Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhà thơ của "Am mây trắng" thế kỷ XVI có bài bác Phật giáo hay không ?

30/10/201009:55(Xem: 2715)
Nhà thơ của "Am mây trắng" thế kỷ XVI có bài bác Phật giáo hay không ?


lotus_7

Nhà thơ của "Am mây trắng" thế kỷ XVI

có bài bác Phật giáo hay không ?



Tiểu sử cho biết rằng, vào năm 1542 sau khi dâng sớ lên vương triều Mạc đòi chém 18 kẻ lộng thần, nhưng không được vua Mạc bấy giờ là Mạc Phúc Hải chấp thuận. Nguyễn Bỉnh Khiêm liền cáo quan về lại quê quán ở làng Trung Am. Nay là huyện Vĩnh Bảo thành phố Hải Phòng.
Dù thất bại ở triều đình không thực hiện được hoài bão như dự tính lúc ban đầu:
Dân giai thức mục quan tân chính
Thùy vị quân vương trí thái bình
Dân chúng đều dụi mắt ngước xem nền chính sự mới
Ai đây sẽ là kẻ vì nhà vua đem lại cảnh thái bình[1]
Nhưng dường như Nguyễn Bỉnh Khiêm không thất vọng, vì ông thừa biết rằng, tại những nơi áo mũ cân đai đó, người ta chỉ biết mải mê với lợi danh với quyền hành, hưởng thụ trên sự đau khổ của người khác, chứ có ai biết lo gì cho dân cho nước đâu? Như một lần ông đã đau đớn tâm sự:
Lão lai vị ngải tiên ưu chí
Đắc, táng, cùng, thông, khởi ngã ưu

Tấm lòng tiên ưu đến già chưa thôi
Cùng, thông, đắc, táng ta có lo chi cho riêng mình đâu.
(Tự thuật)
Và Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ví những kẻ đang nắm giữ triều chính đó giống như một lũ chuột. Chúng chui rúc, cắn phá, gặm nhắm mà không một chút xót thương đối với sinh mệnh của người dân:
Thạc thử hồ bất nhân
Thảo thiết tứ âm độc.
Nguyên dã hữu cảo miêu
Lẫm dữu vô dư túc.
Lao phí nông phu thán
Cơ ích điền dã khấp
(…)
Dân mệnh vi chí trọng
Tàn hại hà thái khóc

Con chuột lớn kia sao mày bất nhân
Vụng trộm thêm nhiều âm mưu độc hại
Đồng nội có mạ khô
Kho đụn không thóc thừa.
Vất vả nghèo khổ, người nông phu than vãn
Đói và gầy, trên ruộng đồng kêu khóc
(…)
Sinh mệnh của dân rất là trọng
Tàn hại sao mà quá thảm khốc
Nhưng vì sao loài chuột dơ dáy ấy vẫn sống mà không bị tiêu diệt? Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng vì chúng có chỗ ẩn nấp an toàn:
Thành xã ỷ vi gian
Thần nhân oán mãn phúc

Chốn thành, xã dựa vào mà làm điều gian
Cả thần và người đều oán chứa đầy bụng.
Một nhà nghiên cứu văn học hiện đại đã giải thích hai câu thơ ấy như sau:
“Loài chuột và loài cáo làm tổ ở tường thành và dưới đàn xã, đàn tắc, thường không bị người ta bắt vì không ai dám đào phá tường thành là nơi cần phải củng cố hoặc đàn xã, đàn tắc là nơi thờ cúng uy nghiêm. Bọn quan lại bóc lột tàn tệ mà nhân dân không chống lại được vì chúng dựa vào uy thế và sự bao che của nhà nước cũng như loài chuột, loài cáo dựa vào tính bất khả xâm phạm của tường thành hoặc đàn xã, đàn tắc”. [2]
Trong một lúc đau đớn cùng cực, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phải nói lên lòng căm tức muốn được báo thù:
Ký thất thiên hạ tâm
Tất thụ thiên hạ lục
Triều thị tứ nhĩ thi
Ô diên khiết nhĩ nhục

Mi đã làm mất lòng thiên hạ
Tất sẽ bị thiên hạ giết chết
Phơi xác mi ở chốn triều thị
Quạ và diều rỉa thịt mi
(Tăng thử)
Ta có quyền tin chắc như vậy, chỉ trong một lúc nào đó thôi, vì một kẻ sĩ chân chính như Nguyễn Bỉnh Khiêm thì ông đủ sáng suốt để tin rằng, cái còn mãi trên đời này là lòng nhân chứ không phải sự hận thù:
Cổ lai nhân giả tư vô địch
Hà tất khu khu sự chiến tranh
Từ xưa đến nay người có nhân là không ai địch nổi
Việc gì phải khư khư theo đuổi sự giết chóc lẫn nhau (chiến tranh)
Và trong một bài thơ khác Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng khẳng định lại lập trường ấy:
Dĩ nhân phạt bất nhân
Cứu thử điêu sái tâm

Lấy nhân mà đánh kẻ bất nhân
Cứu cho dân đang bị điêu tàn ốm yếu
(Thương loạn)
Nhưng cái lòng nhân ấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm biết trao truyền cho ai? Chắc chắn không phải là những người đang ở trên giai cấp thống trị, đang say sưa với quyền lực ở triều đình. Vậy thì ông chỉ còn hy vọng nơi những người trẻ tuổi, chỉ những người chưa bị lợi danh làm mờ mắt như vậy mới có hoài bão lớn, chí khí lớn cho dân cho nước mà thôi.
Bởi vậy nên khi vừa về đến quê nhà, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lập tức cùng với các bô lão trong làng Trung Am lập một cái quán để trao truyền lòng nhân ấy. Nguyễn Bỉnh Khiêm đặt quán ấy là Trung Tân Quán. Trong số những người trẻ tuổi đến học với Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Trung Tân Quán này có Nguyễn Dữ, tác giả Truyền Kỳ Mạn Lục và Phùng Khắc Khoan, người mà Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung Tùy Bút đã nói là: “Lý học như Nguyễn Bỉnh Khiêm và Phùng Khắc Khoan đều là tinh anh của non sông đúc lại”.
Vì sao ông đặt cái tên như vậy. Hãy nghe Nguyễn Bỉnh Khiêm giải thích:
“Trung là ở chính giữa, giữ được tính thiện là Trung, không giữ được tính thiện thì không phải là Trung vậy; Tân có nghĩa là bến, biết chỗ đậu là bến, không biết chỗ đáng đậu là lầm bến vậy. Nghĩa của tên quán là như vậy”.
Đoạn dưới Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:
“Thấy của mà không tham, thấy lợi mà không tranh, vui điều nghĩa mà rộng lượng với người, đem lòng thành mà đối đãi với vật, đó là Trung. Trung ở chỗ nào thì sự chí thiện ở chỗ ấy”.
Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, cái tính Thiện ấy vốn có sẵn trong mỗi người, nhưng rồi con người lại tự đánh mất nó, ông vạch rõ lý do vì sao:
“Do tự ràng buộc ở bẩm khí, bị che lấp vì vật dục, có kẻ không giữ được trọn vẹn như thuở đầu mới sinh ra, trở nên kiêu sa, biển lận, gian tà, thiên lệch, không có điều gì không làm. Ở triều đình thì tranh nhau cái danh, ở chợ búa thì giành nhau cái lợi. Khoe là sang thì xe mát quán ấm, khoe là giàu thì nhà múa lầu hát. Thấy người chết đói dọc đường không dám bỏ một đồng tiền ra cứu giúp. Thấy nơi trống trải không có gì che mưa, không dám bỏ một bó tranh để che đậy. Điều thiện không được tu dưỡng đã lâu vậy”.
Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ mới thất vọng chứ chưa tuyệt vọng, vì cái Thiện, cái lòng nhân ấy, vẫn còn ở đây, vẫn bàng bạc nơi tấm lòng của những người nông dân hiền lành chơn chất này, những người chưa hề biết lợi danh là gì.
Trong bài ký ta thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm vui biết bao khi được cùng với người dân làng khởi sự làm những điều thiện tưởng chừng không mấy quan trọng này. Nhưng nếu không có những điều Thiện tưởng chừng không quan trọng này, thì những hoài bão có tính cách to lớn đều chỉ là ảo tưởng:
“May mà trong làng người hướng về điều Thiện chưa hề mất hết. Các cụ già cùng ta khuyên nhau làm điều thiện: bắt cầu, làm chùa, làm quán, chốn chốn đều được tu sửa. Ta cũng lấy làm vui mừng về điều ấy, trong lòng thường khen ngợi”.[3]
Bên cạnh Trung Tân Quán, Nguyễn Bỉnh Khiêm cho xây một cái am mà ông đặt tên là Bạch Vân Am.
Dù bề ngoài Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn thường tự nhận rằng, mình là kẻ sĩ an nhàn nhất, một ông tiên an nhàn:
Cao khiết thùy vi thiên hạ sĩ?
An nhàn ngã thị địa trung tiên

Cao khiết ai là kẻ sĩ trong thiên hạ
An nhàn ta là tiên trong đời
Nhưng khi đọc bài Trung Tân ngụ hứng bằng chữ Hán, dù ông cố giấu nhưng ta vẫn nhận ra nỗi ưu tư dằn vặt của Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với cuộc đời:
Phía Tây Nam quán ấy có làng xóm
Phía Tây Bắc quán ấy có sông ngòi
Ở giữa có nửa mẫu vườn.
Vườn ở bên Am Bạch Vân.
Bụi xe ngựa không bám vào được cái am ấy.
Hoa và trúc trong vườn chính ta trồng lấy.
Khi chống gậy, lê dép ra vườn hoa
Chơi thì hương thơm của hoa bám vào gậy, dép
Khi nâng chén rượu để thưởng thức
Thì sắc hoa ánh vào chén rượu
Khi đun nước pha trà thì loài chim lánh khoái
Khi rửa nghiên mực, nước mực chảy xuống thì loài cá nuốt lấy
Khi thích thì ngâm thơ vịnh trăng để tiêu khiển.
Lại nhờ có chén rượu nhấp cho hăng hái để đỡ sức già yếu.
Người ta khéo léo mà mình thì vụng về,
Biết đâu vụng về ấy chẳng là một đức tốt.
Ta khờ dại mà người thì xảo quyệt,
Biết đâu lòng xảo quyệt ấy chẳng là cái hại lớn.
Khi tỉnh, suy lẽ tạo hóa
Lúc nhàn, ngẫm việc xưa nay.
Không gì hiểm bằng đường đời,
Nếu không biết cách bỏ đi thì toàn là chông gai cả.
Không gì nguy bằng lòng người
Nếu không biết giữ gìn mà buông lỏng ra thì hóa thành quỷ quái cả.
Vì vậy người quân tử phải tìm nơi đứng cho vững
Lấy điều chí thiện làm tiêu chuẩn tuyệt đối
Sau này mỗi khi bị triệu lên triều đình để bàn việc quốc gia đại sự, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn cứ muốn quay về lại cái nơi chốn đầy mây trắng ấy. Vì chỉ tại nơi chốn u tịch vắng vẻ, nơi chốn mà ông cho là “bụi xe ngựa không bám vào được ấy” thì Nguyễn Bỉnh Khiêm mới tìm lại được con người tự do đích thực của chính mình:
Hội khang chỉnh đốn càn khôn phủ
Tân quán vân am mịch cựu du

Chờ xem trời đất có được chỉnh đốn hay không
Về tìm lại chốn cũ ở quán Trung Tân và am mây trắng.
Bây giờ chúng ta thử xem một tâm hồn như vậy, có thể nào bài bác Phật Giáo được không? Và nếu có, chắc phải có một lý do nào đó để một tâm hồn như Nguyễn Bỉnh Khiêm bị bắt buộc phải lên tiếng những điều mà lòng ông chẳng muốn chút nào?
Mỗi lần nói đến việc Nguyễn Bỉnh Khiêm không thích Phật Giáo thì giới nghiên cứu văn học đều nghĩ ngay đến bài thơ Nôm của ông có nhan đề là Giới sùng Phật vô ích, trong đó rõ ràng nhất là hai câu:
Hiền lành hãy giữ bề tu kỷ
Dối trá đừng nghe đứa xuất gia.
Trước khi có thể đưa ra được một kết luận về bài thơ này thì ta thử xem xét lại bối cảnh xã hội mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được sanh ra và lớn lên.
Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm Tân Hợi (1491) tức vào năm Hồng Đức thứ 22. Như vậy là những năm tháng tuổi ấu thời của ông được xem là giai đoạn thịnh trị nhất của nhà Lê. Nhưng giai đoạn ấy quá ngắn ngủi, năm Nguyễn Bỉnh Khiêm lên 13 tuổi thì Lê Hiến Tông (1497 - 1503) qua đời, thời kỳ thịnh trị nhất của nhà Lê được xem như chấm dứt. Tiếp sau đó là Lê Túc Tông rồi đến Lê Duệ (Uy Mục Đế) được dân gọi là “Vua quỷ”. Năm 1509 thì Uy Mục Đế bị giết. Lê Oanh lên ngôi (Tương Dực Đế) nhưng chẳng khá gì hơn Uy Mục Đế, cũng hoang dâm vô độ, cũng huynh đệ tương tàn nên cũng được người dân gọi là “Vua lợn”.
Sử gia Trần Quốc Vượng đã phê phán gay gắt nhà Lê như sau:
“Nhà Lê ban đầu có làm được một số việc tốt: tài giảm binh bị, quân cấp công điền, xây dựng bộ luật có chú ý đến phong hóa dân tộc. Song cũng ngay từ buổi đầu, triều Lê đã tự làm hoen ố bởi việc vấy máu các công thần khai quốc, bởi các cuộc thanh trừng nội bộ (Nghi Dân giết Nhân Tông rồi triều thần giết Nghi Dân và Thánh Tông bức tử Khắc Xương), bởi xu hướng chuyên quyền của quan và của vua, nhà Lê thiếu tinh thần cảnh giác với Tống Nho và văn minh Trung Hoa, đặt Tống Nho lên vị trí độc tôn, xây dựng nhà nước, triều đình theo mô hình quân chủ Tống Nho, vọng ngoại và có xu hướng Hoa hóa cung đình, quay lưng lại với bản sắc “dân gian”. Tình trạng như phân hóa giữa cung đình và nhân gian này càng rõ rệt (triều Lê bài xích Phật Giáo và Đạo Giáo, xua đuổi chèo, ghét bỏ dân ca, mô phỏng lễ nhạc, kiến trúc và điêu khắc Trung Hoa) và chính quyền Lê Sơ đã sớm phi nhân dân (Impopulaire).
Còn đối với người được xem là đưa nhà Lê đến cực điểm của thịnh trị, thì giáo sư Trần Quốc Vượng viết:
“Thời trước cho đến rất gần đây, người ta thường đề cao thời Lê Thánh Tông (Hồng Đức) như một thời thịnh trị nhất của một thời đại “Vua Thánh tôi hiền”, thời đại của Tao Đàn, của Quỳnh Uyển Cửu Ca, của Thiên Nam Dư Hạ Tập. Cái nhìn ấy bắt nguồn từ tầng lớp sĩ phu theo và đề cao nho học. Nhưng cũng ông vua Lê Thánh Tông ấy đã giết hại anh ruột – người từ chối ngôi vua cho ông ta được hưởng, đã giam cầm hoàng hậu Trường Lạc. Ngay sử gia chính thống triều Lê phải chê Thánh Tông là “công việc thổ mộc quá chế độ xưa, tình nghĩa anh em thiếu lòng nhân ái”. Nhiều phi tần quá nên mắc phải bệnh nặng. Thọ có 56 tuổi. Trạng Lường Lương Thế Vinh “tài hoa danh vọng vượt bực” (Lê Quý Đôn) nên không “thích nghi” nổi với triều Hồng Đức, ông thích khôi hài, quay về với toán học, Phật học và hý trường. Hãy xem xét một tác phẩm đích thực của Thánh Tông là hoàng thái tử Tranh – tức Lê Hiến Tông: chiếu chỉ nào của ông vua này cũng dẫn la liệt những Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ… của thời cổ đại Trung Hoa và coi đó là khuôn vàng thước ngọc của thế ứng xử Đại Việt ở đầu thế kỷ 16. Tư cách ông không xấu mà tư tưởng ông thì đã lỗi thời… Và con cháu ông thì đã là “Vua lợn”, “Vua quỷ”.
Lịch sử truyền bá của Đạo Phật trên thế giới cũng như tại Việt Nam xưa nay vẫn được các sử gia ca tụng như là tôn giáo duy nhất chưa hề làm đổ bất cứ một giọt máu nào, và đặc biệt là khi đến với dân tộc nào thì Đạo Phật cũng chia xẻ bao nỗi thăng trầm cùng với dân tộc đó, nhất là những lúc dân tộc đó bị giới thống trị đàn áp.
Trường hợp Phật Giáo ở đời Lê có lẽ cũng như vậy. Khi mà cả dân tộc đang chìm ngập trong bóng tối, cái ác đang hoành hành khắp nơi, thì những bậc chân tu phải tạm lánh xa trong những am cốc hẻo lánh ở núi rừng hoặc nơi thôn dã âm thầm giữ gìn giới hạnh của chính mình.
Bởi vậy, nếu bài Giới sùng Phật vô ích, đúng là của Nguyễn Bỉnh Khiêm thì nhất định sự chỉ trích của Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ nhắm vào những kẻ đi tu vì thời thế, vì lợi danh đang a dua xu nịnh với giới thống trị chứ nhất định không phải Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ trích đạo Phật.
Sở dĩ ta đặt nghi vấn như vậy vì bài thơ theo giáo sư Nguyễn Huệ Chi chưa hẳn là của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Bài thơ không thuộc một 100 bài thơ Nôm vô đề mà các bản sao thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm đều sao chép thống nhất. Có thể về mặt văn bản học có vấn đề phải bàn lại”.
Cũng trong bài viết ấy, bài Phác họa diện mạo tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm thì hai tác giả Nguyễn Huệ Chi và Tạ Ngọc Liễn cho rằng:”Nguyễn Bỉnh Khiêm sống vào một thời đại mà vai trò của Phật Giáo trong đời sống tư tưởng đã ít nhiều lu mờ. Sự dung hòa giữa các hệ tư tưởng Phật, Đạo và Nho trong vòng 5 thế kỷ đầu tiên người Việt giành lại và củng cố nền tự chủ, đã tạo nên bộ mặt phóng khoáng, khởi sắc và cái hương vị “đa nguyên” dễ thở trên nhiều phương diện sinh hoạt tinh thần; song rốt cuộc sự cân bằng đó đã bị phá vỡ ở thế kỷ 15, khi Nho giáo giành lấy cây gậy độc tôn, nhảy lên chỉ huy sân khấu chính trị”. Và hai tác giả cũng đồng ý là chưa hẳn Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bài bác đạo Phật “nhưng hãy bình tâm mà xem xét hình như bài thơ trên chưa đến nỗi đi tới một thái độ cực đoan. Câu thơ mở đầu cho thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm nắm rất vững giáo lý cơ bản của nhà Phật “suy lý cho cùng Phật ấy ta”. “Phật ấy ta” là một cách diễn đạt khác đi mệnh đề “tâm tức Phật, Phật tức tâm”. Nguyễn Bỉnh Khiêm rất tâm đắc với mệnh đề này và dùng nó để chống lại thói tệ mượn nhà chùa để lẩn tránh việc đời, chắc cũng khá tràn lan thưở ấy; vậy bài thơ chưa hẳn đã phản ảnh tinh thần bài Phật của ông”.
Nhân đây, chúng ta cũng xem thử Phật Giáo có chủ trương che đậy những thói hư tật xấu của những cá nhân đã lợi dụng Giáo hội thanh tịnh với mục đích “mê hoặc” quần chúng hay không? Chắc chắn là không, bởi vì đạo Phật lấy con người làm trung tâm điểm, đã là con người thì phải có tốt có xấu là một chuyện tất nhiên. Điều quan trọng là, Phật Giáo luôn luôn khuyến khích sự nỗ lực tu tập của mỗi người để loại bỏ cái xấu và từ đó mỗi người phải tự hoàn thiện nhân cách của chính mình vậy.
Câu chuyện sau đây trong kinh Na Tiên vấn đáp (Milindapànha) sẽ cho chúng ta thấy đạo Phật hoàn toàn minh bạch trong việc đánh giá về tập thể tăng đoàn của chính mình:
“Sau buổi cúng dường trọng thể, đức vua thỉnh tất cả tỳ kheo tăng về chùa an nghỉ, chỉ xin lưu lại 10 vị. Cùng với đại đức Na Tiên dự buổi Pháp đàm.
Đức vua thỉnh đại đức Na Tiên cùng 10 vị tỳ kheo ngồi cao phía trên, Ngài ngồi bên dưới cùng với quần thần, rồi bạch:
Thưa, Trẫm đã sẵn sàng rồi.
Tâu, bần Tăng đã sẵn sàng rồi, Đại Vương hãy tùy nghi.
Thế thì Trẫm xin hỏi:
Sống đời xuất gia có gì là lợi ích? Có gì là cao thượng?
Tâu Đại Vương! Người sống đời xuất gia thành tựu được 4 lợi ích lớn:
Thứ nhất là không còn sầu khổ, khi ngũ uẩn sanh, hay gọi là “khổ sanh”.
Thứ hai, không còn sầu khổ khi ngũ uẩn héo mòn tiều tụy, hay gọi là “khổ già”.
Thứ ba, không còn sầu khổ khi ngũ uẩn đau đớn, nhức nhối, khó chịu, hay gọi là “khổ bệnh”.
Thứ tư, không còn sầu khổ, khi ngũ uẩn tàn hoại, diệt mất, hay còn gọi là “khổ chết”.
Sự thay đổi, biến hoại, tiêu diệt của ngũ uẩn từ sanh, lão, bệnh đến tử – người xuất gia hằng suy niệm, hằng quán tưởng nên sẽ thoát khỏi sầu bi, khổ, ưu, não chi phối – là những lợi ích thù thắng đấy, tâu Đại Vương.
Đúng thế! Quả thật là lợi ích to lớn giữa cõi nhân sinh này. Còn có cái gì gọi là cao thượng, thật sự cao thượng của người xuất gia nữa, thưa Đại Đức?
Thưa, khi người xuất gia không bị sanh, lão, bệnh, tử của ngũ uẩn ma vương ấy chi phối nữa, vị ấy thân chứng một trạng thái quân bình tuyệt hảo, hạnh phúc tuyệt hảo, vượt cao, vượt trên tất cả hạnh phúc của trần thế, siêu việt ý niệm, ngôn ngữ; cái ấy giả danh là Niết Bàn; nơi không còn sanh tử, khổ đau và phiền não nữa! Đấy là sự cao thượng trên tất cả mọi sự cao thượng, tâu Đại Vương!
Đức vua rất hoan hỉ hỏi tiếp:
Tất cả Sa Môn đều có nguyện vọng như thế sao?
Tâu Đại Vương! Cứu cánh Sa Môn hạnh thì như thế, nhưng trong Tăng Lữ hiện nay có 7 hạng người xuất gia vì lý do khác nhau:
1 – Có người xuất gia vì muốn trốn luật Vua, phép nước.
2 – Có người xuất gia là để được thân cận với giới quyền quý cao sang.
3 – Có người xuất gia là mong được quyền hành trong một ngôi chùa hay lãnh đạo Tăng lữ, đồ chúng.
4 – Có người xuất gia vì thất nghiệp, muốn kiếm miếng cơm manh áo.
5 – Có người xuất gia vì cô thế, cô thân, trốn kẻ thù nghịch.
6 – Có người xuất gia vì mang công mắc nợ.
7 – Có người xuất gia vì sự sanh tử luân hồi, muốn chấm dứt khổ đau phiền não.
Thấy Đại Đức Na Tiên trả lời đâu đó rõ ràng, minh bạch, lại tự nhiên như hít thở khí trời; Đức Vua phục lắm, thử ướm hỏi:
Vậy chắc Đại Đức vì mục đích cao thượng của hạng người thứ 7 mà xuất gia làm Sa Môn?
Đại Đức Na Tiên mỉm cười gật đầu:
Thưa, không phải thế! Bần Tăng rời khỏi gia đình lúc 7 tuổi, còn rất nhỏ thì nào biết được gì! Sau dần lớn lên, nhờ Thầy Tổ, nhờ các vị trưởng lão dày công giáo hóa, trí óc mới khai mở được chút ít. Hiện giờ có thể nói rằng, Bần Tăng xuất gia là cốt để diệt khổ, đấy không còn là lời nói dối nữa!
Đức Vua Mi-lan-đà nghe cách trả lời, cách nói đầy khiêm tốn của Đại Đức Na Tiên, ngài kính trọng quá, quỳ xuống vập đầu nói lớn:
Ôi! Lành thay! Cao quý thay!” (*)
Triều đại Mi-lan-đà chỉ cách xa thời Đức Phật chỉ khoảng 500 năm, chắc chắn còn rất nhiều các bậc Thánh Tăng chứng đạo, người cai trị đất nước lại anh minh, thông thái nhất là biết tôn trọng những giá trị tâm linh siêu việt. Vậy mà vẫn còn có người vào chùa lợi dụng hình thức tu sĩ để “được thân cận với giới quyền thế”… huống chi một triều đại được cai trị bởi những ông “Vua lợn”, “Vua quỷ”, một triều đại mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã than là:
Phong vũ thời hối minh
Cương thường nhật điêu thỉ
Lễ nghĩa thán quải trương
Quan cái tùy đảo trí
Sự quân, thần bất thần
Sự phụ, tử bất tử

Gió mưa gặp lúc u ám tối tăm
Cương thường ngày một suy sụp lỏng lẻo
Lễ nghĩa, than ôi ngang trái
Mũ lộng theo đó đảo ngược
Thờ vua, tôi chẳng ra tôi
Thờ cha, con chẳng ra con
(Cảm hứng)
Một chế độ như vậy thì hậu quả là “thượng bất chánh” thì “hạ tắc loạn” là một chuyện tất nhiên.
Chùa chiền cũng như giới tăng sĩ cũng không ra khỏi thông lệ đó. Nghĩa là cũng bị những kẻ bất lương vào chùa để phỉnh gạt những Phật tử mộ đạo hiền lành. Nếu quả thật đây là hai câu thơ nữa của Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Cơm áo bỗng xui người hóa quỷ
Oản xôi dễ khiến Bụt nên ma
Thì cũng là điều chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
Nhưng những điều Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ trích về nhà chùa và Tăng lữ trên dù sao cũng chỉ là những hiện tượng bên ngoài, những thói hư tật xấu muôn thửa của con người dù là con người đang ở trong chốn Thiền môn.
Còn tận trong sâu thẳm của tâm hồn thì Nguyễn Bỉnh Khiêm nghĩ sao về ngôi chùa?
Nguyễn Bỉnh Khiêm có hai câu thơ Nôm than thở về nỗi cô độc của đời mình:
Có ai biết được lòng tri kỷ
Vời vợi non cao nguyệt một vần
Và Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tự trả lời bằng hai câu thơ chữ Hán:
Ưu thời thốn niệm bằng thùy tả
Duy hữu hàn sơn bán dạ chung

Nỗi lòng lo cho đời biết nói cùng ai
Chỉ có tiếng chuông chùa trên núi lạnh lúc nửa đêm
(Tân quán ngụ hứng)
Vậy là trong những giờ phút cô độc nhất của đời mình thì Nguyễn Bỉnh Khiêm cuối cùng cũng phải thừa nhận là ông chỉ biết đem nỗi buồn đó tâm sự với tiếng chuông chùa trên núi cao kia!
Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có một bài thơ nữa cũng được xem như là bài bác Phật Giáo. Đó là bài ông thắc mắc về lòng từ bi của ngày lễ Vu Lan hay xá tội vong nhân theo cách gọi truyền thống có từ ngàn đời của dân tộc Việt. Nguyễn Bỉnh Khiêm ghi lại thắc mắc ấy qua bài thơ ông viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt:
Thiên địa na dung tội ác nhân
Thị hà xá tội hữu lương thần
Ngã kim dục trượng từ bi lực
Cứu đắc vô cô đồ thán nhân

Trời đất nào dung tha kẻ ác
Cớ sao còn có lễ Vu Lan
Từ bi ta muốn nhờ công sức
Cứu được bao người chịu khổ oan
(Ngộ trung nguyên xá tội)
Nhưng bài thơ này theo ý kiến của giáo sư Nguyễn Huệ Chi thì “có thể thấy trong Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn luôn có một nhà Nho ‘kinh bang tế thế’ cứ muốn đối thoại với những hệ thống giáo lý đi chệch khỏi kênh hình tư tưởng của mình”.
Đúng là Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ muốn nói lên thắc mắc của mình một cách nghiêm chỉnh (và chắc chắn còn nhiều người nữa). Thắc mắc tất nhiên phải khác với bài bác.
Trong một văn bia viết cho chùa Cao Dương theo lời yêu cầu của nhà sư trụ trì có tên là Huệ Hiền và các bô lão thuộc xã Cao Dương tỉnh Thái Bình, nhân việc chùa cho tạo tượng Tam Giáo (Phật, Lão, Khổng). Văn bia được mở đầu bằng những lời lẽ hết sức tôn kính đối với ngôi chùa:
“Chùa cổ Cao Dương ở Thụy Anh linh ứng từ lâu. Điện Phật trang nghiêm khiến người ngửa trông thành kính. Gác chuông cao ngất, tiếng vang được nghe thấy từ xa. Đã cầu khẩn, không có gì không được báo ứng. Đó là đất ban phúc, đệ nhất của Thái Bình”.
Tiếp theo Nguyễn Bỉnh Khiêm xác nhận ảnh hưởng tinh thần của ngôi chùa đối với làng xã điều ấy được thể hiện qua việc tạo tượng Tam Bảo và Diệu Thiện công chúa:
“Trong xã có những cụ ông hiền hiểu sâu đạo lý, cụ bà nhân từ, vào những năm niên hiệu Thuận Thiên đã cúng 7 mẫu ruộng làm của Tam Bảo. Tấm lòng vui làm điều thiện người người ngợi khen. Nay lại có các vị thiện sĩ như (…) và các sải vãi cùng nhau quyên góp tài sản, thuê thợ tạo tác tượng Tam Giáo và Diệu Thiện. Công việc xong xuôi, xin bài Minh để ghi lại sự việc có thực này”.
Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng nói rằng vì mình là một nhà Nho, nên kiến thức về Phật học cũng như Đạo học rất có giới hạn:
“Tôi cũng có lòng thích điều thiện không dám từ chối. Nhưng tôi là nhà Nho. Tuy chưa được nghe thấu đáo về Đạo Phật, Đạo Lão; song đọc rộng, suy nghĩ nhiều những điều nghi hoặc cũng nắm được một hai về luận thuyết này”.
Và đây là đoạn mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đứng trên quan điểm Nho giáo để giải thích Phật giáo và Đạo giáo:
“Đại loại Đạo Phật gốc ở chỗ làm sáng sắc và tâm, phân biệt rõ nhân và quả. Đạo Lão chú trọng vào khí để tới chỗ mềm dẻo. Nắm cái lý duy nhất giữ bản chất chân thực của mình. Đạo lý đức Khổng, gốc ở đạo đức nhân nghĩa. Văn hạnh, trung tín, tất cả đều là giáo lý tuân theo tính tự nhiên con người mà tu dưỡng đạo đức; cùng với vị Diệu Thiện do lòng thiện mà được nổi tiếng chẳng phải là không xuất phát từ tâm tính con người. Các vị Thiện Sĩ ví như có thể mở mang con đường Thiện, tuân theo và giữ gìn giáo lý làm điều tốt lành. Vững gốc ở bản thân mình để biểu lộ đối xử với người thì hạnh phúc tỏa rộng không cùng. Công đức ấy vượt ngoài sự tưởng tượng và luận bằng. Nhân ghi vào đá cứng để truyền dài lâu.
Bài Minh rằng:
Trời ban cho là tính
Tuân theo tính là Đạo
Gốc vốn ở trong lòng
Gởi vào lời huấn giáo.
Tượng còn lại trang nghiêm
Trời mênh mông bất lão” [4]
Ta thấy trong lời kết trên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lấy sách Trung Dung, kinh điển chính của Nho học để quy kết Tam Giáo lại thành một, và cột trụ vẫn là Nho giáo.
Thật ra, sự quy kết cả ba lại thành một mà Nho giáo là cột trụ chính này đã bị Thiền sư Cửu Chỉ ở đời Lý bác bỏ: “Khổng Mặc chấp “hữu”, Trang Lão nhược “vô”, thế tục chi điển, phỉ giải thoát pháp. Di hữu Phật Giáo bất “hữu”, “vô”, khả liễu sanh tử”. Khổng học và Mặc học chấp vào thế gian là có thật. Trang học và Lão học chủ trương không có thật. Kinh sách thế tục chẳng phải pháp học giải thoát cho con người. Chỉ có Phật Giáo mới không chấp vào có, không, nên có thể hiểu rõ sự sống và sự chết.
Nhưng phải đọc hết đoạn văn bia ta mới thấy được tấm lòng của Nguyễn Bỉnh Khiêm, một tấm lòng mà Phan Huy Chú ở thế kỷ 19 đã ca tụng là: “Ưu thời tư thập niên, kỳ tâm vị thường nhất nhật vong thế, ưu thời thế tục”. Sống cuộc đời thong thả nhàn nhã mà trong lòng chưa từng một ngày quên đời, lo cho thế tục.
Nhưng chúng ta phải giải thích thế nào đây đối với sự thắc mắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm về ngày lễ Vu Lan hay ngày xá tội vong nhân Rằm tháng 7?
Trước hết, ta phải xét đến tâm trạng của Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với thời thế. Như ta đã biết đó là những ngày có thể gọi là cực kỳ bi thảm, cái ác hoành hành khắp nơi, ông căm phẫn muốn được báo thù, giết chết chúng (như giết một lũ chuột đang chui rúc phá hoại) rồi đem phơi xác chúng giữa phố chợ cho đã giận. Từ sự phẫn nộ có tính thời thế này nên Nguyễn Bỉnh Khiêm mới đặt vấn đề về ý nghĩa của ngày xá tội vong nhân? Tại sao không đem lòng từ bi đến với người dân hiền lành vô tội đang bị chà đạp, bị áp bức mà lại đem lòng từ bi đó để xá tội cho những kẻ đã làm ác? Vì kẻ ác thì theo Nguyễn Bỉnh Khiêm trời đất cũng không còn dung tha thì làm sao lại tha tội bằng sức chú nguyện được?
Sở dĩ ta kết luận rằng sự căm phẫn của Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ mang tính thời thế (nghĩa là chỉ xảy ra trong nhất thời) vì như trên ta đã biết rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm từng khẳng định:
Dĩ nhân phạt bất nhân
Cứu thử điêu sái tâm

Vì nhân mà đánh kẻ bất nhân
Cứu dân đang bị điêu tàn ốm yếu
(Thương loạn)
Và Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng xác nhận rằng chỉ có lòng nhân mới tồn tại ở trên đời này, chứ không phải lòng thù hận muốn được trả thù:
Cổ lai nhân giả tư vô địch
Hà tất khu khu sự chiến tranh

Từ xưa đến nay chỉ có người có lòng nhân là không ai địch nổi
Việc gì phải khư khư ôm lấy hận thù giết chóc.
Nếu đã lấy lòng nhân để đánh kẻ bất nhân thì Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chấp nhận quan điểm của Phật Giáo rồi, vì Phật Giáo cũng chủ trương: không phải sự oán thù cừu địch được chấm dứt bằng sự oán thù cừu địch, sự oán thù cừu địch chỉ được chấm dứt bằng tình thương huynh đệ.
Vậy lý do gì Nguyễn Bỉnh Khiêm lại lên tiếng đặt nghi vấn về tinh thần ngày lễ Vu Lan của Phật Giáo? Hay ngày xá tội vong nhân theo truyền thống của dân tộc?
Ta có thể xét đến một lý do nữa, trên quan điểm của một nhà Nho thực tế, Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, kẻ nào đã làm ác thì kẻ ấy phải nhận lấy hậu quả mà chính mình đã gây ra, còn cầu nguyện để cứu vớt cho kẻ đã làm ác là điều không thực tế, là viễn vông chăng?
Giả sử Nguyễn Bỉnh Khiêm đã thắc mắc như vậy thì Phật Giáo phải giải thích thế nào?
“Có người đến hỏi Phật về ý nghĩa của sự cầu nguyện. Đức Phật trả lời, như một hòn đá nặng được thả chìm xuống đáy hồ, cho dù với sức cầu nguyện của số người đông đảo, hòn đá không vì vậy mà nổi lên mặt nước. Sự thăng trầm hay đọa lạc của một chúng sinh tùy theo hành vi mà nó đã làm, chứ không phải vì bất cứ lời cầu nguyện nào.
Tuy vậy, trong kinh điển cũng cho thấy sự tin tưởng nơi năng lực chuyển hóa của tâm đối với môi trường chung quanh; và ảnh hưởng ấy lại được chuyển tải bởi ngôn ngữ.
Khi có nhiều Tỳ Kheo sống trong rừng sâu bị rắn độc cắn chết, Phật nói nếu các Tỳ Kheo ấy mà đã rải tâm từ đến các loài rắn độc, nhất định đã không bị hại bởi chúng. Rồi Phật dạy bài kệ. Nội dung bài kệ không phải là những câu thần chú bí hiểm, mà chỉ là những ước nguyện mong cho tâm từ của hành giả lan đến chúa tể các loài rắn độc, các sinh vật không chân, hai chân và bốn chân; ước nguyện các sinh loại đều được an lành, không làm hại các Tỳ Kheo. Ước nguyện này được gọi là “hộ chú” (Parittam).
Các Paritta này hay hộ chú xuất hiện trong kinh điển Pa li không phải là ít. Ý nghĩa của nó, do đâu mà ước nguyện chủ quan như vậy lại được tác động mọi giới, có thể giải thích bằng điển hình của Angulimāla. Tôn giả vốn là một tướng cướp khét tiếng, mà con người thứ một nghìn định giết chính là Đức Phật. Nhưng Angulimāla được Phật hóa độ, trở thành Tỳ Kheo, rồi đắc quả A La Hán, nổi bật với tâm từ. Một hôm tôn giả kể với Phật trường hợp một sản phụ đau đớn, nguy kịch vì khó sinh. Phật dạy Angulimàla đến đọc cho sản phụ ấy một Paritta, như là thần chú cứu nguy. Nội dung thần chú là viện dẫn sự thật rằng, kể từ khi Angulimāla tái sinh trong Thánh đạo này chưa từng cố ý giết hại một sinh mạng nào, bằng sự thực ấy, ước nguyện sản phụ sinh sản an toàn. Tất nhiên trong quá khứ, Angulimāla là một tướng cướp giết người không ghê tay; đó là một sự thật. Nhưng từ khi được Phật hóa độ, Angulimāla sống bằng tâm từ với tất cả mọi sinh loại, đó cũng là một sự thực. Sự thực trong Thánh đạo của Angulimāla là đã chuyển hóa tai họa của sản phụ, khiến cho được an lành: “tena saccena sotthi ti hotu”. Bằng sự thực này, ước nguyện này, ước nguyện chị được an lành”.[5]
Một bác sĩ người Pháp lừng danh ở những năm đầu thập niên thế kỷ 20 cũng xác nhận rằng nhờ “rải tâm từ” mà ông đã thoát được nạn rắn độc. Đó là trường hợp bác sĩ Yersin:
“Năm 1894 bác sĩ Yersin đi từ cao nguyên Lang Bian đến Darlac rồi từ Darlac đến Attopeu, một bữa nọ bác sĩ đang đi trong rừng, mắt chăm chú nhìn lên các ngọn cây cao, thì bỗng nghe sau lưng có tiếng động. Quay lại thì ngó thấy một con rắn hổ mang to lớn đứng thẳng lên trên đuôi, phùng mang le nọc độc.
Bác sĩ Yersin đứng yên, thái độ hoàn toàn bình thản. Rắn lắc lư chiếc đầu dẹp muốn nhảy đến chụp, nhưng lại trù trừ. Hồi lâu hạ mình xuống vụt phóng vào bụi rậm rồi đi mất.
Nghe được câu chuyện, có người đến hỏi bác sĩ có phải nhờ thuật thôi miên mà thoát nạn chăng? Bác sĩ cười đáp:
Rắn độc cũng như thú dữ, cắn người chỉ để tự vệ. Chúng đều có linh tính. Một khi nhận biết rằng mình không có ác tâm, ác ý đối với chúng thì không bao giờ chúng làm hại mình”[6].
Thế giới vốn đã đen tối, nhưng sẽ đen tối hơn nữa nếu con người không chịu dừng lại như Angulimàla đã từng dừng lại trước lòng thù hận mà từ lâu Angulimàla đã ôm giữ, rồi sau đó còn đem lòng từ rải đến những con người đang đau khổ như trước đó Angulimàla đã đau khổ.
Chẳng phải đó cũng là thông điệp mà Phật Giáo mang đến cho thế giới đau khổ này trong ngày lễ Vu Lan, ngày mà Đức Phật đã khuyên dạy các đệ tử xuất gia cũng như tại gia của Ngài hãy rải lòng từ của mình đến không phải chỉ với những người mà mình thương yêu mà cả đối với những người đã thù ghét oán hận mình trước đó nữa?
Và chẳng phải tổ tiên của dân tộc Việt chúng ta đã học được bài học về lòng Từ Bi không phân biệt này từ Phật Giáo? Và ngày xá tội vong nhân không chỉ là ngày thuần tín ngưỡng thôi mà còn thể hiện tất cả sự hiếu hòa truyền thống mấy ngàn năm của dân tộc Việt?
Lịch sử của nhân loại nói chung và dân tộc Việt nói riêng đã từng chứng minh một cách hùng hồn rằng, bất cứ một triều đại nào, một thể chế chính trị nào cai trị dân bằng một chính sách bao dung, cởi mở, nhất là biết khiêm tốn học hỏi những tinh hoa của mọi tư tưởng thời đại, thì nhất định sẽ đem lại sức mạnh của sự đoàn kết, điều kiện tất yếu để đưa dân tộc mình đến giàu mạnh và phú cường.
Cố giáo sư Nguyễn Đăng Thục, một người đã dâng hiến trọn đời mình cho lịch sử tư tưởng dân tộc, đã viết về hậu quả của chính sách “độc tôn” của nhà Lê như sau:
“Triều đại nhà Lê, kể từ Lê Thái Tổ, sau 20 năm chinh chiến với quân Minh, giới lãnh đạo nhất định đoạn tuyệt với tư tưởng truyền thống Lý Trần để độc tôn một mình Nho học dùng làm ý thức hệ quốc gia, bắt chước Tống Nho “tịch Thích Đạo” nghĩa là bài bác Phật Giáo và Đạo Giáo. Sự độc tôn ấy đi đến tuyệt đỉnh của chế độ phong kiến với Lê Thánh Tông (1460 – 1497).
Ý thức hệ Nho giáo vốn bế quan nên làm cho chính thể chuyên chế, bè phái tranh giành, quan liêu và lợi danh”.
Cố giáo sư còn so sánh về sự khác nhau của hai cái chết của hai vị vua được xem là lỗi lạc nhất của hai triều đại. Vua Lê Thánh Tông thì tin vào Nho giáo, chê nhà Lý nhà Trần là mê tín Phật Giáo, đến lúc gần chết thì thốt ra những lời đầy hoang mang và tuyệt vọng:
Ngũ thập niên lai thất xích khu
Cương trường như thiết khước thành nhu
Phong suy song ngoại hoàng hoa tạ
Lô ấp đình tiền lục liễu sưu
Bích hán vọng cùng vân yểu yểu
Hoàn lương mộng tỉnh dạ du du,
Bồng lai sơn thượng âm dung đoạn
Băng ngọc hương hồn nhập mộng vô

Năm mươi năm, bảy thước thân trai
Dạ sắt lòng gan chợt yếu rồi.
Gió thổi ngoài song vàng cúc rụng
Sương sa thềm trước liễu xanh gầy
Trông lên Trời biết mây thăm thẳm
Mộng tỉnh kê vàng, năm canh chầy.
Bồng Lai đỉnh núi âm thanh dứt
Lòng tuyết hồn thơm mộng hão thôi.
Còn Trần Nhân Tông của đời Trần thì chấp nhận sống chung với cả ba tôn giáo, nói theo ngôn ngữ ngày nay là người chủ trương “đa nguyên”, khi đối diện với cái chết lại hết sức bình thản, nhà vua đã xem cái chết là bắt đầu bước vào một thế giới mà ở đó “tràn ngập một màu xuân”:
Thế số nhất sách mạc
Thời tình lưỡng hải ngân
Ma cung hồn quản thận
Phật quốc bất thắng xuân

Số đời một hơi thở
Tình đời hai biển trăng
Cung ma đâu sá kể
Cõi Phật một trời xuân.[7]
Bởi vậy khi Nguyễn Bỉnh Khiêm một người được thời đại đánh giá là “cây đại thọ tỏa bóng mát suốt thế kỷ 16” đã đến chùa Phổ Minh không phải như mọi khách vãn cảnh khác, mà chắc chắn ông đã đến để tỏ lòng tôn kính đối với ngôi chùa đã từng đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa nước Đại Việt phát triển rực rõ trong suốt một thế kỷ mà bây giờ ngôi chùa cũng như đất nước đã lâm vào cảnh điêu tàn.
Loạn hậu trùng tầm đáo Phổ Minh
Viên hoa dã thảo cựu nham quynh
Bỉ văn bác lạc hòa yên bích,
Phật nhãn thê lương chiếu dạ thanh.
Pháp giới ưng đồng thiên quảng đại,
Hương nhân do thuyết địa anh linh.
Liêu liêu cổ đỉnh kim hà tại
Thức đắc vô hình thắng hữu hình.
Sau loạn lại tìm đến Phổ Minh
Hoa vườn cỏ nội cổng xưa quen
Bia văn tàn đổ khói mờ biếc
Mắt Phật lạnh lùng đêm quạnh tanh.
Cõi Pháp một vùng Thiền rộng lớn
Người làng vẫn bảo đất thiêng linh
Xa xăm cổ đỉnh rày đâu tá
Mới biết vô hình thắng hữu hình.
(Du Phổ Minh tự)[8]
Cũng như nhà Nho Nguyễn Trãi ở thời Lê Sơ, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng cảm thấy cô độc lạ thường giữa một đám Nho thủ cựu, cố bám chặt ý thức hệ Nho giáo của mình, để cuối cùng đưa đất nước đến chỗ khốn cùng, ông than lên trong đau đớn:
Nho quan tự tín đa thâm ngộ
Đình thực thùy năng vị quốc mưu
Tất cánh dục cầu ngô lạc xứ
Tri ngô hậu lạc tại tiên ưu
Cái mũ nhà Nho tự biết đã làm cho tấm thân mắc nhiều lầm lỡ

Ăn bằng vạc, có ai là kẻ vì nước mưu toan
Rốt cục (ai) muốn tìm cái chỗ vui của ta.
Thì cần biết rằng ta được vui sau thiên hạ
Vì biết lo trước thiên hạ
Mỗi khi nhắc đến Nguyễn Bỉnh Khiêm với tư tưởng Phật Giáo, thì hầu hết các nhà nghiên cứu đều trích hai câu trong bài Cảm thời cổ úy của ông:
Tùng đầu sắc thị không
Bản lai vô nhất vật
Và đều công nhận rằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã rất nghiêm chỉnh trong việc tìm hiểu chữ “không” của Phật Giáo Đại Thừa “cái gì có hình thể, có tên gọi, có màu sắc biểu hiện đều giả hợp mà có, đều nhân duyên với nhau mà sinh, cho nên không có vật gì trong thế giới hiện tượng là tự có mà chỉ là tương đối. Cho nên “không” có thực thể tuyệt đối. Thế nên mọi sự là hỗ tương quan hệ (Pratitya samputpāda – nhân duyên) thì không có vật gì có tính độc lập, cho nên gọi là “không”[9]
Trong bài Đọc Phật kinh hữu cảm Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên nên đọc kinh Phật bằng một tinh thần như thế này:
“Nếu trong lòng bạn có mảnh ruộng bỏ hoang, thì nên cắt bỏ thứ cỏ hoang đó đi, để vun trồng lấy thứ hoa khác, đóa hoa của giác ngộ”.[10]
Đọc lời khuyên trên, ta có cảm tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm không còn là một nhà Nho nghiên cứu kinh Phật để thoả mãn tính hiếu kỳ, mà là một hành giả nhiệt tâm đi tìm kiếm con đường để tự giải phóng ra khỏi mọi đau khổ và triền phược của chính mình.
Theo lời thuật lại trong bài Đi tìm lại dấu vết ông Trạng trên hai bờ sông Vĩnh Trinh quá khứ [11] thì Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cùng với nhân dân góp công sức xây dựng các chùa như chùa Sông Mai, chùa Vọng Nguyệt, chùa Ngân Mai, chùa Kế, chùa Mét, đặc biệt là chùa Trang Hoa, ngôi chùa mà ông thường lui tới để đàm đạo và ngâm vịnh với vị sư trụ trì có tên là Bùi Ngu Dân. Chính tại ngôi chùa này, Nguyễn Bỉnh Khiêm có viết bài ký có tên là Thạch khánh Ký (bài ký viết về chiếc khánh đá). Trong bài ký có đoạn:”Nguyên có chùa Trang Hoa ở làng Đồng Địch, huyện Vĩnh Lại, thuộc Hồng Châu, đất cổ mà thanh u, cảnh đẹp mà vắng vẻ, rõ ràng là vùng trời Thiền ở cõi Chấn Đan…”
Bài thơ sau đây sẽ cho ta thấy vì sao Nguyễn Bỉnh Khiêm lại say mê với những ngôi chùa đến như vậy:
Trường tùng ông uất trúc âm sum
Danh lợi nguy nga ỷ mục sầm
Địa khả tuyệt trần lưu nguyệt tĩnh
Môn trường lan lục tỏa vân thâm
Mộ lai sơn sắc thanh tăng nhãn
Dạ hướng đăng hoa chiếu Phật tâm
Cảnh giới trang nghiêm đàm bất tận
Du quan thùy bất mỹ đăng lâm

Thông cao vút rậm rạp, tre trúc sum xuê
Dựa trên núi cao nguy nga nhìn lợi danh
Đất sạch hẳn bụi trần chỉ giữ lại bóng trăng yên tĩnh,
Cửa ngăn cách thói tục nhờ làn mây khóa lại.
Chiếu đến cảnh sắc núi rừng làm trong mắt nhà sư,
Đêm về ánh đèn soi tỏ tâm Phật.
Cảnh giới trang nghiêm đàm luận không thể tận cùng
Người đến viếng ai mà không gợi lên mỹ cảm.
(Tự thi)[12]
Cuộc đời của Nguyễn Bỉnh Khiêm gắn chặt với chùa chiền đến nỗi gần hai thế kỷ sau (18) Nguyễn Thiếp một nhà Nho lỗi lạc cũng được tôn là phu tử (La sơn phu tử) như ông (Tuyết giang phu tử), từ Nghệ An ra Bắc muốn tìm lại dấu vết của ông cũng phải vào các ngôi chùa ở các vùng quê Hải Dương.
Trong bài thơ nhan đề Quá trình tuyền mục tự (Qua chùa Mục của trình tuyền) Nguyễn Thiếp đã xem Thiền sư Vạn Hạnh ở thế kỷ thứ 10 và Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thế kỷ 16 đều là những nhà tiên tri vĩ đại. Chỉ có khác là, Vạn Hạnh đã đưa được học trò của mình là Lý Công Uẩn lên ngôi, mở ra triều đại nhà Lý, một triều đại đã khẳng định nền tự chủ và độc lập mạnh mẽ nhất sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc. Còn Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thế kỷ 16, mặc dầu được Nguyễn Thiếp ca tụng là “áo cơ thâm tạo hóa” (mưu cơ thâm kín tham dự vào việc của tạo hóa) nhưng cũng chẳng làm được gì trước thời loạn “Bạch vân bất khả đương” (Bạch vân cũng khó đảm đương nổi):
Tích văn Mạc trình tuyền
Kim đáo Tuyết kim tân
Cổ quán dư thương kệ
Di am chỉ Bạch vân.
Bắc giang tăng Vạn Hạnh,
Nam độ Tấn Tham Quân
Thao thao trục lưu Mác
Chân tri hữu kỷ nhân
Viêm vận tao dương cửu
Gian hùng xuất chấn phương
Tiêu sơn tăng dĩ hỉ
Bạch Vân bất khả đương.
Áo cơ thâm tạo hóa
Nhàn khí miểu công vương.
Phiến ngữ toàn tam tính
Hồn hỗn vị dị lương.
Am không bi diệc diệt
Lưu lạc tuyết kim giang

Xưa nghe tiếng Trạng Trình đời nhà Mạc
Nay đến bên sông Tuyết Kim
Quán cổ còn lại tấm bia đá phủ rêu xanh
Dấu vết am chỉ còn mây trắng.
Bắc Giang có Sư Vạn Hạnh
Bến đò Nam có Tấn Tham Quân
Nước cuồn cuộn chảy xuống cuối dòng
Có mấy ai được là “chân tri”
Vận nước vùng nóng nực này gặp lúc rủi ro
Ở phương Đông xuất hiện kẻ gian hùng,
Nhà sư ở chùa Tiêu Sơn không còn nữa
Bạch Vân cũng khó đảm đương nỗi.
Mưu cơ sâu kín tham dự vào việc của tạo hóa
Phong khí nhàn nhã xa cách các bậc công vương
Chỉ câu nói ngắn mà bảo toàn được ba họ
Rất hồn nhiên mà không dễ suy đoán được
Am không, bia cũng hỏng mất
Sông Tuyết Kim vắng vẻ đìu hiu.[13]
Bởi vậy ta có thể kết luận một cách chắc chắn rằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm không hề bài xích Phật Giáo. Nếu có, thì ông cũng chỉ chỉ trích những người đã làm hoen ố chốn Thiền Môn, một nơi mà ông đã gọi là “địa khả tuyệt trần” (đất sạch hẳn bụi trần).
Và mặc dù không phải là một Phật tử thuần hành như Nguyễn Trãi ở thế ky 15 hay Nguyễn Du ở thế kỷ 18, nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn xem chùa chiền như nơi chốn cuối cùng mà ông trở về, phải từ một mảnh đất sạch hẳn bụi trần (địa khả tuyệt trần) ấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới hy vọng tìm thấy lại Phật tâm trong chính ông (dạ hướng đăng hoa chiếu Phật tâm) giữa đêm dài tăm tối của sanh tử, như chính Nguyễn Bỉnh Khiêm đã xác nhận vậy.
Những nhà nghiên cứu văn học hiện nay mỗi lần viết về các nhà thơ cổ điển nói chung và Nguyễn Bỉnh Khiêm nói riêng, vẫn thường dùng nhóm từ như “hạn chế thời đại” hoặc là “sự bế tắc của chế độ phong kiến”. Như vậy, mặc nhiên ai cũng phải thừa nhận rằng thời hiện đại là thời “không bế tắc” và “không hạn chế”. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là những thời đại mà ta cho là “bế tắc” và “hạn chế” đó lại đối đãi với các nhà trí thức rất mực là “văn hóa” nói theo cách nói hiện nay.
Trường hợp Nguyễn Bỉnh Khiêm chẳng hạn, ông đã lớn tiếng mạt sát giới thống trị bấy giờ, gọi họ là một lũ chuột chui rúc (tăng thử). Trong một bài thơ khác ông còn ví họ như một lũ ruồi, lũ kiến, hễ thấy nơi nào có mùi tanh hôi, có mật ngọt, có mỡ béo thì nhào tới mà chẳng hề biết liêm sĩ là gì:
Thớt có tanh tao ruồi đậu đến
Ang không mật mỡ kiến bò chi
Vậy mà chẳng những họ (giai cấp thống trị thời bấy giờ) đã không gây khó dễ cho ông mà còn xem ông như một bậc Thầy. Tất cả các tập đoàn phong kiến đang giành giựt lẫn nhau (Trịnh, Lê, Mạc, Nguyễn) mỗi khi cần lại đến thỉnh ý kiến ông. Đến khi chết, vương triều Mạc còn sai các thái tử về lo tang lễ cho ông và phong tặng ông nhiều tước hiệu cao quý nhất dưới chế độ mà ngày nay ta gọi là “bế tắc phong kiến”.
Có lẽ chỉ những nghệ sĩ tự nguyện làm nô lệ cho thời đại còn những nghệ sĩ chân chính bằng tất cả sức mạnh nội tâm của mình, ngòi bút của họ có đủ sức lay động trái tim của nhiều thế hệ sau. Nguyễn Bỉnh Khiêm tất nhiên đứng vào hàng ngũ của những nghệ sĩ cự phách ấy.
Chẳng hạn bài thơ Nôm sau đây của ông:
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
“Chốn lao xao” là chốn nào vậy? Có phải là chốn của lợi danh, của cửa quyền để rồi cuối cùng đưa đến đấu tranh và sát phạt lẫn nhau chăng?
Có lẽ trừ Truyện Kiều của Nguyễn Du ra, thì bài thơ Nôm dễ đọc dễ nhớ trên của Nguyễn Bỉnh Khiêm là được nhân dân truyền khẩu không phải ở thời đại Nguyễn Bỉnh Khiêm thôi, mà cả đến ngày hôm nay nữa.
Điều ấy chứng tỏ rằng không phải chỉ có thời “phong kiến bế tắc” mà người dân ở mọi thời đại (kể cả thời đại hôm nay) vẫn luôn luôn là nạn nhân cho lòng tham ích kỷ của một thiểu số người vậy!

T.P.A.


[1] Tất cả thơ văn trong bài này đều trích từ Nguyễn Bỉnh Khiêm, tác giả và tác phẩm. Nhiều tác giả. Nxb. Giáo dục
[2] Theo Đinh Gia Khánh, sđd.
[3] (*): Theo Nguyễn Nghiệp trong Trạng Trình (Sấm và ký), Nxb. Văn hóa Thông tin, 2004.
[4] Vũ Tuấn Sán và Đinh Khắc Thuân dịch.
[5] Thiền và Bát Nhã của D.T. Suzuki, Tuệ Sỹ giới thiệu và dịch. Viện CĐPH Hải Đức, 2004.
[6] Xứ Trầm hương của Quách Tấn. Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa tái bản 2003.
[7] Lịch sử tư tưởng VN, Nxb. Tp. HCM, tái bản 1998.
[8] Nguyên Hiệp – Hữu Thể dịch.
[9] Theo Nguyễn Đăng Thục, sách đã dẫn.
[10] Theo Nguyễn Nghiệp, sách đã dẫn.
[11] Trịnh Khắc Nguyễn và Nguyễn Trung Hán.
[12] Ngôi chùa, một vùng tâm thức, một vùng thi ca. Nguyên Hiệp Nguyễn Khắc Mai, Nxb. Tôn giáo, 2001.
[13] Nguyễn Bỉnh Khiêm, sđd.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/03/2013(Xem: 4869)
Điểm đặc biệt của dân tộc ta là suốt từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, từ xưa đến nay, người Kinh đều nói một thứ tiếng và tất cả các dân tộc thiểu số, ngoài tiếng nói riêng của dân tộc mình, họ cũng nói rành tiếng Việt. Hơn thế, trên toàn quốc, người Việt Nam đều dùng một thứ chữ viết. Tuy nhiên, nước ta trải dài qua nhiều vĩ tuyến, điểm cực bắc thuộc xã Lũng Cú huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang ở 23º 23' phút Bắc vĩ tuyến, điểm cực nam (không tính hải đảo) là mũi Cà Mau ở 8º 30' Bắc vĩ tuyến
14/02/2013(Xem: 6805)
Khi tiếp cận với Kim Cang, tôi bỡ ngỡ và chưng hửng không ít. Lâu nay cứ nghe người ta đọc câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” như một câu thần chú để quên đi bao nội muộn phiền, rồi đọc Lục tổ Huệ Năng cũng thấy ngài kể chuyện một hôm đi bán củi, chỉ nghe lóm người ta đọc có câu kinh đó thôi mà đại ngộ, thế mà mình càng nghe càng mơ hồ, mù tịt.
13/02/2013(Xem: 3318)
hoa_ly_1Thầy không chỉ là thầy học của tôi, thầy còn dạy cả cậu mợ tôi học ở bậc Trung học. Thầy dạy môn Sinh vật từ năm lớp Sáu. Nhìn cung cách thầy trình bày dạy, tôi nghĩ rằng thầy chọn dạy môn này là do tấm lòng thầy yêu sinh vật quanh mình, thầy thưởng
11/02/2013(Xem: 3647)
cha Ðã đến lúc cha viết những lời sám hối chân thành gởi đến con. chắc con rất ngạc nhiên. Con dang xót xa vì cha cô đơn, ân hận vì không được gần cha đề săn sóc tuổi già, cũng có thể tưởng tượng cha đang nhẹ nhàng trách con... Vậy mà làm sao nghe có sự ngược đời. Con hãy nghe cha nói.
11/02/2013(Xem: 3720)
Làng tôi có ba ấp, mỗi ấp có một ngôi chùa. Tôi ở ấp Quảng Đức, lên năm tuổi đã biết tên chùa là Châu Lâm, đã thấy ông thầy chùa đầu tiên trong đời, thỉnh thoảng đi về trên con đường xuyên qua xóm. Ba tôi dặn : - Không được kêu là : "Ông thầy chùa" nghe chưa ? Hỗn. Nhưng lại không bày tôi một cách kêu khác. Trong câu chuyện, khi nhắc tới ông thầy... đó thì ba tôi dùng ba chữ "Thầy Châu Lâm". Giọng kính cẩn có pha chút thân tình, Những người trong xóm khi nhắc đến tên thầy đều có chung một giọng như thế.
08/02/2013(Xem: 8427)
Nhân một hôm đến tại tư thất thăm cụ Ngô Trọng Anh, Giác Lượng đọc được bài thơ của Cụ Hoàng Văn Minh, tức nhà thơ Điền Viên, đăng trên Đặc San của Hội Người Việt Cao Niên, vùng Hoa Thịnh Đốn Xuân Kỷ Sửu (2009). Với tựa đề: NƯỚC NON
04/02/2013(Xem: 7878)
Không được gọi là nhà thơ nhưng rất nhiều người VN vẫn có thể làm thơ. Thơ phổ biến khắp nơi với đủ loại người. Thơ không đọc bình thường như văn mà ngâm lên du dương trầm bổng, lại thêm các loại đàn sáo, tranh, bầu... sau thêm đàn nguyệt phụ họa nên ngâm thơ là một loại hình nghệ thuật cổ truyền, thuần túy VN. Ai cũng có thể đọc thơ một cách diễn cảm nhưng để ngâm thì phải biết cách. Bồng mạc, sa mạc, lẩy Kiều... Để nắm những cách thức ấy phải là người chuyên môn, thường xuyên luyện giọng chứ không phải tự nhiên ai cũng ngâm được.
27/01/2013(Xem: 2424)
Cảm nhận nguồn sông trăng, Cảm ơn tác giả: Nữ sĩ Tuệ Nga đã gởi tặng tập thơ “Từ Giòng Sông Trăng” do Cội Nguồn xuất bản vào giữa năm 2005, sách dày 400 trang giấy thắm, chuyên chở ý thơ như giòng suối tràn tuôn từ dòng tư tưởng ảnh hiện bóng trăng, soi qua cuộc đời trong sáng, với những giòng sông mênh mông tràn về biển cả. “Từ giòng Sông Trăng” chẳng những một đề tài đơn độc của tập thơ nầy để diễn tả sự mầu nhiệm của trăng mà chúng ta không thể dùng lời nói hết. Riêng Nữ sĩ Tuệ Nga có cái biệt tài đưa trăng vào thơ một cách tự nhiên không hề gượng ép. Mỗi chữ trăng là mỗi vần thơ. Mỗi dòng hạ bút là thơ trăng huyền.
21/01/2013(Xem: 7426)
Một lòng yêu nước với yêu quê Sang lánh trời Tây vẫn nhớ về Non nước đớn đau lòng tu sĩ Đêm về gợi nhớ bóng hương quê Nghìn năm văn hiến giờ đâu thấy Nghĩa lý luân thường mất đã lâu Khổ đau oằn quại triền miên kiếp
20/01/2013(Xem: 2452)
Cuộc đời bầm dập nổi trôi của một em học trò cũ đã thôi thúc tôi viết nên truyện này. Người ta thường bảo „sông có khúc, người có lúc“ nhưng phải nhìn nhận cả cuộc đời của em đã phản ảnh lại nhận xét trên. Bao đau thương đã dồn dập lên đôi vai yếu ớt của em, nhiều lúc tưởng chừng như không còn gượng đứng dậy được nữa, nhưng em vẫn phải sống, vẫn phải đương đầu với mọi khổ đau tràn ngập vây quanh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567