Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Gặp gỡ các Thiên Sứ (Meeting the Divine Messengers )

08/03/202417:04(Xem: 701)
Gặp gỡ các Thiên Sứ (Meeting the Divine Messengers )


Bhikkhu_Bodhi


GẶP GỠ CÁC THIÊN SỨ
( Meeting the Divine Messengers )

 By Bhikkhu Bodhi
 Việt dịch : Nguyên Nhật Trần Như Mai

 

Huyền thoại truyền thống về cuộc đơi Đức Phật kể lại rằng trong suốt thời niên thiếu và vào tuổi trưởng thành, thái tử Siddhattha (Tất-Đạt-Đa), tức là Bồ Tát ( lúc chưa thành Phật ), sống hoàn toàn không biết gì về những sự kiện sơ đẳng liên quan đến  hệ lụy của kiếp người. Vì lo lắng  bảo vệ cho thái tử khỏi phải chứng kiến những cảnh khổ đau, phụ vương của ngài đã thiếu khôn ngoan khi gìn giữ  ngài như một người hoàn toàn không biết gì về thế giới bên ngoài. Bị giữ chân trong những lâu đài tráng lệ, được cung cấp mọi lạc thú trần gian, và luôn có bạn bè vui nhộn vây quanh, thái tử đã chẳng hề có chút nghi ngờ nào rằng cuộc sống không có gì khác  hơn là những cuộc vui và tiệc tùng lễ hội bất tận. Chỉ trong ngày định mệnh ấy, lúc thái tử được 29 tuổi,  vì tò mò thái tử đã đi ra khỏi cổng thành của cung điện và chứng kiến bốn “thiên sứ”, sự kiện này đã làm thay đổi số phận của ngài. Thiên sứ đầu tiên là một người già yếu, thứ hai là một người bệnh tật, và thứ ba  là một tử thi, tất cả đã dạy cho ngài biết sự thật kinh hoàng về tuổi già, bệnh tật và cái chết; và thiên sứ thứ tư là một du sĩ khổ hạnh, người hé lộ cho ngài biết về sự hiện hữu của một con đường vượt thoát mọi  khổ đau.

Câu chuyện hấp dẫn này, đã nuôi dưỡng đức tin của Phật tử qua nhiều thế kỷ, và trong cốt lõi đã trân quý chứa đựng một sự thật tâm lý sâu sắc . Trong ngôn ngữ huyền thoại, chuyện đã kể cho chúng ta không những chỉ là những sự kiện đã xảy ra nhiều thế kỷ trước, mà còn là một tiến trình thức tỉnh mà mỗi chúng ta phải trải qua, nếu Giáo pháp ấy trở thành hiện thưc trong  chính  mỗi chúng ta. Bên dưới lớp vỏ biểu tượng của một huyền thoại xưa cổ, chúng ta có thể thấy rằng tuổi thanh niên cũa thái tử Siddhattha trải qua trong cung điện cũng không khác gì nhiều với lối sống mà phần lớn chúng ta ngày nay đã trải qua suốt cuộc đời  - và đáng buồn thay, thường là kéo dài cho đến khi quá muộn để có thể bắt đầu  chuyển qua một hướng mới. Nhà ở của chúng ta có thể không phải là cung điện hoàng gia, và tài sản của chúng ta có thể chẳng có gì đáng kể so với tài sản của một vị vua miền bắc Ấn độ, nhưng chúng ta cùng có chung với thái tử Siddhattha sự  thích thú ( và thường là cố ý ) lãng quên những thực tại phủ phàng đang liên tục thúc đẩy sự chú ý của chúng ta.

 

Nếu giáo pháp là những gì khác hơn  bối cảnh nhạt nhẽo, buồn chán của một cuộc sống thoải mái, nếu giáo pháp trở thành tiếng nói khơi nguồn cảm hứng, đôi lúc khó nghe, để lái chúng ta đến với con đường tỉnh thức cao thượng, thì chính chúng ta cần phải tích cực noi gương Bồ Tát trong quá trình trưởng thành của ngài. Tham gia vào cuộc hành trình của ngài bên ngoài các bức tường thành của cung điện – những bức tường định kiến đầy tự tin của chúng ta – chúng ta phải tận mắt nhìn thấy các thiện sứ mà chúng ta thường bỏ qua, vì mắt chúng ta đang dán chặt vào  “những chuyện quan trọng hơn”, nghĩa là  những mục tiêu và mối quan tâm đời thường.

 

Đức Phật nói rằng ít người cảm thấy bị kích động  bởi những gì thật sự đáng bị kích động , so với số đông những người không hề bị kích động. Những động lưc dẫn đến sự tỉnh thức thúc ép chúng ta từ mọi phía, tuy nhiên thay vì công nhận chúng, chúng ta thường đáp ứng bằng cách phủ thêm một lớp áo để bảo vệ chúng ta khỏi bị chúng làm tổn thương. Lời khẳng định này đã được mặc nhiên chứng minh, bởi hằng loạt các cuộc thảo luận và văn bản gần đây nói về vấn đề lão hóa, các bệnh tật đe dọa mạng sống và những cách tiếp cận khác nhau đối với cái chết và vấn đề tử vong. Tuy nhiên sự thức tỉnh cởi  mở và chân thật vẫn chưa đủ để các thiên sứ truyền đạt thông điệp của họ. Để truyền đạt thông điệp của các thiên sứ,  một thông điệp có khả năng sách tấn chúng ta đi đến con đường giải thoát, có nhiều việc hơn nữa cần phải làm. Chúng ta cần phải đương đầu với tuổi già, bệnh tật và cái chết, không đơn giản như là những thực tại không thể trốn tránh mà chúng ta phải cố gắng vượt qua trên thực tế, nhưng chúng ta cần phải xem chúng như là những sứ giả từ cõi trên, từ bến bờ xa xăm, đang tiết lộ cho chúng ta biết nhiều chiều hướng ý nghĩa mới.

 

Sự tiết lộ này xảy ra ở hai cấp độ. Trước tiên, để trở thành các thiên sứ, những sự thật về tuổi già, bệnh tật và cái chết phải đánh động chúng ta để  ta  tỉnh thức về bản chất mong manh, nguy hiểm của đời sống hằng ngày. Ba thiên sứ đầu tiên phải gây ấn tượng mạnh vào tâm trí chúng ta về sự thiếu sót trầm trọng xuyên suốt mọi vấn đề đáng quan tâm trong đời sống của ta, trải rộng đến toàn thể mọi hiện tượng hữu vi . Từ đó chúng trở thành những cánh cửa mở ra chân lý  đầu tiên về Khổ , mà Đức Phật đã nói là chân lý này không chỉ bao gồm sinh, già, bệnh, chết, không những chỉ là buồn khổ, sầu bi, đau đớn, ưu phiền mà còn bao gồm  tất cả những yếu tố thể chất và tinh thần đã tạo ra con người chúng ta trong thế giới này. Vị du sĩ khổ hạnh phải trở thành cái gì khác hơn là một đối tượng kỳ lạ khiến ta tò mò, vị ấy phục vụ như một người nhắc nhở chúng ta rằng con đường giải thoát đi xuyên suốt cảnh tượng khắc khổ của việc xuất gia và làm chủ nội tâm. Được bao bọc trong tấm y màu vàng đất, nhân vật trầm mặc và đáng kính trọng này phục vụ như là một dấu chỉ đến chân lý cao thượng thứ tư, chân lý về con đường giải thoát, và đỉnh cao là chân lý về sự chấm dứt khổ.

 

Khi chúng ta gặp các thiên sứ ở cấp độ này, họ trở thành những chất xúc tác tạo nên sự chuyển hóa nội tâm sâu sắc trong ta. Chúng ta nhận thức rằng bởi vì chúng ta  yếu đuối  và không thể nào tránh khỏi cái chết,  ta phải tạo ra những thay đổi quyết liệt về các vấn đề ưu tiên của sự hiện hữu và giá trị cá nhận. Thay vì để cho cuộc sống của ta bị những chuyện phù du nhỏ nhặt chi phối, bởi những chuyện nay còn mai mất, ta cần phải quan tâm đến  “những gì thật sự quan trọng”, đến những mục đích và hành động có ảnh hưởng lâu dài đến số phận của chúng ta trong nhiều kiếp, và mục tiêu tối hậu của chúng ta khi ta còn  lang thang trong vòng luân hồi sanh tử.

 

Trước khi việc tái thẩm định giá trị xảy ra, chúng ta thường sống trong một tình trạng mà Đức Phật gọi là ‘ buông lung phóng dật”( pamăda). Tưởng tượng rằng chúng ta bất tử và thế giới là sân chơi  của riêng ta, ta dành mọi năng lương của ta vào “ các pháp thế gian” như là tích lũy tài sản, hưởng thụ những dục lạc giác quan, đạt được địa vị xã hội, và săn đuổi theo danh vọng. Thuốc chữa bệnh buông lung phóng dật có cùng phẩm chất như  đã khởi lên trong tâm trí Bồ Tát khi ngài gặp vị thiên sứ trên đường phố của thành Kapilavatthu  (Ca-tỳ-la-vệ ). Phẩm chất này, trong tiếng Pali gọi là samvega nghĩa là “ một cảm giác cấp bách “, một sự kích động nội tâm hay là kinh hoàng, không cho phép chúng ta giữ nguyên thái độ hài lòng với thói quen thích nghi  trong đời sống thế tục. Thay vào đó nó thúc đẩy chúng ta bắt đầu cuộc hành trình của kẻ sống không gia đình, dù là theo nghĩa đen hay nghĩa bóng. Như Thái tử Siddharttha đã làm sau khi gặp vị khất sĩ lang thang không nhà, chúng ta cũng phải bỏ lại đằng sau những lâu đài ấm cúng của mình và dấn thân vào các khu rừng hoang xa lạ, để tích cực tìm ra giải pháp đích thật cho số phận hiện hữu của chúng ta.

 

Chính ở điểm này mà chức năng thứ hai của các vị thiên sứ trở thành nổi bật. Vì già , bệnh và chết không chỉ là biểu tượng của bản chất bất toại nguyện của sự hiện hữu ở thế gian, nhưng còn là dấu chỉ của một thực tại sâu sắc hơn thế nữa. Theo huyền thoại truyền thống thì bốn vị thiên sứ này là chư thiên giả dạng. Các vị thiên  này đã được vua trời gởi xuống thế gian để thức tỉnh Bồ Tát về sứ mạng lịch sử của ngài, và một khi họ hoàn thành sứ mạng đem thông điệp đến cho Bồ Tát, họ sẽ trở lại hình tướng của chư thiên. Điều này cho chúng ta thấy rằng lời dạy cuối cùng của Giáo Pháp  không phải là đầu hàng, không phải là một mênh lệnh buộc ta  cam chịu thực tại tàn nhẫn của kiếp người, thậm chí cũng không phải chấp nhận giới hạn của chúng ta bằng một tâm thái vui mừng. Tính chất không thể tránh được của già, bệnh và chết là thông điệp đầu tiên của Giáo Pháp,  thông báo rằng ngôi nhà của chúng ta đang bốc cháy. Thông điệp cuối cùng, do vị thiên sứ thứ tư gợi ý, là một điều gì khác : một tiếng reo vui tin tưởng rằng có một nơi an toàn, một khoảng đất trời rộng mở bên kia ngôi nhà lửa , và một dấu hiệu chỉ đường để ta thoát ra khỏi nhà lửa.

Nếu trong tiến trình thức tỉnh, .chúng ta phải đối mặt với già, bệnh, chết,  đó là  vì nơi an toàn chỉ có thể đạt được bằng cách thật tâm đương đầu với sự thật phủ phàng về thân phận con người. Chúng ta không thể đạt đến nơi an toàn bằng cách giả vờ xem ngọn lửa đang bao trùm ngôi nhà của chúng ta như là những tràng hoa; chúng ta phải nhìn chúng đúng như thật, như là những ngọn lửa thật. Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn những vị thiên sứ này một cách chính xác, không  ngượng ngùng hay sợ hãi, chúng ta sẽ thấy rằng khuôn mặt của họ trải qua một sự biến đổi bất ngờ.  Trước mắt chúng ta, bằng những mức độ tinh tế, họ biến thành một khuôn mặt khác – khuôn mặt của Đức Phật , với nụ cười an bình chiến thắng trước đoàn quân của Ma Vương, trước bầy quỷ Dục Vọng và Tử Thần. Các thiên sứ chỉ cho chúng ta thấy những gì bên kia cái tạm bợ phù du, đó là một trạng thái  thực tại  nơi không còn già, không còn bệnh và không còn chết. Đây là mục tiêu và đích đến cuối cùng của Phật đạo – đó là Niết Bàn, nơi Không Già, Không Bệnh,  Không Chết. Chính là để hướng dẫn chúng ta đí đến nơi ấy mà các thiên sứ đã xuất hiện giữa chúng ta và thông điệp của họ là tin vui báo cho chúng ta biết rằng mục tiêu này đang sẵn sàng chờ đón chúng ta.

 

Sources: Inquiring Mind-volume 25 # 1- fall-2008-Heavenly Messengers

 

 

 

____________________________

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567