Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thừa Thiếu cần đáng quan tâm? (bài viết mới nhất của HT Thích Bảo Lạc, do Phật tử Quảng Hương diễn đọc)

02/06/202019:21(Xem: 5570)
Thừa Thiếu cần đáng quan tâm? (bài viết mới nhất của HT Thích Bảo Lạc, do Phật tử Quảng Hương diễn đọc)
hoa_sen (11)

Thừa Thiếu cần đáng quan tâm?


Bài viết của HT Thích Bảo Lạc
Diễn đọc: Cư Sĩ Quảng Hương
Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước


 

Sáng thức dậy mở cửa nhìn ra đường thấy cảnh nhiều người qua lại tấp nập, xe cộ dập dìu xuôi ngược không hề ngưng như dòng nước chảy mãi không dứt; dòng đời cũng chỉ như thủy triều lên xuống mỗi ngày hai lượt liên lỉ kéo dài. Quan sát dòng người tất bật di chuyển ấy ta có thể tạm phân ra hai thành phần: thành phần khá giả và thành phần nghèo khó qua cách ăn mặc và phương tiện giao thông của họ rất dễ nhận ra. Có khi nào quí bạn tự hỏi tại sao nhìn số đông người lại biết thừa hay thiếu?

1/ Định nghĩa:

Có hai nghĩa, tiêu cực và tích cực. Sao gọi là tiêu cực? Thiếu tức là không đủ như câu nói quen thuộc “thiếu trước hụt sau”, tức nói thiếu từ cái nhỏ tới cái lớn do tâm quá cao vọng, muốn đội đá vá trời, dù đôi chân chưa nhấc lên khỏi mặt đất. Thế mới biết người nào không lượng sức mình mà muốn đạt cho bằng được thì các cụ ta xưa hay mỉm cười phán một câu xanh dờn: Cái đồ nghèo mà ham, đối với anh nào ước vọng cao xa, bay bổng nhưng sức người có hạn không với tới được, chẳng hạn như gã quê mơ cưới nàng công chúa liệu có thành công bao giờ. Nghĩa thứ nhất là vậy, còn nghĩa thứ hai lại là đa dạng như câu tục ngữ: tay làm hàm nhai nhằm nhắc nhở mọi người không phân giàu nghèo, cao sang quý phái, quan quyền dân dã… mà hết thảy phải luôn sẵn sàng ứng đối những trường hợp thiếu thốn, thiếu cơm áo gạo tiền, chỗ ở, thuốc men, thiếu học (kiến thức), tình thương, người săn sóc, sức khoẻ v.v… Những nhu cầu thiết yếu cho đời sống lâm vào ngõ cụt thời phải lo vay mượn hoặc ra sức làm việc để giải quyết vấn đề hoặc bằng sức lực hoặc bằng trí não. Nói chung, mọi người đều phải nỗ lực làm việc trong mọi ngành nghề thuộc các lãnh vực công tư, lao động cũng như trí thức mà ta hay văn hoa gọi là chân tay hoặc văn phòng, và không ai nhẫn tâm ngồi nhà an hưởng.

Năm 1969 lần đầu tiên con người đã thám hiểm mặt trăng, diện kiến Hằng nga đẹp tuyệt trần, theo nhà biên khảo sách “Theo dòng văn minh nhân loại” Triệu Hâm San nhận định: Trong lịch sử văn minh nhân loại, lần đầu tiên con người vạch trời nhìn thấy trái đất từ thời – không gian, vũ trụ - cố nhiên là một việc lớn. Trái đất xem ra rất đẹp, nhưng rất âu lo, rất bi tráng. Trên trái đất đã từng xảy ra biết bao nhiêu chuyện kinh hồn bạt vía. (trang 6). Từ nhận định đó, tác giả rút tỉa kinh nghiệm về sự chia cách giữa nước giàu và nước nghèo. Ông nêu dẫn cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, thực chất là cuộc chiến tranh giành dầu mỏ, ông nói rằng bản thân dầu mỏ trở thành một loại vũ khí và có thể đưa môi trường sinh thái của trái đất vào chỗ chết.


2/ Nguyên nhân tạo nghiệp:

Như trong Kinh Phật dạy, chúng sanh sung sướng quá như ở các cõi trời Trường Thọ, Phi Tưởng, Phi phi tưởng, cõi trời thứ 33, không biết cải hối, tu sửa cứ mãi ăn chơi thỏa thích, từ đó tạo nghiệp bất thiện, mất hết công đức nên bị quả báo hành phạt phải thọ báo đọa lạc trong luân hồi. Chúng sanh ở cõi Ta Bà, nhất là ở nơi biên địa hạ tiện quá cực khổ, do thiếu thốn mọi mặt: cơm áo, gạo tiền và các phương tiện sống nên tạo nghiệp ác, là nhân hiện tại phải thọ quả nơi ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Trong bài “Y báo Chánh báo trang nghiêm” chính tác giả viết: “Chánh báo và y báo khó diễn đạt cụ thể bằng lời nên cần phải ứng dụng qua thí dụ điển hình vào đời sống tu tập mới thấy rõ. Bởi vì, Chánh báo và Y báo đều là quả báo ứng với nghiệp trước, nên gọi là nhị báo để nhấn mạnh cả hai đều là kết quả hiển nhiên không sai lệch. Tưởng cần phân biệt rõ: y báo tức là hoàn cảnh hay môi trường chung quanh đời sống thuộc vật thể hữu hình, cón chánh báo không thể chỉ đơn thuần phần hình tướng bên ngoài mà còn tiềm tàng ở chiều sâu thuộc về tâm lý vô cùng tinh tế tác động lên toàn bộ vấn đề như là nhân tố quyết định của mọi chúng sanh có thân mạng nơi loài hữu tình”. Qua phần luận dẫn trên cho thấy rõ nghiệp lực có sức mạnh vô song, không có sức mạnh nào có thể ngăn chặn, dừng dứt được, nhất là ác nghiệp tạo tác. Do vậy, người tạo nghiệp lành nhiều hơn mới thắng và áp đảo nghiệp ác để được chánh báo và y báo tương xứng. Sở dĩ có sự thiếu thăng bằng giữa thiếu hay thừa là do cái tâm tạo tác mà kết quả nên như vậy. Có 2 thành phần:


  a) Thành phần yếu kém là những người gây nhân xấu, tạo nghiệp ác trong đời này hoặc kiếp trước nên đời này phải nhận hậu quả khốc liệt không diễn tả hết được những gì mang lại cho bản thân như đui, điếc, câm, ngọng, què quặt, yếu đuối, bịnh hoạn, côi cút… Còn về gia đình lâm hoàn cảnh bi đát: anh chị em không thương nhau, con cái không hiếu thảo, cha mẹ chia lìa, sống cảnh nghèo khổ, thiếu thốn không ai giúp đỡ nên cuộc đời hiu quạnh, không bạn bè, không người thân, và mỗi người có một thế giới riêng. Đó là thành phần thấp kém không tôn trọng luật pháp, không khép mình trong kỷ luật, khuôn khổ nên không thể chia sẻ với mọi người trong xã hội và cũng khó hòa mình trong tinh thần xây dựng. Tiền nhân dạy đạo lý làm người chi li, tinh tế qua những vần thơ cụ thể còn truyền:

Đường hay dỡ, xa nhau một tí

Hễ làm người biết nghĩ thì nên

Kể chi khôn dại, sang hèn,

Tánh lành ai cũng vẹn tuyền từ xưa

Ăn ở với mẹ cha mà hiếu

Phúc trời cho chẳng thiếu gì đâu

hiếu mà chẳng có kiếp sau

Còn mong hưởng sự dài lâu được nào?

Công thai sản khôn ngần bể rộng

Đức sinh thành xem giống non cao

Thương ôi chín chữ cù lao

Đêm ngày nuôi dạy biết bao công trình…

Anh em như chân tay người đấy

Đừng làm cho què gẫy mà ngầy

Vườn xuân đào lý sum vầy

Cành kia riêng thế, gốc này chung nhau…

(Nhật tĩnh ngâm, Vô danh)

b) Thành phần khá giả là những người đầy đủ phước đức, nhân lành hiện nơi thân tướng thân thể vạm vỡ cân đối, khoẻ mạnh, kiến thức, năng khiếu, thông minh. Gia đình giàu có, dòng họ tôn vinh, cha mẹ nhân từ, anh em chị em thuận thảo, công việc làm vững chắc, có địa vị trong xã hội, được mọi người tôn trọng. Ngược lại là người thiếu phước do gieo nhân xấu ác từ trước, không những chỉ thấy quả mà còn phải tìm nhân mới chính đáng, nhân gồm có hai phần, nhân lành và phước đức như qua ca dao:

           Người trồng cây hạnh mà chơi

           Ta trồng cây đức để đời mai sau.

hay những câu bàng bạc qua tục ngữ luôn nhắc nhở nhiều về “có đức mặc sức mà hưởng”. Do vậy, người nào đầy đủ phước đức nhân lành sẽ hưởng được 5 phước báu: giàu sang, sức khoẻ, sống lâu, con đông, chết an lạc, là điều mọi người đều mong ước mà muốn được như nguyện thì đây là chìa khóa: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, nghĩa là những gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác, thế nhưng, mọi người như không để ý tới nên ít ai quan tâm. Cũng như viên đá mài dao càng mài đá càng mòn dần mỗi khi một ít, dao hễ mài thì sắc bén, như người có phước lại khéo biết tu nên phát triển nhân lành phước đức càng gia tăng gấp bội. Ngược lại, người thiếu phước luôn tạo nghiệp ác, do vậy hậu quả của ác nghiệp chất chồng làm cho đời sống bệ rạc, tàn tạ. Theo luật nhân quả công minh chính xác không sai hậu quả, như lời thánh hiền răn nhắc:

 

           … Tri âm xin nhắn gởi

           Sửa chửa chớ trể trì

           Trùng chỉnh nghiệp trăm năm

           An lạc mãi chẳng suy…
          (Đạt Ma Đông Du Ký)

 

           Như chiếc đỉnh đủ ba chân mới đứng vững được, vật vô tình mà còn như vậy, huống chi người hữu tình thiếu một trong ba phước: kính điền, ân điền, bi điền sao tồn tại nên người được.

Theo định nghĩa: kính điền, ân điền, bi điền thì điền là thửa ruộng có năng lực sinh ra phước đức như Phật Thánh, Tăng đoàn, cha mẹ, người đau khổ. Vì kính thờ Phật Thánh, cha mẹ và thương xót cứu giúp những người nghèo khổ, đau ốm thì được phước đức, giống như người nông phu gieo trồng trên mảnh ruộng thì được thu hoạch, cho nên Phật Thánh, Chúng Tăng, Cha mẹ và những người nghèo khổ được gọi là phước điền.

Theo Kinh Đại Phương Tiện Phật báo ân quyển 3 có câu chuyện báo hiếu cảm động của Thái Tử Nhẫn Nhục: vào thời quá khứ lúc Đức Phật Tỳ Bà Thi ra đời tại thành Ba La Nại có vị vua nhân từ, dùng chánh pháp trị quốc nên nhân dân được an cư và mọi người hết lòng lo cho đất nước phú cường thịnh trị. Dù vậy, nhà vua lại hiếm con nhưng với lòng hoài vọng mong có một người con nối dõi vương nghiệp về sau. Lòng thành của vua được mãn nguyện, bà đệ nhất phu nhân sinh hạ được một con trai tướng mạo phương phi, tốt đẹp và đặt tên là Nhẫn Nhục. Thái tử Nhẫn Nhục là một người thông minh nhân từ, thích làm việc bố thí đối với người nghèo, với tâm từ bi bình đẳng. Trong triều lại có 6 quan đại thần có tính hung bạo, độc ác, gian dối, nịnh hót… khiến nhân dân đều chán ghét. Vì vậy các quan này biết những hành động của họ là sai quấy nên luôn mang tâm tật đố, oán ghét thái tử, chờ cơ hội đến. Nhân trong lúc vua đang lâm bịnh nặng, mạng sống không còn kéo dài được bao lâu nữa. Thái tử Nhẫn Nhục lo cho vua cha có mệnh hệ nào liền đến hỏi các quan đại thần, mong tìm được phương thuốc chữa trị cho vua được qua khỏi cơn bạo bịnh.

Các quan đại thần họp kín bàn mưu tính kế với nhau, nếu không tìm cách trừ Thái Tử Nhẫn Nhục thì sẽ không bao giờ sống được an ổn. Nghĩ rồi các quan đến gặp Thái Tử, một ông cho hay rằng họ hết sức tìm kiếm các thứ cỏ thuốc, nhưng không kiếm ra được. Thái tử nôn nóng muốn biết đó là thuốc gì. Họ cho biết chính là con mắt và tủy của người nào từ lúc sinh cho đến chết, không hề tức giận ai bao giờ. Nếu tìm được thứ thuốc ấy mới bảo toàn được tính mạng nhà vua. Và còn thêm rằng, nhưng họ không tìm đâu ra được một người như thế. Thái Tử lo lắng không biết mình có đủ điều kiện không, thì đại thần tiếp ngay, chỉ có Thái Tử mới đủ các điều kiện đó, nhưng việc đó khó lắm, bởi vì trong thiên hạ không ai chẳng quí thân mạng cả. Thái Tử bình thản chấp nhận, nếu vua cha ta qua khỏi trọng bệnh, thì cho dù ta có hy sinh trăm ngàn thân này đi chăng nửa, cũng chưa phải đã là khó, huống chi nay ta mới chỉ bỏ một cái thân nhơ nhớp này. Thế rồi Thái Tử tới trình mẹ: con muốn đem thân mạng này làm thuốc chữa bịnh vua cha được khỏi, nhưng e rằng thân mạng con sẽ không thể nào sống được nữa, làm bà buồn rầu ngất xỉu và ôm lấy Thái Tử với một sắc thái mê mẫn buồn thương. Gạt ngang sự thương cảm của Mẹ, Thái Tử chỉ lo cứu mạng vua cha là trên hết. Mưu kế đã lập, đại thần cho người Chiên Đà La chẻ xương lấy tủy, khoét đôi mắt của Thái Tử hòa làm thuốc cho vua uống. Uống rồi, vua được bình phục thì mới hay thuốc ấy do Thái Tử Nhẫn Nhục chế biến. Vua liền nghĩ đây là mưu kế của bọn gian thần muốn hại con ta, và tự trách sao ta lại vô tình có thể uống thứ thuốc bằng mắt và tủy của con ta như vậy được! Nhưng bây giờ thì đã quá trể, thật khổ não biết bao! Tất cả vua, phu nhân và quan dân cùng thương tiếc Thái Tử, nhất là Hòang Hậu khóc lóc thảm thiết, bà ngã lăn ra đất ngất xỉu hồi lâu mới tỉnh lại.

Nhân đấy Đức Thế Tôn dạy, Thái Tử Nhẫn Nhục lúc đó chính là tiền thân của ta ngày nay, Bồ Tát trong vô lượng A Tăng Kỳ Kiếp hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự các thức ăn uống, y phục, giường nằm, thuốc men, phòng xá, ngay cả đem thân thể xương tủy để cúng dường cha mẹ đó là ân điền, trên nữa có kính điền đối với Phật Thánh, chư Tăng, các bậc A La Hán và dưới có bi điền đối với những người nghèo khổ, kẻ không nhà cửa, ốm đau, tật nguyền, trẻ mồ côi v.v… Nói cách khác ân điền là hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, Tổ tiên dòng tộc, bi điền là thương giúp người nghèo khổ, thiếu thốn đối với xã hội, quốc gia, kính điền thuộc đức tin đối với tôn giáo, tôn kính Đức Giáo Chủ và Thánh chúng.

Qua câu chuyện bố thí đầy cảm động, can trường hy sinh mạng sống báo ân đức đấng thân của Thái Tử Nhẫn Nhục chứng tỏ cho thấy quả báo không những hiện tiền mà còn trãi dài qua vô lượng kiếp từ quá khứ tới tương lai. Như ca dao Việt Nam hằng nhắc nhở:

Ngày xưa quả báo thì chầy

Ngày nay quả báo ở ngay nhãn tiền.

Có vậy, chúng ta mới tôn trọng nhân phẩm nhau và tu tập trai giới hầu hoán chuyển nghiệp lực nặng chuyển sang nhẹ, không nặng không nhẹ chuyển thành nhẹ, nghiệp nhẹ chuyển thành không (bạch nghiệp) tức là dứt nghiệp. Trong tiến trình tu tập chuyển hóa ấy, một số quy tắc căn bản phải tuân theo như: giờ giấc, quy luật, giới pháp đã thọ v.v… Sau đây là bài kệ của bậc Thánh trí:

Đã đạt tâm bất động

Trong sáng không ô trược

Trong thế giới phiền não

Bậc thánh thiện vô nhiễm.

 

Thành tựu thắng trí này

Đây là đời cuối cùng

Cứu cánh của phạm hạnh

Đạt được không chờ ai

 

Tâm không còn phân biệt

Giải thoát khỏi tái sinh

Đã điều phục được tâm

Bậc chiến thắng trong đời.

 

Trên dưới cùng tả hữu

Không còn thấy vui thích

Họ rống tiếng sư tử

Giác ngộ là vô thượng…

(Tương Ưng BK III, chương 3, các vị A La Hán, HT Thích Minh Châu dịch)

Trong thế giới phiền não bậc Thánh đạt đến vô nhiễm, như Lục Tổ Huệ Năng giải: phiền não tức Bồ Đề, là kẻ tâm bất động, chiếu sáng như mặt trời trong lặng không bị mây mù làm vẩn đục. Cũng như thế, bậc Thánh trí tu phạm hạnh thành tựu đạo nghiệp viên mãn, không còn tái sanh trong vòng luân chuyển sanh tử nữa. Người nhìn sâu quán sát kỹ thấy nơi đâu cũng là chốn an lạc giải thoát, bậc Thánh oai dũng như Chúa tể chốn sơn lâm mỗi khi phát tiếng gầm làm rung động cả núi rừng khiến cho muông thú đều khiếp đãm lo tìm nơi ẩn núp. Vì thế người đời hay dùng lời kính ngữ tôn xưng các bậc “xuất trần thượng sĩ”, sống độc cư, không gia đình mới có thì giờ phục vụ tha nhân, nên hy sinh riêng mình để lợi lạc mọi loài chúng sanh hữu tình và vô tình.

3/ So sánh tục đế và chân đế để nghiệm quả suy nhân, ta thử làm bảng đối chiếu:

Thừa theo tục đế

 

Ba độc

Phiền não

Ô nhiễm

Ngã chấp

Tà kiến

Mê vọng

Sa đọa

Thất niệm

Vô minh

Thiếu theo chân đế

 

Ba học

Bồ đề

Giải thoát

Vô ngã

Chánh kiến

Chân chánh

Tự tại

Chánh tri

Giác ngộ

 

 

Duyên chàng Tục Chân

 

Hai anh bám sát theo em

Chưa phân định được chọn tên anh nào

Bày cuộc đấu trí thấp cao

Đố người quân tử lọt vào mắt xanh

Điều kiện đầy đủ ghi rành

Ba độc cùng với học hành ba môn

Em xin chọn mặt gởi vàng

Phiền não trừ dứt tiến sang Bồ Đề

Đời em lắm đổi nhiêu khê

Nhiễm ô, giải thoát hướng về nơi mô?

Thật lòng khó xử làm sao !

Ngã chấp nắm giữ lật nhào cái tôi

Cuộc tình bạc trắng hơn vôi

Tồi tà hiển chánh xứng đôi bạn đường

Nếu chàng nghĩ tưởng đoái thương

Mê em phải chọn con đường chánh chân

Chúng mình ngặt nổi phàm trần

Tránh đường sa đọa nới lần tự do

Xin chàng cân nhắc đắn đo

Bám giữ thất niệm khó dò chánh tri

Mấy điều em lược tường ghi

Vô minh nhượng bộ lỗi nghì chàng ơi

Bái bye tình nghĩa thế thôi

Chọn anh Chân đấy, Tục thời lỡ duyên.

(Sông Thu TBL)


 

Thái độ chọn lựa, thà phải chịu hy sinh thân mạng này cho Chánh Pháp còn hơn là bị miệng lưỡi mật ngọt của quân ma vương dằn vặt dẫn lôi ta đi vào mê cung ác đảng. Ai tin chúng hẳn rước hệ luỵ khôn lường, nếu lơ đễnh mất cảnh giác chúng thường trực lén lút cỗm trọn pháp tài mà ta đã dày công bồi đắp bấy lâu. Không còn nghi ngờ gì nữa toàn thể nhân loại hôm nay đang bị dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi trên thế giới, khiến mọi người điên đảo, lo sợ phập phòng chưa biết con dịch xâm nhập lúc nào. Bịnh dịch thế kỷ làm đảo lộn rối tung mọi sinh hoạt từ vật chất đến tinh thần ngưng đọng lại hầu như tê liệt, và làm cạn kiệt nguồn sinh lực con người. Hậu quả thảm họa này khó mong một sớm một chiều mà khắc phục được, vì cần đòi hỏi con nguời có biết cải thiện những sai lầm nghiêm trọng trong việc tàn phá môi trường thiên nhiên hay không.


4/ Có thể cân bằng đời sống?

Câu hỏi nêu lên chắc không ai đủ sức trả lời bằng chính ta, cần suy nghiệm cẩn thận để lấy quyết định. Cần lặp lại thí dụ viên đá mài cho thấy rằng, đá dù cứng chắc đến thế mấy mà nhiều người cứ đem dao tới mài mãi, hẳn đá cũng phải mòn dần. Đá còn vậy, huống chi tài nguyên thiên nhiên dưới lòng đất, trên non ngàn, giữa đại dương, cho dù có dồi dào phong phú đến đâu mà con người cứ khai thác mãi không ngừng thì cũng đến lúc phải cạn kiệt. Người ta như không cần biết nên cứ đào vét, lấp bằng, bắn thủng trái tim của Mẹ Đất nay đã tới lúc phải trương lên dấu hiệu SOS để cứu vãn hành tinh xanh của chúng ta.

Bây giờ là thời điểm cũng đã quá trể để kêu cứu, vì chúng ta kêu cứu nhiều rồi, nhưng tiếng kêu quá bé bỏng, pha loãng vào hư không không ai chú ý đến. Lần này chúng ta tha thiết kêu gọi các nhà sản suất, chế biến, khai thác và ngay cả người tiêu thụ cần nghĩ lại cách khai thác tài nguyên và sử dụng sản phẩm phải được sự kiểm soát chặc chẽ. Chúng ta phí phạm quá nhiều nguyên liệu và nhiên liệu làm ảnh hưởng đến thiên nhiên như nguồn nước, núi rừng, thảo nguyên, sông ngòi, biển cả, hầm mõ, địa cầu, vũ trụ, không gian, mặt trời… hầu như sắp khánh tận. Đây là vấn đề huyết mạch sinh tồn nêu lên để mọi người ý thức và cùng nhau bảo vệ môi trường sinh thái cho chính ta và con cháu chúng ta có nơi nương tựa sinh sống. Khi có cơ hội tụ tập đông người, ta thường nghe nhiều người lý luận rằng, đồ vật mua xài là tiền túi mình bỏ ra, cứ việc xài thoải mái rồi bỏ, chứ có đụng chạm của ai đâu mà phải dè sẻn, tiết kiệm. Đề nghị mọi người nên thay đổi thái độ sống và cái nhìn chính xác hơn, thực tế hơn, vì tình trạng eo hẹp, thiếu hụt kinh tế sau trận dịch Corona này. Trước đây chúng ta phí phạm thì giờ vào những việc thiếu lành mạnh nay cần nên trân quý thì giờ như vàng bạc. Ngoài những tiện nghi vật chất, thiết nghĩ ta cũng cần số giờ nhứt định mỗi ngày lo cho đời sống tâm linh. Như đọc kinh, lễ bái, sám hối, niệm Phật, toạ thiền… tại gia hay Thánh đường, chùa viện cho tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh như mặt hồ lắng trong làm cho mọi cáu bẩn đều lắng xuống, đó là những phiền não, ganh ghét, ưu phiền, lo lắng, bất an, sợ hãi. Cho nên trong đời sống hiện tại vật chất hầu như không thiếu, nhưng về mặt tinh thần hay tâm linh mọi người thiếu hụt… cách đáng ngại, không riêng những người không theo tôn giáo mà ngay như những Phật tử đã quy y Tam Bảo thọ 5 giới và có Pháp danh hẳn hoi mà cũng vẫn không tu tập, hay đúng hơn chưa hiểu rõ lợi ích của việc tu tập nên không thực hành đấy thôi… Đoạn trích lời của vị La Hán (Phật) trong Kinh Nikaya về tâm tự do giải thoát như: “Tâm tôi bỗng bừng sáng lên chứng quả giải thoát vô thượng. Đây là thọ thân sau rốt của tôi, từ đây dứt hết nghiệp tái sinh”.

Kết quả tu tập chắc vững dường thế ấy như Phật đã ứng dụng trong đời sống, bất cứ ai nếu vâng theo lời Phật thực hành ngay cho tự thân cũng được lợi lạc ngay bây giờ. Vì biết rằng niềm tin của Phật tử chưa vững và sâu, Phật diễn đạt rõ hơn về đặc tính của giác ngộ.

“Bằng cái biết như vậy, bằng cái thấy như vậy”, tâm người thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Giải thoát, người biết người được giải thoát. Người biết cuộc tái sanh này đã giải trừ xong, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm xong, sau đời hiện tại không còn thọ thân nào khác.”

Lời tuyên bố dứt khoát xác chứng từ kim khẩu Phật tuyên ra, ta chỉ cần thực hành như Ngài hẳn đạt kết quả. Tu hành cũng giống như ăn cơm uống nước: ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng, là chân lý vẫn hiện hữu giữa thế gian.


5/ Tạm kết:

Bấy lâu nay thiên nhiên thầm lặng chịu đựng dưới bàn tay vòi vĩnh, thu vét của con người, nay đến lúc không thể nào chịu đựng được nữa nên phải phản ứng. Phản ứng mãnh liệt qua Covid kỳ này được nhìn nhận là tàn bạo nhất thế kỷ hay đúng hơn là trong lịch sử nhân loại. Nhân đây, tưởng cần nhắc lại câu nói của cổ đức “tức nước vỡ bờ” mà con người mưu lược chọc Mẹ đất (thiên nhiên) nổi giận, phải làm “vỡ” cho mà biết. Nay thì mọi người đều thấy rõ, và ngẫm nghĩ cho cùng, trận đại dịch kinh hoàng của thế kỷ! Con vi khuẩn quá bé mọn mà thừa sức tấn công mãnh liệt, rộng lớn, đi khắp mọi nơi làm cho thiên hạ chới với, bó tay đầu hàng, nhưng cũng chẳng biết kêu cứu, quy trách nhiệm cho thế lực nào - lực siêu lực này – có đáng quan tâm? Từ câu hỏi này đưa tới mấy ghi nhận:

1) Con người quá tự hào tài năng, trí huệ của mình nên coi thường quy luật sinh tồn, do không tự lượng sức nên đã đưa nhân loại vào đại thảm họa chết người khiến bảy tỉ người lâm cảnh điêu linh, kinh hoàng hoảng sợ Bà Dịch Cô tấn công bất thần.

2) Đấy là sức mạnh tâm linh hay chính là hậu quả tất yếu của những việc làm thô bạo lâu nay của con người trực hay gián tiếp khai thác tài nguyên thiên nhiên, thỏa mãn nhu cầu đã vô tình làm kinh động huyệt não kho tài nguyên dự trữ.

3)  Bài học đắt giá chúng ta phải trả hôm nay và con cháu chúng ta vẫn phải tiếp tục trả may ra tránh khỏi những sai lầm nghiêm trọng mà Cha Ông của chúng đã tạo nên trong quá khứ (tk 21) khó phai mờ trong tâm thức.

4) Sau trận đại dịch Corona này, nhân loại mới bừng tĩnh nhìn lại mình kỹ hơn để áp dụng tâm từ vào đời sống bằng cả hùng lực và nguyện lực, tái cấu trúc lại đời sống nhân bản làm cho cảnh quan chung quanh thêm xinh tươi, sáng đẹp, và đáng yêu.

5) Theo lời Phật dạy, con người phải biết tàm quí, có lỗi lầm nên ăn năn sám hối, sửa sai, cải thiện, được vậy mới ổn định gia đình, xã hội, quốc gia và cộng đồng nhân loại, lúc đó nền hòa bình thật sự sẽ tái lập.

 

 Thích Bảo Lạc

 

 

 ___________

 

Tài liệu tham khảo:

 

-         Kinh Tương Ưng Bộ III, Chương 3, các vị A La Hán H.T Thích Minh Châu dịch

-         Đạt Ma Đông Du Ký, hồi 17 trang 202 & 203. Nguyễn An Vũ và Võ Kim Đồng dịch, nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin 2004 tại Saigon.

-         Thiền Luận I của Daisetz Teitaro Suzuki Trúc Thiên dịch, Khánh Anh Pháp tái bản

-         Theo dòng văn minh nhân loại (Nhân loại văn minh chi lữ) của Triệu Hâm San, Võ Mai Lý dịch, nhà xuất bản VHTT năm 2005 – Saigon

-         Minh Tâm Bửu Giám, Nguyễn Quốc Đoan dịch giải nhà xuất bản Văn Hóa 1996 tại Saigon. 

-         Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, do H.T Thích Chánh Tiến và H.T Thích Quảng Độ dịch, Chùa Quang Minh Chicago Hoa Kỳ ấn tống năm 2007.

-         Phật Quang Đại Từ Điển cuốn 4, H.T Thích Quảng Độ dịch các trang 4384 và 4385, do Hội VH GD Linh Sơn Đài Loan ấn hành năm 2000.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/03/2022(Xem: 6690)
Trong lúc còn trụ thế, Đức Phật có 10 đệ tử rất xuất sắc. Thuở đó, Phật đã khen mỗi vị giỏi nhất về một lãnh vực, nhưng không đánh giá vị nào đứng nhất, vị nào đứng nhì, ba... trong tăng đoàn. Điều này thật dễ hiểu: đã đắc quả Chánh Đẳng Chánh Giác thì vị nào cũng giỏi cả. Giả sử có dịp ngồi bên nhau, hẳn mười vị A-la-hán này sẽ không bao giờ nhận mình là người giỏi. Thế thì có ai dám nói mình là “người giỏi hơn người”!
28/03/2022(Xem: 8370)
Truyện Tranh LỊCH SỬ PHẬT THÍCH CA là chuyện kể về đời một danh nhân, một ông hoàng vương giả, đã tự mình tìm ra pháp Bất Sanh Bất Diệt và trở thành bậc Thánh ngay giữa lòng nhân sinh cách đây trên 26 thế kỷ. Từ đó đến nay tuy cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng đời sống, nhân cách và tư tưởng của Ngài vẫn là ánh sáng, niềm tin trong tâm hồn của những người yêu Chân, Thiện.
25/03/2022(Xem: 3930)
Nhân kỷ niệm Ngày đức Thế Tôn nhập Niết Bàn, với tâm niệm hộ trì Tam Bảo và hỗ trợ chư Tăng tu hành nơi xứ Phật đang trong lúc khó khăn, chúng con, chúng tôi vừa thực hiện một buổi cúng dường tịnh tài đến chư Tôn đức Tăng già, các bậc xuất sỹ thường trú chung quanh khu Thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng, nơi đức Thế Tôn thành Đạo..
25/03/2022(Xem: 2917)
Nhân Duyên Tâm Luận Tụng Thánh Long Thọ Ấn ngữ:pratītyasamutpāda hṛdaya kārikā Tạng ngữ: rten cing 'brel par 'byung ba'i snying po tshig le'ur byas pa
25/03/2022(Xem: 2167)
Hành giả phải phát khởi các giai đoạn động lực và hành vi vì lợi lạc của tất cả các bà mẹ hữu tình, bao la như không gian, tôi phải thành tựu quả vị giác ngộ viên mãn vô song, và vì mục tiêu này mà tôi nên lắng nghe giáo pháp cao quý. Bốn mươi chín ngày sau khi đạt giác ngộ, Đức Phật bi mẫn và thiện xảo đã thuyết Tứ Diệu Đế cho năm vị đệ tử may mắn tại Varanasi. Bài pháp Tứ Diệu Đế này là khuôn khổ của Phật pháp.
25/03/2022(Xem: 2804)
Hãy phát khởi động lực và hành vi đúng đắn, nghĩ rằng tôi phải tạo lợi lạc cho tất cả chúng sanh bao la như không gian, tôi phải thành tựu giác ngộ vô song và hoàn hảo. Người ta phải nghĩ rằng mục tiêu chánh của việc lắng nghe giáo pháp là để tu tập. Hơn nữa, ý nghĩa của việc tu tập là để giúp tâm thoát khỏi phiền não hay vọng tưởng, và đó là ý nghĩa của việc thực hành Pháp. Vì vậy, động lực tích cực và hành vi tích cực là điều cần thiết ở đây, bởi vì khi càng có động lực và hành vi tốt đẹp hơn, thì việc tu tập Pháp sẽ trở nên hữu hiệu hơn.
25/03/2022(Xem: 2428)
Để bắt đầu, trước tiên, hãy điều chỉnh động lực của mình, bằng cách nghĩ rằng hôm nay, mình có mặt ở đây để lắng nghe giáo pháp cao cả, vì ước nguyện thành tựu quả vị hoàn hảo và giác ngộ viên mãn, vì lợi lạc của tất cả bà mẹ hữu tình, rộng lớn như không gian bao la. Hãy điều chỉnh động lực lắng nghe giáo pháp bằng tư tưởng đặc biệt này.
11/03/2022(Xem: 2813)
Một câu hỏi có thể nêu lên: Đức Phật sau khi thành tựu Chánh đẳng Chánh giác, Ngài dạy bài Kinh nào đầu tiên? Câu trả lời theo sử Phật Giáo: đó là bài Kinh vô ngôn, nội dung bài Kinh là lòng biết ơn. Lúc đó, Đức Phật đã bày tỏ lòng biết ơn cây Bồ Đề (cây Pippala), nơi Ngài ngồi dưới cội cây và được che mưa nắng nhiều tuần lễ cho tới khi thành tựu Chánh đẳng Chánh giác. Một điểm đặc biệt: biết ơn nhưng không dính mắc, vẫn luôn luôn nhìn thấy thế giới này trong thực tướng vô ngã.
11/03/2022(Xem: 3946)
Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Bát cháo sữa của nàng thôn nữ Sujata tuy giá trị rất nhỏ, nhưng mang lại lợi ích cho nhân loại và quả địa cầu là rất lớn, vì nhờ đó mà Sa-môn Gautama không chết do kiệt sức. Những giúp đỡ nho nhỏ, từ thiện nho nhỏ, đôi lúc có giá trị lớn & có ý nghĩa lớn. Học theo gương hạnh của Sujata, chúng con, chúng tôi nguyện làm tất cả việc thiện bằng các điều kiện có thể, nhằm xoa dịu phần nào sự khốn khó của tha nhân trong thời buổi nhiều khó khăn này..
08/03/2022(Xem: 7876)
Qua thông tin của truyền thông đại chúng ( các đài truyền Úc và Vietface tivi) suốt 2 tuần qua tiểu bang New South Wales và Queensland, Úc Châu, đã hứng chịu những cơn mưa như trút nước chưa từng có trong nhiều thập niên qua, từ đó dẫn đến những cơn lũ lụt lớn, khiến cho hàng nghìn người phải sơ tán và nước lũ cũng cuốn trôi nhiều tài sản, gia súc, phá hủy các tuyến đường giao thông giữa 2 tiểu bang miền đông nước Úc này. Riêng tại New South Wales, có hơn 11 vùng hiện bị ngập nước là: Chipping Norton, East Hills, Georges Hall, Holsworhy, Lansvale, Milperra, Moorebank, Warwick Farm, Sandy Point, Pleasure Point, Picnic Point.Trong khi tại tiểu bang Queensland có hơn 18.000 ngôi nhà ở phía đông nam Queensland được cho là đã bị ngập lụt, và gần 60.000 ngôi nhà khác trên toàn khu vực bị mất điện. Tính cho đến giờ này chúng tôi đang viết thư ngỏ này vào 9 giờ sáng 8/3/2022, tiểu bang Queensland có 13 người chết và NSW có 4 người tử vong vì trận lụt kinh hoàng này.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567