation for death? And I came to the conclusion that it was good preparation for life). Nhiều người có vẻ cảm thấy sự chết là sự chấm dứt hoàn toàn của mình, sự chấm dứt của mọi điều. Họ nghĩ đó là một hố sâu đen tối, trống không. Nhưng nhiều người chúng tôi tin thuyết luân hồi. Tôi nghĩ rằng chết là đi qua một khung cửa nữa. Tôi tin chắc như vậy. Trước đây khi đối diện sự chết, tôi có một sự biết trước điều mình sẽ trải qua và đó là một cái gì tuyệt vời. Tôi có cảm giác "Nó đây, nó đây và nó sẽ tuyệt vời".

 

Bà Grace đã qua đời vào mùa Hè năm 1984.

 

Hai hay ba tuần trước bà chỉ dùng thực phẩm lỏng. Buổi tối trước khi chết, một người con gái ngồi nắm tay bà. Cô kể lại rằng mẹ của cô nằm đó một cách an tĩnh và nói: "Mẹ sẵn sàng đi vô một căn phòng tối và đóng cửa lại" (You know, I am ready to go into a dark room and close the door).

 

Mấy người con gái cũng nói chuyện vui vẻ với  bà, và sau đó bà nói: "Mẹ sẽ ngủ một chút". Bà ngủ và không bao giờ thức dậy nữa. Sáng hôm sau, vào khoảng tám giờ, một người con gái của bà ngồi đan áo ở bên giường nghe thấy tiếng rung động của sự chết.

 

Thái độ của bà Grace đối với căn bệnh nguy hiểm của mình thật đáng khâm phục. Nhiều người chỉ với niềm tin vào sự sống sau khi chết thấy niềm tin này là sự hướng dẫn rất tốt cho họ đi qua thời kỳ khó khăn trước khi chết. Tuy nhiên, khi không biết về tính chất và ý nghĩa của nghiệp báo, người ta có thể thắc mắc một cách đau đớn và đây là trường hợp của bà Grace. Nếu bà hiểu sự liên quan của nghiệp báo với bệnh tật, bà đã không thắc mắc hỏi "Tại sao lại là mình?” khi biết mình bị ung thư.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/05/2021(Xem: 13218)
One day, Little Pebble went to his teacher, and said, ‘Master, my friend’s dog Tiger died.’ The look on Little Pebble’s face told the old monk that he was troubled. ‘Little one, do you have any questions?’ ‘Master, where did Tiger go?’ ‘Where did you come from?’ asked the old monk. ‘From my mummy’s tummy.’ ‘And where did Mummy come from?’ Little Pebble couldn’t think of an answer. The Master regarded his young disciple for a moment, then said, ‘Remember, when you made shapes with mud and named them Mummy, Daddy, Master?’
22/07/2019(Xem: 3580)
No matter who we are – pop star, nurse, teacher, real estate magnate, gardener, atheist, CEO, secretary, road sweeper, agnostic, film critic, Buddhist, home maker – each and every one of us will die. We have no choice, no alternative option, no wiggle room. Death is inevitable. So why do so few of us even think about death, let alone make any effort to prepare ourselves for it? In his new book, 'Living is Dying', Dzongsar Khyentse Rinpoche offers a broad spectrum of advice about how to prepare for dying, death and beyond no matter who you are. Inspired by nearly one hundred questions that were put to him by friends and students, Rinpoche describes how to: prepare for our own death help, comfort and guide a dying friend or loved one approach the moment of death navigate the bardos (intermediate states) guide the dead help loved ones who have died
24/04/2019(Xem: 10815)
Chanting - The Heart Sutra in English - Su Co Giac Anh
15/08/2018(Xem: 14766)
REBIRTH VIEWS IN THE ŚŪRAṄGAMA SŪTRA (Fifth Edition) Dr. Bhikkhunī Giới Hương Hồng Đức House – 2018 [Xem ấn bản tiếng Việt: Luân Hồi Trong Lăng Kính Lăng Nghiêm]
22/05/2018(Xem: 42611)
The Buddhist community is extremely upset by the inappropriate and disrespectful use of the image of Buddha, The Buddhist community is extremely upset by the inappropriate and disrespectful use of the image of Buddha, in a display at the National Gallery of Victoria (NGV) entitled the 'Eternity-Buddha in Nirvana, the Dying Gaul, Farnese Hercules, Night, Day, Sartyr and Bacchante, Funerary Genius, Achilles, Persian Soldier Fighting, Dancing Faun, Crouching Aphrodite, Narcisse Couché, Othryades the Spartan Dying, the Fall of Icarus, A River, Milo of Croton'. It can also be seen at: https://www.ngv.vic.gov.au/explore/collection/work/131149/ Although this display has been in place for some months, we have only just been made aware of its' existence. We are not usually outspoken, but this display desecrates the image of Buddha by placing images of these mythical images on him and in doing so, showing no apparent regard or respect for Him.
03/10/2017(Xem: 11035)
We acknowledge that Mr. Williams (Bill) Brian Williams, who was born in Philip Island, Victoria, Australia, on October 19, 2017, aged 80 years old, will be sadly missed and has contributed significantly to your families. On behalf of Quang Duc Monastery, we want to share your families' sorrow and wish to convey our support and sympathy during this sad time for your mother, Mrs Kay Williams and your family. The grief you are experiencing is hard to bear at any time, but please remember that we are with you, and anxious to help lighten your load. May your father be reborn in Sukhavati, Amitabha Buddha's Pure Land of Ultimate Bliss, may you be filled with faith and hope even in the midst of inescapable grief. This is the prayer of your masters and friends.
27/03/2017(Xem: 38101)
The Seeker's Glossary of Buddhism By Sutra Translation Committee of USA/Canada This is a revised and expanded edition of The Seeker's Glossary of Buddhism. The text is a compendium of excerpts and quotations from some 350 works by monks, nuns, professors, scholars and other laypersons from nine different countries, in their own words or in translation. The editors have merely organized the material, adding a few connecting thoughts of their own for ease in reading.
26/10/2016(Xem: 30919)
In India in the 6th century BC, Sakyamuni, "a wise man of the Sakya tribe", had been meditating under a tree when, suddenly, he was struck with the comprehension of all things. He became Buddha, meaning the « Illuminated ». His message, based on a pragmatic philosophy, taught how to free oneself from all needs in order to achieve illumination. After the death of the Enlightened One, his disciples – a few monks – began to spread his teachings all over India, from Ceylon to the Himalayan. Fearing man’s penc
07/04/2016(Xem: 12258)
On Wednesday, 6 April 2016, Senior Venerable Thich Nguyen Tang, the Abbot of Quang Duc Monastery in Fawkner, Victoria and also a Deputy-Secretary of The Unified Vietnamese Buddhist Congregation of Australia-New Zealand, visited this wonderful, beautiful and first Buddhist Garden at Cemetery in South Australia. Senior Venerale Tang offer his congratulation to Mr Robert Pitt, CEO of Adelaide Cemeteries Authority, that " I am happy to be here today, Thank you and congratulation for your wonderful job, your effort and your contributions this will be remained and appreciated by our Buddhist communities around Adelaide like Australian, Thai, Cambodia, Myanmar Srilanka, Tibet, Vietnam...I am happy to see your project complete so quickly". Two years ago, Senior Venerable has been invited here by Mr Robert Pitt to talk about the Buddhist funeral and relics after cremation, after that he advised Mr Robert Pitt should build a Buddhist Garden for Buddhist followers around South Australia. He said
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]