Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hành hương , cuộc hành trình cho bản thân mình

09/02/201423:26(Xem: 5079)
Hành hương , cuộc hành trình cho bản thân mình
hanhhuong24-2 (8)
HÀNH HƯƠNG 
CUỘC HÀNH TRÌNH TRONG CHÍNH BẢN THÂN MÌNH

Huỳnh Ngọc Trảng


1- Theo truyền thống Phật giáo, hành hương là nghi thức thắp hương đi nhiễu chung quanh tháp và điện Phật và cũng chỉ việc thắp hương lễ bái trước tượng Phật, Bồ tát... Đây là cách hiểu nguyên ủy của từ “hành hương”, còn về sau này, nội hàm của “hành hương” mở rộng hơn nhiều, thậm chí đến nay hành hương đôi khi được đánh đồng với du lịch văn hóa, nhất là các tuyến du lịch tham quan các di tích lịch sử tôn giáo - tín ngưỡng.

tuyentapxuan-149-01
Đoàn hành hương lên Yên Tử-Quảng Ninh 

Tính chất nhập nhằng giữa hành hương và du lịch, một mặt gia tăng nội dung cho chuyến đi; nhưng mặt khác, làm giảm - thậm chí làm mất, tính thuần khiết của hành hương. Sự kết hợp nhiều mục đích trong chuyến đi có thể bắt nguồn từ tính nguyên hợp của các dạng thức văn hóa thời nguyên sơ và cũng do thói thường “nhất cử lưỡng tiện” của thế nhân. 

Trong tiếng Anh, từ “hành hương” (pilgrimage/Anglo - French: pilgrimage; Middle English {1100-1500}: Pilgrimage) vừa có nghĩa: 1- “Cuộc hành trình, đặc biệt là chuyến đi dài ngày, đến một địa điểm thiêng liêng nào đó, nhằm mục đích lễ bái; 2- Và cũng có nghĩa “bất kỳ cuộc hành trình dài ngày nào” {Pilgrimage (n): a) a journey, esp. a long one, made to some sacred place as an act of devotion; b) any long journey}. Có phần xác định rõ hơn tính chất thế tục của hành hương trong thời hiện đại, từ điển Oxford Reference English dictionary (1996) định nghĩa hành hương là “chuyến đi nhằm mục đích hoài niệm quá khứ hay tình cảm” (Any journey taken for nostalgic or sensimental reasons).

tuyentapxuan-149-02
Du khách tham quan Đại học Nalanda-Ấn Độ

2- Hành hương, chính vì tích hợp các nội dung mới như vậy nên nó chẳng những không lỗi thời mà còn là hiện tượng thời thượng. Một cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa, nơi họ đã cùng đồng đội chiến đấu gian khổ hay về thăm những ngôi mộ bạn bè đã hy sinh nơi núi cao rừng sâu là một chuyến đi đầy những hoài niệm bi tráng. Những người chiến sĩ về thăm vùng căn cứ xưa, gặp lại những người đã từng nuôi dưỡng, bảo bọc mình trong những tháng ngày đấu tranh gian khổ ấy hẳn không hoàn toàn giống cuộc thăm viếng thông thường vì ngày ấy khác bây giờ: kẻ còn người mất và ký ức về năm tháng hào hùng và bi thương tự nó là cố kết thiêng liêng. 

Một cựu tù trở về thăm nơi mình bị địch giam cầm rõ ràng là chuyến đi vì lý do hoài niệm và giải tỏa tình cảm của chính mình. Hoặc giả không hào hùng hay bi thảm như vậy, chúng ta trở về thăm nơi mình đã từng sống lúc thiếu thời sau chừng ấy lâu xa cách hay trở lại sân ga nơi ta đã chia tay với người yêu cũ, của mối tình đầu cũng là một chuyến đi đáng gọi là cuộc hành hương, bởi đó là chuyến đi trong không gian lẫn trong thời gian và trong chính bản thân mình. 

Nói cách khác, các chuyến đi nhằm mục đích hoài niệm hay tình cảm như vậy, thực ra chỉ được coi là chuyến đi có chút gì giống với hành hương mà thôi. Bởi cuộc hành trình đến các địa điểm đáng nhớ, không mờ phai trong ký ức của mình, như vậy không giống, không lẫn lộn với một chuyến đi nào khác. Những điểm đến đầy ắp kỷ niệm đó là thiêng liêng, nhưng lại rất riêng tư, khác biệt với ký ức của cộng đồng, ở đó, người hành hương không chỉ thủ đắc được sự gia tăng về niềm tin và chất lượng cho cuộc sống tâm linh của mình mà còn tăng cường sợi dây gắn bó, mối quan hệ trung thành của mình và cộng đồng của mình. Cuộc hành hương đích thực như vậy đòi hỏi phải có những yếu tố cấu thành cơ bản nhất định.

tuyentapxuan-149-03
Chiêm bái thánh tích Borobudur-Indonesia

3- Nói chung, là một hành trình tâm linh vì nó luôn khơi dậy trong mỗi người sự tưởng tượng tập thể quanh một địa điểm/di tích thiêng chứa đầy những biểu tượng và dấu vết lịch sử. Trong lịch sử xa xưa, hành hương là một hành trình không giống với bất cứ chuyến đi thông thường nào mà nó được coi là một nghi thức thực hành nghi lễ phổ biến trong hầu hết các tôn giáo và các dạng thức tín ngưỡng của cộng đồng. Ở đó, hành giả có những giờ phút cảm xúc tâm linh mãnh liệt. Chúng ta không có chứng cứ để khẳng định rằng hành hương là tập tục có từ thời tiền sử, song nhờ vào dữ liệu văn tự, chúng ta có được dấu vết những cuộc hành trình thiêng liêng đến những nơi như Nipour và Babylon, rồi đến những cuộc du hành của người Ai Cập hay Hittite. 

Cụ thể là những chuyến hành hương đến Mecca (trung tâm hành hương chính của đạo Hồi, ở Arập Xêút), Jesusalem hay các địa điểm thiêng liên quan đến các kỳ tích của Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni ở xứ Thiên Trúc... Người Tây Tạng xác tín rằng nếu ai hành hương đến Lhasa để lễ bái ở những tự viện và điện Potala thì sẽ được phước lớn, khi chết sẽ được vãng sinh về cõi Cực lạc và trong khi hành hương mà bị chết ở giữa đường thì cũng được phước tái sanh ở tiên cảnh...

Là mục đích tôn giáo - tín ngưỡng, hành hương như vậy là nhằm tạo ra mối liên hệ giữa phàm tục và thế giới linh thiêng, giữa cá nhân hành giả với cộng đồng đồng đạo cùng đi, giữa con người hành hương bằng xương bằng thịt với con người thứ hai của mình - con người được tái sinh qua chuyến đi này đã được thanh tẩy bụi trần và được sự đảm bảo của đấng bảo hộ nhờ vào sự thuần thành của mình. Trong những mối liên hệ này, thì đặc biệt quan trọng là việc hành giả từ kiếp sống trần tục thoát sang thế giới thiêng liêng, đó là những giây phút họ bứt ra khỏi những ràng buộc của cuộc sống đời thường để hòa nhập vào cái thiêng và cùng nhau hướng vào một điểm chung duy nhất của cộng đồng đồng đạo. Nói cách khác, hành hương phải có đủ ba yếu tố: 

1- Một / hay một cụm địa điểm thiêng liêng; 

2- Một cuộc đi bộ thiêng liêng; và 

3- Một mục đích thiêng liêng.

tuyentapxuan-149-04

4- Rất ít tôn giáo hay các tín ngưỡng dân tộc mà hành hương lại thiếu ba yếu tố đó. Tuy nhiên, điều cần lưu ý hành hương là tập tục thường mang tính bột phát và đậm tính quần chúng, chứ không là hoạt động do các tôn giáo liên hệ đứng ra tổ chức như một nghi thức chính thức của việc hành đạo, buộc tín đồ phải thực hành, phải tuân thủ. Trái lại, hành hương bị coi là nguy cơ biến thành mê tín dị đoan, tức là việc sùng bái mù quáng những di vật mà bỏ qua / không chú ý tới các giáo lý / giáo điều được coi là thiêng liêng có tính chất chính thống và được coi là chánh tín. Thậm chí đối với các nhà thần học Thiên Chúa giáo, hành hương bị coi là trở ngại cho sự tiếp xúc với Thánh thần do cách mượn con đường / phương tiện của thế giới tri giác một cách vô ích và không trong sạch. Đó là thái độ của phong trào cải lương đối với cuộc hành hương của đạo Gia Tô hồi thế kỷ XVI.

Còn Phật giáo thì lưỡng lự giữa hai con đường: một là không thật tin vào những di vật hay hình tượng của Đức Phật; và hai là hoài nghi việc các tín đồ, ngay từ khi Phật Thích Ca còn tại thế, đã xin Phật chỉ cho những nơi, những di tích hoặc những dấu hiệu để Phật tử tỏ bày lòng sùng kính khi Phật nhập diệt.

Các tôn giáo cũng thường xảy ra cuộc đối đầu giữa những người thờ tượng và những người phá bỏ tượng. Sự tranh cãi dữ dội giữa ý nghĩa cho rằng hành hương có thể biến thành tệ sùng bái ngẫu tượng hoặc ma quái và việc thừa nhận rằng đây là một nhu cầu luôn luôn có của tín đồ. Trong lịch sử Phật giáo, trong suốt 500 sau khi Phật Thích Ca nhập Niết bàn, giáo luật cấm tạc tượng Phật dưới dạng con người để thờ tự. Việc tạc pho tượng Phật đầu tiên để thờ đã được thực hiện ngay từ lúc Phật còn sống (theo kinh điển ghi lại), nhưng đây là pho tượng trầm hương duy nhất kể từ đó đến đầu Tây lịch - lúc chủ trương “tượng giáo” (dùng hình tượng để giáo hóa) bắt đầu được hình thành và càng ngày càng phát triển đến nỗi nghệ thuật tạo hình Phật tượng đã trở thành một bộ phận quan yếu của mỹ thuật châu Á về cả số lượng lẫn chất lượng nghệ thuật; theo đó, đã hình thành vô vàn những địa điểm hành hương của từng quốc gia và nhiều địa điểm hành hương liên Á.

tuyentapxuan-149-05

Phật tử Tây Tạng hành hương tam bộ nhất bái đến Lhasa

5- Trong lịch sử, Phật giáo chưa hẳn là tôn giáo đã khởi phát hoạt động hành hương, nhưng các tín đồ và tăng lữ của tôn giáo này đã thực hiện những cuộc hành hương vĩ đại nổi tiếng trong lịch sử châu Á. Nghĩa Tịnh, Pháp Hiển, Trần Huyền Trang, Khương Tăng Hội... là những điển hình cho những chuyến hành hương sang Thiên Trúc chiêm bái, học đạo và thỉnh kinh. Các di tích Phật giáo cùng với các Phật học viện ở Ấn Độ đã trở thành những địa điểm hành hương quốc tế đã thu hút nhiều bậc cao tăng, tín đồ từ nhiều quốc gia châu Á hành hương đến từ những năm đầu Tây lịch cho đến bây giờ. Trong lịch sử nước ta có Khương Tăng Hội đã hành hương sang Ấn Độ hồi thế kỷ thứ III (200?-280) và đến thế kỷ XX có nhà sư ăn rau Trần Thiện Quảng (xem Thơ văn Phan Bội Châu, NXB. Văn Học, 1985, tr.145-160; Đường Tăng Việt Nam: Thiện Quảng thiền sư, Báo Mai, 1936, số 5 và số 6) và kế đó là Thiền sư Minh Tịnh ở Thủ Dầu Một đã sang Ấn Độ và Tây Tạng để chiêm bái Phật Tích, thỉnh Xá lợi và đưa Phật giáo Kim Cang thừa Tây Tạng về truyền bá ở Thủ Dầu Một.

Đạo Phật nước ta, theo đà phát triển của nó trong lịch sử, đã tạo nên nhiều tự viện quan trọng và với các hoạt động lễ hội một số nơi đã trở thành địa điểm hành hương nổi tiếng... thu hút các chuyến hành hương lễ bái hàng năm và đã trở thành lễ hội thường niên, trở thành tập quán văn hóa ở xứ ta.

Ngoài các địa điểm hành hương là chùa chiền, di tích Phật giáo thì loại địa điểm hành hương quan trọng hàng đầu của dân tộc ta là các đền, miếu thờ tự các bậc đế vương và anh hùng thời dựng nước (Vua Hùng, Tản Viên, Phù Đổng, An Dương Vương...); kế đó là các lịch đại đế vương, các anh hùng dân tộc, cùng các quan tướng có công với Tổ quốc. Loại địa điểm hành hương thứ ba là các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, mà ở từng xứ, từng vùng hầu như từ Bắc chí Nam đều có: Đền Sòng Sơn, đền Vạn Kiếp, đền Phủ Giày, điện thờ Bà Đen, Miếu Bà Chúa Xứ, tháp Bà Nha Trang, điện Hòn Chén (Huệ Nam điện, Huế) v.v...

6- Nói chung, mỗi loại địa điểm hành hương nêu trên đều có ý nghĩa biểu trưng riêng. Mục đích của người hành hương nhằm đi đến từng loại địa điểm có thể là khác nhau, nhưng tất cả các địa điểm đều có chung đặc điểm là nơi thiêng liêng - hiểu theo nghĩa rộng của tính từ này, và đặc biệt là các địa điểm thực sự được công nhận là địa điểm hành hương khi nó ở một vị trí xa xôi và càng cách trở, gập ghềnh càng hay, để chuyến đi bao hàm được ý nghĩa của một sự chuyển dịch của các hành giả, từ nơi mình sống và hoạt động sang một chiều khác không phải chiều ngang và không phải là mặt đất - cái mà tôi gọi là “hành trình tâm linh”, hiểu là hướng thượng.

Mặt khác, các cuộc hành hương đều dẫn đến một di tích thiêng liêng và cổ kính; ở đó, ngoài chiều rộng của không gian còn phải kể thêm đến chiều thời gian. Rêu phong cổ kính, tàn tích “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương” sẽ đem đến cho hành giả một niềm hoài cổ như bà Huyện Thanh Quan đã từng cảm nhận. Và vượt lên trên các dữ liệu thì địa điểm hành hương được nhiều hành giả say mê luôn luôn ở đó phải có ít nhất là một di vật nhắc nhở về sự kiện sáng lập.

Nói chung, trên đây là những yếu tố cần và đủ của một địa điểm hành hương để hành trình của người hành hương là cuộc đi trong không gian, trong thời gian và trong bản thân mình, là sự hóa thân làm cuộc sống trần tục có ý nghĩa nối kết họ với cái thiêng liêng, cao cả với cái giá trị mà lịch sử - văn hóa đã kết tụ lại. Con đường ấy cũng tạo ra mối quan hệ: nó nối kết những hành giả với nhau trong một khoảnh khắc đặc biệt của cuộc đời mình, làm cho các ý tưởng và các mô hình giao lưu với nhau, liên kết những cá nhân cùng chia sẻ một niềm tin, một hệ giá trị đạo lý và văn hóa. Như vậy là hành hương góp phần hoàn thiện con người, hiểu theo nghĩa là sau cuộc hành hương, người hành giả được tái tạo mới nhờ cuộc du hành đầy tác dụng giáo dục và được thăng tiến nhờ sự bồi bổ tri thức của kết quả “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Cuối cùng, sau cuộc hành hương là thời gian để hồi tưởng và suy gẫm: những ý tưởng mới được xác lập để định hướng cho những hành động và lối sống trong quãng đời còn lại của chính mình

Huỳnh Ngọc Trảng
(giacngo.vn)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/10/2015(Xem: 4905)
Những quốc gia sạch nhất thế giới Theo Business Insider, Mỹ, Canada, Nhật Bản ​, Australia là những nước có bầu không khí trong lành nhất. Ở Đông Nam Á có một đại diện là Brunei.
25/09/2015(Xem: 3853)
Chùa Đá Vàng hay còn gọi là chùa Kyaiktiyo ở Myanmar khiến nhiều du khách lo lắng vì có vẻ sẽ rơi xuống bất cứ lúc nào. Các tín đồ đổ về đây cầu nguyện và dâng lá vàng thật.
25/09/2015(Xem: 4272)
Tôi rất trăn trở cho Phật giáo nước nhà của hiện tại và tương lai. Bao năm nay tôi luôn theo dõi và ủng hộ các trung tâm hoằng pháp lớn của Việt Nam mà nơi làm tốt nhất, lớn nhất, hiệu quả nhất, thay đổi tâm của nhiều người nhất có lẽ là chùa Hoằng Pháp TP HCM. Tôi vẫn nhớ mãi và sẽ chẳng bao giờ quên câu nói của mẹ tôi rằng “Ngay cả các con ở nhà cũng không chăm sóc mẹ tốt như các bạn đồng tu ở đây”. Mẹ tôi bảo “Từ nay, thay vì cho bố mẹ đi nước ngoài, các con cứ cho bố mẹ tham gia khóa tu thì tuyệt vời hơn”.
25/09/2015(Xem: 7565)
Với dân số ước tính khoảng 700.000, Bhutan là một trong những quốc gia cô lập nhất trên thế giới; những ảnh hưởng nước ngoài và ngành du lịch bị nhà nước quản lý để bảo tồn nền văn hoá Phật giáo Tây Tạng truyền thống. Đa số người Bhutan hoặc học tại trường Phật giáo Tây Tạng Drukpa Kagyu hoặc trường Nyingmapa. Ngôn ngữ chính thức là Dzongkha (dịch nghĩa "ngôn ngữ của dzong"). Bhutan thường được miêu tả là nền văn hóa Phật giáo Himalaya truyền thống duy nhất còn sót lại.
12/09/2015(Xem: 5177)
Chùa Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
31/08/2015(Xem: 5561)
Ngôi đại Già lam Phật địa “Niệm Phật tông Tam Bảo Sơn Vô Lượng Thọ Tự” tọa lạc tại 1136 Kamimikusa, Kato, Hyogo Prefecture 673-1472, Nhật Bản. Chùm ảnh một góc tuyệt đẹp của ngôi đại Già lam Niệm Phật tông Vô Lượng Thọ Tự, trân trọng kính mời quý đọc giả vòng quang thưởng lãm:
21/08/2015(Xem: 5746)
Chùa Đa Bảo an vị trên ngọn Núi Cô Tiên, thuộc khóm Đường Đệ, phường Vĩnh Hòa, phía Bắc thành phố Nha Trang, được xây dựng vào năm 1996, do Đại đức Thích Giác Mai trụ trì. Những năm trước đây, vùng núi này đìu hiu quạnh quẽ, đường xá đi lại vô cùng gian nan khăn khó, nên rất ít ai được biết đến một tịnh thất đơn sơ mộc mạc hiện hữu trên ngọn núi cao dốc đứng này..
09/08/2015(Xem: 3708)
Xứ Phật tình quê là tựa đề một tác phẩm gồm hai cuốn sách viết về xứ sở Ấn Độ, nơi quê hương của Đức Phật đã thị hiện tại Cõi Ta Bà này để chỉ dẫn chúng ta con đường thoát khổ.Thế tác giả là ai, có liên quan gì đến chuyến hành hương xứ Phật từ ngày mùng 6 đến 19 tháng 10 năm 2014 của tôi không? Cần gì phải hỏi, đó là hai vị đại đệ tử của Sư phụ tôi có cùng chung một cá tính là thích đốt ngón tay để cúng dường Chư Phật cho mỗi hạnh nguyện. Thoạt nghe tôi đã thất kinh hồn vía cứ tưởng là ẩn dụ trong kinh sách mà thôi, nhưng khi nhìn 3 ngón tay cụt lóng của Thầy Hạnh Nguyện và đến Bồ Đề Đạo Tràng nhìn tận mắt công trình xây dựng Trung Tâm Viên Giác ở đó, tôi mới thấy các lóng tay cúng dường Chư Phật của Thầy Hạnh Nguyện và Hạnh Tấn mới có một giá trị đặc biệt.
31/07/2015(Xem: 19987)
Hành Hương Âu Châu - Dự Lễ Tưởng Niệm Hòa Thượng Minh Tâm & Lễ Khánh Thành Chùa Khánh Anh, Paris, Pháp Quốc Khởi hành: 31/7/2015 Kết thúc: 19/08/2015 Tu Viện Quảng Đức & Công ty Du Lịch Triumph Tours (do Phật tử Tony Thạch làm giám đốc) sẽ tổ chức chuyến tham quan 10 quốc gia thuộc miền Tây Âu Châu, bao gồm: 1. Hà Lan; 2. Đức; 3. Ý; 4.Vatican; 5. Áo; 6. Thụy Sỹ; 7. Luxemburg; 8. Bỉ; 9. Anh; 10. Pháp. Mục đích chính của chuyến đi này là dự lễ Đại Tường Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Minh Tâm (1948-2013) và Dự Lễ Khánh Thành Chùa Khánh Anh, Paris, Pháp Quốc, ngôi chùa VN lớn nhất ở Âu Châu hiện nay, cũng do HT Minh Tâm khai sơn & xây dựng trong 20 năm qua. Đây là một Phật sự quan trọng mà các chùa VN trên toàn thế giới sẽ cùng về tham dự và cầu nguyện. Nhân dịp này TV Quảng Đức sẽ hướng dẫn Phật tử đến tham dự và tham quan các quốc gia lân cận Pháp Quốc.
03/07/2015(Xem: 4591)
Năm 2011, nhân kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo, một Đại Hội Phật Giáo Thế Giới được long trọng tổ chức tại New Delhi, Thủ Đô nước Ấn Độ. Đại Hội quy tụ 3.000 đại biểu đến từ các nước Á, Âu, Mỹ, Úc. Tôi cũng được hân hạnh tham dự Đại Hội trong phái đoàn Úc 36 người, gồm có 2 vị Tăng, 8 vị Ni và 26 Phật tử do Hòa Thượng Thích Quảng Ba, Viện Chủ Tu Viện Vạn Hạnh ở Canberra tổ chức và hướng dẫn. Đoàn hành hương sau khi dự Đại Hội Phật Giáo Thế Giới đã đi viếng các Phật tích quan trọng ở Ấn Độ, Népal và Bhutan. Chuyến hành hương kéo dài 22 ngày. Nay tôi xin kể lại tóm tắt cho bà con, thân hữu nghe chơi cho vui về những Phật tích mà Đoàn chúng tôi đã đến viếng, dẫu biết rằng từ trước tới nay đã có rất nhiều sách báo tường thuật những cuộc hành hương trên đất nước Ấn Độ huyền bí với đầy đủ chi tiết và nhiều sử liệu quý báu.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567