Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quý sư Tây Tạng tạo đồ hình Mạn-đà-la bằng cát

16/02/201115:25(Xem: 4200)
Quý sư Tây Tạng tạo đồ hình Mạn-đà-la bằng cát

BÓNG TRÚC BÊN THỀM
Tâm Chơn

Quý sư Tây Tạng tạo đồ hình Mạn-đà-la bằng cát

Trong chuyến hoằng pháp tại Mỹ vào trung tuần tháng 08 vừa qua (2008) của Tăng đoàn Tu viện Dzongkar Choede, một tu viện cổ Tây Tạng thuộc miền Nam Ấn Độ, chúng tôi có dịp được nhìn tường tận quý sư Tây Tạng kiến tạo đồ hình Mạn-đà-la bằng cát.

Mạn-đà-la là một hình vẽ mang tính nghệ thuật và tâm linh tôn giáo sâu sắc. Nơi đó có sự hợp nhất giữa thế giới bản thể và thế giới hiện tượng, giữa tâm thức và vũ trụ. Trong ý nghĩa thực tiễn, Mạn-đà-la còn là một đàn tràng để hành giả cúng dường, cầu nguyện và tu tập thiền quán.

Mạn-đà-la là phiên âm từ chữ Phạn Mandala, có nghĩa là vòng tròn, vòng cung. Trung Hoa dịch là luân viên cụ túc, nghĩa là vòng tròn đầy đủ. Đây là một biểu tượng của sự biến hiện nơi tâm thức của ta mà cũng là biểu thị một vũ trụ thu nhỏ qua cái nhìn của bậc giác ngộ.

Theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng, có nhiều loại Mạn-đà-la như Mạn-đà-la bằng cát màu hay bột đá quý màu, Mạn-đà-la bằng tranh vẽ, Mạn-đà-la bằng vật thể ba chiều, thường là kim loại hoặc gỗ và Mạn-đà-la tập trung tinh thần qua sự thiền định. Và chỉ có Mạn-đà-la được làm bằng cát màu là nổi tiếng và phổ biến nhất.

Từ những hạt cát mịn như bột gồm đủ các loại màu, qua đôi tay mềm mại và đặc biệt là dùng một tâm chuyên nhất, các vị sư Tây Tạng đã tạo nên một bức tranh cát tuyệt vời có một không hai. Nếu không một lần chứng kiến, hẳn chúng ta cũng không ngờ rằng bức tranh Mạn-đa-la cát đó chỉ được làm với một công cụ rất thô sơ.

Đó là hai thanh sắt tròn, bộng, có một đầu nhọn theo kiểu hình phễu. Phía bên ngoài gần phần đầu nhọn là những khía vòng tròn đều nhau. Một cái dùng đựng cát, một cái đặt sát phía trên để khi làm thì cà tới cà lui chỗ các khía này tạo một sự rung động nhỏ cho cát chảy xuống mà không bị tắt nghẽn. Nhịp nhàng, thư thả, từ điểm giữa vòng tròn, các sư đã đưa những hạt cát màu rất mịn từ trong lòng ống sắt chảy qua đầu nhọn để tạo nên bức tranh tâm thức bằng cát đầy tính nghệ thuật và sáng tạo.

Từ một điểm nơi tâm, các đường vẽ sẽ được mở rộng ra ngoài một cách trình tự. Trong quá trình kiến tạo, các sư (thường là 4 vị ngồi 4 hướng) phải luôn đối mặt với tâm của Mạn-đà-la. Không vội vàng, không hối hả, từ từ, đều đặn trong nhiều ngày làm việc cùng nhau, các vị sư Tây Tạng vừa thực hiện Mạn-đà-la mà cũng vừa giữ tâm ở trạng thái thiền định.

Với đồ hình Mạn-đà-la Quán Thế Âm bằng cát này thì quý sư đã thực hiện liên tục trong năm ngày. Tuy nhiên, cũng tùy kích cỡ lớn nhỏ của đồ hình Mạn-đà-la mà thời gian hoàn tất có khác nhau. Có những đồ hình Mạn-đà-la phải làm suốt trong nhiều tuần lễ mới xong.

Theo lời giảng của sư Jampa Sopa, vị trưởng đoàn, thì Mạn-đà-la là nơi cư trú của các vị Phật và Bồ Tát mà hơn 2500 năm về trước, Đức Phật Thích Ca đã giới thiệu trong giáo pháp của ngài qua hình thức mật chú.

Cũng theo lời Sư thì có nhiều Mạn-đà-la như Mạn-đà-la A-di-đà, Mạn-đà-la Dược Sư, Mạn-đà-la Quán Thế Âm… Tuy tên gọi, màu sắc đặc trưng từng phần và hình thể vuông tròn có khác nhau, nhưng nội dung Mạn-đà-la thì đều giống nhau là y cứ vào kinh Phật để diễn đạt. Nếu Phật tử chiêm bái Mạn-đà-la thì sẽ có nhiều phước lành.

Điều này cũng không có gì huyền bí. Vì tự thân mỗi hạt cát đã được chế tác từ tâm chánh niệm nên toàn thể Mạn-đà-la còn là biểu hiện của một kho chứa năng lực tinh thần. Ngoài niềm tin, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra một nguồn năng lượng ẩn chứa trong những hạt cát qua những đường nét hoa văn tuyệt hảo biểu thị cảnh giới chư Phật, chư Bồ-tát bằng hình ảnh cách điệu cỏ cây, chim thú, hoặc các ký hiệu, các câu thần chú bằng chữ Phạn trong đồ hình Mạn-đà-la.

Mặt khác, Mạn-đà-la cũng là đối tượng để chúng ta thực tập quán tưởng. Quán tưởng vũ trụ, quán tưởng tâm mình, soi lại chính mình để nhận ra được tánh Không của vạn pháp. Và khi chúng ta thật sự thành tâm trong lúc chiêm bái hình ảnh biểu tượng của các đức Phật trên Mạn-đà-la thì có nghĩa là ngay giây phút đó chúng ta đang sống được với tâm Không. Mà đem cái tâm Không để lễ bái thì sự cảm ứng quả là không thể nghĩ bàn.

Cũng như khi ta đảnh lễ một tượng Phật bằng xi-măng thì phải hiểu rằng lúc đó, không những ta đang tiếp xúc với năng lực giác ngộ ẩn chứa nơi bức tượng mà còn là tiếp xúc với bản chất giác ngộ sẵn có nơi chính mình. Có như vậy thì phước lành mới phát sinh trọn vẹn và công đức mới tăng trưởng đầy đủ.

Việc tạo dựng Mạn-đà-la cũng thế! Mỗi người phải làm trong chánh niệm. Tức là phải có một sự tập trung tinh thần rất cao và sự kết hợp hài hòa không kém phần công phu của một nhóm người trong nhiều ngày liên tục. Và khi tâm ý được tập trung chuyên nhất vào một chỗ thì cũng có nghĩa là đã tác động vào đó một nguồn năng lực tâm linh rất lớn qua những nét vẽ bằng cát. Do đó, việc kiến tạo Mạn-đà-la cũng là một phương pháp tu tập thiền định.

Được biết, theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng thì quý sư đều phải học qua cách dựng Mạn-đà-la như là một phương tiện rèn luyện tâm thức, tinh lọc tâm ý. Nếu có vị sư nào muốn chuyên về việc kiến tạo Mạn-đà-la thì phải học thêm nhiều hơn nữa về nghệ thuật và triết học trong một thời gian dài.

Thế nhưng, sau khi Mạn-đà-la cát được làm xong thì phải hủy bỏ, ngoại trừ các Mạn-đa-la được dùng làm đối tượng quán tưởng như các loại bằng tranh vẽ.

Mạn-đà-la sẽ được hủy bỏ bằng cách trộn đều các loại cát màu lại với nhau, rồi đem ra sông, biển gần đó hoặc phân phát cho những người chiêm bái, với ý nghĩa là chia đều công đức để tất cả cùng lợi lạc. Quan trọng hơn hết của sự hủy bỏ là để cho chúng ta thấy được tính chất vô thường của muôn sự muôn vật trên thế gian này. Ngay cả công trình kiến tạo Mạn-đà-la công phu và cần mẫn này cũng chỉ là việc làm vô thường.

Tất nhiên, trước khi hủy bỏ Mạn-đà-la phải có một nghi thức tụng kinh, niệm chú với nhạc lễ trang nghiêm cúng dường lên đức Phật và hồi hướng cầu nguyện phước lành cho tất cả chúng sanh.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 6563)
Chùa Trúc Lâm ở về phía tây nam cách thành phố Huế khoảng 5km, tọa lạc trên đỉnh đồi Dương Xuân Thượng thuộc làng Thuận Hòa, xã Thủy Xuân, huyện Hương Thủy.
09/04/2013(Xem: 7267)
Núi Túy Vân nằm phía nam kinh thành Huế khoảng hơn 40 Km, có thể đến Túy Vân theo hướng quốc lộ I qua cầu Trừng Hà, cũng có thể đi theo ven bờ biễn hướng Thuận An Hòa Duân Vinh Hiền hay qua phà ở Đá Bạc.
09/04/2013(Xem: 5009)
Chùa Mía nằm ở thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội 40km về phía Tây Bắc. Chùa Mía có hiệu là “Sùng Nghiêm Tự”, nằm trên quả đồi giữa làng Ðông Sàng (xã Ðường Lâm).
09/04/2013(Xem: 5815)
Cách Hà Nội khoảng 40km, về phía Tây Bắc, xuôi theo đường cao tốc là một chuỗi đô thị Sơn Tây, Hòa Lạc, Miếu Môn, Xuân Mai có một quần thể các di tích, cảnh quan đa dạng, phong phú và thơ mộng thuộc tỉnh Hà Tây.
09/04/2013(Xem: 4969)
Lưng tựa núi Trường Úc, mặt hướng về dãy Trường Sơn, Tổ Ðình Sơn Long từ bao đời nay tồn tại oai nghiêm, cổ kính như một chứng nhân lịch sử phát triển Phật giáo Bình Ðịnh.
09/04/2013(Xem: 5149)
Những người tiền sử sống bằng nghề săn bắt thời Đồ đá cũ thường tìm nơi ẩn náu trong những hang động tự nhiên để tránh thời tiết xấu và các hiểm họa tấn công do thú dữ hay con người.
09/04/2013(Xem: 8617)
Tổ Ðình Linh Sơn Pháp Bảo tọa lạc tại thôn Phú Nông, xã Vĩnh Ngọc, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 3km, trong phong quang tươi nhuận, tĩnh mịch giữa vườn cây ăn quả xanh mát cùng một hàng tre che nắng bốn mùa, âu cũng là bức bình phong che chắn ngọn gió dung tục đời thường, tạo dáng cảnh thiền môn thanh tịnh.
09/04/2013(Xem: 4369)
Cái tên Yên Tử bắt nguồn từ tên chùa Ông Yên hay Yên Tự (Yên là tên gọi tắt của đạo sĩ Yên Kỳ Sinh, người đã đến tu hành và đắc đạo ở đây vào thế kỷ X).
09/04/2013(Xem: 5776)
Năm ngoái khi ghé thăm nhà nuôi trẻ em nghèo của vợ chồng anh Trần Quang Lãm ở trên đường Ngũ Tây Xã Thủy An gần chùa Thuyền Tôn, tôi nói với anh là tôi muốn ghé lại thăm ngôi chùa nỗi tiếng này, anh Lãm liền tặng tôi một cuốn tiểu sử thiền sư Liễu Quán và dặn là tôi nên ghé lại thăm ngôi bảo tháp của ngài.
09/04/2013(Xem: 6405)
Chúng tôi đi với hai mục đích chính: Thay mặt toàn thể Phật tử Việt Nam chiêm bái các Phật tích và viết một quyển ký sự để giới thiệu các Phật tích cho Phật Tử Việt Nam được biết.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567