Năm mươi năm hạnh phúc nào cho một dân tộc?
(Bài 2)
Câu chuyện thứ ba
Câu chuyện một Bà-nội
*
« Ra đi với hai bàn tay trắng, Bà nội đã lập lại sự nghiệp :
Từ Việt Nam đến nước Pháp, một câu chuyện truyền thống gia đình »
Cậu Thomas Hoàng là một người dân của thành phố Marseille (miền Nam nước Pháp) nhưng gốc là người Việt Nam. Bà nội của cậu sau một cuộc hành trình thật dài và gian khổ đã mang gia đình cậu sang định cư tại nơi này. Dưới đây là câu chuyện do hai người (Bà nội và người cháu Thomas) thuật lại trong nhà bếp của một quán ăn với các món theo truyền thống trên quê hương mình. Họ hồi tưởng lại khoảng thời gian gay go trước đây với nhiều xúc động và thật khó quên (phóng sự tv đã lâu được đưa lên mạng ngày 29.12.24).
Bà nội và người cháu Thomas trước quán ăn của gia đình (hình © FTV)
Mỗi khi đứng nhìn ra khơi từ khu phố Catalans (của thành phố Marseille), nơi mình sinh ra đời, thì cậu thiếu niên Thomas Hoàng nhìn xa hơn những gì nơi chân trời. Cậu không ngắm nhìn quang cảnh của vùng biển Địa Trung Hải trước mặt, mà hồi tưởng lại lịch sử của gia đình mình từ bên kia tất cả các vùng biển, từ bên kia tất cả các đại dương. Tại nơi xa xăm đó có một xứ sở chỉ hiện lên trong trí tưởng tượng của cậu mà thôi. Xứ sở đó là đất nước Việt Nam, một xứ sở từng mang thật nhiều đổ vỡ trong quá khứ, và qua nhiều thế hệ lâu đời, đã hun đúc bản tính của cậu ngày hôm nay.
Sự hiện diện hôm nay của cậu thiếu niên Thomas là kết quả mang lại từ một chuyến ra đi đầy hiểm nguy, dù rằng cậu không hề trực tiếp trải qua giây phút đó. Cậu là người dân của thành phố Marseille, sinh ra trên đất Pháp vào một ngày trong năm 1984, và cậu cũng từng mơ ước sau này sẽ trở thành một phi công. Câu chuyện bắt đầu khi Bà nội cậu trốn khỏi Sài Gòn trước sự kinh hoàng của chế độ độc tài. Cha cậu lúc đó còn là một đứa bé (được mẹ ẳm theo trong khi trốn chạy, người mẹ đó ngày nay đã trở thành Bà nội, đứa bé mà người mẹ ôm trong tay nay là cha của cậu Thomas, và cậu Thomas thì đang đứng ở bãi biển Catalans tại thành phố Marseille để nhìn ra khơi và cũng là để hình dung quá khứ và gốc gác của gia đình mình ở một nơi thật xa). Hôm nay, cậu Thomas thay mặt cha để thuật lại câu chuyện này với chương trình truyền hình ‘Các kỷ niệm trong bếp’ / ‘Souvenirs de Cuisine’ (một chương trình trên kênh A3 của đài truyền hình Pháp).
« Hai mẹ con trốn đi giữa đêm khuya trên một con thuyền đánh cá,
cuộc hành trình kéo dài trong nhiều ngày »
Thomas Hoàng
(thuật chuyện với chương trình truyền hình ‘Những kỷ niệm trong bếp’)
Năm 1975, sau khi Việt Nam Cộng Hòa lọt vào tay của những người cộng sản miền Bắc sau những năm binh lửa, thì suốt 15 năm sau đó, hàng trăm ngàn người dân miền Nam bị khủng bố, họ trốn khỏi quê hương trên các con thuyền mong manh. Người ta gọi họ là các thuyền nhân. Bà Anne (ngày nay là Bà nội), lúc đó còn là một phụ nữ trẻ, giáo sư toán học, một người dân sinh sống tại thành phố Sài Gòn, ôm con rời bỏ quê hương trong tình trạng chia rẽ thật nặng nề. Cậu Thomas thuật lại như sau :
« Lúc đó cha tôi lên 7 cùng với mẹ là Bà nội tôi ngày nay, cả hai trốn đi giữa đêm khuya, lênh đênh trên một con thuyền đánh cá. Cuộc hành trình kéo dài nhiều ngày. Họ cặp bến tại Singapore, người ta nhốt họ vào tù. Những gì tôi được biết thêm sau đó là họ được máy bay đưa họ đến nước Pháp. Tại Marseille Bà nội tôi gặp lại Ông nội tôi đã trốn đi từ trước ».
Một quá khứ câm nín
Câu chuyện trốn chạy đó không mấy khi được những người trong gia đình nhắc đến. Đến độ khiến cậu Thomas nhầm lẫn : lúc đó cha cậu không phải là lên 7 mà mới được 4 tuổi. Bóng mờ đó trong ký ức sở dĩ xảy ra phải chăng là vì một quá khứ đớn đau thường là các vết thương chẳng bao giờ khép lại (khiến mọi người không muốn nói ra). Anne Hoàng (người Bà nội) [ôm con] (cha của cậu Thomas sau này trên đất Pháp) trốn đi trong âm thầm, không hề cho gia đình hay biết.
Bà chỉ nhận được tin tức của các anh em mình sau mười năm xa cách. Trong suốt thập niên đó, bà không gửi được tin về gia đình, cũng không nhận được tin từ gia đình gửi sang. Sự biệt tăm về tin tức gia đình cũng là một khía cạnh đặc thù, nói lên sức mạnh kiên trì của một người banoï (chữ này là trong nguyên bản tiếng Pháp, được dịch sang tiếng Việt là Bà nội trong toàn thể câu chuyện này) mang quyết tâm khởi sự lại từ đầu cuộc đời mình, dù phải xa cách những người thân thiết.
Một quán hàng ăn, một tổ ấm gia đình
Vào cuối năm 1990, bà Anne mở một quán ăn, phía sau tòa thị sảnh Marseille, dưới chân của khu phố Panier. Người sành điệu rất thích món bún bò tại quán ăn của bà, một quán ăn được nhiều người biết đến và cũng là một trong các quán ăn ngon nhất của thành phố. Dù những vết thương quá khứ vẫn còn đó trong lòng mình, thế nhưng bà cũng đã hòa nhập được với xứ sở đã đón nhận bà, với tất cả tâm hồn mình.
Chúng tôi (các phóng viên của đài truyền hình) nhờ cậu Thomas hướng dẫn viếng cảnh bếp núc của Bà nội. Cậu Thomas cũng thường vào bếp để ăn, nhưng cũng là để tiếp tay trong bếp. Đối với những người sành điệu ưa thích các quán ăn bên vệ đường (street food) tại Á châu, thì quán ăn của bà còn có một chút gì đó sâu xa hơn. Chẳng qua là vì quán ăn của bà là cả một tổ ấm gia đình, từ việc bếp núc cho đến việc hầu bàn. Tất cả mọi người trong gia đình cùng nhau tiếp tay với Bà nội, người thì cầm đĩa thức ăn đi ngang trước mặt bà, người thì lách ra sau lưng.
Cậu Thomas Hoàng và Bà nội cùng hồi tưởng lại quá khứ (ảnh © FTV)
Bà nội bé bỏng (trong nguyên bản là các chữ petite mamie / a little granny, một cách gọi thân mật) rất nhanh nhẹn, mang cặp kính thật to, chân mang vớ (bít tất) bó chặt lấy chân, bà mặc chiếc áo len màu tía. Tiếng Pháp của bà thì phải chăm chú lóng tai mới hiểu được. Qua những năm tháng dài, bất chấp cố gắng quên đi quá khứ và cả nguồn gốc của mình, thế nhưng niềm đớn đau dường như vẫn còn là một cái gì đó mà bà chưa hoàn toàn xóa bỏ được hết (tiếng Pháp vẫn còn mang âm hưởng tiếng Việt).
Trong một lúc khi bà rảnh tay trong bếp, chúng tôi vội nhờ cậu Thomas xin bà thuật lại với chúng tôi về chuyện trốn chạy của bà. Dường như có một thứ tình thương yêu nào đó vụt tỏa rộng trong yên lặng, qua ánh mắt và từng cử chỉ quyến luyến của cả hai người (Bà nội và cậu Thomas). Sự yên lặng ấy là một sự hiểu ngầm. Sự hiểu ngầm ấy che dấu phía sau cả một sự hồi nhớ, xoay quanh một câu chuyện quá khứ, gồm những mảnh đời lắp ghép, những mảnh vụn rời rạc, còn phải được nói ra bằng lời nói, còn phải được [kẻ khác] thấu hiểu sâu xa hơn. Thế nhưng cũng phải hội đủ can đảm để nói lên các điều ấy. Phải vượt lên trên sự lo sợ gây ra thêm tổn thương [cho kẻ khác] (Bà nội nghẹn ngào khi nghĩ đến những giây phút hiểm nguy trong chuyến vượt biên). Cậu Thomas vụt nắm lấy bàn tay Bà nội.
« Mỗi khi trời đổ mưa thì tôi lấy một cái nút chai hứng những giọt nước mưa rơi trên mặt tôi để cứu con tôi sống »
Bà Anne Hoàng
(thuật chuyện với chương trình truyền hình ‘Những kỷ niệm trong bếp’)
Bà Anne chấp nhận thuật lại với chúng tôi về đêm hôm đó khi cuộc sống của bà và con bà trước một khúc quanh mà bà không đủ lời để mô tả, hoặc không đủ sức nói lên một cách mạch lạc. Cậu Thomas bèn thay Bà nội thuật lại những gì mà Bà nội không nói ra được. Bà ra đi giữa đêm khuya, chân đất, ăn mặc rách rưới nhằm tránh mọi sự nghi ngờ. Với chút tiền dành dụm bà đút lót những người công an tham nhũng. Sau đó là phút ra đi, trong suốt mười ba ngày chen chúc với 145 thuyền nhân khác, thức ăn chỉ là vài mẩu bánh khô và một lọ mật ong. Hai mẹ con phải cầm cự với đói khát để sống còn. Bà kể tiếp :
« Trên thuyền chẳng có gì để ăn, nước uống cũng không, một số ngã lăn và bất tỉnh, một số rơi xuống biển. Riêng tôi thì may mắn hơn, tôi còn đủ sức chịu đựng để cố tìm nước uống cho con tôi. Mỗi khi trời đổ mưa thì tôi lấy một cái nút chai hứng những giọt nước mưa rơi trên mặt tôi để cứu con tôi sống ».
« Bà nội tôi gần như là một thần tượng »
Thomas Hoang
(thuật chuyện với chương trình truyền hình ‘Những kỷ niệm trong bếp’)
Câu chuyện dừng lại ở đây. Thế nhưng xúc cảm vẫn còng rát bỏng. Ngày nay những giọt nước mưa không còn rơi trên gương mặt của người Bà nội mà là những giọt nước mắt tuôn trào (Bà nội khóc). Từ lâu bà cảm thấy hối hận đã đưa con mình (cha của cậu Thomas) vào một cảnh huống đầy hiểm nguy. Kể cả ngày nay, lắm đêm bà giật mình giữa cơn mơ, cứ ngỡ rằng mình và cả con mình sắp chết. Nghe đến đó, cậu Thomas vội ôm choàng Bà nội trong vòng tay mình. Bà Anne thì xin cáo lỗi, vì còn phải tiếp tục hầu bàn.
Câu chuyện đứt quãng đó về gia đình của cậu Thomas không hể ngăn cản sự tiến thân của cậu. Cậu nói : « Đối với tôi Bà nội gần như là một thần tượng. Tôi rất hãnh diện với các chuyện quá khứ đó của Bà nội. Ra đi với hai bàn tay trắng, Bà nội chấp nhận cuộc sống của một người di dân, thế nhưng Bà nội đã tái lập được tất cả ». Và kể từ ngày hôm nay cậu hiểu rằng chính mình phải đứng ra nhận lãnh cái gia tài đó. Vậy tương lai của cậu là gì ? Đó là trường Bách khoa (École polytechnique / một trong các trường kỹ sư cao cấp và danh tiếng nhất của nước Pháp. Hiện nay cậu đã được nhận vào trường này). Trong các lớp trung học trước đây, cậu từng là một học sinh xuất sắc. Cậu quả là một thiếu niên xứng đáng trước sự hy sinh của Bà nội.
Vài lời ghi chú
Trong mỗi gia đình có một người mẹ, trong một quốc gia có nhiều người mẹ. Câu chuyện trên đây bắt đầu bằng một người mẹ ôm con trốn chạy, sau đó là một bà nội gầy dựng một gia đình, ôm một đứa cháu trong lòng. Yêu thương, nhẫn nhục, hy sinh là sức mạnh của một người mẹ. Sức mạnh đó rất kín đáo, âm thầm và yên lặng, giúp người mẹ chịu đựng những nỗi khổ đau của riêng mình và xoa dịu các vết thương của kẻ khác.
Nếu câu chuyện trên nêu lên trường hợp một người phụ nữ may mắn cứu được con mình và tái lập được sự nghiệp nơi xứ người, thì trong các câu chuyện dưới đây sẽ nêu lên các trường hợp hẩm hiu và kém may mắn hơn của những người mẹ trên mảnh đất quê hương.
Câu chuyện thứ tư
Câu chuyện về những người mẹ trên quê hương
Thật ra không hẳn là một câu chuyện hay nhiều câu chuyện, mà chỉ là bốn bài thơ nêu lên hình ảnh của những người mẹ trên quê hương qua các cảnh huống khác nhau. Dù các cảnh huống ấy có khác biệt nhau, thế nhưng tất cả đều nêu lên niềm đớn đau của từng người mẹ.
Bài thơ thứ nhất : Yên lặng
Độc giả có thể nghe các nghệ sĩ Hồng Vân và Thanh Trung diễn đọc bài thơ này qua địa chỉ liên kết : https://thuvienhoasen.org/a32871/yen-lang. Hoặc gõ vào một công cụ tìm kiếm trên mạng các chữ : Yên lặng thơ Hoang Phong.
Thôn sâu say nắng buổi trưa hè,
Đàn gà núp nắng sau lũy tre.
Dưới hiên mẹ ẵm con cho bú,
Đàn ruồi kéo đến bay vo ve.
Bỗng đâu súng nổ giữa ban ngày,
Đứa bé ưỡn bụng viên đạn bay.
Mở mắt em chết giữa ban ngày,
Nhả vú không kịp khóc ngo ngoe.
Trong nhà hoảng hốt một cụ già,
Năm tháng đã mù lòa đôi mắt,
Quờ quạng bò càn trên mặt đất,
Xấp mặt không một tiếng kêu la.
Lộp bộp đạn bay viên đạn bay.
Máu đào phọt ướt con trên tay,
Duỗi chân mẹ chết giữa ban ngày.
Mặt mẹ mặt con dòng máu đò,
Đàn ruồi bâu lại bay vo ve.
Thế đó quê hương tôi lặng lẽ,
Oi ả như một buổi trưa hè,
Như mẹ duỗi chân con nhả vú,
Yên lặng giữa tiếng ruồi vo ve.
Tôi yêu thương cái yên lặng của quê hương tôi,
Cái yên lặng của những con người nằm xuống.
Với những người đã ngã xuống và nằm xuống,
Họ lúc nào cũng yên lặng.
Họ nằm xuống với một viên đạn đồng,
Viên đạn nào cũng rít nhanh và nóng bỏng,
Phập vào thân xác nóng hổi của họ.
Họ cùng nhau nằm xuống trong yên lặng.
Yên lặng vẫn ngủ yên trong tôi.
Thầm kín và xót xa, đớn đau rỉ máu.
Lắm khi cái yên lặng đó lại bùng dậy, nóng bỏng,
Rát như viên đạn lọt khỏi nòng.
Tôi thấy những những người đồng hương của tôi,
Bất cứ ở đâu, họ khoe khoang:
Nào nhà cao cửa rộng, nào ô-tô bóng loáng,
Nào hộp đêm, nhạc sống, nào món nhậu tuyệt vời.
Mừng thay cho họ, tôi yêu thương và cám ơn họ,
Tôi xin cám ơn họ,
Vì vĩnh viễn họ đã trả lại cái yên lặng cho những người nằm xuống.
May mắn và hạnh phúc nào hơn cho những ai đã nằm xuống,
Tôi yêu thương và cám ơn họ,
Vì vĩnh viễn họ đã trả lại cái yên lặng cho lương tâm,
Cho những người còn sống.
Tôi yêu thương quê hương của yên lặng,
Cái yên lặng của quê hương tôi,
Cái yên lặng của mẹ duỗi chân, con nhả vú,
Cái yên lặng giữa tiếng ruồi vo ve.
Saint-Rémy-Lès-Chevreuse, 21.07.1998
Bài thơ thứ hai : Đi thăm con
Độc giả có thể nghe nghệ sĩ Hương Sen diễn đọc bài thơ này qua địa chỉ liên kết : https://thuvienhoasen.org/a33017/di-tham-con, hoặc gõ vào một công cụ tìm kiếm trên mạng các chữ : Đi thăm con thơ Hoang Phong.
Hôm nay đi thăm con,
Mẹ nấu cho con nồi xôi,
Xách cho con nải chuối.
Mẹ vẫn thương con như khi còn trong nôi,
Như khi con mới biết ngồi.
Quê lên hai ngày đường,
Tuy sức mẹ đã già,
Thương con, đâu quản ngại đường xa,
Thương con, như khi còn trong nôi,
Ngày tập đi, đôi chân còn vấp ngã.
Mẹ mang theo nồi xôi,
Xách cho con nải chuối.
Năm mười tám tuổi,
Con nằm xuống ở bìa rừng cao-su hẻo lánh này.
Một viên đạn nhỏ đã giết con.
Ngày xưa cha con cũng ngã xuống,
Vì một viên đạn đồng nhỏ xíu.
Những viên đạn của hận thù hay vui sướng ?
Kẻ thù của con có reo mừng khi bắn trúng con ?
Chắc họ được khen thưởng và được gắn huân chương ?
Con đã làm gì cho kẻ khác hận thù con ?
Con có thấy đau nhói khi ngã xuống ở bìa rừng cao-su này ?
Con có cảm thấy viên đạn xuyên vào da thịt con và hất con ngã xuống ?
Con có đau đớn lắm không trước khi con nhắm mắt ?
Dù còn đau, con hãy quên đi để thức dậy với mẹ.
Hôm nay, mẹ lại nấu cho con nồi xôi,
Xách cho con nải chuối.
Mẹ vẫn thương con như khi còn trong nôi,
Như khi còn học nói,
Như cái thuở con còn rong chơi.
Này con, đường xa, chuối đã dập, xôi đã nguội,
Con hãy thức dậy với mẹ.
Con làm gì nên tội ?
Để phải nằm xuống ở bìa rừng cao-su hẻo lánh này,
Ngày con mười tám tuổi.
Già nua hay lẩm cẩm,
Nghĩ đi rồi nghĩ lại,
Mẹ thương tất cả những ai có con,
Dù cho họ có con phía bên này hay bên kia.
Dù họ giàu sang, không nghèo hèn như mẹ,
Dù họ có học, không dốt nát như mẹ,
Nhưng có lẽ tất cả đều thương con mình,
Như mẹ đã thương con, và vẫn còn thương con,
Thương như khi con còn trong nôi,
Bập bẹ khi con còn học nói.
Con hãy thức dậy với mẹ,
Mẹ nấu cho con nồi xôi,
Đem cho con nải chuối.
Đã hơn hai mưoi năm, mẹ đi thăm con,
Một nắm đất hoang ở bìa rừng cao-su hẻo lánh này.
Nếu con còn sống,
Có lẽ mẹ đã được cái diễm phúc làm bà nội.
Có lẽ mẹ hãnh diện lắm,
Khi đi hỏi vợ cho con.
Con Hai ở đầu xóm, thiệt giỏi lại dễ thương.
Chắc con còn nhớ,
Nó đã đi lấy chồng,
Và lên Sàigòn từ lâu rồi.
Sao con nằm đây,
Ngày con mười tám tuổi?
Con ơi,
Thương con nhớ tiếng con cười,
Tưởng như những lúc rong chơi sau hè.
Nhớ con tan chợ mẹ về,
Reo vui đón mẹ bờ đê đầu làng.
Một ngày sao ngắn ngủi,
Trời chuyển mưa sụp tối,
Mẹ ra đường đón xe.
Tóc mẹ bạc trắng,
Dạo này đau yếu luôn.
Nếu trời cho còn đủ sức,
Năm tới...,
Mẹ lại nấu cho con nồi xôi,
Xách cho con nải chuối.
Thôi mẹ về...
Saint-Rémy-Lès-Chevreuse, 23.10.1998
Bài thơ thứ ba : Ru con
Độc giả có thể nghe nghệ sĩ Hồng Vân diễn ngâm bài thơ này qua địa chỉ liên kết: https://thuvienhoasen.org/a32897/ru-con, hoặc gõ vào một công cụ tìm kiếm trên mạng các chữ : Ru con thơ Hoang Phong.
Chờ lưng con đủ dài, vai con đủ rộng để khoác chiếc áo này của cha, đó là hy vọng của mẹ. Hy vọng sẽ giúp mẹ đủ can đảm để sống. Hy vọng như vậy tức là mẹ đã tự chọn cho mẹ một con đường. Nhưng đến ngày đó, em cũng sẽ già đi vì nhọc nhằn và thương nhớ. Hình bóng anh cũng sẽ mờ đi trong đôi mắt em. Tai em cũng sẽ lảng không còn nghe thấy tiếng thở của anh mỗi đêm. Chiếc áo này cũng sẽ phai nhạt hơi anh.
Con hãy ngủ cho say, để mẹ cởi cái quần này của con để vá và giặt cho con. Mẹ hứa là Tết năm nay, mẹ sẽ mua cho con một chiếc quần mới, nhưng mẹ không thể phá chiếc áo này của cha để may quần cho con. Đó là kỷ vật duy nhất còn lại của cha con. Cái áo mà mẹ còn nhớ cha con đã mặc khi gặp mẹ lần đầu. Những quần áo khác của cha, mẹ đã bán đi từ năm ngoái, khi con ốm nặng.
Con hãy nhắm mắt ngủ yên, như thế con sẽ cho riêng mẹ một vài giây phút ngắn ngủi để soi gương và chải lại mái tóc của mẹ. Thương cha, mẹ thấy xấu hổ khi soi gương chải tóc trước mặt con. Mẹ biết mẹ còn trẻ, mái tóc mẹ còn xanh. Mẹ rất sợ nhìn thấy hình bóng mẹ trong gương. Mẹ cố quên đi và chối bỏ những ngày xanh của mẹ.
Mẹ cũng chẳng hiểu tại sao cha con lại phải chết như vậy. Dốt nát, cực khổ từ lúc bé, nào mẹ có được đi học đâu. Những người đồng đội với cha con nhắn về cho biết là cha con đã nằm xuống với nhiều người khác tại một nơi nào đó trong dãy Trường Sơn. Mẹ cũng chẳng biết là nơi đó ở đâu. Đối với mẹ, cha con lúc nào cũng sống bên cạnh mẹ, an ủi mẹ, khuyến khích mẹ, giúp mẹ can đảm để nuôi con.
Thôi con ngủ đi, để mẹ được vài giây phút tưởng nhớ đến cha con và chải lại mái tóc của mẹ, và mẹ còn phải ra vườn dể xách nước tưới rau:
À ơi con ngủ cho ngon,
Mẹ còn cuốc đất lại còn tưới rau.
Chợ mai mẹ gánh cho mau,
Thúng rau phía trước, thúng sau con ngồi.
Đong đưa nhịp võng à ơi,
Mẹ mong mẹ tưởng tới thời con khôn.
Ru con say giấc ngủ ngon,
Mẹ lau nước mắt mẹ mòn nhớ thương.
Nhìn con nhắm mắt mà thương,
Để mẹ trông lén vào gương chải đầu.
Nhìn con giấc ngủ chìm sâu,
Thương con lòng mẹ âu sầu héo hon.
Ru con say giấc ngủ mòn,
Quần con rách nát mẹ còn phải khâu.
Để mẹ ngồi khóc mẹ đau một mình.
Lắc lư nhịp võng rung rinh,
Tủi thân cho mẹ một mình cô đơn.
Ngày nào mẹ gặp cha con,
Yêu cha mẹ mới tuổi tròn đôi mươi .
Ru con giấc ngủ nữa vời,
Nhớ anh quên cả tuổi đời còn xanh.
Ngày xanh sao khéo mong manh,
Hoa chưa đơm trái trên cành đã tan.
À ơi con ngủ cho ngoan,
Cha con một nắm xương tàn rừng sâu.
Tình yêu như giọt mưa ngâu,
Chưa chùi giọt ngắn đã lau giọt dài.
Thương cha con ngủ cho say,
Để mẹ ngồi nhớ những ngày mẹ yêu.
Yêu cha con những buổi chiều,
Mồ hôi ướt áo nắng chiều nhạt phai.
Cha con chiếc áo sờn vai,
Ngày đầu mẹ nhớ cái ngày gặp nhau.
Áo này mẹ gối lên đầu,
Mẹ ôm mẹ ngủ vẹn màu thủy chung,
Nhớ sao thương mấy cho cùng,
Thương anh lạnh lẽo hố chung xương tàn.
Con ơi con ngủ cho ngoan,
Mẹ mở cái áo mẹ quàng lên tim.
À ơi con ngủ cho im,
Áo này mẹ đắp mẹ tìm lấy hơi.
Bao giờ con lớn con ơi,
Con mặc được áo mẹ vui mẹ mừng.
North Sea, Scotland, 12.06.1991
Bài thơ thứ tư : Xe lên quán dốc
Độc giả có thể nghe hai nghệ sĩ Hồng Vân và Phan Xuân Thi diễn ngâm bài thơ này qua địa chỉ liên kết : https://thuvienhoasen.org/a32848/xe-len-quan-doc, hoặc gõ vào một công cụ tìm kiếm các chữ : Xe lên quán dốc thơ Hoang Phong.
Xe lên quán dốc chiều sương,
Tà huy bóng ngả bên đường dặm cao.
Bốn bề hoang vắng cỏ lau,
Tre rừng nghiêng ngả một màu hoang sơ.
Xe dừng quán tối bơ vơ,
Dường trong mái chếch bóng mờ có ai?
Lão bà áo rách hai vai,
Vội vàng quạt bếp châm vài cành khô.
Chiều tàn lắng xuống hư vô,
Cụ ơi áo rách đã bao tuổi đời?
Ngày xưa tan biến mất rồi,
Trên vai cụ đó kiếp người bao xa?
Cụ hâm cho bát nước trà,
Tôi ngồi ấm dạ nhìn ra quãng đường.
Gập ghềnh quán dốc chiều sương,
Trong tôi hóa kiếp mười phương giang hồ.
Cụ bảo tôi cứ ngồi chờ,
Dặm xa con cụ rừng sâu sắp về.
Góc nhà con muỗi vo ve,
Lão bà, con muỗi và tôi cùng chờ.
Quán nghèo gian tối xác xơ,
Cả ba cùng đói bếp trơ than hồng.
Dặm xa se thắt đáy lòng,
Quê hương tôi đó bụi hồng tà huy.
Muôn phương giong ruổi tôi đi,
Dáng quê hương đó còn gì trong tôi?
Giang hồ thế đó kiếp người,
Chiều sương quán dốc hôm nay tôi về.
Bỗng nghe tiếng động bên hè,
Hình như con cụ đã về rừng sâu.
Củi khô một bó trên đầu,
Hóa ra thiếu phụ bạc màu áo thô.
Dắt theo đứa bé xanh xao,
Trên lưng một túi khoai đào còn dây.
Con đưa cho ngoại bọc khoai,
Đi vào chào bác, rửa khoai ngoại làm.
Bóng già nghiêng xuống lưng còm tóc sương.
Bơ vơ quán dốc bên đường,
Nghìn năm tuổi tác quê hương tôi gầy.
Vo ve con muỗi đâu đây,
Quanh tôi chỉ thấy thân gầy héo khô.
Ráng hồng rặng núi nhấp nhô,
Rừng tre trở gió rì rào sương tan.
Lấy que cơi lớp tro tàn,
Mặt người thiếu phụ lửa than ánh hồng.
Tóc mai ướt đẫm sương rừng,
Mồ hôi đọng lại trên lưng áo mòn.
Lão bà bước đến lom khom,
Vùi trong bếp lửa tro tàn mớ khoai.
Hai người ngoảnh lại nhìn tôi.
Trong gian nhà tối bốn người nhìn nhau.
Đứa bé hai mắt thụt sâu,
Chiếc khăn rách nát quấn đầu rét run.
Bếp hồng tí tách lửa than,
Quanh tôi chiều xuống bạt ngàn sương đêm.
Lão bà bới lớp tro đen,
Khoai vùi cụ gắp lên bàn cho tôi.
Đói lòng nghẹn củ khoai bùi,
Thế rồi nước mắt tình tôi hai dòng.
Sơn La, 12.03.2002
Vài lời ghi chú
Câu chuyện về người Bà nội nêu lên một cậu thiếu niên đứng yên lặng trên bờ biển nơi thành phố Marseille, hình dung quê hương của tổ tiên mình ở một nơi thật xa, bên kia tất cả các vùng biển, bên kia tất cả các đại dương.
Bài thơ Yên lặng nêu lên một sự yên lặng thật xót xa trên quê hương, sự yên lặng của mẹ duỗi chân con nhả vú, sự yên lặng giữa tiếng ruồi vo ve :
Lom khom ôm xác con mà chạy.
Lộp bộp đạn bay viên đạn bay.
Máu đào phọt ướt con trên tay,
Duỗi chân mẹ chết giữa ban ngày.
Mặt mẹ mặt con dòng máu đỏ,
Đàn ruồi bâu lại bay vo ve.
Bài thơ Đi thăm con nêu lên hình ảnh một người mẹ già vừa nói chuyện với con mình nằm im dưới mồ, vừa hồi tưởng lại những ngày con mình còn bé :
Con làm gì nên tội ?
Để phải nằm xuống ở bìa rừng cao-su hẻo lánh này.
[…]
Con có đau đớn lắm không trước khi con nhắm mắt?
Dù còn đau, con hãy quên đi để thức dậy với mẹ.
Bài thơ Ru con nêu lên hình ảnh một góa phụ vừa ru con vừa khóc :
Ru con con ngủ cho lâu,
Để mẹ ngồi khóc mẹ đau một mình.
Lắc lư nhịp võng rung rinh,
Tủi thân cho mẹ một mình cô đơn.
Ngày nào mẹ gặp cha con,
Yêu cha mẹ mới tuổi tròn đôi mươi.
Bài thơ Xe lên quán dốc nêu lên một đứa bé rét run, một thiếu phụ tóc mai ướt đẫm sương rừng, một cụ già hai vai áo rách. Trong túp lều, môt sự yên lặng mênh mông, cả ba người chẳng có một lời nào để nói với nhau, chỉ có tiếng muỗi vo ve. Những người đàn ông ở đâu bây giờ ?
Đứa bé hai mắt thụt sâu,
Chiếc khăn rách nát quấn đầu rét run.
[…]
Lấy que cơi lớp tro tàn,
Mặt người thiếu phụ lửa than ánh hồng.
Tóc mai ướt đẫm sương rừng,
Mồ hôi đọng lại trên lưng áo mòn.
[…]
Chiều tàn lắng xuống hư vô,
Cụ ơi áo rách đã bao tuổi đời ?
Ngày xưa tan biến mất rồi,
Trên vai cụ đó kiếp người bao xa ?
Nếu chúng ta đặt người thiếu niên Thomas Hoàng bên cạnh bốn đứa bé trên đây, thì chúng sẽ thấy một sự tương phản :
Cậu Thomas Hoàng từng là một học sinh xuất sắc và sau đó đã được nhận vào trường Bách khoa của Pháp. Cậu đứng yên lặng trên một bãi biển hình dung quê hương của tổ tiên mình ở một nơi thật xa.
Một đứa hài nhi chết trong vòng tay mẹ : mặt mẹ mặt con dòng máu đỏ, đàn ruồi kéo đến bay vo ve.
Một đứa bé nằm ngủ trần truồng, chiếc quần duy nhất thì mẹ đã cởi ra để vá và giặt.
Một đứa bé rét run ngồi chờ những củ khoai vùi trong bếp lửa, đồng thời dường như cũng có một con muỗi đang chờ đâu đó trong gốc lều.
Sự so sánh giữa cậu thiếu niên Thomas và bốn đứa bé nêu lên một sự tương phản rất lớn, giúp chúng ta trông thấy : ‘Năm mươi năm, hạnh phúc nào cho một dân tộc ?’. Thế nhưng cũng có người cho rằng trong sự so sánh đó, chỉ có cậu Thomas là thật, là nhân chứng của thời cuộc, bốn đứa bé trong bốn bài thơ chỉ là các sự sáng tạo trong lãnh vực văn chương và thi phú. Sự so sánh đó không mang một giá trị nào cả.
Thế nhưng văn chương và thi phú phải phát sinh từ một sự thật nào đó trong bối cảnh bên ngoài và từ bên trong con tim và khối óc của mình. Các lời hô hào, các khẩu hiệu mới thật sự là những gì giả dối và xảo quyệt, kín đáo hay lộ liễu mà thôi. Khi nào trông thấy được mặt mẹ mặt con dòng máu đỏ, một đứa bé nằm ngủ trần truồng, một đứa bé rét run, hoặc nghe thấy tiếng nói chuyện của một người mẹ với đứa con mình dưới đáy mộ, và đồng thời nghe thấy được cả tiếng đàn ruồi và đàn muỗi vo ve trong con tim và khối óc mình, thì khi đó chúng ta sẽ trông thấy được sự thật ở đâu, và sẽ trả lời được thắc mắc : ‘Năm mươi năm, hạnh phúc nào cho một dân tộc ?’.
Bures-Sur-Yvette, 24.02.2025
(còn tiếp bài 3)