Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những xúc động đi vào tâm linh trên đất Phật

05/06/201319:31(Xem: 5560)
Những xúc động đi vào tâm linh trên đất Phật

bo-de-dao-trang

NHỮNG  XÚC ĐỘNG
ĐI VÀO  TÂM  LINH
TRÊN XỨ PHẬT

TUỆ - CHIẾU
Xuất bản năm 2007

 
 
*     *     *
 

 

LỜI  CẢM  TẠ



Trước nhất, chúng tôi xin thân gởi đến quý Thân Hữu, quý Phật Tử gần xa, lời tán thán công đức luôn nhắc nhở khuyến khích chúng tôi viết quyển sách này. Những vị này đã nghe tôi kể lại tỉ mỉ cuộc hành trình nơi xứ Phật, những điều mắt thấy, tai nghe và đi tìm hiểu phong tục tập quán lạ, cũng như vào trong làng sâu, gần như chưa có sách nào đề cập đến.


Chúng tôi cũng xin tán thán công đức, quý Phật tử đã nhiệt tình sốt sắng đóng góp tịnh tài, cũng như giúp đỡ chúng tôi trong việc in ấn, việc gởi đi các nơi có nhu cầu cần quyển sách này. Sách viết với nhiều công phu và nhiều tài liệu giá trị, hữu ích. Có những mẫu chuyện dễ xúc động, với những chuyện vui dí dỏm, thấm thía khiến bạn cười khó quên. Nhất là lợi ích cho người thích tìm hiểu tham khảo và người hành hương nơi xứ Phật.


Mục đích quyển sách này là hoằng pháp, đem lợi lạc cho mọi người, nên chúng tôi không bán. Tuy nhiên, quý vị nên tuỳ hỷ công đức, cúng vào chùa nào đang biếu quý vị quyển sách này. Nhằm hộ trì ngôi chùa quý vị đang sinh hoạt, thêm được phần nào phương tiện cho nhu cầu cần thiết.


Kính cầu hồng ân Chư Phật gia hộ Quý Vị cùng Quý Quyến, luôn an vui thịnh vượng và nhất là Bồ Đề tâm tăng trưởng.



Nam mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma ha Tát

Virginia, ngày 01 tháng 10 năm 2007

Trân trọng

Hòa Thượng THÍCH-TUỆ-CHIẾU

 

 

 

*     *     *

 

 

 

MỤC LỤC

 

 

Chương I:  Phần mở đầu

1.  Cơ duyên lành đến

2.  Những cuộc Lễ trùng hợp

3.  Những xúc động mạnh đi vào Tâm linh

4.  Xứ Phật Linh Thiêng và Huyền Bí

5.  Thần linh và giai cấp ở Ấn



Chương II:  Hành trình về xứ Phật 

6.  Khởi hành

7.  Đến vùng đất Phật

8.  Gặp bạn cũ

9.  Khúc quanh mới trên đất Phật



Chương III:  Địa dư và đời sống ở Ấn Độ

10. Địa dư nước Ấn

11. Bài pháp không lời cảm hóa mạnh mẽ

12. Những tín ngưỡng Thần Linh

13. Tại sao có nhiều Thần linh ?

A.  Thời Thần Quyền:

a.  Giai đoạn Bái Vật Giáo

b.  Đến thời Đa Thần Giáo

c.  Đến Nhất Thần Giáo

B.  Thời Quân Quyền

C.  Thời Dân Quyền


14.  Sự trả thù của giai cấp hạ tiện

15.  Vấn đề chênh lệch từng giai cấp

16.  Sự an phận và tin tưởng Thần linh

Chương IV:  Bồ Đề Đạo Tràng  (Bodh Gaya) 

17.  Từ Kolkata đến Bihar

18.  Cảm giác lạ đầu tiên nơi Thánh Địa

19. Thánh Địa linh thiêng Bồ Đề Đạo Tràng

20. Khuôn viên Tháp Đại Giác

21. Công trình khai quật Tháp Đại Giác

22. Đại trùng tu Tháp Đại Giác

23. Chiêm bái Tháp Đại Giác và cây Bồ Đề


Chương V:  Sự Kỳ Diệu của cây Bồ Đề Linh Thiêng

24. Tại sao chiêm bái cây Bồ Đề ?

25. Quốc vương Tích Lan thỉnh cây Bồ Đề

26. Cây Bồ Đề bị hủy diệt

1. Sơ lược cuộc đời Đại Vương Asoka

2. Tiền thân vua Asoka

3. Cây Bồ Đề bị hủy diệt lần thứ nhất

4.  Cây Bồ Đề bị hủy diệt lần thứ hai

5. Bị hủy diệt lần thứ ba

6. Bị hủy diệt lần thứ tư

7. Bị hủy diệt lần thứ năm

8. Bị hủy diệt lần thứ sáu

9. Bị hủy diệt lần thứ bảy

27. Khai quật  Thánh Tích

28.Sau khi Ngài Thành Đạo

1. Suốt bảy tuần chung quanh cội Bồ Đề

2. Nhớ bạn đồng tu đi hóa độ

 



Chương VI:  Những phong tục, tập quán Ấn Độ và đi mua đồ

29. Những phong tục, tập quán lạ

30. Đi mua đồ

31. Chợ Tây Tạng

 

 

Chương VII:  Những Già Lam nơiThánh Địa

32. Những ngôi chùa tại vùng Thánh Địa

1- Chùa Viên-Giác Việt Nam

2- Chùa Phật Lớn của Nhật Bổn

3- Chùa Miến Điện

4- Chùa Tây Tạng

5- Chùa Trung Hoa

6- Chùa Thái Lan

7- Chùa Buhtan

8- Chùa Việt Nam Phật Quốc, Chùa Tích Lan và nhiều ngôi chùa khác




Chương VIII:  Những Thánh Tích bên kia sông Ni Liên (Neranjana)

33. Vùng Khổ Hạnh Lâm hướng Nam

1. Đền thờ Phật lúc nhận bó cỏ kiết tường

2. Tượng Phật nhận sự cúng dường của Hai người Thương gia Miến Điện

3. Nơi Ngài độ ba anh em ông Ca Diếp

4. Đền Sũjata và Đền Phật quăng bát vàng

5. Uỷ lạo học trò nghèo

34.  Đến núi Dungsiri (khổ hạnh lâm) hướng Bắc

1. Chiêm bái tượng Bồ Tát khổ hạnh

2. Bố thí cho dân nghèo




Chương IX:  Linh Thứu sơn (Gijihakũta)

35. Đường lên Linh Thứu sơn

1. Những bức trường thành biên giới

2. Đường đến Vương Xá thành(Ràjagriha)

36.Cuộc đời vua Tần Bà ta La (Bimbisãra)

1. Vua theo ngoại đạo Bà la môn

2. Vua bức tử Đạo Sĩ sanh làm con mình

3. Quả báo phải trả

37.  Đức Phật chuyển hoá Vua A xà Thế -  Sự thoát chết của Bác sĩ Jivaka

38. Đến Linh Thứu sơn (Gijihakũta)

1. Đường lên Hương Thất Đức Phật

2. Động đá của Ngài A Nan thị giả Phật

3. Tại sao trí nhớ Ngài A Nan tuyệt vời ?

4.Chiêm bái Hương Thất Đức Phật

5. Đề Bà đạt Đa ám hại Phật

6. Đi ghế treo lên ngọn núi chùa Liên Tông Nhật Bổn.


39. Trên đường về Bồ Đề Đạo Tràng

1. Xem Ngân Khố đục trong đá ngày xưa

2. Ghé suối nước nóng

3. Tịnh xá Trúc Lâm & động Saptaparni




Chương X:  Đường đến Kushinagar

40. Từ Bodh Gaya đến Kushinagar

1.  Người dân quê ven lộ

2.  Viếng Đại Học Nalanda mới

3.  Đại học Nalanda cũ

4.  Khách sạn Fauzi Ngàn Sao

5.  Hội chợ thi bò đẹp

6.  Chiêm bái Thánh Tích Kushinagar

7.  Thời gian Đức Phật tuyên bố Ba tháng nữa Ngài sẽ nhập Niết Bàn

8. Đế Thích vua Trời săn sóc Đức Phật

9.  Đức Phật dạy những lời cuối cùng

10 . Khai Quật khu Kushinagar




Chương XI:  Đến Lumbini

41.  Đường lên biên giới

1. Biên giới Ấn Độ và Nepal

2. Đến   Thị Xã Lumbini

3. Chùa Việt Nam Phật Quốc Lumbini

4. Chiêm bái Lumbini

5. Dự lễ chùa Liên Tông  Lumbini

6. Ủy lạo cô nhi chùa Tây Tạng và những gia đình dòng họ Thích còn lại

7. Dự Lễ dâng y chùa Miến Điện

8. Chùa Trung Quốc

9. Chùa Trung Hoa Đài Loan

10.Chùa Linh Sơn Lumbini

11.Những khách sạn và phi trường gần Lumbini  


Chương XII:  Đến vùng Kapilavastu

40. Trên đường đến Thị Trấn Kapilavastu

1.  Viếng vương thành cổ Kapilavastu

2.  Tháp ngựa Kiền Trắc trung thành

3.  Tháp vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu

4.  Viếng nơi Đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni (Kanakamuni) giáng sanh




Chương XIII:  Đến Vãrãnasi (Ba la nại)

41.  Đến thành phố Vãrãnasi

1. Xem thiêu xác nửa đêm bên sông Hằng

2. Đón bình minh trên sông Hằng của thành phố Vãrãnasi  (Thánh địa Ấn Giáo)

3. Viếng  vườn Sarnath

4. Chiêm bái nơi Phật chuyển Pháp Luân

5. Những nai bông đẹp

6. Chiêm bái Tháp Dhamekh

7. Thăm viện bảo tàng Sarnath

8. Các ngôi chùa chung quanh Sarnath

9. Về Bodh gaya vào làng nghèo bố thí

10. Một bài học từ dân nghèo

11. Ai cám ơn ai ?

12. Quan sát những người nghèo

13. Tối chiêm bái Bồ Đề Đạo-Tràng từ giã

14. Những điều tương phản ở Ấn Độ




Chương XIV:  Phần kết

44. Công đức lớn lao của Phật qua vô lượng kiếp tu

1. Lòng Từ của Đức Phật cao cả vô biên

2. Đức Phật là bậc ân nghĩa vẹn toàn

3. Đức Phật thể hiện hiếu hạnh tuyệt vời

4. Sự yên lặng của Phật là bài học quý giá muôn đời

5. Hương thơm đức hạnh của Phật lan xa 84000 dặm

6. Những lời Phật dạy cần nhớ




Phụ Chương XV:  Viếng chùa tháp và cung điện Thái Lan

42. Trên đường trở về Mỹ

1.  Núi khỉ và những ngôi chùa đặc biệt

2. Viếng Chùa Vàng, Cung điện Thái Lan

3. Ra hải đảo Nong Nook

4. Thailand Cultural Show

5. Đoàn voi biểu diễn

6. Lên  voi xứ Thái

7. Người  biểu diễn cá sấu

8. Người biểu diễn rắn hổ mang chúa

9. Những ngôi đền lạ ở Thái Lan

10.Đến chùa Cá tụ trước sông

11.Ngày cuối ở Thái Lan

12. Kết thúc cuộc hành trình

 

Lời bạt

Những Vị Phật tử ủng hộ tiền in sách

***

 

 

CHƯƠNG  I: PHẦN MỞ ĐẦU

 

Nói đến xứ Phật, người Phật tử cảm thấy có cái gì rất gần gũi, rất thân thương và gắn bó. Có cái gì huyền bí nhiệm mầu, để cảm thấy lòng mình mơ màng, mong muốn được một lần về thăm xứ Phật thân thiết đó ! Chẳng khác nào chàng cùng tử lạc lõng tha phương, mong ước được về dưới mái ấm gia đình, để nương tựa vào người Cha Hiền Đức.

Quyển sách này, tác giã viết từ những cảm xúc của tâm hồn, và ghi nhận những chuyển biến Tâm Linh qua cuộc hành trình trên xứ Phật. Đồng thời ghi những nhận xét trung thực về phong tục, tập quán, cũng như chứng kiến những cuộc lễ trên đường hành hương. Ngoài ra, chúng tôi còn tham khảo nhiều kinh sách tài liệu, tham vấn các vị sống tại Ấn Độ lâu năm, tham vấn những giới chức địa phương và dân cư từng vùng về phong tục tập quán lâu đời. Sự ghi chép của chúng tôi bằng những cảm xúc, bằng những rung động trong tâm thức, trước sự kiện và trước các Thánh Tích lịch sử. Sách này, không hoàn toàn mang tính khoa học khảo cứu. Vì nhiều giả thuyết bất đồng của các nhà khảo cổ, các nhà khoa học về địa điểm chính xác của các di tích, cũng như sự xây dựng Tháp Đại Giác do ai ? Còn các di tích khác, chưa hẳn chính xác đúng vị trí, như động đá Saptaparni gần khu vườn Trúc Lâm, nơi kết tập Kinh Luật lần thứ nhất. Có hai Hang Động khác nhau vẫn còn nằm trong vấn đề nghi vấn. Cũng như thành Kapilavastu, các nhà khảo cổ cũng chưa xác định được đúng hay không, vì còn một nền thành lớn hơn cách đó không xa. Theo tôi thấy, nền được tu bổ để khách chiêm quan hiện tại, thiếu sân tập họp các binh chủng (Tượng binh, Kỵ binh, Xa binh và Bô binh) khi cần điều động và thiếu cung điện chỗ các quan chầu vua và nghị sự. Như vậy cái nền này là cung điện riêng của Đông Cung Thái Tử Shiddartha. Bởi thời gian hoang tàn quá lâu ! Tuy nhiên không sai lệch gì quan trọng về vị trí Thánh Tích, cũng như các chùa các Tịnh xá ngày xưa.

 

Sách viết về xứ Phật tuy nhiều, nhưng mỗi tác giã đều viết dựa theo sự thấy biết của mình. Đôi khi theo dòng suy tư sở thích và những gì mình cảm nhận. Riêng tôi viết bằng những suy tư, xúc động nghe và thấy, bằng những tìm tòi khảo cứu về những điều lạ chưa ai viết, chưa ai phân tích. Dù thời gian ở Ấn Độ tuy ngắn, nhưng tôi không để uổng phí thời gian. Chịu khó đi tìm hiểu những gì mình chưa biết, hỏi thăm những giới chức địa phương về những vùng sâu, hay đi vào làng dân nghèo tìm hiểu phong tục tập quán, và nhất là chúng tôi tham khảo hơn trăm tài liệu khác nhau. Tôi đọc lại trong các Bộ Kinh A Hàm, kinh Viên Giác và nhiều bộ Kinh khác, để tìm kiếm về những thời gian Ngài tu Khổ hạnh, đến độ gục ngả như thế nào, cũng như hành trình hoằng hoá của Đức Phật. So sánh lại trước thời gian Ngài Thành Đạo, và sau thời gian Ngài Thành Đạo. Đến khi Ngài chiêm ngưỡng cây Bồ Đề, rồi đi chuyển Pháp Luân đầu tiên tại vườn Lộc Uyển. Tìm lại lịch sử các vị vua sùng kính Phật, hay là hóa độ những trường hợp nghịch cảnh. Suốt thời gian dài nửa thế kỷ, Ngài đã gặp nhiều khó khăn trở ngại, nhưng Ngài vẫn tự tại đi cứu độ nhân gian. Cho đến trước khi  nhập Niết Bàn, Ngài còn để lại những lời dạy cuối cùng. Ngoài ra, chúng tôi tìm hiểu thêm những sách, những tài liệu liên quan đến các Thánh tích hơn 25 thế kỷ qua.

 

Đáng lẽ chúng tôi viết xong vào đầu mùa Hè năm 2005. Nhưng bận nhiều Phật sự hoằng pháp, với tình hình Phật Giáo ở Việt Nam và Phật Giáo Quốc ngoại đang căng thẳng. Nhị Vị Đại Lão Hoà Thượng lãnh đạo GHPGVNTN bị giam lỏng tại chùa. Hoà Thượng Tăng Thống đau muốn vào Sài Gòn trị liệu cũng không được. Còn Hòa Thượng Viện Trưởng không cho tiếp xúc với ai. Cho nên chúng tôi thành lập một phái đoàn, gồm có Hòa Thượng T. Vân Đàm, H T T.Trí Lãng và chư Tăng, Ni với ít Phật tử và vài vị Đại Diện Cộng Đồng Việt Nam tại New-york, đã đến trị sở Liên Hiệp Quốc. Gặp các Đặc Uỷ phụ trách Tự Do và Nhân Quyền, trình bày những vấn đề vi phạm trầm trọng của nhà cầm quyền Việt Nam với những chứng cớ trưng bày. Thời gian này, các đài truyền hình Việt Nam Hải Ngoại và các đài phát thanh cũng hay phỏng vấn chúng tôi. Kể cả đài Á Châu Tự Do, phóng viên Đổ Hiếu đã phỏng vấn chúng tôi tại New York. Tiện đây, chúng tôi xin cám ơn vị Mạnh Thường Quân là Ông Trần Đình Trường, chủ khách sạn CARTER Newyork đã miễn phí cho đoàn chúng tôi nghĩ qua đêm tại khách sạn của ông. Chúng tôi cũng xin được cám ơn anh chị em, trong Ban Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam tại Newyork, đã nhiệt tình tận tâm tiếp đón chúng tôi và giúp đỡ chúng tôi làm các thủ tục gặp các Cao Ủy của Liên Hiệp Quốc. Phần việc sau là, H.T.Thích Vân Đàm, thường liên lạc với các Cao Ủy đặc trách Tự Do Nhân Quyền.

 

Công việc xong, tôi tưởng khi về chùa, sẽ rảnh đôi phần để viết. Nhưng tôi lại bị chứng bệnh gan truyền nhiễm qua đường máu, bằng kim chích của các trại tù miền Bắc, bây giờ nó mới hoành hành. Các anh em tù nhân chánh trị, khi về đa số bị chứng đau gan này chết nhiều. Vì không biết, nên hay uống rượu và ăn các loại thịt đỏ, ăn những đồ biển, nên bị phát bệnh nhanhĐó là bệnh xơ gan C loại 6 của vùng Á Châu.

(Tôi xin ghi vào đây về bệnh chứng của Viêm Gan C6, để giúp quý vị kinh nghiệm về triệu chứng này, hoặc có bà con nào đang cần điều trị.

Bệnh của tôi đã tìềm ẩn lâu dài, trải qua hơn 30 năm, sau này thỉnh thoảng đau ngầm trong bụng nhiều chỗ, cứ tưởng đau bao tử. Triệu chứng của nó là hay mệt, vì gan sưng to, ép mạch máu tim, mạch máu phổi và các mạch máu bao tử. Khi nội soi, thì thấy rõ 5 chỗ phì của mạch máu trong bao tử. Chính sự chèn ép các mạch máu, cho nên khi tôi lên dốc hay lên cầu thang rất mệt, phải thở bằng miệng, lại tưởng là đau tim. Lại hay đau bụng và chung quanh bao tử. Nhưng hôm đì hoằng pháp đến New Mexico, đau quá tôi phải đi nhà thương, siêu âm, chích thuốc mê soi đường ruột. Chụp MRI, nằm trong cái ống gần 40 phút, thấy rõ lá gan bị nổi u nhiều và sưng to. Khi thử nhiều ống máu, thấy rõ Viêm Gan lọai C6 đang trong giai đoạn xơ gan nặng. Nhưng có thể trị được. Trước khi trị bệnh xơ gan, thì phải trị những chứng bệnh khác cho lành. Bởi khi uống thuốc Ribasphere và chích Pegasys, thì nó sẽ phá các tạng phủ nào yếu do các chứng bệnh kia gây ra. Do đó phải trị cho an toàn suốt sáu tháng, phải đi bệnh viện kiểm hàng tuần, phải mổ cánh mũi lấy khối u. Phải khám mắt, tai, mũi. họng. Sau đó vết mổ bị đứt chỉ ra máu nhiều, phải đi cứu cấp suốt một đêm. Rồi phải chụp các loại hình cho mỗi tạng phủ, phải mang máy đo tim chạy bộ trên máy và chích chất phóng xạ vào người, với thử máu liên tục. Trong người quá mệt mỏi, tôi không thể nào làm việc gì khác. Khi bắt đầu trị liệu, thì bị phản ứng thuốc mất nhiều hồng cầu, đến mức tệ hại nhất. Bác sĩ phải cho ngưng thuốc 6 tháng, để hồng cầu sinh lại. Vì thế bị kéo dài cả năm mà chưa chữa trị được bệnh gan. Ăn uống các loại chỉ được dùng 4% sodium mà thôi. Bây giờ phải kiêng cử nhiều loại như chất béo, chất cay nóng, cà phê, nhất là muối, nước tương. Kể cả yogurt, bánh mì, sữa tươi và sữa ensure và các loại đồ hộp dưa muối, olive v. v. Vì loại nào tối thiểu cũng có từ 5% đến 35% sodium. Lâu lâu mới tìm được loại sữa organic 3%  sodium. Duy chỉ có sữa đậu nành Soymilk organic 4% sodium, thỉnh thoảng uống chút chút được. Bệnh viện ở nơi đây đứng hàng nhất nhì ở Mỹ, về chữa trị các chứng ung thư và các chứng đau gan. Sự trị liệu rất chu đáo và hiệu quả. Như bệnh của tôi, bệnh viện cho biết là thành lập một group để trị liệu cho tôi gồm có:

1 .Một Bác sĩ theo dõi tổng quát, để giới thiệu các bác sĩ chuyên  môn trị liệu từng khoa, đó là Dr. Tomedi.Thường được gọi là bác sĩ của family, người Mỹ gốc Ý. Bác sĩ rất thiện cảm với tôi, vì tôi mới đi Ý về với những tấm hình tôi chụp ở Ý.

2. Một Bác sĩ chuyên môn về các loại bệnh gan là Dr. Arora Sanjee, người Mỹ gốc Ấn. Bác sĩ lại rất thích nói về quê hương ông, khi tôi đã đến Ấn chiêm bái các Thánh Tích.

3. Một chuyên viên về việc dinh dưỡng, tôi phải  đến  đây  học 2 giờ, để biết cách dinh dưỡng, kiêng cử việc ăn uống hằng  ngày. Khi cần phải liên lạc và học thêm về phương pháp dinh dưỡng khác.

4. Một y tá trưởng là bà Louise chuyên môn  về các loại xơ gan. Tôi cũng phải đến đây học hai tiếng đồng hồ, về cách trị liệu. Bà  này  luôn  theo dõi  hàng tuần, đo tim mạch, cân đo  cơ thể, xem nhiệt độ, xem báo cáo về hồng cầu, bạch cầu và  virus  trong  máu. Để cho  bác sĩ quyết định  liều lượng  thuốc uống, và cần thêm chất sắt, vitamin B12 hay calcium không.

5.  Một dược sĩ bào chế loại thuốc theo yêu cầu cua bệnh tôi.

6.  Một đại diện công ty bào chế dược phẩm, để cung cấp

thuốc đúng thời gian theo chỉ định.

7. Một hướng dẫn viên huấn luyện yoga, giúp cho sự trị liệu tốt đẹp và hiệu quả như ý (Tôi thường ngồi thiền nên được miễn phần này).

Ngoài ra còn liên hệ với các Bác sĩ Nha khoa, Nhãn khoa và các chuyên viên chụp hình, thử máu, v. v . .

Điều quan trọng nữa là, nhà thương có những thông dịch viên chuyên môn, sốt sắng như ông Diễn, cô Lan Đài, cô Tammy, cô Kim để tránh sự hiểu sai những từ có đặc tính chuyên môn về y khoa. Nhằm tránh sự ngộ nhận từ ngữ, nhằm giúp sự điều trị chính xác và hiệu quả .

Bác sĩ luôn theo dõi kỹ lưỡng về sự chịu đựng của cơ thể tôi. Sở dĩ chúng tôi ghi rõ điều này, để quý vị có kinh nghiệm về triệu chứng này đề phòng, và thấy cách trị liệu rất công phu mới kết quả. Bác sĩ thường giải thích và cho biết kết quả từng giai đoạn. Bây giờ, tuy virus trong máu tôi không còn, nhưng bác sĩ cho biết, tôi còn phải trị liệu thêm đến tháng 02 năm 2008, để lá gan mềm lại bình thường, hoạt động tốt lại).

 

Có vài Thầy và những anh em ở các tiểu bang khác, cùng một chứng bệnh như tôi vì bị nhiễm bệnh từ các trại tù vùng Sơn Cước Thượng Du miền Bắc. Tuy cũng trị liệu, nhưng cách trị liệu không được chu đáo, không đầy đủ kỹ lưỡng như ở đây. Khi nghe tôi nói cách trị này, quý Thầy với các anh em đều mong ước nhưng chưa được. Hiện những vị này bị trở chứng đau các bệnh khác, vì thiếu sự kiêng cử và theo dõi sít sao, nên lần lượt nối nhau sang thế giới khác.

Lúc mới bắt đầu chích thuốc đến mấy tháng sau tôi hay quên khó nhớ. Bây giờ sức khoẻ hiện tại của tôi tuy còn yếu, nhưng trí nhớ của tôi đang phục hồi, nên tôi cố gắng viết quyển sách này cho hoàn thành. Đáp ứng lời hứa với Phật tử các nơi, khi nghe tôi kể lại cuộc hành trình xứ Phật vô cùng linh thiêng và hữu ích, ai cũng muốn đọc và muốn đến xứ Phật một lần.

 

Trong sách này, chúng tôi ghi thêm những kinh nghiệm mua đồ lưu niệm ở Ấn, và sự bố thí cho những người ăn xin, bố thí cho những xóm nhà nghèo. Để cống hiến Quý Vị những điều nên tránh, không bị phiền phức khó khăn trong việc làm từ thiện, không làm mất đi ý nghĩa bố thí và sự an lạc chung của đoàn. Nhằm giúp cho cuộc hành hương chúng ta luôn an vui, tăng trưởng thêm niềm tin kính sâu xa của chúng ta, trên Thánh Địa Thiêng Liêng này. Nếu ai tha thiết thành tâm, có thể đạt được những sở nguyện của mình bấy lâu nay, sẽ thành tựu như ý muốn, Vì mục đích của cuộc hành hương, là nuôi dưỡng Tâm Linh thêm lớn mạnh. Khi chúng ta thiếu sự chuẩn bị tâm thức, cũng như thiếu chuẩn bị về sự tiếp xúc, với xã hội đang trong sự nghèo thiếu, chỉ tin tưởng vào thần linh và phân biệt giai cấp quá sâu nặng. Chúng ta sẽ mất đi những hữu ích quý giá, những tốt đẹp của sự hành hương trên đất Phật. Nếu không khéo, cuộc hành hương sẽ làm mất đi những phấn khởi, những chuyển biến phát triển Tâm linh của chúng ta. Muốn hiểu hết nhiều về Ấn Độ, phải ở vài ba năm nghiên cứu tìm tòi. Chứ cuộc hành hương ngắn ngủi chỉ 21 ngày, thì khó thông suốt hết mọi việc trên Đất Phật.

 

Sách này, chúng tôi ghi chép được những gì trên con đường đi qua. Rồi chiụ khó tìm tòi học hỏi thêm những viên chức địa phương, và lục tìm nhiều tài liệu, dù thế nào cũng không tránh khỏi thiếu sót. Tuy sách này không phải là công trình khảo cứu đặc biệt, nhưng nó là tài liệu giá trị cần thiết, giúp ích cho chúng ta việc chiêm bái Thánh Tích và hữu ích cho Tâm linh. Hy vọng nó sẽ giúp quý vị có ý niệm nhận thức trước, biết được những điều mình chưa biết. Nhằm tránh khỏi ngỡ ngàng trước những tập quán lạ, trước cảnh đáng thương của lớp người nghèo đói. Đồng thời, chúng tôi trình bày những biến cố lịch sử đã xảy ra từ bao thế kỷ, để quý vị biết rõ nơi mình đang chiêm bái đã trãi qua những gì. Chúng tôi tin tưởng với tâm thành, quý vị sẽ nhận được nhiều năng lực nhiệm mầu tại nơi chiêm bái, mà chúng ta không ngờ sự thiêng liêng vẫn còn mạnh mẽ đến hôm nay !

 

1. Cơ Duyên lành đến:

Năm Giáp Thân 2004, chúng tôi dự định cho các Phật tử đi hành hương bên Trung Quốc. Những nơi như đức Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiện ở Phổ Đà sơn, cũng như những Thánh tích Ngũ Đài sơn và nhiều nơi quan trọng khác. Chúng tôi không có dự trù đi Ấn Độ, dù đó là nơi quê hương đức Từ Phụ Thích Ca đã giáng trần cứu độ chúng sanh. Bởi vô tình, tôi đã bị ảnh hưởng những lý do:  “Xứ Ấn quá nóng, đầy bụi dơ, xã hội thiếu trật tự.  Có trường hợp, ngươi cùi ăn xin vì mất phần, nên đã ôm chặc du khách đang cho.  Đến nơi, một bà Phật tự bị nguời cùi ôm, đã khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Vì khi lên máy bay, những ngươi trong đoàn không ai dám ngồi gần bà, bởi sợ bị lây thứ vi khuẩn cùi trên áo của bà”.   Nếu chúng ta không có suy tư, đễ nhận thức rõ ràng điều này.  Khi nghe qua những việc như vậy, không còn ai dám đi qua xứ Phật.  Rồi người khác nghe được, lại thêu dệt thêm thắt, khiến cho câu chuyện trở thành ghê tởm, rùng rợn hơn ! Chính chúng tôi, cũng là người bị ảnh hưởng sự gieo rắc vô tôi vạ đó.  Cho nên chùn bước chân, không muốn đi Ấn Độ trong mấy năm qua là như vậy.   Thật sự khi qua tới Ấn Độ, chúng tôi không thấy người cùi nào hết!  Có lẽ vì sợ mất khách du lịch, đem nguồn ngoại tệ dồi dào vào Ấn. Cho nên Chính Phủ Ấn, đã dời những người cùi đi vào khu rừng vắng nào rồi chăng?  Cũng có thể vào mùa hành hương, du khách Âu, Mỹ, Úc đến Ấn nhiều.   Chánh phủ Ấn, phải cho gom họ vào những ngôi nhà riêng, để nuôi dưỡng và cô lập họ?   Hơn nữa, Ấn Độ là một quốc gia phân biệt giai cấp rất nặng nề, những người cùi lang thang được xem là giai cấp cùng đinh, họ không bao giờ dám đụng đến du khách là giai cấp cao hơn họ nhiều. Họ chỉ đưa tay xin tiền, không cho cũng không sao, họ không dám chữi, không chạy theo đeo đẳng, không có thái độ đe dọa khách như những người cùi ở Việt Nam.   Còn quý vị muốn cho, thì cần chuẩn bị tiền lẻ trước cho nhiều, kêu họ ngồi hai hàng rồì cùng nhau đi phát một lượt.  Họ rất ngoan ngoản nghe lời quý vị.  Vừa nhanh gọn, trật tự và làm cho tâm mình được an ổn, không bị bức rức vì muốn giúp họ mà sợ hãi không dám giúp.

*

Tôi không ngờ phép Phật nhiệm màu, xứ Phật đầy huyền diệu thật khó tả. Như chúng ta thương nghe Ấn Độ huyền bí, sông Hằng linh thiêng mầu nhiệm, Hymalaya đầy quyến rủ và kỳ bí huyền vi. Những từ ngữ này, đều nói lên tính trung thực và quyền năng kỳ diệu của nó.   Đã có nhiều người muốn đi, nhưng không đủ duyên lành, đến ngày đi thì gia đình có chuyện bạn rộn, hoặc đau yếu, hay là công việc làm ăn có trở ngại.  Cuối cùng, đành bỏ vé máy bay với cõi lòng đầy hối tiếc.  Còn người chưa muốn đi, nhưng có duyên lành, lại khiến gặp dịp đi nhanh chóng để giải trừ những ngộ nhân, những thành kiến mà người khác vô tình gieo rắc. Như chuyến  chúng tôi không muốn đi Ấn Độ, bởi  những lý do nêu ở trên, mà muốn đi Trung Quốc.  Nhưng, Trung Quốc trong năm đang xảy ra bệnh dịch Sars và dịch cúm gà, đã gây tử vong cho nhiều người. Vì thế, cuộc hành hương Trung Quốc chúng tôi đành gác lại khi khác

2.    Những cuộc Lễ trùng hợp thời gian:

Thật không ngờ, bên Ấn Độ sắp có những cuộc lễ lớn như: Kỷ niệm Nhị Thập Ngũ Chu Niên cũa chùa Liên Tông Nhật Bổn, phái này do Ngài Nhật Liên Thánh Tăng đề xướng, chuyên trì kinh Pháp-Hoa. Những ngôi chùa tông phái này, thường xây cất quy mô một cái tháp tròn, gọi là Tháp Hòa Bình (Shanti Stupa) với vòm tròn đỉnh nóc nhọn cao. Dưới có ba tầng vòng hành lan chung quanh . Phái Liên Tông dù ở quốc gia nào, cũng đều xây một kiểu dáng như vậy ở khắp thế giới. Thời gian cuối tháng 10 khí hậu lại dễ chịu, cho nên có hàng ngàn vị Lạt Ma Tây Tạng, về Bồ Đề Đạo Tràng Bodh Gaya làm lễvới Hội chợ Tây Tạng chào đón khách du lịch. Đại Hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên Thế Giới cũng về Đây hội họp, Đại Hội Thanh Niên Tăng Thế-giới cũng về đây họp . Lại trùng ngày Tết cũa Ấn Độ vào trung tuần tháng 11 v. v. . Cho nên Đa số qúy Thầy, qúy Phật tử các nơi trên thế giới, cùng đến đây dự lễ và hành hương trong dịp hiếm có này.

 

Bấy giờ, T. T. Thich-Minh-Đức ở Connecticut, cho tôi biết ở Texas Đang tổ chức hành hương Ấn Độ. Do anh chị Minh Phước và Diệu Liên là hai Phật tử có nhiều nhiệt tâm, hiện đang lo thủ tục cho cuộc hành hương này. Thế là tôi được đi Ấn Độ ngoài dự trù, thiếu chuẩn bị trước. Vì năm nay tôi đã đi hoằng pháp và dự lễ nhiều nơi, hiện trên tay tôi còn bốn vé máy bay do các chùa mời làm lễ Vu-Lan và thuyết pháp.  Tôi phải hoàn thành việc này trong tuần tới, để trả nợ lời hứa. Bây giờ tôi quyết định, chỉ đi giảng những nơi này thôi, tôi không nhận thêm nơi nào nữa. Để dành thời gian chuẩn bị cho việc hành hương sắp tới.

 

Tôi điện thoại cho chị Diệu Liên biết, giúp tôi làm thủ tục xin visa để đi chuyến hành hương này. Hai mươi ngày sau, tôi nhân Được mười vé máy bay và các giấy tờ cần thiết để đi hành hương Ấn Độ, Népal và Bangkok từ chị Diệu Liên gởi qua. Hành trình gồm: cuộc hành hương trên đất Phật 21 ngày, với chương trình sẽ chiêm bái nhiều Thánh Tích và danh lam. Ngoài ra, còn được cầu nguyện và đón bình minh trên mặt nước cũa sông Hằng linh thiêng.  Đặc biệt hơn nữa, là Được thăm viếng Bangkok năm ngày, thì chỉ cần $200.00 là đi nhiều nơi ở Thái Lan. Do Trung Tâm Du Lịch Thái Lan họ bao ăn, ở khách sạn năm sao, với chương trình đi thăm các hoàng cung, các danh lam, chùa vàng và du thuyền trên biển, trên sông, bao luôn các chương mục xem: diễn tích Thái Lan lập quốc do các nam nữ nghệ sĩ biểu diễn. Bao luôn việc xem: voi trình diễn các trò, múa dây, voi đánh nhạc, voi đá banh, chạy xe, vẽ tranh bằng vòi và đấm lưng cho du khách và lên voi dạo rừng. Ngoài ra được xem cá sấu há miệng ngậm đầu người diễn viên mà không táp, xem biểu diễn rắn King Cobra, và nhiều tiết mục khác v. v..  Sở dĩ rẻ như vậy, là do các công ty thương mãi tài trợ, để thu hút du khách thăm các gian hàng. Thề nào du khách cũng phải mua sắm, tiền mua sắm cũa du khách, sẽ giúp cho các công ty thương mãi thu lại cả vốn lẫn lời. Đồng thời tăng thêm nguồn ngoại tệ cho Quốc gia, giải quyết được nạn thất nghiệp cho các nhân viên hướng dẫn du lịch, trong lúc mùa nghỉ hè đã hết không còn du khách. (Quý vị trước khi đi xứ Phật, nên xem các chương trình quảng cáo về Thái Lan, sẵn dịp trên đường viếng luôn ít tốn kém hơn).

 

Lúc bấy giờ, nghĩ đến xứ Phật huyền bí, tôi cảm nhận có một luồng từ điện chuyển rần rần khắp người tôi. Sự mệt mỏi cũa những tháng ngày qua, bổng dưng tan hết một cách lạ lùng. Tâm tôi trở nên trống rổng nhệ nhàng, một sự bình an đang tràn ngập trong tâm hồn tôi. Tôi mặc áo tràng lên chánh điện lễ Phật, rồi tịnh tâm đắm chìm trong sự an lạc đó. Tôi cảm nhân như có tiếng gọi từ cõi xa xăm, đang vang dội trong tâm thức tôi, có tánh cách khuyến khích hãy đi về xứ Phật, hãy thấy trực tiếp bằng chính mắt cũa mình, sẽ cảm nhân được nguồn Thần Lực mầu nhiệm ở những Thánh Tích Thiêng Liêng. Cho nên, sự quyết định đi về xứ Phật, cũa chúng tôi đều suông sẻ tốt đệp. Ngoài ra tôi còn đạt thêm được những điều ngoài ước muốn cũa mình.

 

Tôi liên lạc hỏi thăm chuyến đi này, có nhiều người mang theo máy ảnh và máy quay phim, nên tôi không còn bận tâm về điều này nữa. Tôi chỉ chuẩn bị y phục và áo lạnh khi đến vương Quốc Népal. Vì nơi đây gần dãy Hymalaya, cho nên chiều tối hay lạnh. Népal là vương Quốc riêng biệt tách rời với Ấn Độ hiện nay. Chỗ Đức Phật giáng sinh ở Lumbini thuộc vương thành quê ngoại cũa Ngài và cả vương thành Kapilavastu cũa vua Tịnh Phạn cũng thuộc vương Quốc Népal bây giờ. Vì thế, hành trang cũa tôi có phần gọn nhệ chỉ có y phục với đồ dùng cá nhân, bộ y hậu để làm lễ. Nhưng, chuyến trở về thì có phần cồng kềnh một chút. Về phần ngọai thân, thì mua những vật kỷ niệm làm quà chứa đầy thêm một valise mới. Còn phần ni thân, thì tâm thức có những phần buông xả nhệ nhàng, thay đổi nhiều về cách nhìn cuộc sống, giữa thấy và nghe cách xa nhau một trời một vực. Cũng như những cảm xúc cũa tâm linh, càng làm cho tôi cảm thấy sự sanh tử nhệ nhàng như hồng mao.  Tôi không quan trọng về việc xây dựng chùa to, Phật lớn ở bên ngoài. Chỉ quan trọng xây dựng tòa ngồi cho Đức Phật trong tâm mình, có chỗ hiện hữu thường trực, để sáng soi cho mình sớm giác ngộ, để tiếp tục cuộc hành trình, theo bước chân Phật đến khi viên mãn.

 

Người xưa nói : “Trăm nghe không bằng mắt thấy’’.   Đó là một chân lý muôn đời. Nhưng trong nhà Phật lại hay hơn một điều nữa là:’’ Cái thấy đó phải do tư duy cũa trí tuệ, để nhân định được đúng đắn chân thực, không bị các thành kiến, biên kiến hay tà kiến chi phối thì mới giá trị, mới phù hợp với chân lý.  Đức Phật gọi đó là Chánh Kiến ’’.   Vì Chánh Kiến là ngọn đuốc soi đường giúp cho chúng ta thoát khỏi đường mê cũa các tà kiến, giúp trí tuệ chúng ta bừng mở trên con đường đến an vui giác ngộ.

 

3.    Những xúc động mạnh đi vào Tâm Linh:

Qua những ngày hành hương trên Thánh Địa, chúng tôi mới quán sát được rõ tình nghĩa của Phật bao la, lòng từ bi vô giới hạn. Đồng thời, cảm thông sâu xa được sự hy sinh cao cả cũa Đức Phật, sự vất vả gian lao cùng cực trên con Đường hành Đạo và hóa Đạo cũa Ngài. Chỉ có Đức Phật; chỉ có bậc tu hành nhiều Đời nhiều kiếp; chỉ có bậc Đại từ, Đại bi, Đại hỷ, Đại xả. Ngài mới có thể hy sinh cả cuộc đời, dầm sương dãi nắng, lội bộ xuyên núi, xuyên rừng và chịu Đói khát, chịu mắng nhiếc hất hũi, chịu sự ám hại cũa thế nhân, mà vẫn trải lòng từ bi tế Độ mọi người. Nếu tính cuộc hành trình, giáo hóa cũa Ngài trải dài suốt nửa thế kỷ, dọc hai bên sông Hằng và rừng núi, Ngài Đã tới lui nhiều lần các vương Quốc Ấn Độ bấy giờ, tính ra hơn hàng chục vạn cây số. Chúng ta chỉ kể sơ qua việc, lúc Ngài Thành Đạo dưới gốc Bồ Đề tại Bodh Gaya. Ngài vì năm người bạn đồng tu khổ hạnh với Ngài.  Khi Ngài nhận bát sữa của nàng Sujata, bị năm người bạn này hất hủi, bỏ đi đến vườn Lộc Uyển ( Migadàya) bây giờ gọi là Sarnath (Có nghĩa là Lộc Vương). Ngài một mình lặng lẽ kiên trì, sau 49 ngày thiền định kiên cố, Ngài Đắc đạo quả Vô Thượng Bồ Đề Chánh Đẳng Chánh Giác.  Chúng ta đọc lịch sử Phật ở Việt Nam, có cảm tưởng như là từ gốc Bồ Đề ở Bodh Gaya đến vườn lộc uyển chừng năm, mười cây số là cùng. Nhưng thực sự, Ngài đã đi bộ từ Bồ Đề Đạo Tràng, đến vườn Lộc Uyển Migadàya, bây giờ tên mới là Sarnath, cách xa khoảng hơn 150Km. Đường xá xấu, xe phải chạy từ sáng đến xế chiều mới tới. Còn Ngài vì lòng từ bi, thương năm người bạn đi lệch đường, và cũng vì tình nghĩa lớn lao của bạn đạo, Bấy giờ Ngài đi bộ, vòng qua những rừng núi, lội suối trèo non, có thể kéo dài đến 200km. Ngài còn vào làng khất thực, bữa đói, bữa no, đôi khi ăn vài trái cây rừng hoặc lá rừng cho qua bữa. Mục đích là đến vườn Migadãya (Lộc-Uyển) độ các bạn đồng tu đã bỏ Ngài ra đi.  Cuộc hành trình đó, Ngài phải lặn lội cả ba tuần vất vả, chỉ vì lòng từ bi, vì tình nghĩa lớn lao, Ngài không ngại gian truân đường dài, lặn lội như vậy để độ năm anh em ông A Nhã Kiều Trần Như. Ngài là đấng Đại Từ Đại Bi mới có lòng từ vô biên như vậy.

Cũng như Từ thành Vương Xá (Ràjagriha) cũa vua Tần Bà Ta La, chúng tôi đi xe mất một ngày đường để đến thành Kapilavastu. Thế mà Ngài lội bộ đầu trần chân không, chỗ nào không có làng không khất thực được, Ngài ăn trái sung, trái vã hoặc lá cây rừng.  Suốt hơn tháng trường như vậy, để về thăm phụ vương bệnh và thuyết pháp độ vua cha và thân tộc trong Hoàng cung. Ngài đã thể hiện sự hiếu thảo tuyệt vời, túc trực bên giường bệnh phụ vương, dùng mọi phương tiện thuyết pháp độ vua cha đắc quả Alahan.  Rồi chính Ngài, một vị Giáo Chủ, lại kề vai khiêng kim quan của vua cha đi làm lễ trà tỳ.  Ngài đã làm gương sáng ngàn đời cho mọi thế hệ noi theo. Nên trong kinh dạy:

Hạnh Hiếu là Hạnh của Phật

Tâm Hiếu là Tâm của Phật”.

Và: Người có Hiếu với song thân, được chư Thiên yêu mến ủng hộ. Khi lâm chung được sinh lên cõi Trời hưởng phước.

Ân cao sâu của cha mẹ không gì sánh được, như trong Kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Trọng Ân diễn tả. Vì thế, cha mẹ ai đã qua đời, ngồi một mình đọc kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu, mà không  một  lần động lòng rơi nước mắt vì tình cha, nghĩa mẹ quá rộng lớn bao la ! Trọn đời hy sinh cho con, vì con, cho đến khi nhắm mắt cuối cùng cũng nhắc đến con. Đức Phật đã dùng nhiều phương tiện, dùng nhiều ví dụ, giúp con người đừng bội bạc nghĩa ân, phải hiếu thảo với mẹ cha của mình .

Đến mỗi Thánh tích, khi chúng ta thành tâm chiêm bái, nhất là Bồ Đề Đạo Tràng. Ai cũng cảm nhận được một nguồn năng lực nhiệm mầu, quý giá, truyền vào tâm thức. Tôi không khỏi xúc động, những luồng truyền cảm thiêng liêng như một luồng điện chuyển động mạnh trong người tôi. Khiến tâm thức tôi như sống lại thời quá khứ xa xưa ấy, khiến tâm linh tôi bừng sáng thêm, làm cho những phiền não trong tôi rơi rụng bớt. Tôi cảm thấy mình như một con người mới, đang đi trên lộ trình mới, đang đến gần Đức Phật. Khiến những lời kinh chúng tôi tụng lúc bấy giờ, trở thành sức truyền cảm thiêng liêng và mầu nhiệm. Bấy giờ, chúng tôi như đang sống trong thời Đức Phật, và như đang quỳ dưới chân Ngài.  Cũng như khi đến nơi đức Phật nhập Niết Bàn ở Kushinagar, chúng tôi đã tìm hiểu sự tàn phá của giặc Hồi nơi Thánh tích này. Dù đã đổ nát hơn sáu trăm năm, khi khai quật hàng mấy thước ngói gạch, mới đến tượng đức Phật nằm nhập Niết Bàn. Trên tượng Ngài, người ta thấy những bộ xương của Chư Tăng, đang ôm đức Phật để chịu chết dưới sự dã man của giặc Hồi.  Đố ai không cảm xúc rơi ngấn lệ dài, để nghe lòng mình bồi hồi, nao nao, nghẹn ngào thương xót cho Chư Tăng Tử Đạo!  Rồi thành tâm nguyện cầu lễ bái, chúng ta sẽ cảm nhận một luồng Thần lực thiêng liêng, quý giá tràn ngập trong tâm hồn, chúng ta sẽ nghe vơi đi phiền não, vơi đi sự buồn bã tiếc thương, để cảm thấy  nhẹ nhàng an lạc.

Cuộc hành hương qua xứ Phật, tuy không ai bắt buộc, nhưng đó là một truyền thống lâu đời của những người Phật tử trên thế giới. Nhất là các nước Phật Giáo Nam Tông, các Phật tử luôn xem cuộc hành hương về xứ Phật là một điều quan trọng của cuộc đời họ. Ai cũng thiết tha có một lần về thăm xứ Phật, chiêm bái các Thánh Tích và để hồi tưởng như đang sống trong thời Đức Phật. Người Phật tử các nơi thiết tha được hành hương trên xứ Phật, cũng giống như người Hồi Giáo các nơi ao ước cuộc đời mình được một lần đến đền Thánh Mecca, hoặc nhớ lại thời huy hoàng, đến lăng tẩm Taj Mahal ở Agra.  Còn người Ấn Giáo về Thành Vãrãnasi bên sông Hằng, mong được một lần xuống sông Hằng tắm rửa hết tội lỗi và khi chết được thả tro trên dòng sông này. Hay tín đồ Thiên Chúa Giáo tha thiết được về Jerusalem nơi quê hương chúa Jesus hoặc về Vatican  La Mã ở Ý.  .  .

Hôm nay, nhờ ân Phật từ bi, cho nên bản thân tôi mới được phúc duyên đến nơi Đất Phật, mới thấy được công ơn sâu dày và cao cả của Đấng Từ Phụ của cõi Trời và cõi người. Có đến đây, có chiêm bái, có thành tâm, chúng ta mới thấy sự xúc động sâu xa; mới tăng trưởng thêm niềm tin kính, mới cảm nhân được nguồn thần lực mầu nhiệm cũa Ngài, mới bừng sáng Tâm linh. Tuy đã trải qua nhiều thế kỷ thăng trầm, nhưng nguồn thần lực vẫn còn mạnh mẽ, lưu truyền ở những nơi Thánh Tích. Nhất là ở Bodh Gaya tức là Bồ Đề Đạo Tràng. Cội cây Bồ Đề hiện nay, vẫn hùng dũng kiên cường thi gan cùng tuế nguyệt, vươn những cánh tay đầy năng lực từ bi, che mát cho những người con Phật từ phương xa, đến đây với cõi lòng thành kính, chiêm bái và thiết tha cầu nguyện.

 

4.   Xứ Phật Linh Thiêng và Huyền Bí:

Nơi Đất Phật, dưới mắt thường tình của mọi người, tuy thấy không có gì khác lạ. Nhưng nơi đây, luôn chứa đựng sự huyền bí, thiêng liêng mầu nhiệm, nếu chúng ta có lòng thành cầu nguyện, thì sự ứng nghiệm bất khả tư nghì.  Đã có nhiều người thành tựu công việc, nhờ đến đây cầu nguyện với lòng thành tha thiết. Nhưng cũng có những trường hợp xảy ra bất trắc nếu lòng ta có sự bất mãn. Như Hòa Thượng Thích Như Điển, một vị danh Tăng cũa Đức Quốc, đã viết một mẫu chuyến mà chính bản thân Hòa Thượng là một nhân chứng hùng hồn và sống động nhất. Nhiều người cũng không ngờ xứ Phật vẫn mầu nhiệm, và linh thiêng muôn đời.

 

Nguyên Hòa Thượng sống ở Đức Quốc, một Quốc gia có nền văn minh phát triển mạnh mọi mặt trong thời đệ nhị thế chiến. Những phát minh lớn cũa nhân loại như len nhân tạo và xăng bột đầu tiên, với nhiều nhà Bác Học nổi danh như Einstein v. v.. Đức Quốc có khí hậu mát mẻ, thành phố sạch sẽ, mức sống người dân cao, đầy đũ mọi tiện nghi chỉ sau Mỹ mà thôi, và nhất là trật tự an toàn cho mọi người. Còn Ấn Độ tuy là có nhiều nhà Bác Học và chế tạo bom nguyên tử trước Trung Quốc, các xe cộ tàu bè đều tự sản xuất lấy. Như ở Việt Nam mua đầu máy xe lửa, toa xe và các máy móc khác kể cả máy cày đều nhập cũa Ấn Độ sản xuất. Nhưng Ấn Độ lại chậm tiến vì quá nhiều giai cấp với dân số quá đông, đa số nghèo thiếu ăn, dốt chữ. Cho nên thành phố dơ bẩn, bừa bãi với khí hậu nóng bức.

 

Khi Hòa Thượng Thích Như Điển vừa đặt chân trên phi trường đất Ấn, Hòa Thượng mất thiện cảm ngay vì quá nóng, nhiều bụi và chậm tiến. Chiếc xe máy cày được làm xe kéo những toa hành lý từ phi cơ vào bên trong. Cần nói rõ là, xe hơi các loại đang xử dụng tại Ấn Độ, là 90% do Ấn Độ tự sản xuất lấy. Về thông tin học thì Ấn Độ nổi tiếng hàng thứ hai sau Mỹ và đứng trước các nước văn minh tây Âu. Hiện ở Mỹ ngành y học, Bác sĩ người Ấn rất nhiều, vì Ấn Độ có nền văn minh cổ xưa và con người rất thông thái. Nhưng họ lại không quan trọng về những tiện nghi thông dụng, từ khách sạn, nhà hàng cho đến những tiện nghi công cộng. Nạn ăn xin đầy dẫy, ruỗi muỗi nhiều, cuộc sống thiếu vệ sinh. Chính vì thế, Hòa Thượng có ý chê trách và có cảm nghĩ sẽ không bao giờ đến Ấn Độ nữa.

 

Đến đâu, Hòa Thượng cũng nhìn bằng sự quan sát của người Tây Phương, cho nên cảm thấy khó chịu làm cho việc hành hương của Hòa Thượng không được chuyên tâm. Cho nên, khi Hòa Thượng lên núi Linh Thứu để chiêm bái nơi Hương Thất của Đức Phật. Vua Tần Bà Ta La vì quý trọng đức Phật, cho nên đã cho xây những bậc thang dẫn lên núi. Cả đoàn đông người, kẻ trước người sau, ai đi cũng không có gì xảy ra. Nhưng đến khi Thầy bước đến chỗ Đề Bà Đạt Đa lăn đá đè Phật với ý nguyện là: Hôm nay không làm cho đức Phật ra máu, thì sẽ nhịn đói đến chết. Vì lòng từ bi, đức Phật thấy rõ điều này, cho nên Ngài đã đưa bàn chân ra cho viên đá trúng ngón chân cái của Ngài.  Vì thế máu ra lai láng, làm cho Đề Bà Đạt Đa hả dạ không nhịn đóiChính chỗ đức Phật đã đổ máu, Hòa Thượng bước đến đây, thì ngón chân cái của Hòa Thượng bị xóc vào một nhánh cây khô, nó ra máu lai láng.  Bác sĩ theo đoàn đã dùng nhiều phương pháp và thuốc men để cầm máu cho Thầy, nhưng vô hiệu quả.  Đến khi anh em đem Hòa Thượng lên chỗ Hương Thất của Đức Phật, khi Hòa Thượng lễ bái cầu nguyện xong, tự nhiên vết thương không ra máu nữa. Hòa Thượng cảm thấy đất Phật linh thiêng và huyền bí, tuy trong hình thức nghèo nàn lạc hậu, nhưng có năng lực chi phối con người, hoặc tạo sức mạnh tinh thần giúp những ai thành tâm chiêm bái.

 

Chính vì thế, Hòa Thượng đã thay đổi cách nhìn và tư duy mới. Hòa Thượng đã xây cất một ngôi chùa khang trang, rất đẹp tại Bồ Đề Đạo Tràng với tên Viên Giác. Hiện nay Hòa Thượng đã đến đất Phật nhiều lần rồi. Ngôi chùa Viên Giác xây cất mấy năm là Hòa Thượng đến mấy lần. Sự diệu mầu, đã thay đổi sự bất thiện cảm và ý nghĩ đầu tiên của Hòa Thượng là không bao giờ đến nữa. Bây giờ ý nghĩ của Thầy trở thành thiện cảm gắn bó thiết tha với xứ Phật. Vì thế mỗi năm Hòa Thượng đều về đất Phật chiêm bái, với tâm tư thành kính của đức tin mạnh mẽ. Vùng Thánh Địa hiện nay vẫn chứa đầy những sự huyền bí thiêng liêng, không biết sao kể hết. Nhiều người thất bại kinh doanh, hay thất vọng sở nguyện. Họ đến đây chiêm bái, thành tâm cầu nguyện, khi về đa số đạt sở nguyện, đó là những sở nguyện lành không hại nhân hại vật. Ngày xưa, Đức Phật vì lòng từ bi  lớn lao. Ngài đã giáng sinh trong cõi nước đáng thương này để độ chúng sanh. Đồng thời Ngài cũng để lại tài sản vô giá, để nuôi những người nghèo khổ ăn xin, làm thuê mướn, chạy xe lôi, mua bán lặt vặt. Họ sống được là nhờ khách hành hương đến các nơi Thánh tích chiêm báiTài sản vô lượng này, nuôi rất nhiều người nghèo khổ ở Ấn Độ cho đến mãi ngàn sau.

 

5.   Thần Linh với giai cấp ở Ấn:

Sở dĩ Ấn Độ chậm tiến, dù có nhiều nhà Bác Học. Bởi do nhược điểm cũa xứ Ấn, là bị đè nặng dưới chũ thuyết thần quyền với nhiều giai cấp. Cuộc đời người dân Ấn gởi trọn cho thần linh ngự trị.  Mỗi năm có ba trăm sáu mươi lăm ngày, thì ở Ấn Độ người dân Ấn có hai trăm ngày lễ các thần linh. Thậm chí các giáo phái thần linh cũng thờ Đức Phật, vì họ quan niệm Đức Phật là hoá thân thứ chín cũa Trời Védas.

 

Về giai cấp, lúc Đức Phật còn tại thế, Ngài đã san bằng năm giai cấp bất công và thường tuyên bố :“ Không có giai cấp trong giòng máu  cùng đỏ, không có giai cấp trống nước mắt cùng mặn. Mỗi người đều có Phật tánh và có thể thành Phật trong tương lai’. Ngài đã độ anh chàng Chiên đà La giòng Parias hạ tiện hành nghề gánh phẩn. Ngài hướng dẫn anh tinh tấn tu hành thành một Vị A La Hán cao thượng. Ngài đã làm chấn động các vương quốc, làm đảo lộn các Thánh kinh Brhaman, làm bàng hoàng các vua chúa, làm cho các giáo sĩ Ba La Môn sửng sốt ( Thời kỳ này chưa có Ấn Giáo, vì Ấn Giáo là sự biến thể từ Bà La Môn giáo mà thành). Vì họ quan niệm giai cấp hạ tiện này, sanh ra từ gót chân trời Védas cho nên ngu tối. Giai cấp này không được vào đền thánh hay cung vua, cũng như không được học Thánh kinh hay là đi thong thả ngoài phố. Nhưng anh chàng hạ tiện bị họ khinh thường, lại thành được bậc A La Hán mà các hàng giáo sĩ Bà la môn cao cấp không đạt được. Vô tình năm giai cấp bất công ấy bị sụp đổ toàn diện, làm cho quyền hành các Giáo sĩ bị lung lay tận gốc rễ. Ngài đã làm cuộc cách mạng vĩ đại nhất, san bằng năm giai cấp bất công, không hao một giọt máu, không tốn một mũi tên, trải dài suốt mấy trăm năm sau Đức Phật nhập Niết Bàn. Đến khi giặc Hồi, tràn vào Ấn Độ tàn phá các chùa tháp, giết hại Tăng, Ni và san bằng luôn Đại Học Nalanda. Các Giáo Sĩ Bà La Môn, họ lợi dụng thời cơ hùa theo phá hoại Phật Giáo, nhằm phục hồi lại các giai cấp bất công. Cho nên hiện bây giờ, các nhà thống kê cho biết có gần hai ngàn giai cấp khác nhau tại Ấn Độ.

 

Cần nói rõ, người dân thường rất sợ chánh quyền. Vì giai cấp thống trị này họ cho là sanh nơi cánh tay trời Védas, thay trời để nắm quyền hành thống trị giang san. Cho nên, khi chúng tôi đến Ấn Độ, thấy những người cảnh sát đứng gác những ngả tư đường, họ mặc bộ đồng phục màu vàng, đầu đội beret tay cầm cây gậy tre bằng ngón tay cái dài độ 70cm. Ngoài ra không có mang còng, không mang súng hay các trang bị nào khác như cánh sát Mỹ, nhưng vẫn duy trì được trật tự an ninh dễ dàng.  Như chuyến đã xãy ra, là họ bị các phe phái chánh trị xách động, họ nghe lời kéo đi biểu tình cả năm ngàn người. Cảnh sát không cần giải tán bằng lựu đạn cay hay vòi rồng như các Quốc gia khác. Cảnh sát chỉ cần đem xe tới chận đường, rồi chỉ lên xe, là những người biểu tình leo lên xe đứng nghiêm chỉnh. Họ chở đi ra khoảng vắng, giải thích, làm thũ tục ghi danh rồi trả trở lại, thì người biểu tình tự động giải tán về nhà và không biểu tình nữa.

 

Người dân Ấn Độ có tính tốt là không móc túi, không giật đồ, không chữi lộn hay đánh lộn (nếu có, là dân nước khác).  Còn luật của vương quốc Népal rất nghiêm khắc.  Nếu lấy cắp món đồ của ai.  Luật sẽ tính món đồ trị giá bao nhiêu tiền, đáng chặt mấy ngón tay, hay chặt hết bàn tay, hoặc một cánh tay, hoặc thêm một cái chân.  Ngoài a còn bị tù theo thời gian luật định. Còn việc đụng xe, hay có chuyến bất đồng, họ giận chỉ nói qua vài câu rồi thôi. Như chiếc xe chúng tôi chạy, bị xe ngược chiều tránh ổ trâu (Thay vì gọi vũng trâu, chúng tôi hay gọi ổ trâuvì lớn hơn ổ gà quá nhiều) lấn xe chúng tôi nghiêng sát bờ lề như muốn lật. Anh tài xế giận, ngừng xe nói vài câu, tài xế bên kia cười chỉ vũng trâu xin lỗi. Rồi kể như huề, không có chuyện gì, vui vẻ xe ai nấy chạy. Chứ không cãi vả om xòm, hay văng tục như người Việt chúng ta.

 

Một thầy Tăng sinh thuộc lớp trẻ sau này, qua Ấn Độ học đang trình luận án Tiến sĩ và chờ tốt nghiệp. Thầy lấy xe gắn máy đưa tôi đến Bồ Đề Đạo Tràng và đi chợ mua một ít đồ cần thiết. Tuy chỗ đông người, thầy tắt máy xe không cần khóa, để tại ngả ba, rồi đi theo tôi không cần gởi ai cả.  Tôi sợ thầy mất xe, nên nhắc thầy gởi xe.  Nhưng thầy nói không cần, ở đây để xe cả ngày ch£ng ai thèm lấy!  Điều này làm cho tôi ngạc nhiên, thấy cảm tình nhiều với những người Ấn.   Chúng tôi thấy khác với Việt Nam, trộm cướp ở Việt Nam bây giờ tràn ngập và hoành hành đáng sợ.  Cuộc sống cũa người Ấn dù nghèo gấp mười lần so với Việt Nam. Nhưng có đức tính tốt, đáng cho những người khá giả ở nơi khác noi gương.

 

Chúng tôi quan sát, từ thành phố Kolkata cuối sông Hằng, đến vương Quốc Népal thượng lưu sông Hằng, không thấy người dân hút thuốc hay uống rượu đi ngoài đường.   Chúng tôi cũng chưa thấy sòng bạc nào ở những chỗ đông người, hay những trõ lừa gạt khách qua đường.

 

Đây cũng là điều đặc biệt khác với quê hương Việt Nam.  Nhất là ngày nay, vấn đề cờ bạc ở Việt Nam, gấp mười lần hơn năm 1975.   Tham nhũng, chơi cá độ đến 10 triệu đô la. Trong lúc dân còn nghèo thiếu, đất nước còn lạc hậu nhiều mặt. Riêng phần xổ số Kiến Thiết, ngày xưa nguyên cả một Quốc gia miền Nam, mỗi tuần chỉ xổ số một lần. Còn hôm nay, mỗi ngày có bốn năm tỉnh xổ số Kiến Thiết.  Ở Việt Nam có nhiều người hay uống rượu và hút thuốc, tệ nạn là  tuy nghèo mà hay uống rượu, nhậu nhệt say sưa, hay chữi bới, hay đánh nhau.  Những điều này ở Ấn Độ tôi chưa thấy.   Nếu có chăng, đó là người ngoại Quốc chứ không phải là người Ấn Độ!  Ở Việt Nam nhiều người tuy nghèo, nhưng vẫn được hai bữa ăn với cá hoặc tép.  Còn người nghèo ở Ấn Độ, nhất là vùng thôn quê, mỗi ngày chỉ có một bữa ăn chay, không có một con tép làm sao có thịt cá. Ở Việt Nam người dân quê nhiều nơi tuy nghèo thiếu, nhưng so với người nghèo ở Ấn Độ, thì người ở Ấn nghèo gấp mười lần hơn.  Chúng tôi thấy những người Ấn mập mạp là họ thuộc thành phần giai cấp cao, có thừa cơm ăn, áo mặc và có uy quyền.  Còn đa số là dân nghèo, ốm yếu gầy mòn.  Vì cánh dồng khô cằn ít cỏ, loài vật thiếu ăn, cho nên con bò, con trâu, con dê đều ốm.  Cho đến con heo, con chó cũng ốm. Thậm chí trái ấu nó cũng ốm nhom và nhỏ rất dễ thương.  Đến nỗi khi họ lột trái ấu ra, tôi thấy rõ đó là hình trái tim dẹp, bằng móng tay cái không phải là trái ấu.  Bởi trái ấu ở Việt Nam, mập có bề ngang, bề dài và hai ngạnh hai bên giống như cái sừng. Cây cỏ còn thiếu nước để phát triển nuôi động vật, huống chi con người làm sao đủ lương thực để sống. Cho nên các nhà thống kê cho biết, mỗi năm Ấn Độ thiếu lương thực cho hàng trăm triệu dân nghèo.

 

Với hoàn cảnh cuộc sống như vậy, cho nên người Ấn xử dụng luôn phân bò làm đồ nhúm lửa, nấu nướng, cũng như dùng để un muỗi. Người dân quê Ấn, đi đâu thấy phân bò phân trâu, là họ ngồi xuống, nhồi thành bánh tròn bằng bàn tay.  Rồi ép dán vào vách núi, hay gốc cây, hoặc chung quanh vách nhà.  It ngày sau khô thì không có mùi hôi, họ lấy thúng đi gở những bánh phân bò, phân trâu đó.  Đem về dùng un muỗi hoăc để nhúm lửa, hoặc chụm chen với cũi để nấu nướng.  Đó là cuộc sống đáng thương của người nghèo Ấn Độ hiện nay.

 

Có người đi hành hương trên đất Phật được vài lần, nhưng khi nghe tôi nói về cách sống và những phong tục dị biệt; cũng như những mẫu chuyện đặc biệt về giai cấp hiện nay.  Ai cũng lấy làm lạ, là mình còn nhiều thiếu sót, bởi thiếu cơ duyên, cũng như không có cơ hội đi vào làng tìm hiểu như chúng tôi.  Những Phật tử này, muốn được theo tôi một chuyến, để nghe giải thích rõ từng nơi một. Nhất là những lịch sử đau thương của Phật Giáo Ấn, những công trình khai quật của những nhà bác học, trong thời gian truy tìm Thánh Tích về Đức Phật. Cuộc hành trình khai quật Thánh Tích trong những khu rừng rậm rạp, thật là thiên nan vạn nan, đã hy sinh nhiều tánh mạng vì rắn cắn, vì các chứng bệnh nhiệt đới.  Sau đó, được trùng tu và làm lại đường sá lưu thông như ngày hôm nay.

Chúng tôi đã xem những hình ảnh các vị Tiền Bối, đi viếng các Phật tích thật vất vả gian truân.  Băng qua đồng ruộng, lội bước trên cỏ, xăn quần guộn áo lội qua sông, để được chiêm bái các Thánh Tích.  Thời đó lại chưa có mì gói, phải đem theo bánh mì, cơm khô ăn dọc đường.  Nhất là phải mướn người Ấn địa phương dẫn đường.  Tôi đã nghe hoạ sĩ Hà Khê Long Xuyên, trình bày sự gian truân đi về xứ Phật, và họa sĩ cho xem nhiều hình ảnh cuộc hành trình năm 1957.  Thời gian đó, phải có tâm nguyện thiết tha, phải có niềm tin mạnh mẽ vượt bực, mới thực hành nổi chuyến đi dài ngày trên xứ Phật bằng xe bò, bằng cách lội bộ, bằng cách lội sông, băng suối.

 

Còn ngày hôm nay, chỗ Thánh Tích nào cũng có xe chạy đến, khoảng đường nào cũng có quán ăn, chỗ nào cũng có bán hàng lưu niệm. Thật là tiện lợi cho người hành hương, không còn gian truân vất vả như ngày xưa.

 

Bây giờ, xin mời quý vị đi qua xứ Phật, cùng chúng tôi hành hương chiêm bái, bằng những trang ký sự sau đây.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/10/2015(Xem: 4895)
Những quốc gia sạch nhất thế giới Theo Business Insider, Mỹ, Canada, Nhật Bản ​, Australia là những nước có bầu không khí trong lành nhất. Ở Đông Nam Á có một đại diện là Brunei.
25/09/2015(Xem: 3849)
Chùa Đá Vàng hay còn gọi là chùa Kyaiktiyo ở Myanmar khiến nhiều du khách lo lắng vì có vẻ sẽ rơi xuống bất cứ lúc nào. Các tín đồ đổ về đây cầu nguyện và dâng lá vàng thật.
25/09/2015(Xem: 4268)
Tôi rất trăn trở cho Phật giáo nước nhà của hiện tại và tương lai. Bao năm nay tôi luôn theo dõi và ủng hộ các trung tâm hoằng pháp lớn của Việt Nam mà nơi làm tốt nhất, lớn nhất, hiệu quả nhất, thay đổi tâm của nhiều người nhất có lẽ là chùa Hoằng Pháp TP HCM. Tôi vẫn nhớ mãi và sẽ chẳng bao giờ quên câu nói của mẹ tôi rằng “Ngay cả các con ở nhà cũng không chăm sóc mẹ tốt như các bạn đồng tu ở đây”. Mẹ tôi bảo “Từ nay, thay vì cho bố mẹ đi nước ngoài, các con cứ cho bố mẹ tham gia khóa tu thì tuyệt vời hơn”.
25/09/2015(Xem: 7559)
Với dân số ước tính khoảng 700.000, Bhutan là một trong những quốc gia cô lập nhất trên thế giới; những ảnh hưởng nước ngoài và ngành du lịch bị nhà nước quản lý để bảo tồn nền văn hoá Phật giáo Tây Tạng truyền thống. Đa số người Bhutan hoặc học tại trường Phật giáo Tây Tạng Drukpa Kagyu hoặc trường Nyingmapa. Ngôn ngữ chính thức là Dzongkha (dịch nghĩa "ngôn ngữ của dzong"). Bhutan thường được miêu tả là nền văn hóa Phật giáo Himalaya truyền thống duy nhất còn sót lại.
12/09/2015(Xem: 5170)
Chùa Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
31/08/2015(Xem: 5548)
Ngôi đại Già lam Phật địa “Niệm Phật tông Tam Bảo Sơn Vô Lượng Thọ Tự” tọa lạc tại 1136 Kamimikusa, Kato, Hyogo Prefecture 673-1472, Nhật Bản. Chùm ảnh một góc tuyệt đẹp của ngôi đại Già lam Niệm Phật tông Vô Lượng Thọ Tự, trân trọng kính mời quý đọc giả vòng quang thưởng lãm:
21/08/2015(Xem: 5722)
Chùa Đa Bảo an vị trên ngọn Núi Cô Tiên, thuộc khóm Đường Đệ, phường Vĩnh Hòa, phía Bắc thành phố Nha Trang, được xây dựng vào năm 1996, do Đại đức Thích Giác Mai trụ trì. Những năm trước đây, vùng núi này đìu hiu quạnh quẽ, đường xá đi lại vô cùng gian nan khăn khó, nên rất ít ai được biết đến một tịnh thất đơn sơ mộc mạc hiện hữu trên ngọn núi cao dốc đứng này..
09/08/2015(Xem: 3690)
Xứ Phật tình quê là tựa đề một tác phẩm gồm hai cuốn sách viết về xứ sở Ấn Độ, nơi quê hương của Đức Phật đã thị hiện tại Cõi Ta Bà này để chỉ dẫn chúng ta con đường thoát khổ.Thế tác giả là ai, có liên quan gì đến chuyến hành hương xứ Phật từ ngày mùng 6 đến 19 tháng 10 năm 2014 của tôi không? Cần gì phải hỏi, đó là hai vị đại đệ tử của Sư phụ tôi có cùng chung một cá tính là thích đốt ngón tay để cúng dường Chư Phật cho mỗi hạnh nguyện. Thoạt nghe tôi đã thất kinh hồn vía cứ tưởng là ẩn dụ trong kinh sách mà thôi, nhưng khi nhìn 3 ngón tay cụt lóng của Thầy Hạnh Nguyện và đến Bồ Đề Đạo Tràng nhìn tận mắt công trình xây dựng Trung Tâm Viên Giác ở đó, tôi mới thấy các lóng tay cúng dường Chư Phật của Thầy Hạnh Nguyện và Hạnh Tấn mới có một giá trị đặc biệt.
31/07/2015(Xem: 19933)
Hành Hương Âu Châu - Dự Lễ Tưởng Niệm Hòa Thượng Minh Tâm & Lễ Khánh Thành Chùa Khánh Anh, Paris, Pháp Quốc Khởi hành: 31/7/2015 Kết thúc: 19/08/2015 Tu Viện Quảng Đức & Công ty Du Lịch Triumph Tours (do Phật tử Tony Thạch làm giám đốc) sẽ tổ chức chuyến tham quan 10 quốc gia thuộc miền Tây Âu Châu, bao gồm: 1. Hà Lan; 2. Đức; 3. Ý; 4.Vatican; 5. Áo; 6. Thụy Sỹ; 7. Luxemburg; 8. Bỉ; 9. Anh; 10. Pháp. Mục đích chính của chuyến đi này là dự lễ Đại Tường Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Minh Tâm (1948-2013) và Dự Lễ Khánh Thành Chùa Khánh Anh, Paris, Pháp Quốc, ngôi chùa VN lớn nhất ở Âu Châu hiện nay, cũng do HT Minh Tâm khai sơn & xây dựng trong 20 năm qua. Đây là một Phật sự quan trọng mà các chùa VN trên toàn thế giới sẽ cùng về tham dự và cầu nguyện. Nhân dịp này TV Quảng Đức sẽ hướng dẫn Phật tử đến tham dự và tham quan các quốc gia lân cận Pháp Quốc.
03/07/2015(Xem: 4573)
Năm 2011, nhân kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo, một Đại Hội Phật Giáo Thế Giới được long trọng tổ chức tại New Delhi, Thủ Đô nước Ấn Độ. Đại Hội quy tụ 3.000 đại biểu đến từ các nước Á, Âu, Mỹ, Úc. Tôi cũng được hân hạnh tham dự Đại Hội trong phái đoàn Úc 36 người, gồm có 2 vị Tăng, 8 vị Ni và 26 Phật tử do Hòa Thượng Thích Quảng Ba, Viện Chủ Tu Viện Vạn Hạnh ở Canberra tổ chức và hướng dẫn. Đoàn hành hương sau khi dự Đại Hội Phật Giáo Thế Giới đã đi viếng các Phật tích quan trọng ở Ấn Độ, Népal và Bhutan. Chuyến hành hương kéo dài 22 ngày. Nay tôi xin kể lại tóm tắt cho bà con, thân hữu nghe chơi cho vui về những Phật tích mà Đoàn chúng tôi đã đến viếng, dẫu biết rằng từ trước tới nay đã có rất nhiều sách báo tường thuật những cuộc hành hương trên đất nước Ấn Độ huyền bí với đầy đủ chi tiết và nhiều sử liệu quý báu.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567