Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Sư Chân Nguyên, người muốn gởi những ước mơ đến dân tộc Việt

08/10/201003:14(Xem: 2649)
Thiền Sư Chân Nguyên, người muốn gởi những ước mơ đến dân tộc Việt

ngoi thien
THIỀN SƯ CHÂN NGUYÊN

NGƯỜI MUỐN GỞI NHỮNG ƯỚC MƠ
ĐẾN DÂN TỘC VIỆT


THÍCH PHƯỚC AN

Tiểu sử chép: “Năm 19 tuổi Chân Nguyên đọc quyển Thực Lục sự tích Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang,chợt tỉnh ngộ mà nói rằng, đến như cổ nhân ngày xưa, dọc ngang lừng lẫy mà còn chán sự công danh, huống gì mình chỉ là một anh học trò”. Bèn phát nguyện đi tu.

Thế là cũng như Thiền sư Huyền Quang, Chân Nguyên cũng leo lên núi Yên Tử để thực hiện chí nguyện xuất gia học đạo của mình.

Và cũng giống như Huyền Quang, Chân Nguyên cũng đã viết Thiền tịch phú khi Chân Nguyên còn đang làm trụ trì tại chùa Long Động trên núi Yên Tử.

Dù không được đánh giá cao như Vịnh vân yên tự phú của Huyền Quang, tức là một trong bốn bài phú nổi danh của đời Trần, là Cư Trần Lạc Đạo Phú, Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Cacủa Trần Nhân Tông, Giáo Tử Phúcủa Mạc Đỉnh Chi, mà Giáo sư Lê Mạnh Thát cho là “chỉ bắt đầu từ bốn bài phú ấy, nền văn học Tiếng Việt mới có những tác phẩm đầu tiên còn được bảo tồn cho đến ngày nay”.

Mặc dù không được đánh giá cao và truyền tụng nhiều như Vịnh Vân Yên Tự Phú của Huyền Quang, nhưng đọc Thiền Tịch Phú, ta không những thấy lại được cảnh sinh hoạt nơi chốn Thiền môn của Phật giáo Vịệt Nam ở cuối thế kỷ thứ 17 và những năm đầu thế kỷ 18, từ cách thờ phụng đến tu niệm, từ đồ ăn thức uống đến chương trình giáo dục của Thiền viện, đặc biệt ta còn thấy được ngòi bút của Chân Nguyên gần như bay bổng và đầy niềm kiêu hãnh khi đang là hành giả thực hiện chí nguyện cao cả của người xuất gia, dù Chân Nguyên vẫn một mực khiêm tốn nói rằng mình không hề có ý định làm văn chương: “phúc lại thấy tri thức bạn lành, mấy chốc mà nên, lọ là phải văn chương ngốc ngách”

Đây là cảnh Chân Nguyên tu niệm hàng ngày ở chùa Long Động, nơi ông đang làm trụ trì: “Đêm đông trường khi mật niệm, gióng tiếng chuông thánh thót lênh kênh; ngày hạ tiết lúc tụng kinh, nện dùi mõ khoan mau lịch kịch”.

Đã gần 20 thế kỷ qua, nghĩa là từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam đến nay thì tiếng chuông, tiếng mõ cùng lời kinh kệ như tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng kinh kệ của chùa Long Động này đã an ủi không biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh, những tâm hồn cô đơn lạc lõng, nhất là đã cùng vui với nỗi vui của dân tộc trong những triều đại oanh liệt và đau theo nỗi đau của dân tộc khi người dân phải sống chung dưới những chế độ chuyên chế hà khắc.

Còn đây là đoạn Chân Nguyên tả cách ăn mặc hàng ngày:

Chỉn chuộng một bề đạo đức, miệng chẳng hiềm ăn đắng ăn cay, vốn yêu hai chữ từ bi, thân nào quản mặc lành mặc rách.

Khi dưa dấm chua lòm

Bữa canh suông lạt thếch

Mũ viền sô nhuộm mực đen sì

Quần áo vải nâu sồng cũ rích

Tham tài ái sắc, chẳng bao màng thói tục kiêu ngoa

Cầu đạo xả thân, vốn giữ nếp nhà Thiền cục kịch.

Túi để đựng kinh chứa sách, túi nào dùng vóc cải móng rồng

Dép đi đỡ bụi cách trần, dép chẳng chuộng da tàu hàm ếch”

Điểm khác biệt nhất để phân biệt Phật giáo với các tôn giáo khác là Phật giáo không bao giờ chủ trương độc quyền dù là độc quyền tư tưởng. Bởi vậy, Phật giáo nhất là Phật giáo Việt Nam mà tiêu biểu là Phật giáo dưới hai triều đại Lý, Trần đã vận dụng triệt để tinh thần bao dung ấy của Phật giáo và đã đoàn kết được dân tộc lại thành một khối duy nhất.

Trong Thiền Tông Chỉ Nam, một trong những tác phẩm quan trọng nhất của vua Trần Thái Tông, nhà vua đã phát biểu rõ ràng ý đồ ấy của mình:

“Để dạy bảo quần chúng u mê, soi tỏ đường tắt về lẽ sống chết, đấy là giáo lý vĩ đại của Phật, gánh vác việc cầm cân công lý, làm ra mẫu mực tương lai, đó là trách vụ của thánh nhân Nho giáo. Giáo lý của Phật ta lại mượn tay thánh Nho để truyền vào đời sống đoàn thể”

Thiền sư Chân Nguyên muốn đem tinh thần ấy cho triều đại nhà Lê nên Chân Nguyên đã viết trong Thiền Tịch Phú:

Chơi rừng Nho len lỏi suối khe

Dạo bể Thích luồn tuôn ngòi lạch

Và Chân Nguyên ước mơ một ngày nào đó hai hệ tư tưởng lớn nhất này sẽ cùng đưa đất nước đến hùng mạnh như hai triều Lý và Trần đã hùng mạnh nhờ áp dụng một cách thành công sự kết hợp này:

Sư quân tử cấy trúc ngô đồng

Đệ trượng phu trồng thông tùng bách

Trăm thức hoa đua nở kề hiên

Bảy giống báu chất đầy kẻ ngạch

Ngào ngạt mùi xạ lan

Thơm tho hương trầm bạch.

Nhưng đạo Phật không dừng lại ở đó mà mục tiêu cuối cùng của đạo Phật vẫn là phải giải thoát khỏi sự thống khổ mênh mông của kiếp người. Nhưng Khổng giáo cũng như Lão, Trang hoàn toàn không đáp ứng được đòi hỏi cấp thiết mà Thiền sư Cửu Chỉ của Phật giáo ở thời nhà Lý đã chỉ cho thấy sự khiếm khuyết ấy:

“Không Mặc chấp hữu, Trang Lão nhược vô, thế tục chi điển phi giải thoát pháp. Duy hữu Phật giáo bất hữu vô, khả liễu sanh tử.”

“Khổng học và Mặc học chấp vào thế gian là có thật, Trang học và Lão học lại nói không có thật. Kinh sách thế tục chẳng phải pháp học giải thoát con người, chỉ có Phật giáo vượt lên ‘có’ và ‘không’, nên mới có thể thấu triệt lẽ sống chết.”

Bởi vậy cho nên , khi kết thúc Thiền Tịch Phú, Chân Nguyên đã kêu gọi tất cả chúng ta nếu muốn thấu triệt lẽ sống chết thì hãy buông bỏ tất cả. Chỉ khi nào chịu buông bỏ thì chúng ta mới có thể mở miệng mỉm cười mà chào đón giác ngộ:

“Khuyên người đời đừng bắt chước sự đời, trước ra không sau lại về không, nữa luống lòng nghĩ tiết khuâng khuâng.

Bảo kẻ có chí, phải theo đòi thánh chí, nhân đã tỏ quả đà nên tỏ, rồi đắc ý cười riêng khích khích”

Bởi thế cho nên Chân Nguyên chỉ lấy cái hay của Khổng giáo còn cái gì dở của Khổng giáo thì phải loại bỏ. Trong Tôn sư phát sách đăng đàn thọ giới, Chân Nguyên đã khuyến cáo giới tăng sĩ của Phật giáo thời bấy giờ rằng đã là bậc đại sa môn, bậc đại trượng phu thì không nên rơi vào chỗ thấp hèn như các nhà Nho:

“Cho nên, áo mũ cân đai nhà Nho là nghi phục để chầu vua thì ca-sa tọa cụ dòng Thích là pháp phục để chầu Phật. Áo vuông đầu tròn làm con cháu Phật tổ là để hiển dương chánh pháp xuất hiện ở đời, làm cho Phật pháp dài lâu, lợi ích muôn loài vậy.”

Phải chăng việc lạm dụng y áo vốn được ca tụng là “thiện tai giải thoát phục” này để khúm núm với kẻ quyền thế chắc chắn không chỉ xảy ra dưới thời nhà Lê của Chân Nguyên mà còn xảy ra ở bất cứ thời nào, khi thời đó còn có những tăng sĩ Phật giáo tự nguyện biến thành công cụ để phục vụ cho quyền lực thế tục?

Thiền sư Huyền Quang của Phật giáo đời Trần, người mà Chân Nguyên đã vô cùng ngưỡng mộ và chính sự ngưỡng mộ này đã khiến cho Chân Nguyên phát tâm xuất gia học đạo, có làm bài thơ đặt tên là Sơn Vũ (Nhà trong núi), như thế này:

Thu phong ngọ dạ phất thiềm nha

Sơn Vũ tiêu nhiên chẩm lục la

Dĩ hỷ thành Thiền tâm nhất phiến

Cung thanh tức tức vị thùy đa

Đêm khuya gió thu lay động bức rèm

Nhà núi đìu hiu gối vào lùm dây leo xanh biếc

Thôi rồi, lòng ta đã hoàn toàn vắng lặng

Nhưng sao tiếng dế vì ai mà vẫn còn rền rỉ mãi?

Hai câu cuối của bài thơ có thể giải thích cho ta biết lý do tại sao các Thiền sư không ở yên trên núi cao để hưởng an lạc cho riêng mình mà lại phải xuống núi vì sự thống khổ của kẻ khác; và tất nhiên cũng sẽ giải thích tại sao những nhân vật chính trong tác phẩm của Chân Nguyên như thái tử Đạt Na trong Đạt Na Thái Tử Hành (ĐNTTH) hay công chúa Diệu Thiện trong Nam Hải Quan Âm Bản Hành (NHQABH) là những nhân vật đã vì sự thống khổ của con người mà phải gánh chịu không biết bao nhiêu là khổ nạn, bao nhiêu là bất công, oan nghiệt cũng chỉ vì họ muốn tự nguyện chia sẻ nỗi thống khổ ấy với con người chứ không vì bất cứ một lý do nào khác cả.

Nhưng trước khi đi vào nội dung những tác phẩm của Chân Nguyên thì ta cũng cần biết Chân Nguyên đứng nơi nào không những đối với văn học Phật giáo nói riêng mà còn cả nền văn học dân tộc nói chung nữa.

Theo giáo sư Lê Mạnh Thát, tác giả Chân Nguyên Thiền Sư Toàn Tập(CNTSTT):

“Chân Nguyên (1647-1726) là một tác giả lớn của hậu bán thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18. Trong tình hình tư liệu hiện nay, có thể nói ông là người đầu tiên viết truyện bằng thể tài lục bát, mở đầu cho sự ra đời hàng loạt truyện thơ của nền văn học dân tộc ta. Do thế ông chiếm một vị trí nhất định trong lịch sử văn học và tư tưởng dân tộc.”

Tác phẩm được cho là quan trọng nhất trong toàn bộ những tác phẩm của Chân Nguyên là Thiền Tông Bản Hạnh(TTBH).

Tác giả CNTSTT cho biết là vì sao Thiền Tông Bản Hạnhlại quan trọng:

“Về phương diện văn học, TTBH đã cùng với Thiên Nam Minh Giám Thiên Nam Ngữ Lục, khai sáng ra một thể tài văn học mới nổi tiếng trong lịch sử, lấy chính lịch sử dân tộc làm chủ đề phô diễn, làm khung cảnh cho khả năng sáng tạo của người viết. Do đó TTBH quan trọng không những cho công tác nghiên cứu chính tự thân thể tài văn học ấy, mà còn cho việc tìm hiểu tương quan văn học lịch sử cùng tác giả của chính nó với hai tác phẩm kia, đặc biệt vì ta biết tương đối khá tường tận về tác giả đã viết nó. Trên phương diện lịch sử và tư tưởng, TTBH là một tác phẩm quốc âm xưa nhất hiện được biết, chuyên viết về một giai đoạn lịch sử và tư tưởng dân tộc, đó là giai đoạn từ năm 1225 – 1357, tức là năm Trần Cảnh lên ngôi cho đến khi Trần Nhân Tông băng hà”.

Còn đối với lịch sử Phật giáo Việt Nam, thì TTBH còn giữ một vị trí quan trọng hơn nữa:

“TTBH là một tác phẩm lịch sử của Phật giáo Việt Nam đầu tiên bằng Quốc Âm được phát hiện. Nó giúp ta không những hiểu biết lịch sử Phật giáo trong giai đoạn ấy, mà còn cả tình trạng kiến thức lịch sử và quan niệm tôn giáo của những người sống vào thời nó ra đời. Xa hơn nữa, nó đã gợi lên một số những đề án lý luận mà sau này đã trở thành cơ sở cho một hệ tư tưởng Phật giáo Việt Nam mang tính nhất quán được thể hiện ở những con người như Ngô Thời Nhiệm và Toàn Nhật”.

Trong phần nhập đề của tác phẩm TTBH Thiền sư Chân Nguyên đã nhắc lại một giai thoại mà ai cũng biết đã làm rung động không chỉ các Thiền sư mà còn cả văn nhân, thi nhân và họa sĩ từ hơn 15 thế kỷ qua, đó là giai thoại Niêm Hoa Vi Tiếu, nghĩa là cầm hoa mỉm cười, mà kinh Đại Thiên Vương Vấn Phật Quyết Nghi Kinh đã ghi lại, theo đó thay vì thuyết pháp Đức Phật lúc đó đang ở trên đỉnh núi Linh Thứu đã cầm một đóa hoa sen mà Phạm Thiên Vương vừa dâng cúng, đưa lên rồi mỉm cười, trong pháp hội lúc đó chẳng ai hiểu được ý nghĩa này cả, ngoài trưởng lão Ma Ha Ca Diếp:

Thuở xưa hội cả Kỳ Viên

Bụt cầm một đóa hoa sen giơ bày

Ca Diếp trí tuệ khôn thay

Liễu ngộ tự tánh bằng nay mỉm cười

Trần trần sát sát Như Lai

Chúng sanh mỗi người mỗi có hoa sen

Hoa là bản tính tự nhiên

Bao hàm thiên địa phương viên cùng bằng

Hậu học đà biết hay chăng

Tâm hoa ứng miệng nói năng mọi lời

Chân Nguyên cũng diễn tả lại tiếng quát thét đầy uy lực của các Thiền sư trong suốt dòng lịch sử của Thiền Tông:

Đến khi phó pháp truyền trao

Vận dụng trí tuệ thiển thâm nhiều bề

Hoặc là nghiễm tọa vô vi

Hoặc là thuấn mục dương mi giao thần

Hoặc hiện sư tử dĩnh thân

Quát thét một tiếng xa gần vang uy

Tuệ Sỹ trong bài viết cách đây hơn ba thập niên có nói rằng chính tiếng quát ấy mà biết bao con người khát khao chân lý, khát khao tuyệt đối đã lên đường để tìm cho ra lẽ sống chết:

“Một thời xa xưa tại các pháp đường của các Thiền viện, người ta nghe sang sảng những tiếng cười và tiếng thét. Bao nhiêu lời lẽ luận bàn khúc chiết được gửi trả về cho dãy sa mạc trên miền Cao Á, nơi đã từng ghi dấu cuộc hành trình khổ nhọc của những tâm hồn khát khao tuyệt đối. Nơi đây sa mạc vẫn cứ thiên thu cô tịch trong cơn gió bức bách của hư vô. Lẽ sống và lẽ chết vẫn mãi mãi bồng bềnh hư ảo. Tâm hồn miệt mài nóng cháy, nhưng không cháy tan nổi những giấc mộng hãi hùng của hư vô và hủy diệt. Rồi mai kia, khi thời cơ đến, tiếng thét trổi lên làm đảo lộn cả nếp sống bình sinh.”[1]

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn học vẫn nghĩ rằng, Trần Thái Tông bỏ ngôi vua lên núi Yên Tử là do chuyện buồn riêng tư. Điều đó có thể đúng một phần nào thôi, giả như nếu Trần Thái Tông không buồn chuyện riêng tư thì một tâm hồn như ông cũng không thể nào không mang nặng nỗi buồn muôn thuở của kiếp người, như chính Trần Thái Tông đã trình bày với Thiền Sư Trúc Lâm trên núi Yên Tử:

“Lại nghĩ sự nghiệp đế vương thuở trước, thay đổi bất thường, cho nên tìm đến núi này chỉ muốn được thành Phật chứ không cầu gì khác”

Thiền sư Chân Nguyên đã diễn tả ý đó trong TTBH:

Lòng vua những lự đêm ngày

hai mươi sáu tuổi hầu hay chước nào

sinh lão bệnh tử thương sao

tuổi già lập cập nan đào tử sinh

Tháng ngày bằng chớp loáng minh

Thân người ảo hóa nhiều hành khá thương

Thế tình tham những giàu sang

Đắm say nào biết tuổi vàng phong đô

Tam Hoàng ngũ đế thời xưa

Lưa lần thay đổi biết qua mấy đời

Trong NHQABH Chân Nguyên cũng đã nhắc lại ý đó qua lời của công chúa Diệu Thiện:

Gẫm chưng sự thế gian này

Vinh hoa phú quý xem tày phù vân

Hưng vong bỉ thái xoay vần

Đế vương kim cổ lửa lần bao nhiêu

Nhưng xét cho cùng thì bất cứ một con người vĩ đại nào cũng đều không nhiều thì ít đều âm thầm chịu đựng một bi kịch nào đó trong chính mình, Trần Thái Tông chắc cũng không ngoại lệ. Nhưng những bậc vĩ nhân khác con người nhỏ bé tầm thường chúng ta ở chỗ, hễ chúng ta bị đau khổ thì sự đau khổ sẽ làm cho ta ngã gục và từ đó cũng làm cho ta đâm ra thù ghét và oán hận cuộc đời, còn những bậc vĩ nhân thì ngược lại, họ biến nỗi đau khổ riêng tư ấy thành sức mạnh tinh thần không gì lay chuyển nổi, để từ đó họ thông cảm sâu xa hơn nữa với bao nổi đau khổ của cuộc đời và họ lại càng quyết tâm hơn nữa trong việc cứu vớt con người ra khỏi bao nỗi đau khổ ấy.

Những ưu tư sau đây của Trần Thái Tông, những ưu tư mà Chân Nguyên đã căn cứ vào lời tựa trong Thiền Tông Chỉ Nam do chính Trần Thái Tông viết thì chắc chắn không phải là ưu tư của một vị vua tầm thường như bao vị vua tầm thường khác, mà chắc chắn phải là ưu tư của một bậc minh quân không chỉ hiếm hoi trong lịch sử của dân tộc mà còn cả lịch sử của nhân loại nữa:

Vua thấy Thiên hạ sầu bi

Lòng lo thảm thiết một khi trình thầy

“Thiên hạ rước trẫm về rày

Lòng muốn tu đạo nguyện thầy dạy sao?”

Dòng dòng nước mắt nhuốm sa

Một là tiếc đạo hai là thương dân

Thuở ấy Thiền Sư Trúc Lâm

Thấy vua thuyết vậy bội phần khá thương

Trí khôn tâu động Thánh Hòang

Được lòng thiên hạ mới lường rằng bây.

Thiền sư Chân Nguyên qua hai câu:

Dòng dòng nước mắt nhỏ sa

Một là tiếc đạo hai là thương dân

Theo tôi, đã nói lên được hết tất cả sự phân vân lưỡng lự của một tâm hồn vĩ đại. Nghĩa là hoặc chỉ vì sự an vui của riêng cá nhân hoặc là phải xuống núi trở lại vì tiếng kêu la thống thiết của muôn người.

Chính hai câu nói của vị sư già trên núi Yên Tử: “Trong núi vốn không có Phật, Phật chỉ có trong tâm, khi nào tâm vắng lặng thì đó là chân Phật”, và “Hễ là bậc nhân quân, tất phải lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình, lấy cái ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình” mà lịch sử của dân tộc đã mở ra một triều đại oanh liệt. Oanh liệt không phải chỉ trong việc đánh đuổi ngoại xâm mà còn oanh liệt trong việc xây dựng và phát triển đất nước trên mọi bình diện. Kinh nghiệm lịch sử của đời Trần cho ta thấy rằng hễ triều đại nào biết tôn trọng những giá trị tâm linh thì triều đại ấy sẽ phát triển rực rỡ trên mọi mặt chứ không phải chỉ có một mặt là đánh đuổi ngoại xâm thôi.

Bây giờ ta tiếp tục xem thử TTBH đã thuật lại việc Trần Thái Tông vâng lời Trúc Lâm Thiền sư “Nghiên cứu kinh điển, không quên rửa lòng, rèn tính” như thế nào?

Vua ngồi tức lự trầm ngâm

Hốt nhiên đại ngộ mới thâm vào lòng

Ngộ được Bát Nhã tâm tông

Vạn pháp diệu dụng tự tính hiển dương

Bản lai thanh tịnh chân thường

Viên minh phổ chiếu đường đường tịch quang

Khi thời ngồi ngự ngai vàng

Khi thời tọa tịnh thiền sàng bóng cây

Lòng thiền nghiêm cẩn ai hay

Quả Bồ Đề chín đến ngày thâu công

Thiên hạ nam bắc tây đông

Thấy vua đắc đạo trong lòng vui thay

Đọc đoạn thơ trên khiến ta có thể liên tưởng đến sự hân hoan náo nức của toàn thể nhân dân nước Đại Việt lúc bấy giờ khi nghe tin Trần Thái Tông đã đánh bại đội quân Nguyên Mông xâm lược nước ta vào ngày 24 tháng Chạp năm Đinh Tị (1258) tại Đông Bộ Đầu.

Vậy là Trần Thái Tông đã chiến đấu không phải chỉ trên chiến trường với kẻ thù xâm lược thôi mà còn phải chiến đấu cả trên mặt trận tâm linh nữa, và cả hai mặt trận Trần Thái Tông đều chiến thắng một cách oanh liệt.

Nhưng sở chứng của Trần Thái Tông là gì mà lại lay động được không biết bao nhiêu tâm hồn của người dân nước Đại Việt đương thời? Chân Nguyên đã diễn lại câu hỏi của Đức Thành, một vị thiền sư của nước Tống đến tham vấn Trần Thái Tông như sau:

Đức Thành lại hỏi căn nguyên

Đế vương ngộ đạo nhân duyên như hà

Này lời Trần Thái Tông thưa ra

“Lưỡng mộc đồng hỏa đôi ta khác gì?”

Đương cơ đối đáp thị thùy

Thực tính ứng dụng cùng thì nhất ban

Phóng ra một bọc càn khôn

Thâu lại nhập nhất mao đoan như là

Ma Ha Bát Nhã Ba La

Tam thế chư Phật chứng đà nên công

Bách giang vạn thủy triều đông

Ngộ đạo giáo lý thực cùng tề nhau

Phật tiền Phật hậu trước sau

Bát Nhã huyền chỉ đạo mầu truyền cho

Ai ai đạt giả đồng đồ

Mỗi người mỗi có minh châu trong nhà

Dường như nơi con người của Chân Nguyên lúc nào cũng khát khao vươn lên khỏi thân phận bi thảm của kiếp người một cách vô cùng mãnh liệt. Cho nên ta chẳng lấy gì làm lạ hễ khi nào có dịp đề cập đến những vấn đề triết học quan trọng của Phật giáo như Chân Như, Bồ Đề, Phật Tánh, Bát Nhã v.v… thì ngòi bút của Chân Nguyên có dịp bay bổng.

Đây là đoạn Chân Nguyên diễn lại cảnh Tuệ Trung Thượng Sĩ chỉ cho Trần Nhân Tông thấy diệu dụng cái tâm của chính mình và của cả mọi người:

Tuệ Trung trỏ bảo liền tay

Tức tâm thị Phật xưa nay Bụt truyền

Tâm là bản thể căn nguyên

Tâm là nhật tự pháp môn thượng thừa

Tâm bao bọc hết thái hư

Tâm năng ứng dụng tùy cơ trong ngoài

Tâm hiện con mắt lỗ tai

Hay ăn hay nói mọi tài khôn ngoan

Tâm năng biến hóa chư ban

Vạn pháp cụ túc lại hoàn như như

Và dưới đây là cảnh tượng đầy hùng tráng mà đệ nhất tổ Trần Nhân Tông đã phó chúc cho Thiền sư Pháp Loa làm đệ nhị tổ dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử:

Pháp Loa ta đã truyền lòng

Làm đệ nhị tổ nối dòng Như Lai

Đèn Bụt như lửa mặt trời

Hỏa tinh vô tận mỗi người mỗi cho

Bảo Sát hãi chúng môn đồ

Ai ai cũng có minh châu trong mình

Pháp thân nghiêm hỷ, trường linh

Tì Lô thượng đảnh tung hoành thái hư

Thánh phàm vô khiếm, vô dư

Đường đường đối diện như như thể đồng.

Nhưng ta có thể thắc mắc tại sao Chân Nguyên lại ngồi cặm cụi viết lại bằng thể thơ lục bát một giai đoạn hào hùng nhất của lịch sử dân tộc? Phải chăng ông muốn gởi gắm tâm sự của mình với giai đoạn lịch sử đầy hào hùng nhằm tìm một lối thoát cho dân tộc và cho cả thời đại mà Chân Nguyên đang sống chăng?

Tác giả TSCNTT đã lý giải một cách rất cảm động rằng:

“Chân Nguyên sinh năm 1647 và mất năm 1726, như vậy sống hoàn toàn vào hậu bán thế kỷ XVII và phần tư đầu thế kỷ XVIII. Vào giai đoạn đó trong đời sống kinh tế của nhân dân nói chung đã phát triển lên một bước, nhưng chế độ phong kiến vẫn cố sức kềm hãm đà phát triển ấy, nên đã để mình lao nhanh vào cuộc khủng hoảng với những mâu thuẫn không thể giải quyết nổi của bản thân nó. Đất nuớc vẫn qua phân, nhân dân vẫn đói khổ. Do thế, một bộ phận trí thức dân tộc đã băn khoăn suy nghĩ đi tìm cách để cứu nước, cứu dân. Vì vậy, họ đã quay về những thời kỳ vàng son của đất nuớc, những anh hùng của dân tộc, tra soát lại lịch sử để hiểu xem nhân tố nào đã tạo nên những thời kỳ vàng son và những anh hùng dân tộc đó (…).

Sống vào một thời đại như vậy, Chân Nguyên không thể không có những đóng góp mang tính thời đại của mình. Ông đã trở về truyền thống dân tộc, tìm lại những mẫu người điển hình của quá khứ vẻ vang để suy niệm và sáng tác. Ông đã viết TTBH, mô tả lại cuộc đời của hai vị vua anh hùng đời Trần, từng vào sanh ra tử, quyết chiến, quyết thắng kẻ thù Nguyên Mông xâm luộc hùng mạnh hung hãn nhất thế giới thời bấy giờ và đã chiến thắng một cách lừng lẫy vang dội khắp loài người, đó là Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông”.

Nhưng nhân dân vào thời đại Chân Nguyên đã sống như thế nào? Dù là một cốt truyện lấy từ truyện tiền thân của Phật giáo, nhưng qua cái nhìn của thái tử Đạt Na ta thấy được phần nào bức tranh vô cùng ảm đạm mà người dân thời Chân Nguyên đã phải gồng mình lên để gánh chịu:

Từ Anh ra chơi ngoài đường

Bần nhân kêu khóc dậy đường van lơn

Anh xem thấy nó khôn hàn

Trần truồng khỏa lộ cơ hàn thiết thay

Cơm thời chẳng có ăn rày

Áo thời thuở này chẳng có che thân

Cùng là gầy guộc tay chân

Tối thui què quặt muôn phần xót xa

Có người Chốc lịch càng gia

Nằm lăn hòa khóc ở ca bên đường

Đêm ngày dãi nắng dầm sương

ốm đau yếu đuối mình bằng cọng tơ

Cơm áo chẳng có ai cho

Lấy chi mà uống mà hồ sống nay

Tác giả CNTSTT đã nhận định rất đúng rằng: “Đọc những câu thơ vừa dẫn, ta thấy ngay Chân Nguyên không thể tả một thế giới nào khác hơn là thế giới của thời đại ông đang sống”.

Chân Nguyên đã sống vào thời đại nhà Lê (Trung hưng). Vậy các sử gia đã đánh giá thế nào về nhà Lê, tức là thời đại mà Chân Nguyên đang sống?

Sử gia Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lượcviết rằng: “Nhà Lê, kể từ vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) cho đến vua Cung Hoàng vừa đúng một trăm năm (1428 – 1527), được mười ông vua. Nhưng trong bấy nhiêu ông, trừ vua Lê Thái Tổ, thì chỉ có vua Lê Thánh Tông và Hiếu Tông là đã lớn tuổi mới lên ngôi, còn thì ông nào lên làm vua cũng còn trẻ cả. Vì thế cho nên việc triều chính mỗi ngày mỗi suy kém, lại có những ông vua hoang dâm, làm lắm điều tàn bạo để đến nỗi trong nước xảy ra bao nhiêu biến loạn.

Sống giữa những ông vua như vậy, nên ta chẳng lấy gì làm lạ khi chân Nguyên đã để cho công chúa Diệu Thiện trong NHQA đã nói thẳng với cha mình mà đồng thời cũng là vị vua đang cai trị đất nước rằng:

Sao cha ám muội hôn mê

Tâm tà xí thạnh nào còn biết chi

Gẫm mình da bất năng trì

Sao cho trị quốc xứng vì thánh quân

Chân Nguyên sinh năm 1647 và mất năm 1726, nghĩa là sống trong giai đoạn mà hai tập đoàn phong kiến Trịnh, Nguyễn đang tranh giành nhau một cách quyết liệt. Sống trong không khí chính trị đầy ngột ngạt như vậy nên Chân Nguyên tất nhiên phải ước mơ một ngày nào đó đất nước sẽ phải thu về một mối, để người dân không còn phân biệt kẻ Bắc người Nam nữa:

Lòng tôi chẳng muốn Bắc Nam

Lấy làm bốn bể anh tam một nhà

Thu về hội họp quốc gia

Địa lợi nhân hòa lẽ ấy càng hơn.

Có lẽ ta cũng cần bàn thêm ở đây là bốn câu trên cùng với hai câu này:

Tích lấy tài sản làm chi

Cho hay của ấy thật thì của chung

Trong tác phẩm DNTTH của Chân Nguyên chẳng liên hệ gì đến thứ triết lý về kinh tế cũng như xã hội đã xuất hiện ở Tây phương từ những năm hậu bán thế kỷ XVIII và đã tồn tại cho đến những năm cuối thế kỷ XX.

Khi Chân Nguyên chủ chương “Không tích lũy tài sản” vì “Của ấy thật là của chung” thì chắc chắn Chân Nguyên không đứng trên một chủ thuyết nào cả mà ông chỉ vì lòng từ bi của Phật giáo như ông đã xác nhận:

Lòng tôi cảm đức từ bi

Thấy người đói rách tôi thì càng thương

Bởi vậy, cách giải quyết của Chân Nguyên là kêu gọi những người đang cai trị tức là những kẻ đang nắm giữ tài sản khổng lồ của quốc gia hãy bỏ tánh tham lam đi để mọi người dân đều được quyền hưởng thụ tài sản mà chính họ đã từng bỏ công sức ra để đóng góp. Vì quả thật đó là tài sản chung của mọi người chứ không phải của riêng ai kể cả giai cấp đang thống trị:

Dám khuyên bệ hạ từ rày

Thi nhân bố chính cho hay ở mình

Chớ hề ngược đãi thương sinh

Văn vũ triều đình ái quốc ưu quân

Nhưng khi mơ ước một xã hội công bằng bởi lòng từ bi, cũng như việc thái tử Đạt Na thực hiện ước mơ đó bằng cách bố thí tất cả, kể cả vợ và con mình thì không ít người đã thắc mắc phải chăng thái tử Đạt Na đã vi phạm chính ngay phẩm giá của con người?

Bây giờ ta xem thử tác giả CNTSTT đã giải đáp vấn đề cực kỳ quan trọng này như thế nào?

“Theo chúng tôi nghĩ, xuất phát từ chủ nghĩa nhân đạo ước mơ mà nó nhắm tới, trong khi việc nó gây ra nhiều nghi vấn lại bắt nguồn từ phương thức để thực hiện chủ nghĩa nhân đạo ước mơ đó. Nói khác đi, người ta dẫn chuyện Đạt Na, vì nó nói lên được giấc mơ về một thế giới lý tưởng thực sự chân chính của con người. Nhưng người ta vẫn thắc mắc về những hành động của Đạt Na, bởi vì người ta biết rằng những hành động ấy không phải là những phương thức thực tế để thực hiện thế giới ước mơ đó một cách hữu hiệu. Cử chỉ bố thí có thể là một cử chỉ nhân đạo, nhưng nó không đủ để xây dựng một thế giới nhân đạo.

Đúng là những ước mơ của thái tử Đạt Na không đủ để xây dựng một thế giới nhân đạo, nhưng theo tôi cuộc đời sẽ tăm tối biết là bao nếu những ước mơ của con người về một thế giới sẽ tốt đẹp hơn trong ngày mai sẽ không bao giờ còn hiện hữu trong giấc mơ của con người nữa. Bởi thế, con người cứ nên tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ đó dù biết rằng những giấc mơ đó sẽ chẳng bao giờ thực hiện được trên đời này.

Thiền sư Chân Nguyên mất năm 1726 thì cũng chính trong năm đó Lê Quý Đôn, một nhà Nho lỗi lạc đã chào đời. Trong tác phẩm Thiền Dật Kiến Văn , Lê Quý Đôn đã chỉ trích những nhà Nho của triều Lê, tức là triều đại mà ông đang sống và phục vụ như thế này:

“Ngô Nho chấp bỉ thử chi kiến, mỗi mỗi biện bác báng cập Tiên, Thích hà kỳ chất dã”.

Bọn nhà Nho chúng ta chấp quan điểm này quan điểm kia, mỗi mỗi biện bác, nhạo báng cả đạo Tiên, đạo Thích, sao mà lú lẫn đến thế?

Thật ra, việc các nhà Nho nhạo báng đạo Phật thì chẳng có gì quan trọng, vì chỉ cần một câu nói ngắn gọn nhưng vô cùng súc tích của Thiền sư Cửu Chỉ ở đời Lý đã được trích dẫn ở trên: Khổng học và Mặc học chấp vào thế gian là có thật, Trang học và Lão học chủ trương là không có thật. Nhưng kinh sách thế tục đó chẳng phải là những môn học để giải thoát con người, chỉ có Phật giáo là không chấp “có” và “không”, nên mới hiểu rỏ lẽ sống chết, thì đã có thể trả lời một cách thỏa đáng cho bất kỳ nhà Nho nào ở đời Lê nuôi dưỡng tham vọng độc tôn chân lý của họ rồi.

Nhưng dù sao thì đó cũng chỉ là sự tranh chấp trên bình diện tư tưởng. Nhưng khi đem những tư tưởng mà họ muốn “Độc tôn” đó áp dụng vào xã hội thì họ mới thực sự là những kẻ đã gây ra tai họa cho xã hội.

Cố giáo sư Nguyễn Đăng Thục đã nêu trong Lịch Sử Tư Tưởng Việt Nam (Tập 6 ) sự tai hại ấy như thế này: “Chế độ phụ hệ của Nho giáo coi rẻ con gái, vì họ quan niệm “Bất hiếu hữu tam, Vô hậu vi đại”, nghĩa là “Điều bất hiếu lớn nhất là không có con trai để nối dõi tông đường”. Điều ấy trái với chế độ mẫu hệ tôn trọng phụ nữ ở xã hội nông nghiệp Việt Nam.

Hai bà Trưng đã mở đầu trang lịch sử dân tộc, bà Lý Chiêu Hoàng nối ngôi triều Lý, bà Thần Phi Ỷ Lan nhiếp chính được nông dân tôn làm “Quan Âm nữ”.

Chính trong trong hoàn cảnh ấy mà Thiền sư Chân Nguyên của Phật giáo phải viết NHQABH. Nhưng điều đáng buồn là, tác phẩm này theo giáo sư Lê Mạnh Thát “Từ trước tới nay những người viết văn học sử thường nhất trí với nhau coi nó như một tác phẩm vô danh, hay khuyết danh, của nền văn học nhân gian”.

Và nhiều tác giả còn cho rằng những tác phẩm có tính cách bình dân đó là của những “Nho sĩ nghèo” và xem họ “Có vai trò lớn trong sự phát triển của văn học dân tộc”. Tác giả CNTSTT cho rằng điều đó chỉ đúng một phần thôi. Vì sao? “Trên thực tế tầng lớp Nho sĩ bình dân chỉ là một bộ phận trí thức dân tộc. Ngoài nó ra, và ngoài bộ phận Nho sĩ hiển đạt, còn có một bộ phận khác nữa, quan trọng và đông đảo hơn nhiều đã đóng một vai trò tích cực rất lớn ở nông thôn với quá trình hình thành, phát triển và bảo lưu của nền văn học dân gian. Đó là những vị Thiền sư, những trí thức xuất thân từ chùa chiền Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng, chính tầng lớp trí thức này đã viết ra và cải biên phần lớn những tác phẩm, mà ngày nay ta xếp vào loại khuyết danh. Nhưng với sự phát hiện bản in năm Tự Đức thứ ba (1850) với lời ghi rõ ràng là NHQA do Trúc Lâm Tuệ Đăng Hòa thượng Chánh Giác Chân Nguyên diệu soạn”, ý nghĩa trên bây giờ đã thành sự thật. Sự phát hiện này do đó không những giúp ta xác định một cách chắc chắn ai là tác giả NHQA vào thời điểm nó xuất hiện, mà còn đóng góp vào việc tìm hiểu nguồn gốc và thành phần sáng tác những truyện Nôm hiện đang khuyết danh, chỉ cho ta hướng nghiên cứu, phải tiến tới trên con đường dựng lại lịch sử văn học dân tộc. Nó cũng làm cho ta suy nghĩ phải chăng truyện Nôm từ nguyên ủy đã xuất phát từ các chùa chiền Việt nam do yêu cầu thuyết giảng của giáo lý đạo Phật, rồi dần dà trở thành một nơi bảo lưu tiếng nói, tình tự và nhận thức của dân tộc? phải chăng nó tồn tại như một chứng nhân để xác minh cho ý kiến nói rằng vì nguồn gốc chùa chiền của chúng mà hầu hết các truyện Nôm Việt Nam ít nhiều đều mang màu sắc Phật giáo”.

Những nhận định trên hoàn toàn hợp lý, vì ta có thể giả thuyết, nếu là một nhà Nho dù là một nhà Nho cấp tiến và phóng khoáng đi nữa thì cũng không thể hạ bút viết đề cao người đàn bà một cách tuyệt đối như thế này:

Này trong bể nước Nam ta

Phổ Môn có đức Phật Bà Quan Âm

Trong khi đó chính cái quan niệm của Nho giáo như “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, một con trai mới là có con, mười con gái thì coi như không có,hoặc “Bất hiếu hữu tam, Vô hậu vi đại”, đã tạo ra những người đàn ông độc ác và nhẫn tâm như vua Diệu Trang vương trong NHQA khi nghe tin sanh đứa con gái đầu lòng:

Nọ ngày kết tử khai hoa

Được một công chúa đặt là Diệu Thanh

Lòng vua ngần ngại đôi phen

Phán rằng nữ tử hầu nên giống gì

Nhưng đến khi nghe tin hoàng hậu sanh người con thứ ba vẩn là con gái nữa thì Diệu Trang Vương đã nói trắng ra rằng nếu là con gái nữa thì đem giết quách đi:

Trang Vương phán hỏi toác nanh

Phải hoàng thái tử ắt dành thế ngôi

Nhược mà con gái thì hoài

Đem đi ém tử cho vùi là bây

Nhờ có sự can gián của các quan cận thần nên Diệu Trang Vương không giết vì họ đã đưa cho ông một tia hy vọng mong manh:

Nguyện sinh bệ hạ an ngôi

Rầy mai ân trời công chúa cả lên

Vô nam dụng nữ cũng nên

Tuyển tài phò mã nài quyền đông cung.

Nên cơn giận của Diệu Trang Vương cũng giảm bớt. Nhưng đến khi trưởng thành thì hai chị là Diệu Thanh và Diệu Âm đều đồng ý lấy chồng đến lượt nhà vua cũng muốn gã chồng cho Diệu Thiện với hy vọng là chồng Diệu Thiện sẽ là một người tài trí để có thể trao ngôi báu thì một lần nữa Diệu Thiện lại làm cho Diệu Trang Vương thất vọng là đã “Mến tin đạo Bụt đêm ngày” nên “thấy bề gia thất lòng rày dửng dưng”.

Diệu Trang Vương giận quá nói với Diệu Thiện những lời đầy thô bỉ:

Tao làm nhà vua cửu trùng

Bát man chư quốc phục tùng hàm lai

Con đâu cho ra bề ngoài

Đi cùng sãi vãi dong dài nhuốt nha

Đúng là cái giọng trịch thượng muôn đời của kẻ ỷ quyền cậy thế.

Diệu Trang Vương lập tức đày Diệu Thiện ra ở vườn hoa một mình. Rồi sau vì quá nhớ con nên lại ra lệnh Diệu Thiện phải trở về hoàng cung ngay.

Nhưng một lần nữa Diệu Thiện đã từ chối và nhất định thực hiện chí nguyện đi tu.

Diệu Trang Vương tức quá đến nổi chẳng những mắng chửi Diệu Thiện mà còn chế nhạo khinh miệt các tăng sĩ Phật giáo, dù những người này chẳng thù oán gì với ông cả.

Phen chi phó kẻ hạ ngu

Khó khăn đói rách ở chùa kiếm ăn

Tụng nào kệ ấy đặt vần

Làm cho sãi vãi xa gần đua nhau

Sau đó Diệu Thiện xin vào tu trong một ngôi chùa, Diệu Trang Vương liền sai lính đến chùa bắt Diệu Thiện phải hồi cung. Nhưng tất cả mọi biện pháp đều không thể nào lay chuyển được ý chí của Diệu Thiện, vì kể cả cái chết thì Diệu Thiện cũng chấp nhận miễn là có thể thực hiện được lý tưởng mà mình đã lựa chọn:

Dung nhan nào có ủ ê

Chứng rằng sống gởi thác thì siêu sanh

Giết thời mỗ giáp càng mừng

Chớ để mà nhọc đến thân ghê này

Diệu Trang Vương không còn cách nào hơn là sai quân đến đốt chùa và giết tăng ni trong chùa:

Đến chùa vây kín bằng thành

Sát tăng thiêu tự tan tành tôi pha

Vạn toàn nhất mạng không tha

Tăng ni eo ốc kêu hòa đòi thương

Và Diệu Thiện cũng không còn cách nào hơn là mắng thẳng vào mặt cha mình mà đồng thời cũng là một vị vua đang ngồi trên ngai vàng:

Sao cha ám muội hôn mê

Tâm tà xí thạnh nào còn biết chi

Gẫm mình gia bất năng tề

Sao hay trị quốc xưng vì thánh quân

Bị mắng Diệu Trang Vương hận quá liền sai áp giải Diệu Thiện ra pháp trường để hành hình, nhưng trời đất lúc đó bỗng dưng tối tăm mù mịt, một con hổ không biết từ đâu đến đem Diệu Thiện vào rừng. Khi tỉnh dậy thấy mình đang ở giữa núi rừng mênh mông Diệu Thiện không biết là mình đang ở nơi nào?

Bơ vơ chưa biết tử sinh

Mờ mịt bằng hình dường thưở chiêm bao

Chẳng hay đây là nơi nào

Biết ai để hỏi nẻo vào đường ra

Trong lòng đang hoang mang thì bỗng thấy có người dưới âm phủ cầm bảo cái tràng phan đến theo lệnh của Diêm Vương rước Diệu Thiện xuống “Vãng mười tám cửa ngục tù”. Đứng giữa địa ngục, Diệu Thiện thấy đủ thứ tội nhân, những tội nhân này khi còn sống ở dương gian đã gây ra đủ thứ tội ác mà chẳng những ở thời xưa thôi mà thời nay cũng chẳng thiếu gì:

Người ấy thuở ở trên đời

Chẳng xứng đạo trời làm quân bất nhân

Khóc kêu chẳng hỏi cho dân

Của thì bắt bội muôn phần ai đôi

Người ấy lẻo mách đà thay

Một lòng siểm đố sàm nay tinh nghề

Bên cạnh đám quan lại đang bị tra khảo, Diệu Thiện còn thấy những tên cường hào ác bá cậy thế, cậy thần, cậy của cải, sống đời sống buông thả dâm ô trụy lạc; rồi lại còn đi ngăn sông cấm chợ, giết hại kẻ thế cô và tàn nhẫn với cả các loài súc vật.

Người ấy ở nết chẳng lành

Cậy cả tranh hành, thấy bé dễ duôi

Mình nhiều, dễ kẻ mồ côi

Cậy giàu dễ loài đói khổ người chê

Vì chưng phụ mệnh, phụ tài

Phao tán mễ cốc mọi nơi đạp giày

Bởi hay làm tổn mọi loài

Thấy chưng vật mạng giết hoài chẳng thương

Bởi ở dương thế gian vòng

Thuở người lấp giếng bủa sông đòi ngày

Mặc dù những tội nhân này khi còn ở trên đời đã gây ra không biết bao nhiêu là đau khổ cho người khác nhưng với tâm từ bi không nỡ cứ để họ nheo nhóc mãi trong cảnh tối tăm nên Diệu Thiện đã tụng Kinh Lòng(Bát Nhã Tâm Kinh). Khi tiếng kinh sấm sét vừa vang lên thì bao nhiêu xiềng xích nơi địa ngục bỗng vỡ tung và lập tức ánh sáng tuôn tràn vào xóa hết bao tối tăm:

Công chúa thấy thế thương song

Bèn chuyển kinh lòng động đến hoàng thiên

Bảo hoa bay khắp bốn bên

Hòa quang thấu lọt dưới trên cửa thành

Thiết già giải tích tan tành

Nhất thiết tù rạc siêu sanh một giờ

Khi trở về lại dương gian Diệu Thiện lại được chính đức Phật Thích Ca đích thân dẫn đến núi Hương Tích gần biển Nam Hải nước Việt rồi sau lại được vua trời sai mang sắc lệnh đến phong là Đấng Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát.

Còn Diệu Trang Vương thì do tội:

Bạo ngược tung hoành đốt chùa giết con

Nên bị ghẻ lở mọc khắp cả cơ thể không thuốc gì có thể chữa khỏi. Cuối cùng nhờ có vị Hòa thượng vô danh từ phương xa đến cho thuốc thì mới hết bệnh. Khi hết bệnh Diệu Trang Vương muốn trả ơn vị Hòa thượng này bằng cách nhường ngôi, nhưng vị Hòa thượng đã khiêm tốn từ chối với lý do là đã quen với tháng ngày núi rộng sông dài. Tuy nhiên trước khi giã biệt vị Hòa thượng không quên dặn dò Diệu Trang Vương rằng:

Dám khuyên bệ hạ từ rày

Thi nhân bố chính cho hay ở mình

Chớ hề ngược đãi sinh linh

Văn vũ triều đình ái quốc ưu quân

Rồi Diệu Trang Vương gặp lại Diệu Thiện con mình ở núi Hương Tích. Diệu Trang Vương quyết định ở lại luôn trên núi này để tu hành, và yêu cầu các quan hãy trở về tự lo liệu chuyện quốc gia đại sự:

Trẫm rày ơn Bụt ơn trời

Phụng các long đài thiên hạ vạn duyên

Để mặc văn võ quần thần

Trở về giữ lấy xa gần quy mô

Bèn vời Triệu Chấn trao cho

Vua tôi cả khóc lăn xồ đòi chôm

Tác giả CNTSTT cho rằng: “Đây hẳn là một hình thức cổ điển biểu tượng cho ý niệm cách mạng mới manh nha, một ý niệm đòi hỏi phải thay thế kẻ đại diện một chế độ sụp đổ bằng một tập thể lãnh đạo mới, thể hiện được xu thế đi lên của thời đại”.

Trong đoạn kết Chân Nguyên giải thích tính diệu dụng của Đức Bồ Tát Quan Thế Âm trong sứ mạng cứu khổ, cứu nạn của Ngài đối với chúng sanh như thế này:

Tán ra khắp hết càn khôn

Người ta được biết Bụt Tiên ở lòng

Pháp thân trạm tịch viên thông

Tịch quang phổ chiếu viên đồng thái hư

Tùy hình ứng vật tự như

Hóa thân bách ức độ chư muôn loài

Như vậy, muốn được cảm ứng, muốn được Ngài cứu khổ cứu nạn thì không cầu Ngài ở bên ngoài mà phải cầu Ngài ở trong chính mỗi người như lời khuyên của Chân Nguyên:

Niệm Ngài thì niệm tại tâm

Khi tâm ta đã thanh tịnh thì lập tức ta sẽ thấy Ngài thị hiện ngay:

Khắp hòa dưới đất trên trời

Phổ môn thị hiện độ loài chúng sanh

Trí giả quán kỳ âm thanh

Giác tri tự tánh phân minh ròng ròng

Bản lai diện mục chân không

Nào có chấp tướng đàn ông đàn bà

Cửu liên đài thượng khai hoa

Như vậy sau khi đã viết TTBH ca tụng Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông, hai vị vua đã oanh liệt đánh tan ba cuộc xăm lăng của đế quốc Nguyên Mông rồi sau đó lại còn đưa một đất nước từ sự tàn phá của chiến tranh để trở thành một nước có nền văn minh rực rỡ nhất ở khu vực Đông Nam Á vào thế kỷ XIII, và viết ĐNTTH với mục đích là làm sao cho lòng con người bớt chật hẹp, không còn phân biệt Bắc Nam để con người có thể nhìn nhau như tình huynh đệ bao la:

Lòng tôi chẳng muốn Bắc Nam

Lấy làm bốn bể anh tam một nhà

Thu về một hội quốc gia

Địa lợi nhân hòa lẽ ấy càng hơn

Và rồi viết Nam Hải Quan Âmđể chỉ trích lại quan niệm của Nho giáo “Nhất nam viết hữu, Thập nữ viết vô” hay “Bất hiếu hữu tam, Vô hậu vi đại” với lời tuyên bố dõng dạc:

Vô nam dụng nữ cũng nên

Để rồi cuối cùng công bố bản tuyên ngôn nói lên tính bình đẳng tuyệt đối của Phật giáo:

Bản lai diện mục chân không

Nào có chấp tướng đàn ông đàn bà

Vậy thì những ước mơ của Chân Nguyên là gì? Trong TTBH ta thấy Chân Nguyên cầu mong:

Muôn đời diễn tợ quốc gia

Nước có Phật cốt sanh ra thánh hiền

Nước Nam dẹp được bốn bên

Vì có Phật báu hoàng thiên hộ trì

Đời đời Phật đạo quang huy

Quốc gia đảnh thạnh càng thì tăng long

Và hy vọng cho người dân trong cả nước đều:

Đời đời noi đạo Thiền tông

Chánh pháp truyền lòng ai được thời hay

Tổ đà đắp nấm trồng cây

Mộng Bồ Đề nở sau này càng cao

Khai hoa kết quả xao xao

Dõi truyền đất Việt tháp cao trùng trùng

Sau khi đã ước mơ “Quốc gia đảnh thạnh”, “Nước Nam dẹp được bốn bên”, hay “Dõi truyền đất Việt tháp cao trùng trùng” thì trên cả những ước mơ đó là ước mơ gì?

Chợ quê vui thú trẻ già

Cùng trông về đạo từ bi làm lành

Thơ vân tích thiện rành rành

Tu nhân tích đức đã thanh một lòng

Ai ai nhàn nhạ thong dong

Nhân sơn trí thủy cùng ngong giáo Thiền

Nằm sau những câu thơ giản dị và có vẻ quê mùa này, ta vẫn thấy được sự khát khao vô cùng mãnh liệt của Chân Nguyên cho một nước Việt thái bình và thạnh trị ở ngày mai!

Phải chăng đó là ước mơ mà Thiền Sư Chân Nguyên muốn gởi đến không những thời đại ông, mà còn cả những thế hệ mai sau của nước Việt?

Nha Trang, mạnh Đông Đinh Hợi

Thích Phước An

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
31/01/2024(Xem: 964)
Hello có nghĩa Xin chào Goodbye tạm biệt, thì thào Whisper Lie nằm, Sleep ngủ, Dream mơ Thấy cô gái đẹp See girl beautiful I want tôi muốn, kiss hôn Lip môi, Eyes mắt ... sướng rồi ... oh yeah! Long dài, short ngắn, tall cao Here đây, there đó, which nào, where đâu
27/01/2024(Xem: 397)
Phần này bàn về các cách dùng Trì Trì, mlồi/mlô, chiem thành (~ Chiêm Thành/NCT) từ thời LM de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ), điều này cho ta dữ kiện để xem lại một số cách đọc chính xác hơn cùng với các dạng chữ Nôm cùng thời hay sau đó. Nhân tiện nhìn rộng ra và bàn thêm về tên gọi Chàm, Chăm và *Lâm (trong quốc hiệu Lâm Ấp). Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là các tài
14/01/2024(Xem: 385)
Một buổi sáng, trên đồi hoang vu với tinh mơ còn vương chút nắng mới, những cánh hoa khép mình điêu tàn dưới bình minh tràn đầy nhựa sống. Tuy nhiên, cũng có những nụ hoa mới hé nở đang mơn trớn với thanh khí của đất trời giữa bao la thiên biến. Bên kia vòm trời, mây vẫn bay cho những cuộc mộng tàn phai trong từng phút giây sinh diệt. Con bướm đa tình cũng vờn dưới nắng mai giữa hoa tàn nguyệt tận của kiếp đời lưu biến. Sự sanh diệt của hiện tượng vạn hữu vẽ nên một bức tranh muôn màu cho thiên thu bất tận. Cái huyền diệu của cuộc đời hầu như phô diễn trùng trùng trước thiên di tuyệt náo. Khung trời mới của trăm nay hay nghìn năm về lại tắm gội dòng biến hiện giữa ngàn thu tuế nguyệt.
13/01/2024(Xem: 859)
Mời các bạn chiêm nghiệm nhưng danh ngôn để biết vị Thầy tốt nhất của mình bạn nhé! -“Cuộc sống là một chuỗi trải nghiệm, mỗi trải nghiệm lại giúp ta lớn lao hơn, dù đôi khi khó nhận ra điều này. Bởi thế giới được dựng lên để phát triển bản lĩnh và ta phải học được rằng những bước lùi và nỗi đau ta phải chịu đựng giúp ta tiến về phía trước." - Henry Ford -“Bạn phải sống trong hiện tại, ném mình lên từng con sóng, đi tìm sự vĩnh hằng trong từng khoảnh khắc." - Henry David Thoreau -“Chúng ta không học được từ trải nghiệm… chúng ta học được từ việc suy ngẫm lại về trải nghiệm." - John Dewey -“Sự tương tác giữa tri thức và kỹ năng với trải nghiệm là chìa khóa của việc học hỏi." - John Dewey -“Hối tiếc trải nghiệm của bản thân là ngăn chặn sự phát triển của chính mình. Phủ nhận trải nghiệm của bản thân là thì thầm lời nói dối trên môi cuộc đời của chính mình. Điều đó không gì khác chính là phủ nhận tâm hồn mình." - Oscar Wilde -“ Nguồn tri thức duy nhất là kinh nghiệm - Al
10/01/2024(Xem: 1288)
Tôi bắt đầu dịch thơ của Thầy Tuệ Sỹ vì khâm phục đức độ và lòng dũng cảm của Thầy. Khi nhận được những góp ý từ những người hâm mộ thơ Thầy là bài dịch của tôi giúp họ hiểu thơ Thầy hơn, thì khi đó tôi mong muốn dịch toàn bộ các bài thơ của Thầy sang tiếng Anh. Cuốn sách này được viết vì cái mong muốn này đã lớn thành cái đam mê. Có dịch thơ của Thầy, tôi mới thấy rất rõ ràng những bài thơ của Thầy là một cống hiến to lớn không chỉ cho văn hóa Việt Nam mà còn cho Phật giáo thế giới. Thầy đã đem Thiền vào thơ bằng ngôn ngữ của một con suối, một hạt cải hay hai kẻ yêu nhau. Sự trừu tượng hóa này khiến cho rất khó hiểu được thơ Thầy. Nhiều bài, tôi phải suy nghĩ cả ngày, đôi khi cả mấy ngày, mới hiểu ẩn ý của Thầy. Công việc này không đam mê không làm được.
07/01/2024(Xem: 21303)
Phật giáo Việt Nam trong hai thế kỷ cận đại và hiện đại, xuất hiện một số nhân vật đạo hạnh cao vời, kỳ tài xuất chúng, có những cống hiến to lớn, dài lâu cho Đạo pháp và Dân tộc. Ngôn ngữ nhà Thiền xưng tụng những vị này là Bồ-tát, Đại sĩ, Thánh Tăng, hay Long Tượng, là những tôn danh chỉ được tìm thấy trong kinh điển, sử sách, trong lịch sử truyền miệng hoặc trên những bia đá ngàn năm nơi cổ tháp. Triết gia Phạm Công Thiện trong buổi ra mắt tác phẩm “Huyền Thoại Duy Ma Cật” của Hòa thượng Tuệ Sỹ tại thành phố Houston, tiểu bang Texas ngày 04 tháng 11 năm 2007, đã gọi tác giả là “bậc Long Tượng: Tuệ Sỹ” và diễn giải thêm, “Long Tượng là bậc Thầy của cả một dân tộc, nếu chưa muốn nói là bậc Thầy của thế giới.”
07/01/2024(Xem: 576)
Nước Việt trải qua hàng ngàn năm hình thành và phát triển, ban đầu chỉ là vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, dần dần tiến về Nam sáp nhập nhiều phần lãnh thổ khác để có được diện mạo như hôm nay. Quá trình phát triển ấy cũng nhiều thăng trầm nghiệt ngã, có lúc tưởng như diệt vong nhưng rồi laị phục hồi và phát triển trở laị. Nước Việt chịu nhiều ảnh hưởng của các nền văn hoá: Trung Hoa, Ấn, Champa, Khme, Pháp, Mỹ…Ngay từ thuở ban đầu chỉ là thời đaị bộ lạc, bộ tộc. Tộc Việt cũng đã có một nền văn hoá riêng, tiếng nói riêng:
03/01/2024(Xem: 1149)
Nguyệt San Chánh Pháp số 145_tháng 12 năm 2023: Tâm chí nhỏ thì nhìn cuộc đời trong phạm vi trăm năm, thấy mục đích sống trong vòng gia đình, xã hội, tôn giáo, quốc gia. Tâm chí rộng hơn thì hướng đến lợi ích của nhân loại, của thế giới, trong hiện tại và nhiều thập niên hay thế kỷ tương lai.Giới hạn nhỏ, lớn là ở nơi không gian và thời gian. Mục tiêu nhỏ, lớn thì đặt nơi lợi ích của cá nhân hay số đông. Nhưng dù ngắn hạn hay dài hạn, con đường tất yếu của đời sống nhân loại là giáo dục. Con đường của Phật giáo ở cuộc đời này cũng không ngoài lãnh vực giáo dục, thuật ngữ thiền môn gọi là giáo hóa, hóa độ, hoằng pháp.
03/01/2024(Xem: 1383)
Bậc chân tu thực chứng thì bước đi không để lại dấu vết. Có nghĩa là không lưu lại dấu vết hay tì vết gì trong tâm thức và hành xử của mình, như được nói trong kinh “Tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng” [1]. Tu mà không chấp nơi việc tu của mình mới thật là chân tu; chứng đắc mà không chấp nơi sở đắc của mình mới thật là chứng đắc. Đó là nói sở tri, sở hành, sở chứng của vị ấy trong việc tu tập, hành đạo; chứ trên thực tế, thân giáo và ngữ giáo của bậc tuệ đức để lại vô số kỳ tích và ấn tượng sâu đậm cho những ai được thân cận, học hỏi, thọ pháp. Hòa thượng Tuệ Sỹ là một nhà tu, một con người nhẹ nhàng đi qua cuộc đời như thế.
05/12/2023(Xem: 3476)
Hôm qua chủ nhật, 5.12 là sinh nhật Thầy, nhìn hình ảnh mẹ Tâm Thái tiễn Thầy ra phi trường trở về Úc trong không khí thật vui cùng mọi người đưa tiễn. Mẹ Tâm Thái ngồi bên Thầy với bộ quần áo màu vàng nhạt, bên ly cà phê sữa đá. Rồi cả nhà chụp hình làm kỷ niệm. Thầy khoác đôi bờ vai Mẹ, nắm cánh tay Mẹ như nói rằng: "Mẹ ơi, rồi con sẽ về thăm Mẹ, con luôn bên Mẹ, Mẹ giữ gìn sức khỏe cho chúng con".
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567