Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhà Sư Tuyên Úy - Người Việt Nam Đầu Tiên Đưa Phật Giáo vào Quân Đội Hoa Kỳ

01/05/202510:26(Xem: 1142)
Nhà Sư Tuyên Úy - Người Việt Nam Đầu Tiên Đưa Phật Giáo vào Quân Đội Hoa Kỳ


tt thuong tin-13

NHÀ
SƯ TUYÊN ÚY-

NGƯỜI VIỆT NAM ĐẦU TIÊN ĐƯA
PHẬT GIÁO VÀO QUÂN ĐỘI HOA KỲ

 

“Có thể nói, may mắn lớn nhất của tôi khi đặt chân đến Mỹ là được tiếp tục tu học tại Như Lai Thiền Tự- San Diego. Hòa Thượng Viện Chủ nơi đây là một vị Cha thứ hai của tôi. Ngài đã hy sinh, bươn chải, gồng gánh nhiều Phật sự lớn lao, để cho một chồi măng Tăng như tôi được tiếp tục theo đuổi ước mơ đến trường của mình...” – Chia sẻ của Thượng Tọa Thích Thường Tín.

 

Với ứng dụng công nghệ hiện đại từ internet, vào Google gõ từ khóa “Chaplain Tommy Nguyen”, chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy thông tin về Nhà Sư Tuyên Úy- Thượng Tọa Thích Thường Tín. Thầy còn có đạo hiệu là Thích Tuệ Hạnh được Đại lão Hòa Thượng Trúc Lâm- Thiền Sư Thích Thanh Từ ban cho năm 1997.

Có thể nói, với Thượng Tọa Thích Thường Tín, Đạo và Đời tuy hai mà một. Ngài mang Đạo chuyển Đời và mang Đời vun Đạo. Tuổi thơ trải qua nhiều biến cố vô thường và khi duyên lành hội đủ, Bồ Đề tâm khai mở, Thượng Tọa đã quyết định rời thành phố biển Nha Trang xinh đẹp, nơi sinh ra lớn lên, với biết bao kỷ niệm vui, buồn để xuất gia tu học tại Thiền viện Thường Chiếu, năm tròn 17 tuổi (năm 1987). Cố Hòa Thượng Thích Thiện Phát cựu trụ trì Thiền viện Thường Chiếu đã nhận Thầy làm đệ tử và ban cho pháp danh Thích Thường Tín.

Xuất thân là con trai của một cựu sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, nên Thượng Tọa có tên trong danh sách xuất cảnh cùng gia đình theo diện HO (Humanitarian Operation). Tuy nhiên, những năm đầu thập niên 90, Thầy không bận tâm, mặn mà với việc này, bởi đang cảm nhận sự an lạc sau 5 năm gắn bó tu học tại Thiền viện Thường Chiếu. Vì vậy, thời gian ấy, ông Cụ thân sinh của Thượng Tọa đã nhiều lần vào Thiền viện thuyết phục người con trai duy nhất của gia đình đồng hành, cùng dìu dắt các em để có tương lai tốt đẹp hơn... Đồng thời, sau khi Tỳ Kheo Thường Tín thưa trình với Hòa Thượng Tông chủ- Viện chủ Tổ đình Thường Chiếu- Hòa Thượng Thích Thanh Từ cũng đã có lời khuyến tấn:“...ở đâu con cũng có thể tu tập được. Biết đâu đến xứ người, con lại có nhiều cơ hội phát triển mở mang Đạo Pháp...”. Vậy là năm 1994, Tỳ Kheo Thích Thường Tín đã cùng gia đình xuất cảnh định cư sang Hoa Kỳ.

Hơn 30 năm trôi qua, hành trình tu học của Thượng Tọa chưa bao giờ ngơi nghỉ. Trên tinh thần hướng Đạo đẹp đời và trả ơn nước Mỹ, Ngài đã không ngừng học tập, trau dồi, rèn luyện qua nhiều chương trình chuyên ngành đặc biệt. Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Thần Học (Master of Divinity/Chaplain Program), Cử nhân Tâm lý học (Bachelor of Psychology); Cử nhân Xã hội học (Bachelor of Social Work từ Trường Đại học San Diego State University) và đang trên hành trình thực hiện luận án Tiến sĩ Tâm lý học để phụng sự hữu hiệu cho Phật Giáo và cho nước Mỹ, Thượng Tọa Thích Thường Tín đã song hành phục vụ cho các tổ chức kết nối cộng đồng tại quận hạt San Diego, tiểu bang California, Hoa Kỳ (Community connections of San Diego County). Những đóng góp thiết thực của Thượng Tọa với nhiều tổ chức, cá nhân, với cộng đồng là công tác giáo huấn, trị liệu, chấn chỉnh, định hướng tâm lý cho vị thành niên phạm tội; rèn luyện, chuyển hóa phạm nhân, những người có tâm lý bất ổn, dẫn đến hành vi căng thẳng, mất kiểm soát... Thầy đã trực tiếp chỉ dạy, tư vấn, chỉ rõ hướng đi trong cuộc sống giúp cho họ lấy lại niềm vui, sự tự tin; đồng thời hạn chế tối thiểu những ảnh hưởng tiêu cực mà họ có thể gây ra cho bản thân, gia đình và xã hội.

Từ khởi gieo nhiều nhân duyên lành, Thượng Tọa Thích Thường Tín đã để lại ấn tượng đẹp, sự yêu kính trong lòng nhiều người. Và cũng nhờ vậy, năm 2000, Thượng Tọa đã có cơ hội trợ duyên Đại lão Hòa Thượng Thích Thanh Từ- Tông chủ Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam cũng là Viện chủ Tổ Đình Thiền Viện Thường Chiếu- Tọa lạc tại Huyện Long Thành, Tỉnh Đồng Nai, Việt Nam, tổ chức thực hiện buổi giảng pháp của Hòa Thượng ở một hội trường trong doanh trại quân đội Mỹ, tại thành phố San Diego, Tiểu bang California thành công trên cả mong đợi, với hơn ba ngàn Phật tử tham dự hoan hỷ, an toàn trong chánh niệm. Đồng thời, cũng trong chuyến đi đó, Thượng Tọa đã có cơ duyên đồng hành cùng Hòa Thượng trợ duyên cho sự ra đời của Thiền viện Trúc Lâm Đại Đăng hôm nay, tọa lạc tại số 6326 Camino Del Rey, thành phố Bonsall, quận hạt San Diego, tiểu bang California, Hoa Kỳ.

Có thể nói, nếu chúng ta không tha thiết, chú trọng việc ghi chép lại hành trình tu học và những thành tựu của các bậc tiền bối, thì hậu bối không có những tấm gương để noi theo và có lẽ, hậu bối sẽ vô tình mắc tội quên ơn... Bởi những đóng góp, hy sinh của các bậc tiền bối, không bận tâm đến việc mình có được tôn vinh hay không, mà chỉ hướng đến sự mở mang, dọn đường, giữ lối cho thế hệ sau. Tôn vinh các bậc tiền bối cũng là một cách chúng ta thể hiện lòng biết ơn và trách nhiệm tri ân, báo ơn...

Chính vì thế, Thượng Tọa Thích Thường Tín (Thích Tuệ Hạnh) đã không tránh khỏi sự bất ngờ, phân vân, khi tôi đặt vấn đề muốn viết về Ngài cho Kỷ yếu 40 năm thành lập Như Lai Thiền Tự. Có lẽ, không chỉ do sự tha thiết thuyết phục của tôi về mục đích, ý nghĩa của bài viết này, mà hơn thế nữa, Thượng Tọa cảm nhận được tấm lòng chân thành của những người con Phật đã và đang dõi theo Người qua quãng đường dài...

Thầy chia sẻ: “Có thể nói, may mắn lớn nhất của tôi khi đặt chân đến Mỹ là được tiếp tục tu học tại Như Lai Thiền Tự- San Diego. Hòa Thượng Viện Chủ nơi đây là một vị Cha thứ hai của tôi. Ngài đã hy sinh, bươn chải, gồng gánh nhiều Phật sự lớn lao, để cho một chồi măng Tăng như tôi được tiếp tục theo đuổi ước mơ đến trường của mình. Đồng thời, Ngài cũng chính là người động viên, khích lệ tôi tham gia các hoạt động xã hội và phục vụ quân ngũ sau sự kiện 9/11/2001, khi quân đội Mỹ kêu gọi chống khủng bố. Nhờ vậy, tôi đã được trở thành một trong những Sĩ quan duy nhất không cầm súng trong Ngành Tuyên Úy của quân đội Hoa Kỳ (the United States Army-Chaplain Corps). Vũ khí của tôi là giữ chánh niệm và hành hạnh Từ Bi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng những kiến thức, kỹ năng tôi được đào tạo tại Mỹ (the United State Army, Chaplain Corps in Fort Jackson, South Carolina, USA)...”


Năm 2006, khi nhận thông tin từ những đệ tử đã tham gia trong trận tuyến chống khủng bố tại Iraq, quân đội Hoa Kỳ đang chiêu mộ người có trình độ, năng lực đảm nhận vai trò Tuyên úy Phật giáo, Nhà Sư Thích Thường Tín đã sẵn sàng gia nhập quân đội như một cơ hội trả ơn nước Mỹ. Ngài đã trở thành sĩ quan Tăng Sĩ Phật giáo Việt Nam đầu tiên làm việc trong quân đội Hoa Kỳ với vai trò Tuyên úy. Thượng Tọa cũng chính là người Việt Nam đầu tiên đưa Phật giáo vào quân đội Mỹ- Nhà sư Tuyên úy Tommy Nguyen. Trách nhiệm chung của một Tuyên úy (chaplain) không chỉ được bổ nhiệm làm đại diện, hướng dẫn tâm linh, an ủi và xoa dịu nỗi khổ đau của các quân nhân Hoa Kỳ, mà Tuyên úy còn có thể đảm nhận trách nhiệm hướng dẫn tâm linh cho cả một tổ chức, đoàn thể thế tục như bệnh viện, nhà tù, đơn vị quân sự, cảnh sát, lính cứu hỏa, trường Đại học hoặc Nhà nguyện tư nhân. Tuyên úy Tommy Nguyen luôn sẵn sàng có mặt và làm tốt vai trò của mình trên tất cả các mặt trận, theo lệnh điều động của lãnh đạo quân đội, đáp ứng nhu cầu tâm linh đa dạng, mang lại sự ấm áp, an lành cho binh sĩ trong quân đội Hoa Kỳ với nhiều đức tin khác nhau. Ngài có thể kết nối, thân kỉnh quý Cha, quý Mục Sư cùng hòa hợp hướng dẫn tâm linh cho binh lính có đạo Ki-Tô giáo, Hồi giáo, Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo,v.v...

Mặc dù, theo Công ước Geneve, trong quân đội, Tuyên úy là người không tham chiến, cho nên trong bất kỳ trường hợp nào, Tuyên úy không bị coi là tù nhân chiến tranh và phải được trả về quốc gia của họ. Ngoại trừ, phe đối lập muốn giữ lại vị Tuyên úy để làm công tác tôn giáo cho tù binh. Tuy nhiên, theo tài liệu do cơ quan tình báo Mỹ thu thập: các tay súng bắn tỉa chiến đấu ở chiến trường Iraq của phe đối nghịch, các xạ thủ đã được thủ lãnh chỉ huy, phải tách ra khỏi nhóm để ẩn nấp, lén lút rình rập tấn công các kỹ sư, bác sĩ và Tuyên úy, nhầm làm lũng đoạn, thao túng hoàn toàn tinh thần chiến đấu của binh lính trong quân đội Mỹ. Qua đó, chúng ta có thể thấy được sứ mệnh cực kỳ quan trọng của Tuyên úy trong đời sống tâm linh của binh lực Hoa Kỳ.

Đặc biệt, là Tuyên úy Phật giáo người Việt Nam đầu tiên trong quân đội Mỹ, Thượng Tọa Thích Thường Tín đã đối mặt với nhiều áp lực, thử thách hơn những Tuyên úy mang sắc tộc truyền thống khác. Tuy nhiên, dù với ngoại hình khiêm tốn hơn nhiều Tuyên úy đồng nghiệp, dù xuất thân từ một quốc gia nhỏ, từng là nước gần như thuộc địa của Mỹ và là  người tỵ nạn, song, xuyên suốt thời gian binh ngũ, bản lĩnh, nội lực, sức thuyết phục của sĩ quan Tuyên úy Tommy Nguyen (Thượng Tọa Thích Thường Tín) đã khẳng định được vị trí nhất định trong lòng mọi người, được các Tuyên úy đồng nghiệp nể phục, binh lính yêu kính và là niềm tự hào của quân đội Hoa Kỳ. Bộc bạch về một trong những kỷ niệm sâu sắc đời binh nghiệp, Thượng Tọa cho biết: Vào năm 2010, lúc ấy Ngài chỉ mang quân hàm Trung úy và được đảm nhận vai trò tuyên đọc lời cầu nguyện trước lúc khai mạc đại lễ kết khóa của trên bốn ngàn binh sĩ Hoa Kỳ. Bước lên bục danh dự, trước nhiều vị tướng lĩnh cấp cao và trên bốn ngàn binh sĩ Hoa Kỳ, Ngài cất giọng to, trầm ấm Namo Shakya Muni Buddha- Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” (đọc 3 lần, mở đầu trước khi đọc lời cầu nguyện). Điều này, đã thật sự gây ấn tượng đặc biệt, gia tăng cảm xúc trang trọng, thiêng liêng trong lòng mọi người tham dự đại lễ. Tuy nhiên, trước đó lại chưa từng có tiền lệ. Cho nên, sau buổi lễ, viên sĩ quan lãnh đạo trực tiếp của Tuyên úy Tommy Nguyen đã bức xúc, gặng hỏi nhiều lần: “Sao Trung úy lại dám làm như vậy?! ”. Ngược lại với thái độ căng thẳng của cấp trên, Tuyên úy Tommy Nguyen không hề nao núng, tự tin, thong thả trả lời: “Thưa Ngài, nội dung có trong chương trình đã được duyệt kỹ từ cấp lãnh đạo cao nhất và đó là nghi lễ cần thiết, thể hiện sự tôn kính với đức tin của mình!”.



tt thuong tin-11


Vậy là từ đó về sau, nghi thức niệm Hồng danh Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni luôn được khởi xướng trước các buổi cầu nguyện, thuyết giảng và trở thành phổ biến với các Tuyên úy Phật giáo trong quân đội Hoa Kỳ. Cũng dễ hiểu về sự ngạc nhiên, khó chịu của vị sĩ quan cấp cao trước sự kiện trên, vì trước đó chưa từng có vị Tuyên úy Phật giáo nào thực hiện đúng nghi lễ như vậy. Bởi trước đó, Tuyên úy quân đội là một giáo sĩ tự nguyện hỗ trợ mục vụ, hướng dẫn tâm linh, củng cố tinh thần cho các binh sĩ tham chiến, thực hiện các nghi lễ tôn giáo tại khu vực đóng quân của quân đội Hoa Kỳ trước đó, hầu hết họ là các linh mục, mục sư Ki- Tô giáo, Thiên Chúa giáo, Cơ Đốc giáo, đảm nhiệm luôn vai trò Tuyên úy Phật giáo. Trong quân đội Hoa Kỳ, các Tuyên úy không chỉ là những công dân Mỹ tiêu biểu, đạt nhiều văn bằng chứng chỉ đặc biệt của quốc gia về thần học, về xã hội học,... mà tất cả các sĩ quan Tuyên úy còn phải trải qua các chương trình huấn luyện đặc biệt nghiêm ngặt về mọi phương diện của quân đội Hoa Kỳ, về áp chế nội lực, bản lĩnh, kỹ năng trong mọi tình huống, nhằm hun đúc vai trò “người giữ lửa, người truyền lửa”, là điểm tựa tinh thần, là ánh sáng tâm linh của mọi binh sĩ... 

Thượng Tọa Thích Thường Tín cũng chia sẻ, đối với hầu hết chiến binh là Phật tử đã được thọ Tam Quy Ngũ Giới, khúc mắc nội tâm thường gặp nhất với họ là mặc cảm tội lỗi trước khi ra trận hoặc nỗi ám ảnh từ chiến trận trở về với tâm lý: mình đã phạm “giới sân si, sát sanh”. Với vai trò Tuyên úy Phật giáo, Thầy phải tận tình phân tích để hóa giải, định hướng cho các Phật tử chiến binh rằng: Các bạn đang là những Hộ Pháp, với nhiệm vụ cao cả là bảo vệ sự bình yên của biết bao nhiêu người dân vô tội (trong đó có những người thân, bạn bè của mình) và góp phần bảo vệ hòa bình cho nhiều quốc gia. Các bạn là niềm tự hào không chỉ của quân đội Hoa Kỳ mà là của nhiều dân tộc, của nhiều quốc gia yếm thế đang được Mỹ bảo hộ... Các bạn là những người hùng, là những người con Phật đáng được kính trọng vì đã hy sinh cá nhân mình để bảo vệ chân thiện mỹ...

Chặng đường 14 năm phục vụ quân đội Hoa Kỳ (2006-2020), Nhà sư Tuyên úy Tommy Nguyen không chỉ là người hướng dẫn tinh thần cho tất cả anh em binh sĩ mọi tôn giáo, mà Ngài còn trở thành người đỡ đầu hướng dẫn tâm linh (được nhiều binh sĩ tin cậy trong vai trò chủ hôn, đại diện hôn sự, tang sự và hỷ sự), là người anh, người bạn luôn gần gũi đồng hành (chia sẻ mọi uẩn khúc, phiền não), dẫn dắt tinh thần các anh em binh sĩ hàng ngày phải đối mặt với cái chết khi tham chiến, giải tỏa những khúc mắc trong tâm hồn họ, giúp họ nhận thức ý nghĩa cao cả việc họ đang làm, con đường họ đang đi để hướng đến hòa bình, hướng đến những điều thiện lành, tốt đẹp cho mọi người... Đồng thời, Nhà sư Tuyên úy Tommy Nguyen cũng đã tổ chức nhiều chương trình hướng Đạo cho binh sĩ Mỹ như: các khóa tu thiền, các buổi chia sẻ Phật pháp và hướng dẫn hành pháp ngay trong đời sống thường nhật của một binh sĩ... Đó cũng chính là trách nhiệm nâng cao đời sống quân kỷ và cũng là hành Bồ Tát Đạo mà Thượng Tọa Thích Thường Tín đã cống hiến cho cuộc đời này. Ngài đã góp phần lan tỏa hương Từ Bi của Đức Phật không chỉ trong quân đội Hoa Kỳ mà trong hành trình mọi nơi Ngài đến (gần 20 quốc gia trên thế giới) để thực thi nhiệm vụ Tuyên úy Phật giáo của mình. Có lẽ, đó cũng chính là thành tựu lớn lao nhất trong tất cả các thành tựu mà Ngài được vinh danh trên xứ sở Cờ Hoa.

Ở một góc khuất khác, sau lưng những thành tựu của Nhà Sư Tuyên úy Phật giáo Tommy Nguyen cũng có bóng dáng của một người phụ nữ như mọi người thường nói. Đó chính là Người Mẹ rất ư đặc biệt của Ngài. Bà Trương Phương Vân, Pháp danh Ngọc Đào- là đệ tử của Thích Nữ Thận Liên- Viện chủ, Trụ trì Tịnh Xá Ngọc Cảnh, tọa lạc phường 3, TP.Đà Lạt, Việt Nam. Ni Trưởng cũng chính là chị ruột của Phật tử Ngọc Đào và Ni Trưởng cũng chính là Người dẫn dắt những bước đi đầu tiên trên con đường tu học Phật của Chú Tiểu Sadi Thường Tín.

Thân mẫu của Thượng Tọa chia sẻ về Người con trai duy nhất trong gia đình mình: “Có thể nói, ông Thầy là một người con tuyệt vời nhất trong tất cả những người con tuyệt vời trên thế gian này. Chắc nhờ từ nhiều kiếp trước mình có tu, nên kiếp này mình được may mắn làm mẹ một người con như vậy. Vì sợ chi phối, ảnh hưởng đến việc tu học, ảnh hưởng đến công tác của con, nên mình hiếm khi chia sẻ, tâm sự những việc riêng tư với Thầy. Tuy nhiên, thật lạ lùng là ông Thầy dường như thấu hiểu hết tất cả nỗi lòng của người mẹ. Mình thật sự hạnh phúc với tất cả những điều người con này mang đến cho gia đình và cho mọi người. Có nhiều lúc, mình cũng ngạc nhiên về sự sắp xếp, tổ chức chu đáo đến lạ thường của Thầy. Cho dù Phật sự đa đoan, cho dù binh sự kỷ cương và cho dù ở xa hay ở gần, Thầy luôn là điểm tựa tinh thần không chỉ cho mẹ, mà còn cho tất cả chị em, con cháu trong đại gia đình. Tất cả mọi thành viên trong đại gia đình đều giống nhau, cứ nghĩ đến Thầy là cảm nhận ngay sự ấm áp, yêu thương và sự hy sinh vô bờ bến... Biết con trải qua rất nhiều kham khổ, gian truân, nhưng người làm mẹ này chỉ biết cầu nguyện cho con luôn được khỏe mạnh, an lành!...


tt thuong tin-12


Hành trình tu học và phụng sự của Thượng Tọa Thích Thường Tín (Thích Tuệ Hạnh) không chỉ ngát hương Từ Bi mà còn là tấm gương đạo hạnh cho nhiều thế hệ hậu bối. Trong đó có Đại Đức Giác Minh Luật- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhân Sinh, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Tâm lý học, Trường Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya (MCU), Thailand- Người được mệnh danh Nhà sư triệu view, được đông đảo bạn trẻ, Phật tử trong và ngoài nước yêu mến, Đại đức chia sẻ: “Mình rất hạnh phúc và may mắn khi có duyên tiếp xúc, học Pháp với Thầy Tuệ Hạnh từ những ngày đầu đến Mỹ. Thầy là một vị Thầy có trình độ Phật học sâu rộng, có lý tưởng lớn và tâm nguyện lớn trong việc đưa Phật pháp vào xã hội Mỹ như quân đội, bệnh viện, nhà tù… giúp nâng cao vai trò của Tăng sĩ Phật giáo trong xã hội như: Tâm linh, đạo đức, văn hoá và giáo dục. Vì vậy, mình rất lấy làm kính trọng, học hỏi tâm hạnh dấn thân của Thầy, một vị xuất sĩ hành Bồ- Tát hạnh...

Cuộc đời và sự nghiệp của Thượng Tọa Thích Thường Tín (Thích Tuệ Hạnh) đã góp phần tô đẹp thêm bản trường ca Pháp Hoa, nối gót các bậc cao nhân đạt Đạo của truyền thống Phật giáo Việt Nam, không chỉ được lưu truyền qua nhiều thế hệ, mà còn được nhân rộng trên nhiều quốc gia, đặc biệt là cường quốc Hoa Kỳ. Từ xa xưa, Nhà thơ Trúc Thiên cũng đã khắc họa hình ảnh các vị thiền sư, hào sĩ Phật giáo qua bài thơ Đường Đi Lên:   

              “...Đường đi lên có Trần triều Thái tổ,

     Tay khiển trượng thiền tay vó câu

               Thế đạo suy vi cường khấu ngặt

               Ngàn xưa đuốc tuệ rạng ngàn sau...”

Trên đường học Phật, mỗi chúng ta đều đi với phước và nghiệp của chính mình. Song, nếu ai đó được hội đủ nhân duyên lành, được học hỏi, nương cậy hạnh từ bi của những bậc cao Tăng đức độ, chắc chắn người ấy sẽ không lầm đường lạc lối, mà nương theo chánh Pháp, sớm hóa giải mọi oan nghiệp và hướng về nẻo giác...

                                                                                    

                                                                                       Phật tử  TÂM THÔNG

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/05/2024(Xem: 5193)
Huế thường được mệnh danh là “Kinh đô Phật giáo” chẳng phải vì cảm hứng nghệ thuật hay cường điệu vẽ vời mà chính vì Huế có tới 332 ngôi chùa và niệm phật đường lớn nhỏ, trong đó có khoảng 100 ngôi cổ tự. Các ngôi chùa ngày nay hầu như đều được trùng tu nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính, căn bản mang đậm màu sắc văn hóa Phật giáo. Dẫu là dấu tích truyền thống của tôn giáo nhưng những ngôi chùa cổ của Huế vẫn tiềm tàng những giá trị tâm linh, văn hóa, lịch sử của vùng đất cố đô.
09/05/2024(Xem: 4816)
Nhị vị canh cánh bên nhau suốt cả cuộc đời. Nhị vị cùng tòng học với Ngài BÍCH LIÊN ( Bình Định) rồi nhị vị dấn thân ĐEM ĐẠO VÀO ĐỜI , mỗi vị mỗi phong cách, mỗi vị một vị thế khác nhau, nhưng mỗi vị đều trung trinh lý tưởng : Coi việc phụng sự Phật pháp như là việc Nhà ( Hoằng Pháp vi gia vụ ) Nhị vị trọn đời trung trinh “ Thượng cầu Phật Đạo, hạ hóa chúng sanh.
07/05/2024(Xem: 3709)
Hòa Thượng thế danh NGUYỄN HƯỚNG, pháp danh TÂM HOÀN tự GIẢI QUY, hiệu HUỆ LONG, thuộc dòng thiền phái Lâm Tế đời thứ 43. Hòa Thượng sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tý (1924) trong một gia đình môn phong Nho giáo tại làng Phú Thành, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Giòng họ Nguyễn Phúc định cư dưới chân đồi Phốc Lốc tính đến đời Ngài đã trải qua 7 đời.Thân phụ là cụ ông Nguyễn Phúc Trì tự Tung pháp danh Không Đảnh, đích mẫu là cụ bà Trần Thị Kiện mất sớm, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Chiếu pháp danh Không Chiêu, ông bà đều là đệ tử quy y với Quốc Sư Phước Huệ trú trì Tổ Đình Thập Tháp Di Đà. Thân phụ Ngài là một Hương chức trong làng, một vị đồ Nho giỏi văn chương thi phú, tín ngưỡng tôn sùng Phật giáo, ông bà sống rất phúc đức nhân hậu với mọi người. Gia đình Hòa Thượng có mười anh em(5 anh em trai, 5 chị em gái) Ngài là con thứ tám. Người anh cả của Hòa Thượng tục danh Nguyễn Cao theo Pháp Sư Phổ Huệ vào Nam, sau đó ở lại định cư lập nghiệp tại Vĩnh Long, người anh th
13/04/2024(Xem: 2531)
Trang nghiêm Đức Trí châu viên Thậm thâm Bát Nhã bên triền KHỔ KHÔNG Hành vô hành hạnh quán thông LỜI VÀNG KINH PHẬT trãi dòng Chân Như Niết bàn tịnh cảnh vô dư Nhập Như lai tạng như NHƯ LAI về Nhân gian mát bóng Bồ Đề Ma ha Bát Nhã quy về diệu âm.
11/04/2024(Xem: 3776)
Thời gian chưa bao giờ ưu ái riêng dành cho người vô tâm, một khoảng lặng, một quán trọ dừng chân. Chiếc kim đồng hồ cứ hồn nhiên miệt mài quay mãi quay về phía bên phải. Thị nhật cứ dĩ quá, Thân mạng sinh linh,ngũ uẫn èo uột cứ xí thịnh, cứ tùy giảm, như cá trong ao, ngày từng ngày cạn nước.Tuy nhiên, các hành giả hành thiền thì họ lại có khả năng CHỈ và QUÁN Họ tinh ý vận dụng tâm thức , biết tìm cách, tạo cho mình một khoảng lặng, một điểm dừng, một nơi chốn yên bình thanh thản nào đó để chiêm nghiệm, để hồi tưởng,để niệm tưởng một chân nhân ; soi tâm mình vào một phiến gương trong trẻo... một nhân cách khoáng hoạt, một chân chân liễu giác những ảnh hình trác việt ấy, đạo phong họ đủ làm mô phạm cho bản tâm mình trên lộ trình tu tập.
01/04/2024(Xem: 43157)
Phật giáo Việt Nam trong hai thế kỷ cận đại và hiện đại, xuất hiện một số nhân vật đạo hạnh cao vời, kỳ tài xuất chúng, có những cống hiến to lớn, dài lâu cho Đạo pháp và Dân tộc. Ngôn ngữ nhà Thiền xưng tụng những vị này là Bồ-tát, Đại sĩ, Thánh Tăng, hay Long Tượng, là những tôn danh chỉ được tìm thấy trong kinh điển, sử sách, trong lịch sử truyền miệng hoặc trên những bia đá ngàn năm nơi cổ tháp. Triết gia Phạm Công Thiện trong buổi ra mắt tác phẩm “Huyền Thoại Duy Ma Cật” của Hòa thượng Tuệ Sỹ tại thành phố Houston, tiểu bang Texas ngày 04 tháng 11 năm 2007, đã gọi tác giả là “bậc Long Tượng: Tuệ Sỹ” và diễn giải thêm, “Long Tượng là bậc Thầy của cả một dân tộc, nếu chưa muốn nói là bậc Thầy của thế giới.”
24/03/2024(Xem: 3106)
Từ năm 1990 thầy bổn sư (thầy thế phát xuất gia Hoà Thượng Thượng TRÍ hạ YÊN) dẫn chúng con vào Chùa Khánh Long Q4 TPHCM đê đầu y chỉ cầu pháp nơi Thầy (Ni Trưởng Thượng Tâm Hạ Hoa) để nương đức thầy ni tu học. 5 huynh đệ chúng con gồm: chị Tâm Như, Tâm Tuyền, Tâm Thành, Tâm Nguyện và con được gửi bên chùa Khánh Long, còn chị Chúc Diệu, Chúc Tánh gửi sang bên chùa Bồ Đề. Kể từ đó, Thầy đã che chở dạy dỗ dắt dìu cho chúng con. Lúc đó con được thầy nhờ cô Hạnh Minh có quen cô giáo dạy trường Khánh Hội giúp hồ sơ chuyển trường từ Ayunpa lên TP để cho con nhập học từ lớp 8 vào lớp 9.
16/02/2024(Xem: 3894)
Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Tu, thế danh Nguyễn Tấn Hưng, sinh năm Nhâm Tuất (1921), tại xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ngài là con thứ trong gia đình có 4 anh chị em; thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Thời, cụ bà là Trần Thị Thất.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com