Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Các Vị La Hán Chùa Tây Phương (thơ)

14/03/202407:46(Xem: 1935)
Các Vị La Hán Chùa Tây Phương (thơ)

la han chua tay phuong

Các Vị La Hán
Chùa Tây Phương

Các vị La Hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
Há chẳng phải đây là xứ Phật,
Mà sao ai nấy mặt đau thương?

Đây vị xương trần chân với tay
Có chi thiêu đốt tấm thân gầy
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
Tự bấy ngồi y cho đến nay.

Có vị mắt giương, mày nhíu xệch
Trán như nổi sóng biển luân hồi
Môi cong chua chát, tâm hồn héo
Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.

Có vị chân tay co xếp lại
Tròn xoe tựa thể chiếc thai non
Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối
Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn...

Các vị ngồi đây trong lặng yên
Mà nghe giông bão nổ trăm miền
Như từ vực thẳm đời nhân loại
Bóng tối đùn ra trận gió đen.

Mỗi người một vẻ, mặt con người
Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời
Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã
Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.

Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.

Có thực trên đường tu đến Phật
Trần gian tìm cởi áo trầm luân
Bấy nhiêu quằn quại run lần chót
Các vị đau theo lòng chúng nhân?

Nào đâu, bác thợ cả xưa đâu?
Sống lại cho tôi hỏi một câu:
Bác tạc bấy nhiêu hình khổ hạnh
Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau?

Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão
Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời
Là cha ông đó bằng xương máu
Đã khổ, không yên cả đứng ngồi.

Cha ông năm tháng đè lưng nặng
Những bạn đương thời của Nguyễn Du
Nung nấu tâm can, vò võ trán
Đau đời có cứu được đời đâu.

Đứt ruột cha ông trong cái thuở
Cuộc sống giậm chân hoài một chỗ
Bao nhiêu hi vọng thúc bên sườn
Héo tựa mầm non thiếu ánh dương.

Hoàng hôn thế kỷ phủ bao la
Sờ soạng cha ông tìm lối ra
Có phải thế mà trên mặt tượng
Nửa như khói ám, nửa sương tà.

Các vị La Hán chùa Tây Phương!
Hôm nay xã hội đã lên đường
Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại
Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương.

Cha ông yêu mến thời xưa cũ
Trần trụi đau thương bỗng hoá gần!
Những bước mất đi trong thớ gỗ
Về đây, tươi vạn dặm đường xuân.


27-12-1960
Huy Cận

***

gioi-thieu-chua-tay-phuong-1
***


CÁC VỊ LA HÁN CHÙA TÂY PHƯƠNG***


Các vị la hán chùa Tây Phương
Nếu ai hướng đến hết sầu vương
Đúng vậy nơi đây là xứ Phật
Suối từ bi chảy xóa đau thương

Đây những thân hình khô chân tay
Vì lo nhân thế khổ thân gầy
Tìm phương cứu giúp cho nhân loại
Từ mãi xa xưa tận ngày nay

Có vị nhíu mày mãi không thôi
Xót xa nhân thế khổ luân hồi
Trải tâm xanh tốt trong đời sống
Phải vận gân gầy - bầu huyết sôi.

Có vị tay chân bình xếp lại
Tròn xoe như thể búp sen non
Đôi tay phúc đức dài ngang gối
Cứu vớt nhân sinh hết nỗi buồn.

Có vị rong chơi trong lặng yên
Mà trãi tình thương khắp trăm miền
Hướng tâm quan sát trong nhân loại
Nghiệp lực sâu dày tựa gió đen.

Nhân quả cảm chiêu đến mỗi người
Tạo nghiệp gieo nhân khắp đất trời
Bất an tụ hội nên vật vã
Thánh nhân nguyện cứu cuộc đời thôi.

Nhìn nhân hiện tại - biết mai sau
Thập phương phổ độ vượt nông sâu
Một câu nạn vấn - im mà đáp
Không hiểu- ai nấy mặt chau chau.

Đúng vậy trên đường tu đạo Phật
Hòa thân vào khắp cõi trầm luân
Chúng sanh nghiệp nặng tìm phương cứu
Chỉ tin về quả để tu nhân.

Bác ơi - bác thợ ngày xưa đâu?
Sống lại nhắn đời thêm vài câu
Nên sống với nhau bằng đức hạnh
Xin đời luôn mãi mến thương nhau.

Tất cả các Ngài vào gió bão
Khai nguồn từ ái cứu cuộc đời
Giống như hiền thánh bao đời trước
Chịu khổ cho dân an đứng ngồi.

Tổ tiên năm tháng ưu tư năng
Chung nỗi niềm riêng cụ Nguyễn Du
Thương đời suy thoái nên khuyên nhắc
Chuyển lòng hướng thiện chớ tìm đâu!

Thương xót cha ông trong muôn thuở
Văn hiến nghìn năm mất hướng phương
Bao nhiêu tâm huyết hầu như mất
Lụn bại điêu tàn tựa ánh dương.

Hoàng hôn thế kỉ phủ bao la
Đạo đức suy đồi không lối ra
Hào quang luôn tỏa trên thánh tượng
Quyết cứu nhân gian vượt nẻo tà.

Hoa vàng giăng lối cảnh Tây Phương
Đón khách lợi danh viếng Phật đường
Chắp tay lễ Phật hồn tươi tỉnh
Buồn khổ trong tâm theo khói sương.

Hào khí tổ tiên như trở lại
Bình dị thương yêu qúa quen gần
Tất cả từ đây lưu vạn nẻo
Hồn người như nguyện với hồn xuân

Xin gởi một lời cùng mây lá
Nghiệp cảm chúng sanh quá rõ ràng
Tâm buồn nên cảnh y như rứa
Người sầu nhìn thánh cũng hoang mang(*).


(*)Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
( Nguyễn Du )

** Chùa Tây Phương (Tây Phương Cổ Tự) rất cổ kính mang dấu vết thời gian xưa cũ tọa lạc tại đỉnh đồi Câu Lâu, thôn Yên, xã Thạch Xá, Thạch Thất, Hà Nội.
Chùa Tây Phương là ngôi chùa cổ thứ 2 ở Việt Nam sau chùa Dâu ở Bắc Ninh. Bộ tượng Phật giáo tại chùa được công nhận là Bảo vật quốc gia. Ngôi chùa nằm an yên, tĩnh lặng giữa cảnh sắc thiên nhiên bao la, hùng vĩ…


T T .Thích Như Giải (Cảm họa)




la han chua tay phuong 2
****

Các Vị Là Hán Chùa Tây Phương
(Cảm họa y đề bài: “ Các Vị La Hán chùa Tây phương “ của Huy Cận)

Các vị La Hán chùa Tây Phương
Dứt trừ lậu hoặc sạch sầu vương
Từng tu khổ hạnh rèn tâm trí
Đắc đạo đem lòng trải suối thương

Chẳng ngại gian lao mở rộng tay
Cứu nhân độ thế chuyển mê gầy
Từ bi thắm đượm tươi màu mắt
Hạnh đức nghiêm trang xưa tới nay

Xét thấy trần gian muôn mối lệch
Tuỳ duyên hoá độ vượt luân hồi
Tinh thần linh mẫn xây đời mới
Đoạn tận tham si tuệ chiếu soi

Thiền tọa an yên tay xếp lại
Thân ngay ý định rạng lòng son
Đức lành hiển hiện thơm nguồn cội
Dẫn dắt sinh linh thoát nẻo buồn

Chư vị mong đời sống được yên
Ngày đêm hướng nguyện trải trăm miền
Nguyền cho khắp chốn cùng muôn loại
Thắp sáng tình thân phá bóng đen

Xưa nay người khổ bởi do người
Chém giết đua chen máu lệ rơi
Bình thản lặng im tượng chẳng nói
Thế nhưng ngắm tượng nghiệp liền vơi

Nhìn trước trông lên ngoảnh ngó sau
Chúng sanh nghiệp lực đã dìm sâu
Âm thầm cứu giúp không cần đáp
Vận hết tâm can gạn não sầu

Chính ở nơi đây là cảnh Phật
Đừng nên nghi vấn nữa trầm luân
Vô thường thổi đến rồi than khóc
Không biết đường đi khổ luỵ quần

Đâu cần vẹn hỏi thợ chi đâu
Ngẫm nghĩ thì hay rõ được câu
Khổ hạnh hình dung trên nét tượng
Lợi danh chẳng vướng đạo truyền nhau

Xưa nay sở dĩ nhiều giông bão
Là bởi sân si quấn cuộn đời
Biết vậy quay về nương thánh tượng
Vững chãi an vui đi đứng ngồi

Không hiểu cho nên lòng trĩu nặng
Nào đâu phải bạn Nguyễn Du đâu
Ví chi tội rứa không gìn trán
Lắng chút suy tư nghiệm lẽ mầu

Tu tâm tịnh đức ngàn muôn thuở
Khổ nhọc không màng lòng tựa gương
Bóng hiện hình in trăng tỏ rạng
Đâu đâu cũng thấy đạo soi đường

Đạo vàng chiếu tỏa rộng bao La
Dẫn dắt chúng sinh tìm lối ra
Sáu nẻo luân hồi quy giác ngạn
Lắng nghe diệu pháp chuyển mê tà

Các vị La Hán chùa Tây phương
Đã tu chứng đắc pháp thanh lương
Lòng trong trí sáng luôn an lạc
Phổ độ hàm linh hướng diệu thường

Giờ đây hướng đến quyết tu tâm
Dẫu thánh đã xa nhưng tượng gần
Mỗi nét mỗi hình trên thớ gỗ
Cho ta nhận diện vĩnh trường xuân..!

Tu Viện An Lạc, California, 12 giờ khuya
11 -03-2024
Trúc Nguyên-Thích Chúc Hiền ( cảm họa)

🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️


la han chua tay phuong-1



Các Vị La Hán
Chùa Tây Phương

 

Phật Pháp nhiệm mầu hiện khắp phương

Tây Phương La hán viếng chùa vương

Lại ngẫm đây là nơi cõi Phật

Bần thần các vị nét sầu vương

 

 

Thân trần hiện rõ dáng cùng tay

Khổ luyện công phu với xác gầy

Thiền môn được thoát từ đôi mắt

Vẫn mãi thời gian vạn thuở nay

 

 

Những nét thân thô đời tưởng xệch

Suy cùng pháp khổ cõi luân hồi

Thì đây rõ hiện đời khô héo

Khai giảng nhân trần… vốn sục sôi

 

 

Cử chỉ vương sầu dường để lại

Vòng tròn kiếp lụn cả phôi non

Biểu hiện tu tròn tai quá gối

Bình yên ngồi đó có chi buồn

 

 

Tịch tĩnh không gian rõ lặng yên

Nhìn ra khắp chốn dậy quanh miền

Tận cùng khốn khổ nhìn nhân loại

Thảy chúng đang chìm chốn thảm đen

 

 

La Hán còn đây hiện vẽ người

Ngàn thương chúng khổ dưới lưng trời

Vẫn thế thong dong nào vội vã

Lặng yên thơm ngát chẳng nào hôi

 

 

Còn đây mặt cúi ngoảnh về sau

Tựa hỏi nhân quần thấy vực sâu

Trầm ngâm hỏi cả cần chi đáp

Qua thời hiện rõ dáng mày chau

 

 

Tinh tấn công năng cầu kiến Phật

Thoát vòng trần tục giải trầm luân

Điều chi vạn cảnh đầy cơ khổ

Các vị hiện đời giáo thế nhân

 

 

Kẻ tạc tượng nầy hỏi ở đâu?

Dấu xưa hiện thế ngẫm vài câu

Bao nhiêu tượng tạc theo công hạnh

Gióng cả tình nầy Phật tánh trau

 

 

Dù dòng phiêu bạt trùng giông bão

Tâm sự miên man chuyện giữa đời

Người xưa để lại lưu dòng máu

Khổ cực nào yên cảnh đứng ngồi

 

 

Tất thảy người xưa còn gánh nặng

Quí vị một thời cụ Nguyễn Du

Gây dựng cơ đồ, còn nhíu trán

Nhìn thương đời đó giúp gì đâu

 

 

Ngẫm kỷ cha ông từng một thuở

Chịu đắng nuốt cay dìm một chỗ

Hoài mong thay đổi thúc bên sườn

Chẳng thấy bình minh toả ánh dương

 

 

Xuôi dòng lịch sữ vẫn bên ta

Gắng giữ tinh thần gốc sữ ra

In như thể hiện trên thân tượng

Cái mốc thời gian phủ khói tà

 

 

Tượng còn La Hán chốn Tây Phương

Khắp ngã hân hoan tựa tiếp đường

Hân hoan tượng ấy dường tươi lại

Cái cảnh chiều dần chẳng khói sương



Tiền nhân vạn thuở hình xưa cũ

Ngàn dáng tai ương rõ hoá dần

Phai nhạt qua thời trên thớ gỗ

Vui cùng cõi thế vạn đường xuân.

 

 

Sài Gòn, 14/03/2024

PT. Minh Đạo (Cảm hoạ)



la han chua tay phuong-7

CÁC VỊ LA HÁN CHÙA TÂY PHƯƠNG

 

 

Các vị La Hán Chùa Tây Phương

Nay đến thăm về lòng mến thương

Đúng thật nơi đây là xứ Phật

Mặt người cảnh hiện chốn thanh lương.

 

Nhìn vị xương trần chân với tay

Ô hay, hư huyễn tấm thân gầy

An nhiên trầm lắng nhìn thấu thị

Tự bấy lâu rồi chẳng thị phi.

 

Có vị mắt giương, nhìn quán triệt

Trán như nổi sóng dội thiên hà

Tâm tư ôm cả hồn thiên hạ

Nguyện độ Ta-bà vạn sát-na.

 

Có vị chân tay ngồi xếp lại

Uy nghiêm tĩnh mặc chốn non đài

Đôi tai dài rộng nghe các cõi

Khổ lụy đời như nhịp thoi đưa.

 

Các vị ngồi đây trong an nhiên

Nghe cơn cuồng thịnh nổi trăm miền

Nghe hồn núi đá ngàn năm hiện

Thuận nghịch nào cũng bởi nhân duyên.

 

Mỗi người một vẻ, thật tuyệt vời

Lồng lộng bao dung khắp đất trời

Từ bi cứu thế tràn ba cõi

Độ tận chúng sanh chẳng một lời.

 

Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau

Quay theo tám hướng, khắp năm châu

Nhìn đàn con dại vào sinh tử

Ngụp lặn liên hồi chịu khổ đau.

 

Vẫn biết quay đầu về đất Phật

Trần gian phủi bụi áo trầm luân

Tang thương nhìn thấu cho cùng tận

Các vị nương, độ lòng chúng nhân.

 

Nào đâu, bác thợ tạc xưa đâu?

Khéo tạc đường mây giữa kinh cầu

Bấy nhiêu đường nét ươm đạo vị

Nghệ thuật từ tâm khó so bì.

 

Hay bấy nhiêu tình người thiên cổ

Gieo hoa đời trên mỗi khúc gỗ khô

Như tinh tú dệt vào hồn dân tộc

Vững yên non nước chẳng mơ hồ.

 

Theo năm tháng thuyền trôi về bến lặng

Gạn nguồn tâm dẫu sóng gió lăng xăng

Gạn lối phủ mây tan vầng trăng hiện

Thả thuyền trôi phương độ tùy duyên.

 

Xưa vẫn thế trí-bi muôn thuở

Dấu Phật đồ chỉ rõ nguồn mê

Bao oan trái xin quay về nương tựa

Phật, Pháp, Tăng như non tựa bóng trăng kề.

 

Bình minh chiếu rọi hạt sương sa

Đá rêu xanh phủ lối quan hà

Như nhung, như gấm chào khách lạ

Nửa khói lam chiều, nửa hương hoa.

 

Tây Phương uốn lượn, rồng phượng múa

Mái ngói in vuông ngũ sắc cờ

Âm dương hóa hiện “không thị sắc”

Cổ ngư xưa thoai thoải dáng yên bình.

 

Ai lên lễ Phật ngàn năm trước

Ngàn năm sau cảnh vẫn hóa gần

Phật vẫn hiện thân từ thinh lặng

Giữa nhịp đời thường, giữa muôn xuân.


Hà Nội, 13.01.2014

Thường Như (cảm họa)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/04/2024(Xem: 22579)
Phật giáo Việt Nam trong hai thế kỷ cận đại và hiện đại, xuất hiện một số nhân vật đạo hạnh cao vời, kỳ tài xuất chúng, có những cống hiến to lớn, dài lâu cho Đạo pháp và Dân tộc. Ngôn ngữ nhà Thiền xưng tụng những vị này là Bồ-tát, Đại sĩ, Thánh Tăng, hay Long Tượng, là những tôn danh chỉ được tìm thấy trong kinh điển, sử sách, trong lịch sử truyền miệng hoặc trên những bia đá ngàn năm nơi cổ tháp. Triết gia Phạm Công Thiện trong buổi ra mắt tác phẩm “Huyền Thoại Duy Ma Cật” của Hòa thượng Tuệ Sỹ tại thành phố Houston, tiểu bang Texas ngày 04 tháng 11 năm 2007, đã gọi tác giả là “bậc Long Tượng: Tuệ Sỹ” và diễn giải thêm, “Long Tượng là bậc Thầy của cả một dân tộc, nếu chưa muốn nói là bậc Thầy của thế giới.”
26/04/2024(Xem: 222)
Theo một nghiên cứu được đăng tải trên trên tờ Daily Mail: “Bất kể tuổi tác, điều cần thiết là phải giữ một mục tiêu trong cuộc sống. Nếu nó rõ ràng là tốt cho tinh thần, thì nó cũng tốt cho sức khỏe. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ”. Để đưa ra kết luận này, các nhà nghiên cứu đã xem xét 8 công trình nghiên cứu với dữ liệu từ 62.250 người lớn tuổi trên ba lục địa. Từ đó, họ phát hiện ra rằng những người làm theo một mục đích cụ thể hoặc có ý nghĩa trong cuộc sống có "liên quan đáng kể" với việc giảm nguy cơ mất trí và suy giảm nhận thức. Cụ thể, “có một mục tiêu sống” liên quan đến việc giảm 19% tỷ lệ suy giảm nhận thức. Các tác giả lưu ý rằng những người này ít có khả năng bị suy giảm trí nhớ, ngôn ngữ và kỹ năng tư duy hơn. Những phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Nghiên cứu về Lão hóa (Aging Research Reviews).
26/04/2024(Xem: 337)
Được sự chỉ dạy của TT Thích Nguyên Tạng, Trụ trì Tu Viện Quảng Đức kiêm chủ biên “trang mạng Phật Giáo online Trang nhà Quảng Đức” khi post PDF “Đạo Nghĩa Vuông Tròn “ do Thầy Thích Viên Thành thực hiện và được nhà xuất bản Hồng Đức phát hành, Phật tử Huệ Hương thật vinh hạnh được xem thật kỹ tác phẩm dầy hơn 380 trang kèm theo những hình ảnh theo từng giai đoạn.
25/04/2024(Xem: 233)
Đời như giấc mộng phù sinh Nửa chừng tỉnh giấc thấy mình đã xa Một thời phiếm mộng phù hoa Tàn cơn gió lạnh như là khói sương Ngẫm nhìn một đoá liên hương Trầm lao phủ lối tà dương ngược dòng
25/04/2024(Xem: 245)
Thử một lần buông xả Nhận biết Xuân đã về Không bận lòng, hối hả Hạnh phúc ngoài cơn mê. Chỉ cần có Chánh niệm Tiếp xúc.. tâm không lời Mỉm cười cùng cây cỏ Chợt hoa lòng thắm, tươi!.
24/04/2024(Xem: 803)
Xa quê ngẫu nhỉ! Gặp ngài, Một vị trưởng lão đất trời âu châu, Dáng phương phi, nguyệt thượng đầu; Đã không mệt mỏi bắt cầu tây đông Cốt cách vốn dĩ tượng long, Ẩn mình dưới bóng trượng tòng sa môn; Một đời phụng sự hết lòng Những hàng hậu học mênh mông ân ngài.
24/04/2024(Xem: 675)
Hôm nay nhìn Mẹ Quán Âm Lòng con xúc động vô ngần hỷ hoan Dáng Mẹ thanh thoát nhẹ nhàng Nét từ bi hiện rõ ràng tôn nhan Tâm ai dù có ngổn ngang Nhìn Mẹ cũng thấy ổn an đôi phần
23/04/2024(Xem: 697)
Năm 2024 là kỷ niệm 60 năm ngày xuất gia lần đầu, Mùng 8 tháng 2 năm Giáp Thìn (21/3/1964), cũng là đánh dấu 20 năm (2004-2024) sống trên một tiểu bang và đất nước “đáng sống”, “hạnh phúc nhất nhì thế giới” đó là Nam Úc. Nghĩ lại mình: “Đệ tử phước cạn nghiệp sâu, Chướng dày huệ mỏng, Nhiễm tâm dễ khởi, Tịnh đức khó thành, Nay xin một lòng, Tin thành sám hối”. Chắc do nghiệp chướng nhiều đời nhiều kiếp đã gieo tạo, nên khi sinh ra, lớn lên đều ở trong môi trường khiêm tốn về vật chất, còn tinh thần cũng nhiều bất hạnh với cuộc đời. Vừa bất hạnh, vừa nghèo, lại không tài giỏi, tưởng rằng sẽ phải chịu nhiều khốn khổ. Nhưng chắc nhờ ảnh hưởng bởi âm đức, có được bản tánh hiền lành, luôn hài hòa trong cuộc sống, sẵn sàng chịu thiệt thòi, cho mọi việc được hanh thông, tốt đẹp. Riêng với tự thân tin tưởng tuyệt đối vào luật nhân quả, thấm nhuần lời dạy của chư Tổ và hiểu được rằng: Phật Pháp rất nhiệm mầu. “Im lặng là vàng. Chịu thiệt là phúc. Nhẫn nhịn là bạc. Giúp người là đức”. Nên hằng
20/04/2024(Xem: 744)
Bồ Tát Quán Thế Âm Nghe tiếng kêu thống khổ Nhân loại đang lầm than Trong sầu đau phiền não. Thị hiện để cứu người Tùy căn duyên độ đời Không phân biệt phú quý Hay tay lấm chân bùn.
17/04/2024(Xem: 888)
Đường về núi cũ chùa xưa Phật thiêng trên cõi phù du vô thường Cỏ hồng hiu hắt quê hương Trên đồi Trại Thuỷ nở vườn kỳ hoa Chân trời cao rộng xuất gia Đi tìm vô hạn mây hoà với thơ Điêu linh mặt đất bến bờ Vòng tay cát bụi đợi chờ ôm mang
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567