( TUẦN THỨ 1 THÁNG 6, 2015)
PAKISTAN: Tu viện Phật giáo Takht-i-Bhai 2,000 năm tuổi tại Mardan
Đông đảo dân địa phương và du khách đã đến tham quan tu viện Takht-i-Bhai, di tích cổ xưa có niên đại từ đầu thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên.
Được liệt kê trong danh sách Di sản Thế giới, nó được xem là một trong những tu viện Phật giáo có cầu trúc tốt nhất tại huyện Gandhara.
Tu viện Takht-i-Bhai tọa lạc cách phía đông của khu chợ Takht Bhai ở quận Mardan thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa.
Nằm ở độ cao khoảng 500 feet trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ, tu viện từng được biết đến như là trung tâm của nền văn minh Gandhara vốn thu hút du khách, các sử gia, các nhà khảo cổ và Phật tử khắp thế giới.
Theo lời người dân địa phương, khu tu viện và ngôi làng được đặt tên theo 2 cái giếng được tìm thấy trên đỉnh ngọn đồi gần tu viện. Tuy nhiên, đa số tin rằng “takht” nghĩa là ngai vàng, và “bhai” nghĩa là nước theo tiếng Ba Tư. “Chúng tôi tin rằng nó được đặt tên theo dòng suối ở bên trái của di tích Phật giáo này”, một cư dân địa phương nói.
(buddhistartnews – June 1, 2015)
Di tích Tu viện Takht-i-Bhai ở Mardan, Pakistan
Photo: FAZAL KHALIQ
CAM BỐT: Hàng nghìn tăng sĩ Cam Bốt tập trung để tôn vinh Quốc vương
Phnom Penh, Cam Bốt – Vào sáng ngày 3-6-2015, hàng nghìn nhà sư đã xếp hàng bên ngoài Cung điện Hoàng gia để tôn vinh việc phụng sự Phật giáo của Quốc vương Norodom Sihamoni.
Các vị cao tăng của Cam Bốt và Thủ tướng Hun Sen cũng tham dự sự kiện này.
Buổi lễ được tổ chức để kỷ niệm một giải thưởng tôn vinh nhà vua, được trao tặng ngài bởi Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo lần thứ 6 tại Nhật Bản vào tháng 12-2014.
Người dân Cam Bốt, trong số đó có nhiều người mặc trang phục truyền thống Khmer, cũng tham dự buổi lễ.
Lễ cầu nguyện được theo sau bởi một ban nhạc lễ và đoàn diễn hành, trong đoàn có một xe hoa bằng vàng chở 2 vị cao tăng và một bản sao của giải thưởng được phóng to.
Phật giáo Nguyên thủy là quốc giáo của Cam Bốt, với 90% dân số là Phật tử.
(DPA news – June 2, 2015)
Chư tăng Cam Bốt dự lễ tôn vinh Quốc vương (ảnh trên) và xe hoa bằng vàng chở bản sao giải thưởng tôn vinh Quốc vương (ảnh dưới)
Photos: Mak Remissa, EPA
TÍCH LAN: Thủ tướng Tích Lan lên án những kẻ cực đoan tôn giáo đã phá hủy Phật giáo
Colombo, Tích Lan – Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã lên án những kẻ cực đoan tôn giáo vì đã phá hủy giáo lý cao quý bất bạo động của Phật giáo.
Trong thông điệp của mình nhân ngày Poson Poya, vốn đánh dấu sự du nhập Phật giáo lên quốc đảo Tích Lan bởi Arhath Mahinda – con trai của A Dục Vương của Ấn Độ - vào năm 250 trước Công nguyên, Thủ tướng lưu ý rằng đã không có sự xâm lược nào diễn ra trong lịch sử để hoằng dương Phật giáo.
Ông nói rằng so với các tôn giáo và triết học khác, Phật giáo có một vị trí độc nhất vì là tôn giáo tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự cùng tồn tại, tôn trọng các tôn giáo cũng như các nền văn hóa khác.
“Tuy nhiên, trong thế giới ngày nay, giáo lý cao quý dựa trên lòng từ bi và phi bạo lực này đã bị thách thức do những kẻ cực đoan, do các hành vi thiển cận và bạo lực, và đây là điều đáng tiếc”, Thủ tướng nói.
“Trách nhiệm của chúng ta là thay đổi tình trạng này. Chúng ta hãy làm cho cuộc sống của mình phong phú về tinh thần, chứ không phải về vật chất, và hãy sống với sự cùng tồn tại, tôn trọng các tôn giáo và các nền văn hóa khác”, ông nói.
(Colombo Page – June 3, 2015)
Thủ tướng Tích Lan Ranil Wickremesinghe
Photo: Colombo Page
NA UY: 3 vị lãnh đạo Phật giáo Miến Điện nhận giải thưởng Hòa hợp Thế giới
Tuần trước, tại Viện Nobel ở Oslo, Na Uy, các vị lãnh đạo Phật giáo Miến Điện gồm các Đại đức Seindita, Withudda và Zawtikka đã được trao giải thưởng Hòa hợp Thế giới của Hội nghị Tôn giáo Thế giới.
Trong bình luận của mình tại buổi lễ, Chủ tịch Hội các tôn giáo Thế giới là Imam Malik Mujahid nói, “Những nhà sư phi thường này phản kháng quan niệm phổ biến rằng tất cả tăng sĩ Phật giáo đều hô hào chống lại người Rohingyas”.
Đai đức Seindita nói rằng những kẻ quá khích sẽ phải giết ông trước khi họ muốn làm hại được người Rohingya. Hơn 1,000 người Hồi giáo Rohingya đã tìm được nơi trú ẩn bên trong các tu viện Phật giáo để tránh bạo lực tôn giáo.
Buổi lễ là một phần của hội nghị 2-ngày để thảo luận về hoàn cảnh của người Rohingya. Nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị đã lên tiếng chống lại bạo lực, bao gồm một nhóm giáo viên Phật giáo, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và đức Đạt lai Lạt ma.
(Lion’s Roar – June 3, 2015)
Ba vị cao tăng Miến Điện nhận giải thưởng hòa hợp Thế giới tại Oslo, Na Uy
Photo: Maung Zami
INDONESIA: Ngày Phật Đản tại Borobudur, ngôi Tháp Phật giáo lớn nhất thế giới
Tại Indonesia, lễ Phật Đản được tập trung tại ngôi đền cổ Borobudur, nơi hàng nghìn tăng sĩ thiền định và kinh hành trong một nghi lễ gọi là “Pradaksina”.
Đền Borobudur được trang trí với gần 3,000 tác phẩm điêu khắc dạng phù điêu minh họa cuộc đời và lời dạy của Đức Phật, cũng như hơn 504 tượng Phật, trong số đó có 72 tượng bao quanh mái vòm của đỉnh ngôi đền.
Borobudur đã trải qua nhiều lần trùng tu, đáng chú ý là vào đầu thập niên 1900 và cuối thập niên 1970. Ngày nay, ngôi đền này là điểm thu hút du khách nhất của Indonesia.
(tipitaka.net – June 7, 2015)
Các nhà sư cầu nguyện tại Tháp Borobudur
Chư tăng và Phật tử kinh hành quanh Tháp Borobudur
Chư tăng thả thiên đăng sau khi cầu nguyện tại Borobudur
Photos: David Sim
***