Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 14: Kinh Dược Sư giải nghĩa

25/11/201517:25(Xem: 4112)
Bài 14: Kinh Dược Sư giải nghĩa

Kinh Duoc Su Giai Nghia

KINH DƯỢC SƯ

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

--- o ---

 

KẺ THỌ GIỚI LỠ PHẠM, KẺ NỮ ĐẺ ĐAU

ĐỚN, CÚNG DƯỢC SƯ ĐƯỢC TỐT ĐẸP

 

Lại nữa Mạn Thù Sư Lợi, nếu có thiện tín nam nữ nào từ khi phát tâm thọ giới (1) cho đến ngày chết, không thờ những vị Trời nào, chỉ một lòng nương theo Phật, Pháp, Tăng. Thọ trì giới cấm, hoặc 5 giới, 10 giới, Bồ tát 10 giới trọng 48 giới khinh, Tỳ kheo 250 giới, Tỳ kheo ni 348 giới; nếu có ai hủy phạm những giới pháp đã thọ sợ đọa vào ác thú, hễ chuyên niệm và cung kính cúng dường Đức Phật Dược Sư thì quyết định không thọ sanh trong ba đường ác.

Lại nếu có người phụ nữ nào đương lúc sinh sản phải chịu cực khổ đau đớn mà xưng danh hiệu, lễ bái và hết lòng cung kính cúng dường Đức Phật Dược Sư thì khỏi những sự đau khổ ấy mà sanh con ra cũng được vuông tròn, tướng mạo đoan trang, lợi căn thông minh, an ổn ít bịnh hoạn, ai thấy cũng vui mừng và không bị quỉ cướp đoạt tinh khí (2).

 

GIẢI NGHĨA:

 

(1) Giới: Tiếng Phạn là Sila, Tàu dịch là Thanh Lương, Thanh là thanh tịnh, Lương là mát mẻ, Giới giúp ngăn ngừa được việc ác, phân biệt được ác và thiện nên không làm việc ác nữa; tâm không có phiền não mà vui vẻ thanh thản nên gọi là thanh lương.

Giới được chia ra như sau: Hàng tại gia có 5 Giới (Ngũ Giới), 8 Giới (Bát Quan Trai Giới); Bồ Tát tại gia có 6 Giới Trọng và 28 Giới Khinh. Hàng xuất gia: Sa di có 10 Giới, Tỳ Kheo có 250 Giới, Tỳ Kheo Ni có 348 Giới; Bồ Tát xuất gia có 10 Giới Trọng 48 Giới Khinh.

 

(2) Tinh khí: Tinh là tâm thần, Khí là khí huyết của mỗi người; Tinh Khí là khí tinh sạch, căn bản của trời đất vạn vật, là sức sống.

 

     Đoạn Kinh Văn 29 trên nói về người thiện hiền lành tin tưởng Phật Pháp Tăng phát tâm thụ trì Giới cho đến chết mà không thờ vị trời nào cả, nếu lỡ phạm Giới, sợ bị đọa vào cõi dữ, mà biết ăn năn sám hối tội đã làm. Thề không tái phạm, giữ Giới đầy đủ, bỏ ác làm lành, xa lià xấu xa, giữ tâm trong sạch thanh tịnh tu hành thì: “quyết định không thọ sanh trong ba đường ác”. Nghĩa là khi qua đời không bị tái sinh vào Ngạ Qủy, Súc Sinh hoặc Địa Ngục; mà ngược lại được tái sinh vào chỗ tốt đẹp trong cõi Trời hoặc cõi Người sống có địa vị giàu sang khoẻ mạnh.

 

     Những người nữ làm lành tin tưởng Phật pháp giữ giới luật đầy đủ, nếu trong lúc sinh sản phải chịu đau đớn, mà biết về Phật pháp thì phải hiểu rằng sự đau đớn là do tham dục mà có. Dó đó không còn giận hờn mà nhẫn nại, rồi tụng Chú Đại Da La Ni và niệm danh hiệu Ngài thì cái đau giảm bớt, mà sinh đẻ được dễ dàng, nên Kinh nói: “khỏi những sự đau khổ ấy mà sanh con ra cũng được vuông tròn, tướng mạo đoan trang, lợi căn thông minh, an ổn ít bịnh hoạn, ai thấy cũng vui mừng”. Mọi người đếu vui mừng vì được mẹ tròn con vuông, nên Kinh nói “Không bị qủy cướp đoạt tinh khí”, do người nữ này gặp được Thầy giỏi gặp được thuốc thích hợp nên mọi điều tốt đẹp cho cả mẹ lẫn con. Qủy cướp đoạt tinh khí hại mạng ở đây ám chỉ cái chết có thể đến với cả người mẹ lẫn người con, khi sinh đẻ gặp khó khăn vậy.

 

*
*  *

 

KINH VĂN 30:

PHẬT HỎI SỰ TIN CỦA A - NAN VỀ CÔNG ĐỨC CỦA PHẬT DƯỢC SƯ, TÔN GIẢ TIN TUYỆT ĐỐI

 

Lúc ấy Đức Thích Ca (1) cũng bảo ông A Nan (2) rằng: “Theo như Như lai đã xưng dương (3) những công đức của Phật Dược Sư Lưu Ly Quang, đó là công hạnh (4) rất sâu xa của Chư Phật, khó hiểu thấu được, vậy ông có tin chăng?” A Nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn, đối với khế kinh (5) của Như Lai nói không bao giờ con sanh tâm nghi hoặc; tại sao? Vì những nghiệp thân, khẩu, ý của các Đức Như Lai đều thanh tịnh (6). Bạch Đức Thế Tôn, mặt trời mặt trăng có thể rơi xuống, núi Tu Di (7) có thể lay động, nhưng những lời nói của Chư Phật nói ra không bao giờ sai được. Bạch Đức Thế Tôn, nếu có những chúng sanh nào tín căn không đầy đủ, nghe nói đến những công hạnh sâu xa của Chư Phật thì nghĩ rằng: “Làm sao chỉ niệm danh hiệu của một Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai mà được nhiều công đức thắng lợi ngần ấy”, vì sự không tin đó, trở sinh lòng hủy báng nên họ phải mất nhiều điều lợi ích, mãi ở trong cảnh đêm dài tăm tối và lại còn bị đọa lạc trong các đường ác thú, lưu chuyển không cùng".

 

GIẢI NGHĨA:

 

(1)Thích Ca: Từ chữ Phạn Sakya là dòng qúy tộc, họ Cù Đàm từ chữ Gotama, danh hiệu là Mâu Ni từ chữ Muni, nên gọi đầy đủ là: Phật Thích Ca Mâu Ni.

 

(2) A Nan: Từ chữ Phạn Ananda, Tôn Giả A Nan là Thị Giả gần gũi Phật trong 25 năm cho đến ngày Phật nhập Niết Bàn. Tôn Giả A Nan là con người Chú của Đức Phật, Tôn giả có đặc điểm nhớ tất cả những lời Phật nói, nên Ngài có công lớn trong việc kết tập kinh điển Phật Giáo.

 

(3) Xưng dương: Là tán thán công đức của Phật Dược Sư Lưu Ly Quang.

 

(4) Công hạnh: Là công đức hạnh nguyện, Chư Phật có vô lượng công đức, vô số hạnh nguyện, các Ngài dùng không biết bao nhiêu phương tiện khéo léo, phát không biết bao nhiêu hạnh nguyện rộng lớn.

 

(5) Khế Kinh: Từ Phạn ngữ là Stra phiên âm là Tu- Đa-La, dịch nghĩa là Khế Kinh, Pháp Bản, cũng gọi là Khế Phạm, chỉ chung những Kinh điển do Phật thuyết dạy, vì khế hợp với căn cơ chúng sanh nên gọi là Khế Kinh. Cũng hiểu theo hai nghĩa: Phù hợp về lý lẽ gọi là khế lý và phù hợp về căn cơ gọi là khế cơ.

 

(6) Thanh tịnh: Từ chữ Sanskrit: pariśuddha: Là trong sáng, thanh khiết, không bị ô uế, không có tội lỗi, không động niệm, trong sạch, an định. Một người thanh tịnh (s: tathāgata) có tâm trong sạch, sáng suốt do diệt trừ, xa lìa những ý niệm nhiễm ô, tà vạy, nhơ nhớp.

 

(7) Núi Tu Di: Chữ Phạn Sanskrit: meru, sumeru: Theo Trường A Hàm, quyển 2: Núi Tu Di cao 168,000 Do tuần, rộng 84,000 Do tuần, mỗi Do tuần bằng từ 15 đến 20 cây số. Núi thành lập bởi bọt sóng nước khi tái lập địa gồm bốn thứ báu là: vàng, bạc, lưu ly, và thủy tinh, nhưng mắt phàm phu không nhìn thấy. Kinh không nói vị trí của núi, nhưng thiết nghĩ núi Tu Di phải từ Bắc cực trở lên, phía trên núi Tu Di là các tầng Trời gồm 6 tầng Dục Giới (s: deva), 18 tầng Sắc Giới (s: rūpaloka), và 4 tầng Vô Sắc Giới trền cùng, xung quanh núi Tu-Di là Tứ Thiên Vương và các Thần, Qủy (s: preta) ở.

 

     Đoạn Kinh Văn 30 trên, Đức Phật bảo Tôn giả A Nan đại ý rằng: Ngài tán dương công đức của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, đó là công hạnh rất sâu xa của Chư Phật, khó hiểu thấu vô cùng như vậy Tôn Giả có thể tin được không? Ở đây Đức Phật Thích Ca nhấn mạnh: “công hạnh rất sâu xa, khó hiểu thấu”, tại sao Ngài nhấn mạnh như vậy? Vì Ngài sợ chúng ta hiểu sai, như chúng ta đã biết, giáo pháp của Chư Phật như nhau, chỉ khác ở phương tiện vì tùy duyên cứu độ chúng sanh nên thấy có khác, nhưng mục đích và cứu cánh cuối cùng “Giải thoát” thì giống nhau. Bởi vậy, nếu chúng ta không suy ngẫm cho kỹ mà hiểu theo nghĩa đen thì dễ đi vào mê tín thần quyền, kết qủa chẳng được lợi lộc gì cả, mà chỉ làm những việc mất thời giờ vô ích.   

 

     Tôn giả A Nan khẳng định sự tin tưởng tuyệt đối vào những lời nói của Chư Phật, không gì có thể lay chuyển và Tôn giả thưa với Phật rằng những người không tin mà còn bài bác là hủy báng lời Chư Phật nói, sẽ bị đọa vào ba đường ác. Đúng là như vậy, nhưng tin mà không suy ngẫm lời dạy mà hiểu sai lời dạy thì cũng là hủy báng lời Phật dạy; vì hiểu sai rồi thực hành sai, rồi giảng nói cho nghười khác điều sai ấy, gây ra làn sóng dây chuyền sai, nên vô cùng tai hại vậy. Đây là chìa khóa học Phật mà chúng ta phải thận trọng, vì những lời của Chư Phật có nhiều nghĩa lý khác nhau, chúng ta không nên cho ngón tay là mặt trăng, mà chỉ nương ngón tay để thấy mặt trăng.

 

     Chúng ta nên hiểu nghĩa lý của lời dạy phải phù hợp với những nguyên tắc căn bản mà Đức Phật đã thường nói là “vô thường, khổ, vô ngã, …”, nếu chúng ta chống lại vô thường thì không thể được. Nếu chúng ta muốn hết khổ mà không tu hành để diệt khổ thì không hết khổ, nếu chúng ta cố bám vào cái “ta”, gặp chuyện gì cũng dính mắc thì không thể nào hết khổ, nghĩa là không thể đạt vô ngã được.

 

     Tóm lại, những lời dạy của Chư Phật đều nhằm mục đích “giải thoát” khỏi “sinh tử luân hồi”, phương tiện đi đến giải thoát là “hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Do đó, chúng ta nên “làm lành tránh làm ác, giữ giới đầy đủ, tu hành nghiêm chỉnh” thì mới là việc chính. Còn các thứ khác như tụng Kinh chỉ là để hiểu nghĩa lý của Kinh để theo đó tu hành; niệm Phật là để tỏ lòng tôn kính biết ơn Chư Phật gia trì cho sự tu hành của mình được lâu bền suôn sẻ. Bởi vậy cho nên: tụng Kinh niệm Phật chỉ là trợ duyên mà thôi, nếu chúng ta hiểu rõ như vậy rồi, thì không còn lầm lẫn và sẽ không đi sai đường mà Chư Phật muốn chỉ.

 

 (Còn Tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]