Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhật ký chuyến hành hương.

21/06/201317:24(Xem: 4353)
Nhật ký chuyến hành hương.

bandroll2

Nhật Ký Hành Hương Ấn Độ - Đài Loan

Thiện Thành Như Hoàng, Tâm Quảng, Trí Viên (ghi nhanh)

Chủ nhật: 20-10-2008, Melbourne.

Chủ nhật ngày 20 tháng 10 năm 2008 sau khi tham dự buổi lễ bế mạc chiêm bái Xá Lợi tại Tu viện Quảng Đức, Melbourne. Đại Đức Thích Nguyên Tạng, trưởng phái đoàn chuyến hành hương Ấn Độ và Đài Loan, đã tập họp các Phật tử trong chuyến đi để nhận vé máy bay và nghe lời căn dặn cần thiết. Đây là chuyến hành hương Ấn Độ lần thứ 2 của Tu viện nên việc tổ chức khá chu đáo, Thầy đã hướng dẫn, và cho biết đầy đủ địa chỉ khách sạn, số điện thoại liên lạc trong suốt cuộc hành trình, nhằm khi Phật tử lạc đường”, hoặc người nhà cần liên lạc thân nhân trong trường hợp khẩn cấp. Chị Nguyên Như và anh Tony Thạch chia sẽ kinh nghiệm qua những chuyến hành hương trước, được biết lần này có nhiều Phật tử từ các quốc gia khác cùng tham dự, tất cả cùng phát tâm trường chay trong suốt cuộc hành trình, chúng tôi bảo nhau đúng là con nhà Phật bốn phương nơi đâu cũng đều có duyên gặp gỡ, và nhất là gặp nhau trên xứ Phật. Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo độ trì cho mọi việc thuận duyên, để các người con Phật từ tứ phương được trở về cội nguồn, được viếng thăm quê hương của Đức Từ Phụ Thích Ca, được đến những nơi Thánh Tích lịch sử, đoàn sẽ lên đường vào ngày thứ hai 3-11-2008.

Thứ hai, 3-11-2008:Melbourne-Sydney.

Như đã định trước, 11 giờ trưa ngày 3-11-2008, 26 thành viên trong đoàn thuộc nhóm Melbourne, đã có mặt tại phi trường quốc tế Melbourne, đoàn check in hãng máy bay nội địa Jetstar để bay lên Sydney, tiểu bang New South Wales, cách Melbourne độ 800 cây số hướng Đông-Bắc, hơn một giờ đường bay.

Phi trường Melbourne hôm nay thật đông, khách tứ phía đổ về, vì hiện nay là thời gian lễhội mùa Xuân, đây là mùa chưng diện, triển lãm thời trang cho phái nữ, và mùa cá ngựa cho phái nam, …. Melbourne được xếp hạng là một trong những thành phố lý tưởngtrên thế giới, dựa trên các phương diện: an ninh, đa văn hóa, môi trường, an sinh xã hội,…, nên hầu hết các giải thể thao, sinh hoạt quốc tế của nước Úc đều tập trung tại đây, như quần vợt (Australian Open), đua xe hơi (FormulaOne GrandPrix), cá ngựa (Melbourne Cup), Đá banh Cà Na (Australian Grand Final-AFL) International garden and flower show, …. Người dân Úc quan niệm rằng có làm việc thì có thụ hưởng, và họ cũng rất ưa chuộng thể thao.

Nhìn mọi người xôn xao, bàn tán, đắm chìm trong đề tài ăn thua cá ngựa, để rồi người thắng các màn cá độ thì hớn hở, vui tươi, còn người thua thì âu sầu, đau khổ. Trong khi đoàn hành hương chúng tôi lại chọn con đường trau dồi tâm linh, trở về nơi xứ Phật xa xôi, nghèo khổ, tôi chợt nhớ đến câu thơ của Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ.
Người khôn, người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến gốc cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao…”

Như những chuyến hành hương truớc, lần này Thượng Tọa Thích Tâm Phương cũng ra tận phi trường, dặn dò và chúc đoàn thượng lộ bình an trên đường về xứ Phật, Thầy cũng không quên tặng cho mỗi Phật tử chút quà, mang đậm tình Thầy trò. Đoàn chụp hình lưu niệm, chào Thầy rồi lên đường vào khu hải quan quốc tế.

Đoàn đến phi trường Sydney khoảng 3:00 giờ chiều, đến nơi Anh Tony Thạch và anh Quảng Hội chào mừng đoàn, máy bay đáp trễnên hai anh phảichờ đoàn khálâu. Anh Quảng Hội trước đây đã từng đi hành hương Ấn Độ, Trung Quốc do Tu viện Quảng Đức tổ chức vào năm 2006,2007. Đoàn lên xe bus và được đi thăm quang cảnh thành phố Sydney, thăm nhà hát con Sò (Sydney Opera House), do kiến trúc sư người Đan MạchJorn Utzon thiết kế, nhà hát hoàn thành vào năm 1973, khi đoàn hoàn mãnchuyến hành hương trở về đến Úc thìhay tin ông vừa qua đời vì bệnh tim. Du khách viếng thăm Sydney thì không thể nào quên ghé lại đây, hiện nay The Opera House được nằm trong danh sách văn hoá UNESCO.

Xe Bus chạy ngang quatrung tâm thương mại Pitt Street, và các địa điểm thi đua Thế Vận HộiSydney năm 2000. Tuy cách Melbourne không xa, nhưng nếp sinh hoạt tại Sydney rất khác biệt, ngoài khí hậu quanh năm ấm áp hơn, nếp sinh hoạt cao hơn, thành phố bận rộn đông người, nhiều công viên, cây cối, vườn hoa xanh tươi, hai bên đường trồng Phượng tím rất đẹp, xe cộ di chuyển khó khăn trong giờ cao điểm.

Trong xe bus đoàn rất vui, nhận thấy mình thật diễm phúc khi nghe anh Tony cho biết thêm về những phương tiện di chuyển tương đối khá hơn hiện nay tại Ấn Độ, vì ngày nay quốc gia Nhật bản, Trung quốc và Triều tiên đã cho sửa lại các tuyến đường đến các Thánh Tích tại Bắc Ấn, nên việc di chuyển tương đối dễ hơn so với những năm cuối thậpniên 80. Thời bấy giờ, phương tiện di chuyển chính làxe lửa và xe đò nên rất khó khăn, hổn độn, thêm vào đó đường xá lại quánhiều ổ gà, cho nên có những thánh tích chỉ cách nhau khoảng 30 km, mà phảingồi xe bus đến hơn 10 tiếng đồng hồ.

6:00 chiều đoàn về Bankstown, một trong những nơi đông người Việt cư ngụ, dùng cơm tối tại nhà hàng Đại Đường, hôm nay nhà hàng cho đoàn dùng bữa cơm chay bảy món khá ngon, gồm có rau cải xào, soup, mì xào, cơm chiên, tráng miệng, ….

Đây là buổi cơm đầu tiên phái đoàn Úc châu dùng chung với nhau, Đại Đức Thích Nguyên Tạng đến thăm hỏi sức khỏe từng bàn, 7:00 tối đoàn về nghỉ đêm tại khách sạn Sunny Brook, vùng Warrick Farm.
(xem hình).

Ngày 1.

Thứ ba, 4-11-2008: Sydney-Brisbane-Đài Loan.

Đoàn thức chúng lúc 4:00 giờ sáng, dùng điểmtâm trên xe, 4:40 sáng lên xe bus để ra phi trường quốc tế Sydney, và đón thêm bảy Phật tử ở Sydney để cùng đáp chuyến bay đi Brisbane, tiểu bang Queensland. Đoàn đến nơi khoảng 7:30 sáng giờ địaphương, sau đó đi xe lửa 5 phútđể sang phi trường quốc tế, dạo này vì vấn đề an ninh, nên tại các phi trường quốc tế, nhân viên hải quan làm việc, kiểm soát rất nghiêm ngặt, đoàn xếp hàng chờ đợi rất lâu. Để cho việc di chuyển, và kiểm soát người thất lạc cho nhanh chóng, nên đoàn chia ra mỗi nhóm bốn người để trông chừng nhau, đây là cách làm việc rất hữuhiệu.

Mới sáng sớm nhưng trời khá ấm, tiểu bang Queensland, khí hậu gần như nhiệt đới nắng ấm như Việt Nam, nên thích hợp cho người lớn tuổi. Tại phi trường này, đoàn đã đón thêm hai Phật tử đến tuù Melbourne, đó là anh chị Huệ Hằng-Minh Chiếu, vậy là phái đoàn Úc đã có mặt đầy đủ 33 thành viên trước giờ bay đi Đài Loan.

Đúng 11:00 trưa đoàn lên máy bay China Airlines để bay sang Đài Loan, máy bay còn dư nhiều chỗtrống, nên nhiều hành khách có được thêm ghế để nghỉ lưng. Các tiếp viên dọn thức ăn cho những người khách ăn chay trước, các món ăn chay nấu theo kiểu Trung Hoa, nên hành khách người Việt như phái đoàn này ăn được dễ dàng. Hành khách trên tuyến đường này đượcdùng hai buổi ăn chính trên máy bay và có thể xem phim, nghe nhạc đủ thể loại từ classic đến nhạc tân thời đang nổi tiếng tại Trung Hoa, hoặc xem movies , BBC-news, …, nói chung chuyến bay này của đảo quốc Đài Loan
khá thoải mái.

Chuyến đi lần này có hai phật tử Thiện Hưng và Nguyên Nhật Khánh rất nhanh nhẹn, sốt sắng làm việc rất khoa học cùng lo phụ Thầy trưởng đoàn và anh Tony trong công việc hành chánh, kiểm soát người, nên mọi việc giải quyết mau lẹ. Trước ngày hành hương đoàn chúng tôi rất lo lắng vì biết Thầy không khoẻ, thế nên hôm qua gặp Thầy tại phi trường đoàn chúng tôi rất hoan hỉ, vì biết mặc dầu Thầy vừa hết cảm lạnh, công việc lại đa đoan vì Tu Việnđang khởi công xây ngôi Tháp Tứ Ân, nhưng Thầy vẫn rất chu đáo, chuẩn bị, lo cho chuyến hành hương được chu tất trước ngày lên đường.

Đoàn đến phi trường Đài Bắc lúc 6:00 giờ chiều, giờ địa phương, có nhiều Phật tử khá mệt sau chuyến bay dài gần mười tiếng đồng hồ, thật là cảm động khi được Phật tử Hồng Hạnh, Chân Mỹ Lương, Diệu Thiện hết lòng săn sóc. Trong khi Phật tử Thiện Hưng, Nguyên Nhật Khánh lo giúp đoàn nhận diện hàng hóa.

Ra khỏi phi trường đoàn lên xe bus và sang khu vực kế bên, để đón 5 thành viên khác đến từ Sàigon, đó là Sư Cô Diệu Trang, Sư Cô Tâm Vân, Thân Mẫu của Thầy là Cụ bà Tâm Thái, và hai Phật tử Diệu An, cDiệu Lan(mẹ của Giác Hóa từ Sydney). Đoàn cũng đón hai Phật tử đến Đài Bắc từ tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ là Helen Quảng Tuệ Nguyện và Diamond Diệu Nhẫn, hai vị này đã phải đáp chuyến bay trực tiếp từ Maryland-New York đến thẳng Đài Bắc để nhập đoàn.

Thầy chào mừng phái đoàn, trong không khí thật cảm động vì đại gia đình phật tử Quảng Đức sau hàng ngàn cây số nay đoàn tụ tại Đài Bắc, để cùng nhau về đất Phật. Sau nhiều năm không gặp Sư Cô Tâm Vân, Cô vẫn không thay đổi, vui vẻ thăm hỏi Phật tử.

Anh Tony đưa đoàn đi ăn tối, tại nhà hàng City Suites, hôm nay đoàn được dùng buổi cơm chay thật ngon, gồm 15 món, cải xào, mì xào, đậu hủ chưng, nấm kho mặn, …, nấu theo cách địa phương, Phật tử Chân Mỹ Lương, Diệu Thiện, ngồi chung bàn “báo động”, hình như có mùi chi “thumthủm”, sau đó, được anh Tony cho biết đó là món “Tàu hủ thúi”, đây là một trong những món ăn truyền thống rất đặc biệt của người Đài Loan. 8:00 tối đoàn nghỉ đêm tại khách sạn Hoa Liên, anh Tony quảng cáo món bánh ú đặc biệt và ổi của Đài Loan mà sáng mai đoàn sẽ có dịp thưởng thức. Một số Phật tử đi shopping gần đó, như những quốc gia Á Châu khác, ở Đài Loan các cửa tiệm hàng bán thực phẩm, tạp hóa, quán ăn mở cửa đến khuya. (xem hình)

Ngày 2:

Thứ Tư, 5-11-2008: Taiwan-Delhi-Ấn Độ

Đoàn thức chúng 4 giờ sáng, 5 giờ lên đường. Như đã hứa ngày hôm qua, sáng sớm hôm nay anh Tony phát cho mỗi người hai bánh ú và một trái ổi Đài Loan rất ngon miệng. Như thường lệ, trên trường đi, Thầy trưởng đoàn, chào hỏi và căn dặn những điều cần thiết cho ngàyhôm nay. Dọc đường vào phi trường Đài Bắc, hai bên trồng thông, tỉa theo dạng Bonsai, rất mỹ thuật mang đặc thù nét Á Đông. Sáng sớm nhưng phi trường cũng đã đông khách du lịch đổ về.

Tại phi trường, phái đoàn đãđón 60 thành viên khác đến từ phi trường quốc tế Los Angeles, hỏi thăm quý Phật tử cho biết là rất mệt sau những giờ bay dài, nhưng lại rất vui, vì gặp những người bạn đồng hành.

Trong khi chờ đợi để check in, khi điểm danh đầy đủ 98 thành viên của đoàn Thầy trưởng phái đoàn phát cho phật tử mỗi người một tập kinh tụng hành hương, bản đồ lộ trình chiêm bái, 1 túi đeo đựng áo tràng, chúng tôi thấy trên túi đãycó ghi hàng chữ “Hành Hương Chiêm Bái Phật Tích Ấn Độ 2008”, tất cả đều vui mừng hoan hỷ khi nhận được món quà kỷ niệm ngay ngày đầu tiên trong chuyến đi. Khi máy bay sắp cất cánh, Thầy Trưởng Đoàn và anh Tony phát hiện đoàn thiếu mất một thành viên, đó là chú Tâm Quảng, đến từ Vancouver, Canada. Hãng máy bay cho biết trên chuyến bay đến Đài Loan sáng sớm nay không có tên của chú, họ không cho biết lý do tại sao, nhưng đã hết giờ phái đoàn đành phải lên máy bay. Khi đến Ấn Độ vào ngày hôm sau phái đoàn mới biết là chú Tâm Quảng đã bị trể máy bay và chú đã nhanh chóng đuổi kịp theo phái đoàn sau 3 ngày khi đoàn đặt chân đến Bồ Đề Đạo Tràng, dù chú bị mất cơ hội chiêm bái Phật tích Vườn Lộc Uyển.

10:00 sáng đoàn đáp hãng máy bay Airlines China để đến thủ đô Delhi, đoàn check in theo từng quốc gia, Úc rồi đến Hoa kỳ, máy bay hôm nay đầykhách, ngoài đoàn ra, một ít người Đài Loan, còn lại là người Ấn Độ. Các cô tiếp viên khá vui vẻ, hôm nay đoàn bắtđầu “thưởng thức mùi cari” trên máy bay. Máy bay bay rất êm, dường như không nghe một tiếng động nào, làm cho hành khách cảm thấy an lạc và tự tin như đang ở trên mặt đất. Thầy Trưởng Đoàn bảo máy bay hôm nay không bị dằn và rung chuyển như thường thấy ở các chuyến bay khác, là nhờ chuyến bay này tất cả đều ăn chay, nhờ công đức ăn chay nên được kết quả không phải sợ hải khi đi máy bay. Thầy cũng cho hay, ở Ấn Độ người ăn chay trường đã chiếm trên 60 phần trăm dân số, nên đoàn hành hương Phật giáo không phải lo lắng nhiều về thức ăn khi về thăm quê hương của Đức Từ Phụ Thích Ca.

Máy bay đáp xuống phi trường Delhi lúc 1:00 trưa, cùng lúc ấy có nhiều chuyến máy bay khác cùng đáp nên phi trường có rất nhiều người, quang cảnhhổn độn . Khi đoàn lấy xong hành lý làgần 3:00 trưa vì người Ấn làm việc rất chậm chập trong vấn đề hành chánh và đoàn khá đông nên việc nhận hàng hoá tốn khá nhiều thời gian. Bên ngoài các anh tour guide Ấn Độ đã chờ đoàn khá lâu, họ nói tiếng Anh rất khá, bước ra ngoài không khí oai bức, có mùi chi đâu đây hănghắc. Như đãxếpđặttrước, đoàn chia ra làm banhóm cho ba xe bus, trên đường về khách sạn nhìn quang cảnhchung quanh, mọi sinh hoạt hoàn toàn khác với nếp sống ở các nước tân tiến Tây Phương,... đường xá đông đúc, các bức tường gạch màu đỏ đóng đầy bụi rất kỷ, xe cộ bóp kèn inh ỏi, không trật tự, chúng tôi có cảm tuởng như đang sống ngược giòng thời gian hơn 40 năm, đây là thủ đô New Delhi mà đời sống đã như vậy,thì những nơi khác sẽ ra sao? Tuy nhiên đoàn rất hoan hỉ, vì sau ba ngày dài di chuyển, đoàn mới đặt chân trên xứ Phật

Đoàn về khách sạn Centur, là một trong những khách sạn 5 sao lớn nhất ở thủ đô Delhi, có 400 phòng, cách phi trường khoảng 15 phút lái xe, đoàn nhận phòng và dùng tối lúc 6:00 tối, các món ăn tại đây nấu theo dạng buffet, “All you can eat”, đây là buổi cơm chung đầu tiên của đoàn. Sau khi dùng tối , Thầy Trưởng Đoàn chào mừng, giới thiệu hai Sư Cô Tâm Vân, Diệu trang, Phật tử, và các thành viên trong ban tổ chức phụ tá Thầy. Thầy cũng căn dặn những điều cần thiết hay tránh phải làm trên nước Ấn Độ, Thầy bảo hãy xem chuyến đi này không là chuyến đi du lịch mà là một khóa tu, mọi thành viên của đoàn nên tự ý thức, chánh niệm tỉnh giác, giữ tâm thanh tịnh niệm Phật. Đoàn đông người, nếu không biết tu, không biết hoan hỷ, nhường nhịn nhau, sẽ rất dễ dàng gây ra phiền não khổ đau cho mình và cho người khác. Để cho việc kiểm soát người dễ dàng, Thầy đã chia ra nhiều nhóm, mỗi nhóm có bốn người, một người làm trưởng nhóm. Sau đó phái đoàn đã gom tịnh tài lại với nhau để cúng dường những Phật tích, tự viện, cũng như bố thí cho người nghèo tại Ấn Độ mà đoàn sẽ đến thăm trong những ngày sắp đến.

Đoàn về phòng nghỉ lúc 8:00 tối, chuẩn bị sáng ngày hôm sau đoàn sẽ về lại phi trường Delhi để đáp máy bay nội địa sang thành phố Varanasi. (xem hình)

Ngày 3:

Thứ Năm, 6-11-2008: Delhi-Varanasi.

Đoàn đã theo thời khóa biểu5-6-7 tức là thức chúng lúc 5g sáng, dùngđiểm tâm lúc 6g tại khách sạn, sau đó 7g lên xe busgồm ba chiếc để thamquang thủ đô Tân Đề Li, từ khách sạn ra thủ đô có nhiều công trình đường xá đang xây cất, anh tour guide cho biết, chính quyền Ấn Độ đang kiến thiết xây thêm các trạm xe lửa từ phi trường ra phố. Trên đường đi có những chiếcxe gắn máy chở từ hai đến bốn người, xe đò thì đông khách chở người đi làm và học sinh đứng chen chúc với nhau, chúng tôi không thấy một đường lanes phân biệt nào, hầu như không có luật lệ chánh thức, luật ai người ấy giữ.

Đoàn thamquang India Gate hay còn được gọi là Khải hoàn môn của Ấn Độ, sau đó thăm bức tường tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến giữa Ấn Độ và Anh quốc, kế đến thăm nơi hỏa thiêu Thánh Gandi cònđược gọi là vị cha già dân tộc, rồi thăm chùa hoa sen, hoa sen tượng trưng chi sự hoà đồng, nơi đây có hội trường chứa hơn 3000 người, để tham thiền tôn giáo riêng của mình, khi đoàn đến đâygặp rất nhiều người địa phương, học sinh đến thăm chùa. Hôm nay đoàn có dịp để quan sát hơn lối sinh hoạt của người bản xứ, họ bán hàng dọc theo hai ven đường từ đậu phọng, posters, bánh chiên, trái cây. Người nghèo xin ăn xin ở đâu cũng có, trẻ em ở tại các nước tân tiến giờ này đang ngồi trong lớp học, không như các em đang xin ăn, hay theo chạy theo du khách năn nỉ để bán những posters, bánh trái, …. Bên cạnh các cơ sở, cổng trường là các mái nhà dựng đơn sơ dọc theo lề đường, đó là căn nhà trú ẩn cho cả gia đình đang trong tình trạng suy đồi, nước cống sình mùihôi thúi bay nồng nặc, bầu trời đục mầu bụi, rác rưởi bên cạnh những sạp bán hàng, hình như người dân tại đây đã quá quen thuộc với những hoàn cảnh này, cách sinh họat hiện nay đã là thói quen ăn sâu vào trongđời sống của họtự thuởnào,nếu có lạ thì chỉ lạvới du khách khi viếng thăm nơi đây.

Nghe đạo hữu Quảng Tuệ Tâm (Melbourne) tâm sự, nhìn cảnh sinh hoạt của người dân tại đây, chị rất đau lòng, cầu mong chính quyền sẽ có cách cải thiện cho đời sống người dân bớt khổ cực, nhất là các trẻ thơ, mong cho chúng được cấp sách đến trường. Chị cũng cho biết, trong dịp tết vừa qua, chị theo phái đoàn hành hương đến thăm Tu Viện Quảng Đức, được Thầy Nguyên Tạng giới thiệu về chuyến hành hương Ấn Độ lần này, và chị đã phát tâm thamgia, chị nghĩ đây là một quyết định rất sáng suốt và rất có ý nghĩa trong đời mình, nhất là chị đã phát tâm quy y Tam Bảo mà Thầy trưởng đoàn sẽ làm lễ tại Bồ Đề Đạo Tràng vào tuần sau.

12g20 trưa đoàn về nhà hàng Trung Hoa-Ấn Độ dùng trưa, bước vào nhà hàng thấy có tượng Phật Thích Ca ngồi tham thiền trong tưthế thanh tịnh làm bằng gỗ,cao hơn 1m chạm trổ công phu, độc đáo. Hôm nay đoàn được cho ăn món chả giò, đimsim, bún xào, cơm chiên, …, theo kiểu Trung Hoa lai Ấn, pha trộn mùi Cari. Nơi đây anh chi Huệ Hằng-Minh Chiếu (Melbourne, Úc) đã chiatay với phái đoàn, vì nhận tin khẩn cấp từ gia đình về công việc làm ăn, anh chị phải quay về Úc để giải quyết, nên buộc phảirời Ấn Độ trong niềm luyến tiếc khôn nguôi. Có ai ngờ đâu, đã đến nơi đất Phật rồi, lại không có đủ nhân duyên để tiếp tục cuộc hành hương chiêm bái thánh tích ? âu cũng là chướng duyên trên đường trở về cội nguồn tâm linh. Thầy trưởng đoàn và anh Tony cùng phái đoàn tiển chân anh chị và cầu chúc anh chị gặp nhiều hanh thông trong công việc gia đình cũng như đủ duyên để lên đường chiêm bái trong một dịp khác.

1:20pm đoàn đến phi trường Delhi nội địađể bay đến Varanasi, nhân viên tại phi trường làm việc rất chậm chạp, họ chỉ cho từng nhóm khoảng 10 người vào, hành lý được kiểm soát trước tiên bằng X-rays, sau đó qua thủ tục cân ký, rồi vào kiểm soát cá nhân, tất cả hành lý xách tay phải có đóng dấu ấn mới được đemlên xe bus để đưa ra máy bay Spice Jet đậu ngoài sân bay, 2g30 trưa là giờ phải cất cánhmà đoàn hành hương vẫn chưa lên hết máy bay.

Trên máy bay nghe chị Linh Hoa (Melbourne, Úc) kể trong cảmđộng, chị đã khóc thương cho con người Ấn, sao kiếp sống họ cực khổ quá, cũng là phận người trong khi các trẻ em tại các nước tân tiến Tây phương được sống với đầy đủ phương tiện, không biết cái khổ của vật chất là gì ? chị cầu mong sao họ sớm chấm dứt sự khổ đau trong kiếp sống ở cõita này.

4g30 chiều ngày 6-11, máy bay đáp xuống thành phố Varanasi, thành phố nằm bên trái giòng sông Hằng, thuộc tiểu bang Utta Pradesh. Đối với tín đồ Ấn độ giáo đây là một thành phố thánh địa, rất linh thiêng, hay được xem là thủ đô cổ truyền của văn hóa Ấn Độ, mỗi năm có hàng triệu người Ấn đến đây để hành hương và chiêm bái các đền thờ thần linh. Theo người Ấn nếu xả thân tại Varanasi thì linh hồn sẽ không ràng buộc vì những tội lỗi đã làm, và sẽ không bao giờ bị tái sinh luân hồi.

5g30 sau khi nhận hành lý, các người Ấn tại đây giúp vác hành lýđưa ra xe bus, nhiều hành lý thật nặng nhưng trông họ khiên vác thật dễdàng, hình như họ đã quen dùng sức lao động lâu rồi, đoàn lên xe bus để về khách sạn, nghe anh Tony cho biết còn ngồi xe gần hai tiếng mới đến khách sạn dùng tối và nghỉ đêm. Lối sinh hoạt tại Tân Đề Li đã nghèo rồi, thì nơi đây thành phố Varanasi lại nghèo hơn nhiều lần không thể tưởng ra được trong trí của những người sốngtrên đất Úc, Mỹ, người dân tại đây có những gian hàngnhỏ trước nhà bán bánh xe đạp, kẹo bánh, quần áo, giầy dép đơn sơ vài bộ, thú vật và người đầy đường, nhiều nhà hãy còn xài đèn dầu. Khi xe đi ngang qua các con đường chính, các trẻ em bu quanh xe để bán hàng, cảnh chen chúc hổn tạp và đông người quá, chúng tôi tưởng chừng như có thể gây tai nạn cho các em.

7:00 giờ tối đoàn về đến khách sạn Ideal Tower, đoàn được nghỉ hai đêm ở đây. Thầy trưởng đoàn cho biết sáng mai đoàn sẽ 4 giờ sáng để ra sông Hằng đi thuyền, thả đèn cầu nguyện, phóng sanh, xem bải cát sông Hằng, xem mặt trời mọc trên sông Hằng, và đáng chú ý nhất là sẽ chứng kiến cảnh có một không hai trên cõi Ta Bà này là cảnh “Thiêu người chết bên bờ sông Hằng”. Sự thật đã đến rồi sao chúng tôi cứ ngỡ như là nằm mơ, đêm nay đoàn đã đặt chân đến Phật tích đầu tiên, đó là Vườn Lộc Uyển, nơi Đức Từ Phụ chuyển pháp luân, chúng tôi đã chìm vào giấc ngủ với sự miên man mong đợi sẽ được viếng thăm thánh tích đầu tiên này vào ngày mai.(xem hình)

Ngày 4- Thứ sáu 07-11-2008, Varanasi- Sông Hằng, Vườn Lộc Uyển-Sarnath

Sáng sớm đoàn thức chúng rất sớm khoảng 4 giờ, đoàn xe bus, ba chuyến lần lượt chuyển bánh đến sông Hằng, sông Hằng phát nguồn từ rặng núi Hy Mã Lạp Sơn, Tây Tạng rồi vào Ần Độ, đối với những người theo Ấn Độ giáo đây là một con sông linh thiêng nhất, họ cho rằng tắm rửa ở đây sẽ được xóa đi tất cả tội lỗi. Vì nghiệp chướng tiền kiếp hay vì mê tín dị đoan mà đến nay việc tắm rửa hay thiêu tử thi ở giòng sông này vẫn chưa dứt !

Đoàn xuống xe đi bộ khoảng 300 m, đi ngang qua khu chợ, người dân địa phương đang soạn hàng để bán, một hai người còn đang trùm chăn nằm ngủ. Mùi phân bò, mùi cống sình lảng vảng đâu đây, trời tối quá, hai bên không một ánh đèn đường. Dù đã nghe nhiều về sinh hoạt của người dân Ấn trên sông Hằng, nhưng đúng là “nghe không bằng thấy”, đến nơi khoảng 5.00 giờ, tiết trời vào Đông khá lạnh, ánh bình minh chưa ló dạng mà đã có rất nhiều đoàn người lũ lượt kéo nhau đến. Ba chiếc ghe mỗi chiếc hai người chèo, lần lượt đưa đoàn ra giòng sông, đoàn tụng một thời kinh cầu an rồi thả đèn cầu nguyện trên sông, cầu cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.

Trời sáng dần, vầng thái dương bắt đầu xuất hiện, họ bắt đầu sinh hoạt một ngày bằng cảnh tắm gội, giặt giũ, hát ca, phơi quần áo…., trên bờ rất nhiều đền thờ, lâu đài xây san sát nhau, có lâu đài Lalitaghat được xây cách đây hơn 300 năm để tưởng nhớ đến vợ của ông hoàng Vikran shak.

Tàu ghé bên kia bờ sông để thăm bãi cát sông Hằng, cát tại đây nghe nói không sạch bằng cát ở bãi biển Nha Trang hay Vũng Tàu, đoàn tụng một thời kinh ngắn trên bãi cát. Như là giấc mơ nay đã mãn nguyện, vì trong kinh Phật ghi lại lúc Đức Thế Tôn giảng kinh, thì Chư thiên, Bồ tát đến nghe và số lượng người nghe giảng kinh nhiều hơn cát của sông Hằng, thì giờ đây đoàn đã đứng trên bãi cát sông Hằng, cầu mong những bước chân của đoàn sẽ không giẫm lên hàng vạn chúng sinh nhỏ bé khác. Vì đây là đất Phật linh thiêng, đoàn không nên gây tổn thất đến những sinh vật khác. Các bác trong đoàn mang theo túi để lấy cát về, nghe nói cát sông Hằng linh thiêng lắm.

Xa xa vầng thái dương đang xuất hiện, mặt trời từ từ dâng lên cao, đỏ thẩm tạo nên một cảnh đẹp mắt, mấy phó nhòm không ngớt tay bấm máy. Bên này bãi cát, giòng sông cảnh tịnh phẳng lặng, trong khi bên kia bờ thì lại quá ồn ào, hổn độn.

Ghe chèo chậm lại để đoàn nhìn rõ hơn, trên bờ những đám đông dự lễ thiêu xác người thân vừa qua đời, xác chưa tàn thì đã bị thả xuống giòng sông, xác người trôi lềnh bềnh như lục bình, không biết có phải sẽ làm mồi cho các đàn chim đang bay là đà? Có những ngôi nhà bán củi chất chứa đầy củi đến trần nhà, nghe nói nếu gia đình của người quá cố có nhiều tiền, họ sẽ mua nhiều củi, xác người quá cố sẽ được thiêu lâu hơn, bằng không họ chỉ thiêu qua loa rồi thả xuống giòng sông, Sư cô Diệu Trang, tụng bài kinh cầu siêu cho linh hồn họ sớm được giải thoát, chúng tôi không được phép chụp hình tại khúc sông này. Trời càng sáng tiếng người càng thêm ồn ào, hát ca inh ỏi, hình như người dân tại đây đã quá quen thuộc với những ánh mắt hiếu kỳ của du khách, nhưng đối với họ đây là những sinh hoạt truyền thống, là phong tục, rất quen thuộc, là chuyện thường nhật của người dân Ấn, bao thế kỷ rồi vẫn không thay đổi.

Ban tổ chức đã chuẩn bị một số cá để phóng sinh. Sau một thời kinh cầu an, những lọ cá được lần lượt thả xuống sông Hằng, cầu mong kiếp sau nhờ nghe kinh Phật của các khách hành hương, các con cá này sẽ được tái sinh vào một kiếp khác tốt đẹp hơn. Những người buôn tại đây như hiểu được việc làm phóng sinh của khách hành hương, nên có rất nhiều người chèo thuyền trên sông để bán cá. ! những ghe khác thì bán đồ lưu niệm về sông Hằng và thành phố Varanasi. Trên sông rất nhiều thuyền người ngoại quốc cũng như đoàn ngắm cảnh sông Hằng. Cá nhân mỗi người trên tàu gởi tặng những người chèo thuyền thêm một số tịnh tài, mỗi tàu hơn 30 người, mà hai người chèo không ngớt ngừng tay, tàu ghé bến họ vẫy tay tiễn biệt người đi, bối cảnh như bản nhạc Ông lái đò thuở nào “Thuyền đò ông mang nặng sầu cô quạnh, Lẵng lờ đưa bao khách lạ sang sông”.

8:00 giờ sáng, đoàn rời sông Hằng, đi bộ qua khu chợ nhộn nhịp, rất đông người, có nhiều gian hàng, cửa tiệm buôn bán, và có rất nhiều rau cải như ở Việt Nam , bầu bí, khổ qua, ổi, mía, …., ăn mày đâu mà nhiều quá, cho một người thì nhiều người kéo tới, có những người thân thể không toàn vẹn, lê lết trên bệ đường, thật là thương tâm. Tại Úc Châu, người tàn tật được chính phủ ưu tiên chăm sóc, được hưởng trợ cấp về tiền bạc, y tế, cũng như nhà cửa giúp đở tinh thần họ, cung cấp thêm những dịch vụ để họ dễ dàng sống trong sinh hoạt hàng ngày.

Sau đó 8:40 sáng, đoàn về khách sạn để dùng điểm tâm, khoảng 9:30giờ đoàn lên đường để đến thánh tích thứ nhất: vườn Lộc Uyển. Theo Kinh Đại Niết Bàn, Đức Thích Ca Mâu Ni có bảo với Ngài A-Nan rằng, sau khi Phật diệt độ, chúng sinh nào có cơ duyên đến bốn thánh tích như: nơi Đức Như Lai đản sanh; nơi Ngài chứng ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Giác; nơi Ngài Chuyển Pháp luân vô thượng; và nơi Ngài nhập Vô Dư Y Niết-bàn, thì khi xả thân sẽ được sanh vào cõi Thiện Thú thiên giới, tức là các cảnh giới cõi trời.

Giờ đây qua bao nhiêu ngày thao thức chờ đợi, đoàn có đủ duyên lành đặt chân trên thánh tích thứ nhất, đó là vườn Nai Lộc Uyển nơi Đức Phật đã thuyết Kinh Chuyển Pháp LuânKinh Vô Ngã Tướng(Anatta Lakkhana Sutta) để độ năm anh em Kiều Trần Như. Tam Bảo Phật Pháp Tăng đã hình thành tại nơi đây, và cũng từ đó ánh sáng giác ngộ của Đức Thế Tôn đã được truyền bá từ đó cho đến tận hôm nay, đã không biết bao nhiêu chúng sanh thừa hưởng lợi lạc từ lời dạy của Đức Thế Tôn.

Vườn Lộc Uyển hay Vườn Nai tọa lạc tại làng Isipatana là thành phố quê hương của người Phật tử, nơi Ðức Phật chuyển bánh xe Pháp Luân đầu tiên sau khi Phật thành đạo. Isipatana hiện nay vùng Sanarth, cách thành phố Varanasi khoảng 10km về hướng đông.

Khoảng 10:40 sáng giờ đoàn xuống xe, đi kinh hành niệm Phật và từ từ tiến vào khu Phật tích này, trời buổi sang không khí dịu mát, khu vườn Lộc Uyển được chăm sóc rất tươm tất, xa xa có những nền nhà đang được tu bổ. Đoàn kinh hành đến bảo tháp Dhamekh, chung quanh tháp có khắc lại những sự kiện đã xảy ra trong khu vườn này khi Đức Phật còn tại thế. Vua A Dục đã xây Bảo Tháp Dhamek (Chánh Pháp) cao 33m, ngôi tháp này được xem là còn nguyên vẹn sau nhiều lần trùng tu, những Phật tích khác ở khu thánh địa này đã bị quân Muhammad Ghori hủy diệt, hay tan biến, xoi mòn, chôn xuống lòng đất theo thời gian vì không được bảo tồn.

Đoàn tụng bài kinh Chuyển Pháp Luân, mà cứ tưởng như Đức Thế Tôn và năm anh em tôn giả Kiều Trần Như vẫn còn hiện diện ở đâu đây. Ôi! Linh thiêng thay, sau hơn 2552 năm đoàn có đủ hạnh duyên để đến thánh tích này, nếu không có chân lý của Đức Từ Phụ, có lẽ giờ này đoàn đã lưu lạc nơi nào, gây thêm nhiều nghiệp chướng. Nhiều Phật tử đã không cầm được cảm xúc, nước mắt chan hòa trong lời kinh, cảm được lời Phật dạy về chân lý tứ diệu đế vi diệu của cuộc đời như vẫn bên tai, không gian như vẫn vang rền tiếng pháp. Kính lạy Đức Thế Tôn, chúng con, những đứa con của Phật được đến đây từ khắp nơi xa xôi trên cõi Ta Bà, thiếu phước đức, sanh sau đẻ muộn, sau hơn 2550 mới đủ cơ duyên về đây thăm nơi Ngài chuyển luân pháp vương, xin Ngài nhận đây là lòng thành kính của chúng con, chúng con nguyện tinh tấn tu học và đem những gì học được chia sẻ với đại chúng, và xin hồi hướng công đức để chúng sinh trong đời này bớt khổ.

Rời Chùa Tích Lan, phái đoàn tiếp tục đến chiêm bái Bảo Tháp Chaukhandi, nơi tưởng niệm địa điểm Đức Thế Tôn gặp lại năm anh em ngài Kiều Trần Như tại Vườn Nai. Bảy tuần lễ sau khi thành đạo, Đức Thế Tôn đã đi bộ 14 ngày để đến nơi đây để cảm hóa cho năm người bạn đồng tu khổ hạnh trước kia là: Kiều Trần Như (Kondanna), Bạt Đề (Bhaddiya), Bà Phạm (Vappa hay còn gọi là Thập Lực Ca Diếp, Dasabala Kassapa), Ma Ha Nam Câu Ly (Mahananam Kulika) và Át Bệ (Assaji).

Thầy trưởng đoàn với lời đầy cảm động, tán dương công đức của anh Tony Thạch đã tạo cơ hội cho đoàn về đây, và chúc mừng đoàn đã có đủ duyên lành đến thánh tích này.

Sau đó đoàn chụp hình lưu niệm, rồi tham quan khu vuờn., được biết, sau khi Đức Phật nhập diệt thì 200 năm sau, Thánh địa này được vua A Dục, người có rất nhiều công lao với Phật Giáo, đã xây cất, ghi lại các di tích lịch sử như ngôi tháp, đánh dấu nơi Đức Phật đến gặp năm anh em Kiều Trần Như lần đầu tiên. Gian nhà nơi Đức Thế Tôn thiền định mỗi sáng hiện nay chỉ còn là một sàn nhà trơ trọi với nhiều cột lớn nhỏ. Bước vào nơi đây không khí thật linh thiêng, nhìn nền nhà, là nơi năm xưa Đức Thế Tôn vẫn ngồi và các ngài Tôn gỉả Kiều Trần Như cùng nhau tu tập chúng tôi không khỏi xúc động

Trước đây chúng tôi đã nghe Thầy trưởng đoàn cho biết về tình hình suy mòn điêu tàn của những thánh địa, nhưng hôm nay, khi được nhìn tận mắt, chúng tôi không khỏi ngăn cơn ngậm ngùi, xúc cảm. Nhìn Thánh địa, nơi khởi nguyên của đạo pháp, chúng con cúi đầu thành tâm ghi ơn công đức, vì chúng sinh đắm chìm trong cõi Ta Bà để dẫn đưa đến lục đạo luân hồi, thế nên Đức Phật đã ở lại để giáo hóa chúng sanh, thay vì nhập Niết Bàn sau 49 ngày thiền định, khi Ngài đã đạt thành chánh quả.

Phật tử Diệu Thanh tại Minesota chia sẻ vì được về đây thăm lại quê cha, cảm giác thật vui, không gian thời gian không còn giới hạn, hôm nay về đây lòng thật cảm động. Không kể việc bố thí của từng cá nhân, đoàn bố thí tại Vườn Nai: $500 (cho người chăm sóc Phật tích & người nghèo)

12g30 trưa đoàn về khách sạn dùng trưa với cơm, mì xào, cải luộc đủ loại, nấu theo kiểu Ấn Độ, trưa nay Thầy trưởng đoàn công bố số tiền cúng dường trong hai ngày qua, tổng cộng số tiền trong lần hành hương này là: $58, 385, bao gồm US$ 32.170 (Mỹ Kim) và A$26,215 (Úc Kim) ; $1,100 (Canada), phái đoàn sẽ chia đều số tịnh tài này để cúng dường và bố thí ở tất cả các nơi đoàn thăm viếng.

2 giờ chiều đoàn rời khách sạn để viếng thăm Chùa Tây Tạng nằm bên cạnh Vườn Lộc Uyển, đây là ngôi chùa theo truyền thống Hoàng Mạo Giáo, phái Mũ Vàng của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma mỗi lần về thăm Lộc Uyển, ngài đều có những buổi giảng pháp tại chùa này. Rời chùa Tây Tạng phái đoàn ghé thăm Chùa Tích Lan Mulgandhakuti, chùa xây theo kiểu Tích Lan, vườn hoa trước chùa tươm tất sạch sẽ, xanh tươi, trong chánh điện có tượng Phật Thích Ca trong tư thế chuyển luân pháp vương, rất nghiêm trang. Thầy trụ trì gìới thiệu đoàn với thượng tọa trụ trì và cúng dường $4,000, thượng tọa hoan hỉ tán thán công đức của đoàn đã đi nhiêu bao ngày, đã đến từ những nơi xa xôi, và mời đoàn sang thăm khu vườn có tôn tượngChuyển Pháp Luân, Đức Thế Tôn đang giảng kinh cho năm anh em Kiều Trần Như, chung quanh có những bia đá khắc kinh Chuyển Pháp Luân, được khắc bằng nhiều thứ tiếng. Năm xưa Đức Thế Tôn và năm anh em tôn giả Kiều Trần Như, đã dự mùa an cư kiết hạ đầu tiên tại đây.

Rời Chùa Tích Lan, phái đoàn tiếp tục đến chiêm bái Bảo Tháp Chaukhandi, nơi tưởng niệm địa điểm Đức Thế Tôn gặp lại năm anh em ngài Kiều Trần Như tại Vườn Nai. Bảy tuần lễ sau khi thành đạo, Đức Thế Tôn đã đi bộ 14 ngày để đến nơi đây để cảm hóa cho năm người bạn đồng tu khổ hạnh trước kia là: Kiều Trần Như (Kondanna), Bạt Đề (Bhaddiya), Bà Phạm (Vappa hay còn gọi là Thập Lực Ca Diếp, Dasabala Kassapa), Ma Ha Nam Câu Ly (Mahananam Kulika) và Át Bệ (Assaji).

Đoàn về khách sạn nghỉ đêm khoảng 6.00 giờ tối, trong khách sạn bán nhiều đồ lưu niệm, giá khá rẻ, thành phố Varanasi xuất xắc về tơ lụa, ông Wong đưa một số Phật tử đi xem xưởng dệt lụa, họ rất hiếu khách. Sau đó Đoàn đến thăm một khu Shopping khá tối tân gần đó đi bộ khoảng 5 phút, nơi đây người nghèo địa phương không được vào, đúng là hai cách biệt kỳ thị giai cấp, bên trong những tiệm bán đồ nổi tiếng như Nike, Addidas, Bata,…, buôn bán xài thẻ Credit như Úc, nhưng bên ngoài thì thú vật bò, dê nhởn nhơ cùng con người sống hoà nhịp với nhau và có rất nhiều người ăn xin.

Sáng mai đoàn sẽ về Bodhgaya-Bồ Đề Đạo Tràng, chuyến hành hương lần này, đoàn chúng tôi rất may mắn được ban tổ chức cho nghỉ chân tại Bodhgaya hơn hai ngày, nghe anh Tony Thạch cho biết ban đêm rất nhiều Tăng đoàn ra đây tụng kinh cầu nguyện, cảnh vật rất là linh thiêng, khó tả.

Ngày 5—Thứ bảy 08-11-2008, Bodhgaya-Bồ Đề Đạo Tràng

Điểm tâm xong khoảng 8:30 giờ sáng, đoàn lên đường, xe trực chỉ về hướng đông nam để về Bodhgaya cách Sarnath khoảng 7 giờ bằng xe bus, bắt đầu hôm nay, mỗi buổi sáng và cuối ngày Thầy trưởng đoàn và hai sư cô cùng Phật tử sẽ tụng kinh và tịnh tâm trên xe.

Trên lộ trình hướng về Bihar hôm nay, hai bên đường nhà cửa tiêu điều xơ xác, không khí dường như bớt ô nhiễm, nhưng người ăn xin nhiều quá, phần đông là dân bản xứ tại hai tiểu bang Uttar Pradesh và Bihar, họ sống bằng nghề nông trồng lúa, chăn nuôi, trước đã nghèo, nay lại càng khó khăn hơn sau trận lụt lội vỡ đê tháng 8 vừa qua. Không biết đời sống của họ ra sao, trong tình trạng khủng hoảng tài chánh thế giới hiện nay.

Trên đường đi có rất nhiều đàn lạc đà, từng bầy đi chậm chạp, thong thả trên đường, anh Sanjay, người hướng dẫn địa phương, cho chúng tôi biết, chúng đang đi bộ về hướng Bangladesh , chúng phải đi trong vòng hai tháng, sau đó chúng được bán cho người dân ở nơi đó, chúng có thể bị mổ lấy thịt để bán, vì thịt chúng có nhiều chất đạm, nhìn đàn lạc đà chập chạp bước đi, nào biết định mệnh vô tình xót xa đang chờ chúng...

Hôm nay trên chuyến xe bus số hai, chúng tôi được thưởng thức bác Minh Trí (Minesota), trình bày các tác phẩm mà bác đã sáng tác trong niềm xúc động trên đất Phật, được biết đây là lần thứ hai bác đến xứ Phật, lần này bác trở về xứ Phật để hỗ trợ cho bác gái, đạo hữu Diệu Tâm, thành tựu giấc mơ được chiêm bái đất Phật mà bác đã hằng ấp ủ hơn hai mươi năm qua. Thấy cảnh hai bác lớn tuổi trong tình vợ chồng hỗ trợ nhau tu tập, thật cảm động.

11g45 sáng đoàn đến khách sạn và dùng trưa, và chào mừng đạo hữu Tâm Quảng đến từ Canada, nghe đạo hữu Tâm Quảng kể lại sau khi biết mình trễ máy bay, đạo hữu đã đáp chuyến bay sớm nhất (2 ngày sau) đến New Delhi và sau đó đi xe lửa trực tiếp đến Bodh Gaya. Ngày thứ sáu, 07.11.2008 đến New Delhi. Tại đây người của khách sạn Centauar đến phi trường đón và đưa thẳng đến ga xe lửa để về Bodh Gaya, và đã đến Bodh Gaya vào lúc 3:55 sáng hôm sau rồi được nhân viên khách sạn đón đưa về đây, trước đoàn 10 tiếng đồng hồ. Đạo hữu Tâm Quảng bảo tất cả mọi việc được êm xuôi là đều do Phật độ.

Hôm nay đoàn chia ra hai nhóm để về hai khách sạn, vì tại đây phần đông khách sạn nhỏ không thể chứa hơn 40 người, thế nên một số về khách sạn Lotus Nikko và số còn lại ở khách sạn Delta International.

3:00 giờ trưa đoàn lên xe để về Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Thế Tôn thành đạo, mới bước vào nơi thánh tích này, đã thoáng ngửi mùi hương trầm, và thoáng nghe tiếng câu chú “Án Ma Ni Bát Di Hồng’bằng tiếng Pali. Đoàn đi kinh hành từ bên ngoài vào bên trong bảo tháp, đoàn ngừng chân tại cây Bồ Đề, tại đây sau khi tụng bài kinh tán thán Phật, Thầy trưởng đoàn đã xướng danh hồi hướng cầu siêu cho các hương linh thờ tại Tu viện Quảng Đức và hương linh của người thân trong chuyến đi,đồng thời đọc tên cầu an cho 96 thành viên trong phái đoàn. Sau đó đoàn vào trong tháp đảnh lễ tôn tượng Đức Phật, tượng Đức Thế Tôn tại đây được sơn son thiếp vàng, rất đẹp và nghiêm trang. Người chiêm bái tôn tượng bên trong chánh điện đông đến độ không thể chen chân được, sau đó đoàn ra ngoài thăm cảnh vật chung quanh ngôi bảo tháp Giác Ngộ. Bảo tháp Giác Ngộ rất đẹp, chung quanh khắc, chạm nhiều sự kiện lịch sử trong thời gian tu tập, được biết Tháp đã được trùng tu nhiều lần. Ngày nay Tháp cũng là một trong những di sản của Unessco.

Khách thập phương đến đây cảm thấy lòng mình như được tinh tấn trong đường tu hơn, như được thấm vào tâm cái không khí tươi vui, hân hoan ngày nào khi Đức Thế Tôn giác ngộ. Nơi đây có nhiều đoàn Chư Tăng Tây Tạng, lúc đến chúng tôi thấy quý Ngài lạy từ bên ngoài Tháp cho đến bên trong theo phong tục Tây Tạng "Ngũ thể đầu địa", phong thái của các Thầy thật nhẹ nhàng và từ tốn.

Từ 6 đến 10 giờ đêm, hàng ngàn người kéo đến đây để chiêm bái nhưng không ồn ào, không khí càng linh thiêng, vui tươi như ngày Đức Thế Tôn thành đạo, từng đoàn Phật tử từ nhiều quốc gia trên thế giới, về đây để chiêm bái đảnh lễ, tất cả đều thấy không còn có ranh giới về chủng tộc, màu da, vì mọi người đều có chung một đấng từ phụ, một giáo lý giải thoát sinh tử luân hồi.

Ôi! Không bút mực nào có thể diễn tả hết nỗi niềm hân hoan, niềm kính mến đấng cha lành, phái đoàn được diễm phúc đặt chân đến đây, quả là phước duyên không thể nghĩ bàn được. Những người con Phật được đến nơi đây, phải cảm tạ công đức Đại Đức Thích Nguyên Tạng và anh Tony đã đưa đoàn đến đây, cầu mong các Phật tử chưa có đủ nhân duyên nên cố gắng vượt qua trở ngại, để được nơi đây để đảnh lễ dưới tôn tượng thành đạo để cảm niệm tri ơn công đức của Đức Thế Tôn, chúng tôi ngẫm nghĩ càng thấm thía với lời giải thích của Thầy Trưởng Đoàn rằng “ nếu không có Bồ Đề Đạo Tràng thì không có Đạo Phật trên thế gian này”. Trước đây đã đọc và học trong kinh điển về nơi đây, nay được sờ đến cây bồ đề, được đến những nơi Đức Phật đã lưu trú trong thời gian trước và sau khi thành đạo, không còn hồ nghi gì cả. Hoàng hôn đã buông xuống, màn đêm khá tối mà đoàn vẫn còn bịn rịn chưa muốn dời bước, Thầy trưởng đoàn cho biết đoàn sẽ có cơ hội ngày mai trở về đây để công phu khuya.

7g30 tối đoàn trở về khách sạn nghỉ đêm vì sáng mai thức chúng rất sớm.

Ngày 6—Chủ Nhật 09-11-2008 Bồ Đề Đạo Tràng.

Đoàn thức chúng lúc 4 giờ sáng, lên xe bus ra Bồ Đề Đạo Tràngcông phu khuya, làm lễ quy y cho năm Phật tử Quảng Trí Văn, Quảng Tuệ Nguyện, Quảng Tuệ Tâm, Trí Thắng, Diệu Mẫn tại ngay cội Bồ Đề nơi Đức Thế Tôn thành đạo. Thật cao quý thay! Quý Phật tử có cơ duyên quy y tại đây, đây là cơ duyên không phải dễ mà có. Nơi đây mỗi cá nhân trong đoàn được phát một bằng khen thưởng tán thán công đức đã đến được nơi thánh tích, Thầy trưởng đoàn cũng làm lễ giá tóc, gieo duyên cho những Phật tử nào muốn xuống tóc ngày sau. Anh Tony Thạch đã phát tâm cúng dường tượng Phật Thích Ca cho mỗi thành viên trong đoàn, được Thầy chứng minh tại khuôn viên đạo tràng, xin cảm tạ công đức đã nghỉ đến chúng sanh của anh.

8:30 sáng đoàn về khách sạn để dùng điểm tâm, sau đó đi thăm Khổ Hạnh Lâm, nơi Đức Phật tu khổ hạnh suốt sáu năm, ngày chỉ ăn một hột mè, đường lên núi rất khó khăn, chật hẹp, nên đoàn phải dùng xe jeep nhỏ, nhiều lúc đoàn xe phải ngừng nhiều chặng đường, đợi đoàn xe đối diện qua trước, rồi mới tiếp tục chạy, đoàn đi ngang giòng sông Ni Liên Thiền, nơi mà xưa kia Đức Phật đặt bình bát xuống dòng sông và phát lời thệ nguyện: "Nếu không thành Chánh Giác, Ta quyết không rời khỏi gốc cây Bồ Ðề nửa bước"sau khi giác ngộ, ngài đã xuống đây tắm gội. Giòng sông nay đã cạn nước, xa xa chỉ còn lại những trũng nước sâu độ 1 m, người dân tại đây giặt giũ quần áo rồi phơi bày trên bãi cát. Đường đi mỗi lúc một khó khăn, bụi bay tứ phía, nơi đây hoang dã và gần núi ít người lui tới, nên chính phủ Ấn chưa trùng tu lại.

Đến chân núi, không biết bao nhiêu là trẻ em ăn mày, chờ đợi khách hành hương, ào ào chạy tới xe, cản đường làm rất khó đi. Đường lên hang núi cao rất khó đi, các bác lớn tuổi lại rất tinh tấn, nhất định không chùn chân, vẫn tiếp tục đi tới, thật đáng khâm phục. Đến đỉnh núi là một hang động, bên trong là một pho tượng khi Đức Thế Tôn, tu khổ hạnh, từng người vào đây đảnh lễ, vào đây rồi mới biết Ngài tu khổ hạnh đến chừng nào khi nghĩ đến câu “rốn đụng xương sống”.

Đoàn xuống núi 1:00 trưa để thăm cô nhi viện Tu Xà La do người Đại Hàn xây cất, tại đây đoàn đã cúng dường quần áo, thuốc men, thực phẩm, riêng anh Tony đã mua rất nhiều gạo tại Ấn Độ để cúng dường. Thầy trưởng đoàn giới thiệu về đoàn và cúng dường $3,000 và hồi hướng công đức. Ông Kim Jung June ngỏ lời cảm tạ đoàn, và đãi đoàn nước trà nóng, hôm nay cuối tuần đoàn không gặp các em, nghe nói các em nào chịu vào trường sẽ được cho học hành nhưng phải theo kỷ luật, rất nghiêm túc.

2:00trưa đoàn lại lên đường để viếng thăm bảo tháp nàng Tu xà Đa, để nhớ ơn năm xưa nàng dâng bát sữa cúng dường Đức Thế Tôn sau khi Ngài kiệt sức. Tháp được tìm thấy khoảng thế kỷ thứ 7 sau tây lịch, và đã được trùng tu nhiều lần. Nắng đã lên cao, đoàn đi kinh hành từ ngoài vào trong, và sau đó chụp hình lưu niệm.

Trong chuyến hành hương kỳ này, có hai cụ lớn tuổi, đó là thân mẫu của thầy truởng đoàn là cụ bà Tâm Thái ở Việt Nam và một Phật tử rất quen thuộc tại Tu viện Quảng Đức, Melbourne là cụ bà Bạch Vân, trước đây hai cụ đã có đủ duyên lành hành hương Trung Quốc vào năm 2007. Phật tử Quảng Như, Tâm Thành là hai phật tử trẻ nhất, Nhìn hai cụ và hai Phật tử trẻ chúng tôi cảm thấy lòng vô cùng hoan hỉ và nguyện cố gắng tinh tấn, để noi theo hai tấm gương già, trẻ. Đây là những tấm gương sáng của cả đoàn hành hương. Về Đất Phật lần này rất may mắn, ngoài Đại Đức Thích Nguyên Tạng, đoàn lại có thêm hai Sư Cô Diệu Trang và Sư Cô Tâm Vân, nên đoàn được rất nhiều cơ hội để học hỏi thêm về Phật Pháp.

Đoàn về lại khách sạn dùng cơm trưa vào lúc 2:45g chiều, tuy đói nhưng tất cả rất hoan hỉ vì sáng nay đã thăm qua nhiều thánh tích, những nơi năm xưa Đức Thế Tôn đã đến.

4:30g chiều đoàn viếng thăm chùa Nhật Bản, với tôn tượng Phật lộ thiên cao khoảng 25 m, hai bên là hai hàng mười vị đại đệ tử. Chiều nay phái nữ mặc áo dài Việt Nam, phái nam chỉnh tề trong bộ âu phục, được rất nhiều khách thập phương tại đây khen ngợi.

Sau đó đoàn về lại Bồ Đề Đạo Tràng, đi kinh hành từ ngoài cổng, chụp hình lưu niệm, chiêm bái tôn tượng chung quanh khu vườn, mua quà cho thân nhân.

5g30 tối Thăm chùa Việt tại Ðất Phật: Trung Tâm Tu Học Viên Giác (của Thầy Hạnh Nguyện), phái đoàn đảnh lễ, tụng kinh hồi hướng, đoàn không gặp Thầy Hạnh Nguyên vì Thầy đang đi nhập thất ở một nơi khác. Đoàn về khách sạn lúc 8g tối, dùng cơm chiều và nghỉ để sáng mai phải dậy sớm vào khoảng 4 giờ để tiếp tục cuộc hành trình.

Ngày 7, Thứ hai 10/11/2008, Bồ Đề Đạo Tràng-Rajgir.

Đoàn lên xe khoảng 5 sáng để về Thành Vương Xá (Rajgar) và thăm Linh Thứu Sơn (Grudhakuta-Kỳ-Xà-Quật), núi có hình như con chim Ó. Ngày trước, tại hướng Nam thành Vương Xá, có rất nhiều xác người chết bỏ chồng chất, đàn chim Ó sau khi ăn thịt người xong, rồi bay đậu tại nơi đây. Đây cũng là địa danh nơi Đức Phật thuyết giảng những bộ kinh quan trọng của Đại Thừa như Pháp Hoa, Diệu Pháp Liên Hoa, Lăng Nghiêm, …. .

Trời vào Đông mau tối, đoàn phải tranh thủ thời gian, để đến những thánh tích khác trước khi trời sụp tối vì đường đi khá xa, thêm vào cầu bắc ngang sông bị hư, nên xe phải chạy bằng đường bên trong, chạy thêm khoảng một tiếng đồng hồ, đoàn lên núi, Thầy muốn lên núi trước khi mặt trời lên cao, do đó mà đoàn phải khởi hành sớm .

Đường lên núi khá cao, rất nhiều bậc tam cấp, đoàn vừa đi vừa niệm Phật, trên đường lên đỉnh đoàn gặp nơi nghỉ chân của Vua Tần Bà Xa La ngày xưa khi đến thăm và nghe Phật thuyết pháp. Dọc theo đường lên núi Linh Thứu có rất nhiều ăn mày, họ ngồi la liệt đầy đường, suốt cả ngày. Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến số người ăn mày quá đông như vậy, họ học câu niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”và “Trời ơi!”bằng tiếng Việt, tôi chợt nhớ đến bài thơ Đi lễ chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp

“Chùa lấp sau rừng cây.

(Thuyền ta đi một ngày)

Lên cửa chùa em thấy

Hơn một trăm ăn mày” .

Nhưng nơi đây không phải là trăm, mà lại là cả ngàn người ăn mày. Chắc hẳn khách hành hương phải là những người có lòng hảo tâm, thương người vô lượng!!

Khi lên tới đỉnh núi, nhìn cảnh núi hùng vĩ, bao la, phía dưới chân núi thành thành Vương Xá thật nhỏ bé, chúng tôi hồi tưởng lại chính không gian này hơn 2,550 năm trước, Đức Phật đang thuyết giảng cho hàng ngàn đệ tử. Đoàn rất may mắn đến sớm nên được ngồi tại đây tụng bài Sám Phật Thích Ca, với cảm giác Đức Thế Tôn và Chư Bồ Tát vẫn còn đâu đây. Tôi chợt nhớ đến cố Thượng Tọa Abhinyana, vị Thầy người Úc cũng là một ân nhân của cộng đồng tỵ nạn Việt nam trong thâp niên 80. Thượng Tọa trưởng thành trong gia đình Anh Giáo, nhưng lại có những khắc khoải ưu tư về vấn đề tâm linh, mà các giáo lý của các Tôn giáo khác không giải được. Ngài sang Ấn Độ nghiên cứu, tìm hiểu thêm về Ấn Độ Giáo, nhưng vẫn chưa mãn nguyện, Ngài tìm đến giáo lý nhà Phật, và hiểu ra đây chính là giáo lý giải toả được những ưu tư, thắc mắc Ngài hằng cưu mang. Và cũng tại Linh Thứu Sơn này sau những giờ thiền định, Ngài nhất định xuất gia theo đạo Phật .

Dọc đường xuống núi đoàn ghé thăm hang động của Ngài A Nan, ngài Ca Diếp, thành tâm cầu nguyện chúng sinh mau dứt nghiệp tội, người dân tại đây bớt khổ đau. Rất nhiều tiệm bán đồ lưu niêm dưới đỉnh núi, người dân Ấn quen nói giá cao, gấp hai, ba lần.

1:00 trưa đoàn ghé ngang vườn xoài của Danh Y Kỳ Bà (Jivaka), vị bác sĩ riêng của Đức Phật, tiếc thay nay chỉ còn là nền nhà, với vài chú nai nho nhỏ đang ăn cỏ.

Khoảng 1:15pm giờ đoàn ghé thăm phế tích nhà tù nơi giam giữ Vua Tần Bà Sa La, tại đây phái đoàn đã đi kinh hành tưởng niệm tri ân công đức củaVua Tần Bà Sa La, vị quân vương Phật tử đã cúng dường vườn ngự uyển của mình để xây dựng Tinh Xá Trúc Lâm, ngôi chùa PG đầu tiên trên thế giới, công đức như vậy nhưng nghiệp chướng trái ngang, cuối đời bị con ruột là A Xà Thế cướp ngôi và tống giam cho đến chết tại nơi đây. Di tích này giờ đây chỉ còn là khu đất rộng, khô cằn buồn thảm như câu chuyện không có hậu đối với cuộc đời của vị vua này. Từ khu nền nhà tù này có thể nhìn lên cao, trông thấy đỉnh Linh Thứu Sơn, ngỡ như ngày nào Vua Tần Bà Sa La ngóng trông về núi để được Đức Phật ban phép nghe giảng kinh Vô Lượng Thọ, hoặc Hoàng hậu Vi Đề Hy, nghiêng mình về núi, để thỉnh cầu Đức Thế Tôn độ cho chồng trước khi chết. Khi ra ngoài gặp cảnh một em bé sơ sanh chừng vài tháng, mà gia đình đã đem ra để xin ăn, động lòng từ tâm, sư cô Diệu Trang đến vấn an, xoa trán em, cầu mong em mau thoát cảnh khổ đau quá u hoài trên xứ Phật.

Gần 2pm đoàn về khách sạn dùng trưa, sau đó tiếp tục lên đường để viếng thăm Tịnh Xá Trúc Lâm, đây là ngôi tịnh xá đầu tiên của Phật Giáo, xưa kia từng là vườn thượng uyển của vua Tần Bà Sa La (Bimbisara), sau đó Vua đã dâng cúng Ðức Phật và tăng đoàn làm nơi trú ngụ. Đức Phật và Tăng đoàn đã trải qua ba mùa an cư kiết hạ tại khu vườn này, hiện chung quanh tịnh xá hồ nước vẫn còn đó, vài bụi trúc còn lại những lá trúc vẫn còn màu xanh thanh thanh dịu mắt, trước hồ là Tôn tượng Đức Thích Ca do người Nhật tạc mang đầy nét đặc thù Á Đông, lạy Phật đoàn cảm thấy Đức Thế Tôn đang hiện hữu nơi đây. Đoàn đã đi kinh hành để cám ơn vua Tần Bà Sa La đã cúng dường khu vườn cho Đức Phật, tưởng nhớ lại những mùa an cư kiết hạ của chư tăng ngày xưa tại đây, đoàn không khỏi bồi hồi xúc cảm.

Dọc đường đi đoàn thấy lối sinh hoạt tại đây, người dân trồng súng, sen và lục bình rất nhiều, trước nhà xây một giếng để lấy nước.

Khoảng 3.30pm, phái đoàn viếng thăm Đại Học Nalanda, tọa lạc trên một vùng đất rộng mênh mông, qua bao nhiêu thăng trầm, ngày nay chỉ còn lại những nền nhà và những bậc thang bằng gạch đỏ. Đây là Đại học đầu tiên của Phật Giáo thành lập vào thế kỷ thứ sáu, rất nhiều tu sĩ tại những quốc gia lân cận đã về đây tu học, trong đó có Ngài Pháp Hiển, Long Hiển, Huyền Trang… Tiếc thay trong thời kỳ pháp nạn khoảng thế kỷ thứ 12, quân Hồi Giáo xâm chiếm và san bằng thánh tích, họ thiêu hủy đi ngôi trường. Hàng ngàn tạng kinh, tài liệu lưu trữ của Phật Giáo tại đây đã bị thiêu rụi, cháy ròng rã liên tục trong ba tháng trời. Đối với người cầm sách, học đạo thì kinh sách là kho tàng vô giá, thế nên hàng ngàn Tăng sĩ đã hy sinh để bảo vệ Chánh Pháp, để rồi qúy Ngài anh dũng hy sinh thà chết chứ quyết tâm không bỏ đạo.

Đoàn đã đi kinh hành quanh khu trường, lòng hồi tưởng, chân thành nhớ đến sự hy sinh của Tăng đoàn ngày trước. Ôi! Cao qúy thay tấm gương cao cả vì đạo của quý Ngài.

Đoàn được chứng mắt nhìn thấy, những gian phòng ngày xưa các vị Thầy đã dạy đoàn tăng sinh, nhìn thấy những chiếc gường gạch, cái bàn của các ngài xưa kia. Sau các cơn hỏa hoạn nay còn lại những viên gạch đỏ, lẫn màu rêu xanh. Nghe anh Tony kể lại, trong những ngày quân Hồi tàn phá ngôi Đại Học, mỗi phòng học gồm Thầy và trò trong tư thế thiền định để chấp nhận cái chết không sợ hãi, chứ không bỏ đạo. Ôi! Không khí nơi đây linh thiêng làm sao! tưởng như cảnh tượng sinh hoạt vẫn còn đâu đây. Những câu thơ của Bà huyện Thanh Quan sao giống không gian nơi đây quá!

“Tạo hóa gây chi cuộc Hý Trường?
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”

May mắn thay ước nguyện trùng tu lại Đại học Nalanda đang được thương thảo, vì hiện nay chính quyền Nhật Bản, Singapore, và các nước trong vùng đang nghiên cứu, bảo trợ đề án, như vậy ngày Đại học Nalanda sẽ tái khánh thành, để sinh hoạt giáo dục Phật Giáo từng bị gián đoạn được tiếp tục, cầu nguyện ngày này sẽ không còn bao xa.

6:00giờ chiều đoàn về khách sạn Rajgir dùng tối, sáng hôm sau thức chúng thật sớm để về Kusinagar.

Ngày 8, Thứ ba 11-11-2008Rajgir_- kusinagar

Đoàn thức chúng lúc 3:30 giờ sáng, 4:30 ra xe, dùng điểm tâm trên xe, hướng về thành Tỳ Xá Ly, vào thành thăm phế tích ngôi tháp thờ xá lợi của Đức Phật tại Tỳ Xá Ly, (Relic Stupa) đường vào phế tích hai bên lề trồng nhiều cây xanh tươi trật tự, đoàn đi kinh hành từ ngõ, vào bên trong khu vườn, đến nơi xưa kia tôn thờ xá lợi Phật, nhìn phế tích ngày xưa chôn xá lợi Phật, sau khi bị quân Hồi giáo tàn phá, nay chỉ còn là nền nhà có lẽ là chân tháp, chính giữa là một lỗ hổng to, chắc là nơi đựng xá lợi Phật, phía trên là một mái tôn tròn khoảng 10 m đường kính che nền bảo tháp, đoàn đốt nhang lạy Phật trong lòng thương tiếc, rơi lệ, và bồi hồi khôn nguôi.

11.30g sáng ghé thăm chùa Ni Kiều Đàm Di do Ni sư Khiết Minh phát tâm xây dựng, để nhớ đến công ơn bà Kiều Đàm Di xin Phật cho phái nữ xuất gia. Chùa còn đang xây, gần xong, cao ba tầng lầu, tại chánh điện có tượng Đức Phật Thích Ca, chung quanh tường là những thẻ vàng khắc hình tôn tượng Phật, vào tháng 1 năm 2004 là lễ Động đất. Ni sư ngỏ lời mời giới Tăng Ni và Phật tử đến đây tu tập khi có dịp ghé ngang. Đi bao nhiêu ngày, nay nghe được tiếng Việt trên đất Phật đoàn cảm thấy thật ấm lòng.

1:30 giờ trưa đoàn sang thăm bảo tháp Ngài Anan, đây cũng là quê hương của Ngài Duy Ma Cật, chính nơi đây Đức Thế Tôn đã tuyên bố lý do ngày Ngài sẽ diệt độ, rồi sau đó cùng tăng đoàn hướng về thành Câu Thi Na. Cũng như những phế tích khác, nơi đây chỉ còn là một nền tháp gạch đỏ, rêu xanh cao hơn 10 m, kế bên có trụ tháp của Vua A Dục, xây khoảng thế kỷ thứ ba, trên đỉnh tượng hình sư tử vẫn còn. Đoàn đi kinh hành quanh tháp để tưởng nhớ đến công ơn Ngài Anan đã xin Đức Phật cho người Nữ xuất gia.

2g30 đoàn lên xe bus trực chỉ về Thành Câu Thi Ca (Kusinagar) cách đó 160 km, quãng đường rất xấu, bụi bặm, hẹp và nhiều ổ gà, nhà cửa dân chúng hai bên đường sống rất nghèo khổ, những mái ngói tưởng là gạch, nhưng lại gần mới biết là cây, vỡ bể, dây bầu bí leo đầy mái nhà, nhiều nền nhà vẫn còn là nền đất, ngưới dân tại đây như yên phận với số mạng đã an bài cho họ, nhiều nhà phía trước để vài lon, vài chai nước ngọt hay vài chảo chiên bánh chiên bán, trẻ em, người già ngồi trước thềm nhà nhìn người qua lại, thỉnh thoảng gặp vài chú bò nằm nhởn nhơ bên cạnh đống rác, ngoài ruộng vẫn còn nhờ các chú trâu cày bới, đây là phía bắc Ấn, đời sống người địa phương còn lâu lắm để bắt kịp với các tỉnh gần Tân Đề Li. Chiều đến người địa phương bắt đầu đốt lúa rơm, bầu trời nghẹt khói, làm các bác bệnh suyển không ngừng cơn ho.

7g30 tối đoàn về khách sạn Nikko, đêm ấy một số Phật tử cùng nhau làm giấy tờ visa xin nhập cảnh nước Nepalđể thăm vườn Lâm Tì Ni.

Ngày 9-Thứ tư 12-11-2008Kusinagar

Đoàn thức chúng lúc 4 giờ sáng, để tranh thủ đúng giờ gặp xe bus số ba để cùng Thầy trưởng đoàn đi thăm chùa Việt Nam Linh Sơn gần đó.

6:30Sáng đoàn đến Chùa Đại Niết Bàn, thành Câu Thi Na tên là Kasia, thuộc bang Uttar Pradesh, cách Vườn Lâm Tỳ Ni khoảng 180 cây số.

Đoàn xuống xe kinh hành từ ngõ trong tư thế thật nghiêm trang, không gian yên lặng để tưởng nhớ nơi này năm xưa Đức Từ Phụ đã để lại những lời khuyên cuối cùng rồi diệt độ. Đường vào Đại Tháp Niết Bàn vườn hoa nơi đây rất trật tự, người Ấn giữ gìn cây cỏ xanh tươi. Chùa tọa lạc trên một nền cao khoảng 15 bậc thang, sơn màu trắng, phía trước là chánh điên thờ tôn tượng Phật trong tư thế tịch diệt, phía sau là một tháp rất cao khoảng 15 m, bên trong thờ xá lợi Phật. Tháp gạch sơn màu trắng không một lối cửa thông vào. Anh Tony mua sẵn hoa sen để đoàn dâng hoa cúng Phật. Một số Phật tử trong đoàn đại diện cho các địa phương mang tấm đại y may bằng vải gấm vàng từ bên ngoài vào trong chánh điện đắp lên kim thân của Đức Từ Phụ Thích Ca.

Vừa bước chân vào bên trong như có một sức thiêng liêng vô hình nào đó, tất cả mọi Phật tử trong đoàn không sao dằn được cơn xúc động, chính giữa là một tôn tượng Đức Thích Ca khoảng 6 mnằm trên một bệ cao khoảng nửa mét, nằm trong tư thế lúc nhập Niết Bàn trông rất nghiêm trang mang đầy nét hảo tướng và mỹ thuật.

Ngài nằm nghiêng mặt hướng nhìn ra cửa, tay phải của Ngài gối gò má phải, tay trái của Ngài đặt xuôi theo trên hông, hai chân duỗi dài, chân trái chồng lên chân phải rất ngay thẳng. Khuôn mặt Ngài buồn mang đầy nét đăm chiêu, khi đắp tấm y lên kim thân Ngài, không khí thật trang nghiêm và cảm động, đoàn đứng nơi đây tưởng như ngày nào khi Phật khuyên dặn những lời cuối cùng, mặc dù thân Phật lúc bấy giờ đã đau đớn lắm. Mắt mọi người đều nhoà lệ, cố trấn giữ cơn xúc động để không khóc thành tiếng, tịnh tâm tụng bài kinh “Ý nghĩa Phật Niết Bàn” và nghe Thầy Nguyên Tạng đọc những lời khuyên răn cuối cùng của Đức Thế Tôn trước khi tịch diệt. Kính Phật sau hơn 2550 năm đàn con từ khắp năm châu về đây, muộn màng tưởng nhớ Phật, khóc thương đây vì không sanh nhằm thời gian khi Phật còn tại thế, không có cơ duyên tận nhìn hảo tướng của Phật, nghe âm thanh lời Phật dạy. Hôm nay đây về thăm quê hương Phật, đến nơi Phật trút hơi thở cuối cùng, nguyện tinh tấn tu học, vâng lời Phật dạy. Ôi! Đứng đây mà tưởng như là được đứng vào giờ phút cuối cùng với Phật trước khi ban mai mọc.

Trước đây đã học qua kinh Đại Niết Bàn, mỗi lần đọc là tôi không ngăn được nước mắt, giờ đây không còn hồ nghi chi nữa, đây không phải là giấc mơ, tất cả là sự thật hiển nhiên trước mắt, hai cây Sa La vẫn còn đó, vẫn xanh tươi, không khí linh thiêng vẫn còn đây, dù quân Hồi Giáo đã tàn phá thánh tích này, nhưng sự cảm nhận vẫn còn mãnh liệt nơi đàn con Phật .

9g30 sáng đoàn tiếp tục lên đường đi Gorkhpur, về hướng Nepal thăm Vườn Lâm Tì Ni, cách Kusinagar hơn 3 tiếng lái xe và dùng trưa trên xe.

1:30 trưa đoàn đến biên giới Nepal, rất may tại đây đoàn chỉ đợi khoảng 45 phút, vì sáng nay Thầy đã cho người đi Taxi mang passports và Visa đến cho lính xem trước. Đoàn không gặp khó dễ nào từ các người lính sau khi khám xét đoàn xe ba chiếc.

Nhà cửa người dân tại đây xem có vẻ khang trang, khá hơn so với Ấn Độ, ít người ăn xin , ít bụi bặm, cánh đồng cây cỏ xanh tươi hơn và có lẽ sống gần biên giới nên việc mua bán khá thuận tiện. Khuôn mặt người dân mang nhiều nét vui và màu da thì không sậm đen so với người Ấn.

3:20g trưa đoàn đến Vườn Lâm Tì Ni, thăm nơi Đức Phật giáng sanh, bên ngoài có một bản vẽ nói về thánh tích, đường đi vào thánh tích sạch sẽ, trồng nhiều hoa thơm, cây cối thứ tự gọn gàng. Bước vào vườn gặp nhiều sàn gạch còn trơ lại màu gạch đỏ. Có lẽ đoàn đã quen nhìn thấy sự điêu tàn của những thánh tích khác rồi, nên cũng cảm thấy đây là sự may mắn khi còn giữ lại dấu tích của thánh tích cho thế hệ sau biết. Chắc ngày trước nơi đây rất phồn thịnh, hoa thơm ngát, tiếng ca nhạc từ các tầng trời rải bông chào mừng ngày đản sanh. Và gìờ đây đoàn đang có mặt tại nơi đây, nơi mà 2.550 về trước, Thái Tử Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Maya đã ra đời.

Đoàn ngừng dưới chân cội Bồ Đề trước, tụng bài Lễ Khánh Đản, ca tụng trong thế gian năm ấy có một đấng Thế Tôn đại giác ra đời. Khoảng giữa khu vườn là một hồ nước lớn, tục truyền Hoàng hậu Maya đã tắm tại đây, và khi vào vườn hoa, trông thấy cành hoa Vô Ưu đẹp quá, hoàng hậu đưa tay hái rồi hạ sanh Thái tử. Tiếc thay cây Vô Ưu nay không còn tại thánh tích này nữa.

Đoàn vào trong tháp tưởng niệm nơi Hoàng Hậu Maya sanh thái tử và chính mắt thấy nơi ngài sanh, chung quanh nền nhà là hành lang cao khoảng 2 m để khách hành hương chiêm bái, tất cả chỉ còn lại những nền gạch trắng vụn, sau sự tàn phá của Hồi Giáo, ngôi tháp ngày nay còn tồn tại nhờ công sức trùng tu của người Tây Tạng. Tuy nhiên trước sự hao mòn, vật đổi sao dời của thánh tích nguồn xúc động của những người con Phật vẫn dâng trào, đoàn thành kính lạy và hồi hướng công đức. Tại đây phật tử Thiện Thủy (Austin-Texas) trình bày nhạc bản “Trăng tròn tháng 4” trong cảm xúc, chị nguyện trong quãng đời còn lại sẽ cố gắng tinh tấn tu hành.

Đoàn ra ngoài chụp hình lưu niệm, bên trụ đá do vua A Dục dựng lên khi Ngài chiêm bái khu vườn này vào thế kỷ thứ hai trước Tây Lịch, rồi lên đường thăm chùa Việt Nam gần đó. Nhưng rất tiếc vì đường xa, mới 5g30 trời đã tối và lạc đường nên đoàn xe bus số 1 không đến nơi được.

7:00g tối đoàn về dùng cơm tối tại khách sạn Limbini Garden và New Crystal Resorts. Trong phòng ăn đoàn gặp một nhóm hành hương người Âu Châu mà đoàn đã gặp hôm nay lại Vườn Lâm Tì Ni, họ ca ngợi đoàn hôm nay đi kinh hành trong vườn thật nghiêm trang.

Ngày 10—thứ năm 13-11-2008, Lâm Tì Ni

Đoàn thức chúng 6g sáng dùng điểm tâm, rồi lên đường thăm Chùa Viêt Nam của Thầy Huyền Diệu, ngôi chùa rất đẹp, hai tầng, hoà hợp với thiên nhiên và núi rừng hùng vĩ, phía dưới có chim hồng hạc như trong tác phẩm “Khi hồng hạc bay về”, thật tán thán công đức Thầy nhẫn nại xây ngôi chùa Việt Nam tại nơi đây, không những thế Thầy còn khuyến khích các dân tộc khác xây những ngôi thiền tự đặc thù của mỗi quốc gia. Thầy chia sẻ những khó khăn ban đầu khi mới đến định cư cũng như vấn đề an ninh hiện nay tại địa phương, Thầy gởi tặng đoàn tác phẩm thầy vừa xuất bản "Lòng tri ân, sức mạnh và mầu nhiệm". Khi về Thầy nhắn tại đây còn thiếu chùa của Hoa kỳ và Úc Châu, phật tử tại hai quốc gia này cố gắng vận động xây cất thêm chùa tại đây.

Sau khi cúng dường chùa, đoàn lên đường thăm Cô Nhi viện Linh Sơn do Thầy Linh Quang sáng lập và trụ trì, nhưng sau một tai nạn Thầy đã mất đi đôi cánh tay nên giao lại Thầy Trí Không cai quản.

Đoàn đến đây khoảng 9g30 sáng, trước cổng chùa rất nhiều người chờ đợi để được phát gạo, nghe nói nhiều người đã đi bộ hơn 17 cây số. Các trẻ em bao quanh chú Thiện Hưng và cô Mỹ Hạnh để được chụp hình, nhìn chúng thật hồn nhiên. Thầy Linh Quang ngỏ lời cảm ơn phái đoàn hành hương cũng như đã đảnh lễ tạ ơn Thầy Nguyên Tạng đã quyên một số tiền hơn 20.000 đô la, giúp đỡ chi phí chữa bệnh trong lúc Thầy gặp nạn, rất là cảm động. Thầy không thối chí với công việc xã hội đang làm, thầy bảo tất cả đều do nghiệp mà thôi, nhiều Phật tử rất muốn ở lại phát tâm lo việc điều hành tại đây.

Trong cô nhi viện có nhiều lớp học, các cô giáo tận tình dạy học, được biết các cô giáo được phát lương để dạy dỗ các em. Đoàn chụp hình lưu niệm với Thầy Linh Quang, các cô giáo và các em, nhìn Thầy phút chót đoàn cứ bịn rịn chân không muốn bước.

10g45 đoàn lên xe về lại biên giới Nepal-Ấn Độ, trở lại đoạn đường dài 70 km đoàn đã đi qua ngày hôm qua.

Trên đường về thăm kỳ viên Cấp Cô Độc, trên xe bus số một, đoàn được nghe Sư cô Tâm Vân giảng về chữ duyên, Đức Thế Tôn khi còn tại thế đã độ rất nhiều vị, nhưng không độ được phu nhân của ông Cấp Cô Độc, nhưng lạ thay Ngài Lâu Hầu La thuở ấy là một chú bé, qua những lời lẻ ngây thơ đã giúp cho bà chứng ngộ, Đức Phật đã dùng nhãn thông xem lại a tăng kỳ kiếp trước, bà và ngài Lâu Hầu La có liên hệ mẹ con, thật đúng là:

“Có duyên ngàn dặm vẫn rằng,

Vô duyên đối diện mà lòng vẫn xa”.

Hôm nay Sư cô dạy đoàn hát bản “Phật đang trong ta”và đoàn tập lại bản “Trầm hương đốt” và dùng cơm trưa trên xe.

2:00 trưa đoàn khởi hành đến thăm xá lợi Phật ở Xá Vệ Thành, đây là một trong những nơi thờ xá lợi Phật, ngày trước khi quân Hồi xâm lấn, hủy diệt thánh tích, các người dân trong vùng vội xây tháp để dấu bảo tháp, cho nên ngày nay chỉ còn là một bảo tháp màu đỏ pha mầu đen đậm, hình vuông đỉnh nhọn bề chu vi hơn 40 m , đoàn đi kinh hành rồi kính lạy bảo tháp. Tiếc thay còn năm nơi khác có bảo tháp thờ xá lợi Phật, ngày nay không biết nơi đâu vì năm xưa quân Hồi đã hủy diệt không để lại dấu tích. Cầu mong sao các nhà khảo cứu sẽ có đủ cơ duyên tìm lại thánh tích cũ.

3g30 trưa đoàn lên xe về khách sạn, đường đi rất xa mãi đến 6g30 chiều đoàn mới đến, dùng tối và nghỉ đêm.

Ngày 11—thứ sáu 14-11-2008. Savasthi

Đoàn thức chúng lúc 7g sáng, dùng điểm tâm, lên đường viếng thăm vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc cách khách sạn không xa, nằm trong vùng Balrampur. Đây là vườn hoa “Tấc Đất-Tấc Vàng”mà ngày xưa ngài Cấp Cô Độc đã mua khu vườn thượng uyển của Thái Tử Kỳ Đà để dâng cúng Phật, Thái tử Kỳ Đà ra giá một tấc đất là một tấc vàng, nhưng không ngờ Tỉ phú Cấp Cô Độc hôm sau đã mang vàng đến lót khu vườn, cảm động trước lòng thành đó, Thái tử Kỳ Đà đã bán đất và cúng dường cây cối trong vườn cho Phật để làm tịnh xá tu tập.

9:30sáng đến nơi, từ ngoài cổng đã thoáng mùi hoa thơm, thấp thoáng đoàn tăng sĩ Tích Lan đến đây thiền định từ bao giờ. Đoàn đi kinh hành từ cổng vào, lối vào nơi Đức Thế Tôn thuyết pháp ngày trước rất sạch sẽ, cây cối cao lớn xum xê, không khí mát mẻ, cũng như những phế tích khác ngày nay tuy chỉ còn là những nền gạch, nhưng nơi đây có vẻ được bảo tồn nên cảnh vật chung quanh khá nghiêm trang hơn nhiều so với những nơi đã đi qua.

Đoàn đến tòa sảnh chánh, nơi năm xưa Đức Thế Tôn giảng kinh A Di Đà, nơi đây nhóm tăng đoàn Tích lan đến trước vào sáng sớm đã trải hoa Hồng và Vạn Thọ trên khắp lối đi, thơm ngát và linh thiêng vô cùng. Hoa vạn thọ màu vàng tượng trưng cho trí tuệ, giác ngộ. Rất may như lần trước ở núi Linh Thứu, đoàn được quỳ trên khu đất trống tụng bài kinh tán thán công Đức Phật A Di Đà, tại đây, đoàn có thể nhìn thấy toàn diện khu vườn rất to, không khác gì Đại Học Na Lan Đà, cây cối cao mát. Ngày nay, nhiều năm sau sự tàn phá của quân Hồi, cảnh vật quanh khu vườn vẫn còn mát mẻ, cây cỏ xanh tươi, có lẽ đó là lý do mà Đức Thích Ca ngày xưa đã trải qua rất nhiều mùa an cư kiết hạ tại đây.

Tại đây Phật tử Minh Hoà Texas, Hoa kỳ, đã ngất đi vì mệt, sau này hỏi lại bác cho biết, lúc đầu bác có ý định sau khi về lại Tân Đề Li sẽ trở về Mỹ, nhưng cuối cùng bác nhất quyết tiếp tục cuộc hành trình chiêm bái với phái đoàn.

Trên đường ra lại cổng đoàn ghé thăm cây Bồ Đề Anan, đây là cây Bồ Đề lấy gốc từ Bồ Đề Đạo Tràng, nhìn thấy cây Bồ Đề như thấy Phật. Ngày trước rất nhiều cây Bồ Đề tại Ấn Độ được lấy giống sang Tích Lan trồng, sau những năm bị quân Hồi tàn phá, rất nhiều cây bị diệt, rất may còn giống tại Tích lan nên sau đó được mang trở về nước Ấn Độ trồng lại.

Như vậy phái đoàn đã có duyên may chiêm bái với nhiều cây Bồ Đề ở các nơi như: Bồ đề Đạo Tràng, Vườn Lâm Tì Ni, Vườn hoa Cấp Cô Độc.

10g10 đoàn lên xe thăm bảo tháp tưởng niệm ngài Cấp Cô Độc và Ngài Vô Não (Angulimala) cách đó không xa, Ngài Vô Não hay còn gọi là người đeo vòng ngón tay, trước kia Ngài là con trai một cư sĩ giòng Bà La Môn, nhưng vì hiểu lầm giữa thầy trò trong khi tu tập, nên người thầy đã ra lệnh cho Angulimala phải chặt 1000 ngón tay cái để trả học phí, khi chặt đến ngón 999, và nạn nhân kế tiếp sẽ là người Mẹ, vì thế Đức Phật nhìn thấy nghiệp chướng Angulimala sắp gieo nên đã giáo hóa để Ngài buông gươm. Trong tiến trình tu tập sau đó, theo lời chỉ dẫn của Đức Phật, Angulimala đã giúp một phụ nữ trong cơn đau lúc lâm bồn, được mẹ tròn con vuông.

11g30 đoàn về đến “Buddha Airport” nơi năm xưa Đức Phật đằng vân lên cõi trời Đao Lợi thuyết kinh Địa Tạng, đường lên tuy khó nhưng không khó hơn so với lần lên núi Linh Thứu, lên đỉnh núi nhìn xuống thấy cả thành phố, đoàn chụp hình lưu niệm.

Hôm nay là ngày cuối cùng chiêm bái các Phật tích, đoàn đã thăm viếng đủ tứ động tâm, thời gian qua nhanh như tên bay, gần hai mươi ngày đã trôi qua và chuyến hành hương Phật tích gần như đã hoàn tất, với tấm lòng mãn nguyện. Đoàn được đi kinh hành trên những con đường ngày xưa Phật đã đi qua. Trung bình mỗi ngày đoàn di chuyển bằng xe bus ít nhất là 3 tiếng và có ngày hơn 10 tiếng, tuy mệt vì ngồi lâu, nhưng mọi người rất là hoan hỉ, nhìn lại đoạn đường đã đi qua, có ai ngờ rằng cách đây hơn 2,550 năm Đức Thích Ca Mâu Ni, một vị vương tử đã bỏ tất cả giàu sang, phú quý cùng các tăng sĩ đã đi bộ hơn 4,000 cây số để hoằng pháp, giáo độ chúng sanh. Tăng đoàn đã từng thử thách với mưa, nắng bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông thì lẽ nào chúng sanh ngày nay với phương tiện di chuyển khá dễ dàng hơn lại than thở

Qua đất nước Ấn Độ rồi, chúng tôi chợt hiểu thêm, vì cớ gì mà Đức Thích Ca lại chọn nơi đây, tái sanh kiếp làm người cuối cùng, có lẽ để xoa dịu và giáo hóa người Ấn thời bấy giờ, một trong những nước đông dân cư nhưng rất nghèo khổ, phân chia giai cấp, giàu nghèo quá chênh lệch, về tâm linh lại cuồng tín hay có nhiều mê tín dị đoan, về vị trí địa lý lại không được thiên nhiên ưu đãi, nên lụt lội, mất mùa hàng năm.

Nhìn ngôi chùa Ấn Độ Giáo đền Taj Maihal, và những đền đài thờ các thần linh khác, tráng lệ nguy nga, được bảo tồn, tu sửa. Trong khi hằng năm nguồn thu lợi từ các khách thập phương đến thăm di tích Phật ngày càng gia tăng, nhưng các thánh tích vẫn không được bảo tồn đúng mức, đây là điều ngậm ngùi, ưu tư, nhưng không vì thế mà có thể làm thối chí người con Phật. May mắn thay, tại các nước Á châu như Thái Lan, Nhật bản, Đài Loan, … đạo Phật đang trên đà phát triển hưng thịnh. Riêng tại các nước Tây Phương đang thu hút rất nhiều giới học giả, thượng lưu, trí thức, …, vì họ cho rằng chỉ có đạo Phật mới có thể giúp họ an nhiên tự tại, giảm đi áp lực trong cuộc sống hàng ngày.

Đoàn sẽ tiếp tục cuộc hành trình về hướng Bắc thăm thủ phủ lưu vong Dharamsala, nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma đang cư ngụ.

2:00 giờ dùng trưa tại nhà hàng, phía trước tiệm có nhiều em bé, mặc quốc phục, múa ca, những động tác rất dẻo, điêu luyện, sau đó đoàn tiếp tục lên xe về Lucknow, trên xe ông Sonam, em họ của ông Wong, cũng là một Phật tử , ông làm tour guide ở các vùng núi, khách của ông là người Âu Châu, ông cho biết ông rất vui và hoan hỉ khi tháp tùng với đoàn, vì đây là lần đầu ông chính mắt thấy và biết đến thánh tích, cá nhân ông cám ơn đoàn cho ông cơ hội chia sẻ những giây phút linh thiêng, thế mới biết việc thăm chiêm bái thánh tích không dễ mặc dầu đó là người địa phương.

7:30g chiều đến Lucknow rồi, nhìn thấy dân sống có vẻ văn minh hơn, thấy nhiều nhà thương, nhưng trước cổng những nhà thương đó là những đống rác khổng lồ. Đoàn dùng tối nghỉ đêm tại khách sạn La Palace Park Inn và Sagar International, khách sạn tại đây tương đối rất sạch so với với những nơi đã qua, một số phật tử sau khi ăn tối đi shopping về bảo rằng đồ đạc khá mắc.

Ngày 12—thứ bảy 15-11-08Lucknow-Agra.

Đoàn thức chúng lúc 7giờ sáng dùng điểm tâm rồi lên đường, đường về Agra đường xá khá hơn, nếp sống người dân hình như văn minh hơn, họ trồng nhiều cải xanh để làm Mustard, đu đủ, tuy nhiên đất đai không phì nhiêu so với Bihar.

Đoàn dùng trưa trên xe, hôm nay đường đi khá thuận tiện, nên đến Agra khá sớm lúc 4g chiều. Đoàn xe bus số 1 vẫn còn tụng kinh A Di Đà buổi chiều, nên ở lại trên xe cho đến lúc hoàn kinh và vào khách sạn nhận phòng.

Tại khách sạn Holidays Inn bán rất nhiều qùa lưu niệm, quốc phục Ấn, giá phải chăng nên tha hồ cho đoàn mua sắm.

7g30 trưa dùng tối, nghỉ đêm.

Ngày 13—Chủ Nhật 16-11-2008

Đoàn thức chúng lúc 7giờ sáng, 9:00 giờ thăm Đền Taj Mahal, kỳ quan thế gìới, xây bằng cẩm thạch trắng, do ông vua Mughal xây thế kỷ 18, để tưởng nhớ hoàng hậu Multaz, nếu hỏi cảm tường cá nhân tôi, thì mặc dầu đây là kỳ quan thế giới, người Ấn rất tự hào về dinh thự này, nhưng không gây cho tôi một cảm xúc hay ấn tượng nào. Có chăng là lòng thương xót người dân điạ phương đã bỏ bao công sức xây cất ngôi đền thờ, cuối cùng chỉ để lại hai quan tài cho du khách ngắm, thậm chí nhiều người còn bỏ vào, lớp lưới bao bọc trên quan tài, vài tờ giấy bạc. Nếu ông vua Mughal thương dân, ái quốc, dùng đồng tiền và sức lao động của người dân để xây cất trường học, có lẽ phần nào đó người dân đã khá hơn.

12:30 thăm Agra Fort, một lâu đài khác xây bằng đá đỏ, cách đền Taj Mahal không xa, có lẽ đây là nghiệp báo, nên sau khi xây xong đền Taj Mahal, Vua muốn xây thêm một hoàng cung khác lưu niệm lại triều đại ông sau này, nhưng vì xài ngân quỹ quốc gia quá mức, nên vua đã bị người con trai bắt giam, những năm tháng cuối cùng, hằng ngày bên song cửa ngóng trông về đền Taj Mahal, mong nhìn lại người vợ lần cuối, nhưng tất cả là hoài vọng…

Trong thời gian này Thầy trưởng đoàn ở lại khách sạn, đề upload hình ảnh phái đoàn đã chụp những ngày qua để người thân của phái đoàn và độc giả gần xa tiện theo dõi bước chân của đoàn, nghe Thầy kể hôm nay Thầy gặp một ông già đạp xe thồ giúp Thầy trong việc di chuyển, Thầy hỏi thăm mức sinh hoạt của ông ra sao? Ông cho biết rất khó khăn, Ông quá nghèo không sắm nổi được chiếc thồ với hơn 4,000 Rubees tức không đến 100 dollar Mỹ, phải mướn mỗi ngày để chạy kiếm cơm với giá là 200 Rubees, có ngày chạy không đủ tiền để trả tiền thuê xe, lấy đâu để nuôi sống bản thân và gia đình, thấy thế Thầy đã tặng cho ông món tiền trên để ông mua hẳn chiếc xe, ông già vui sướng nhận được món quà bất ngờ này từ một người xa lạ, hy vọng đời sống của ông sẽ khá hơn khi có được chiếc xe sở hữu của riêng ông.

Chúng tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu là cảnh thương tâm trên miền Bắc Ấn, không hiểu chính quyền Ấn sẽ làm sao giải quyết được bài toán khó khăn này, thế mới biết đoàn có nhiều phước báu, đang sống trong cõi quá đầy đủ từ thức ăn, phương tiện, xin hãy quý từng miếng ăn,

Nghe phật tử Quảng Hương ở Nam Cali tâm sự, sau chuyến đi này, cô sẽ khuyến khích các người thân trong gia đình hành hương đất Phật, theo cô đường đi tuy khó khăn, nhưng đó không là lý do cản trở người tu.

3:00g trưa dùng cơm ở Sabate Kusushetre, rồi lên dường về Sunrajkund. Nhiều quãng đường đang được tu bổ lại, chỗ nào do người Trung Quốc làm, thì có vẻ tiến bộ hơn, xử dụng xe ủi đất, quãng đường nào người Ấn làm vẫn còn dùng tay, búa phá đường. Người Ấn làm việc rất chậm chạp, chỉ công việc thu thuế di chuyển qua các thị trấn, đã mất hơn một tiếng, trời rất tối, đường đang sửa sang, xe bus số một lạc đường nên đến gần 9g30 tối mới đến nơi ăn tối, các bác lớn tuổi đã khá mệt, Thầy trưởng đoàn vẫn còn ngồi tại vườn ăn để chờ.

Đoàn về đến khách sạn Rajhans và nhận phòng gần 11giờ khuya, tất cả đều thấm mệt, bên trong vườn khách sạn có một đám cưới, tiếng hát cười rộn rã đến khuya.

Ngày 14—Thứ Hai 17-11-2008Surajkund-Chandigarh.

Đoàn thức chúng lúc 6 giờ sáng, điểm tâm và dùng trưa trên xe, để tranh thủ về đến Chandigarth trước giờ tối, thế là một ngày dài ngắm lối sinh hoạt của người địa phương. Nghe bác Vạn Hạnh, mẹ của anh phó nhòm Quảng Trí Thắng cho biết, đây là lần thứ hai bác về đây, nhưng lần trước không đủ duyên để đến Linh Thứu Sơn, lần này bác rất mãn nguyện, riêng anh Quảng Trí Thắng, đã làm tròn bổn phận người con hành hương chăm sóc Mẹ. 6g30 tối, đoàn về đến khách sạn nhận phòng rồi dùng cơm.

Ngày 15, thứ ba 18-11-08. Chadigarh-Dharamsala

Đoàn thức chúng lúc 6:00 giờ sáng, trời vẫn còn tối, hướng về Dharamsala, đường đi càng lúc càng khó khăn, chật hẹp và quá nhiều ổ gà, đất khô cằn, đường lên núi cao càng lúc càng lạnh, áp suất cao nên lỗ tai bị lùng bùng, trên đường đi rất nhiều khỉ, chúng rất nhỏ con, như con mèo tại Úc, khỉ mẹ ôm và bắt chí cho con thấy rất dễ thương, nhìn người địa phương như sống gần với thiên nhiên, làm tôi nhớ đến dân tộc thiểu số ở Đalat.

2g15 dùng trưa tại nhà hàng, nhiều Phật tử thấm mệt, vì đường đi lên núi cao, ù tai. Thầy trưởng đoàn khuyên Phật tử nếu ai sợ cảnh núi đồi, xe chạy san sát nhau thì đừng nhìn bên ngoài, nên tịnh tâm niệm Phật.

3:00 g trưa tiếp tục lên đường, phải tranh thủ lên đỉnh núi trước khi trời tối, phong cảnh bây giờ thật đẹp, trời khá lạnh, rừng đầy thông như ở Đà Lạt nhưng hùng vĩ hơn nhiều, dãy núi Huy Mã Lạp Sơn với tuyết phủ trắng bắt đầu lộ diện, tất cả hòa vào tạo thành một bức tranh sống động. Lên đây rồi tưởng như cõi thiên thai, quên đi sầu muộn cõi trần, thích hợp cho người tu tập.

Người dân địa phương tại Dharamsala buôn bán nhộn nhịp, nhưng không inh ỏi, xô bồ như các nơi đã qua, quang cảnh có vẻ ít ăn mày hơn, trẻ em thấy đoàn xe chạy ngang giơ tay chào đón. 5g30 chiều hoàng hôn buông xuống rất nhanh, cảnh mặt trời lặn đẹp quá, đoàn đã lên đến đỉnh núi, nhìn xuống thung lũng, sương bắt đầu giăng, làm tôi lại càng nhớ đến thành phố sương mù Dalat nơi tôi lớn lên.

Chuyến xe bus số 1 vì lớn quá không thể tiếp tục di chuyển, nên phải đậu lại, chờ xe nhỏ trong khách sạn ra đón, Phật tử trong xe, vui cười bảo nhau là xe số “một” đúng ra phải về trước, nhưng lần nào cũng gặp trục trặc về chót!!

7:00 tối đoàn về đến khách sạn, vì qúa đông nên đoàn chia ra ở ba khách sạn cách nhau không xa đi bộ được, 7g30 dùng cơm tối chung, trong nhà hàng khách hành hương có dịp ngắm nhìn cảnh thị trấn dưới ánh đèn đêm thật đẹp.

Từ Delhi lên đây khó khăn phải mất hai ngày ngồi xe, thế mới biết Đức Đạt Lai Lạt Ma tuổi cao, sức yếu Ngài không ngại đường xa trong công cuộc hoằng pháp. Đoàn sẽ ở lại đây ba ngày.

Đến đây nhật ký những ngày còn lại của đoàn tại Dharamsala sẽ do chú Tâm Quảng-Canada, những ngày ở Đài loan sẽ do chú Trí Viên-Hoa kỳ, những cây viết xúc tích tiếp tục ghi chép, cám ơn và tán thán công đức hai chú. Cám ơn Anh Tony rất nhẫn nại, hòa nhã sắp xếp mọi việc trong suốt cuộc hành trình, các phật tử trong đoàn và người bạn thân ở Sydney đã phụ tôi rất nhiều trong lối hành văn, chính tả.

Nhất là xin cám ơn Thầy Thích Nguyên Tạng đã khuyến khích tôi cố gắng hành hương xứ phật, nay ước nguyện đã hoàn mãn, xin nhắn đến những ai muốn, nhưng hãy còn ngần ngại, hãy phát tâm, Phật sẽ độ, mộng sẽ thành. Xin hồi hướng công đức đến tất cả chúng sanh, nhất là người dân Ấn Độ bớt nghèo khổ.

Hè, Melboure 2008

Như Hoàng Thiện Thành.


Nhật ký tại Dharamsala (do Đạo hữu Tâm Quảng ghi chép)

Thứ Tư,ngày 19 tháng 11 năm 2008

Như vậy chúng tôi đã qua một đêm đầu tiên tại Dharamsala. Khác với những đêm ở các thành phố, thị trấn khác ở Ấn Độ, đêm ở Dharamsala yên tỉnh khác thường. Ở các nơi khác những sinh hoạt đời thường cùng với tiếng xe cộ tạo nên một âm thanh rầm rì liên tục suốt ngày đêm, nhưng ở Dharamsala, ban đêm có một sự yên lặng đặc biệt của những vùng cao tách biệt với những đô hội, làm tôi nhớ lại những đêm Đà Lạt trong những năm 60-70 của thế kỷ trước khi cuộc sống không đến nổi xô bồ quá như hiện nay.

Buổi sáng đầu tiên tại Dharamsala, một buổi sáng tuyệt vời. Khí hậu mát lạnh cho ta một cảm giác sảng khoái. Sương mù bao quanh thị trấn, thông nơi đây đẹp quá, xanh tươi và cao lớn hơn nhiều so với thông Đàlạt, vì độ khá cao hơn mặt biển. Lắng nghe tiếng chim hót, một điều khó có được ở những nơi đoàn đã đi qua ngoại trừ ở Bồ Đề Đạo Tràng. Phía bên kia sườn đồi nắng lên rực rỡ, những ngôi nhà nhiều tầng, nhà này như sắp lên phía trên nhà khác, một quang cảnh thường thấy ở những vùng cao.

Phía xa ở một hướng khác là dãy Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ.

9 giờ, ăn sáng xong, mọi người có khoảng thời gian tự do cho đến 12:30 PM trong khi Thầy trưởng đoàn và anh Tony có hẹn đi làm việc với văn phòng của Đức Đạt Lai Lạt Ma để xác định lại buổi Ngài tiếp kiến đoàn dự định vào ngày mai. Những người khác trong đoàn hoặc đi shopping, hoặc đi du ngoạn, hoặc đi tìm hiểu cuộc sống của người Tây Tạng lưu vong ở đây.

Đường phố ở đây chật hẹp nhưng tương đối sạch sẽ hơn đường phố ở các nơi khác của Ấn Độ. Nơi đây cũng rất hiếm thấy những người hành khất, nếu có thì là ngưới Ấn, người Tây Tạng trong thời kỳ lưu vong họ cố gắng khắc phục khó khăn của đời sống. Những người bán hàng trong khi chờ đợi khách hàng vẫn liên tục lần tràng hạt và miệng không ngớt tụng kinh, niệm Phật, nét mặt an hòa, họ thường nói đúng giá hoặc đôi khi cao hơn một chút, khác hẳn cách nói thách của người Ấn. Hầu như cửa tiệm bán hàng dù lớn nhỏ, hay một sạp bán đồ lưu niệm bên dường đều thờ hình của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Học sinh ở đây mặc đồng phục khá tươm tất. Trên đường người ta thấy bóng dáng quen thuộc của nhiều nhà sư Tây Tạng, Nói chung đời sống rất hiền hòa, cảnh vật, khí hậu rất lý tưởng cho người tu học.

Hàng quán bán rau quả, thực phẩm và đồ lưu niệm cũng giống như các hàng quán ở những nơi khác của Ấn Độ. Nhìn các cửa hàng bán rau quả và các loại đậu, người ta có thể nghĩ rằng dân chúng ở đây có thể tự túc về lương thực, thực phẩm. Sữa dê là một trong những món đặc sản địa phương. Ở phía xa một con đường chính ở Dharamsala một đoàn người sắp hàng dài với những bình gaz để chờ mua gaz trong trật tự và yên lặng. Ở những nơi khác, người ta chất cát, đá trên lưng những con lừa và thả cho chúng tự chuyển đến nơi mà chúng đã quen đường đi nước bước. Có một điều thú vị là ở đây đôi khi khách hành hương có thể gặp vài em bé dưới 10 tuổi người Tây phương. Các em bé này trông rất hạnh phúc và hòa nhập với cuộc sống ở một vùng xa xôi không có những tiện nghi mà các em có ở đất nước của các em. Người ta có thể đoán chừng các em là con cái của những thiện nguyện viên người Tây phương đến đây làm việc trong một thời gian nào đó.

12:30 PM, Thầy trưởng đoàn và anh Tony trở về. Sau buổi ăn trưa chung toàn đoàn, Thầy trưởng đoàn thông báo một số thông tin và công tác Phật sự. Thầy cho biết hôm nay là ngày lễ của Phật giáo, là ngày Đức Thế Tôn Đằng Vân lên cõi trời Đao Lợi thuyết Pháp cho Thân Mẫu của ngài là Hoàng Hậu Maya, cho nên văn phòng của Đức Đạt Lai Lạt Ma không làm việc. Họ hẹn với Thầy ngày mai sẽ làm việc với Thầy. Hôm nay, các vị tu sĩ Tây Tạng tại chùa của Đức Đạt Lai Lạt Ma tụng kinh cầu an cho Ngài. Như vậy, ngày mai Thầy sẽ đi làm việc tại văn phòng của Đức Đạt Lai Lạt Ma, trong khi đó anh Tony sẽ dẫn đoàn đến chùa của Ngài. Chiều mai, có thể đoàn sẽ được Đức Karmapa tiếp kiến và sáng mốt hy vọng sẽ được gặp Đức Đạt lai Lạt Ma.

Thầy cũng cho biết dưới sự hướng dẫn của Thầy, đoàn hành hương lần này đã chuẩn bị trên 11,000 Mỹ kim để cúng dường Đức Lạt Lai Lạt Ma. Con số chính xác cuối cùng và chi tiết sẽ được Thầy thông báo sau trên trang web của trang nhà www.quangduc.com.

Chiều nay, đoàn tiếp tục sinh hoạt tự do. Cảnh trí ở Dharamsala rất đẹp. Một số phật tử viếng thăm ngôi chùa Tây tạng, nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma đang cư ngụ. Đi bộ từ khách sạn khoảng mười phút. Nếu muốn khách hành hương có thể nhờ tiếp tân của khách sạn gọi taxi đưa khách đi viếng những cảnh đẹp ở đây. Một chiếc taxi có thể chở 4 người và tài xế đưa khách đi viếng cảnh trong vòng 3 tiếng đồng hồ với giá 500 rupi. Tại Dharamsala có một cảnh đẹp tuyệt vời mà khách hành hương không thể nào bỏ qua được, đó là cảnh mặt trời lặn ở dãy Hy Mã Lạp Sơn.

Cảm tưởng chung sau ngày đầu tiên ở đây, Dharamsala còn nghèo nàn nhưng không quá lạc hậu và đây là một xứ sở thanh bình, mặc dù trên bình diện chính trị của toàn bộ nước Tây Tạng, đất nước này còn chịu những áp lực vô cùng nặng nề của đảng cộng sản và nhà cầm quyền Trung Cộng muốn đồng hóa dân tộc và tiêu diệt nền văn hóa, tín ngưỡng của người Tây Tạng cho dù âm mưu của Trung Cộng bị cả Thế giới phản đối. Trong những lần thăm viếng các quốc gia tự do, Đức Đạt Lai Lạt Ma luôn đề cập về mối quan tâm này. Trong thời gian chúng tôi ở thị trấn lưu vong này, Ngài đã có nhiều buổi họp với nội các, sau đó với nhà nước Trung Cộng, tiếc thay đến nay sau tám lần thương thuyết tất cả như bế tắc. Theo báo chí, tin tức “Tibetan exiles fail to reach homeland solution”.

Thứ năm, Ngày 20 tháng 11 năm 2008

Ngày thứ hai tại Dharamsala. Bắt đầu một ngày mới!

Sáng nay nhân viên khách sạn đã gọi điện thoại thức chúng lúc 6 giờ sáng thay vì 7 giờ. Điều đáng nói là không ai than phiền về điều này. Đó là một nét tiến bộ trong thời gian tu tập kể từ ngày đầu chuyến hành hương.

Bác sĩ Nguyên Đức có một bệnh nhân mới đến khai bệnh trước giờ ăn sáng! May mắn cho đoàn có BS Nguyên Đức, người đã từng tham dự chuyến hành hương chiêm bái Tứ Đại Danh Sơn Trung Quốc với Thầy Trưởng Đoàn năm 2007, nên đã rút nhiều kinh nghiệm trong việc chữa bệnh cho phái đoàn, lần này bác sĩ đã mang theo đầy đủ các loại thuốc để điều trị bệnh nhân với những bệnh thường gặp (nhức đầu, đau bụng, ho…) trong các chuyến hành hương dài ngày như thế này.

Theo chương trình, Thầy trưởng đoàn đi làm việc với văn phòng Đức Đạt Lai Lạt Ma và anh Tony sẽ hướng dẫn đoàn, nhưng Thầy cũng đã tranh thủ làm việc xong với văn phòng Đức Đạt Lai Lạt Ma và hướng dẫn đoàn đến đảnh lễ Đức Karmapa thứ 17 tức “the 17thGyalwang Karmapa.” Trước khi lên đường mỗi người trong đoàn được phát tặng một chiếc khăn trắng Katag để Đức Karmapa làm phép chúc phúc.

Vì đường đi hẹp và xấu nên anh Tony đã thuê khoảng 20 chiếc taxi, mỗi chiếc chở 4 hoặc 8 người. Xe bắt đầu lăn bánh lúc 9:30 AM. Đường đi quanh co khúc khuỷu, chật hẹp và rất dốc nhưng đoàn cũng đã đến nơi an toàn và đúng giờ. Trên đường đi, chúng tôi thấy dân chúng xếp hàng dài, nhiều người cầm những chiếc khăn trắng Katag để cung nghinh chào mừng Đức Đạt Lại Lạt Ma hôm nay xuống lưng chừng núi để chủ trì một cuộc họp đặc biệt của người chính quyền lưu vong Tây Tạng.

Nơi cư ngụ của Đức Karmapa là một trong những trung tâm đào tạo tăng sĩ lớn nhất của người Tây Tạng, đây là một Phật Học Viện của PG Tây Tạng, hiện có khoảng 500 vị Tăng sĩ Tây Tạng sinh hoạt và tu học ở đây.

Đoàn được văn phòng Đức Karmapa tiếp đón chu đáo. Sau một tuần trà và bánh ngọt, mọi người được hướng dẫn vào chánh điện sắp xếp chỗ ngồi trước khi Đức Karmapa tiếp đoàn. Vì vấn đề bảo vệ an ninh tại đây cũng rất gắt gao, nên không được chụp hình hay mang vật cá nhân vào trong chánh điện.

Đúng 11:00 am, Đức Karmapa quang lâm chánh điện. Sau khi Ngài an tọa, Thầy trưởng đoàn tác bạch nhân duyên đoàn đến đảnh lễ Ngài. Thầy hướng dẫn đại chúng đảnh lễ Ngài ba lạy và tụng bài kinh Hồi Hướng. Đức Karmapa bày tỏ Ngài rất hoan hỷ tiếp đoàn Phật tử Việt Nam từ các nước Úc, Mỹ, Canada, Việt Nam đến Dharamsala. Ngài cho biết Ngài rất quan tâm đến truyền thống Phật giáo, triết học và văn học Việt Nam và hy vọng sẽ phát triển sự quan hệ giữa Phật giáo Tây Tạng và Việt Nam trong thời gian tới. Đức Karmapa đã ban tặng cho mỗi người trong đoàn một bì thư, trong đó có 3 bì thư nhỏ màu trắng, vàng và xanh lá cây. Một bì thư nhỏ đựng những viên thuốc điều chế theo y học Tây Tạng mà Ngài đã chú nguyện.

Sau khi đoàn đảnh lễ, một nhóm phóng viên người Âu Châu cũng đến phỏng vấn Ngài về tình hình thương thảo giữa Tây Tạng và Trung Quốc, chúng tôi gặp những người phật tử gốc Thụy Sĩ đến đảnh lễ Ngài. Họ tu rất thành tâm, tha thiết khi diện kiến với vị Phật sống thứ hai này (Phật sống thứ nhất theo người Tây Tạng là Đức Đạt Lai Lạt Ma). Khi hỏi thêm về tiền kiếp Ngài, họ bảo rất linh thiêng và mầu nhiệm. Quá trình tìm kiếm hiện thân Ngài không khác gì các Đức Đạt Lai Lạt Ma khác. Vì thời gian không có nhiều để trao đổi nên họ bảo chúng tôi nên lên mạng (http://www.dalai-lama-dharma-dharamsala-miniguide.com/karmapa.html.) nghiên cứu để biết thêm về Ngài. Sau đó đoàn được chụp hình lưu niệm với Ngài.

Buổi tiếp kiến của Đức Karmapa hoàn mãn, đoàn lên xe ra về và đến khách sạn lúc 1:00 PM.Sau bửa cơm trưa, Thầy trưởng đoàn chia sẻ với đại chúng một số điều về Đức Karmapa thứ 17.

Đức Karmapasinh năm 1985 và là người lãnh đạo đứng hàng thứ ba về thế quyền và giáo quyền của người dân Tây Tạng sau Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài là một người rất thông tuệ. Tuy mới 23 tuổi, nhưng những buổi giảng của Ngài quy tụ trên hai mươi ngàn người đến nghe và mỗi khóa giảng kéo dài hơn 1 tháng. Tháng 6 năm 1992 Đức Đạt Lai Lạt Ma đã làm lễ chứnh minh ngài là vị Lạt Ma thứ 17. Năm 2002 tờ báo “Time Asia” chọn Ngài là một nhà anh hùng của Á Châu khi ngài trốn thoát ra khỏi Tây Tạng dưới sự kiểm soát gắt gao của Trung Hoa. Theo gót Đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngài Karmapa bắt đầu những cuộc hoằng pháp tại Hoa kỳ vào tháng 5, 6 mỗi năm.

Đoàn được anh Tony tặng cho một tấm hình nhỏ của Ngài Karmapa

Buổi chiều, mọi người được tự do đi shopping hay du ngoạn trong vùng đồi núi Hy Mã Lạp Sơn.

Buổi tối đoàn ăn cơm chung 7 giờ chiều tại khách sạn số 1.

Mọi người hoan hỷ, một ngày khác đã trôi qua êm đềm, trọn vẹn trên Thánh Địa Dharamsala.

Thứ sáu, 21-11-2008

Hôm nay là một ngày trọng đại đối với đoàn: được vào đảnh lễ Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, vị Phật sống của dân tộc Tây Tạng.

Theo chương trình, 9 giờ sáng tất cả đoàn đã ăn mặc chỉnh tề để đi đến chùa của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhưng lịch trình có một chút thay đổi nên đến 10:45 AM đoàn hành hương mới bắt đầu đi thiền hành đến chùa Đức Đạt Lai Lạt Ma. 11:15 AM chúng tôi được kiểm tra về an ninh. Từ nhiều năm nay, Trung Cộng đã cho những đặc công giả dạng tu sĩ Phật Giáo Tây Tạng lẻn vào khu vực này để ám sát Đức Đạt Lai Lạt Ma. Mặc dù chúng không thành công trong âm mưu này nhưng chúng cũng đã sát hại vài vị Lạt Ma cao cấp của Tây Tạng, vì vậy việc kiểm tra an ninh rất cẩn thận. Với một đoàn gần 100 người, việc kiểm tra an ninh mất một tiếng đồng hồ mới xong. Chúng tôi được đưa vào một hành lang rộng đủ cho một trăm người ngồi. 12:30 PM Đức Đạt Lai Lạt Ma xuất hiện hoàn toàn không có một nghi lễ nào cả, giản dị và chân tình như người nhà gặp người nhà, nụ cười hoan hỉ vui vẻ chào đón đoàn. Chúng tôi đứng dậy chào Ngài và Ngài ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống. Thầy trưởng đoàn tác bạch nhân duyên đoàn đến thăm Ngài, Thầy đại diện phái đoàn dâng lễ vật cúng dường bao gồm tập sách Sức Mạnh Lòng Từ (do Thầy soạn dịch) và số tịnh tài khoảng 13,000 Mỹ Kim. Mở đầu cho phần đáp từ của Ngài, Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi:

- Hầu hết các vị đều biết tiếng Anh phải không?

- Thưa vâng.

- Tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ của các vị, và cũng không phải là tiếng mẹ đẻ của tôi. Vậy một việc dễ dàng là chúng ta sẽ “chat” (trò chuyện) với nhau bằng “broken English” (thứ tiếng Anh không chuẩn.)

Lời nói đùa vui vẻ của Ngài làm cho không khí buổi gặp mặt bớt vẻ nghiêm trang và trở nên thân tình hơn. Ngài nói tiếp:

- Các vị là Phật tử phải không? Phật tử nghĩa là gì? Phật tử nghĩa là học trò của Phật. Tôi cũng là Phật tử, cũng là học trò của Phật. Vậy chúng ta là học trò của cùng một vị Thầy. Chúng ta học giáo lý của Phật. Trong giáo lý của Phật có một bài kinh quan trọng, đó là bài Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. Các vị có thuộc bài này không? Tôi muốn được các vị tụng cho tôi nghe bài kinh này bằng ngôn ngữ của quý vị.

Tâm Kinh Bát Nhã là bản kinh mỗi ngày trên xe chúng tôi thường tụng và chúng tôi cũng đã được thầy trưởng đoàn cho biết thế nào Ngài cũng bảo chúng tôi tụng bài này, cho nên sau khi Ngài yêu cầu và thầy trưởng đoàn xướng lên và đại chúng đã tụng bài kinh Bát Nhã Tâm Kinh rất nhịp nhàng. Nghe chúng tôi tụng bài kinh này một cách thông suốt với âm thanh trầm bổng của tiếng Việt, Đức Đạt Lai Lạt Ma tỏ vẻ hoan hỷ. Ngài nói tiếp rằng bản thân Ngài đã suốt đời học giáo lý của Phật từ lúc còn nhỏ, nhưng Ngài vẫn tiếp tục học kinh Phật bởi vì trong đó có nhiều ý nghĩa thâm sâu không thể suy nghĩ mà biết được. Ngài dạy rằng mỗi người chúng ta đều có tánh Phật, tánh Phật đó cũng ví như một cây hoa, muôn cây hoa có cành, có lá và trổ hoa, người trồng phải siêng năng chăm sóc, tưới nước, bón phân... cũng vậy người đệ tử Phật muồn cho Phật tánh được hiển lộ, phải siêng năng tu tập, thiền quán, niệm Phật, tụng Kinh, trì Chú, phải làm công việc đó mỗi ngày không dừng nghỉ, mới mong có ngày giải thoát và giác ngộ. Do vậy quý vị nhớ chăm sóc và tưới nước cho mãnh đất tâm của mình nhé.

Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng nhấn mạnh đến lời Phật dạy về lòng từ bi, rồi chia sẻ rằng Ngài rất thích đọc lịch sử Việt Nam, nhất là sự phát triển của Phật Giáo qua ngã Bắc tông.

Liên quan đến tình hình Tây Tạng hiện nay, Ngài nói: Các nhà cầm quyền Trung Hoa dùng cách thức chia để trị. Họ chia rẻ cha mẹ với con cái, anh với em, bạn bè với nhau. Bằng cách đó họ làm cho người dân sợ hãi và nhờ đó để thống trị người dân. Vậy chúng ta phải vượt lên trên nổi sợ hãi. Đó là đức tánh Vô Úy của những người con Phật.

Thầy Trưởng Đoàn hỏi Ngài đã từng thăm và thuyết giảng nhiều quốc gia trên thế giới, vậy Ngài có dự định viếng thămViệt Nam hay không? Ngài trả lời:Tôi rất muốn đến thăm Việt Nam, vì dân tộc Tây Tạng của chúng tôi mang ơn xứ sở của các vị. Tôi nhớ đầu năm 1959 khi người Tây Tạng đến Dharamsala tỵ nạn, chính người Việt Nam đã gởi ủy lạo chúng tôi gạo và quần áo. Tuy nhiên thời điểm hiện nay chưa thích hợp cho tôi đến thăm Việt Nam. Khi thời điểm thích hợp tôi sẽ lên đường ngay, nhớ mua vé máy bay cho tôi nhé. Theo tôi rất quan trọng là chúng ta cần cho mọi người trong nước biết về tự do ngôn luận, báo chí, và đặc biệt là quý vị đang sống xa quê mẹ, nên cố gắng gìn giữ ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam, tất cả những thứ này phải được bảo tồn trên xứ người.

Sau lời phát biểu của Đức Đạt Lai Lạt Ma, chúng tôi được mời ra sân để chụp ảnh chung với Ngài. Buổi tiếp kiến của Ngài Đạt Lai Lạt Ma chấm dứt lúc 1:00 PM. Phái đoàn hành hương hoan hỷ ra về lại khách sạn cách đó khoảng 7 phút đi bộ, mà trong lòng ai nấy đều hoan hỷ và quyến luyến buổi hội ngộ quý báu với bậc chân tu thạc đức, ai nấy đều muốn kéo dài thêm giây phút thiêng liêng đó để được nghe, được đứng gần, được nhìn Đức Phật Sống ở thế kỷ 21 này.

Buổi chiều, lúc 4:30 PM đoàn hành hương họp mặt tại khách sạn số 1. Đây là buổi họp mặt đầy đủ cuối cùng của đoàn bởi vì trong những ngày sắp tới, chương trình của đoàn sẽ rất sít sao, không còn thì giờ để họp mặt.

Mở đầu buổi họp là thời khóa “niệm Phật trên đất Phật”. Theo hướng dẫn của thầy trưởng đoàn, mọi người tuần tự niệm danh hiệu Phật để ghi lại trong băng và như vậy mỗi người sẽ được nghe tiếng niệm Phật của những người khác và của mình tại thánh địa Dharamsala. Thời khóa “niệm Phật trên đất Phật” (mời nghe mp3 ở đây) kéo dài đúng 1 tiếng đồng hồ.

Sau đó, thầy trưởng đoàn nói thêm một ít về Đức Đạt Lai Lạt Ma và tình hình nước Tây Tạng vào năm 1959. Thầy cho biết vào năm 1959, khi Trung Cộng xua quân vào Tây Tạng giết hại hàng triệu người Tây Tạng hiền lành vô tội thì không một nước nào kể cả Mỹ dám lên tiếng phản đối, ngoại trừ Miền Nam Việt Nam là nước duy nhất đã gởi lều bạt và gạo đến cứu trợ người Tây Tạng. Thầy cũng cho biết thêm rằng thủ tướng Ấn Độ Nehru lúc đầu không muốn cho Đức Đạt Lai Lạt Ma và 83,000 người Tây Tạng được tỵ nạn tại miền Bắc Ấn Độ, nhưng nhờ người con gái của thủ tướng Nehru là bà Indira Gandhi năn nỉ, thủ tướng Nehru mới đồng ý cho Đức Đạt Lai Lạt Ma tỵ nạn tại Dharamsala, một trại lính cũ của thực dân Anh bỏ lại tại một vùng đèo heo hút gió ở phía Bắc Ấn Độ.

Trong buổi gặp mặt này, thầy trưởng đoàn đã tán thán công đức của mọi người trong đoàn và các đại diện của Phật tử mỗi vùng cũng đã phát biểu cảm tưởng cùng lời cám ơn Thầy trưởng đoàn và đạo hữu Tony Thạch đã tổ chức chuyến hành hương nhiều lợi lạc này. Buổi họp mặt kết thúc lúc 7:30 PM.

Tối nay là đêm cuối cùng của đoàn tại Dharamsala. Sáng mai, đoàn sẽ phải dậy sớm từ lúc 3:00 sáng để chuyển hành lý lên xe xuống núi đi Chandigarh, một đoạn đường rất dài và khúc khuỷu, khó khăn cuối cùng trước khi về thủ đô New Delhi, kết thúc chuyến hành hương tại Ấn Độ. Khi nghĩ đến đoạn đường lại sắp phải đi, nghĩ đến Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phải ngồi hàng giờ trước khi về đến phi trường New Delhi, trong những chuyến hoằng pháp độ sinh khắp nơi trên thế giới, khi tuổi thọ của Ngài đã cao và sức khỏe của Ngài dạo này đã suy giảm, chúng tôi không ngăn được cảm giác ái ngại. Nguyện cầu những hoài bảo về đất nước Tây Tạng sớm thành tựu viên mãn.

Phần III – Nhật ký tại Đài Loan
(do Đạo hữu Trí Viên ghi chép)

Ngày Thứ Bảy 22 và Chủ-nhật 23 tháng 11, 2008:

Từ giã Dharamsala đoàn Hành Hương chúng tôi về Phi-Trường Delhi để đi Đài-Loan. Mặc dù khoảng cách chỉ chừng 500 km (khoảng hơn 300 miles), nhưng vì đường khó đi (đường đèo cộng thêm đường đất nhiều ổ gà), nên phái đoàn chúng tôi đã phải đi mất 2 ngày và ngủ lại đêm tại Hotel Sunbeam ở Chandigarth, nơi chúng tôi đã lưu lại 1 đêm trước đây khi đi lên Dharamsala.

Trái với lịch trình thường lệ như 4-5-6 (4 giờ thức chúng, 5 giờ ăn sáng, 6 giờ di chuyển), để kịp chuyến bay, lịch trình sáng ngày 23 của chúng tôi đã phải đổi lại là 3-3:30-4 (3 giờ thức chúng, 3 giờ 30 đưa hành lý lên xe, 4 giờ di chuyển) và ăn sáng trên xe.

Phái Đoàn tới Phi-Trường Delhi lúc 11 giờ 45 sáng ngày 23 tháng 11. Đúng như Đạo-Hữu An-Hậu Tony Thạch đã nói, người Ấn không có một quy luật hoặc một thời khóa nhất định, khác với lần đi Varanasi, lần này chúng tôi không phải qua chặng scan hành lý trước khi check-in mà đi thẳng tới chỗ check-in. Tuy nhiên chúng tôi đã phải đợi tới 5 giờ chiều máy bay mới cất cánh thay vì 2 giờ 10 phút chiều như đã ấn định. Vì vậy mà tới 1 giờ sáng ngày 24 tháng 11 chúng tôi mới tới Phi-Trường Đài-Bắc (5giờ rưỡi bay cộng 2 giờ rưỡi sai biệt giữ Delhi và Đài Bắc). Trong lúc chờ đợi máy bay cất cánh ở Phi-Trường Delhi, chúng tôi đã đến từ giã Sư Cô Diệu-Trang vì bào huynh của Sư-Cô là Thượng-Tọa Đồng-Phước, Trụ-Trì chùa Thanh-Lương vừa viên tịch và Cô phải đổi chuyến bay về lại Việt-Nam vào sáng ngày 24 tháng 11. Kính nguyện Giác-Linh Thượng-Tọa cao đăng Phật Quốc.

Ngày Thứ Hai 24 tháng 11, 2008:

Sau khi check-out hành lý và qua thủ tục giấy tờ, 1 giờ 40 sáng chúng tôi lên xe bus để về Hotel Đào-Nguyên (Tao Yuan) tại Thị Trấn Đào-Nguyên, cách Đài-Bắc 60 km về hướng Tây Nam. Thời khóa sáng cho chúng tôi sẽ là 7-8-9.

9 giờ 30 sáng xe bus của chúng tôi bắt đầu lăn bánh đi Đài-Trung (Tai-Chung). Đây là lịch trình đã được Thầy Trưởng-Đoàn và anh Tony thay đổi theo điều kiện và phương tiện hiện thời. Trước đây dự trù của hành trình là từ Đài-Bắc (Tai-Pei) đi Hoa-Liên (Hua Lien) rồi đi dọc theo bờ biển phía Đông xuống Đài-Đông (Tai-Tung), qua Cao-Hùng (Kao-Hsiung), lên Đài-Trung, rồi lên lại Đài-Bắc và hoàn tất chuyến đi. Lịch trình của chuyến đi đã được đổi lại là từ Đài-Bắc đi xuống Đài-Trung rồi đi xuống Cao-Hùng, đi ngược lên Nhật-Nguyệt Đàm (Sun-Moon Lake) ở gần Đài-Trung rồi trở lại Đài-Bắc để hoàn tất chuyến đi.

Được biết đảo Đài-Loan có một diện tích 35,800 km2, khoảng hơn một phần mười diện tích nước Việt-Nam (331,688 km2). Đảo Đài-Loan hình trái soan với chiều dài 394 km (245 miles) và chiều rộng là 144 km (89 miles). Năm 1949 khi Đảng Cộng-Sản của Mao Trạch Đông đánh thắng Quốc-Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch, Tưởng Giới Thạch cùng với hơn một triệu dân Trung-Hoa đã phải bỏ lục địa ra đảo Đài Loan (tương tự như cuộc di cư của đồng bào Bắc Việt vào Nam năm 1954) và đảo Đài-Loan được gọi là Cộng-Hòa Trung Quốc (ROC – Republic of China). Danh xưng này đến thập niên 1970’s được gọi lại là Đài-Loan sau Khi Liên Hiệp Quốc công nhận Trung-Hoa Dân-Quốc (People Republic of China - Trung-Cộng trong lục địa) là đại diện chính thức của Trung-Hoa thay vì ROC. Hiện nay dân số Đài-Loan khoảng 23 triệu người. Sáu mươi lăm phần trăm (65%) dân số theo đạo Phật. Tuy nhiên, những người này cũng thờ Khổng Tử và Lão Tử. Đài-Loan có trên 600 ngôi chùa.

Trên lộ trình từ Đài Bắc xuống Đài-Trung, đoàn xe đã ngừng ở một Rest Area. Rest Area ở Đài Loan có thể nói vượt khỏi tiêu chuẩn của Hoa-Kỳ vì Rest Area ở đây còn có các hàng quán để mọi người mua nước uống và các thứ lặt vặt khác. Dù sao đi nữa, chắc cũng có người hồi tưởng lại các “Open Sky Rest Area” bên Ấn-Độ.

Đến 12 giờ trưa chúng tôi đến Đài Trung và chúng tôi đã đi thẳng đến Bảo-Giác Thiền Tự. Đây là một ngôi chùa do người Nhật tạo dựng vào năm 1928 khi họ chiếm Trung Hoa và các vùng lân cận. Ngôi chùa có một tượng Di-Lặc thật to lớn (Đại Phật Di-Lặc) và dưới chân tượng có đề 4 chữ “Giai Đại Hoan Hỉ”. Tại điện Phật chùa Bảo Giác, Thầy Trưởng Đoàn và đại chúng phái đoàn đã tụng cầu cầu siêu và làm lễ Thành Phục cho đạo hữu Giác Hóa (Bus 3 từ Úc châu) vì bố chồng của vị này vừa mãn phần tại Sàigon, VN.

Sau đó phái đoàn rời chùa đến nhà hàng Gia-Vương ăn trưa. Món ăn ở đây thật tuyệt vời so với những bữa ăn trưa ở Ấn-Độ. Món ăn gồm cá chay kho, chả lụa chay, tôm chay xào rau và các món xào và canh khác nữa.

2 giờ 35 chiều chúng tôi rời nhà hàng để đi Bát Quái Đại Phật Sơn Tự với một tượng Đại Phật Thích-Ca thật vĩ đại. Chùa này cũng do người Nhật xây dựng và tượng Đại Phật Thích-Ca được đúc theo khuôn mẫu của tượng Phật Thích-Ca bên Nhật. Tượng Đại Phật Thích-Ca này cùng với tượng Đại Phật Di-Lặc ở Bảo-Giác Thiền Tự là những thắng tích của vùng Đài Trung này.

Đến 4 giờ 30 chiều, chúng tôi rời Đài Trung để đi Cao Hùng và đến 7 giờ tối thì chúng tôi tới nơi. Đến Cao Hùng chúng tôi đã đến thẳng nhà hàng Nhân-Đạo Quốc-Tế (Jen Dow International). Đây là một nhà hàng lớn nhất Đài Loan, và tôi nghĩ chắc chắn đây là nhà hàng chay lớn nhất và ngon nhất Thế Giới. Nhà hàng có 200 món ăn chay và ăn theo kiểu buffet (all you can eat). Không biết đã có người nào ăn thử cả 200 món ăn chưa nhưng tôi nghĩ chắc chưa có ai đủ bụng chứa 200 món ăn trong một bữa ăn. Chúng tôi đã được đón tiếp bằng món “Đông Trùng Hạ Thảo” thật tuyệt vời. Có lẽ cá nhân tôi đã “thử” khoảng trên 20 món và món nào cũng làm tôi mê mệt. Tôi chợt nhớ đến một câu giảng của Thầy Thiện-Trí: “Thánh ăn thì bỏ vào họng nuốt ực một cái để khỏi biết ngon dở và khỏi khen chê”. Tôi chưa phải là Thánh nên tôi cứ từ từ thưởng thức từng món ăn một một cách thích thú. Xong bữa ăn, tôi đã được thưởng thức chén trà Hoa Hồng thật ngon. Anh Tony cho biết nhà hàng tính mỗi người 715 quan (khoảng $25 US). Nhân dịp này, anh Tony đã tổ chức sinh-nhật Thầy Trưởng Đoàn và Thầy cũng cho tổ chức sinh nhật cho các thành viên của Đoàn có ngày sinh nhật vào tháng 11 và tháng 12. Như vậy, ngoài Thầy ra còn có thêm khoảng 15 người trong Đoàn có ngày sinh nhật vào tháng 11 và tháng 12 cùng ăn mừng sinh nhật trong dịp này. Ăn xong chúng tôi đi về Hotel Kingship ở Cao-Hùng để nghỉ đêm.

Ngày Thứ Ba 25 tháng 11, 2008:

Thời khóa của hôm nay cũng là 7-8-9. Nói là 9 giờ di chuyển nhưng cũng như thường lệ, phải đến 9 giờ 35 sáng chúng tôi mới khởi hành đi Phật Quang Sơn.

Được biết Phật Quang Sơn do Hòa-Thượng Tinh-Vânkhai sơn. Hòa-Thượng Tinh Vânsinh năm 1927 tại Tỉnh Giang-Tô Trung-Hoa. Năm mười hai tuổi xuất gia với Hòa-Thượng Chí-Khai, thọ đại giới năm 1941 và thuộc dòng Lâm-Tế đời thứ 48. Năm 1949 khi Trung Cộng xâm chiếm toàn bộ Hoa Lục, Hòa-Thượng Tinh-Vân là một Tăng-Sĩ trẻ tuổi đã theo làn sóng tỵ nạn chạy qua Đảo Đài-Loan. Sau nhiều năm lận đận, ở một nơi hoàn toàn lạ xứ lạ người, Hòa-Thượng đã tạo dựng lên ngôi Phật-Quang-Sơn đầu tiên trên vùng rừng núi Nghi-Lan hoang dã thuộc miền Nam Đài-Loan để làm nơi đào tạo tăng tài truyền bá Phật pháp. Từ đó, các ngôi Phật-Quang-Sơn ở Hòa-Lan, Anh Quốc, Pháp Quốc, v..v.. lần lượt được Hòa-Thượng thành lập. Riêng ở Hoa-Kỳ, ngôi chùa Tây-Lai-Tự cùng nghĩa-trang Phật-Quang-Sơn cũng đã được Hòa-Thượng tạo dựng trong vùng Los Angeles, California. Thực ra ở vùng Nghi-Lan, lúc đầu Hòa-Thượng đã tạo lập Lôi-Âm Tự rồi chùa Thọ-Sơn trước khi tạo dựng lên ngôi Phật Quang Sơn này. Theo Lâm Thanh Tuyền viết trong “Tinh Tinh Hạo Hãn” thì vùng Phật Quang Sơn ở thôn Đại Thọ này Hòa Thượng đã mua lại từ một cặp Hoa Kiều ở Việt-Nam.

Nói là một ngôi chùa nhưng đây là một “Thành Phố”. Có người đã nói Phật Quang Sơn còn to lớn hơn Vatican, tôi chưa đến Vatican nên không biết điều này có đúng không. Ngoài tượng Đại Phật Di Đà to lớn mà từ xa hàng 10 cây số cũng đã có thể nhìn thấy, còn có một ngàn tượng Phật nhỏ bằng cỡ người thường chưa kể bệ.

Chúng tôi đến Phật Quang Sơn lúc 10 giờ 25 sáng. Theo Thầy Trưởng Đoàn, chúng tôi sắp hàng một và đi nghiêm trang niệm Phật lên tượng Đại Phật Di Đà. Đến nơi, sau khi nghe Thầy Trưởng Đoàn giảng sơ qua về Phật Quang Sơn, chúng tôi đã chụp hình lưu niệm, vì biết có nhiều thì giờ và chắc chắn sẽ có dịp được chụp hình lưu niệm với Thầy Trưởng Đoàn nên ai nấy đều giữ trật tự. Chụp hình xong, chúng tôi lại xếp hàng trang nghiêm đi lên Chánh Điện để lạy Phật. Sau khi lễ Phật, chúng tôi đi xem “Tịnh Độ Động”, đây là một vùng hang động mô tả cảnh giới cõi Cực Lạc của Đức A-Di-Đà với những khu vực Thượng Phẩm Thượng Sanh, Thượng Phẩm Trung Sanh, Thượng Phẩm Hạ Sanh, v.. v.. cho tới Hạ Phẩm Hạ Sanh. Trong đầu óc tôi, những câu ở đoạn đầu của kinh A Di Đà nhưng đang vang động. Nào là “thất trùng lan thuẫn, thất trùng la võng, thất trùng hàng thọ, …”. Nào là “… hữu thất bảo trì, … Trì trung liên hoa, đại như xa luân, …”

Đến 1 giờ trưa, chúng tôi vào phòng ăn của Phật Quang Sơn ăn trưa. Một số đoàn viên đã “mất tích” mãi đến lúc mọi người ăn gần xong mới xuất hiện. Thì ra các vị này đi … shopping! Thật “ngao ngán”! Ăn xong Thầy Trưởng Đoàn cho chúng tôi nửa giờ để tiếp tục … shopping! Tuy nhiên cái nửa giờ ấy đã trở thành 1 giờ! Dường như Thầy có cho chúng tôi bao nhiêu giờ để shopping cũng vẫn không đủ, vì Phật cụ, pháp khí, cái gì ở Đài Loan cũng đẹp mắt hết, ai cũng muốn mua để có đồ xài, có đồ để tặng cho gia đình, cho người thân ở nhà.

Chúng tôi rời Phật Quang Sơn lúc 2 giờ 45 chiều để đi Long Hổ Tháp. Sau nửa giờ lái xe, chúng tôi tới Long Hổ Tháp, đây là một thắng cảnh, không phải chùa nên chúng tôi được tự do đi thăm viếng, và chúng tôi mượn cơ hội này để đi … shopping! Long Hổ Tháp là hai cái tháp với tượng con rồng và tượng con hổ (cọp), mỗi con ở dưới chân mỗi tháp. Long Hổ Tháp để thờ Bao Sinh còn được gọi là “Bao-Sinh đại đế”. Chữ “đại đế” ở đây không có nghĩa là ông Vua mà là cái đế lớn hay cái ghế theo tích chuyện Bao Sinh là một người Thầy thuốc giỏi nhưng ông nguyện chỉ chữa cho loài người. Một hôm một con rồng bị đau mắt, nó biết Bao Sinh chỉ chữa trị cho loài người chứ không chữa cho loài rồng nên nó biến thành xác người chết, Bao Sinh biết nhưng vì lòng thương hại nên Ngài cho con rồng một chén thuốc và con rồng được khỏi mắt. Để tỏ lòng biết ơn, con rồng tự nguyện biến thành cái ghế cho Bao Sinh ngồi. Một lần khác khi Bao Sinh vào rừng hái lá làm thuốc, Ngài gặp một con cọp đang quằn quại đau đớn vì đang bị hóc một cái xương người, không nỡ nhìn con cọp đau đớn, Ngài cho con cọp thuốc khỏi hóc sau khi khuyên con cọp từ giờ không được giết người nữa. Để đền ơn, con cọp nguyện làm kẻ canh đền cho Bao Sinh. Vì vậy nơi đền Bao Sinh có con rồng và con cọp. Rời Long Hổ Tháp, chúng tôi đi thăm Thanh Thiên Hồ và ăn chiều tại một tiệm ăn cạnh bờ hồ. Ăn xong chúng tôi về Hotel. Nghỉ ngơi chừng 15 phút chúng tôi đi shopping tại Cao-Hùng Night Market. 4 người chúng tôi chung nhau một chiếc taxi và tiền taxi từ Kingship Hotel đến Night Market mất khoảng 100 quan (hơn $3 US). Khu Chợ này chỉ mở cửa ban đêm từ 5 giờ tối đến 5 giờ sáng, chợ bán đủ mọi loại hàng, từ tiệm ăn đến quần áo, hành lý v..v.. ,tôi thấy nhiều người đã đi mua thêm vali, đây là dấu hiệu chứng tỏ chúng tôi rất “thành công” trong việc shopping!

Ngày Thứ Tư 26 tháng 11, 2008:

Thời khóa bữa nay là 6-7-8. 8 giờ 5 phút đoàn xe bus bắt đầu từ giã Cao-Hùng đi Nhật Nguyệt Đàm ở gần Đài Trung. Vì đường dài nên để cho sôi động, các Phật tử trên xe bus số 1 của chúng tôi đã tổ chức một chương trình Văn-Nghệ “bỏ túi” sau thời công phu khuya. Thực ra thì mấy hôm trước mỗi khi có thì giờ thì các Phật tử trẻ đã đóng góp vài ba bài lẻ tẻ rồi, nhưng hôm nay có vẻ có tổ chức hơn các hôm trước. MC Như-Hoàng Thiện-Thành đã thật lanh lợi điều động chương trình vì vậy chương trình đã trở nên thật sống động. Bác-Sĩ Nguyên-Đức đã dùng trí nhớ của mình để hát lại những bài của Phi-Long (Thầy Thích Viên-Giác) cũng như Minh-Huệ đã cống hiến 6 câu cải lương do chính anh sáng tác, cô Diệu-An cũng trổ dọng oanh vàng để chung vui với Minh-Huệ qua những câu cải lương, thật không ngờ vị Nha-Sĩ này thật đa tài. Được biết tấm bảng tên mang trên ngực của mỗi đoàn viên cũng chính do bàn tay khéo léo của vị Nha-Sĩ này thực hiện. Tôi đang nghĩ mình bây giờ đã già, răng cũng đã bắt đầu tuần tự rủ nhau ra đi, chắc đến Nha-Sĩ Diệu-An nhờ làm cho một hàm răng giả đeo vào thì cũng còn … đẹp lão lắm.

11 giờ 45 chúng tôi đến vùng Đài Trung gần Nhật Nguyệt Đàm và chúng tôi đã đi ngay đến nhà hàng Chánh-Bảo để ăn trưa. Một giờ sau chúng tôi đi Trung-Đài Thiền Tự, đây là ngôi chùa lớn nhất vùng Trung Đài và lớn thứ nhì của toàn đảo Đài-Loan sau Phật Quang Sơn. Ngôi Thiền Tự này được khởi công xây cất năm 1992 và hoàn tất năm 2001. Nhìn từ xa, ngôi chùa trông như một tượng Phật ngồi thiền, Chùa này trước đây đã được Hòa-Thượng Di-Giác (Wei Chueh) khai sơn, đến năm 2005, Ngài đã truyền ngôi Trụ-Trì lại cho đệ tử của Ngài là Thượng-Tọa Kiến-Đăng (Jian Deng). Đi vào trong chùa, người ta thấy có tượng Tứ Thiên Vương và tôn tượng của các vị Tổ Thiền Tông từ Ngài Thương-Na-Hòa-Tu, Ưu-Ba-Cúc-Đa, v..v.., đến Ngài Bát-Nhã Đa-La. Đi tiếp vào trong, ở chính giữa là tôn tượng Đức Bổn-Sư, đứng hai bên là 2 Ngài Ca-Diếp và A-Nan. Gian bên trái thờ tôn tượng của Tổ Bồ-Đề Đạt-Ma, và gian bên phải thờ Quan-Công!!! Thật đúng là cảnh:

Tuy ta tin Phật cũng tin Trời,
Một tháng đôi lần ăn lạt chơi!

Trong khuôn viên còn có Viên-Minh-Điện tức là Bảo-Tàng Viện của chùa, nơi đây được chứa các tôn tượng cũ được đem qua từ chùa cũ , trong đó có 32 hiện tướng của Đức Quán Thế Âm như trong Kinh Phổ Môn diễn tả.

Đến 3 giờ 15 chiều, chúng tôi rời Trung-Đài Thiền Tự đi Nhật Nguyệt Đàm. Nhật Nguyệt Đàm gồm 2 cái hồ nối liền với nhau: Nhật Hồ và Nguyệt Hồ, toàn hồ có diện tích tổng cộng khoảng 800 mẫu tây, hồ ở cao độ 750 mét trên mặt nước biển.

4 giờ 10 phút chiều chúng tôi tới Chùa Huyền-Trang trên bờ hồ. Trong Chùa có thờ Xá-Lợi của Ngài Huyền-Trang, Xá-Lợi này đã bị người Nhật lấy từ Trung-Hoa (Hoa Lục) trong khi họ xâm chiếm Trung-Hoa, sau Đệ Nhị Thế Chiến, người Nhật đã trả lại Xá-Lợi này cho Chính Quyền Tưởng-Giới-Thạch của Cộng-Hòa Trung-Hoa ở Đài-Loan. Chúng tôi vô Chùa lễ Phật và chiêm bái Xá-Lợi. Tôn Tượng của Ngài Huyền-Trang thờ ở Chánh Điện, tôi đã được thấy hình trước đây 2 năm trên bìa cuốn “Đại Đường Tây Vức Ký” mà Dịch-Giả, Hoà-Thượng Như-Điển đã cho tôi khi Phái-Đoàn của Hòa-Thượng đến chùa Phật-Ân, tôi nghĩ thầm: trông không giống hình của Đường Huyền-Trang trong cuốn “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân! Ngó quanh ngó quẩn trong Chùa, tôi cũng chẳng thấy tượng của Tôn Ngộ-Không cùng Trư Bát-Giới và Sa-Tăng đâu cả! Chùa đang được trùng tu nên ngoài số tiền cúng dường chung của Phái-Đoàn, nhiều Phật tử khác cũng đã cúng dường thêm.

5 giờ 15 phút chúng tôi rời Chùa Huyền Trang đi đến Khách Sạn Cảnh Thánh (Ching Sheng) ở ngay bờ hồ Nhật Nguyệt. Sau khi làm thủ tục check-in, chúng tôi về phòng, từ trong phòng nhìn ra hồ cảnh trí thật tuyệt vời. Bây giờ thì tôi hiểu tại sao Hotel này lại có tên là Cảnh Thánh! Sáu rưỡi tối chúng tôi xuống nhà hàng của Khách Sạn để ăn tối .

Ngày Thứ Năm 27 tháng 11, 2008:

Thời khóa của bữa nay là 6-7-9: Thầy Trưởng Đoàn cho chúng tôi 2 giờ từ lúc ăn sáng (7 giờ) đến lúc di chuyển (9 giờ) để chúng tôi có thì giờ đến thăm Văn Võ Miếu trước mặt Hotel và cũng để shopping những tiệm trong Văn Võ Miếu. Rất tiếc thuốc đau lưng của tôi đã đến lúc hết ngày nên cái lưng bắt đầu đau nên tôi ở lại Hotel nghỉ ngơi. Vả lại shopping không phải là thú vui của tôi nếu không muốn nói là một việc “bất đắc dĩ”!

9 giờ 23 phút (giờ của xe bus), đoàn xe của chúng tôi khởi hành đi Đài Trung. Ông Tour Guide cho chúng tôi biết từ Nhật Nguyệt Đàm đi Đài Trung mất khoảng 1 giờ 50 phút. Sau thời công phu khuya, tôi có thì giờ nhìn những ruộng đồng hai bên đường, ở đây họ trồng rất nhiều mía, chuối và cau, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy họ trồng nhiều cau chứng tỏ dân chúng vùng này còn rất nhiều người ăn trầu. Các Đạo-hữu trẻ thuộc “Xóm Nhà Lá” lại trở lại chương trình Văn Nghệ bỏ túi. Đã hơn 10 năm, tôi vẫn coi Minh-Huệ và Diệu-Lý như 2 người em, tôi biết Minh-Huệ trong những năm sau này đã rất tinh tiến trong phần nghi lễ, nhưng chưa bao giờ tôi nghe họ hát, bây giờ tôi nghe họ ca cải lương mà lại do chính mình sáng tác đã làm cho tôi không ít ngạc nhiên, nhất là giọng hát không thua gì các đào kép trên sân khấu nhà nghề. Một ngạc nhiên khác là Đoàn có 2 vị Bác Sĩ: Bác Sĩ Nguyên-Đức và Bác Sĩ Chúc-Hân, và cả hai cùng trên xe Bus số 1 và cả 2 cùng ca hát rất tươi vui, tôi bỗng thấy mình già đi rất nhiều dù tuổi thì cũng chỉ bằng tuổi với BS Nguyên-Đức. Cũng trong buổi Văn Nghệ này, Sư-Cô Tâm-Vân đã cho chúng tôi biết về nhân duyên xuất gia của Sư-Cô cũng như các Phật sự của Cô tại chùa Thiên Long, Phú-Nhuận. Nghe kể, tôi vô cùng cảm phục chí xuất trần cương quyết của Sư-Cô, dù với những khó khăn nhưng Cô chưa hề lui bước. Một ngạc nhiên nữa đã đến với tôi là người bạn trẻ cùng xe Bus số 1: Quảng-Tuệ-Nguyện, ngay ngày đầu tiên ở Delhi, Quảng Tuệ Nguyện đã đến tìm tôi để chào tôi vì tên tôi đã được Thầy Trưởng-Đoàn nhắc tới trên trang nhà Quảng-Đức cho việc hướng dẫn xin Visa đi Ấn-Độ, Quảng Tuệ Nguyện cùng tuổi với con gái tôi, nhưng trái với con gái tôi hoặc các người cùng lứa tuổi rất dở tiếng Việt, Quảng Tuệ Nguyện không những đã làm được thơ tiếng Việt mà lại làm thơ khá hay và ngâm thơ trên xe Bus cho mọi người thưởng thức. Được biết Quảng Tuệ Nguyện đã giúp Thầy Trưởng Đoàn dịch một số các bài pháp từ tiếng Việt ra Anh ngữ.

Đến 11 giờ 15 sáng, chúng tôi tới Đài Trung và chúng tôi trở lại nhà hàng Gia-Vương để ăn trưa. Đây cũng là nhà hàng mà chúng tôi đã ăn bữa ăn trưa đầu tiên ở Đài Loan, ăn xong, chúng tôi lên xe để đi về Đài Bắc. Ông Tour Guide cho biết ở Đài Loan bây giờ có hệ thống xe điện siêu tốc đi rất nhanh, đi xe bus từ Đài Bắc xuống Cao Hùng phải mất 4 giờ lái xe, nhưng nếu đi xe điện thì chỉ mất 100 phút (1 giờ 40 phút). Sau hơn một giờ, chúng tôi nghỉ ở rest area ở Phong Khẩu để nghỉ ngơi ăn uống trước khi đi tiếp. Trên đường về Đài Bắc, chúng tôi ghé ngang Khách Sạn Đào Nguyên là nơi chúng tôi đã gửi một ít hành lý hôm đầu tiên tới Đài Loan để lấy lại và đem về Đài Bắc.

3 giờ 25 về tới Đài Bắc, Thầy Trưởng Đoàn đã cho chúng tôi ghé một tiệm bán sỉ các Phật cụ để chúng tôi mua sắm các Phật cụ cần thiết. Tại đây rất nhiều người đã mua sắm các Phật cụ hoặc cho cá nhân hoặc cho chùa của mình, riêng tôi đã mua một cặp chuông mõ gia trì nhỏ để xử dụng mỗi lần đi hộ niệm.

Về đến Đài Bắc, chúng tôi đi ăn tối rồi mới về Hotel check-in. Tối nay chúng tôi nghỉ tại Khách Sạn Kỳ-Lân tại Đài-Bắc. Sau khi nghỉ ngơi, một số đông đã rủ nhau đi Chợ Đêm ở Đài Bắc, dĩ nhiên là tôi không đi vì shopping không phải là thú vui của tôi. Sau này thì tôi hơi tiếc vì khi về đến chùa chú Thủ-Quỹ của chùa cho biết Chợ Đêm Đài Bắc có rất nhiều món tốt và rẻ.

Ngày Thứ Sáu 28 tháng 11, 2008 – Ngày chót:

Sáng sớm Sư-Cô Tâm-Vân, cụ Tâm Thái, cô Diệu-An và các ở Phật tử Việt Nam phải ra phi trường vì chuyến bay về Việt-Nam vào buổi sáng. Hai Phật tử từ Maryland USA cũng ra phi trường cùng lúc mặc dù chuyến bay mãi tới 4 giờ chiều mới cất cánh nhưng nếu đợi mọi người thì quá trễ vì chuyến bay về Úc và Los Angeles USA mãi đến gần nửa đêm mới cất cánh. Cảnh chia tay tạm biệt thật là cảm xúc, nhiều người đã không cầm được nước mắt. Cô Tâm Vân đã cho tôi những lời khuyên nhủ, sách tấn làm công quả cho chùa, Cụ Tâm-Thái nắm chặt bàn tay tôi như không muốn rời ra, Diệu Nhẫn & Quảng Tuệ Nguyện (về Maryland USA) tạm biệt tôi với nước mắt lưng tròng. Tạm biệt mọi người tôi lên xe bus ngồi với tràn đầy ưu tư về các nhân duyên gặp gỡ.

Sau các bịn rịn, xe bus chuyển bánh đi thăm chùa Long Sơn. Vì Sư-Cô Tâm Vân đã đi nên tôi đã mạn phép thay thế điều khiển Chúng để tụng kinh, khoảng cách từ Hotel đến Chùa rất ngắn nên chúng tôi chỉ tụng Bát Nhã rồi hồi hướng. Chùa Long Sơn đã được dựng lên khoảng 300 năm nay, đây là một ngôi chùa cổ nhất của Đài-Loan. Thầy Trưởng Đoàn đã hướng dẫn Đại Chúng tụng một thời Bát Nhã rồi cho mọi người tự do đi lễ Phật và đi shopping ở các tiệm trên đường phố chung quanh chùa. Rất nhiều người đã ghé thăm tiệm trà Thiên Nhân, ở đây có đủ loại trà: Vương trà (103, 409, 509, …), trà Olong nhơn xâm, trà Cao Sơn, … Không biết bao nhiêu người đã thực sự mua trà nhưng chắc chắn người “nếm thử” trà thì rất nhiều! Kế bên tiệm trà là một dẫy hàng bán tượng Phật và Phật cụ, tượng Phật ở đây tuyệt đẹp, tôi chưa thấy nơi nào có tượng đẹp như vậy. Tuy nhiên tiền nào của ấy, giá cả ở đây cũng đắt vô cùng.

Sau hơn một giờ shopping chúng tôi đi ăn trưa. Đây là bữa ăn chung cuối cùng của Đoàn, các nhóm Phật tử chưa có dịp bày tỏ cảm tưởng trong bữa họp mặt trên Daramsala (như Đạo-hữu Diệu-Tâm ở Sydney, Đạo hữu Diệu Thiện ở Adelaide) đã đứng lên cảm tạ Thầy. Thầy cũng tán thán tổng quát cả đoàn với điểm đặc biệt đây là lần đầu tiên toàn thể các đoàn viên đã phát nguyện ăn chay trong suốt chuyến hành hương, Thầy tán thán anh Tony đã giúp Thầy rất đắc lực trong việc tổ chức chuyến hành hương này, Thầy tán thán một Đạo-hữu Nguyên Nhật Thường (tại Úc) đã cúng dường hệ thống âm thanh mặc dù đã không tham dự chuyến hành hương năm nay vì đã tham dự năm 2006. Thầy cho biết trong tương lai Thầy sẽ tiếp tục tổ chức các chuyến hành hương về đất Phật. Thầy đã khuyên mọi người con Phật phải tìm về đất Phật như những tín đồ các tôn giáo khác hàng năm đã tổ chức hành hương về thăm Thánh Địa của Tôn Giáo họ. Thầy cho biết Phật tử Diệu-Lương sẽ làm một bài thơ tổng kếtchuyến hành hương này cũng như ba Phật tử khác sẽ ghi lại Nhật Ký của chuyến đi.

Sau bữa ăn trưa, Phái Đoàn đã đến thăm Đài Tưởng Niệm Tưởng Giới Thạch. Tòa nhà to lớn này trưng bày những hình ảnh di tích về cuộc đời của Vị Tổng-Thống đầu tiên của Đài Loan. Bên ngoài tòa nhà, trên đường đi từ cửa ra tới ngoài cổng, hai bên là hai tòa nhà lớn khác: bên phải là Viện Bảo Tàng Mỹ Nghệ (Art Galery) đang được trùng tu, còn bên trái đang được xây dựng một Rạp Hát (Opera Hall).

Rời Đài Tưởng Niệm Tưởng Giới Thạch, chúng tôi đi Building 101, tòa Shopping cao 111 tầng lầu, nổi tiếng và là niềm tự hào của Đài Loan. Mọi người đã hoan hỉ làm một chuyến shopping cuối cùng trước khi lên máy bay về lại trụ xứ. Riêng tôi, một ly cà-phê là đủ.

6 giờ chiều chúng tôi ra phi trường Đài Bắc. Sau phần check in, chúng tôi cùng nhau đi vào trong Gates ngồi đợi. Một nhóm về Úc, một nhóm về Hoa-Kỳ, và riêng Đạo-hữu Tâm Quảng về Gia-Nã-Đại.

Những câu chào tiễn, những câu mời mọc, những hứa hẹn đã kết thúc cho một chuyến hành hương mà tôi nghĩ đã in đậm vào tâm khảm tôi cho suốt quãng đời còn lại.

Và cuối cùng, phái đoàn đã về đến Mỹ và Úc bình an sau 25 ngày hành hương chiêm bái. Cuộc hành hương về thăm Phật tích xưa của phái đoàn do Tu Viện Quảng Đức tổ chức đến đây xem như đã thành tựu viên mãn. Gần 4 tuần lễ chiêm bái đã đã đi qua nhanh như một giấc mơ, nhưng hương vị của chuyến đi chiêm bái thiêng liêng và đầy cảm động vẫn còn dư âm phảng phất trong con tim của mỗi thành viên trong phái đoàn, đã đến tận nơi và nhìn thấy tận mắt những chứng tích lịch sử trong cuộc đời của Đức Từ Phụ, từ lúc sinh ra cho đến khi xuất gia, thành đạo, hành đạo, và nhập niết bàn. Mỗi người đệ tử trong phái đoàn thêm một lần nữa khẳng định niềm tin vào Chánh Pháp ở nơi chính bản thân mình, và xin phát nguyện trong phần đời còn lại của mình sẽ thiết tha, và chí thành tinh tấn tu học trên lộ trình tiến về cội nguồn tâm linh. Chúng con hàng đệ tử Việt Nam xin chắp tay nguyện cầu cho quê hương của Đức Phật sớm khôi phục trở lại để mang ánh sáng giác ngộ và từ bi đến cho chúng sinh trong biển đời khổ lụy này.

Nam Mô A Di Đà Phật.
Như Hoàng-Tâm Quảng-Trí Viên(tường thuật)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/02/2014(Xem: 5137)
Tôi đi thăm Yên Tử thuở núi rừng còn hoang vu. Bồi hồi, xúc động. Những cội tùng già cỗi cằn, khô gầy ngạo nghễ giữa thời gian và năm tháng. Ồ, bên này là rừng trúc và bên kia là triền đá dựng
23/01/2014(Xem: 5712)
Nơi này được ưu đãi với hệ thống cây xanh, tấp nập khách du lịch - cả trong và ngoài nước - suốt cả năm, nhưng đặc biệt là trong những tháng lạnh, giữa tháng 10 và tháng 4. Ước tính gần hai triệu khách du lịch ghé thăm Câu Thi Na mỗi năm.
13/01/2014(Xem: 6350)
Tham Dự Khánh Thành “Hạ Phẩm Liên Hoa” Chùa Cực Lạc Và Hành Hương Tây Tạng, Tứ Đại Danh Sơn Trung Hoa 2014. 4/11/2014. Khởi hành đi Bangkok từ Âu châu/Mỹ châu/VN 5/11/2014. Đến Bangkok, chuyển chuyến bay đi Chiangmai. Xe đưa về chùa Cực Lạc. 6-9/11/2014. Khóa tu tại chùa Cực Lạc và Lễ khánh thành “Hạ Phẩm Liên Hoa”. 10/11/2014. Đáp máy bay đi Bangkok, và đổi chuyến bay đi Thành Đô, Tứ Xuyên. Nghỉ lại khách sạn. 11/11/2014. Đáp máy bay đến Lhasa, thủ đô Tây Tạng. Nằm trên độ cao 3650m cách mặt biển, Lhasa nổi tiếng có một chiều dài lịch sử gắn liền với tôn giáo qua các đền đài, cung điện Dalai Lama và chùa viện linh thiêng với hình ảnh các Lama tu hành suốt ngày đêm. Xe đưa về khách sạn để nghỉ ngơi và quen dần với độ cao.
12/01/2014(Xem: 5238)
Hành hương, hai chữ yêu quý mà người con Phật nào cũng mơ ước được đặt chân lên vùng đất có thắng tích của Phật. Đặc biệt lần này được sang tận Miến Điện để chiêm bái các Chùa Vàng và đến nơi thờ Xá lợi tóc của Đức Phật, đầy đủ 8 sợi mà Ngài đã trao tặng cho hai người thương gia Miến đầu tiên sang Ấn Độ, cầm mang về nước để làm quà lưu niệm.
17/09/2013(Xem: 7790)
Cuối cùng ngày mong đợi cũng đến: Hành hương Tích Lan 02.07.2011 - 14.07.2011. Từ Thụy Sĩ xa xôi, một mình lẻ loi như cánh chim lạc đàn, tôi tìm về tổ ấm nhập đàn cùng thầy, bạn, những người quen và những người chưa quen ở Đức. Một chuyến đi xa, hành hương đến một nước xa lạ chưa hề nghĩ có ngày đặt chân tới, tôi háo hức như đứa trẻ sắp được mặc áo mới, hay cô dâu sắp về nhà chồng. Chuyến bay cất cánh từ phi trường Frankfurt Đức quốc lúc 22.40 thuận lợi cho tôi đủ nhân duyên để tham dự chuyến hành hương này.
02/07/2013(Xem: 4230)
Bạn rất có thể đã nghe bài thơ này: ...Em không nghe rừng thu, Lá thu kêu xào xạc, Con nai vàng ngơ ngác, Đạp trên là vàng khô? Không có cảnh nào thơ mộng hơn hình ảnh con nai đi giữa rừng lá vàng trong không gian yên tĩnh để chỉ nghe tiếng lá vỡ bởi những bước chân nhẹ nhàng của loài thú hiền lành đang được thi sĩ Lưu Trọng Lưu ngắm nghía rồi tạo nên những vần thơ trữ tình để đời qua bài Tiếng Thu.
27/06/2013(Xem: 4145)
Hòa Thượng Thích Bảo Lạc và Đạo hữu An Hậu Tony Thạch hướng dẫn
27/06/2013(Xem: 4229)
Hành Hương Phật tích Ấn Độ 2010 do HT Thích Bảo Lạc (Chùa Pháp Bảo, Sydney, Úc Châu) hướng dẫn từ ngày 2 đến 20/11/2010
27/06/2013(Xem: 4971)
Hình ảnh Hành Hương Phật tích Ấn Độ 2008 Tổng cộng 26 ngày từ 04-11 đến ngày 29.11.2008 Nhiếp ảnh: Thiện Hưng
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567