Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

“Tĩnh tâm như nước” là cảnh giới tinh thần cao thượng

10/06/201723:06(Xem: 22540)
“Tĩnh tâm như nước” là cảnh giới tinh thần cao thượng

“Tĩnh tâm như nước” là cảnh giới tinh thần cao thượng

Trong cuộc sống chúng ta thường xuyên chứng kiến một số người nóng vội, bởi vì một chút việc nhỏ mà nổi trận lôi đình. Hoặc bởi vì một câu nói của người khác không hợp ý mình mà buông lời nhục mạ. Nhưng cũng có khi lại thấy một số người, mỗi ngày đều là dùng tâm thái bình tĩnh để xử lý vấn đề, không sợ hãi trước vinh nhục, đó là bởi họ giữ được “tâm tĩnh như nước”.

tĩnh tâm
(Hình minh họa: Qua stshw.cn)

Vậy người như thế nào mới có thể tĩnh tâm được? Người như thế nào mới có thể nhẫn nhịn không tranh biện? Có một vị thiền sư từng nói: “Một người muốn tâm tĩnh như nước thì điểm mấu chốt là có thể bỏ qua được những phiên não về danh lợi, vứt bỏ được những quấy nhiễu của tình sắc. Cho nên, muốn làm được điều ấy thì phải biết buông bỏ.”

Quả thực, trong cuộc sống không ngừng phân tranh, rất nhiều người tinh thần không yên tĩnh, tâm thần không an định đều là bởi vì họ đặt nặng bản thân mình.

Tâm tĩnh mới có thể sản sinh trí tuệ, tâm tĩnh như nước là biểu hiện của một loại trí tuệ cao. Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, Gia Cát Lượng sau khi bị thất thủ ở Nhai Đình, lại nghe được tin Tư Mã Ý dẫn theo mười lăm vạn đại quân tấn công Tây Thành. Trong tay Gia Cát Lượng lúc ấy chỉ có vẻn vẹn 2500 quân lính giữ thành. Nhưng Gia Cát Lượng không có tâm hoảng loạn, mà bình tâm tĩnh khí dẫn hai tiểu đồng cầm đàn, dựa vào lan can trong thành ngồi gảy đàn.

Tư Mã Ý dẫn quân kéo đến Tây Thành, thấy tình cảnh như vậy lấy làm lạ, đăm chiêu nghe Gia Cát Lượng gẩy đàn một lúc, rồi hạ lệnh cho quân nhanh chóng tháo lui. Tiếng đàn “bình tĩnh bất loạn” của Gia Cát Lượng đã hù dọa được Tư Mã Ý thoái lui. Đây được gọi là “núi Thái Sơn sụp đổ ngay trước mắt mà sắc mặt không thay đổi, con nai có nhảy múa bên cạnh thì mắt vẫn không liếc.” Khí độ siêu phàm như vậy, một người bình thường tất nhiên không thể làm được.

tĩnh tâm
(Hình minh họa: Qua kknews.cc)

Có một đoạn thời gian, Khổng Tử cùng các học trò của ông trên đường đi từ nước Trần đến nước Thái thì bị vây khốn, gặp phải nguy nan. Họ còn bị cạn hết cả lương thực. Lúc ấy, các học trò của Khổng Tử đều mang vẻ mặt rất rầu rĩ, thất vọng, nhưng Khổng Tử vẫn giữ được tâm thái bình tĩnh, không một chút hoang mang lo sợ mà ca hát, soạn nhạc.

Ông nói: “Người quân tử yêu thích âm nhạc chính là vì ở trong âm nhạc mà bình tĩnh tâm tính, hồi tưởng lại chuyện lúc xưa, tự hướng lại bản thân mà kiểm điểm chính mình, xóa bỏ đi tính khí kiêu ngạo.”

Một người hiểu rõ bản chất của sinh mệnh mới có thể tĩnh tâm như nước. Thành công khiến con người vui sướng tựa như sự mãnh liệt của hải triều. Nhưng hải triều lên rồi cũng tự nhiên xuống, tâm người nếu vui buồn theo hải triều thì sẽ mệt mỏi vô cùng. Cho nên, tâm tĩnh như nước mới là cảnh giới tinh thần cao nhất trong cuộc đời.

Vì sao người ta càng đến tuổi trung niên lại càng thấy thanh tĩnh, thản nhiên xem nhẹ mọi thứ trong cuộc sống? Đó là bởi vì trải qua những năm tháng cuộc đời, người ta bắt đầu hiểu ra rằng đặt nặng được mất, xem nặng danh lợi chỉ khiến tâm linh mệt mỏi. Thản nhiên, xem nhẹ là một loại phẩm cách, một loại hạnh phúc, một loại khoan dung độ lượng và là cảnh giới tinh thần cao thượng.

Tâm bình khí hòa, tâm tính ổn định mới có thể không vì được tài vật mà vui, không vì cái mất của bản thân mà buồn, vô cớ bị nhục mạ mà không phẫn nộ, đứng trước gian nguy mà không kinh sợ. Khi đối mặt với những lên xuống, những mừng vui và bi thương của cuộc đời mới có thể thản nhiên ứng đối.

tĩnh tâm
(Hình minh họa: Qua tyhf.org)

Một người bình thường:

Khi bị suy sụp sẽ cảm thấy thất vọng.
Khi bị thương tổn sẽ cảm thấy thống khổ.
Khi bị phỉ báng sẽ cảm thấy ủy khuất.
Khi bị hấp dẫn bởi cám dỗ sẽ cảm thấy lưỡng lự.
Khi bị phản bội sẽ cảm thấy căm phẫn.
Khi đứng trước khảo nghiệm sinh tử sẽ cảm thấy sợ hãi vô cùng.

Kỳ thực, đây đều là biểu hiện của định lực không cao và cũng là kết quả của việc tu dưỡng chưa đủ. Người thực sự hiểu được ý nghĩa sinh mệnh, ý nghĩa nhân sinh sẽ không vì những “vật ngoại thân”, những việc nơi cuộc sống đời thường làm khó khăn, phiền não.

Họ gặp chuyện không hoảng hốt, lâm nguy không sợ hãi, lấy mỉm cười để đối đãi với lời phỉ báng, lấy từ bi đối đãi với phản bội, gặp biến cố có thể thong dong bình tĩnh, tâm tĩnh như nước.

Lão Tử giảng “Thượng thiện nhược thủy” (thiện cao nhất là giống như nước). Khổng Tử cũng giảng: “Tri giả nhạc thủy, nhân giả nhạc sơn” (người trí tuệ thích nước, người nhân từ thích núi), ý là người trí tuệ có tính cách linh hoạt giống như nước. Người nhân đức thì tĩnh lặng, nguy nga, không dục vọng giống như núi. Cho nên, người trí tuệ sống vui vẻ, người nhân đức sống được lâu dài.

Một người có thể tu dưỡng đến mức “tâm tĩnh như nước” thì tâm linh đã đạt tới cảnh giới thuần tịnh, nhân phẩm cũng trở nên thần thánh và cao thượng, tâm trí đạt đến trong sạch. Khi một người có tâm tĩnh như mặt hồ phẳng lặng, từ trong tâm người ấy sẽ tỏa ra một luồng từ bi phủ trùm lên tất cả các chúng sinh trong vũ trụ, trong tâm người ấy sẽ nở ra những đóa hoa sen tinh khiết và rực rỡ.

An Hòa

 

Việc lớn muốn thành
cần phải “bình tâm tĩnh khí”

Cuộc sống với sự cạnh tranh khốc liệt và vòng xoáy kim tiền ngày nay đã khiến con người trở nên phụ thuộc quá nhiều vào vật chất, áp lực đè nặng lên thân thể, họ dễ dàng bực dọc, nóng nảy, gấp gáp, lo âu… Suy cho cùng, cũng bởi vì họ thiếu một phần tĩnh khí (sự bình tĩnh, sự tĩnh lặng).

Việc lớn muốn thành cần phải "bình tâm tĩnh khí"
(Hình minh họa: Qua Kknews.cc)

Thầy giáo của hai vị Hoàng đế cuối đời nhà Thanh đã dạy bảo học trò của mình rằng: “Đối diện với mỗi việc lớn cần phải tĩnh khí”.

Ông cho rằng: Từ xưa đến nay, các bậc thánh nhân, hiền nhân, càng gặp phải những việc lớn kinh thiên động địa, việc nguy hiểm thì càng có thể tĩnh tâm như nước, thấy biến mà không hề sợ hãi. Từ xưa đến nay, phàm là người làm được việc lớn nhất định phải là người có “tĩnh khí”.

Thế nào được gọi là “tĩnh khí”? Binh gia có câu: “Vi tương chi đạo, đương tiên trì tâm. Thái sơn băng vu tiền nhi diện bất cải sắc, mi lộc hưng vu tả nhi mục bất thuấn, nhiên hậu khả dĩ chế lợi hại, khả dĩ đãi địch.” Ý nói, Đạo làm tướng, trước hết phải giữ được tâm, núi Thái Sơn sụp đổ ngay trước mắt mà sắc mặt không thay đổi, con nai có nhảy múa bên cạnh thì mắt vẫn không liếc. Nói đơn giản hơn, “tĩnh khí” chính là có thể bảo trì tâm thái bình thản, bình tĩnh.

Trận chiến Phì Thủy là một trận chiến lừng danh trong lịch sử. Khi mà, quân Đông Tấn chưa đến 10 vạn binh sĩ phải chống cự lại 100 vạn binh sĩ dũng mãnh của quân Tiền Tần, tình thế không thể nói là không nguy kịch. Nhưng lúc này, chủ soái Tạ An không một chút hoang mang lo sợ, vẫn đang chơi cờ vây tại sở chỉ huy hậu phương.

Đến lúc quân tiền tuyến báo tin chiến thắng về, ông chỉ nhìn thoáng qua rồi lại tiếp tục chơi cờ. Người bên cạnh thực sự đã không thể nhịn được nữa, liền hỏi ông tình hình chiến sự ra sao. Lúc này, Tạ An mới nhẹ nhàng nói: “Bọn trẻ chúng đã đánh bại quân địch rồi”.

Việc lớn muốn thành cần phải "bình tâm tĩnh khí"
(Hình minh họa: Qua linkedin.com)
Vậy, “Tĩnh khí” của một người đến từ đâu? Nó không phải là sinh ra đã có, nó cũng không phải từ trên trời rơi xuống, nó đòi hỏi phải không ngừng rèn luyện và tích lũy mà thành.

Có một số người sở dĩ vừa gặp việc lớn lại rất hoảng sợ, đó là vì họ không đủ tự tin, cũng chính là không có năng lực và bản lĩnh kiểm soát, khống chế được việc lớn.

Tục ngữ có câu “Thủ trung hữu lương, tâm trung bất hoảng”, ý nói trong tay mà có lương thực rồi thì trong tâm sẽ không lo lắng. Sách của các bậc hiền nhân chính là món ăn tinh thần, thông qua đọc sách, chúng ta có thể hấp thụ kiến thức, trí tuệ của những người đi trước, nâng cao năng lực, vượt qua được hoang mang sợ hãi.

Vì vậy, càng là người học rộng, thông thái thì tầm nhìn của họ càng khoáng đạt, rộng lớn và suy nghĩ cũng càng thanh tĩnh hơn. Còn muốn thiện dưỡng chính khí thì hãy học lời răn của Gia Cát Lượng. Ông đã viết trong “giới tử thư” (thư dạy con): “Phu quân tử chi hành, tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức, phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn. Phu học, tu tĩnh dã; tài, tu học dã. Phi học vô dĩ quảng tài, phi chí vô dĩ thành học.” (Tạm dịch: Hành của người quân tử là tĩnh để tu thân, cần kiệm để dưỡng đức, không đạm bạc thì cái chí không sáng, không tĩnh lặng thì chí không xa, phải tĩnh mới học được và muốn có tài phải học, không học thì không mở rộng được cái tài, không có chí thì học không thành.)

Tĩnh khí cần dựa vào sự hỗ trợ của chính khí, chỉ có chính khí trong thân mới có thể không màng danh lợi, không tham muốn, không tư lợi, mới có thể không bị vướng mắc phiền toái, không bị suy nghĩ “tiến hay thoái” quấy rầy và làm được “không quan tâm thiệt hơn”.

Tĩnh lặng mới có thể nhìn xa, bình tĩnh mới có thể tĩnh khí, tĩnh khí mới có thể làm được việc, làm được việc mới có thể thành công. Quá trình hàm dưỡng tĩnh khí chính là quá trình tìm lại sự cân bằng, kiến tạo một loại hài hòa và thành tựu nên một loại cảnh giới.

Việc lớn muốn thành cần phải "bình tâm tĩnh khí"
(Hình minh họa)
Có tĩnh khí mới có thể bảo trì trí óc thanh tỉnh, nhìn xa trông rộng, nhìn thấu được cái tinh thâm của trời đất và quy luật của vạn vật.

Có tĩnh khí mới có thể thực sự không màng danh lợi, tâm thái bình thản, thản nhiên trước sự sủng ái và không sợ hãi trước sự nhục mạ.

Có tĩnh khí mới đặt được ý chí ở nơi cao xa, tâm đặt ở chuyện lớn mà không bị thành tích làm cho kiêu ngạo và thất bại làm cho uể oải, chán nản.

Có tĩnh khí mới dũng cảm trước bất kể danh lợi nào.

Dưỡng được tĩnh khí, thì khi chúng ta gặp bất kể chuyện gì đều sẽ giữ được bình tĩnh, cử trọng nhược khinh (nâng vật nặng như nâng vật nhẹ).

Dưỡng được tĩnh khí chúng ta sẽ vô sự, bình thản và siêu việt chính mình, ngay thẳng, chính trực để xử thế.

Tĩnh khí là một loại khí chất, một loại tu dưỡng, một loại cảnh giới và cũng được xem là một trong những loại trí tuệ đặc thù của người phương Đông.

Trong cuộc sống, có rất nhiều người luôn là vì người khác đánh giá mà sống, luôn sống trong bị động. Nhưng cũng có người luôn tự đi con đường của mình, bình tĩnh trước lời chê bai, dè bỉu của người khác, người như vậy dễ thành công nhất.

Việc lớn muốn thành cần phải "bình tâm tĩnh khí"
(Hình minh họa: Qua dyzdy.cn)

Phàm là người có tĩnh khí khi đối mặt với việc lớn, lại càng phản ánh ra sự thâm thúy trong họ. Họ đối với việc lớn mà có thể “lấy tĩnh chế động” thì đối với việc nhỏ lại càng “cầm được thì cũng buông được”. Tĩnh khí quyết không phải là nhu nhược.

Tuy tĩnh khí nói ra thì dễ dàng nhưng làm được lại khó. Con người chứ đâu phải cỏ cây, cho nên ai mà có thể vô tình? Mỗi người, ai ai cũng đều có buồn vui, yêu ghét. Trong một hoàn cảnh nào đó, nhất định những cảm xúc sẽ bộc lộ ra, đây là bản sắc của con người. Tĩnh khí không thể cưỡng cầu, nó là định lực cần phải thông qua rèn luyện, tu dưỡng mới thành, cho nên có cao có thấp, ở từng người là khác nhau. Xã hội hiện đại bất ổn, cạnh tranh gay gắt, đạo đức bại hoại khiến người ta không dễ nhận ra được, chỉ người “bình tâm tĩnh khí” mới nhận ra tốt xấu, đúng sai và chiến thắng được những cảm dỗ ấy.

An Hòa

Chỉ người có tâm Đại Nhẫn
mới làm được việc to lớn

Từ xưa đến nay, phàm là người làm được việc lớn thì đều có khả năng nhẫn nại, khả năng nhẫn nại lớn đến đâu thì làm được việc lớn đến đó.

Cổ nhân có câu: “Không nhịn được việc nhỏ, sẽ làm hỏng việc lớn”. Người nhẫn nhịn thường kín đáo, trí tuệ rộng lớn, biết nhìn xa trông rộng.

Lão Tử nói: “Thiên Đạo không tranh mà Thiện thắng, không nói mà Thiện ứng”. Phật giáo giảng: “Trong sáu phép độ và hàng vạn phương pháp tu hành, ‘Nhẫn’ là đệ nhất”. Khổng Tử cũng nói rằng: “Việc nhỏ không nhẫn, tất loạn việc lớn”, hay: “Bậc quân tử không có tranh giành”. Tất cả đều giảng về Đạo “Nhẫn”.

Trong lịch sử còn lưu lại nhiều câu chuyện nhờ có Nhẫn mà làm được việc lớn.

Trần Quốc Tuấn nhẫn nhịn cho đại sự

Năm 1281, nhân lúc nhà Trần có sự biến động, Vua Trần Thái Tông đã mất, Trần Thánh Tông nhường ngôi cho con là Trần Nhân Tông. Nhà Nguyên sai Lễ bộ thượng thư là Sài Thung cùng ngàn quân hộ tống sang sứ nước ta.

Sài Thung đến kinh thành nghênh mặt kiêu ngạo, cưỡi ngựa thẳng vào cửa Dương Minh, bị quân lính ngăn cản, Sài Thung không xuống ngựa mà còn dùng roi ngựa đánh thẳng vào mặt quân lính khiến họ bị thương ở đầu.

Sài Thung trách vua Trần lên ngôi nhưng không sang thiên triều để chầu, yêu cầu vua Trần phải sang Nguyên đề chầu và triều cống.

Vua sai Trần Quang Khải đến sứ quán tiếp Thung, thế nhưng Sài Thung nằm khểnh không ra. Quang Khải vào hẳn trong phòng, Thung cũng không dậy tiếp.

Biết tin, Trần Quốc Tuấn xin vua tiếp sứ quân Nguyên, khi Quốc Tuấn đến Sài Thung liền vái chào rồi mời ngồi dùng trà. Thì ra Quốc Tuấn đã gọt đầu ăn mặc giả làm nhà sư Tàu khiến Sài Thung phải tiếp.

Khi tiếp kiến Quốc Tuấn, Sài Thung biết người đối diện mình là ai, liền đưa mắt ra hiệu cho lính hầu, lính hầu hiểu ý liền từ đằng sau lấy mũi tên đâm vào đầu Trần Quốc Tuấn đến chảy máu, thế nhưng ông vẫn nhẫn chịu, điềm nhiên nói chuyện như không có chuyện gì xảy ra.

Dù rất đau nhưng do Đại Việt đang ở thế yếu, nên Trần Quốc Tuấn chủ động hòa hoãn, nhằm trì hoãn cuộc chiến tranh với nhà Nguyên, để Đại Việt có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng. Nhờ đó phải đến 4 năm sau, quân Nguyên mới đem binh sang xâm lược đại Việt, lúc đó lực lượng quân ta đã mạnh hơn, đủ sức chống giặc.

Chỉ người có tâm Đại Nhẫn mới làm được việc to lớn
Trần Quốc Tuấn sau này đã trở thành vị Hưng Đạo Đại Vương lưu danh sử sách (Ảnh sưu tầm)

Khi 50 vạn đại quân Nguyên tiến đánh nước ta, vận nước rối ren, nhiều người nhắc lại mối thù nhà năm xưa, để Trần Quốc Tuấn nhân cơ hội này trả thù xưa và lên ngôi vua. Theo đó, cha của Trần Quốc Tuấn là An Sinh Vương Trần Liễu trước khi chết nhắc lại mối thù nhà với Vua và còn nói rõ: “Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.”

Thế nhưng Trần Quốc Tuấn không vì tư thù mà làm hỏng việc nước, trước nhiều lời nhắc lại mối tư thù này, trên đường hành quân ông nhẫn nhịn cắm cây kiếm mạnh xuống đất đến gãy cả mũi kiếm, thể hiện quyết tâm lo cho an nguy của xã tắc.

Chính vì có tâm Đại Nhẫn như vậy, Trần Quốc Tuấn mới làm được việc lớn, làm Quốc Công Tiết Chế (Tổng chỉ huy quân đội) đánh với quân Nguyên Mông 2 lần (lần thứ hai và thứ 3), lần nào cũng giành đại thắng, khiến quân Nguyên đại bại tâm phục khẩu phục không còn dám nghĩ đến chuyện sáng đánh nước ta thêm một lần nào nữa.

Đức tính nào giúp Tư Mã Ý ngăn được Gia Cát Lượng?

Lần cuối cùng Gia Cát Lượng đưa quân ra Kỳ Sơn phạt Ngụy, Tư Mã Ý hiểu rõ mình là không phải đối thủ của Gia Cát Lượng nên cố thủ không giao chiến. nhưng Gia Cát Lượng lừa được Tư Mã Ý là quân Thục đang cất lương thực trên núi. Tư Mã Ý quyết định đến núi cướp lương nhằm ép Gia Cát Lượng hết lương thực phải rút về.

Tại hang Thượng Phương quân Ngụy bị Gia Cát Lượng dùng hỏa công tiêu diệt, trong lúc cha con Tư Mã Ý ngửa mặt lên trời than khóc chờ chết thì một cơn mưa lớn trút xuống cứu thoát toàn bộ quân Ngụy.

Tư Mã Ý rút quân về bờ nam sông Vị Thủy hạ trại và ra lệnh cho các tướng quyết không được ra đánh. Quyết kiên nhẫn cố thủ trong thành để ngăn quân Thục.

Gia Cát Lượng đưa quân đến khiêu chiến, dùng đủ mọi cách khiêu khích, hạ nhục, đến chửi mắng quân Ngụy, nhiều tướng Ngụy không sao chịu nhục được, muốn quyết một phen đánh với quân Thục, nhưng Tư Mã Ý không đồng ý và quyết thủ trong thành.

Chỉ người có tâm Đại Nhẫn mới làm được việc to lớn
Tạo hình Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý trong phim (Ảnh qua Kienthuc.net.vn)

Tư Mã Ý biết rằng quân Thục hành quân từ xa đến, thì việc tiếp tế chi viện sẽ hết sức khó khăn. Chỉ cần cố thủ, quân Thục lương hết sẽ phải rút về.

Đây gọi là lấy ‘tĩnh chế động’, không đánh khi kẻ địch đang có lợi thế, chỉ đánh khi quân mình có lợi thế. Đợi thời cơ đến sẽ có thể ‘chuyển bại thành thắng’, tuyệt đối không manh động làm hỏng đại sự, đó chính là cái tài của người dùng binh vậy. Nhưng để thực hiện được kế này thì cần phải có “Nhẫn”.

Thấy mắng nhiếc không có tác dụng, Gia Cát Lượng mang khăn, yếm, cùng bộ đồ đàn bà rồi cho người đưa sang tặng cho Tư Mã Ý kèm theo lá thư sau:

“Trọng Đạt (tên tự gọi của Tư Mã Ý) đã làm đại tướng, thống lĩnh quân Trung Nguyên, không dám mặc giáp cầm gươm, để quyết sống mái mà chịu ngồi núp ở trong tối trong hang, để lánh lưỡi đao mũi tên, thế thì khác gì đàn bà? Nay sai người đưa khăn yếm quần áo trắng của đàn bà đến, nếu không dám ra đánh, thì phải lạy hai lạy mà nhận lấy; nếu còn biết xấu hổ, có chí khí người con trai, thì phải phê vào giấy này, y hẹn ra giao chiến”.

Thời đấy nữ nhi không như bây giờ, phụ nữ thời đấy hầu như không tham gia chính sự, chỉ ở nhà giữ mái ấm gia đình. Việc đưa đồ đàn bà cho Tư Mã Ý là sự sỉ nhục vô cùng to lớn, là điều mà không một ai có thể chịu đựng được.

Người xưa có câu: “Sĩ khả sát, bất khả nhục”, nghĩa là kẻ sĩ thà bị chết chứ không chịu nhục. Tư Mã Ý có thể chịu nhẫn nhục thêm một lần nữa, nhưng các tướng sĩ khác không sao chịu nhục thêm được, bất chấp quân lệnh muốn ra trận ngay.

Tư Mã Ý trước đấy đã tâu với Vua xin giữ thành không đánh rồi, nay bèn nhắc lại với các tướng của mình rằng: “Ta có phải muốn chịu nhục đâu, bởi vì thiên tử giáng chiếu, sai giữ vững không cho ra đánh, nếu ta khinh động, thì trái quân mệnh mất”.

Thấy các tướng bực dọc không bằng lòng, Tư Mã Ý đành nói: “Các ngươi nếu muốn đánh, đợi ta tâu với thiên tử, rồi sẽ đồng lực ra đánh giặc, được chăng?”

Nói rồi, Tư Mã Ý cho người mang thư báo cho Ngụy Chủ rằng: “Thần tài nhỏ trách nhiệm to… chiếu chỉ sai thần giữ vững không đánh, để đợi quân Thục tự nhiên phải tan. Nhưng nay Gia Cát Lượng sai người đưa khăn yếm, coi thần như đàn bà, thần lấy làm sỉ nhục lắm. Thần kính tâu trước vời bệ hạ, sớm tối xin liều một trận đại chiến để báo ơn triều đình, mà rửa cái xấu hổ cho ba quân. Thần cảm kích không biết ngần nào”.

Vua Ngụy là Tào Tuấn xem xong, hỏi các tướng rằng: “Tư Mã Ý trước xin giữ vững không đánh, nay lại dâng biểu xin đánh là cớ làm sao?” Vệ uý là Tân Tỷ tâu rằng: “Tư Mã Ý vốn không có bụng muốn đánh, đây là Gia Cát Lượng sỉ nhục, các tướng căm tức, cho nên dâng biểu lên, là có ý muốn cầu chiếu chỉ để trấn bụng các tướng đấy thôi.”

Tào Tuấn lấy làm phải, sai Tân Tỷ cầm cờ tiết đến trại Vị Bắc, truyền lời dụ không được ra đánh. Nếu ai dám nói đến sự đánh, thì ghép vào tội trái chiếu chỉ nhà vua. Các tướng đều phải tuân theo. Ý bảo với Tân Tỷ rằng: “Ông thực là biết bụng tôi lắm!”

Gia Cát Lượng được tin liền nói: “Tư Mã Ý vốn không dám đánh, xin đánh là thị oai với chúng đó thôi. Có câu rằng: ‘Tướng ở ngoài, dù vua sai có điều không nghe cũng được’. Lẽ đâu cách xa nghìn dặm, mà phải xin lệnh đánh bao giờ? Đây vì Tư Mã Ý nhân các tướng tức giận, cho nên mượn ý Tào Tuấn để trấn bụng chúng và truyền lời ấy ra, để quân ta sinh trễ nải đó thôi.”

Sau đó Gia Cát Lượng gặp bệnh mà mất, quân Thục phải rút về. Gia Cát Lượng dù được xem là không có đối thủ, thế nhưng Tư Mã Ý đã dùng sự Nhẫn nhịn to lớn của mình mà đẩy lui được đại quân của Gia Cát Lượng.

Lý Mục dùng Đại Nhẫn đánh bại đại quân Hung Nô

Lý Mục là danh tướng nước Triệu thời Chiến Quốc, thời gian này quân Hung Nô thường tràn biên giới nước Triệu cướp bóc, khi quân Triệu đánh chỗ này thì đến chỗ khác cướp, khi quân Triệu rút thì lại tràn sang cướp. Vì thế quân Triệu không có biện pháp nào để chặn quân Hung Nô.

Lý Mục được giao quân đóng ở vùng biên giới để ngăn chặn quân Hung Nô. Ông đưa ra kế sách vườn không nhà trống, rồi nhẫn nhịn cố thủ trong thành mà không đánh, ai trái lệnh tham chiến bị xử theo quân lệnh. Quân Hung Nô đến dù không bị đánh nhưng gặp phải vườn không nhà trống thì không cướp được phải tự rút về.

Triệu Vương cho rằng Lý Mục hèn nhát không đánh, nhắc nhở nhiều lần nhưng Lý Mục cứ vờ như không nghe. Triệu Vượng bèn thay tướng khác đến đem quân giao chiến nhiều trận với Hung Nô, kết quả quân Hung Nô quen địa thế và thông thạo tập kích đã đánh cho quân Triệu đại bại.

Lúc này Triệu Vương đành phục chức cho Lý Mục để chặn quân Hung Nô, Lý Mục ra điều kiện không được can thiệp vào kế sách của ông.

Chỉ người có tâm Đại Nhẫn mới làm được việc to lớn
Danh tướng Lý Mục (Ảnh: Sina)

Lý Mục tiếp tục thực hiện kế sách cũ, thực hiện vườn không nhà trống và thủ trong thành, củng cố lực lượng, quyết không giao chiến.

Sau vài năm, lúc này quân Lý Mục có 1.300 chiến xa, 13.000 chiến mã, 5 vạn binh, 10 vạn cung thủ, thế nhưng quân Hung Nô không biết lực lượng quân Triệu. Mặt khác sau vài năm cướp bóc quân Hung Nô đã quen với cảnh quân Triệu chết nhát chỉ lo phòng thủ chứ không tham chiến, nên nghênh ngang như chỗ không người mà chẳng phải lo gì, rất chủ quan khinh địch.

Khi sĩ khí lên cao, Lý Mục chủ động đưa quân tấn công quân Hung Nô rồi giả thua vứt hết khí giới bỏ chạy, quân Hung Nô chủ quan đưa hết 10 vạn kỵ binh tràn sang biên giới quyết đuổi theo quân Triệu và rơi vào trận phục binh do Lý Mục chuẩn bị sẵn. Hai cánh quân của Lý Mục xông ra đánh bại 10 vạn đại quân Hung Nô, từ đó trở về sau quân Hung Nô vô cùng sợ hãi không còn dám cướp phá nữa.

Nhờ nhẫn nhịn vài năm mà chỉ một trận đánh Lý Mục đã khiến quân Hung Nô đại bại không còn dám cướp phá như trước nữa.

Hàn Tín chịu nhục chui háng

Hàn Tín là đại tướng quân của Lưu Bang, ông đã đánh bại nhà Tần, chặn Sở, diệt Ngụy, lấy Triệu, thu Yên, thu Tề, đánh trận “thập diện mai phục” với Hạng Vũ lưu danh sử sách, cuối cùng khiến nhà Hán lập nên nghiệp Đế. Sở dĩ ông có năng lực lớn thế là nhờ có tâm Đại Nhẫn.

Thời còn trẻ Hàn Tín luyện võ, học phép dùng binh và thường khoác bảo kiếm đi ngoài đường. Một hôm, ngay trên phố sá sầm uất, Hàn Tín mang kiếm đang đi trên đường thì gặp một đám côn đồ, một trong số chúng hét lên: “Này, ngươi trông thật nhát gan. Tại sao ngươi mang kiếm?”

Hàn Tín không muốn trả lời và chỉ muốn đơn giản bước đi. Điều này khiến đám côn đồ vô lại giận dữ hơn nữa. “Nếu nhà ngươi có gan giết ta thì hãy rút kiếm đâm ta xem nào. Nhưng nếu nhà ngươi nhát gan thì phải chui háng ta!”

Chỉ người có tâm Đại Nhẫn mới làm được việc to lớn
Hàn Tín có tâm Đại Nhẫn nên mới thành nghiệp lớn (Ảnh: Internet)

Đám đông tụ lại hồ hởi theo dõi xem sự việc thế nào. Kẻ vô lại thấy Hàn Tín không dám đâm liền dang rộng hai chân ra thách thức. Hàn Tín dù là tay kiếm rất giỏi nhưng không muốn phạm pháp, nên đã cúi mình bò dưới hai chân kẻ vô lại kia. Những kẻ đứng xem đều cười lên thích thú chế giễu Hàn Tín hèn nhát mà cũng mang theo kiếm.

Hàn Tín sau này trở thành Đại tướng quân của Lưu Bang, giúp Lưu Bang đánh thắng hết trận này đến trận khác. Lưu Bang không có Hàn Tín giúp thì cũng không thể lập ra nhà Hán được. Bản tính khoan dung và tâm đại nhẫn phi thường của Hàn Tín đã đặt nền móng cho sự thành công của ông.

Nếu như lúc đó Hàn Tín vung kiếm vì bị chọc giận, ông sẽ bị xét xử vì tội sát nhân, và con đường học tập của ông sẽ bị gián đoán ảnh hưởng, làm hỏng cả tiền đồ phía trước.

Nội hàm của chữ Nhẫn

Chữ Nhẫn (忍) gồm có chữ tâm (心) ở dưới vì chữ đao tức dao (刀) ở trên. Chữ “dao” có hàm ý phải tôi luyện, mãi dũa mà thành.

Chỉ người có tâm Đại Nhẫn mới làm được việc to lớn

Chữ đao (刀) này còn có thêm một nét gạch nữa thể hiện độ sắc bén của dao kề vào trái tim tức chữ tâm ở dưới. Ý nghĩa một con dao sắc bén cứa vào tim đối với người bình thường phải rất đau đớn quằn quại.

Thế nhưng chữ tâm nằm ở dưới chính là nền tảng của cả chữ “Nhẫn”. Tâm này vẫn bất động, dù dao kia có sắc đến đâu. Nếu tâm dao động thì không Nhẫn được, nếu tâm tĩnh thì càng nhẫn, càng bất động tâm càng thể hiện ra tâm Đại Nhẫn.

Chỉ người có tâm Đại Nhẫn mới làm thành được được việc to lớn, những ai sống chỉ vì tranh vì đấu, suốt đời sống trong ủy mị, dằn vặt và đau khổ, họ không thể làm được việc gì lớn lao cả.

Trần Hưng


Việc nhỏ không làm,
sao có thể làm thành được việc lớn?

Con người hiện đại thường nóng vội, tham cái lợi trước mắt, khi gây dựng đại nghiệp, họ chỉ muốn một bước là thành tựu, một đêm là thành danh, một ngày là thành tài. Họ luôn xem “việc nhỏ” là tầm thường, nhưng lại quên mất rằng việc lớn là từ việc nhỏ tích lũy mà thành.

Đồng thời, họ cũng không xem trọng lỗi sai nhỏ, nhưng chính sơ suất nhỏ lại có thể gây ra sai lầm lớn, dẫn đến “ân hận ngàn năm”. Văn hóa truyền thống 5 ngàn năm qua đã để lại rất nhiều câu chuyện lịch sử, chứng minh cho đạo lý “nước chảy đá mòn”.

Người xưa cho rằng “tiểu trung hữu đại”, trong cái nhỏ có cái lớn, giọt nước nhỏ không ngừng chảy xuống có thể làm mòn đá, ngọn lửa nhỏ đủ để đốt cháy cả đồng cỏ, việc nhỏ không nhịn sẽ làm loạn mưu lớn, mỗi ngày một việc tốt đủ để kết nhiều thiện duyên. Bất cứ “đại thiện” nào cũng cần tích lũy từ “tiểu thiện” mà thành. Không ai có thể một bước trở thành anh hùng, muốn thành đại sự, thì cần bắt đầu làm từ việc nhỏ.

Một nhà không quét sao có thể quét thiên hạ

Việc nhỏ không làm, sao có thể làm thành được việc lớn?
(Ảnh minh họa: Qua Kknews.cc)

Trong cuốn “Hậu Hán Thư” có ghi chép một điển cố “Một nhà không quét sao quét được thiên hạ” như thế này:

Thời Đông Hán có một thiếu niên tên là Trần Phiên. Trần Phiên,luôn tự cho mình là siêu phàm, cho nên một lòng muốn gây dựng sự nghiệp lớn.

Một hôm, người bạn Tiết Cần đến thăm, nhìn thấy tiểu Trần sống một mình trong căn nhà vô cùng bẩn thỉu, liền nói với bạn: “Vì sao không quét dọn nhà để tiếp đãi khách?”.

Trần Phiên trả lời: “Đại trượng phu xử thế, nên quét thiên hạ, sao lo quét một nhà?”.

Tiết Cần liền lập tức hỏi ngược lại : “Một nhà không quét, sao có thể quét thiên hạ?”.

Trần Phiên hiểu ra và không thể nói được lời nào nữa.

Hoài bão muốn “quét thiên hạ” của Trần Phiên là điều không sai, nhưng vấn đề nằm ở chỗ anh ta không ý thức được rằng việc “quét thiên hạ” chính là phải được bắt đầu từ “quét một nhà”. “Quét thiên hạ” bao hàm cả “quét một nhà”, cho nên nếu không “quét một nhà” thì tuyệt đối không thể thực hiện lý tưởng “quét thiên hạ” được.

Nếu như ngay cả việc nhỏ cũng không muốn làm, hỏi sao có thể làm nên sự nghiệp lớn được?

Trong “Khuyến học”, Tuân Tử – nhà tư tưởng nổi tiếng thời Chiến quốc từng nói: “Bất tích khuể bộ, vô dĩ chí thiên lí; bất tích tiểu lưu, vô dĩ thành giang hải”, ý nói rằng, nếu như không đi nửa bước thì không thể tới được ngàn dặm, không có những dòng chảy nhỏ thì không thể có biển rộng.

Trí huệ của các bậc thánh hiền thời xưa bảo cho chúng ta thấy rằng, cho dù là làm chuyện gì cũng không thể trong giây lát là xong, một bước là thành, không ai có thể biến mặt đất bằng phẳng thành ngôi nhà cao tầng trong chốc lát cả. Bởi vậy, chỉ có bắt đầu từ từng việc nhỏ, tích lũy từng chút từng chút một mà đi lên, cuối cùng mới có thể thành tựu một việc lớn.

Hành trình ngàn dặm, khởi đầu dưới bước chân

Việc nhỏ không làm, sao có thể làm thành được việc lớn?
(Ảnh minh họa: Qua Kknews.cc)

Câu thành ngữ “Thiên lý chi hành, thủy vu túc hạ” (Đi ngàn dặm, bắt đầu từ dưới bước chân) xuất phát từ  “Lão Tử – chương 46”. Lão tử đã dùng rất nhiều ví dụ để nói lên rằng sự vật luôn phát triển từ nhỏ đến lớn.

Ông nói: “Hợp bão chi mộc, sinh vu hào mạt; cửu tằng chi đài, khởi vu lũy thổ; thiên lý chi hành, thủy vu túc hạ”. Nghĩa là, cây to dùng hai tay mới ôm hết là từ cây non nhỏ bé sinh trưởng thành, đình cao chín tầng là được xây từ một mô đất mà thành, hành trình hàng ngàn dặm xa như vậy cũng là được bắt đầu từ bước thứ nhất.

Trong “Vi học”, nhà văn Bành Đoan Thục của nhà Thanh từng kể một câu chuyện:

Ở biên giới Tứ Xuyên có hai hòa thượng, một người nghèo khổ, còn một người thì giàu có. Khi hai vị hòa thượng chuẩn bị hành hương đến Nam Hải để lễ Phật, hòa thượng giàu nói với hòa thượng nghèo: “Mấy năm nay ta luôn dự tính thuê một chiếc thuyền xuôi theo dòng sông xuống Nam Hải, mà còn chưa thể thực hiện được, ông thì dựa vào gì mà đi chứ?”

Một năm sau, hòa thượng nghèo từ Nam Hải quay về, trong khi hòa thượng giàu vẫn chưa chuẩn bị xong chuyến đi. Ông kể rằng, trải qua một năm lặn lội đường xa, chỉ dựa vào một chiếc bình đựng nước và một cái bát để xin cơm bố thí, ông đã hoàn thành được tâm nguyện của mình. Hòa thượng giàu có nghe xong xấu hổ không nói nên lời. Cho nên, không thể chỉ dừng lại ở miệng lưỡi, mà phải làm bằng cả ý chí và sức lực thì mới mong đạt được thành công.

Thời cổ đại có rất nhiều bậc học giả có học vấn uyên bác và tài hoa xuất chúng. Đây không phải là thành quả của một sớm một chiều, cũng không phải tài năng thiên phú mà thực tế, họ đã phải ngồi rách đệm cói hay mài mực thủng nghiên sắt, thì mới có thể học thành tài.

Bởi vậy, “Thiên lý chi hành, thủy vu túc hạ” thể hiện ý chí của một người lập chí lập nghiệp, cần phải nhìn xa trông rộng, bắt đầu từ làm việc nhỏ, vừa không thể suy nghĩ viển vông, lại càng không thể chỉ nói lời khoác lác mà chỉ có không ngại gian khó, từng bước từng bước một thực hiện thì mới có thể hoàn thành được mơ ước của mình.

 An Hòa

Cổ nhân giảng: Làm người trước, làm việc sau

Chữ “nhân” (người), nhìn viết thì cực đơn giản nhưng làm được lại vô cùng khó. Mà “nhân phẩm” lại là pháp quy làm người căn bản nhất. “Làm người trước khi làm việc”, đây được xem là đạo lý mãi mãi không thay đổi.

Một người làm người như thế nào, không chỉ thể hiện ra trí tuệ mà còn thể hiện ra cảnh giới tu dưỡng của người ấy.

Cổ nhân giảng: Làm người trước, làm việc sau
Ông Inamori Kazuo là nhà kinh doanh đồng thời là người sáng lập hãng Kyocera. Sau khi thôi giữ chức chủ tịch hãng Kyocera ông quyết định trở thành nhà sư đạo Phật với pháp danh Đại Hòa. (Ảnh qua Yesterday.tw)

Doanh nghiệp giống như con người: phải chú trọng đạo đức

Tại Nhật Bản, một trong những doanh nhân mẫu mực là ông Kazuo Inamori, người sáng lập tập đoàn Kyocera và là Chủ tịch hiện tại của Hàng không Nhật Bản. Ông Inamori khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và đã thành lập hai công ty – Tập đoàn Kyocera và công ty viễn thông lớn thứ hai tại Nhật Bản, “KDDI”, và cả 2 đều nằm trong số 500 công ty lớn nhất thế giới do tạp chí Fortune bình chọn. Trong 47 năm từ khi thành lập, tập đoàn Kyocera chưa bao giờ bị lỗ, đây là một thành quả vượt bậc.

Khi được hỏi về bí mật thành công, ông Inomori có một câu trả lời vô cùng đơn giản. Ông tin rằng điều quan trọng nhất trong cuộc đời là phải đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta có mặt tại đây?” Câu trả lời của ông là:“Chúng ta có mặt ở đây để nâng cao đức tính của chúng ta. Chúng ta muốn trở thành một người có đạo đức tốt hơn khi chúng ta mới sinh ra, và không còn một mục đích nào khác. Để hiểu tại sao chúng ta có mặt tại đây, chúng ta cần phải tìm một con đường chân chính”.

Ông tin rằng không có sự khác biệt nào giữa việc ứng xử trong cuộc sống hằng ngày và cư xử trong kinh doanh.

Cổ nhân giảng: Làm người trước, làm việc sau
Ông Inamori Kazuo (Ảnh: Wikipedia)

Quan điểm của ông Inamori xuất phát từ văn hoá truyền thống phương Đông, đặc biệt là Phật giáo. Những quan niệm triết lý của Khổng Tử và Đức Phật là căn bản trí tuệ của ông. Ông tin rằng bản thân doanh nghiệp cũng giống như con người đã tạo ra nó, do đó đức tính và những tiêu chuẩn đạo đức của con người rất quan trọng. Nếu một người không có những tiêu chuẩn đạo đức cao, người đó không thể tạo dựng một doanh nghiệp tốt. Người đó phải nâng cao đức tính của mình để phát triển công việc kinh doanh. Vì thế, bí mật để thành công chính là phải nâng cao đức tính.

Inamori chỉ mới 27 tuổi khi ông thành lập Tập đoàn Kyocera. Khi ấy, ông không có kinh nghiệm nào và không biết phải tiến hành ra sao. Ông 

quyết định làm theo lời khuyên của cha mẹ và thầy giáo của ông về tầm quan trọng của sự trung thực, vui vẻ, thành tín, biết ơn, thật thà, nhẫn nhục, kiên nhẫn, tin cậy, công lý, kính trọng, vị tha, siêng năng, tiết kiệm, chịu khổ, không oán hận hay ganh tị, đồng thời ghi nhớ ‘một điều bất lợi có thể trở thành một lợi điểm’, v.v.

Những quan niệm này tất cả đều là những tiêu chuẩn đạo đức căn bản. Khi gặp khó khăn, ông tìm thấy câu câu trả lời bằng việc suy xét xem những điều đó đúng hay sai, thiện hay ác. Tóm lại, để đánh giá các vấn đề, ông đều hoàn toàn dựa trên lương tâm. Ông đã lãnh đạo công ty của mình đến thành công bằng cách đi trên con đường chân chính.

Làm người trước, làm việc sau

Một người cho dù là thông minh bao nhiêu đi nữa, có năng lực lớn đến đâu đi nữa, điều kiện hoàn cảnh tốt đến mức nào đi nữa, nhưng nếu không hiểu được đạo lý làm người thì nhân phẩm, phẩm giá sẽ rất kém. Như vậy, sự nghiệp của người ấy sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Chỉ có làm người trước thì mới có thể làm thành được việc đại sự, đây vừa là đạo lý, vừa là lời giáo huấn của người xưa.

Từ nhỏ đến lớn, chắc hẳn chúng ta đã nghe nhiều đến cụm từ “đạo lý làm người”. Kỳ thực, ưu khuyết điểm của phẩm tính mỗi người là khác nhau, cho nên kết quả làm việc cũng khác nhau “một trời một vực”. Bất luận một sự thất bại nào của một người trong cuộc đời đều không phải là ngẫu nhiên. Tương tự, bất kể một sự thành công nào của một người thành công đều là có tính tất yếu. Trong đó, nhân tố “làm người” lại là quan trọng nhất.

Nhân phẩm, phẩm giá của con người là cơ sở nền tảng để con người thi triển năng lực, là “nhãn hiệu” để phân biệt người này người kia.

“Nhân phẩm” và “năng lực” giống như tay trái và tay phải của một người. Nếu chỉ có năng lực không có nhân phẩm thì người ấy không được trọn vẹn, đầy đủ. Năng lực được ví như một con dao hai lưỡi. Nếu như “năng lực” được một người có phẩm đức nắm giữ thì họ sẽ sáng tạo cho xã hội vô số những điều có giá trị. Trái lại, nếu “năng lực” được một người có phẩm đức kém nắm giữ thì không biết bản thân người ấy và xã hội sẽ đi đến nguy hiểm gì.

Từ ngàn xưa đến nay, không có ai nguyện ý trọng dụng một người có năng lực nhưng khuyết thiếu phẩm đức. Một người mà nhân phẩm không tốt thì cho dù có tài năng lớn bằng trời biển thì họ cũng sẽ mang đến tổn hại cho người khác, cho tổ chức và cho xã hội ở những thời điểm mấu chốt. Hơn nữa, người có năng lực càng lớn thì tổn thất tạo thành cũng sẽ càng lớn. Từ ý nghĩa này mà xét, “nhân phẩm” là “chìa khóa vàng” quyết định sự lớn mạnh của một tổ chức và sự trưởng thành của một cá nhân.

Cổ nhân giảng: Làm người trước, làm việc sau
(Hình minh họa)

Cổ nhân giảng: “Hậu đức tái vật” (Tạm dịch: Đức dày nâng đỡ vạn vật), chính là muốn nói rằng, làm người phải có đức hạnh tốt thì mới có thể chịu tải được vạn sự. Cho nên, một người để làm được việc lớn thì phải có đức dày, người mà không có đức lớn thì không thể thành tựu được đại sự. Cổ nhân cũng giảng: “Chịu thiệt là phúc”, cho nên, chúng ta không cần lúc nào cũng phải tranh giành lợi ích; cần suy nghĩ nhiều cho người khác hơn một chút thì mới có thể thành tựu được sự nghiệp.

Đồng thời, đức dày cũng là phúc. Làm người phải phúc hậu mới có thể được người khác kính trọng và yêu quý. “Thiện lương” là nhân tố mấu chốt của phẩm chất tốt. Làm người phải thường mang trong mình lòng biết ơn, không quá tính toán chi li, có nhiều tình thương, làm nhiều việc thiện, thường xuyên đứng ở góc độ người khác mà suy xét mới có thể có nhiều nhân duyên tốt đẹp và tín danh cho bản thân mình.

Xã hội hiện đại ngày nay, người ta chú ý nhiều hơn đến “năng lực”, có lẽ đàm luận về “nhân phẩm” đã là “lỗi thời” với một số người. Thậm chí có người còn cho rằng, anh ta dù sao cũng có năng lực, có bản lĩnh, “nhân phẩm” kém một chút thì có sao? Nhưng kỳ thực, chặng đường mà một người đi đến thành tựu là lâu dài, hơn nữa còn phải cần sự khẳng định của những người xung quanh. Người mà năng lực lớn đến vô cùng nhưng lại đánh mất mất nhân tính thì người ấy có lẽ cũng chỉ là một “kẻ hủy diệt – Hitler ” mà thôi.

Cho nên, làm người nhất định phải tu dưỡng phẩm đức, có như vậy mới được người đời tôn trọng và mới đứng vững được bằng đôi chân của mình ở trong bất kỳ xã hội nào!


An Hòa

http://trithucvn.net

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/03/2024(Xem: 397)
Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Bát cháo sữa của nàng thôn nữ Sujata tuy giá trị rất nhỏ, nhưng mang lại lợi ích cho nhân loại và quả địa cầu này là rất lớn, vì nhờ đó mà Sa-môn Gautama không chết do kiệt sức trong giai đoạn cần khổ tu hành. Cũng vậy, những giúp đỡ nho nhỏ, từ thiện nho nhỏ, đôi lúc có giá trị lớn & ý nghĩa lớn đối với những mảnh đời khốn khó..
29/02/2024(Xem: 1643)
Một trong những Phúc Lành cao thượng! Bạn biết chăng? May mắn lớn nhất của cuộc đời, chẳng phải nhặt được tiền, cũng không phải trúng số, mà là bạn gặp được những người có thể dẫn bạn đi đến 1 nền tảng cao hơn. Thật ra hạn chế sự phát triển của bạn, không phải là trí thông minh hay học lực, mà là các mối quan hệ trong cuộc sống, mối quan hệ trong công việc.
27/02/2024(Xem: 332)
Kính thưa chư Tôn đức, chư vị thiện tâm và pháp hữu . Dân gian VN ta có câu: ''Lễ lạy quanh năm, không bằng tạo Phúc rằm tháng giêng?'' Vì sao thế? Vì ngày mùng 1 là ngày đầu tháng nhưng đêm lại tối đen; còn ngày Rằm lại có trăng sáng sủa. Trong một năm, ngày rằm đầu tiên là rằm tháng giêng nên người ta mới rủ nhau tạo phúc. Cùng trong ý niệm đó, xin chia sẻ với chư vị thiện pháp Rằm Thượng Nguyên tại quê nhà, qua lời tường trình của Ni Sư Thích nữ Huệ Lạc, thành viên của Hội từ thiện Trái Tim Bồ Đề tại VN!
16/02/2024(Xem: 468)
- Kính thưa chư Tôn đức, chư Thiện hữu & quí vị hảo tâm Năm hết Tết đến rồi, trong tâm tình : ''Sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người vơi bớt khổ'' của người con Phật, vào hôm qua (05 Feb 24) hội từ thiện Trái tim Bồ Đề Đạo Tràng chúng con, chúng tôi đã tiếp tục thiện sự chia sẻ thực phẩm, y phục và tịnh tài cho những mảnh đời bất hạnh, những người dân nghèo khó nơi xứ Phật tại tiểu bang Bihar India. Xin mời quí vị hảo tâm xem qua một vài hình ảnh tường trình..
07/02/2024(Xem: 462)
Tại Bịnh Viện Ung Thư, Phân Khoa Nhi Đồng, Cô Giác Ngọc Phước, trao Tịnh Tài của Cô Dương Thái Phượng, Houston Texas, tận giường bịnh cho các em đang được điều trị tại đây, đóng tiền Hóa & Xạ Trị.
03/02/2024(Xem: 495)
THƯ TÒA SOẠN, trang 2 THIỀN SƯ TRẦN NHÂN TÔNG ĐÃ NHẮC NHỞ GÌ... (HT. Thích Phước An), trang 4 BÊN THỀM CHÂN NHƯ (thơ HT. Thích Thắng Hoan), trang 5 DUYÊN SANH TỨC VÔ SANH (Nguyễn Thế Đăng), trang 6 MỘT THOÁNG TRONG MƠ HIỆN TRỞ VỀ (thơ ĐNT Tín Nghĩa), trang 16
01/02/2024(Xem: 554)
Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. '' Ngào ngạt hương Xuân dẫu tại xứ Người không mất gốc Lung linh ánh lửa dù xa quê cũ chẳng quên nguồn.'' Tết đến, là thời điểm người Việt tha hương thương nhớ quê nhà, tri ân Ông bà quốc tổ nhiều nhất trong năm, và để thể hiện niềm thương nhớ và tri ân đó không gì hơn là những món quà chia sẻ gọi là: '' Của Ít Lòng Nhiều ''..
17/01/2024(Xem: 400)
Thiết nghĩ là Phật Tử chân chánh hoặc người yêu mến đạo Phật, người tham gia buổi lễ Phật Giáo. Lúc chư Tăng Ni bắt đầu thọ trai thì mình cất cái máy quay đi. Bản thân tôi, tôi thấy ăn miếng cơm không yên khi ngồi mà cái máy quay chỉa vào người. Đó là bất lịch sự cái đã chưa nói đến chuyện gì. Riết hồi ngó kỳ cục quá sức. Chúng ta cập nhật hình ảnh buổi lễ cúng dường thì khi kết thúc phần nghi lễ mình cũng đi ra ngoài nhường không gian lại. Nói cho cùng thì lúc đó cũng là buổi ăn cơm trong chánh niệm nhưng cũng khó tránh ….!!
18/12/2023(Xem: 882)
Hiểu thêm về chữ Tu Tu dưỡng hiểu theo một cách giản dị là: Tâm đừng nghĩ bậy, thân đừng làm bậy, miệng đừng nói bậy, người có tu thì lòng phải ngay thẳng. Không lừa mình, dối người, gạt trời cao, có ở một mình cũng phải thận trọng. Ở nơi đông người, phải giữ miệng, khi ở một mình phải phòng tâm. (Đại Sư Hoằng Nhất)
18/12/2023(Xem: 834)
Kính thưa chư Pháp hữu & chư vị Phật tử hảo tâm Được sự thương tưởng của quí vị thiện hữu, chúng tôi vừa thực hiện xong một số giếng cần giục (Well hand-pump) cho những ngôi làng nghèo lân cận khu vực Bồ Đề Đạo Tràng & Nalanda tiểu bang Bihar India. Đây là Public Well Hand-pump nên cả làng có thể xài chung, bớt đi rất nhiều nỗi nhọc nhằn trong mùa hạ vì phải đi lấy nước ngoài sông xa. Kính mời quí vị xem qua một vài hình ảnh tường trình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567