Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bắc Kinh Và Đức Đạt Lai Lạt Ma

16/03/201122:43(Xem: 4456)
Bắc Kinh Và Đức Đạt Lai Lạt Ma
BẮC KINH VÀ ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Saturday, March 12, 2011
Nguyễn Xuân Nghĩa

Vì sao khi đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố từ bỏ quyền lãnh đạo chính trị, Bắc Kinh lại nổi điên?

Ngày 20 tháng Ba này, cộng đồng Tây Tạng trên thế giới sẽ bầu cử để chọn người lên làm Thủ tướng của Chính phủ Lưu vong Tây Tạng, có trụ sở tại thành phố Dharamsala miền cực Bắc Ấn Độ.
Đương kim Thủ tướng Lobsang Tenzin Samdhong Rinpoche - một vị cao tăng sinh năm 1939 mà cũng là một học giả có uy tín - sẽ nhường chứcKalon TripaChủ tịch Nội các cho một trong ba ứng cử viên: 1) Lobsang Sagay, một học giả tại Đại học Harvard; 2) Tenzin Namgyal "Tethong", một học giả trong Viện Nghiên cứu Tây Tạng của Đại học Stanford; 3) người thứ ba là Tashi Wangdi, Bộ trưởng trong Chính phủ đương nghiệm và cũng là đại diện của đức Đạt Lai Lạt Ma tại thủ đô của Liên hiệp Âu châu, thành phố Bruxelles.
Cuộc bầu cử rất đáng chú ý vì hôm 11 tháng Ba vừa qua, đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc lại quyết định của ngài, là sẽ tự chấm dứt nhiệm vụ lãnh đạo chính trị. Ngài sẽ không làm Quốc trưởng Tây Tạng nữa. Và như vậy, Chính phủ Lưu vong cùng với Quốc hội Tây Tạng, do dân chúng bầu lên, sẽ là cơ chế lãnh đạo cộng đồng Tây Tạng ở trong và ngoài lãnh thổ Tây Tạng.
Trong khi đương kim Thủ tướng Samdhong Rinpoche còn khẩn nài đức Đạt Lai Lạt Ma xét lại quyết định này thì Bắc Kinh cũng đã có phản ứng gay gắt, với ngôn từ vô lễ như mọi khi: "đức Đạt Lai Lạt Ma là "con sói đội lốt thầy tu" có ý đồ đánh lừa dư luận thế giới", v.v..."
Vì sao lại như vậy? Chúng ta rất nên theo dõi việc này.... (và xem lại loạt bài về Tây Tạng đã yết trên Dainamax Magazine).

***

Theo truyền thống đã có từ hơn sáu trăm năm, Phật tử Tây Tạng tin rằng đức Đạt Lai Lạt Ma là một hóa thân của Quán Tự tại Bồ tát mà chúng ta vẫn gọi là Quán Thế âm.
Vị Đạt Lai Lạt Ma Tenzin Gyastso ngày nay là hóa thân thứ 14 của một chuỗi dài các Đạt Lai Lạt Ma trong lịch sử Tây Tạng. Trong số này, cũng có người sinh ra tại Mông Cổ. Dân Tây Tạng nói chung coi đức Đạt Lai Lạt Ma là vị lãnh đạo Phật giáo đồng thời cũng là vị Quốc trưởng lãnh đạo quốc gia.

Sau khi chiếm đóng một phần miền Đông của lãnh thổ Tây Tạng từ năm 1950, Trung Quốc đã tấn công phần đất còn lại vào năm 1959. Đợt tấn công đó dẫn đến cuộc tổng nổi dậy của dân Tây Tạng tại Thủ đô Lhasa vào ngày 10 Tháng Ba năm 1959. Một tuần sau, đức Đạt Lai Lạt Ma phải trốn khỏi Lhasa ngày 17 và sống lưu vong tại Ấn Độ từ đó cho đến nay, trong khi Tây Tạng trở thành một đặc khu hành chánh, "khu tự trị Tây Tạng" của Trung Quốc và những phần đất bị chiếm đóng trước đó thì bị sát nhập vào các tỉnh Thanh Hải hay Cam Túc. Dân Tây Tạng ở tại chỗ, chỉ còn sáu triệu, bị đồng hóa dần trong cộng đồng người Hán được di chuyển vào khu vực này ngày một đông hơn.

Ở bên ngoài, Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn là lãnh đạo tôn giáo và chính trị, đồng thời là vị cao tăng đã quảng bá Phật pháp ra toàn thế giới, với ảnh hưởng mở rộng chưa từng thấy trong lịch sử Phật giáo nhờ nhân cách và trí tuệ đặc biệt của ngài.

Năm 1963, đức Đạt Lai Lạt Ma cho ban hành một bản hiến pháp mới để tổ chức bầu cử ra một Quốc hội và Nội các đại diện cho cộng đồng Tây Tạng lưu vong. Với tư thế Quốc trưởng và lãnh đạo tôn giáo, ngài vẫn được coi là người lãnh đạo toàn dân Tây Tạng ở trong và ngoài nước. Từ năm 1969, ngài còn nói đến ý nguyện là tự chấm dứt vai trò chính trị để dân Tây Tạng đề cử lãnh đạo theo nguyên tắc dân chủ như các quốc gia tân tiến khác: ngài muốn hiện đại hoá Tây Tạng như hiện đại hóa Phật giáo.
Thế rồi, hơn hai chục năm trước, năm 1988, đức Đạt Lai Lạt Ma đưa ra chủ trương là yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền tự trị của dân Tây Tạng và kêu gọi thế giới hãy cứu lấy tôn giáo và văn hoá Tây Tạng. Nghĩa là một nhượng bộ rất lớn khi chấp nhận Tây Tạng là một phần của lãnh thổ Trung Quốc. Ngài chỉ xin quyền tự trị và kêu gọi đấu tranh bất bạo động cho quyền tự trị ấy để tránh một vụ diệt chủng văn hoá và tôn giáo Tây Tạng.
Gần đây, qua nhiều lần khác nhau, ngài còn tuyên bố bốn ý nguyện khác.

Thứ nhất sẽ từ bỏ vai trò lãnh đạo chính trị, chuyển quyền cho Quốc hội và Nội các Tây Tạng do dân chúng bầu lên. Thứ hai, còn từ bỏ vai trò lãnh đạo tôn giáo để chỉ còn là một nhà sư, như ngài thường nói và viết trong các thông điệp của mình. Thứ ba, trước khi viên tịch, ngài sẽ yêu cầu nhân dân Tây Tạng ở trong và ngoài nước cùng cho biết ý kiến về thủ tục xác định người sẽ lãnh đạo Phật giáo. Tức là dù đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 còn tại thế, một vị cao tăng khác sẽ thay thế ngài. Thứ tư, khi viên tịch, ngài sẽ đầu thai ở bên ngoài lãnh thổ Tây Tạng để tiếp tục hoằng pháp trên thế giới.

Sinh vào tháng Sáu năm 1935, đức Đạt Lai Lạt Ma nay đã gần 76 tuổi và với thể lực hiện nay, nhiều người, kể cả các bác sĩ, tin là ngài sẽ sống thọ hơn 90 tuổi. Tuần qua, trong lễ kỷ niệm ngày khởi nghĩa của dân Tây Tạng tại Lhasa năm 1959, đức Đạt Lai Lạt Ma đọc bài diễn văn hôm 11 tháng Ba nhắc lại quyết định của mình là từ bỏ nhiệm vụ lãnh đạo chính trị khiến Bắc Kinh nổi điên!
Mà vì sao Bắc Kinh lại nổi điên?

***

Câu chuyện này ly kỳ ở cả hai khía cạnh tôn giáo và chính trị và ta chỉ có thể hiểu ra khi nhớ lại những ước nguyện của đức Đạt Lai Lạt Ma vừa được nhắc lại ở trên.
Nói về bối cảnh, chúng ta đều có thể thấy vai trò và ảnh hưởng của đức Đạt Lai Lạt Ma hiện nay. Vai trò đó chi phối đối sách của Bắc Kinh với hồ sơ Tây Tạng - trước sự chứng kiến của cộng đồng thế giới. Lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng sự hiện hữu của đức Đạt Lai Lạt Ma là một trở ngại vì ảnh hưởng quá lớn của ngài đối với dân Tây Tạng và cộng đồng thế giới.
Với tư cách một nhà sư đức độ và trí tuệ - chưa nói gì đến Giải Nobel Hoà Bình năm 1989 - ngài có thể diện kiến lãnh đạo của nhiều quốc gia và gây phiền nhiễu không ít cho Bắc Kinh. Nhiều Tổng thống hay Thủ tướng của thế giới rất khó từ chối gặp đức Đạt Lai Lạt Ma dù có bị áp lực về ngoại giao hay kinh tế của Bắc Kinh.
Một khi đức Đạt Lai Lạt Ma viên tịch thì Trung Quốc có thể hoàn tất việc thôn tính Tây Tạng mà chẳng còn ai nhắc tới. Cái khó là sự ngưỡng mộ mà dân Tây Tạng trong lãnh thổ Trung Quốc dành cho đức Đạt Lai Lạt Ma thì Bắc Kinh sẽ giải quyết lấy, nhờ chánh sách đàn áp và đồng hóa của mình.
Bây giờ, đức Đạt Lai Lạt Ma lại chậm rãi trao ấn tín Quốc trưởng cho một cơ chế chính trị do dân Tây Tạng lưu vong bầu lên!
Việc ấy có hàm ý định chế hóa một hệ thống quyền lực nằm bên ngoài khả năng kiểm soát của Bắc Kinh. Với đức Đạt Lai Lạt Ma còn tại thế, chính quyền mới sẽ có thời gian và điều kiện xây dựng ảnh hưởng. Và tránh được một khoảng trống về quyền lực mà Bắc Kinh có thể khai thác, thí dụ như gây phân hoá giữa các xu hướng ôn hoà hay cực đoan trong cộng đồng Tây Tạng.
Hãy nhìn vào ba ứng cử viên có thể là Thủ tướng Tây Tạng lưu vong: họ là học giả uyên bác ở tuổi bốn chục tại hai đại học lớn của Hoa Kỳ, hoặc là người có quan hệ mở rộng với thế giới bên ngoài, nên có thể là những khuôn mặt đại diện có uy tín cho cộng đồng Tây Tạng.
Trong cộng đồng này, một thế hệ trẻ đã xuất hiện. Dù rất kính trọng đức Đạt Lai Lạt Ma, nhiều người thầm nghĩ rằng con đường "trung đạo" của ngài - là không đòi độc lập mà chỉ xin tự trị - có khi không dẫn đến thành công. Cuộc tranh luận sẽ xảy ra ngay trong Quốc hội khi đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn còn đó và còn có khả năng hoà giải trước khi Bắc Kinh có thể nhúng tay lũng đoạn.
Vì thế Bắc Kinh mới nổi điên và chửi rủa om xòm!
Chuyện ly kỳ khác là ai sẽ thay thế đức Đạt Lai Lạt Ma để lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng?

***

Năm 2008, sau khi đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố sẽ tu chính thủ tục đề cử vị lãnh đạo tinh thần và bản thân mình thì sẽ hóa thân bên ngoài lãnh thổ Tây Tạng, Bắc Kinh đã ra quyết định vào tháng Chín là Tây Tạng phải tôn trọng truyền thống... Phật giáo trong cách đề cử lãnh đạo tôn giáo. Và Bắc Kinh mới có quyền xác định ai là đức Đạt Lai Lạt Ma.
Diễn giải cho rõ, một chế độ vô thần đòi Phật giáo Tây Tạng phải tôn trọng truyền thống Phật giáo! Nghĩa là không cho phép dân Tây Tạng hay đức Đạt Lai Lạt Ma sửa đổi quy cách đề cử nằm ngoài khả năng kiểm soát của chế độ. Và riêng bản thân đức Đạt Lai Lạt Ma không có quyền... đổi hộ khẩu từ kiếp này qua kiếp khác, sang một nơi chốn mà Bắc Kinh vươn không tới!
Chuyện đấu trí giữa Phật pháp và Bắc Kinh có thể được thấy trước đó.
Năm 1989, đức Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 10 tên là Lobsang Trinley Lhundrub Chokyi Gyaltsen - nhân vật số hai của Tây Tạng - viên tịch tại Tây Tạng trong lãnh thổ Trung Quốc. Dưới sự lãnh đạo và xác định của đức Đạt Lai Lạt Ma, chư tăng Tây Tạng tìm ra hóa thân của đức Ban Thiền là Gedhun Choekyi Nyima, một cậu bé sinh năm 1989 tại Tây Tạng. Năm 1995, Bắc Kinh bắt cóc cậu bé này - và ngày nay còn giấu ở đâu hay đã thủ tiêu thì không ai biết - rồi chỉ định một cậu bé khác, sinh năm 1990, là đức Ban Thiền đời thứ 11. Nay là một đại biểu trong Hội nghị Hiệp thương Chính trị, cơ chế bình phong của Trung Quốc!
Đã nắm trong tay nhân vật số hai Bắc Kinh chờ đợi là sẽ khống chế luôn nhân vật số một.
Khi đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố tu chính lại thể thức tuyển chọn người lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng thì cái lưới của Bắc Kinh sẽ là lưới rách.
Người lãnh đạo ấy có thể là một trong các vị cao tăng trong hệ thống Phật giáo Tây Tạng ở bên ngoài Bắc Kinh và bên cạnh đức Đạt Lai Lạt Ma. Xin đừng tò mò tìm hiểu là ai vì Bắc Kinh cũng muốn biết điều ấy. Và có thể dùng độc kế hãm hại, như đã từng làm năm 1997 khi ám sát một vị cao tăng uyên bác của Tây Tạng ngay tại Dharamsala là Lobsang Gyatso, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biện chứng Phật giáo.
Thứ nữa, khi đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố là mình sẽ đầu thai ra ngoài lãnh thổ Tây Tạng, Bắc Kinh cũng mất luôn cơ hội tái diễn thủ đoạn Ban Thiền giả. Hãy nghĩ đến ngày xuất hiện vị Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 15 sau này - bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc! Ngày ấy, phản ứng đón nhận đầy tôn kính của cộng đồng Phật giáo trên toàn thế giới sẽ khiến Bắc Kinh lúng túng!
Quyết định hồi tháng Chín năm 2008 cho phép Bắc Kinh xác định những ai mới được là mục sư, linh mục hay cao tăng Tây Tạng tại Trung Quốc. Đó là đòn phép hành chánh và chính trị của Thiên triều Trung Quốc. Nhưng làm sao Bắc Kinh có thể chọn... Đức Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo Hoàn vũ, và từ nay không thể chọn ai là Đạt Lai Lạt Ma của Phật giáo Tây Tạng!
Vì vậy, ta càng hiểu ra vì sao Bắc Kinh nổi điên và chửi đức Đạt Lai Lạt Ma là "con sói đội lốt nhà tu", một thậm từ... thiếu sáng tạo vì học từ Âu Châu thời Trung cổ! Chúng ta nhìn ra trận đấu pháp giữa Ma vương và Bồ Tát....
Giờ đây chuyện sẽ ra sao?

***

Trong thành phần trí thức của Trung Quốc đã thấy xuất hiện một tầng lớp mới, có chủ trương ôn hoà và thực tiễn hơn về tôn giáo và chính trị đối với Tây Tạng: sự thật bên dưới là ngày càng có nhiều người Trung Quốc tìm đến và tin vào Phật giáo.
Trong tầng lớp này, một số học giả Trung Quốc đã bày tỏ ý kiến là Bắc Kinh nên trực tiếp nói chuyện với đức Đạt Lai Lạt Ma khi ngài còn tại thế để tìm giải pháp ổn thỏa và hòa bình. Là một quy chế tự trị đích thực cho Tây Tạng, nơi mà đức Đạt Lai Lạt Ma có thể trở về như một nhà sư.
Nhưng nhiều người lại cho rằng nhượng bộ như vậy càng khiến dân Tây Tạng đòi tiếp quyền độc lập đã bị tước đoạt từ năm 1959.
Giới lãnh đạo Trung Quốc biết rằng xưa kia Tây Tạng - hay Việt Nam, Cao Ly - đều là các quốc gia độc lập, và quy chế gọi là "chư hầu" hay thủ tục tấn phong do Trung Quốc chấp nhận cho các Quốc vương hay Hoàng đế chư hầu chỉ là hình thức. Trung Quốc có thể lừa được Âu Châu và thế giới sau này về chủ quyền giả tạo của mình trên các nước chư hầu đó, chứ tình thực thì không phải như vậy.
Huống hồ thế giới ngày nay đã đổi khác.
Khi Bắc Kinh chấp nhận cho Tây Tạng được tự trị, bên trong có thể là rủi ro tạo cơ hội cho phong trào độc lập của dân Tây Tạng và của nhiều sắc tộc khác ngay trong lãnh thổ Trung Quốc, từ Tân Cương lên tới Nội Mông. Sáu triệu người Tây Tạng là thiểu số thứ 10 trong số 55 sắc dân thiểu số khác, nhưng có ảnh hưởng mạnh hơn dân số vì uy tín quá lớn của đức Đạt Lai Lạt Ma. Kế tiếp, sắc tộc Duy Ngô Nhĩ (Uighurs) tại Tân Cương còn có hậu thuẫn của cả cộng đồng Hồi giáo tại Trung Á và nhiều nơi khác. Mà bên kia Nội Mông là Ngoại Mông, là Cộng hoà Mông Cổ thì nay đã là một quốc gia dân chủ, nơi mà người Mông Cổ đã thấy cuộc sống được cải thiện trong thực tế so với thời Xô viết làm dân Mông Cổ tại Trung Quốc thấy thèm thuồng. Ngần ấy vùng trái độn quân sự của Trung Quốc truyền thống đều có thể lung lay rung chuyển nên Bắc Kinh rất sợ.
Bên ngoài, Bắc Kinh còn lúng túng hơn với các nước khi thế giới thấy rõ khả năng trực trị rất kém và rất tồi tệ của Trung Quốc.
Mà nói về ngoại giao, Chính phủ Lưu vong Tây Tạng lại nằm tại Ấn Độ, một quốc gia đang xem Trung Quốc là mối nguy cần đối phó và trong mục tiêu đó đang liên kết với Nhật Bản và Hoa Kỳ. Ngoài Ấn Độ, Hoa Kỳ cũng đang canh chừng Trung Quốc, và xưa kia đã từng yểm trợ các lực lương kháng chiến Tây Tạng. Ngày nay, ứng cử viên cử nhiều hy vọng trở thành Thủ tướng Tây Tạng lưu vong lại là một học giả của Đại học Harvard ở bên Mỹ! Bảo ông ta là con sói hay đặc công khủng bố thì mấy ai tin?
Đâm ra, nhìn từ quan điểm bảo thủ và sợ sệt của Bắc Kinh, giải pháp ôn hoà của đức Đạt Lai Lạt Ma - mà nhiều người bên trong cũng đồng ý - vẫn là giải pháp có quá nhiều rủi ro!
Mà chối từ giải pháp này thì có khi lại gặp một rủi ro còn lớn hơn: quá phẫn uất, dân Tây Tạng sẽ từ bỏ chủ trương đấu tranh bất bạo động! Xưa kia, dân tộc Tây Tạng rất thiện chiến và xứ Tây Tạng đã từng là một đế quốc quân sự nhiều lần tấn công thẳng vảo kinh đô Trường An của nhà Đại Đường....
Bây giờ hoặc sau này mà có vu cáo những người đấu tranh Tây Tạng là quân khủng bố thì cũng chẳng giải quyết được nhiều bất ổn bên trong, khi lãnh đạo Trung Quốc đang phải chuyển hướng kinh tế vào một khúc quanh có quá nhiều rủi ro. Chưa nói gì đến hiệu ứng của "Mạt Lợi Hoa Cách Mạng" từ Trung Đông dội vào!
Trong khi chờ đợi, cứ vào tháng Ba mùa Xuân là Bắc Kinh lại sợ dân Tây Tạng kỷ niệm vụ khởi nghĩa năm 1959 bằng những cuộc xuống đường biểu tình. Lần nóng nhất là vào năm 2008, khi Trung Quốc chuẩn bị Thế vận hội Bắc Kinh khiến cây đuốc thế vận bị rượt đuổi khắp nơi trên thế giới.
Biết đâu chừng, các Ma vương lãnh đạo Thiên triều đang thầm mong là đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ sống rất thọ, trong khi họ tìm ra một giải pháp an toàn hơn!
Posted by Nguyễn Xuân Nghĩa at 10:52 AMhttp://www.dainamax.org/2011/03/bac-kinh-va-uc-at-lai-lat-ma.html
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/12/2021(Xem: 3043)
Tại Kampong Cham, cách sông Mekong không xa, một tỉnh phía đông của Campuchia, ngôi già lam cổ tự Phum Thmei Serey Mongkol, nơi trưu trữ hầu như đầy đủ nhất trong cả Vương quốc Phật giáo này bởi các văn bản Thánh điển Phật giáo được viết trên lá bối.
28/12/2021(Xem: 3511)
Kể từ khi nhập học trường mầm non mẫu giáo Phật Quang Sơn Tuệ Từ vào ngày 4 tháng 11 vừa qua, vườn rau công nghệ khoa học Thái Viên do Tổng hội Hoa kiều Quốc tế Phật Quang sơn cung cấp, đây là tạo ra một thử thách bởi cơn sóng gió nhỏ trong cuộc đời những đứa trẻ, các nhi đồng hồn nhiên vui tươi và cẩn thận khi gieo những hạt mầm non, hãy mong cho những hạt mầm non chóng lớn và liên tục quan sát chúng từng ngày, cho đến ngày 7 tháng 12, kết quả được chia sẻ, để việc học của các nhi đồng thêm những yếu tố và sức sống mới trong học tập.
26/12/2021(Xem: 2236)
Liên hợp Quốc tế Phật Quang Sơn Đài Loan-Malaysia chính thức thành lập vào ngày 19 tháng 12 vừa qua, đoàn đội lãnh đạo đã được bầu chọn cho nhiệm kỳ từ năm 2022-2024. Còn một chặng đường dài để lãnh đạo Liên hợp Quốc tế Phật Quang Sơn Đài Loan-Malaysia và tiến về phía trước cùng đồng nhịp phát triển với Hiệp hội Phật Quang Sơn Malaysia.
22/12/2021(Xem: 3348)
Giáo sư Tiến sĩ Mark Allo, giảng viên chính kiêm Trưởng khoa Phật học tại Đại học Sydney đã bị người tuyển dụng nhắc nhở bởi đã mang những cuộn sách Phật giáo cổ đại mỏng manh vào Úc, với xuất xứ không rõ ràng và tài liệu lưu trữ không hợp pháp. Trong một tuyên bố của Đại học Sydney nói rằng Giáo sư Tiến sĩ Mark Allo đã phạm phải sai lầm trong nhận định khi đưa hai bản thảo được viết trong vỏ cây vào Úc, lại sử dụng nền tảng huy động vốn cộng đồng của trường Đại học để gây quỹ tài trợ cho nghiên cứu bảo thảo Phật giáo cổ đại này.
22/12/2021(Xem: 3799)
Hindustan Times khẳng định, Đoàn nhà khảo cổ học người Ý và các nhà khai quật Pakistan đã khai quật ngôi già lam cổ tự 2.300 tuổi tọa lạc tại Quận Swat, Thung lũng Swat, vùng địa lý tự nhiên bao quanh sông Swat. Thung lũng là trung tâm chính của Ấn Độ giáo và Phật giáo thời kỳ đầu dưới vương quốc Phật giáo Gandhāra cổ đại, vùng miền Tây bắc Ấn Độ, ngày nay thuộc về Afghanistan và một phần của Pakistan và là trung tâm chính của Phật giáo Gandhāra, với các quần thể Phật giáo tồn tại trong thung lũng cho đến thế kỷ thứ 10, sau đó khu vực này phần lớn trở thành người Hồi giáo.
22/12/2021(Xem: 2290)
Trãi qua sáu năm liên tiếp, Đại học Phật giáo Nam Hoa (NHU) vẫn trong top 100 trường Đại học "Xanh" nhất thế giới! Đêm 14 tháng 12 vừa qua, Tổ chức xếp hạng Đại học phát triển bền vững thế giới (UI Greenmetric World University Ranking‎) đại diện hơn 20 quốc gia thế giới có Văn phòng đặt tại Indonesia đã công bố Bảng xếp hạng Đại học Thế giới GreenMetric năm 2021 (GreenMetric World University Ranking), Đại học Phật giáo Nam Hoa đứng vị trí 64 toàn cầu và đứng hàng thứ 6 toàn quốc, theo bảng xếp hạng toàn cầu có cải thiện 32 bậc so với năm ngoái.
22/12/2021(Xem: 2888)
Vào tháng tới, Bảo tàng Brooklyn đã lên kế hoạch cho ra mắt một bộ sưu tập mới, dành cho Nghệ thuật Phật giáo với nhiều đồ vật chưa từng thấy. Bảo tàng Brooklyn là một bảo tàng nghệ thuật nằm tại thành phố New York, quận Brooklyn, Hoa Kỳ. Với chủ đề "Nghệ thuật Phật giáo", sắp tới phòng trưng bày là một phần của Bảo tàng trụ sở tại New York, Hoa Kỳ, mối quan tâm mới đối với nghệ thuật từ các nền văn hóa phương Đông và Hồi giáo. Phòng trưng bày mới sẽ mở cửa đón khách tham quan vào ngày 21 tháng 1 năm 2022. Nơi trưng bày có 70 đồ vật từ 14 quốc gia, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Thái Lan. Một số đồ vật có tuổi đời từ thế kỷ thứ 2 sau kỷ nguyên Tây lịch, trong khi những đồ vật khác hầu như không có tuổi đời hai thập kỷ.
19/12/2021(Xem: 1946)
Vào ngày 14 tháng 12 vừa qua, Lớp học trực tuyến của Học viện Đông Thiền Phật Quang sơn, Phật giáo Indonesia, 100 sinh viên đã tốt nghiệp 10 khóa học sau ba năm học Phật pháp. Chư vị khách mời tham dự lễ Bế giảng Tốt nghiệp có sự hiện diện của Pháp sư Giác Thành, trụ trì tổng Giáo khu Phật Quang sơn Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia, Pháp sư Tuệ Chiêu Viện trưởng Tùng lâm Học viện Phật Quang sơn, Pháp sư Học Hóa, Cố vấn ban ngôn ngữ Phật giáo hệ Indonesia, Pháp sư Như Âm, Vụ trưởng Khoa nam Tùng lâm Học viện Phật Quang sơn, Pháp sư Diệu Mục, Trụ trì Phật Quang sơn Singapore; và gần 50 người khác đã tham gia buổi lễ trực tuyến.
19/12/2021(Xem: 3699)
"84000: Diễn dịch kim ngôn khẩu ngọc của Đức Phật", một sáng kiến phi lợi nhuận toàn cầu và chia sẻ Tam tạng Thánh điển Phật giáo Tây Tạng do Ngài Lạt Ma, tác giả và nhà làm phim nổi tiếng, vị cao tăng thạc đức Phật giáo Bhutan sáng lập, Tôn giả Dzongsar Jamyang Khyentse đã công bố danh mục hoàn chỉnh đầu tiên trên thế giới bản dịch sang Anh ngữ "Đại tạng Tengyur" (tức danh mục các tác phẩm Phật giáo được lưu truyền từ truyền thống Phật giáo Nalanda Ấn-độ hay một số khác có nguồn gốc từ Phật giáo Tây Tạng); Các bản dịch Luận bằng tiếng Tây Tạng được sưu tầm bởi các bậc Đạo sư Phật giáo vĩ đại của Ấn Độ, giải thích và biên tập kim ngôn khẩu ngọc của Đức Phật qua nhiều thể loại văn học nghệ thuật khác nhau.
19/12/2021(Xem: 2147)
Nhị vị tịnh đức giáo phẩm Tăng già Phật giáo Campuchia và Cư sĩ Chhit Sokhon, Bộ trưởng Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Vương quốc Campuchia Him Chhem - Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, đã ra văn bản chỉ thị cho Thượng tọa Poeuy Mette, người có liên quan đến việc tranh chấp với tài phiệt trùm đại phú thương Seang Chanheng về một ngôi chùa Phật giáo Khmer tại Nhật Bản, giao quyền quản lý cho giáo phái Mohanikaya.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567