Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chùa Gia Lào, nơi công nương Ngọc Vạn ẩn cư cuối đời

31/10/201619:50(Xem: 9675)
Chùa Gia Lào, nơi công nương Ngọc Vạn ẩn cư cuối đời
Chua Gia Lao

CHÙA GIA LÀO
NƠI CÔNG NƯƠNG NGỌC VẠN
ẨN CƯ CUỐI ĐỜI
 
Châu Yến Loan


Núi Chứa Chan hay đỉnh Miệng Rồng thuộc địa phận huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai cách TP Hồ Chí Minh khoảng 120 km là một địa danh nổi tiếng xưa nay không chỉ vì phong cảnh thiên nhiên hữu tình mà còn vì trên núi có chùa Gia Lào ( chùa Bửu Quang) nổi tiếng linh thiêng.

Núi Chứa Chan là ngọn núi cao thứ hai ở Nam bộ, sau núi Bà Đen ở Tây Ninh, với độ cao 837m  so với mực nước biển. Núi có dáng hình vòng cung gồm ba ngọn đồi liên tiếp nhau, đứng xa trông như hình bát úp. Vào buổi bình minh hay lúc hoàng hôn, trên đỉnh núi thường xuất hiện những đám mây trắng lững lờ trôi rất thơ mộng. Đường lên đỉnh núi quanh co, nhỏ hẹp, rất nhiều cây cối mọc um tùm xanh mát, hàng ngàn bậc thang đá được xếp ngay ngắn dài tít tắp. Núi Chứa Chan còn nổi tiếng có cây ba gốc một ngọn. Tương truyền rằng, nếu ta cầu may ở dưới gốc cây này, mọi mong muốn sẽ thành hiện thực. 

Phong cảnh núi Chứa Chan đẹp nhờ có nhiều dòng suối trong mát, róc rách chảy quanh năm, xung quanh núi có bốn con suối mang những cái tên rất quen thuộc của đồng bào dân tộc Châu Ro: Gia Ui, Gia Miên, Gia Liêu, Gia Lào. Những rừng cây xanh ngát bạt ngàn, những bãi đá nối tiếp nhau tạo thành những bức tường thành kỳ vĩ và những hang động ngầm trong lòng núi. Chính vì thế xưa kia nhiều vị thiền sư đã chọn nơi đây làm chốn tu hành thiền định.

 

Chùa Gia Lào nằm ở lưng chừng ngọn núi Chứa Chan, ở độ cao khoảng 600m, tọa lạc trên một hang đá có dáng hàm Rồng. Chùa được kiến trúc dựa theo hình thể của những hang động thiên nhiên. Chánh điện có mái vòm uốn cong bên trên hang đá của hàm rồng khiến cho chùa thêm vẻ thâm nghiêm. Lên chùa ngoài việc lễ Phật, du khách còn được ngắm vẻ đẹp của rừng núi, nương rẫy bạt ngàn, những vườn cây trái xanh tươi cùng những loài hoa bốn mùa tỏa hương thơm ngát khiến du khách ngất ngây tưởng chừng như đang lạc vào chốn đào nguyên. Từ xưa, chùa Gia Lào đã nổi tiếng linh thiêng, những cặp vợ chồng hiếm muộn, những người mong đươc bình an thường không quản ngại khó khăn trèo núi, vượt đồi lên chùa đãnh lễ cầu Phật gia hộ. ( Tham khảo https://sites.google.com/site/.../nui-chua-chan-nui-gia-lao, Tuyệt tác trên đỉnh Chứa Chan - Du lịch - Zing.vn - Zing News  news.zing.vn › Du lịch

Thời chúa Nguyễn, công nương Ngọc Vạn sau khi chán ngán cảnh vàng son đầy máu và nước mắt ở kinh đô Udong đã tìm đến chốn này để ẩn cư những năm cuối đời.

                                       Chua Gia Lao
Chùa Gia Lào


Nguyễn Phúc Ngọc Vạn là con gái thứ hai của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và Hoàng Hậu Nguyễn Thị Giai, ra đời tại Quảng Nam vào những năm đầu thế kỷ XVII khi Nguyễn Phúc Nguyên giữ chức Trấn thủ Quảng Nam dinh.

Năm Canh Thân 1620, bà được chúa Sãi gả cho vua Chân Lạp là Chey Chêtthâ II. Đây là một cuộc hôn nhân có mục đích chính trị, Chey Chêtthâ II muốn cầu hôn con gái của chúa Sãi để tìm sự trợ giúp quân sự của Đàng Trong nhằm chống lại sự tấn công tiêu diệt của quân Xiêm, bảo vệ nền độc lập tự do cho Chân Lạp. Còn chúa Sãi thì ngoài mục đích xây dựng mối hòa hiếu với một lân bang để có thể rảnh tay đối phó với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, cuộc hôn nhân còn nhằm tạo cơ hội để đông đảo di dân Thuận- Quảng vào khai phá vùng đất hoang vu ở phía Đông Nam Chân Lạp, hướng đến một tương lai xa cho đất nước, dân tộc.

Theo các sử gia phương Tây, công nữ xứ Đàng Trong “rất xinh đẹp” (Jean Moura, Le Royaume du Cambodge, Paris 1883, Tập II, tr 61), dịu dàng, thùy mị lại sớm được giáo dục trong nền đạo đức Phật giáo nên dễ dàng hội nhập vào môi trường văn hóa của Chân Lạp, do đó mặc dầu Chey Chêtthâ II đã có hai bà vợ người Chân Lạp và người Lào nhưng công nương Ngọc Vạn rất được nhà vua yêu quý . Bà được phong làm “Đệ nhất Hoàng hậu” tước hiệu “Somdach Prea Peaccac Vodey Prea Voreac Khsattrey”. Biên niên sử hoàng gia Chân Lạp gọi bà là Hoàng hậu Ang Cuv.

                          


hoang cung vua chan lap
 Hoàng cung vua Chân Lạp tại Nam Vang



Ngọc Vạn về quê chồng đã đem theo nhiều người Việt, trong đó có người được giữ chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp. Bà cho lập xưởng thợ, mở các nhà buôn gần kinh đô Oudong (Phnompenh) để họ làm ăn sinh sống. Chẳng bao lâu đã có hai làng người Việt ở Udong, phần lớn là người từ Quảng Nam, Quảng Ngãi sang buôn bán và làm tiểu thủ công nghệ. Và ba năm sau cuộc hôn nhân của Ngọc Vạn, Sãi Vương cử một sứ bộ sang xin vua Chey Chêtthâ II nhượng khu dinh điền ở vùng Mô Xoài ( gần Bà Rịa- Vũng Tàu ngày nay) cho ta. Nhờ sự vận động của hoàng hậu Ngọc Vạn, vua Chân Lạp đồng ý cho người Việt đến đó canh tác.

Vùng này trước khi người Việt đến, còn rất hoang vu, đầm lầy hôi thối, vào cuối thế kỷ XVI  tuy đã có một số người Việt đến đây cày ruộng, đánh cá nhưng những cuộc di dân này có tính tự phát, lẻ tẻ.  Chỉ từ sau khi công nương Ngọc Vạn sang Chân Lạp, nhiều đoàn người Thuận Quảng nhất là người Quảng Nam dưới sự bảo trợ của bà mới đến đây ngày càng nhiều.

Đây là lần đầu tiên người Việt chính thức đặt chân lên đất Chân Lạp, và Mô Xoài là bàn đạp để người Việt tiến dần xuống phía Nam vì cuộc mưu sinh.

Khi cư dân Việt đông đúc, làm ăn phát đạt, chúa Nguyễn mới xin lập ra sở thuế, cử tướng lĩnh đến đóng đồn giữ gìn an ninh, trật tự.

Chúa Sãi đã lập một sứ quán tại kinh đô Udong để hai bên trao đổi các sứ bộ và thường xuyên liên lạc với nhau. Chúa Sãi cũng cung cấp cho Chey Chêtthâ II thuyền chiến, quân đội và vũ khí để chống với quân Xiêm.

Cuối năm 1621 đầu năm 1622, vua Xiêm xua hai đạo quân sang đánh Chân Lạp. Nhờ sự trợ giúp quân sự của chúa Nguyễn, Chey Chêtthâ II đã tiêu diệt một đạo quân Xiêm ở Bâribaur, còn hoàng đệ Utey đẩy lui đạo quân thứ hai của Xiêm ở Bantey Meas. Năm sau quân Xiêm tấn công Chân Lạp một lần nữa nhưng cũng bị tổn thất nặng nề và phải tháo chạy về nước.

Đó là lần đầu tiên trong 100 năm qua,  người Chân Lạp chiến thắng quân Xiêm cởi bỏ được ách đô hộ nặng nề, tàn ác của họ.

Sau chiến thắng đó, năm 1623, chúa Sãi gửi một sứ bộ mang nhiều tặng phẩm đến Udong để tỏ tình thân hữu và bảo đảm sự ủng hộ của của chúa Nguyễn với Chey Chêtthâ II cùng một bức thư ngỏ ý muốn mượn xứ Prei Nokor ( Chợ Lớn) và Kas Krobei (Sài Gòn) để lập các trạm thuế thương chính trong thời gian 5 năm.

Với sự can thiệp của Hoàng Hậu Ang Cuv và sự đồng ý của các vị thượng quan trong triều đình Chân Lạp, Chey Chêtthâ II đã chấp thuận yêu cầu của chúa Sãi.

Tuần ty là cơ quan thu thuế ở bất cứ nơi nào trong nước từ biên giới, núi rừng, hải cảng và các nơi có giao lưu buôn bán. Tuần ty ngoài việc đóng góp cho ngân sách nhà nước còn là cơ sở để tiến hành ổn định các địa phương và mở đường tiến vào các vùng đất chưa biết rõ để nắm vững thực lực chính trị, kinh tế của đối phương.

Tuần ty Kas Krobei và Prei Nokor là đặc khu kinh tế tài chánh. Tại tuần ty có lập chợ búa, phố xá để hoạt động vừa để nuôi nhân viên vừa nuôi đạo quân bảo vệ. Có lãnh sự quán để điều động thương nhân buôn bán tại vùng tuần ty và đặc biệt là để hoạt động trong lòng đối phương. Những nhà buôn này có vốn liếng, có kinh nghiệm, giỏi võ nghệ và thông thạo ngôn ngữ các dân tộc mà họ thường tiếp xúc và khi cần thiết họ chính là những thông dịch viên cho các quan chức của ta.

Dinh Chiêm là nơi lãnh đạo mọi hoạt động của tuần ty và quan thủ ngự cai trị vùng Sài Gòn- Chợ Lớn. Hội An có nhiều kinh nghiệm mậu dịch, hàng năm đến gió mùa thì gởi các đoàn thuyền chở đặc sản địa phương và hàng ngoại vào buôn bán. Vào ngày chợ phiên, trên các sông nước miền Nam người ta thấy xuất hiện nhiều ghe thuyền chở hàng hóa từ các vùng xa xôi về cùng với đoàn ghe bầu Quảng Nam mang đến những thức ngon vật lạ với giá thật rẻ.

Chỉ trong vòng 5 năm từ ngày công nương Ngọc Vạn kết hôn, người Việt đã có làng xóm từ Biên Hòa (Bà Rịa), Sài Gòn (Bến Nghé), lên tới Châu Đốc (Takeo) đến tận Oudong (Pnom Penh) .

G. Maspéro nói rằng:

“Vị vua mới lên ngôi là Chey Chêtthâ II cho xây một cung điện tại Oudong, ở đây ông làm lễ thành hôn với một công chúa con vua An Nam. Bà này rất xinh đẹp, về sau có ảnh hưởng lớn đến vua. Nhờ bà mà một phái đoàn An Nam đã xin và được vua Chey Chêtthâ II cho lập thương điếm ở miền Nam Cao Miên, nơi này nay gọi là Sài Gòn”(trích trong cuốn “L’ Empir Khmer”).

Năm 1624, Hoàng Hậu Ang Cuv sinh công chúa Ang Na Ksatri. Công chúa rất được nhà vua yêu quý nhưng cuộc sống hạnh phúc đó không được dài lâu, đến năm 1628, Chey Chêtthâ II băng hà.

Sau khi nhà vua qua đời, sự tranh giành ngôi báu giữa các con của tiên vương Chey Chêtthâ II  và các con của nhiếp chính vương Utey làm cho tình hình chính trị của Chân Lạp lâm vào cảnh rối ren, nhiều vị vua bị giết, hoặc chết đột ngột. Nhưng với sự hiền lành đức độ và trí thông minh, Hoàng hậu Ang Cuv đã tạo được ảnh hưởng đối với các ông hoàng trẻ Chân Lạp. Bà tiếp tục sống ở kinh đô Udong và không ngừng giữ một vai trò quan trọng trong đời sống chính trị của Chân Lạp.(Theo nhận định của Mak Phoeun và Po Dharma)

Năm 1628, hoàng thái tử Chau Ponhéa To con của tiên vương Chey Chêtthâ II và bà Thái hậu người Chân Lạp lên nối ngôi,  chú là Préah Outey làm Phụ chính. Quốc vương To rất kính trọng và yêu mến bà Ang Cuv, tôn bà lên tước vị cao quý Samtec Brah Dav Dhita, với tước vị này bà được cấp 3 tỉnh làm thái ấp và có những quan lại riêng. Chúa Sãi cũng gởi sang Udong 2 quan chức và 500 quân sĩ người Việt để phục vụ và bảo vệ bà.

Năm 1632, quốc vương To qua đời, em của To là Ponhéa Nou lên thay, bấy giờ thời hạn hoạt động của hai trạm thuế đã hết, thể theo lời yêu cầu của Thái hậu Ang Cuv, Nou đã gia hạn thêm cho 2 trạm quan thuế của chúa Nguyễn.

Năm 1640, Ponhéa Nou đột ngột băng hà, nhiếp chính vương Utey liền đưa con của mình  lên làm vua là quốc vương Ang Non I.

Năm 1642,  Ponhéa Chan (Nặc Ông Chân) con của Chey Chêtthâ II và bà vợ người Lào, đã dựa vào một số người Mã Lai và người Chăm theo đạo Hồi giết Ang Non I để giành lại ngôi vua. Chan cưới cô vợ người Mã Lai phong làm Hoàng hậu, bỏ quốc giáo là đạo Phật theo đạo Hồi của vợ làm cho tình hình chính trị của Chân Lạp càng thêm phức tạp. Chan còn giết chú ruột là nhiếp chính vương Utey và nhiều người trong hoàng tộc một cách dã man. Sự thay đổi tôn giáo cùng những hành vi độc ác của Chan khiến cho dân Chân Lạp tức giận, căm ghét, do đó ngày 25 tháng 01 năm 1658, hai người con của Utey là Ang So (Nặc Ông Sô) và Ang Tan (Nặc Ông Tân) dấy binh lật đổ Chan, nhưng bị thất bại, 2 hoàng thân của Chân Lạp phải bí mật gặp Thái hậu Ang Cuv để nương thân và nhờ bà viết thư xin chúa Hiền đưa binh sang giúp. Chúa Hiền (cháu gọi Thái hậu Ngọc Vạn bằng cô ruột) nhận lời, “sai phó tướng dinh Trấn Biên ( dinh Phú Yên) là Tôn Thất Yến, cai đội là Xuân Thắng, tham mưu là Minh Lộc đem 3.000 quân đến thành Hưng Phúc ( bấy giờ là Mỗi Xuy tức Bà Rịa, nay thuộc huyện Phước Chánh tỉnh Biên Hòa) phá được thành bắt Nặc Ông Chân đem về Quảng Bình” ( Đại Nam thực lục, T1, tr 72).

Năm 1659, Nặc Ông Chân chết, chúa Hiền phong cho Ang So (Nặc Ông Sô) làm quốc vương Chân Lạp hiệu là Batom Reachea. Từ đó hàng năm Chân Lạp phải triều cống chúa Nguyễn và tạo điều kiện cho di dân Đàng Trong vào lập nghiệp ở Chân Lạp. Ban đầu người Việt ở xen lẫn với người Khmer, khai khẩn đất đai, lập ruộng vườn sinh sống nhưng vì văn hóa bất đồng nên dần dần người Khmer tự bỏ đi nơi khác.

Về sự kiện này, Biên niên sử Chân Lạp ghi: “ Năm 1658, hai vị Hoàng thân Sô và Ang Tan, con Prah Utey đã thoát nạn lúc Quốc vương Ponhéa Chan tàn sát gia đình vị phụ chính 16 năm trước, cầm quân nổi loạn đánh nhà vua. Bị quân triều đình (Chân Lạp) phản công mãnh liệt, hai vị chạy trốn sang cung Hoàng hậu Ngọc Vạn, vợ của tiên vương Chey Chettha II. Hai người nhờ Hoàng hậu xin binh nhà Nguyễn đến giúp khôi phục ngai vàng. Chúa Nguyễn Hiền Vương nhận lời, phái một đạo binh viễn chinh vào tháng 10 năm 1658. Một hạm đội Cao Miên do một vị Hoàng Thân chỉ huy chặn đánh đạo quân Việt Nam, bị thua to ở ngoài biển Bà Rịa. Quân nhà Nguyễn tiến vào bắt Quốc Vương Ponhéa Chan nhốt trong cũi sắt đem về tỉnh Quảng Bình. Quốc Vương băng hà ở đấy. Quân Việt Nam đặt Hoàng thân Sô lên ngôi vua là Batom Réachéa”(tr 10- 11)

Năm 1672, Ponhéa So (Nặc Ông Sô) ở ngôi được 12 năm thì bị một người cháu đồng thời là rể giết để cướp ngôi, em của So là Phó vương Ang Tan lại chạy sang dinh Thái Khang (Nha Trang) cầu cứu. Chúa Hiền chuẩn bị đưa quân sang Chân Lạp nhưng ngay sau đó kẻ cướp ngôi đã bị vợ và con của Ponhéa So giết. Con của Ponhéa So (Nặc Ông Sô) là Ang Chei( Nặc Ông Đài) lên ngôi.

Năm 1674, Nặc Ông Đài dựa thế lực người Xiêm mang quân lấn ép vùng Đồng Nai, xây đắp công sự kiên cố ở Mỗi-xuy, làm xiềng sắt giăng ngang sông Mékong chống lại chúa Nguyễn.

Bị quân Xiêm đánh đuổi, Ang Tan cùng Ang Nan (Nặc Ông Nộn) chạy sang kêu cứu chúa Nguyễn. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần sai Cai cơ Nguyễn Dương Lâm và Tham mưu Nguyễn Diên Phái chia quân làm hai cánh cùng tiến đến Oudong. Nặc Ông Đài bỏ thành Nam Vang chạy vào rừng, rồi bị thuộc hạ đâm chết. Ang Tan cũng bệnh chết, giao binh quyền cho Ang Non, tức Nặc Ông Nộn. Nặc Nộn lên làm vua chưa được bao lâu thì bị Nặc Ông Thu (Ang Sor), em của Nặc Ông Đài kéo quân đánh. Nặc Nộn chạy sang Sài Gòn cầu cứu chúa Nguyễn. Nặc Ông Thu ra hàng.

Để giải quyết tình trạng "nồi da xáo thịt" dai dẳng này, chúa Nguyễn cho Nặc Ông Thu làm Chính vương, đóng đô ở Phnom pênh (Nam Vang), cho Nặc Ông Nộn làm Đệ nhị vương, đóng đô ở khu vực gò Cây Mai (thuộc Sài Gòn, nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh)

Đại Nam Thực lục chép: Năm Giáp Dần (1674) “Sai cai cơ đạo Nha Trang dinh Thái Khang là Nguyễn Dương Lâm (con quận công Nguyễn Văn Nghĩa là thống suất dinh Quảng Bình) đem quân cứu nước Chân Lạp. Trước là Nặc Ông Đài nước Chân Lạp mưu làm phản, làm cầu phao và xích sắt, đắp thành Nam Vang, nhưng còn sợ vua là Nặc Nộn, chưa dám hành động, bèn ngầm cầu viện nước Xiêm La, nói phao rằng vua Xiêm La đã phát 2 vạn quân bộ, 2 nghìn quân thủy và một nghìn voi ngựa đến hỏi Nặc Nộn về tội cự mệnh. Nặc Nộn cả sợ, chạy về Thái Khang. Dinh thần đem việc báo lên. Chúa nói rằng: “ Nặc Nộn là phiên thần, có việc nguy cấp, không thể không cứu”. Bèn sai Dương Lâm làm Thống binh, tướng thần lại thủ hợp là Nguyễn Diên Phái làm tham mưu, Văn Sùng (không rõ họ) làm Thị chiến, đem quân đi đánh. Bọn Dương Lâm chia binh làm hai đạo, đương đêm đánh úp phá các lũy Sài Gòn (nay là tỉnh lỵ Gia Định) và Bích Đôi (Gò Bích), chặt cầu phao và xích sắt, thẳng tiến vây thành Nam Vang. Nặc Ông Đài hoảng sợ chạy chết. Nặc Thu đến quân môn xin hàng. Tin thắng trận báo về, triều đình bàn rằng Nặc Thu là dòng đích thì phong làm vua chính, đóng ở thành Long Úc (U Đông), Nặc Nộn làm vua thứ nhì, đóng ở thành Sài Gòn, cùng coi việc nước, hằng năm triều cống.”( ĐNTL, tr 89)

Theo Huỳnh Văn Lang viết trong quyển Công Chúa Sứ Giả, thì:

Sau khi Năc Ông Đài mất, Còn lại Ang Tan và Ang Non, hai con của Ponhéa So. Ang Tan chết bệnh, Ang Non là Năc Ông Nộn lên ngôi vua. Nhưng chỉ 5 tháng sau, tức là cuối năm 1674, em của Nặc Ông Đài là Nặc Ông Thu kéo quân đánh lại Nặc Ông Nộn. Nặc Ông Nộn chạy về Sàigon, kêu cứu với chúa Nguyễn.

Chúa Nguyễn giải quyết vấn đề "nồi da xáo thịt" nầy bằng cách nhìn nhận cho Nặc Ông Thu làm Chánh vương vì là thuộc dòng nhà bác, đóng đô ở Phnom pênh, cho Nặc Ông Nộn làm Obareach, tức là Đệ nhị vương, đóng đô ở khu vực gò Cây Mai... Cả hai vị vua Chân Lạp đều phải triều cống xưng thần với chúa Nguyễn tại Kim Long. Vua Nặc Ông Nộn ở Sài Gòn đến khi chết năm 1691 thì toàn quyền cai trị tại đây thuộc về chúa Nguyễn.

Sau hơn 50 năm sống trong chốn vàng son nhưng đẫm máu ấy, Thái hậu Ngọc Vạn đã theo Nặc Ông Nộn về Sài Côn, rồi lui về sống ở Bà Rịa. Nơi đây, bà cho lập chùa Gia Lào (núi Chứa Chan, Đồng Nai), rồi ẩn tu cho đến hết đời. (theo Wikipedia)

Năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn Phúc Chu cử thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược đất Chân Lạp, lập phủ Gia Định trên phần đất đã được những người di dân Việt Nam khai phá, bao gồm huyện Phước Long (có dinh Trấn Biên) và huyện Tân Bình (có dinh Phiên Trấn). Vùng đất Chân Lạp tương ứng với miền Đông Nam bộ ngày nay đã được sáp nhập vào xứ Đàng Trong.

Đại Nam thực lục tiền biên ghi “Bắt đầu đặt phủ Gia Định. Sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh/Kính kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long (nay thăng làm phủ), dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hoà ngày nay), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình (nay thăng làm phủ), dựng dinh Phiên trấn (tức Gia Định ngày nay), mỗi dinh đều đặt các chức lưu thủ, cai bạ, ký lục và các cơ đội thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh. Mở rộng đất nước nghìn dặm, được hơn 4 vạn hộ, bèn chiêu mộ những dân xiêu dạt từ Bố Chính trở về Nam cho đến ở cho đông. Thiết lập xã thôn phường ấp, chia cắt giới phận, khai khẩn ruộng nương, định lệnh thuế tô dung, làm sổ đinh điền (ĐNTL tr 111)

Nhờ cuộc hôn nhân của công nương Ngọc Vạn mà nước ta có được vùng đất Nam bộ trù phú bằng đường lối ngoại giao hòa bình thân thiện, còn Chân Lạp thì bảo vệ được chủ quyền độc lập, thoát khỏi hiểm họa mất nước về tay quân Xiêm.

Công lao của bà Ngọc Vạn đối với tổ quốc vô cùng to lớn nhưng rất tiếc là sử sách chưa chính thức vinh danh bà để mọi người dân Việt Nam biết ơn vị công nương nhà Nguyễn đã mang về cho dân tộc một vùng đất phương Nam bao la, một vựa lúa khổng lồ nuôi sống dân tộc.

                                                                                         
Châu Yến Loan

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/04/2022(Xem: 3204)
Sau Mộc bản Triều Nguyễn, bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám thì Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu thứ 3 được thế giới vinh danh “Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Theo bia tháp ghi lại, năm Thuận Thiên Nguyên Niên (1010), vua Lý Thái Tổ cử hai quan trong triều là Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạt thiết kế đồ án, lo việc kiến thiết 8 ngôi chùa, trong đó có chùa Vĩnh Nghiêm ở tỉnh Bắc Giang hiện nay. Chùa Vĩnh Nghiêm được hoàn thành vào năm 1016, với ý nghĩa là nơi mãi mãi tôn nghiêm và vị trụ trì đầu tiên là Thiền Sư Vạn Hạnh.
20/03/2022(Xem: 3196)
Nói đến chùa ở Huế thì không một người dân nào của đất cố đô lại không biết đến chùa Từ Hiếu, ngôi cổ tự sắc phong hùng vĩ tọa lạc tại núi Dương Xuân, xã Thủy Xuân, cách thành phố Huế 5km về phía tây nam với cảnh quan sơn thủy hữu tình giữa một không gian đầy an lạc và tĩnh lặng. Chùa quay mặt ra hướng đông nam lấy núi Ngự Bình làm tiền án và được thiết kế theo lối kiến trúc cổ lâu, mái cong nắp đắp hình rồng nổi.
20/03/2022(Xem: 3129)
Đất nước Việt Nam trải dài trên ba miền với hình cong chữ S thanh mảnh mà đoạn giữa như vòng eo con gái tuổi tròn trăng, trên địa hình thon hẹp đó có một nơi chốn được mang tên: Huế. Khi nói đến địa danh trên chúng ta thấy hiện ra trước mắt mình hai biểu tượng đẹp của xứ sở này là: Sông Hương và Núi Ngự. Hai cái tên ấy đã là một trong những điều kiện để cố đô Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
14/03/2022(Xem: 6089)
Chùa Tổ Đình Thiên Quang, thường ở gọi là chùa Thiên Quang, tọa lạc tại thôn Phú Lộc Tây yên tĩnh ven theo bờ sông Cái, thuộc Thị trấn Thành - Diên Khánh. Thôn Phú Lộc Tây từ hơn trăm năm trước nổi tiếng là làng nghề đúc đồng với những sản phẩm như lư hương, lục bình, chân đèn, đài đựng nước, cổ bồng và đồ dung kim khí sinh hoạt đời thường, nông cụ… Các vị bô lão cho hay là làng đã được vua Tự Đức triều Nguyễn ban sắc phong công nhận làng nghề truyền thống. Được xem là làng nghề lâu đời và có tiếng ở vùng Nam Trung bộ, sản phẩm đồng của Phú Lộc Tây không chỉ tiêu thụ ngay tại tỉnh nhà mà còn xuất bán đến nhiều tỉnh, thành miền Trung… Hiện còn khoảng trên 50 hộ còn gìn giữ và tiếp nối sự nghiệp của tiên tổ cha ông. Hằng năm, đến ngày 12 và 13 tháng Giêng âm lịch là ngày giỗ Tổ nghề đúc đồng của làng. Ngày nay, một con đường rộng lớn được mở rộng và tráng nhựa đi ngang qua bên dòng sông Cái trước làng nghề và chùa, nên chùa có địa chỉ mới nhất là 208 đườ
07/02/2022(Xem: 3905)
Tổ Đình Sắc Tứ Liên Hoa Tự, thường được gọi là chùa Liên Hoa, tọa lạc tại thôn Xuân Lạc, xã Vĩnh Ngọc, là một ngôi chùa có xuất xứ lâu đời, khoảng 300 năm. Ngày nay, tên chùa được đặt cho tên con đường liên thôn xã, nên địa chỉ của chùa là: số 74 đường Liên Hoa. Xưa, chùa có tên là “Linh Phong Tự”, do Thiên sư Chân Hòa, thuộc dòng Lâm Tế khai sơn tạo dựng vào cuối thế kỷ XVII, nằm trên địa phận làng Xuân Phong, huyện Vĩnh Xương,
04/04/2021(Xem: 4076)
Chùa Trúc Lâm Trúc Lâm chùa ở chốn thần kinh. Phong cảnh nhìn xem thật hữu tình. Trước mặt bờ khe ùn cát trắng. Sau lưng, chòm núi lợp cây xanh. Gió Từ quét sạch rừng phiền não. Mưa Pháp trôi đùa áng lợi danh. Y bát mai sau truyền gốc đạo. Tre già măng mọc ngắm càng xinh. Đoàn Lục Quán
07/03/2021(Xem: 5476)
Huế, cố đô một thời, là thành phố nhỏ bé như vậy mà lại có nhiều chùa nhất so với các miền khác trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Bởi, nơi đây có chiều dài lịch sử lập quốc của nhà Nguyễn từ khi người đầu tiên khai mở là Nguyễn Hoàng, muốn tránh sự sát hại của người anh rể là Trịnh Kiểm nên xin đi xa vào Nam để khai khẩn đất hoang theo sự vấn kế của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua câu phán: “ Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân.“ Và, Chùa Thiên Mụ danh Tự có từ đó. Đứng đầu bảng trong 10 ngôi chùa nổi tiếng tại Huế.
04/02/2021(Xem: 5264)
Hôm nay, ngày 3/2/2021 nhằm ngày 22/12 năm Canh Tý, Bổn tự Thanh Xuân chúng con đã thành tựu duyên lành; được Chư Tôn Đức thương tưởng quang lâm chú nguyện, quý thiện tín gần xa phát tâm tịnh tài trợ duyên cho Bổn tự chúng con tạo dựng những Pháp khí hồng gia trì cầu nguyện âm siêu dương thới, thế giới hòa bình, thiên tai dịch bệnh tiêu diệt, nhà nhà an vui, người người quý mến nhau... Chúng con thành kính đảnh lễ cảm tạ tri ân, nguyện sống theo chánh pháp, phụng sự Tam Bảo ngõ hầu báo đáp tứ ân. Chúng con kính chúc Chư Tôn Đức Pháp thể khinh an chúng sanh dị độ, mãi là ngọn hải đăng cho chúng con nương về. Mùa xuân chúc quý Phật tử, thiện nam tín nữ gần xa luôn bình an, bình an trong thời điểm khó khăn của mùa dịch bệnh, chúc quý vị sự nghiệp hanh thông, luôn lấy pháp như lai để hành điều thiện lành trong đời Nam Mô An Lạc Hạnh Bồ Tát.
17/11/2020(Xem: 4228)
Chùa Diên Khánh tọa lạc trên xã đảo Tam Hải, Núi Thành, tỉnh Quảng Nam là ngôi già lam hiếm hoi trên ốc đảo cách đất liền 10km đường chim bay, nên cũng là nơi đồng bào Phật tử hằng ngày hằng đêm tề tựu về nương nhờ hồng ân Tam Bảo để tụng niệm, tu học chánh pháp để vơi nhẹ những khổ đau trong cuộc sống nhọc nhằn bao năm qua… Từ một thảo am tịnh tu của những năm xa xưa, sau rất nhiều lần được tôn tạo tái thiết đã dần dần trở thành một ngôi chùa với hình vóc khiêm tốn, giản dị nhưng cũng viên toàn vẻ trang nghiêm ấm cúng để đón nhận đại chúng về nương tựa với tinh thần thiểu dục tri túc. Mùa mưa bão năm nay kéo dài, qua nhiều cơn bão đổ bộ vào Miền Trung với sức càn quét hung hãn đã gây thiệt hại rất nhiều cho nhân quần xã hội, và ngôi chùa Diên Khánh trên ốc đảo vắng vẻ xa xôi này cũng không thoát khỏi được sự tàn phá ghê gớm ấy.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567